Hiểu thêm về hiệp ước Versailles (1787) giữa nước Pháp và chúa Nguyễn Ánh

Tác giả bài viết: Giảng viên chính, Tiến sĩ NGUYỄN VĂN ĐĂNG
(Phó trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế)

     Hiệp ước Versailles ngày 28.11.1787 là văn bản pháp lý đầu tiên thể hiện quan hệ chính thức giữa nhà nước Việt Nam và nhà nước Pháp. Bản thân việc ký kết nằm trong bối cảnh cách mạng tư sản phương Tây nói chung, Cách mạng tư sản Pháp nói riêng đang diễn ra và ở Việt Nam là một cuộc nội chiến ác liệt sau khi khởi nghĩa Tây Sơn bùng phát (1771)… Xung quanh việc ký kết hiệp ước, nội dung hiệp ước và những hệ lụy của nó đã đặt ra nhiều vấn đề về sự thắng thế của nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn, về đánh giá chính sách ngoại giao đối với phương Tây của triều Nguyễn, về quan hệ Pháp – Việt về sau. Bài viết này nêu ra một vài suy nghĩ cần lưu ý thêm chung quanh hiệp ước nói trên.

1. Về bối cảnh lịch sử ký hiệp ước

     Điều khá rõ là Hiệp ước được ký kết trong bối cảnh chúa Nguyễn ở Việt Nam đang thất thế trước phong trào Tây Sơn và chính phủ Pháp cũng đang cạnh tranh với các nước phương Tây khác (đặc biệt là Anh) để xác lập thuộc địa ở Viễn Đông. Tuy nhiên, đi vào chi tiết thì có một số vấn đề cần lưu ý thêm, cụ thể như sau:

     1.1. Sự cầu viện các thế lực bên ngoài (Xiêm, Pháp) của Nguyễn Ánh không phải được đặt ra ngay từ đầu mà là kết quả của sự toan tính, tìm kiếm cơ may tồn tại, phục hưng vương triều bởi sự tấn công dồn dập của phong trào Tây Sơn vào đất Nam Bộ. Qua 5 lần đụng độ với quân Tây Sơn tấn công vào đây trong các năm 1775, 1776, 1777, 1782 và 1783, thế lực chúa Nguyễn ngày càng suy yếu. Sau khi Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương, Thái Thượng vương Nguyễn Phúc Thuần (đều bị giết năm 1777) thì Nguyễn Ánh (hậu duệ của dòng chúa, cháu nội của Nguyễn Phúc Khoát) được suy tôn. Nguyễn Ánh đã cùng các tướng lĩnh như Đỗ Thành Nhơn (hay Nhân), Châu Văn Tiếp… tìm cách cách để kháng cự, giành giật với ba anh em Tây Sơn trên khắp địa bàn Nam Bộ và các đảo phía Nam nhưng bất thành….

     Thậm chí đã có sự đấu tranh gay gắt trong nội bộ về đối tượng và cách thức cầu viện, dẫn đến đổ máu như câu chuyện liên quan đến câu ca dao: “Gió đưa rau cải về trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay”, những câu chuyện về Nguyễn Ánh khi bôn tẩu ở Nam Bộ mà dấu tích vẫn con lưu lại ở Tiền Giang, Long Xuyên, ở vùng Lâm Viên – Núi Cấm (Thất Sơn, An Giang), ở khu vực U Minh, vùng Cạnh Đền (vùng giáp ranh ba tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau,…

     1.2. Quá trình chuyển hướng của Nguyễn Ánh sau khi cầu viện thế lực Xiêm La thất bại và đi đến quyết ủy thác cho Giám mục Pigneau de Béhaine (tức Giám mục Bá Đa Lộc) 1 thay mặt thế lực họ Nguyễn đến nước Pháp cầu viện cũng rất lâu dài… Trong đó, nổi bật lên vai trò của Giám mục Bá Đa Lộc khi trở thành người đại diện cho Nguyễn Ánh bên cạnh vua Pháp và sau đó lại đại diện cho cả vua Pháp bên cạnh Nguyễn Ánh.

