HÁT PẢ DUNG trong Đời sống tâm linh của NGƯỜI DAO ở Phúc Chu, Định Hoá, Thái Nguyên

Tác giả bài viết: DƯƠNG NGUYỆT VÂN
(Trường Đại học Sư phạm –ĐH Thái Nguyên),
ĐẶNG LĂNG HỒNG CẨM
(Trường THCS Đồng Quang, thành phố Thái Nguyên)

TÓM TẮT

     Được coi là một trong những báu vật văn hóa, hát Pả dung là làn điệu dân ca đặc sắc gắn với đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Dao ở xã Phúc Chu, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều loại hình văn hóa đan xen, khiến đại đa số người trẻ không mấy mặn mà với những hình thức sinh hoạt văn hóa cổ truyền, nhưng những người dân nơi đây vẫn luôn cố gắng bảo tồn, lưu truyền hát Pả dung bởi nó là văn hoá, là tín ngưỡng của đồng bào Dao. Nghiên cứu này nhằm khái quát nội dung ý nghĩa và nghệ thuật diễn xướng của các lời hát Pả dung, qua đó truyền bá được những giá trị sáng tạo và lưu truyền những nét đẹp mang đậm đà bản sắc dân tộc Dao. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành điền dã, sưu tầm ghi chép, phỏng vấn, ghi âm, ghi hình, thu thập những bài hát Pả dung từ những nghệ nhân, những cụ cao niên ở thôn làng Gày, xã Phúc Chu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lời hát Pả dung phản ánh rõ nét đời sống vật chất và tinh thần của họ. Với 34 bài hát sưu tầm được, chúng tôi đã dịch nghĩa các bài hát Pả dung này từ tiếng Dao sang tiếng phổ thông để người dân, nhất là giới trẻ có thể tiếp cận làn điệu này một cách dễ dàng. Vì vậy, bài viết mong muốn góp một phần nhỏ vào việc lưu giữ, giới thiệu tới người dân một loại hình văn nghệ dân gian độc đáo trong đời sống của người dân vùng “thủ đô gió ngàn” – Thái Nguyên.

Từ khóa: Hát Pả dung; Người Dao; Xã Phúc Chu; Huyện Định Hóa; Tỉnh Thái Nguyên; Tâm linh; Văn hóa.

ABSTRACT

     Considered one of the cultural treasures, Pảdung singing is a unique folk song in the folklore treasure of the Dao ethnic group inPhuc Chu commune, Dinh Hoa district, Thai Nguyen province. Modern life brings many types of interweaving cultures, making the majority of young people not very interested in the forms of traditional cultural activities, but the people here always try to preserve and pass on Pảdung singing because it is the culture and belief of the Dao people. This study was conductedto summarize the meaningful content and performance art of the Pa Dung lyrics, thereby spreading the creative values and transmitting the beauty imbued with the identity of the Dao people.The research teamconducted fieldwork, collected notes, interviewed, recorded, videotaped, and collected Pa dung songs from artisans and elderly people in in Lang Gay hamlet,Phuc Chu commune. Research results show that Pa Dung’s lyrics clearly reflect their material and spiritual life. We have translated the meaning of the 34 Pảdung songs collected from the Dao ethnic language into common language so that all people, especially young people can access them more easily. So, the articlehopecontributesa small part to the preservation and introduction of a unique folk art form in the lives of people in “the capitalof forest wind” -Thai Nguyen.

Keywords: Pả Dung singing; Dao people; Phuc Chu commune; Dinh Hoa district; Thai Nguyen province; Spirituality; Culture.

