Hành trình của khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn và Địa bạ Nam kỳ 1836
Tác giả bài viết: NGUYỄN HỮU HIẾU – NGUYỄN THANH THUẬN
Cũng như các quốc gia độc lập có chủ quyền khác trên thế giới, nước ta cũng đang sở hữu một khối văn thư luu trữ khổng lồ, được tích lũy qua nhiều triều đại, thể chế chính trị; mặc dù không còn đầy đủ như nó vốn có, nhưng nó là khối tài sản vô cùng quý báu, nó là di sản của tiền nhân, là bảo vật quốc, chứa đựng những gì mà bao thế hệ tiền nhân muốn để lại cho hậu thế.
1.
Hiện nay, cơ quan vinh dự được giao cho nhiệm vụ quản bảo khối bảo vật này là Cục Văn thư-Lưu trữ nhà nước và khối di sản này được chia ra quản lý ở bốn Trung tâm (TT) Lưu trữ quốc gia (TTLT). TT.I và III ở Hà Nội, TT.II ở TP. Hồ chí Minh, TT.IV ở Đà Lạt, theo nội dung và đặc điểm của tài liệu(1).
Về tư liệu Hán Nôm, hiện nay được lưu trữ, bảo quản ở ba TT:
Trung tâm I đang quản lý khối tài liệu to lớn, khoản hơn 4.000m kệ chứa tư liệu, gồm các khối tư liệu: Khối tư liệu Hán Nôm: gồm Châu bản, Địa bạ triều Nguyễn, các sách do Quốc sử quán biên soạn in ấn, các sách ngự lãm của các hoàng đế trong thư viện hoàng gia trước đây cùng các phông sưu tập khác, như Nha Kinh lược Bắc kỳ, Nha huyện Thọ Xương, sưu tập thời Hồng Đức, Tây Sơn… Trung tâm II hiện đang lưu trữ khối tài liệu Sổ bộ Hán Nôm (Các loại văn bản liên quan đến tình hình nạp thuế ở các địa phương từ 1819-1918). TT. III lưu trữ khối tài liệu bằng mộc bản.
Đối với hai khối tư liệu Châu bản triều Nguyễn và Địa bạ Nam kỳ 1836 là những tài liệu vô cùng quan trọng cho công tác nghiên cứu lịch sử văn hóa và cả kinh tế Nam bộ trong hai thế kỷ XVIII, XIX.
Châu bản là các văn bản thuộc thẩm quyền hoàng đế ban hành và các loại tấu sớ của các cơ quan trung ương (Nội các, Cơ mật viện, Quốc sử quán, Tôn nhân phủ, lục bộ…) hoặc của các tỉnh thần địa phương tâu lên được hoàng đế phê chuẩn bằng mực son tàu (châu phê). Nó là cơ sở chính thống để Quốc sử quán biên soạn các bộ lịch sử. Còn Địa bạ là sổ mô tả ghi chép về quyền sở hữu từng mảnh ruộng đất, với diện tích, tứ cận cụ thể của từng sở hữu chủ, khác với điền bạ là sổ tính thuế ruộng đất. Địa bạ làm một lần khi đo đạc, còn điền bạ mỗi năm làm một lần. Trước cách mạng tháng Tám 1945, hai khối tài liệu này lưu trữ ở Tàng Thư Lâu (Huế).
2.
Ở Việt Nam công tác lưu trữ được hình thành và phát triển rất sớm cùng với các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Kế thừa thành quả và kinh nghiệm của các triều đại trước, đến thời nhà Nguyễn mọi văn bản hình thành trong hoạt động của bộ máy nhà nước đều được lưu giữ bảo quản chu đáo. Tàng Thư Lâu và các cơ quan chuyên trách về lưu trữ được thành lập. Dưới thời Pháp thuộc, công tác lưu trữ ở nước ta đặt dưới sự quản lý tập trung quản lý theo kỹ thuật phương Tây. Năm 1917, Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương được thành lập, trực thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương, tổ chức lại các kho lưu trữ cùng với việc chỉ đạo và thanh tra công tác đặc biệt này.