     Trước hết, từ năm 1782, hội đồng Hoàng tộc họ Nguyễn đã ra quyết nghị 14 điều ngày 10 tháng 7 năm Cảnh Hưng 43 (1782) nhờ Giám mục Bá Đa Lộc cầu viện triều đình Pháp2. Cuối năm 1783, Nguyễn Ánh mới chính thức nhờ Giám mục đại diện cho mình cầu viện triều đình Pháp, còn bản thân ông thì sang Vọng Các (Bangkok) cầu cứu Xiêm/Xiêm La. Sau khi bị Nguyễn Huệ đánh tan đầu năm 1785, nhận thức được sự “ác ý”, “bịp bợm” của người Xiêm, ông lại chuyển sang cầu viện người Hà Lan3 . Sự việc không thành, ông lại hối thúc các hoạt động ở Giám mục ở Pondichéry (thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ, sử triều Nguyễn hay gọi là Tiểu Tây – tức ở Ấn Độ Dương). Thậm chí, khi công việc cầu viện nhà cầm quyền Pháp ở Tiểu Tây thất bại do thái độ của các viên chức Pháp tại đây và một phần do các giáo sĩ dòng Tây Ban Nha ganh ghét các giáo sĩ Pháp, nên đã tố cáo với Tòa thánh La Mã về những hoạt động của Giám mục Bá Đa Lộc, buộc Nguyễn Ánh phải viết thư cầu cứu người Bồ Đào Nha ở Ma Cao. Sau đó, vào tháng 10 năm 1786, khi đang ở Xiêm, Nguyễn Ánh đã nhận được thư của Thống đốc Bồ Đào Nha ở Goa4 mời ông sang Goa để nhận 56 tàu chiến đang chờ đi cứu viện ở đó, dẫn đến việc ký kết Hòa ước Vọng các ngày 05.12.17865… nhưng vì nhiều lý do Hiệp ước này cũng chỉ nằm trên giấy như các văn bản trong khuôn khổ của Hiệp ước Versailles sau đó…

     Như thế có thể nói, trong thế cùng đường, Nguyễn Ánh lần lượt tiếp xúc, liên hệ với nhiều thế lực khác nhau, phải nhờ vả họ để khôi phục cơ nghiệp và cuối cùng, thì đặt cả niềm hy vọng cứu viện vào sự nhiệt huyết của Giám mục Bá Đa Lộc 6 ở triều đình Pháp.

     1.3. Nước Pháp ngay trước thềm của cuộc Cách mạng 1787, đang có phân hóa trong nội bộ triều đình dẫn đến quá trình cầu viện của Giám mục diễn ra vô cùng phức tạp, việc ký kết hiệp ước và thực hiện nó vô cùng gian nan thể hiện sự thiếu tính nhất quán trong chính sách đối ngoại của nước Pháp lúc bấy giờ.

        Trước năm 1787, Pháp bị vướng vào những vấn đề rắc rối như việc Pháp không dám can thiệp vào nội bộ người Hà Lan khi nước Đức khống chế và can thiệp vào đây. Đặc biệt, trong nội bộ có sự xung đột chính trị giữa các phe phái là phái Quí tộc, phái Giáo hội và phái thứ ba (tức phái Tieres). Triều đình Pháp đã phải nhượng bộ dần phái thứ ba nhưng không đủ để tránh một cuộc khủng hoảng dẫn đến cuộc Cách mạng 1789. Hơn nữa, cuộc cạnh tranh khốc liệt của thực dân Anh tại thị trường Viễn Đông buộc pháp phải dè chừng, toan tính… Tất cả điều đó đã dẫn chính phủ Pháp đến sự nghi ngại nhất định trong cuộc viễn chinh ở Việt Nam. Sau khi nghe thuyết trình của 2 phe chủ trương viễn chinh và chống viễn chinh, vua Louis XVI đã nhận định: “Hoàng thượng muốn quân đội của Ngài không gặp nhiều nguy hiểm, không tổn phí nhiều về phương tiện tài chính, không bao bọc (Nguyễn Vương) nhiều nhưng đổi lại phải có những nhượng địa quí báu để làm gia tăng thế lực ở châu Á, để bành trướng việc thương mại của thần dân (Pháp) trong khu vực quan trọng này của địa cầu”1. Chính nội tình nước Pháp như thế nên khi cách mạng nổ ra thì người Pháp đã không thực thi bản hiệp ước này như lịch sử đã cho thấy.

