Hình thái kiến trúc nghỉ dưỡng dạng Homestay phù hợp với đặc trưng văn hóa và khí hậu tại thôn Lô Lô Chải, tỉnh Hà Giang

THE MORPHOLOGY OF HOMESTAY SUITABLE FOR THE LOCAL CLIMATE
AND CULTURE AT LO LO CHAI VILLAGE, HA GIANG PROVINCE

Tác giả bài viết: Lê Thị Ngọc Anh, Nguyễn Thị Hải Hà, Nguyễn Quốc Tiến
(Sinh viên chuyên ngành Kiến trúc, Viện Đào tạo
và Hợp tác quốc tế,
Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội),
ThS.KTS Đặng Ngọc Anh (Giảng viên Bộ môn chuyên ngành 1,
Viện Đào tạo
và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội)

TÓM TẮT

     Homestay là loại hình nhà ở cho thuê phù hợp với nhu cầu trải nghiệm du lịch kiểu mới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tại Việt Nam, homestay chưa được đầu tư và chưa có hình thái kiến trúc phù hợp với khí hậu địa phương và bảo tồn được văn hóa, nhất là tại các bản làng dân tộc ít người.

     Khu vực nghiên cứu nằm tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, thuộc Công viên địa chất toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Bài báo tổng hợp, phân tích các khái niệm về homestay; hiện trạng về văn hóa, khí hậu, kiến trúc truyền thống và kiến trúc homestay tại thôn Lô Lô Chải; đưa ra giải pháp hình thái kiến trúc bền vững dạng homestay phù hợp với phát triển trong tương lai.

Từ khóa: homestay, du lịch trải nghiệm, văn hóa, khí hậu, kiến trúc bền vững, kiến trúc bản địa, kiến trúc truyền thống dân tộc Lô Lô, Lô Lô Chải, Cao nguyên đá Đồng Văn.

ABSTRACT

     Homestay is a type of rental accommodation which is suitable with experiential tourism – a new type of tourism experience in the context of globalization. However, this type of accommodation has not yet been invested in, and has no compatible architectural form, which can be developed on a scale in accordance with the local climate and preserves native culture, especially in ethnic minority villages.

     The research area is located in Lo Lo Chai village, Lung Cu commune, Dong Van Karst Plateau Geopark, Ha Giang province. The research synthesizes and analyzes the theories of homestay, the current status of culture, climate, traditional architecture, and the homestay architecture in Lo Lo Chai Village; and proposes an appropriate and sustainable solution for the morphology of homestay architecture.

Key words: homestay, experiential tourism, culture, climate, sustainable architecture, local architecture, Lo Lo traditional architecture, Lo Lo Chai, Dong Van Karst Plateau Geopark.

x
x x

1. Phần mở đầu

      Loại hình kiến trúc nghỉ dưỡng dạng homestay là loại hình mới phát triển và du nhập vào Việt Nam gần đây. Tuy nhiên, phát triển homestay thiếu kiểm soát dẫn đến các tác động tiêu cực đến môi trường sống cũng như văn hóa truyền thống của người dân địa phương. Vì vậy việc nghiên cứu về homestay là vô cùng cần thiết.

     Khu vực nghiên cứu nằm tại thôn Lô Lô Chải, cách cột cờ Lũng Cú 1.5 km và cách điểm Cực Bắc của Việt Nam 3.5 km. Đây là khu vực quan trọng trong việc bảo vệ an ninh quốc gia. Dù vậy, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Vào năm 2017, cả thôn có 106 hộ gia đình, trong đó có 42 hộ gia đình cận nghèo, 7 hộ gia đình nghèo. Để mô tả cuộc sống của mình và khung cảnh nơi đây, đồng bào dân tộc có câu: “Sống trên đá, chết vùi trong đá”. Bên cạnh đó, khu vực có tiềm năng phát triển du lịch nhờ khung cảnh thiên nhiên núi đá hùng vĩ, văn hóa nghệ thuật truyền thống và kiến trúc đặc sắc. Vì vậy, phát triển du lịch tại thôn Lô Lô Chải là một trong những phương hướng giúp xóa đói giảm nghèo cũng như đảm bảo chủ quyền dân tộc.

