Hát kể sử thi – Tiềm năng du lịch văn hóa dân gian của tộc người thiểu số Tây Nguyên: Trường hợp hát kể sử thi Mơ Nông

Tác giả bài viết: HÀ THỊ THỚI
(Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh)

TÓM TẮT

     Sử thi Tây Nguyên (sử thi Mơ Nông) là vốn văn hóa di sản phi vật thể cần được bảo tồn một cách cấp thiết. Trong phạm vi bài viết này, bằng phương pháp nghiên cứu tài liệu và phương pháp nghiên cứu liên ngành, chúng tôi đề xuất một giải pháp bảo tồn sử thi dưới dạng một tiềm năng du lịch văn hóa dân gian theo hình thức “slow tourism27”.

Từ khóa: Sử thi, di sản văn hóa phi vật thể, du lịch, du lịch văn hóa dân gian.

1. Tổng quan 

     Sử thi là một loại hình văn học dân gian đặc biệt, có hình thức của lời nói vần, thơ ca nhưng lại có nội dung mang tính tự sự. Sử thi xét trên phạm vi thế giới được xếp vào hàng loại hình văn học dân gian có số lượng ít và phân bố không đều giữ các quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam, cho đến thời điểm hiện tại, sử thi chỉ mới được phát hiện ở một số ít tộc người ở Tây Bắc và Tây Nguyên.

     Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không đi sâu vào đặc điểm loại hình nghệ thuật của sử thi mà chúng tôi tiếp cận sử thi với tư cách là một tài nguyên mang tính tiềm năng của du lịch văn hóa dân gian. Cho nên, chúng tôi chỉ điểm qua các công trình có phạm vi nghiên cứu gần với phạm vi của bài viết.

     Trong 2 công trình Văn hóa cổ truyền Mơ Nông và sự biến đổi trong xã hội đương đại (2018) và Vai trò của văn hóa truyền thống các tộc người bản địa Tây Nguyên đối với sự phát triền bền vững vùng (2019), tác giả Đỗ Hồng Kỳ, có bàn đến thực trạng về đời sống của sử thi trong cộng đồng người Mơ Nông dưới sự tác động của quá trình hiện đại hóa kinh tế, xã hội, văn hóa. Tác giả đưa ra giải pháp chân dung hóa các nhân vật anh hùng trong sử thi, và phát triển các câu lạc bộ sử thi để kéo dài đời sống của sử thi và đem sử thi đến gần với nhận thức của tộc người Mơ Nông ngày nay. Trong sự nhìn nhận của tác giả, sử thi chỉ là một loại hình nghệ thuật dân gian cần được bảo tồn, chứ chưa phải là một loại tài nguyên của du lịch văn hóa dân gian.

2. Phương pháp

     Để tiến hành nghiên cứu, chúng tôi thực hiện bằng hai phương pháp chính đó là phương pháp nghiên cứu tài liệu và phương pháp nghiên cứu liên ngành. Phương pháp nghiên cứu tài liệu dùng để hệ thống và phân tích các tài liệu về sử thi Mơ Nông đã được xuất bản, và cũng cho chúng tôi một cái nhìn tổng quan rằng chưa có một kết quả nghiên cứu nào về tiềm năng du lịch văn hóa dân gian “hát kể sử thi” của tộc người thiểu số Tây Nguyên nói chung và tộc người Mơ Nông nói riêng. Từ nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành giữa văn học, văn hóa và kinh tế – du lịch, để nhìn thấy được mối tương quan giữa chúng, và tìm ra được một con đường cho sự bảo tồn sử thi (Tây Nguyên) – một nhiệm vụ cấp thiết và sự phát triển kinh tế đời sống tộc người.

3. Kết quả/Thảo luận

     Du lịch văn hóa dân gian (folklore tourism) là một khái niệm đã được nhiều nước trên thế giới đề cập, và ở Việt Nam, chúng ta cũng đang phát triển hình thức du lịch này để tận dụng các lợi thế về tiềm năng văn hóa dân gian nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, hình thức du lịch này vẫn đang là vấn đề buộc những nhà phát triển du lịch phải đầu tư và sáng tạo hơn nữa bởi chúng chưa được khơi dậy tiềm năng phát triển như chúng vốn có.