Năm 1938, Ngô Đình Nhu(2) về nước làm việc ở Văn khố Phủ toàn quyền Đông Dương (Hà Nội). Năm 1943, ông được chuyển sang làm giám đốc Văn khố Tòa khâm sứ Huế. Về sau được Văn phòng Nam triều mời giữ chức chủ tịch hội đồng chỉnh đốn châu bản và văn khố nhà Nguyễn. Trong thời gian 3 năm, từ 1942 đến 1944, với vai trò Chủ tịch Hội đồng cứu nguy châu bản và Cố vấn kỹ thuật, Ngô Đình Nhu đã đóng góp một phần quan trọng vào việc tập trung tài liệu của 5 nguồn (Quốc Sử quán, Tàng Thơ lâu, Nội các, Viện Cơ mật trước đó và Thư viện Bảo Đại) vào cơ quan Lưu trữ và Thư viện của chính phủ Nam triều.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác này, nên ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phú Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký sắc lệnh cử Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện Quốc gia tại Hà Nội. Ông phục vụ cho ngành lưu trữ đến năm 1946.
Trước khi cuộc kháng chiến chống Pháp (1945- 1954) kết thúc, người Pháp có đưa một khối lớn văn thư lưu trữ của Việt Nam về Pháp hiện đang lưu trữ nhiều nơi trên đất Pháp, phần lớn tại Paris.
Trong thời gian sau khi Nhật đảo chính (9-3-1945) đến khi ký kết Hiệp định Genève (7-1954) các văn khố ở kinh đô Huế hầu như không người quản lý, không biết bao nhiêu văn bản hư mục, mất mát, đem bày bán làm giây vấn thuôc rê đầy rẫy ở nhiều chợ trên đất kinh đô Huế(3).
Đến năm 1959, chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) thành lập Nha Giám đốc Văn khố và Thư viện toàn quốc trực thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, cho chuyển tất cả châu bản, mộc bản, sách cổ và sách ngự lãm về Đà Lạt để bảo quản trong điều kiện khí hậu tốt hơn Huế.
Ngày 28-1-1973, Thủ tướng VNCH đã ban hành sắc lệnh số 18-SL/QVK/VH cải danh Nha Văn khố và Thư viện quốc gia thành Nha Văn khố quốc gia(4). Đến tháng 3-1975, để bảo đảm an toàn cho các tài liệu lưu trữ trước sức tiến quân ào ạt của Quân Giải phóng, các tài liệu châu bản, địa bạ, sách cổ, sách ngự lãm… vội vã chuyển về Sài Gòn.
Sau năm 1975, đáp ứng yêu cầu thống nhất xây dựng và phát triển công tác văn thư lưu trữ, năm 1976, Nha Văn khố quốc gia thuộc chính phủ VNCH bàn giao cho Sở Lưu trữ miền Nam (thuộc Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng) và ngay sau đó, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng thành lập kho Lưu trữ Trung ương II (thuộc Cục Lưu trữ) đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đến năm 1991, để thống nhất quản lý các kho tư liệu trong phạm vi cả nước, các kho châu bản, địa bạ, sách cổ và sách ngự lãm ở Trung tâm Lưu trữ II phải chuyển ra Hà Nội cho Trung tâm Lưu trữ I để bảo quản và xử lý kỹ thuật.
3.
Đối với hoạt động học tập, phổ biến kiến thức, nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và cả kinh tế về Nam bộ, khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn và Địa bạ Nam kỳ 1836 có vai trò quan trọng đặc biệt, có thể nói nó còn mang tính quyết định chất lượng của công trình, nếu khối tài liệu này được khai thác đúng mức. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do nhiều yếu tố khách quan tác động, khối tài liệu này chưa phát huy được giá trị của nó.
Chính vì vậy mà có một số công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội của xã hội và cả tính cách con người Nam bộ có cái nhìn lệch lạt méo mó, không thật như đối tượng vốn có.
Với công trình nghiên cứu Địa bạ Nam kỳ 1836 của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu chỉ mang tính khái quát, nhưng cố giáo sư Phan Huy Lê đã đánh giá: “Anh Nguyễn Đình Đầu đi đầu trong việc khai thác kho tư liệu (Địa bạ) cực kỳ phong phú này… Kết quả nghiên cứu của nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đặt lại một số vấn đề buộc các nhà khoa học phải kiểm tra lại nhận thức cũ của mình”(5). Từ công trình này Giáo sư Trần Văn Giàu nhận định: “Thật vậy, công trình này sẽ khỏa lấp một phần, một phần đặc biệt quan trọng trong sự tìm hiểu đất nước và dân tộc Việt Nam”(6).