     Nghiên cứu kỳ vọng có thể đưa ra phân tích hiện trạng và đề xuất hình thái homestay bền vững, phù hợp với đặc trưng văn hóa và khí hậu tại thôn Lô Lô Chải. Nghiên cứu tập trung chủ yếu vào khía cạnh kiến trúc của hình thái homestay. Những thống kê, phân tích về các yếu tố tự nhiên, văn hóa, xã hội,… được đưa ra để làm cơ sở lý luận cho đối tượng nghiên cứu chính là kiến trúc homestay.

2. Tổng quan về homestay

     Homestay là loại hình nhà ở cho thuê mà trong đó khách du lịch ở cùng với chủ nhà, với mục đích trải nghiệm lối sống và văn hóa của người dân địa phương. Cần phân biệt homestay với housestay, housestay là nơi cung cấp chỗ ở dành riêng cho du khách trong khu dân cư, vì vậy khách không có cơ hội trải nghiệm lối sống bản địa.

     Trên thế giới, homestay bắt nguồn từ ảnh hưởng của xã hội và tôn giáo, khi người dân phải cung cấp đồ ăn, thức uống và chỗ ngủ cho người lạ đến nhà. Do gánh nặng kinh tế, việc này dần mở rộng thành các doanh nghiệp nhỏ và phát triển mạnh vào cuối thế kỷ XX. Các hình thức homestay phổ biến hiện nay là homestay nông nghiệp (farmstay) ở Úc, homestay giáo dục (educational homestay) ở Nhật Bản, Hàn Quốc, homestay thư giãn (leisurestay) ở Nam Phi, homestay văn hóa và di sản (cultural and heritage homestay) ở Canada, homestay nông nghiệp và giáo dục (agriculture and educational homestay) ở Mỹ, hay homestay đô thị (urban homestay) ở Singapore.

     Tại Việt Nam, homestay mới phát triển, tập trung nhiều nhất ở Tây Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Loại hình này do tính tự phát của chủ hộ, khởi nguồn từ nhu cầu của những vị khách “Tây ba lô”. Dù Việt Nam có tiềm năng phát triển nhiều loại homestay nhưng phổ biến hơn cả là homestay văn hóa (cultural homestay). Khái niệm “homestay” vẫn hay bị nhầm lẫn và hay được sử dụng để thay thế cho “housestay”.

     Homestay mang lại nhiều giá trị với người dân và khách du lịch. Đối với người dân, bằng cách khai thác tiềm năng sẵn có, homestay giúp tạo ra nguồn thu nhập, từ đó đảm bảo bền vững về tự nhiên, xã hội và văn hóa. Đối với du khách, homestay cung cấp trải nghiệm du lịch mới phù hợp khả năng kinh tế và sự tương tác với lối sống địa phương.

3. Tổng quan về thôn Lô Lô Chải và đặc điểm homestay

     a) Đặc điểm tự nhiên, xã hội, văn hóa, du lịch khu vực thôn Lô Lô Chải

     Vị trí của thôn Lô Lô Chải và mối liên hệ của thôn với các khu vực lân cận

     Thôn Lô Lô Chải nằm trên Cao nguyên đá Đồng Văn, cách thành phố Hà Giang 200 km và cách thành phố Hà Nội 360 km. Vào năm 2010, Cao nguyên đá Đồng Văn (gồm 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ của tỉnh Hà Giang) được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu. Quy hoạch xây dựng khu vực đến năm 2030 đã được phê duyệt, với mục tiêu phát triển du lịch, bảo tồn di sản, nâng cấp hạ tầng, đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực tới cảnh quan thiên nhiên và môi trường.

      Thôn Lô Lô Chải nằm ở khu vực trung tâm xã Lũng Cú. Khu vực này được phân chia thành các vùng chức năng (hình 3). Từ đỉnh cột cờ Lũng Cú có thể thấy toàn cảnh thôn, nhà ở nằm rải rác ven trục đường và giữa ruộng, xen kẽ là các điểm kinh doanh homestay, nhà hàng, cafe, tạp hóa. Khu vực làng cổ nằm ở vị trí tương đối cao, một vài điểm ở đây có góc nhìn rộng ra thung lũng và núi đồi xung quanh.