x
x x

1. Giới thiệu

     Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Mỗi dân tộc lại mang một sắc thái văn hóa riêng, đặc biệt trong đó là dấu ấn đậm nét của nền văn học, văn hóa dân gian với sức sống lâu bền, tạo nên một nước Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Vùng miền nào của đất nước ta cũng có dân ca, với những làn điệu đặc trưng như: làn điệu Quan họ đằm thắm, mượt mà của người Kinh; hát Then của dân tộc Tày; hát Sli, hát Lượn của dân tộc Nùng; hát Soọng Cô của người Sán Dìu; hát Ví hay còn gọi là hát Sấng Cọ của dân tộc Sán Chay…. Đó đều là những giai điệu ngọt ngào, say đắm lòng người [1]. Từ nhiều năm nay, các tổ chức, ban ngành đã chủ động, tích cực có những hoạt động hướng tới bảo tồn, phát huy dân ca các dân tộc thiểu số và đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, cùng với sự bùng nổcủa cuộc cách mạng số toàn cầu, bên cạnh các yếu tố thuận lợi tạo sự phát triển thì cũng kéo theo những tác động gặm nhấm, xói mòn văn hóa truyền thống, trong đó có dân ca của các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một. Trước thực trạng đó, bảo tồn và phát huy vốn dân ca các dân tộc đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và tất yếu của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa[2]-[4]. Dao là dân tộc có số dân đông thứ 9 trong cộng đồng 54 dân tộc của Việt Nam. Theo số liệu thống kê đầu năm 2022, Thái Nguyên có khoảng 32,4 nghìn người Dao, chiếm 7,7% dân số toàn tỉnh [5]. Cộng đồng dân tộc Dao ở Việt Nam đã tạo dựng nên các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, từ việc canh tác nương rẫy, ruộng bậc thang, các hoạt động kinh tế truyền thống, kiến trúc làng bản, nhà ở, ẩm thực, trang phục truyền thống đến ngôn ngữ, tôn giáo, tín ngưỡng, các loại hình sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật… đều thể hiện những sắc thái về văn hóa riêng biệt của dân tộc Dao [6]. Trong các giá trị truyền thống ấy, hát Pả dung vừa là niềm tự hào của đồng bào người Dao, vừa là phương tiện chuyển tải những tâm tư, tình cảm và ước muốn của họ trong đời sống.

     Ở Phúc Chu, Định Hoá, Thái Nguyên, người Dao gọi làn điệu dân ca của dân tộc mình là “hát Pả dung”. Ngoài ra, hình thức hát này ở một số địa phương khác còn gọi là “Páo dung”, “Pá dung”. Pả dung theo tiếng Dao có nghĩa là ca hát. Do những mục đích và hoàn cảnh khác nhau, Pả dung được chia thành nhiều thể loại: hát trong sinh hoạt (hát ru, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than…); hát trong nghi lễ (hát trong lễ Cấp sắc, tết nhảy, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng…) [7]. Chủ đề của các bài hát Pả dung phong phú về nội dung, là loại hình diễn xướng ca ngợi về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, truyền thống đạo đức; đồng thời, cũng phê phán những thói hư, tật xấu, các tệ nạn xã hội trái với thuần phong mĩ tục.

     Đối với đồng bào dân tộc Dao xã Phúc Chu, hát Pả dung luôn gắn bó thân thuộc từ thuở ấu thơ, đã ngấm vào máu thịt của họ. Họ chủ động trao truyền, phát huy và nối dài bản sắc văn hóa. Họ sẵn sàng tham gia, sẵn sàng thể hiện các làn điệu Pả dung, phục trang truyền thống của dân tộc mình [8]. Bài viết “Về Phúc Chu nghe điệu Pả dung” đã có nhận định rằng “Dân ca Pả dung không chỉ là nét văn hóa truyền thống mà còn là tiếng lòng của người dân tộc Dao nói chung, người Dao Coóc Mùn ở Phúc Chu nói riêng” [9].Trong trí nhớ của bà Bàn Thị Hồng –nghệ nhân hát Pả dung ở Phúc Chu thì từ khi lên 7, 8 tuổi bà đã được theo học hát Pả dung từ một bà cụ cùng làng. Thuở ấy, người Dao vẫn còn sống trên các triền núi cao. Cứ đến tháng 10 âm lịch, sau ngày mùa, thanh niên nam nữ trong làng lại xuống núi, đi từ làng nọ sang làng kia để tìm nhau đối hát. Hình thức hát rất phong phú, họ có thể hát theo từng nhóm, hai người hát đối đáp nhau hoặc tựhát, hát dọc đường đi, con trai hát theo về đến nhà con gái hoặc sẽ cùng nhau hát thâu đêm đến sáng.