2. Về nội dung Hiệp ước Versailles

     2.1. Về văn bản, bên cạnh Hiệp ước chính thức gọi là Hòa ước liên minh công thủ giữa Pháp và Đại Việt ký giữa đại diện Pháp Hoàng là Bá tước Montmorin và Giám mục Bá Đa Lộc, đại diện Nguyễn Ánh, còn có nhiều văn bản khác. Đó là Điều khoản tách rời, Lời tuyên bố của Giám mục Bá Đa Lộc, Công ước liên quan đến cuộc viễn chinh Đại Việt.

     Hòa ước liên minh công thủ ký ngày 28.11.1787 tại điện Versailles giữa một bên là Giám mục Bá Đa Lộc, đại diện cho Nguyễn Ánh và một bên là Bá tước Emile de Montmorin, Thượng thư Ngoại giao, đại diện cho Pháp hoàng Louis XVI. Hiệp ước gồm có 10 điều khoản với những nội dung chính như sau:

     – Triều đình Pháp hứa giúp Nguyễn Vương khôi phục cơ đồ (điều 1) bằng một lực lượng gồm 4 tàu chiến, 1.200 bộ binh, 200 pháo binh, 250 lính Ấn với đầy đủ quân nhu, khí giới (điều 2).

     – Để đáp lại, Nguyễn Vương bằng lòng nhường cho Pháp quyền sở hữu và thống trị Cù Lao Chàm/bán đảo Sơn Trà/Đà Nẵng/Hội An (sẽ đề cập ở sau) và đảo Côn Lôn (điều 3,4,5). Dân Pháp sẽ được độc quyền tự do đến buôn bán và đi lại trong nước (điều 6), được chính quyền Nguyễn Vương bảo vệ an toàn, công bằng khi gặp khó khăn (điều 7).

     – Khi có chiến tranh tại một trong 2 nước thì nước kia có bổn phận giúp đỡ để chiến thắng (điều 8, 9). Điều khoản tách rời (article séparé) qui định về vấn đề tư pháp đối với những cơ sở hàng hải và thương mại của Pháp tại Đại Việt. Lời tuyên bố của Giám mục Bá Đa Lộc trong việc chịu trách nhiệm xin vua Đàng Trong về kinh phí cho những cơ sở quốc phòng và an ninh của người Pháp. Công ước (convention) bàn các chi tiết cụ thể liên quan đến cuộc viễn chinh Đại Việt và trách nhiệm của Bá Đa Lộc trong việc thực hiện Hiệp ước.