     Đặc điểm tự nhiên

     Khí hậu tại đây mang tính ôn đới. Một năm chia thành mùa mưa (tháng 5 – tháng 10) và mùa khô (tháng 11 – tháng 4 năm sau), thường có sương mù, thời tiết lạnh và khô hanh. Hướng gió lạnh chủ đạo là hướng bắc, cũng phụ thuộc vào địa hình thung lũng. Khung cảnh có sự thay đổi rõ rệt giữa các mùa nhờ thảm thực vật ôn đới. Các loại cây lương thực góp phần tạo cảnh quan nông nghiệp cho thôn.

     Tình trạng thiếu nước sinh hoạt mỗi mùa khô là vấn đề cần xử lý. Hệ thống cấp nước đã được đầu tư nhưng mới chỉ giải quyết được phần nào vấn đề này.

     Đặc điểm xã hội, văn hóa

     Dân tộc Lô Lô có mặt ở Việt Nam từ trên dưới 500 năm. Họ di cư từ Trung Quốc do chiến tranh, do bị đàn áp nặng nề hoặc bị mất mùa đói kém, bệnh dịch,… Người Lô Lô đã có công khai khẩn đất đai ở vùng núi đá Hà Giang và Bảo Lạc (Cao Bằng). Hoạt động kinh tế trước năm 2015 chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi.

     Trong một năm có 2 tết truyền thống lớn là Tết Cả và Tết tháng 7. Tuy nhiên, một số yếu tố văn hóa khác bị mai một như: chữ viết truyền thống, trống đồng,… do ý thức chưa coi trọng đúng mức đối với văn hóa dân tộc. Trang phục đặc trưng ít được sử dụng thường xuyên dẫn đến nguy cơ mai một nghề dệt, may của thôn. Nhà ở truyền thống cũng đang có xu hướng biến đổi.

     Đặc điểm du lịch

     Đầu năm 2012, nhờ sự giúp đỡ của Đại sứ quán Luxembourg, một số hộ bắt đầu mở mô hình homestay. Năm 2018, thôn Lô Lô Chải có tổng 9 hộ gia đình chuyên hoạt động về du lịch gồm các dịch vụ như ăn, uống, nghỉ và chăn nuôi gia cầm, trong đó 03 hộ phục vụ lưu trú. Khách hàng chủ yếu lưu trú ngắn ngày. Hoạt động du lịch mang lại 80% thu nhập cho các hộ dân kinh doanh homestay và khoảng 10% cho các hộ dân khác trong thôn. Thôn hiện đang có các chính sách riêng để phát triển du lịch và homestay.

     b) Đặc điểm quy hoạch, cảnh quan, kiến trúc

     Quy hoạch, cảnh quan

     Qua nhiều thế hệ xây dựng nhà ở, hướng nhà chính ở thôn Lô Lô Chải thường quay về hướng đông bắc và tập trung thành cụm, dựa lưng vào núi và nhìn ra thung lũng phía trước. Sự đồng bộ về hướng nhà tạo sự chồng lớp trong cảnh quan thôn, tạo sự tương đồng nhất định với cảnh quan thiên nhiên – các lớp núi nối tiếp nhau.

     Quy hoạch giao thông trong thôn nhìn chung khá phức tạp (hình 4). Đối với các hộ dân, hệ thống giao thông này tạo sự riêng tư, an toàn và yên tĩnh. Tuy nhiên, du khách lại gặp nhiều khó khăn trong việc tham quan, tiếp cận homestay trong thôn.

     Kiến trúc truyền thống

     Thôn đặc trưng bởi nhà trình tường truyền thống của người Lô Lô với màu vàng đất chủ đạo. Dù vậy, một số hộ có tường gạch nung trần khác biệt, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh chung của thôn.