     Ban đầu, hát Pả dung xuất phát từ nghi lễ Cấp sắc, sau đó, theo sự phát triển của đời sống, những câu hát Pả dung cất lên phản ánh tâm tư, tình cảm và phản ánh mọi mặt trong cuộc sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên, theo biến động của dòng chảy thời gian, hoàn cảnh sống cùng với những tác động trong quá trình hội nhập của nền kinh tế thị trường, nhất là trong bối cảnh cả xã hội bước sang kỉ nguyên công nghệ số như hiện nay đã khiến cho hát Pả dung đang dần bị mai một. Mặc dù vậy, cho đến nay, người Dao vẫn quan niệm, người đàn ông phải trải qua lễ Cấp sắc thì mới được công nhận là trưởng thành, đủ khả năng tham gia các công việc quan trọng của cộng đồng và khi chết đi thì linh hồn sẽ được về đoàn tụ với tổ tiên [10]. Cho nên, dù giới trẻ người Dao ngày nay có ít quan tâm, thậm chí không biết đến hát Pả dung thì những tập tục, tín ngưỡng của người Dao đều liên quan đến làn điệu dân ca đặc sắc này. Nghĩa là, hát Pả dung luôn gắn chặt với đời sống văn hoá tâm linh của người Dao. Tìm hiểu hát Pả dung trong đời sống tâm linh của họ là tìm hiểu những giá trị sáng tạo và lưu truyền trong văn hoá tín ngưỡng, những nét đẹp mang đậm đàbản sắc dân tộc Dao.

2. Phương pháp nghiên cứu

     Để có cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu làn điệu Pả dung trong đời sống tâm linh của người Dao từ đó khái quát nội dung ý nghĩa và nghệ thuật diễn xướng của các lời hát Pả dung, chúng tôi đã tiến hành sưu tầm lời hát Pả dung trong các cuốn sưu tầm về dân ca Dao đã được xuất bản, đó là Dân ca dân tộc Pu Péo, Sán Dìu, Dao, Lô Lô, Cao Lan[11]; cuốn Dân ca Dao –Dân ca Lô Lô[12]. Tuy nhiên, hai cuốn sách này chủyếu là những lời hát nói về đời sống tâm tư tình cảm, trong đời sống sinh hoạt người Dao ở các vùng miền, chưa sưu tầm những lời hát Pả dung trong văn hoá tín ngưỡng người Dao. Do vậy, chúng tôi tìm hiểu về hát Pả dung trong đời sống tâm linh của người Dao chủ yếu qua điền dã, sưu tầm ghi chép, phỏng vấn, ghi âm, ghi hình, thu thập về những bài hát Pả dung từ những nghệ nhân, những cụ cao niên trong làng bản để nắm bắt thông tin, phục vụ cho nghiên cứu. Đặc biệt, chúng tôi đã sử dụng thao tác dịch nghĩa để dịch 34 bài hát Pả Dung đã sưu tầm được từ tiếng Dao sang tiếng phổ thông.

3. Kết quả và bàn luận

     Ngày xưa, hát Pả dung có mặt trong tất cả những nghi lễ, tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp của người Dao như: cúng thóc giống, cúng nương, cúng cơm mới, cúng hồn lúa, cầu mưa, cúng núi rừng. Có những bài hát phải học thuộc để thực hiện trong các nghi lễ cùng với thanh âm của tiếng chuông. Những câu hát, giai điệu phải tuân theo quy tắc, chuẩn mực rõ ràng, nội dung giảng giải về nguồn gốc tổ tiên dòng họnhư: kể về sự tích Bàn Vương, quá trình thiên di gian nan, vất vả của người Dao cũng như tinh thần đấu tranh bất khuất của họ trong việc chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm, khuyên răn đạo lí… phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Hát trong nghi lễ được coi là một nhịp cầu gắn kết thế giới con người với thế giới thần linh. Hiện nay, do đời sống ngày một phát triển, dần dần một số nghi lễ không còn phù hợp và đã được xoá bỏ, chỉ duy nhất lễ Cấp sắc vẫn được họduy trì.