     2.2. Về hai địa điểm thuộc chủ quyền của Việt Nam nhượng cho Pháp có sự mơ hồ trong văn bản dẫn đến sự diễn dịch sai trong giới sử học xưa nay. Về địa điểm Poulo Condore (trong điều 5) thì không có gì phải bàn nhiều (tức Côn Lôn trong thư tịch, hiện nay là Côn Đảo)1. Tuy nhiên, về địa điểm thứ 1 (trong điều 3) thì có cách hiểu không giống nhau ở Việt Nam, ngay cả trong giới sử học. Từ văn bản gốc được dịch ra như sau: “Nhà vua xứ Đàng Trong… phải nhượng cho nhà vua và nước Pháp quyền sở hữu tuyệt đối và chủ quyền của hòn đảo làm thành hải cảng chính của Đàng Trong có tên gọi là Hoinan mà người châu Âu gọi là Tourane”2. Thực tế cho thấy không có một hải cảng nào ở Đàng Trong mà người Việt gọi là Hội An (Hoinan) và người phương Tây gọi là Touron (Tourane). Người Việt phân biệt rõ ràng Hội An với Đà Nẵng cũng như người phương Tây phân biệt Faifo với Tourane. Hơn nữa, hòn đảo làm thành hải cảng Hội An chính là Cù lao Chàm và bán đảo (chứ không phải đảo) làm thành Tourane chính là núi Sơn Trà thuộc bán đảo Tiên Sa. Vậy có thể có 4 khả năng nói về địa điểm này xảy ra: Cù lao Chàm, bán đảo Tiên Sa, Đà Nẵng (Tourane) hoặc Hội An trở thành vùng đất phải nhượng cho Pháp khi Hiệp ước được thực thi. Điều này cũng dễ hiểu vì Hiệp ước không do người Việt trực tiếp thương thảo và cũng không có văn bản chữ Hán, mọi việc đều do người Pháp thảo thuận với nhau dù Bá Đa Lộc là người đại diện cho Nguyễn Ánh. Từ đó mỗi bên hiểu theo một cách khác nhau và trong nước Việt Nam cũng không rõ ràng về địa điểm này3. Phần lớn người Việt đều cho đó là Đà Nẵng. Đứng về phía người Pháp thì chắc chắn họ đòi nhượng Tiên Sa hoặc Đà Nẵng do vị trí chiến lược hàng hải và thương mại của nó. Những văn bản trên đều mang tính pháp lý giữa triều đình Pháp và thế lực Nguyễn Ánh. Nó đặt cơ sở cho mối quan hệ giữa nước Pháp và vua Đại Việt về sau nếu nó được thực thi một cách trọn vẹn.

3. Những hệ lụy

     3.1. Thực tế đã cho thấy các vản bản được ký kết nói trên đã không được chính phủ Pháp thực thi. Trước cuộc Cách mạng 1789, các quan chức có trách nhiệm trù trừ, do dự không muốn thực thi. Sau cuộc Cách mạng tư sản 1789, chính phủ mới ở Pháp theo thể chế Cộng hòa tư sản đã không triển khai thực hiện Hiệp ước đã ký vì nhiều lý do trong nội tình nước Pháp. Nhưng với sự nhiệt tình vận động của Giám mục Bá Đa Lộc, một số cá nhân giáo sĩ và sĩ quan người Pháp đã tình nguyện giúp Nguyễn Ánh củng cố lại lực lượng, trang bị vũ khí (chủ yếu là tàu chiến, đại bác), xây dựng chính quyền Gia Định; để rồi từ đó lần lượt có những chiến thắng và giành thắng lợi trong cuộc đối đầu với vương triều Tây Sơn đang trên đường suy yếu, lập nên vương triều Nguyễn. Như thế, Hiệp ước đã không có giá trị cụ thể là trực tiếp giúp cho Nguyễn Ánh trong mục đích cầu viện và như thế không thể nhận định: “Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà” như quan niệm trước đây khi đánh giá về công cuộc khôi phục cơ nghiệp của Nguyễn Ánh. Dù vậy, có thể thấy Hiệp ước đã có những ảnh hưởng một cách gián tiếp lâu dài trong quan hệ giữa hai nước trong suốt triều Nguyễn.