     Thực trạng đời sống sử thi của tộc người Mơ Nông

     Tộc người Mơ Nông có khoảng 89 nghìn ngƣời, cƣ trú tập trung ở các huyện Chư Jut, Đắk Min, Đắk Sông, Kiến Đức, Tuy Đức, Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Ngoài ra người Mơ Nông ở Việt Nam còn sinh sống ở các vùng thuộc tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Bình Phước. Người Mơ Nông có các nhóm địa phương là Prech, Biăt, Nong, Bu Nơi, Đip, Rơ Ong, Gar, Rlâm, Kuêng, Prâng. Người Mơ Nông theo chế độ song hệ, tuy nhiên, yếu tố mẫu hệ nổi trội hơn. Mỗi gia tộc sống trong ngôi nhà dài tới 40 – 50 m. Trong nhà chia làm nhiều gian. Ngoài gian chung cho bố mẹ và cô gái út ở ra, còn những gian khác là một tiểu gia đình trong gia tộc sinh sống. Mỗi tiểu gia đình có bếp và bồ lúa riêng. Điều hành đại gia đình mẫu hệ là người đàn bà cao tuổi nhất. Họ làm đổi công, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Khi có việc chung các tiểu gia đình có trách nhiệm đóng góp và hưởng thụ như nhau. (Đỗ Hồng Kỳ : 2019; tr. 14, 15).

      Sử thi Mơ Nông phân bố chủ yếu ở các huyện Đắk Mil, Đắk Song, Tuy Đức, Kiến Đức (Đắk Nông), Bù Đăng (Bình Phước). Trong đó “xứ Bu Prâng”28 là cái nôi của kho tàng sử thi đồ sộ và phong phú này. (Đỗ Hồng Kỳ : 2018; tr. 156).

     Sử thi Mơ Nông được giới nghiên cứu đánh giá là kho tàng sử thi đồ sộ vào bậc nhất thế giới. Tộc người Mơ Nông sở hữu khoảng 200 sử thi. Đó là một hệ thống bức tranh toàn cảnh về không gian địa lý, lịch sử, hoạt động kinh tế, xã hội, tín ngưỡng văn hóa của người Mơ Nông trong mối quan hệ mật thiết và tương hỗ với thế giới thần linh. Không chỉ phản ánh thế giới vật chất mà còn phản ánh thế giới tinh thần sống động của tộc người Mơ Nông. Người Mơ Nông luôn muốn mình là những hậu duệ thừa hưởng nét đẹp, sắc vóc, tính cách anh hùng, quả cảm của những cô gái, chàng trai được nhắc đến trong sử thi. Với người Mơ Nông, những nhân vật trong sử thi không phải là những vị thần linh với một khoảng cách cao xa mà chính là tổ tiên của họ, những con người đã sáng lập ra làng bon và đời sống sản xuất vật chất của họ.

     Ở Tây Nguyên từng tồn tại kho tàng sử thi “sống”. Trước năm 1986, nhất là trước năm 1975, việc diễn xướng sử thi ở các buôn làng Ê Đê, Ba Na, Mơ Nông,… gần như thường xuyên diễn ra. Sau năm 1986, nhất là trong thời gian gần đây việc diễn xướng sử thi đã suy giảm trầm trọng. Hiện nay, việc hát kể sử thi trong buôn làng đồng bào các tộc người thiểu số tại chỗ Tây Nguyên gần như không còn diễn ra nữa. (Đỗ Hồng Kỳ : 2019; tr. 214).