      Một đơn vị nhà ở truyền thống thường bao gồm: nhà chính, bếp, WC, nhà tắm, sân, vườn rau, kho. Nhà chính có ba gian: gian giữa dùng để thờ cúng, tiếp khách, ăn uống; hai gian còn lại là gian ngủ. Gác xép và kho giúp tích trữ lương thực trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Vị trí bếp thuận tiện, nhà chính không bị ám mùi bếp, người dân sử dụng bếp củi nhiều. WC và phòng tắm được bố trí bên ngoài nhà, ít nhiều gây bất tiện. Sân hàng ngày là nơi giặt giũ, để xe, phơi đồ, và là nơi tổ chức ăn uống trong các dịp đặc biệt. Về phương thức xây dựng nhà truyền thống, khung nhà được làm bằng gỗ có kết cấu tương đối đơn giản. Hiện tại mái nhà lợp bằng ngói âm dương và phi prô-xi-măng. Vật liệu tường là đất (hoặc đất trộn thêm xi măng) được lấy ngay tại địa điểm xây dựng. Người ta trình tường bằng tay hoặc trình tường bằng máy. Nhờ vật liệu tường đất và cửa nhỏ, ngôi nhà được giữ ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Hướng nhà đông bắc tránh gió lạnh (hướng bắc) thổi trực tiếp vào nhà. Tuy nhiên, cửa sổ nhỏ khiến nhà thiếu ánh sáng tự nhiên cũng như sự thông thoáng.

     c) Hiện trạng kiến trúc homestay tại thôn Lô Lô Chải

     Tính đến năm 2018, tổng số tiền thu được từ dịch vụ homestay ước tính trên 5 tỉ VNĐ. Theo định hướng, thôn Lô Lô Chải sẽ có 22 hộ gia đình (20%) kinh doanh homestay được hỗ trợ số tiền 60 triệu VNĐ bởi UBND huyện Đồng Văn, trong đó có 14 hộ sẽ thực hiện tu sửa lại nhà cũ, 8 hộ thực hiện sẽ xây mới và cải tạo cảnh quan. Đến đầu năm 2021, cả thôn có 11 homestay đang hoạt động.

     Có thể phân chia vị trí của homestay thành 2 khu vực: khu vực trong thôn và khu vực thôn mở rộng. Khu vực trong thôn phân bố nhiều homestay, phát triển từ cổng vào thôn. Các homestay gần cổng thôn dễ tiếp cận đối với du khách, các homestay nằm sâu bên trong khó tiếp cận hơn do giao thông phức tạp. Ở khu vực thôn mở rộng, homestay phân bố rải rác, du khách dễ dàng tiếp cận. Khu vực này khá tách biệt nên du khách ít có sự tương tác với người dân, trong khi đó, du khách có cơ hội trải nghiệm văn hóa nhiều hơn khi ở trong thôn.

     Bố cục mặt bằng các homestay nhìn chung đều có 1 sân chung diện tích tương đối lớn, phục vụ các dịp lễ của chủ nhà và các hoạt động giao lưu giữa chủ nhà và khách. Khu WC thường được bố cục tập trung để phục vụ chủ nhà và khách, hoặc bố trí khép kín đối với một vài phòng nghỉ giá thành cao.

     Phân loại homestay tại thôn Lô Lô Chải

     – Phân loại theo hình thức kiến trúc: truyền thống (là những ngôi nhà giữ được kiến trúc nguyên bản), mô phỏng theo truyền thống (xây mới nhưng sử dụng ngói âm dương và sơn vàng tường), mới hẳn (phương pháp, vật liệu, kết cấu hoàn toàn mới).

     – Phân loại theo hình thức quản lý: quản lý là người trong thôn, quản lý là người từ nơi khác, người từ nơi khác đến thuê, quản lý là người trong thôn. Bên cạnh đó còn có hình thức quản lý trong 1 chuỗi homestay của 1 công ty du lịch.

     – Phân loại theo chức năng: homestay văn hóa (cultural homestay, mục đích chính là trải nghiệm văn hóa), homestay nghỉ dưỡng (leisurestay, mục đích chính là trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên).