     3.2. Triều Nguyễn đã rất lúng túng trong các chính sách đối ngoại, đặc biệt là trong các chính sách với nước Pháp. Trong thắng lợi của Nguyễn Ánh đánh thắng vương triều Tây Sơn, khôi phục vương triều Nguyễn, dù không nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ Pháp nhưng một nhân tố không thể không kể đến là sự giúp đỡ có hiệu quả của một số cá nhân người Pháp. Những người này được Nguyễn Ánh “trả ơn” bằng cách ưu đãi vật chất, cho họ đảm nhận một số chức trách trong chính quyền mới dù là hư vị; tiêu biểu Chaigneau, Vanier, D’Ayot, Forçant,… Với chính sách độc lập tự chủ và coi quan hệ đã có với Pháp như một “món nợ” nên Gia Long tỏ ra lúng túng trong chính sách đối ngoại với nước Pháp thể hiện qua việc chọn Minh Mạng làm người kế vị nhằm giúp ông “trả ơn” bằng cách cự tuyệt quan hệ chính thức với người Pháp của Minh Mạng.

     Từ chỗ lúng túng, thiếu nhất quán, đi đến “đóng cửa”, bài ngoại cực đoan với các nước phương Tây nói chung, với nước Pháp nói riêng là chính sách đối ngoại “không thức thời” của triều Nguyễn từ thời Minh Mạng về sau. Triều Nguyễn không thể thực hiện chính sách ngoại giao xoay chiều như Xiêm La đã làm khi đương thời một số nho sĩ đã thấy chính sách của Thái Lan là hay và khuyên nhà vua nên thực thi,… Đó hệ lụy cơ bản của Hiệp ước Versailles.

     3.3. Người Pháp đã có những ưu thế nhất định, hơn hẵn các nước phương Tây khác trong quan hệ với Việt Nam. Một trong những yêu sách họ đưa ra là phải ưu tiên cho họ trong quan hệ của nhà nước Việt Nam với phương Tây vì họ đã từng có quan hệ với Việt Nam. Lý lẽ được đưa ra là trước đây họ chưa thực thi Hiệp ước Versailles thì bây giờ họ tiếp tục thực thi mối quan hệ đã có. Điều này không chỉ gây ra khó khăn cho chính sách đối ngoại của triều Nguyễn mà còn đẩy các đế quốc phương Tây khác ra khỏi quĩ đạo quan hệ bình thường với Việt Nam. Để rồi sau đó, khi quan hệ ngoại giao song phương bình thường dần dần được thay thế bằng các phương thức xâm nhập có vũ trang vào Việt Nam, thì đế quốc Pháp trở thành mối đe dọa thường trực và gần như duy nhất vào Việt Nam giữa thế kỷ XIX. Như thế quan hệ hai nước Pháp – Việt diễn ra không bình thường kể từ sau hiệp ước được ký kết; nhiều cơ hội giao lưu Đông – Tây ở Việt Nam bị bỏ qua dưới triều Nguyễn để rồi sau đó, thực dân Pháp sử dụng vũ lực xâm lược Việt Nam vì lý do tôn giáo năm 1858 như lịch sử đã ghi nhận.

__________
     1. Giám mục Pingeau de Béhaine (Bá Đa Lộc) tên thật là Pierre Joseph Georges Pigneau sinh ngày 02.11.1741 tại Origny en Thiérache, tỉnh Aisne, Pháp. Ông qua Macao năm 1765, nhập giáo hội Đàng Trong. Năm 1767, ông đến Hà Tiên, dạy ở chủng viện Hòn Đất. Khi chủng viện này dời qua Pondichéry (tháng 6.1770), ông cùng đi theo. Tại đây, ông được phong làm Giám mục hiệu tòa Adran nên cũng thường được các sách sử gọi là Giám mục Adran (hay Adrian), cai quản địa phận Đàng Trong (6.1771). Năm 1775, ông lại trở về Macao rồi Hà Tiên. Chính trong thời kỳ này, ông đã gặp và làm quen với Nguyễn Ánh.

     2. “Archives Affaires Etrangères, Asie, Mémoire et Document”. Vol 19 facs. 101; Georges Taboulet, La Geste Francais en Indochine, Adrien Maisonneuve, Paris, 1955, p. 176, 177.