     Người Mơ Nông hát kể sử thi ở ba địa điểm: Trong nhà, trên rẫy, trong rừng. Nhưng trong những năm gần đây, môi trường sử thi đã bị thu hẹp, thậm chí là thay đổi và không còn. Tình trạng diện tích rừng thu hẹp, họ không còn đi săn bắn như trước, nên không còn ở lại qua đêm trong rừng; nhà cửa cũng hiện đại hóa theo ngƣời kinh nên hát kể sử thi hầu nhƣ đã vắng bóng. Nhất là người Mơ Nông theo tôn giáo Tin Lành và các tôn giáo khác, tƣ duy tín ngưỡng của họ đã có sự thay đổi và chịu sự tác động lớn từ tôn giáo nên niềm kính tín dành cho các bậc tổ tiên, các vị anh hùng đã chìm sâu vào ẩn ức.

     Theo thời gian, các nghệ nhân biết hát kể sử thi Mơ Nông không còn nữa hoặc đã già yếu, lớp trẻ chưa được truyền dạy hoặc là không có niềm đam mê với hát kể sử thi nên không chịu học, chỉ riêng Điểu Thị Mai con gái của nghệ nhân, dịch giả tiếng Mơ Nông ra tiếng Việt Điểu Kâu (mất năm 2008) ở xã Đăk Ndung, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông là còn nặng nợ với sử thi Mơ Nông.

     Như vậy, sử thi của tộc người Mơ Nông đang mất dần đời sống tự nhiên của nó. Nhận thấy được tính cấp thiết, nên nhiều dự án cấp Nhà nước, cấp Bộ đã được tiến hành, nhằm lƣu giữ sử thi – vốn di sản văn hóa phi vật thể của tộc người Mơ Nông nói riêng và đất nước nói chung. Năm 2001, dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên được triển khai (2001 – 2007), kết quả tính đã xuất bản được 26 tác phẩm sử thi. Ngoài ra còn có các công trình sưu tầm sử thi khác đã được xuất bản: Sử thi cổ sơ M’ Nông (Đỗ Hồng Kỳ, Điểu Kâu biên soạn, Nxb. Khoa học Xã hội, HN, 1993); Cây nêu thần (Tấn Vịnh, Điểu Kâu sưu tầm và biên soạn, Sở Văn hóa – Thông tin Đắc Lắc, 1994); Mùa rẫy bon Tiăng (Điểu Kâu, Tấn Vịnh, Sở Văn hóa – Thông tin Đắc Lắc, 1996); Sử thi thần thoại M’ Nông (Đỗ Hồng Kỳ, Điểu Kâu, Nơ Yu, Đăm Pơ Tiêu, Nxb. Văn hóa Dân tộc, HN, 1997); Kể dòng con cháu mẹ Chếp (Trương Bi sƣu tầm, Điểu Kâu dịch, Sở Văn hóa – Thông tin Đắc Lắc, 2003); Tiăng bán tượng gỗ (Trương Bi sưu tầm, Điểu Kâu dịch, Sở Văn hóa – Thông tin Đắc Lắc, 2003)29.

     Bên cạnh đó, còn có hai đề tài cấp Bộ: Sử thi Tây Nguyên với cuộc sống đương đại – thực trạng, triển vọng và giải pháp do GS.TSKH. Phan Đăng Nhật chủ nhiệm (2006); Một phương thức đưa sử thi Tây Nguyên trở về với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên do GS.TS. Nguyễn Xuân Kính làm chủ nhiệm (2008).

Du lịch văn hóa dân gian và hình thức phát triển

     Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, đời sống đô thị đang trên đà chèn ép cuộc sống xanh của con người. Với guồng quay của công việc, sự ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, ánh sáng,… khiến cho chúng ta nhƣ mất dần đời sống vốn có. Do đó, người ta tìm đến du lịch như một “lối thoát” để tìm lại cuộc sống. Trong các chuyến đi, du khách muốn đi đến những nơi khác, dù là chỉ trong một thời gian ngắn, để thoát khỏi cuộc sống thường nhật, và đồng thời tìm cho mình một môi trường thay thế được xem là có những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ và những nền văn hóa kỳ lạ và hấp dẫn 30. (Dr Greg Richards : 2000; tr. 43).