     – Phân loại theo bố trí nơi ở của chủ nhà: khách ở cùng khuôn viên với chủ nhà và khách không ở cùng khuôn viên với chủ nhà. Sự phân bố này ảnh hưởng đến tương tác của du khách với người dân cũng như sự linh hoạt trong bố trí công năng. Tín ngưỡng không cho phép nam nữ người lạ ngủ ở nhà chính, nên khi khách ở cùng khu đất với chủ nhà, homestay phải nằm ngoài nhà chính.

     d) Nhận xét

     Thôn Lô Lô Chải ngoài hai loại hình hiện có là homestay văn hóa và homestay nghỉ dưỡng thì còn có cơ hội phát triển thêm loại hình thứ ba là homestay nông nghiệp (farmstay, mục đích chính là trải nghiệm hoạt động nông nghiệp). Nhờ vậy có thể thúc đẩy bảo tồn, phát triển kiến trúc, nét văn hóa truyền thống, cảnh quan nông nghiệp và cảnh quan thiên nhiên.

     Về điểm mạnh, một số homestay tận dụng nhà truyền thống giúp giảm chi phí xây dựng và phát thải khí nhà kính. Mặt khác, nhiều homestay xây mới mô phỏng kiến trúc truyền thống. Mô hình hợp tác giữa người từ nơi khác và người địa phương khá lý tưởng (khi người ở địa phương khác đầu tư, đưa ra định hướng kinh doanh phù hợp thì người bản địa hiểu biết về văn hóa truyền thống, thân thiện).

     Tuy nhiên, homestay bố trí công năng chưa phù hợp với lối sống của người từ khu vực khác đến, đa số là do số lượng và vị trí WC, phòng tắm. Bên cạnh đó, nhiều homestay có ít ánh sáng tự nhiên, hình thức kiến trúc không hài hòa với cảnh quan chung. Hệ thống chiếu sáng không được chú trọng. Hệ thống thu gom rác thải chung chưa thực sự hoàn thiện.

     Việc phát triển du lịch đặt ra các thách thức cho kiến trúc nhà ở và homestay không làm giảm giá trị kiến trúc truyền thống. Không chỉ vậy, cần có phương án cấp nước mới đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng. Homestay cần chú ý phong tục tập quán cũng như lối sống của người bản địa, đảm bảo tính linh hoạt và thích ứng trong quá trình sử dụng.

4. Giải pháp tổ chức không gian kiến trúc Homestay phù hợp với khí hậu và phát triển du lịch hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa

     a) Mục tiêu thiết kế

     Về khí hậu: Hình thái homestay tiết kiệm năng lượng, tối ưu hiệu quả sử dụng nước, tạo ra môi trường vi khí hậu thoải mái cho cả du khách và cả người dân bản địa.

     Về văn hóa: Hình thái homestay giúp du khách trải nghiệm văn hóa, cảnh quan và địa chất thôn Lô Lô Chải; gìn giữ được đặc trưng văn hóa bản địa trong bối cảnh toàn cầu hóa; đảm bảo chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân.

     b) Định hướng chung cho thiết kế

     Về quy hoạch: Xây dựng nhà có chiều ngang dọc theo đường bình độ để tránh xử lý nền đất nhiều; bố trí hợp lý số lượng hộ homestay và hộ nông nghiệp; đảm bảo cảnh quan,chất lượng mặt đường sạch và an toàn để khách dễ tiếp cận; tổ chức vị trí phù hợp cho ba loại hình homestay (homestay văn hóa, homestay nghỉ dưỡng, homestay nông nghiệp).

     Về cảnh quan: Bố trí cây xanh thuộc giống cây bản địa, tôn trọng kiến trúc truyền thống và cách bố cục nhà nguyên bản của người Lô Lô (men theo địa hình và hướng ra phía thung lũng) nhằm gìn giữ cảnh quan đặc trưng vốn có. Các trang thiết bị cần bố trí phù hợp hoặc được thiết kế hài hòa với cảnh quan chung của thôn.

     Về kiến trúc: Cần chú ý Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7800:2009 về Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê. Đối với công trình cũ, công trình cải tạo, cơi nới và công trình xây mới: Bảng 1 c) Định hướng chi tiết cho 3 loại homestay Về quy hoạch (Bảng 2) Về cảnh quan.

     Bảng 1.

Đối với công trình cũ

Đối với công trình
cải tạo, cơi nới

Đối với công trình
xây mới

Phong cách kiến trúc

Bảo tồn, chỉnh trang đảm bảo đặc trưng kiến trúc truyền thống.