     3. Nguyễn Khắc Ngữ, Liên lạc Việt Pháp 1775-1820 Nguyễn Vương và Giám mục Adran, 1990, tr.30.

     4. Goa là 1 bang nằm ở bờ biển phía Tây của Ấn Độ ở vùng có tên gọi là Konkan. Những nhà buôn người Bồ Đào Nha đã lần đầu đến đây vào thế kỷ 15 và đã sớm thôn tính nó ngay sau đó. Chế độ thực dân Bồ Đào Nha đã tồn tại ở đây trong 450 năm (một trong những chốn thuộc địa bị chiếm đóng lâu nhất thế giới), cho đến khi nó được Ấn Độ tiếp quản năm 1961.

     5. Nguyễn Khắc Ngữ, Liên lạc Việt Pháp 1775-1820 Nguyễn Vương và Giám mục Adran, 1990, tr.37-38. 6 Bá Đa Lộc mang theo Hoàng tử Cảnh, Bảo ấn của chúa Nguyễn, quyết nghị của Hội đồng hoàng tộc, Thư của Nguyễn Ánh gửi Pháp Hoàng Louis XVI.

     1. Mémoire du Roy suivi d’instruction particuliere au Sieur Comte de Conway, Correspondances générales, vol. VII, p.608. Dẫn lại của Nguyễn Khắc Ngữ, Liên lạc…sđd, tr. 53.

    1. Trong thư tịch chính thống của Việt Nam từ thế kỷ thứ VIII – XX thì chủ yếu là Côn Lôn. Côn Đảo hiện nay không phải là rút gọn từ Côn Lôn đảo. Trong các tư liệu nước ngoài: thế kỷ thứ IX gọi là Sender – Foulat hay Cũndur – fũlát. Thế kỷ thứ XIII: Sondur và Condur. Cuối thế kỷ XVII là Poulo Condore/Pulo Condore.

     Hai từ Poulo Condore trong văn bản của Hiệp ước có nguồn gốc Mã Lai. Từ poulo/pulo có gốc từ fũlát của Mã Lai có nghĩa là cù lao/đảo của Việt. Từ Kundur có nghĩa là trái bầu, trái bí trong tiếng Mã Lai trở thành Condore chỉ một loài chim ở Tây bán cầu, khá giống với hình thể Côn Đảo. Tại Côn Đảo có một mũi gọi là mũi Con Chim. Xem thêm Đào Ngọc Chương, “Những cứ liệu cũ về địa danh Côn Đảo”, Hội thảo khoa học “Côn Đảo – 150 năm đấu tranh xây dựng và phát triển (1862-2012) do Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tp Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức ngày 17.8.2012.

     2. Nguyên văn: L’ile jononat le Port principal de la Cochinchine appelé Hoinan et par les Européen Touron. Georges Taboulet, La Geste Francais en Indochine, Adrien Maisonneuve, Paris, 1955, p. 187, 188.

     3. Điều này cũng dễ hiểu vì Hiệp ước không do người Việt trực tiếp thương thảo và cũng không có văn bản chữ Hán, mọi việc đều do người Pháp thương thảo với nhau, dù trong đó, Bá Đa Lộc là người đại diện cho Nguyễn Ánh. Có nghĩa là không có gì rõ ràng và chính xác cả. Về phía Pháp, dĩ nhiên là họ hiểu Hiệp ước này theo chiều hướng có lợi cho họ; nghĩa là họ chọn Đà Nẵng chứ không phải một hòn đảo nào đó hay chọn Hội An (bấy giờ đã bắt đầu suy tàn). Theo tôi, núi Sơn Trà ở bán đảo Tiên Sa (hiện nay thuộc địa phận Đà Nẵng) là ý định mà văn bản đề cập tới.

Nguồn: Hội thảo “Quan hệ Việt – Pháp, quá khứ và hiện tại”, 2013
Relations Vietnam – France d’hier et d’aujourd’hui

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Hiểu thêm về hiệp ước Versailles (1787) giữa nước Pháp và chúa Nguyễn Ánh (Tác giả: GVC.TS Nguyễn Văn Đăng)