     Theo lời kể của nghệ nhân Bàn Thị Hồng (Phúc Chu, Định Hoá, Thái Nguyên) – người duy nhất ghi chép, lưu giữ những lời hát Pả dung nơi đây, thì nguồn gốc của lễ Cấp sắc rất huyền bí. Xưa kia, gốc của người Dao là từ Trung Quốc. Một năm nọ, dòng họ Bàn của một làng không biết vì lí do nào đó không muốn sống ở Trung Quốc nữa mới rủ nhau xuống một con thuyền rất to để tìm nơi sinh sống, làm ăn mới. Trong đoàn người ấy có cụ bà 80 tuổi đem theo một bát hương 8kg xuống thuyền. Bà vừa xuống thuyền, bỗng một cơn bão ập đến, con thuyền lênh đênh trên biển 8 ngày 8 đêm. Đi mãi mà không thấy bờ ở đâu, tất cả mọi người đều sợ hãi bèn khấn trời đất phù hộ độ trì cho rằng nếu con thuyền mà được dạt vào đất liền, con người sống sẽ trả ơn cho trời đất. Sau khi họ khấn xong, trời bỗng nhiên tối sầm lại, một cơn bão nữa đến cuốn họ dạt vào đất liền. Từ đó, họan cư lạc nghiệp, sinh con đẻ cái rất đông, vùng đất ấy là tỉnh Bắc Giang bây giờ. Sau khi an ổn, họ nhớ lại những giờ phút lênh đênh trên biển, họ quyết định trả ơn bằng lễ Cấp sắc theo phong tục tập quán và thờ Bàn Vương. Cho đến tận bây giờ, người Dao không bao giờ quên ơn nên con trai đến 18 tuổi có vợ phải làm lễ này để tạ trời đất và thờ Bàn Vương suốt đời. Lễ Cấp sắc của người Dao thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm với rất nhiều nghi lễ như: lễ đội đèn, lễ giữ cây đèn, lễ hạ đèn, lễ giao binh, lễ trình Ngọc Hoàng, lễ cấp bản sắc, lễ tạ ơn tổ tiên… Trong nghi lễ này, người Dao bắt buộc phải cất lên lời hát nói về nguồn gốc của lễ Cấp sắc, lời cảm tạ với đất trời, cảm ơn thầy cúng… Đó cũng là nguồn gốc của lời hát “Dung đáo” trong làn điệu Pả dung nơi đây. Người hát Pả dung trong lễ Cấp sắc của người Dao ở Phúc Chu cũng rất đặc biệt. Không phải do thầy cúng hát, cũng không do người nhà tổ chức nghi lễ hát mà họ phải nhờ một người phụ nữ gọi là bà thầy biết hát Pả dung đến để thực hiện. Trước kia, lễ Cấp sắc phải diễn ra trong 3 ngày 3 đêm nhưng thời nay, họ cắt bớt dần một số thủ tục, thời gian chỉ còn diễn ra trong 2 ngày 2 đêm. Hát Pả dung sẽ được cất lên trong đêm thứ hai. Bà thầy sẽ hát Pả dung trong khoảng một tiếng và gồm 3 đoạn. Ở đoạn 1, họ sẽ đứng hát. Họ hát lạy tổ tiên, lạy bốn phương trời đất, tạ thánh tăng thánh tướng đã đến đây chứng kiến thầy cúng thực hiện nghi lễ cho gia đình:

Phiên âm tiếng Dao
Pịa chị pải, lạ tải chiêm nhàn
Chiền pải chiền, chiền pải phay
Pải phay mậy lỉu dậu pải shỉng
Phẩy pin miền khảm, mại phiêu phay, mại phiêu nam
Dịch nghĩa
Bước vào ngồi chiếu để tạ tổ tiên
Nhung áo của thầy đã có đủ nhiều màu và những dải lụa lung linh
Để tạ các thánh tướng ở bốn phương trời
Chưa hết, lại tiếp tục tạ hết tổ tiên
Mọi người bốn phương trời nhìn thấy
Cả trai và gái đều làm những điều thiện

[Tư liệu điền dã]

     Sau đó, bà thầy đứng trước 12 tờ tranh có trong nghi lễ thay mặt gia đình xin phép cầu trời phù hộ cho thầy cúng làm tròn trách nhiệm.