Đảm bảo không phá vỡ hình thức truyền thống.

Hình thức truyền thống, hoặc kết hợp linh hoạt giữa các yếu tố truyền thống và các yếu tố khác đảm bảo hài hòa.

Tổ chức không gian bên trong homestay

+ Đảm bảo cách âm, riêng tư cho phòng nghỉ. Những không gian lân cận có thể có các chức năng như nhà hàng, cafe, WC.

+ Các chức năng cần bố trí phù hợp với thói quen sử dụng của khách.

+ Bố trí khu ở của chủ nhà phù hợp với tín ngưỡng, văn hóa địa phương trong khi du khách vẫn được trải nghiệm điều đó.

+ Bố trí bếp đáp ứng nhu cầu tự chuẩn bị bữa ăn của khách và tăng sự giao lưu và trải nghiệm với văn hóa ẩm thực của khách.

Vật liệu

Vật liệu địa phương

Vật liệu địa phương, thân thiện môi trường, phù hợp khí hậu

Vật liệu địa phương, thân thiện môi trường, phù hợp khí hậu

Thông gió, ánh sáng

Thêm thiết bị, tránh tác động đến kết cấu nhà.

Thông thoáng, nhận được ánh sáng tự nhiên.

Thông thoáng, cách nhiệt tốt, nhận được ánh sáng tự nhiên.

     Bảng 2.

Homestay văn hóaHomestay nông nghiệpHomestay nghỉ dưỡng
Vị trí lựa chọnTrong thônỞ trong thôn hoặc ngoài thônKhu đất có tầm nhìn ra cảnh quan thiên nhiên
Giao thôngKết nối với nhiều khu vực trong thônKết nối nhà – ruộng – chuồngĐộc lập
Số lượngTrên 12 nhàDưới 5 nhàDưới 5 nhà
Mật độ xây dựngTrung bìnhTrung bìnhThấp

     Bảng 3.

Homestay
văn hóa
Homestay
nông nghiệp
Homestay nghỉ
dưỡng
Hệ thống
cây xanh
cây xanh
Giữ nguyên
hiện trạng,
bổ sung
Giữ nguyên
hiện trạng,
bổ sung
Quy hoạch cây
xanh che chắn,
tạo cảnh quan
Tiện íchSân vườnSân vườnBể bơi, chòi
nghỉ, vườn

    Về kiến trúc (Bảng 4)     

Homestay
văn hóa
Homestay
nông nghiệp
Homestay
nghỉ dưỡng
Mục đích
chính
Trải nghiệm văn hóaTrải nghiệm hoạt động nông
nghiệp
Trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên
Vị trí
homestay
Cùng khu đất ở của chủ nhàCùng khu đất ở của chủ nhàCó thể không cùng khu đất ở của chủ nhà
Kết nối
người
làng
Kết nối caoKết nối Kết nối ít
Kết nối
chủ nhà
Kết nối caoKết nối caoKết nối vừa phải
View nhìn
ra thiên
nhiên
Không cần quá chú trọngƯu tiên view nhìn ra đồng
ruộng
Ưu tiên view nhìn và kết nối thiên nhiên
Công
năng
Nhà chính, bếp, sân, kho (vừa phải), WC, phòng tắm, khu nhà homestay (phòng riêng, phòng ở tập thể)Nhà chính, bếp, sân, kho (rộng), WC, phòng tắm, khu nhà homestay (phòng riêng, phòng ở tập thể), ruộng, chuồng trại (ngoài khu đất)Bếp, sân, chòi
nghỉ, chỗ nghỉ
nhân viên, WC, phòng tắm, khu
nhà homestay (phòng riêng,
phòng ở tập
thể, bungalow)
Tính linh
hoạt
Linh hoạt caoLinh hoạt caoLinh hoạt thấp

     Phương án đề xuất điển hình đối với mỗi loại

     Homestay nghỉ dưỡng

     Nhóm đề xuất biến đổi tầng 1 nhà chính thành nhà ăn, tầng 2 cải tạo lại phù hợp cho gia đình, nhóm bạn; thêm thiết bị bếp hiện đại, bổ sung thêm khối WC và tắm bên ngoài ở khoảng cách phù hợp, bổ sung thêm các tiện nghi (bể bơi, ăn ngoài trời,…)

