Hình tượng Lân trong văn hóa phương Đông

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  HÀ VĂN CHƯỚC

     Trong giao thoa, tiếp biến với văn hóa Trung Hoa, con lân xuất hiện trong bộ tứ linh và đã trở thành linh vật có vị trí quan trọng trong mỹ thuật phong kiến Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật cho rằng trước khi con lân xuất hiện trong văn hóa Việt thì đã có linh vật đồng dạng là hình tượng con nghê, linh vật thuần Việt được trang trí ở các công trình đền đài, miếu mạo, lăng tẩm, cung điện từ thời nhà Lý (1009-1225) về sau.

     Theo nghiên cứu của PGS.TS Tống Trung Tín, sư tử đá xuất hiện khoảng 3.000 năm, bắt nguồn từ người Ba Tư thông qua việc các nước Tây Á cống nạp sư tử cho các triều phong kiến Trung Hoa. Người Trung Hoa du nhập sư tử đá vào lãnh thổ và biến nó thành linh vật được gọi là con lân, canh giữ lăng mộ, đền đài. Từ đó con lân được du nhập và tiếp nhận ở một số nền văn hóa phương Đông như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam…

     Đối với người Trung Hoa, con lân còn được gọi là kỳ lân, lân là con cái, kỳ là con đực, được mô tả như sau: lân có đầu nửa rồng nửa thú, có sừng, tai chó, trán lạc đà, mắt quỉ, mũi sư tử, thân ngựa, chân hươu, đuôi bò, vảy cá chép. Tánh nết hiền lành, không ăn thịt con thú khác, chỉ ăn cỏ nên được gọi là con vật từ tâm hay nhân thú.

     Như vậy có thể khẳng định, lân là biến thể của con sư tử sau khi được linh hóa, nó được tạo hình bằng thủ pháp ghép tạo từ một số bộ phận của các con thú khác, để tạo thêm sức mạnh và bộc lộ sự linh thiêng.

     Tại các quốc gia ảnh hưởng văn hóa Phật giáo Ấn Độ, như Campuchia, Thái Lan, Miến Điện…. quan niệm sư tử là thượng thú trong các loài thú, sư tử là hiện thân của quyền lực, của hiển linh và chân lý. Từ đó nó trở thành biểu tượng của các bậc tôn quí. Theo Tự điển Phật học Huệ Quang, đức Phật là sư tử của dòng Sakya. Văn hóa Phật giáo gọi sư tử là Phật sư, sư tử luôn gắn liền với hình ảnh đức Phật. Trong lịch sử Phật giáo, người ta thường nhắc ngài sau khi đắc đạo là con sư tử của dòng họ, đồng nghĩa nói đến nguồn gốc vương giã và thừa nhận uy linh của ngài, Sư tử trong văn hóa Phật giáo là biểu thị uy lực của Phật pháp.

     Theo tác giả Đặng Văn Dư trong bài viết Kỳ lân và nghê trong trang trí kiến trúc, đăng trong tạp chí Văn hóa Phật giáo-số 83-2009, cho rằng trong văn hóa Việt Nam, hình tượng con nghê có thể bắt nguồn từ Phật sư (hay sư tử trong văn hóa Phật giáo) và người Việt đã khôn khéo xây dựng cho mình con nghê không giống với con Phật sư Ấn Độ giáo.

     Tại Campuchia, đất nước của chùa tháp, của Phật giáo, chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ, tại các chùa tháp và ngay cả trong hoàng cung đều xuất hiện tượng sư tử ngay trước cổng ra vào, hoặc 2 bên bậc thềm vào điện. Về cách tạo hình với tư thế ngồi, 2 chân trước chống thẳng, 2 chân sau co thấp tư thế ngồi. thân thú, đuôi dài áp sát lưng, có đầu giống rồng Makara, miệng rộng nhe răng, có râu dưới cằm, bàn chân có 4 móng dạng vuốt. Riêng phần đầu rất giống tượng sư tử của người Champa ở Bình Định.

     Trong văn hóa Champa (Việt Nam) ta cũng nhận ra sự chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, với hình tượng sư tử còn gọi là Simha, tư thế đứng hoặc nằm, phần đầu được thể hiện có nét tương đồng với đầu sư tử các nước theo văn hóa Ấn Độ. Người Champa quan niệm sư tử là biểu tượng cho dòng dõi quí tộc, quân vương và tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh của vương triều. Kinh đô Trà Kiệu, giai đoạn cực thịnh của vương quốc Champa, được đặt tên là thành sư tử ( Simhapura).