Đối với khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn, đặc biệt là Châu bản thời Tự Đức có nhiều Châu bản liên quan đến công cuộc chống Pháp ở Nam kỳ; trước đây có rất ít nhà nghiên cứu, luận án sau đại học trong nước có điều kiện tiếp cận. Gần đây được sự tạo điều kiện thuận tiện của Trung tâm LTQG1, chúng tôi tiếp cận được kho tư liệu này và sơ bộ trích chọn ra được gần 200 châu bản thuộc loại này; qua đó giúp chúng ta có cái nhìn khác với trước đây về thái độ của nhà Nguyễn trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu ba trong số châu bản nói trên:
Châu bản liên quan đến Nguyễn Trung Trực – Hồ Huân Nghiệp:
Dịch nghĩa:
“Chúng thần viện Cơ mật tâu: Ngày tháng 12 năm ngoái, nhận được phiến tấu của quan Điển Nông sứ Phan Trung, căn cứ thám báo gửi về sự trạng tử tiết của Hồ Huân Nghiệp và Nguyễn Trung Trực, đã tâu trình đầy đủ lên, vâng được châu phê: Xem xét lại cho rõ đầu đuôi sự trạng của 2 người đó, xuất thân từ đâu, từng làm quan chưa, theo người nào, làm việc gì, chết ngày nào mới có thể biết xứng đáng hay không, rồi tâu hết lên. Chúng thần đã lục giao thực hiện. Nay nhận được phúc của viên đó nói rằng, Hồ Huân Nghiệp, Nguyễn Trung Trực làm gì, chết ngày nào, thì hỏi các người Trung Nam đến nói không biết rõ. Xin chờ viên đó phái người do thám cho rõ xin sẽ phúc đáp”.
Châu bản liên quan đến Võ Duy Dương:
Dịch nghĩa:
“Viện Cơ mật tấu: Ngày mùng 4 tháng trước, tiếp nhận 1 bản mật phúc của Thự Tổng đốc Bình Phú là Thân Văn Nhiếp đã kính cẩn dâng lên. Vâng xét: Ngày tháng 5 năm nay, viện thần vâng làm tờ phiến liệt kê công trạng người miền Nam xin cho thưởng, có ghi kèm: Võ Duy Dương quê huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định, xin mật thư về tỉnh ấy dò hỏi viên này có con cháu hay không, phúc trình đầy đủ để xét thưởng. Theo tờ tư của viên Đốc thần tỉnh ấy ghi: Người anh ruột của Dương là Võ Hữu Biểu, Võ Duy Tân khai rõ rằng em ruột của y là Võ Duy Dương cũng lần lượt theo làm việc quân. Lại tỉnh ấy đã cấp cho mẹ già (hiện nay 71 tuổi) mỗi tháng 1 phương gạo và 5 quan tiền. Vợ cả của Dương sinh 1 con trai là Võ Duy Cung (hiện nay 11 tuổi), vợ lẽ sinh 1 con trai là Võ Duy Phụng (hiện nay 13 tuổi). Viên Đốc thần ấy lại đem những người chết vì việc nghĩa đã dò hỏi được từ Nguyễn Quang đến Nguyễn Thị Diệu gồm 38 người, liệt kê phía sau. Trong bản sách này Võ Duy Dương được đề nghị xét công đầu truy thọ Quản cơ chánh tứ phẩm. Hai con còn nhỏ của ông ta xin được ghi tên đợi sau này trưởng thành sẽ do quan địa phương sở tại tâu xin được tập ấm. Lại từ Võ Duy Dương và Nguyễn Quang gồm 39 người, xin được theo phê bảo cho lập 1 đàn tế tự để an ủi vong linh người đã mất. Khoản này nếu được chuẩn y, xin để tỉnh thần Khánh Hòa chi xuất tiền công, mua sắm lễ, cùng với Phan Trung chọn ngày soạn bài văn lập đàn tế tự.