     Homestay văn hóa và homestay nông nghiệp

     Đối với công trình trong khuôn viên, hai loại homestay này có cách xử lí khá giống nhau do có mục đích chính là trải nghiệm cuộc sống người dân bản địa. Nhóm đề xuất thay thế khối nhà cũ (chuồng gia súc, kho và WC) bằng khối homestay và WC đảm bảo mật độ xây dựng không tăng. Đối với nhà chính, cải tạo đảm bảo thông gió và chiếu sáng; tái cơ cấu công năng, mở rộng phòng khách thành không gian giao lưu giữa chủ và khách, không gian ăn uống trong các dịp lễ quan trọng của gia đình. Bếp cần được cải tạo, giữ gìn vệ sinh. Đối với khối nhà xây mới, sử dụng vật liệu đất kết hợp xi măng.

     Đối với homestay nông nghiệp, chuồng trại, ruộng được bố trí bên ngoài.

5. Kết luận

     Định hướng của nghiên cứu ưu tiên tính bền vững của kiến trúc homestay. Nghiên cứu đưa ra phương hướng phát triển sơ bộ về quy hoạch, cảnh quan và kiến trúc với mục tiêu và tiêu chí đảm bảo thích ứng với điều kiện tự nhiên và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất ba mô hình homestay (homestay văn hóa, homestay nghỉ dưỡng, homestay nông nghiệp) phù hợp với đặc điểm khu vực nghiên cứu.

     Thực trạng du lịch homestay tại thôn Lô Lô Chải đang phát triển khá thuận lợi nhờ có sự nhanh nhạy của người dân và những chính sách hợp lý của chính quyền. Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể và đầy đủ về vấn đề này. Các thông tin, định hướng và đề xuất trong bài có giá trị tham khảo cho các nghiên cứu và đồ án thiết thiết kế bền vững homestay tại thôn. Thôn Lô Lô Chải có thể là ví dụ tham khảo cho các bản làng dân tộc khác có bản sắc văn hóa đặc trưng và đang gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Lê Duy Đại – Triệu Đức Thanh (2008). Các dân tộc ở Hà Giang. Nhà xuất bản Thế giới.

     2. Lập quy hoạch chung Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Báo Tài nguyên và Môi trường.

     3. Nguyễn Khắc Tụng (1994). Nhà ở cổ truyền các dân tộc Việt Nam, tập I. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

     4. Nguyễn Thị Thu Thủy (2020). Giải pháp phát triển bền vững du lịch Homestay ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, tỉnh Hà Giang. Luận văn Thạc sĩ khoa học bền vững, Đại học Quốc gia Hà Nội.

     5. Ninh Thị Kim Anh (2013). Du lịch homestay cộng đồng – kinh nghiệm du lịch homestay ở Việt Nam và một số quốc gia. Kỷ yếu hội thảo khoa học cấp bộ môn, Khoa kinh tế, Trường đại học Nha Trang.

     6. Trần Thị Mai Lan – Đoàn Việt (2020). Sinh hoạt văn hóa của hai dân tộc Lô Lô và Cơ Lao ở vùng biên giới tỉnh Hà Giang. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.

     7. Ủy ban Nhân dân xã Lũng Cú (2018). Báo cáo Thực hiện tiêu chí xây dựng danh hiệu Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải – xã Lũng Cú.

     8. Yasami, M., Awang, K., & Teoh, K. (2017). Homestay Tourism: From the Distant Past up to Present. PEOPLE: International Journal of Social Sciences.

     Ghi chú: Hình ảnh minh họa bài viết – Kính mời Quý độc giả xem ở tệp PDF đính kèm bên dưới.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Kiến Trúc – Xây dựng, số 42 /2021

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Hình thái kiến trúc nghỉ dưỡng dạng Homestay phù hợp với đặc trưng văn hóa và khí hậu tại thôn Lô Lô Chải, tỉnh Hà Giang (Tác giả: Lê Thị Ngọc Anh, Nguyễn Thị Hải Hà, Nguyễn Quốc Tiến; ThS.KTS. Đặng Ngọc Anh)