     Trong văn hóa Việt Nam hình tượng con lân là biểu tượng của triều đại thái bình (lân xuất hiện giữa đám mây). Theo tinh thần Nho giáo, con lân là hình ảnh của một triều đại vững bền, thái bình, có đức vua anh minh. Ở khía cạnh khác, con lân còn là sự biểu thị cho lòng trung quân, tín nghĩa. Vì vậy lân xuất hiện khắp mọi nơi, từ các công trình dành cho vua đến các cung điện, lăng tẩm, phủ chúa và cả nhà rường dân gian Huế đều có hình tượng con lân ở phía trước các bức bình phong, ở cổng chính, hay trang trí trong nội thất.

     Theo nhiều nhà nghiên cứu, hình tượng sư tử vờn khối cầu hay khối ngọc, là một mô típ thường gặp trong nghệ thuật điêu khắc cổ, xuất hiện khá muộn vào thế kỷ 14, trong một bức chạm trên nhan án chùa Xuân Lãng (Phú Thọ) niên đại 1392. Hình ảnh sư tử giai đoạn này mang nét dân gian có phần giống hổ. Vào thời kỳ sau ở di tích tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc) và đình Lỗ Hạnh (Bắc Ninh) thế kỷ 16, hình ảnh sư tử được đồng nhất với lân, các chi tiết chạm trổ tinh tế hơn.

    Theo tác giả Bùi Ngọc Tuấn, trong cuốn Đồ gốm cổ truyền Việt Nam: trong đời sống dân Việt, 2 con thú được xem như người bạn thân thiết gần gủi và quan trọng nhất là con trâu và con chó. Trâu để cày ruộng sản xuất lúa gạo; chó để giữ nhà, phòng thú dữ và kẻ gian. Đời sống thực tế thì chó giữ nhà, còn đời sống tinh thần thì cần một linh vật để chống lại tà ma, ác quỉ vì vậy chó được dựng lên.

     Theo tác giả Đỗ Lệnh Hùng Tú, trong bài viết Con Nghê một biểu tượng tạo hình thuần Việt đăng trong Thông tin mỹ thuật-trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh số 15-16: Nghê, con vật biểu tượng mang yếu tố huyền thoại, dũng mãnh, thiên biến vạn hóa, tượng trưng cho trí tuệ, là biến thể từ sư tử và chó dữ, có sức mạnh như chúa tể muôn loài.

     Theo Từ điển Hán-Việt, nghê hay toan nghê có nghĩa là sư tử, người Trung Hoa quan niệm toan nghê thích khói lửa, mùi thơm, nuốt khói phun sương do đó toan nghê được chạm khắc trên lư hương, đỉnh trầm.

     Theo L. Cadiere: có một con vật rõ ràng không phải là con kỳ lân thực sự của Trung Hoa, mà nó có vẻ là con sư tử, hay là thuộc một giống vật nào khác, trong lúc đó nó được người Việt Nam gọi là con kỳ lân. Đó là con vật mà chúng ta thường thấy trên các đầu trụ đình, chùa, đền miếu. Bộ lông, cái đầu, cái đuôi, nhất là móng dạng vuốt được thay cho móng đề (móng ngựa của con lân Trung Hoa). Đã làm cho con vật này giống con sư tử hơn là con kỳ lân.

     Theo tác giả Phan Nữ Yến Chi trong bài viết Kỳ lân từ truyền thuyết đến hình tượng nghệ thuật, cho rằng trước cửa Hiển Nhơn, Thế miếu (đại nội Huế) và Đại Hồng môn lăng Minh Mạng có từng cặp lân đá, ngồi đối diện nhau trong tư thế gác cổng. Dưới dạng này lân thường được gọi là nghê hay cù, hình dáng khá giống sư tử, không có sừng, lưng có kỳ, chân có móng như chân sấu.

     Từ những nội dung nghiên cứu trên của nhiều nhà nghiên cứu, và qua nghiên cứu của chúng tôi, bước đầu nêu vấn đề lân hay nghê đó chỉ là tên gọi của từng thời kỳ, cơ bản cũng biến thể từ con sư tử, được tạo hình có khác nhau theo từng giai đoạn. Về ý nghĩa văn hóa, vị trí đặt để tại các công trình đền đài cung điện, đình chùa hay lăng mộ có nét tương đồng với nhau.

     Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, con nghê xuất hiện từ thời nhà Lý thịnh đạt đến thời Tây Sơn, là linh vật thuần Việt; sang thời Nguyễn con kỳ lân Trung Hoa xuất hiện thay thế con nghê.

     Vấn đề phân biệt giữa con nghê và con lân

     Qua nghiên cứu của chúng tôi, con nghê thời Lý Trần, có 2 dạng tạo hình khác nhau và chia thành 2 nhóm:

     – Một nhóm có hình dạng biến thể từ con sư tử, được cách điệu trở thành con nghê. Nhóm này có nét tương đồng về hình dạng với con lân thời Nguyễn.