Châu phê: “Nay nhân tế tặng quan viên, truyền chọn ngày sắm đủ lễ phẩm, dùng lễ nghi trọng hậu tế những người tuẫn nghĩa ở Nam kỳ…”.
Châu bản liên quan đến Lê Chất: số ký hiệu Tự Đức 381, tờ 16.
Dịch nghĩa:
“Nguyên coi toán lính chiến tâm, tỉnh Định Tường được thưởng thụ Chánh đội trưởng suất đội, quyền sung quản toán là Lê Văn Chất bẩm rằng: viên ấy trước đây ở phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Năm Tự Đức thứ 13 (1860), Gia Định hữu sự, y được quan lãnh tỉnh Định Tường cấp bằng ra sức chiêu mộ được 50 người khỏe mạnh lập thành một đội theo tỉnh sai phái đánh dẹp giặc, được theo lệ thưởng thụ Chánh lục phẩm suất đội, lãnh một đạo sắc văn. Khi tỉnh ấy không giữ được, y lưu lạc trong dân, ngầm về chiêu tập đội cũ chứ không nản chí. Viên ấy đổi tên là Lê Văn Xán theo tỉnh Hà Tiên sai phái. Nay thừa lịnh kê khai.
Ngày mùng 4 tháng 2 năm Tự Đức thứ 19 (1866)
Lê Văn Chất ký Viên chép tờ khai ký”
Hiện nay, Cục Văn thư Lưu trữ có chủ trương đưa tư liệu ra công chúng để phát huy giá trị của nó. Hy vọng trong tương lai gần, trong nước sẽ xuất hiện các công trình luận án tiến sĩ ngang tầm với các tác phẩm của Li Tiana, Yoshihara Tsuboi, Choi Byung Wook…
Văn hóa Việt Nam là văn hóa chữ Hán, với di sản Hán Nôm đồ sộ trong các kho lưu trữ, bị gãy khúc bởi cuộc xâm lăng và thống trị của thực dân Pháp cùng với sự xuất hiện chữ Pháp và chữ “quốc ngữ Latin”. Sự gãy khúc này có nguy cơ đứt đoạn, nếu chúng ta không kịp thời đưa chữ Hán vào chương trình giáo dục phổ thông, như ở Nhật và Hàn quốc hiện nay; như ngay cả khi người Pháp còn thống trị nước ta; mở đường cho việc đào tạo đội ngũ chuyên viên am tường chữ Hán ở bậc đại học hay trên nữa. Như vậy, chúng ta mới có chìa khóa mở được kho tàng di sản văn hóa do tiền nhân lưu lại, mà không trông chờ người. ■
Chú thích:
1. Bội Nội Vụ, Giới thiệu Cục Văn thư & Lưu trữ Nhà nước, Hà Nội, 2017.
2. Ông sinh năm 1910 tại xã Phước Qua, tổng Cự Chánh, (nay thuộc huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế). Là con trai của Ngô Đình Khả, Thượng thư Bộ Lễ dưới triều vua Thành Thái. Sang Paris theo học tại trường cổ tự học Quốc gia (Ecole Nationale des Chartes), năm 1938 ông về nước, ông được bổ nhiệm Lưu trữ viên – Cổ tự tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương ở Hà Nội.
3. Nguyễn Đình Đầu Tổng kết nghiên cứu Địa bạ Nam kỳ, Nxb Tp.HCM, 1994, tr.39.
4. Nghiêm Ky Hồng Khái quát về Lưu trữ Việt Nam Cộng Hòa (1955- 1975), http://luutru.hcmussh.edu. vn/?ArticleId=77df671b-b67c- 404a-bc75-e7fal867def8
5. Nguyễn Đình Đầu (1994), sđd, 12.
6. Nt.
*** Hình ảnh trong bài viết: Kính mời quý độc giả xem hình ảnh trong tệpPDF đính kèm bên dưới.
Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay, số 498 tháng 8 năm 2018
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Hành trình của khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn và Địa bạ Nam kỳ 1836 (Tác giả: Nguyễn Hữu Hiếu – Nguyễn Thanh Thuận) |