Phiên âm tiếng Dao
Pải chiền shỉng, pịa thảu tầu ting pải
Shỉng loòng, pải shìng nhàng
Pịa phảu tồng thing pải pham pải
Toong shỉng mịn chìn, pải thẩu duần, pải thẩu pèng
Dịch nghĩa
Lạy các thánh của gia đình
Các thầy vào đến cửa nhà đã có lời cảm tạ tổ tiên
Từ nam đến nữ đã vái ba lạy trước mặt các tướng
Lạy tạ cho đều, công bằng, không ai hơn ai

[Tư liệu điền dã]

     Họ tiếp tục cất lên tiếng hát dâng lễ lên các bậc thánh tướng rằng gia đình chuẩn bị lễ lạt rất công bằng, cầu họ đừng trách móc và cầu ban phát lộc cho những người khách đến dự. Họ hát về sự chuẩn bị lễ vật cho đám cấp sắc, từ con gà con lợn cho đến hạt gạo, nén hương…. Hết đoạn 1, họ cất lên lời hát xin thầy được về chỗ mình ở:

Phiên âm tiếng Dao
Ca đàng liềm liềm khú chéo phỉu
Tú kỉn lậu pin liệp cháy dluây liệp cháy dleng
Sluất bủa mịn chìn chuổng chiền slỉng
Phàng chải muồn chìn phéo phỉu quây chéo phỉu hàng
Dịch nghĩa
Lễ cấp sắc luôn luôn tạo cho nam nữ cơ hội để
tìm hiểu nhau
Có thể lấy nhau qua những dịp gặp nhau trong đám cấp sắc
Hiểu nhau rồi cũng đến lúc phải chia tay ra về

[Tư liệu điền dã]

     Đến đoạn 2, họ ngồi xuống chiếu, tay cầm chuông, lúc này gọi là “Dung ể”, đoạn nghỉ trong phần hát Pả dung. Sau thời gian nghỉ ít phút, họlại cất lên lời hát nói về những đồ vật được sử dụng trong nghi lễ như gương với người con trai được làm cấp sắc rằng người đến đây tay cầm gương, gương sáng soi lên mặt thấy mặt đẹp hơn, nghĩa là phúc, lộc và tiền tài sẽ đến:

Phiên âm tiếng Dao
Shẩy tài nịm, shiếu nhân tồng kỉng
Shẩy tài lìn, shiếu nhân tồng kỉng
Guăng guăng chỉu chỉu loòng
Nhiêm nhịn hắng khâu chìn
Dịch nghĩa
Đời con người lâu dài
Trên tay cầm gương soi, thấy mặt mình càng xinh đẹp hơn
Cuộc sống sung túc hơn, nhiều tiền của
Vinh hoa phú quý gửi cho đời người

[Tư liệu điền dã]

     Nội dung tiếp theo của lời hát Pả dung kể về những vất vả khi cày bừa, cấy lúa, nuôi con gà, con vịt, con trâu, con lợn… Họ kể về những khó khăn, thiếu thốn mà người Dao phải trải qua, không có quần áo ấm, không có cơm no… Vì vậy, họ mong trời đất, thánh thần phù hộ, cầu cho họ hết khổ, cầu cho họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó cũng chính là những lí do để họ tổ chức đám cấp sắc này. Đến đoạn 3, khi trời gần sáng, họ đứng dậy và hát những câu hát cảm ơn thầy cúng, cảm ơn trưởng bếp, những người đến giúp đỡ, đến xem. Cuối cùng, họ hát cầu mong gia đình được cấp sắc mạnh khoẻ, làm ăn được thuận lợi, kết thúc làn điệu Pả dung trong lễ Cấp sắc:

Phiên âm tiếng Dao
Nhụt tàu siết chiếu tông coong chỉu
Chỉu kỉn khé miền vìn lậu tài
Ké miền tầu tải quắng nam soong
Chúa tạp pây hài suồi lậu nà tà
Dịch nghĩa
Mặt trời mọc lên sáng sớm
Soi sáng khắp nơi, soi đường cho khách xa đến
Khách đến trên đầu đội mũ ngũ sắc
Chúc cho mọi thứ đều thuận lợi

[Tư liệu điền dã]

     Nói chung, nội dung những câu hát Pả dung trong lễ Cấp sắc người Dao ở Phúc Chu đều thể hiện lòng biết ơn của gia chủ đối với trời đất, tổ tiên, thầy cúng; là tiếng lòng của họ trước cuộc sống đầy khó nhọc. Sự vất vả khiến họ đặt nhiều niềm tin, hi vọng vào thần linh, vào thầy cúng sẽ đem đến phước lành, những điều tốt đẹp. Qua đó, ta thấy người Dao rất đơn thuần, mộc mạc, hiền lành.

     Ngôn ngữ của những điệu hát Pả dung trong lễ Cấp sắc đều là những từ ngữ giản dị, được chắt lọc, gọt giũa gắn với lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Dao. Với nguồn gốc từ Trung Quốc, hơn nữa phần nhiều các bài Pả dung cổ được ghi lại bằng chữ Nôm –Dao, sau mới được phiên âm và chép lại bằng tiếng phổ thông nên trong lời ca Pả dung có chứa nhiều từ gốc Hán. Bởi lẽ ấy, lời ca Pả dung vừa mang những từ ngữ mộc mạc, thân quen, thân tình của cuộc sống thường nhật cũng vừa có thể mang thứ ngôn ngữ của thơ ca viết, mang những từ gốc Hán trang trọng.

    Nếu như những câu hát Pả dung trao duyên, những câu hát Pả dung về lao động được người Dao ở Phúc Chu cất tiếng hát ở bất cứ nơi đâu bắt gặp nhau, không gian không hạn chế, thời gian không hạn định, tiếng hát có thể được cất lên khi người ở đám nương bên này, người ở đám nương bên kia; có khi là cuộc gặp tình cờ giữa đường, có khi là hát bên mâm cơm, khi lại là bên bếp lửa thì hát Pả dung trong lễ Cấp sắc chỉ do một người hát, thời gian hát chỉ trong một tiếng và diễn ra trong không gian lễ nghi linh thiêng, trang trọng. Trang phục được người Dao ở Phúc Chu mặc để hát Pả dung là trang phục dân tộc với sắc đen, đỏ nổi bật. Các hoạ tiết hoa văn trên tấm vải chàm là kết tinh của sự tỉ mẩn, cầu kì, mang theo cảnhững tâm tư tình cảm của người phụ nữ Dao.

     Như vậy, qua việc sưu tầm, nghiên cứu tìm hiểu về hát Pả dung trong lễ Cấp sắc của người Dao ở Phúc Chu, Định Hoá, Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy, nội dung những lời hát Pả dung không theo một trình tự nào. Khi họ cất lên lời hát, họ nghĩ đến điều gì, họ sẽ hát về điều ấy mà không theo một quy định chuẩn. Có những lời hát rất sâu sắc mà chính người dân nơi đây thậm chí ngay cả nghệ nhân cũng khó có thể dịch ra tiếng Kinh được và mọi người cũng khó lòng ghi nhớ. Điều đó cũng có nghĩa rằng, việc lưu giữ, bảo tồn lời hát Pả dung cũng gặp không ít khó khăn.

     Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có những chính sách nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc, từ Trung ương đến địa phương nhưng làm thế nào để những giá trị truyền thống đặc sắc ấy được lưu giữ và phát huy vẫn còn nhiều thách thức. Ở Thái Nguyên, đã có một số bài báo, chương trình nghệ thuật trên đài truyền hình quảng bá về làn điệu này. Đặc biệt, ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ II tại tỉnh Thái Nguyên diễn ra từ ngày 06 đến 08/10/2022, với sự tham gia của 12 tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Yên Bái với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển” đã tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao. Trong ngày hội này, hát Pả dung ở xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã phổ biến rộng rãi hơn trong đời sống cộng đồng. Trên thực tế, những câu hát Pả dung được mọi người chú ý nhiều hơn chủ yếu là những lời hát sinh hoạt, lời hát trao duyên tình tứ, sinh động. Chính vì vậy, làm thế nào để mọi người biết đến nét đẹp liên quan đến văn hoá tâm linh, hiểu sâu hiểu rõ về những lời hát Pả dung trong lễ Cấp sắc, nhất là với thế hệ trẻ vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi các cấp, ban ngành đoàn thể cần quan tâm hơn nữa.