     – Một nhóm gần với hình dạng con chó hơn (linh cẩu), được cách điệu, đơn giản hóa thành con nghê. Dạng này có cách tạo hình rất dân gian, theo chúng tôi nghĩ, nó xuất hiện phổ biến ở các đình chùa, miếu mạo ở vùng nông thôn Bắc bộ, người nghệ nhân đã biến con nghê hình sư tử thành con nghê hình linh cẩu gần gủi với cuộc sống của họ.

     Như vậy giữa con lân và con nghê có mối quan hệ gì?

     Theo nghiên cứu của chúng tôi, lân thời Nguyễn là sự phát triển từ con nghê thời Lý Trần, về mặt ý nghiã tâm linh cơ bản giống nhau, đều trên cơ sở cốt cách của con sư tử được biến thể, cách điệu phù hợp với đời sống tâm linh và thẩm mỹ của người Việt.

     Con nghê hay con lân Việt có cách tạo hình hoàn toàn khác với con kỳ lân Trung Hoa. So sánh con lân bằng chất liệu kim loại tổng hợp, trước điện Thái Hòa, Đại nội Huế, và con kỳ lân Trung hoa bằng chất liệu đồng, đặt tại sân Di An viên, thành phố Bắc Kinh, có các điểm khác nhau sau:

      Kỳ lân Trung Hoa:

     – Đầu mang nét chung của đầu rồng Trung Hoa, mặt dài, có răng nanh dài rất dữ tợn. Râu khóe mũi dài vắt qua miệng xuống đến thân, 2 tai vễnh, đầu có 2 sừng như sừng hươu, tóc như bờm sư tử.

     – Thân như thân hươu, căng mập; đuôi như đuôi bò

     – Chân như chân ngựa hoặc bò, có vảy nhỏ, móng dạng móng đề (như móng ngựa)

     – Lân Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế:

     – Đầu mang nét chung của rồng nhà Nguyễn, mặt ngắn, miệng há vừa có răng nanh ngắn, không dữ tợn. Mặt quay 90 độ so với trục thân, đây là đặc điểm phổ biến của con lân thời Nguyễn. Râu tóc được cách điệu thành hình xoắn như hình đao lửa, đầu không có sừng.

     – Thân thon nhỏ như thân chó, có vảy to nhiều lớp; lưng có kỳ hình đao lửa. Đuôi vễnh vắt theo lưng, có lông xòe rộng như đuôi gà

     – Chân có lông cách điệu hình đao lửa, bàn chân có 4 móng vuốt

     Trên đây là những điểm khác nhau cơ bản, để khẳng định con lân thời Nguyễn hoàn toàn khác, không rập khuôn con kỳ lân Trung Hoa. Qua bàn tay của nghệ nhân Việt, kết hợp truyền thống mỹ thuật từ các thời trước và thẩm mỹ dân tộc, hình tượng con lân Nguyễn có kế thừa con nghê của thời Lý Trần.

     Biểu tượng lân của triều Nguyễn cũng là sản phẩm của các phường thợ giỏi khắp nước được triều đình trưng tập về, đại đa số từ Bắc vào, chính họ là người chế tác ra những con nghê đậm đặc chất dân gian vào các triều đại trước thời Nguyễn. Với những yêu cầu sự chuẩn mực, qui phạm của triều đình đối với người thợ trong quá trình tạo hình, từ đó chúng tôi nhận định rằng con lân Nguyễn là biến thể cung đình hóa của con nghê Lý Trần.

     GS Chu Quang Trứ khi nghiên cứu con kỳ lân trong nghệ thuật truyền thống có nêu “trong lịch sử điêu khắc Việt Nam, con vật được gọi trang trọng là kỳ lân hay lân đã được định hình từ thời Lý và phát triển suốt cho đến thời Nguyễn, tất nhiên ở mỗi thời kỳ có sự biến dạng một chút theo phong cách chung của điêu khắc thời đại” (Văn hóa Việt Nam nhìn từ Mỹ thuật, tâp 1, tr 62)

     Như vậy có thể khẳng định:

     – Con lân thời Nguyễn không phải là con kỳ lân Trung Hoa.

     – Con lân thời Nguyễn chỉ là tên gọi khác của con nghê thời trước Nguyễn, được tạo hình có nét khác hơn, hay nói cách khác là được cung đình hóa.

     – Con lân hay nghê Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ con Phật sư của văn hóa Phật giáo Ấn Độ hơn là con kỳ lân Trung Hoa./.

Nguồn: Thông tin Mỹ thuật Trường Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế, số 02/2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Hình tượng Lân trong văn hóa phương Đông (Tác giả: ThS. Hà Văn Chước)