     Có nhiều loại hình du lịch nhưng gần đây, người ta đặc biệt chú trọng đến du lịch văn hóa. Nhưng văn hóa đây là văn hóa sống, chứ không phải là những đền đài sừng sững với thời gian, nó thuộc về loại hình du lịch văn hóa dân gian. Vậy du lịch văn hóa dân gian là gì? Đó là một chuyến du lịch có mục đích đến bối cảnh chính của các buổi biểu diễn văn hóa dân gian để tham quan và nhận thức một loại hình văn hóa dân gian cụ thể, một cách cẩn trọng không làm gián đoạn cuộc sống vốn có của đời sống văn hóa dân gian. Ở đây, khách du lịch nước ngoài hoặc bản địa là những vị khách trả tiền chính cho người dân địa phương. Chủ nhà hoặc ngƣời thân ở bản địa sẽ làm hướng dẫn viên du lịch31. (Pecsek : 2016; tr. 1).

     Nguồn du khách của loại hình du lịch văn hóa dân gian mang tính đa dạng, có thể phân chia du khách thành các nhóm: (1). Du khách là những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian; (2). Du khách là những người ham học hỏi văn hóa dân gian; (3). Du khách là những người yêu thích văn học dân gian; (4). Du khách là những người xem văn hóa dân gian như một điều khác lạ mang tính giải trí. Việc phân khúc du khách đem lại tác động lớn trong việc thiết kế hành trình du lịch văn hóa dân gian đạt hiệu suất cao hơn với việc đánh đồng du khách. Thao tác thống kê loại du khách hàng năm sẽ đem lại cho các nhà đầu tƣ, phát triển du lịch một tầm nhìn chiến lược sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch văn hóa dân gian, nhất là du lịch văn hóa dân gian tộc người thiểu số. Việc đem văn hóa dân gian tộc người quảng bá và đến gần với du khách như một động tác đính chính vẻ đẹp bản sắc văn hóa tộc người. Rằng không có văn hóa tộc người nào cao hơn, đẹp hơn mà mỗi văn hóa một tộc người đều có những nét đặc trưng trong chỉnh thể hệ thống văn hóa thế giới.

     Hát kể sử thi của tộc người Mơ Nông – một tiềm năng phát triển du lịch văn hóa dân gian và những giải pháp phát triển với hình thức “slow tourism”32

     Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác33. Sử thi Tây Nguyên nói chung, sử thi Mơ Nông nói riêng là di sản văn hóa phi vật thể cần phải đƣợc bảo tồn và lưu giữ. Sử thi Tây Nguyên được nhà nước đề cử vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp 2027. Danh sách các Di sản Văn hóa Phi vật thể cần được Bảo vệ Khẩn cấp là danh sách quan trọng nhất vì mục tiêu của nó nhằm đưa ra những biện pháp bảo vệ phù hợp để bảo vệ các biểu đạt và thể hiện của văn hóa phi vật thể đang phải đối mặt với các đe dọa tới sức sống của chúng – tức là sự chuyển giao và tiếp tục được sáng tạo.34

     Sử thi Mơ Nông được người Mơ Nông xem nhƣ vốn quý của tổ tiên để lại. Lúc sử thi còn đương thời hoàng kim, người người trong bon cứ cơm nước xong là sẽ đến nhà mà nghệ nhân hát kể sử thi để nghe. Nghệ nhân hát kể sử thi như nhập vai vào các nhân vật, giọng kể lúc trầm lúc bổng, lúc vang xa, lúc vọng lại làm cho người nghe như bị thôi miên, họ im lặng không một tiếng động từ người già đến trẻ nhỏ. Dường như, sự lắng đọng đó không chỉ vì nội dung hay, giọng kể cuốn hút mà ở đó còn có cả lòng kính tín, tôn thờ, sự ngợi ca, niềm tự hào đối với các nhân vật trong sử thi mà tộc người từ đời này sang đời khác xem là tổ tiên của họ. Vậy giải pháp nào được đưa ra để sử thi hiện nay tái lập lại “thời hoàng kim” của nó? Chúng ta phải tìm ra động lực để  “hồi sinh” đời sống tự nhiên của sử thi, chứ không phải là phục dựng, biểu diễn để ghi hình trên sân khấu để rồi người xem chỉ lướt qua, kết quả chỉ là một cuộn băng ghi hình “sử thi Mơ Nông” mang tính chất lịch sử.