4. Kết luận

     Hát Pả dung trong đời sống tâm linh của người Dao ởPhúc Chu, Định Hoá, Thái Nguyên không chỉlà một hình thức tín ngưỡng mà còn là văn hoá, là bản sắc của người Dao. Bởi vậy

cuối tháng 10/2018, BộVăn hóa Thểthao vàDu lịch đã công nhận bổsung thêm 8 di sản văn hóa phi vật thểvào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thểQuốc gia, trong đó có hát dân ca Pảdung và lễCấp sắc của người Dao. Tìm hiểu làn điệu Pảdung trong đời sống tâm linh người Dao, ta càng hiểu thêm vềđời sống, tư duy, tình cảm của họ. Với bài viết này, chúng tôi hi vọng góp một phần nhỏvào việc lưu giữ, giới thiệu tới người dân một loại hình văn nghệdân gian độc đáo trong đời sống của người dân vùng “thủđô gió ngàn” –Thái Nguyên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO/REFERENCES

     [1] Q. H. Nguyen, The unique cultural values of ethnic minorities. Hong Duc Publishing House, 2020.

     [2] Q. C. Nong, “Expanding the folk poetry of ethnic minorities, “Journal of Literary Research, no. 1, pp.81-87, 1967.

     [3] D. Chien, “Preserving and promoting traditional culture of ethnic minorities in association with tourism development, “Journal of Culture and Art, no. 450, pp.62-64, 2011.

     [4] Q. H. Tran, “The role of the community in protecting and promoting the traditional cultural values of the San Diu people in Van Don island district, Quang Ninh province,”Journal of Ethnic Studies, no. 2, pp.117-124, 2020.

     [5] T. L.Trinh, Geography of Thai Nguyen province. Thai Nguyen Publishing House, 2008.

     [6] C. H. Nguyen, H. T. Hoang, and V. B. Luong, The historical origin of the ethnic groups in the northern border region of Vietnam. National Culture Publishing House, Hanoi, 2000.

     [7] V. T. Hoang, Folk songs of ethnic minorities in Vietnam.Ethnic Culture Publishing House, Hanoi, 1997.

     [8] Thai Nguyen Newspaper, “Preserving the soul of Dao ethnic group’s culture,” Thai Nguyen Newspaper,October 6, 2022. [Online].
Available:https://baothainguyen.vn/van-hoa/202210/giu-hon-van-hoa-dan-toc-dao. [Accessed November 15, 2022].

     [9] Thai Nguyen Newspaper, “Coming back to Phuc Chu to listen to Pảdung melody,” Thai Nguyen Newspaper, February 09, 2021. [Online].
Available: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202102/ve-phuc-chu-nghe-dieu-pa-dung.[Accessed November 15, 2022].

     [10] T. H. Dinh, “Maturity Ritual of the Dao ethnic people in Son Dong district, Bac Giang province,”Graduate thesis, Hanoi University of Culture, 2014.

     [11] Vietnam Folk Arts Association, Folk songs of the Pu Peo, San Diu, Dao, Cao Lan, Lo Lo ethnic groups. Ethnic Culture Publishing House, Hanoi, 2012.

     [12] H. L. Trieu and T. V. Le,Dao folk songs –Lo Lo folk songs. Writers’ Association Publishing House, Hanoi, 2017.

Nguồn: TNU Journal of Science and Technology; 227(17): 241-246

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Hát Pả Dung trong đời sống tâm linh của người Dao ở Phúc Chu, Định Hoá, Thái Nguyên (Tác giả: Dương Nguyệt Vân; Đặng Lăng Hồng Cẩm)