     Để hồi sinh sức sống sử thi cần phải nhắc đến hai yếu tố, đó là: (1) Nghệ nhân; (2) Động lực hồi sinh.

     Xét về nghệ nhân, ngay trong xã hội cổ truyền, số lượng người biết hát kể sử thi cũng không phải là nhiều. Nghệ nhân sử thi phải hội tụ các phẩm chất và điều kiện sau: (1) Có trí nhớ thiên bẩm; (2) Không vụ lợi; (3) Có cảm quan, có niềm tin về hiện thực huyền ảo mà sử thi đề cập. (Đỗ Hồng Kỳ: 2019; tr. 216). Yêu cầu này phụ thuộc vào 3 tiêu chí năng lực, phẩm chất và đức tin nên các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghệ nhân được mở ra phải lấy 3 tiêu chí này làm định hướng giảng dạy. Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút người học để trở thành nghệ nhân? Nghệ nhân hát kể sử thi không đơn thuần là vì tình yêu với truyền thống văn hóa dân tộc mà đó còn là một nghề có thể đem lại sự phát triển kinh tế cho cộng đồng, cá nhân.

     Xét về động lực hồi sinh, hát kể sử thi ngày nay môi trường bị thu hẹp dần, chúng ta cần phải “hồi sinh” môi trường hát kể sử thi phù hợp với bối cảnh thời đại bằng cách phối hợp với sự phát triển của du lịch văn hóa dân gian và xu hướng “slow tourism” hiện nay trên thế giới. Du lịch chậm là tất cả về cuộc sống ở một nơi với tốc độ chậm, theo xu hướng này, du khách nước ngoài hay du khách bản địa đều dành thời gian nhiều hơn ở một địa điểm du lịch để trải nghiệm và mở rộng vốn hiểu biết của mình. Địa phương có thể kết hợp với chính quyền để tổ chức hình thức du lịch này, với một vài gợi ý ban đầu như:

     Nơi ở: Nhà của ngƣời dân trong bon của tộc người.

     Hướng dẫn viên: Người ở trong bon được đào tạo bài bản và có tri thức về văn hóa nói
chung, sử thi nói riêng của tộc người.

     Chính người trong bon sẽ tiếp đón khách du lịch, liên hệ nơi ở, có sắp xếp chu đáo nhưng không quá cách biệt với đời sống của người dân trong bon. Trong quá trình du khách sinh hoạt ở bon, hướng dẫn viên sẽ thiết kế một chương trình trải nghiệm dành cho du khách, trong đó nhất thiết phải có một buổi hát kể sử thi của tộc người Mơ Nông bao gồm nghệ nhân và tất cả những người trong bon. Việc du khách đến bon làng ở lại sẽ đạt được lợi ích 2 chiều: (1) Từ phía du khách, họ sẽ trải nghiệm được đời sống ở bon làng tộc người, học hỏi được nhiều điều từ văn hóa tộc người, những điều này là vốn sống mới, khác biệt so với cuộc sống thường nhật của họ; (2) Từ phía tộc người, ngoài lợi nhuận được chi trả, tộc người còn được giao lưu văn hóa với những luồng văn hóa mới và quảng bá văn hóa tộc người của chính mình.

     Theo thời gian, sự phát triển du lịch văn hóa dân gian sẽ kéo theo sự phát triển sức sống tự nhiên của hát kể sử thi, bên cạnh sự phát triển kinh tế – xã hội của tộc người Mơ Nông. Cho nên, chính quyền địa phương và tộc người cần có sự đầu tư theo hướng này, đó cũng chính là một hình thức bảo tồn sử thi Mơ Nông nói riêng và sử thi Tây Nguyên nói chung.

4. Kết luận

     Du lịch văn hóa dân gian hiện nay không còn lạ lẫm trong hướng khai thác du lịch, nhưng vấn đề quan trọng là cần phải phát triển văn hóa dân gian theo hướng động hay hướng tĩnh để phục vụ du lịch. Với xu hướng “slow tourism”, du lịch văn hóa dân gian sẽ được khai thác và đạt hiệu quả tối đa. Sử thi Tây Nguyên đã, đang và sẽ là vốn di sản văn hóa phi vật thể của nước ta cần được bảo tồn. Giới nghiên cứu sử thi, tiêu biểu là Đỗ Hồng Kỳ – nhà nghiên cứu sử thi Mơ Nông, đưa ra giải pháp bảo tồn là chân dung hóa nhân vật sử thi, thành lập các câu lạc bộ sử thi. Trong bài viết này, chúng tôi đề xuất một hướng bảo tồn với dạng thức sống của sử thi đó là một tiềm năng, một “loại tài nguyên” để phát triển du lịch văn hóa trong cộng đồng người Mơ Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung.

___________
27 Tạm dịch là “du lịch chậm”.

28 Nay thuộc xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

29 Tham khảo bài viết “Nhìn lại quá trình sưu tầm, nghiên cứu sử thi Mơ Nông in trong sách Trên đường tìm hiểu văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam của tác giả Nguyễn Xuân Kính, Tr. 161.

30 Tác giả tạm dịch (tg.td)

31 tg.td

32 Tạm dịch là “du lịch chậm”.

33https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_s%E1%BA%A3n_v%C4%83n_h%C3%B3a_phi_v%E1%BA%ADt_th%E1%BB%83.

34 https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000189113_vie/PDF/189113vie.pdf.multi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Dung, V. T. T., 2016. Tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của người M’Nông tỉnh Đăk Nông. Luận án Tiến sĩ, Tp. HCM: Đại học Quốc gia Tp. HCM.

[2] Ghi, L. K., 2018. Lễ hội truyền thống của người M’nông Preh huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông trong xã hội đương đại. Luận án Tiến sĩ, Hà Nội: Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

[3] Dr Greg Richards, 2000. “Satisfying the cultural tourist: challenges for the new millennium”, Proceedings of the ATLAS Africa International Conference: Cultural tourism in Africa: strategies for the new millennium, Mombasa, Kenya.

[4] Kính, N. X., 2019. Trên đường tìm hiểu văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Văn hóa dân tộc.

[5] Kỳ, Đ. H., 2018. Văn hóa cổ truyền Mơ Nông và sự biến đổi trong xã hội đương đại. Hà Nội: Nxb. Văn hóa dân tộc.

[6] Kỳ, Đ. H., n.d. Vai trò của văn hóa truyền thống các tộc người bản địa Tây Nguyên đối với sự phát triển bền vững vùng. Hà Nội: Nxb. Sân khấu.

[7] Pecsek, B., 2016. Revitalizing tourism in small regional towns through folkloredriven slow tourism: The example of Matyó land, Hungary. Dos Algarves: A Multidisciplinary e-Journal, (27), 94-119.

[8] Siswo Harsono., 2017. “Folklore Tourism in Jepara”, Culturalistics: Journal of Cultural, Literary, and Linguistic Studies, [1] (1), 1-7.

[9] https://shodhganga.inflibnet.ac.i. [Online] Available at:
https://shodhganga.inflibnet.ac.in/bitstream/10603/127587/13/13_chapter%205.pdf

[10] https://shodhganga.inflibnet.ac.in. [Online] Available at:
https://shodhganga.inflibnet.ac.in/bitstream/10603/219686/6/06_chapter3.pdf

Nguồn: Kỷ yếu hội thảo khoa học Văn hóa và văn minh đô thị ở các nước Đông Nam Á
trong bối cảnh cuộc Cách Mạng công nghiệp 4.0

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Hát kể sử thi – Tiềm năng du lịch văn hóa dân gian của tộc người thiểu số Tây Nguyên: Trường hợp hát kể sử thi Mơ Nông (Tác giả: Hà Thị Thới)