Khái quát về sự hình thành và phát triển của Đình làng Việt Nam (Phần 1)

Tác giả: Phó Giáo sư, Tiến sĩ TRẦN LÂM BIỀN

     Nhiều loại hình kiến trúc cổ truyền của người Việt còn lại tới ngày nay, có thể tạm phân định thành kiến trúc nhà ở dân gian, kiến trúc cung điện, lăng tẩm, thành quách, kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng… Trong những kiến trúc kể trên, chúng ta không thể tiếp cận được với bất kể một ngôi nhà dân gian nào có từ giữa thế kỷ XVII trở về trước. Từ giữa thế kỷ XVII trở về sau cùng lắm chỉ có thể tìm được những kiến trúc nhà thờ họ kiêm nhà ở, còn nhà ở thông thường chủ yếu là sản phẩm của thế kỷ XX về sau. Vì thế, trong việc nghiên cứu kiến trúc nhà ở bắt buộc chúng ta phải tiếp cận từ góc độ lịch sử học kiến trúc và dân tộc học kiến trúc để tìm ra một số vấn đề còn ngưng đọng về kết cấu của chúng trong thời quá khứ.

     Trong lĩnh vực kiến trúc, tạm thời chúng ta có thể rút từ một số ngôi nhà của tộc người thiểu số để làm đối chứng cho kiến trúc truyền thống của người Việt, trong đó có ngôi đình.

     Không một kiến trúc tôn giáo nào được nảy sinh từ một sáng kiến riêng biệt, đột ngột, mà mọi kiến trúc ít nhiều đều có gốc gác, dù gần gũi, hay xa xôi đều bắt nguồn từ những ngôi nhà ở. Bởi chính nhà ở, một khi đã vượt cao hơn nhu cầu trú ngụ, thì nó đã chứa đựng cả những yếu tố văn hóa và tâm linh, nhiều khi nó phản ánh về vũ trụ quan và nhân sinh quan thuộc nhận thức của con người. Chính nhận thức đó là nền tảng tinh thần cho mọi kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng và cả những ngôi nhà thời sau. Rõ ràng những ngôi nhà kiểu mới mà không mang thần thái Việt, tức mang bản sắc ẩn tàng trong tâm hồn của nó, thì cũng trở nên có phần lạc lõng và xa cách. Vậy kiến trúc nhà ở chính của người Việt, nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ, đã mang dáng dấp và ý nghĩa gì? Theo lịch sử kiến trúc, chúng ta có thể biết được người Việt ở châu thổ sông Hồng đã từng có nhiều kiểu nhà khác nhau, từ những ngôi nhà đơn sơ nhiều tính “tạm bợ”, cả mái và thân đều lợp lá, rồi những ngôi nhà vách trát đất, lợp cỏ tranh (ranh), hay nhà sàn, nhà trình tường và một kiểu nhà dài mái dốc…

     Trong kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của người Việt thì 3 dạng nhà sàn, nhà trình tường, nhà mái dốc đã ít nhiều ảnh hưởng tới những mặt khác nhau của ngôi chùa, đình, đền… Vì thế chúng tôi muốn điểm lướt qua về thần thái của các ngôi nhà này trước khi đi vào những nét cơ bản thuộc các kiến trúc đình.

Nhà sàn

     Rất nhiều cư dân ở vùng Đông Nam Á có nhà sàn. Nhà sàn hiện nay còn có mặt ở hầu khắp địa bàn của các cư dân thiểu số Việt Nam, cả ở Tây Bắc, Việt Bắc cho đến tận Tây Nguyên… Nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học văn hóa còn cho biết, vào thời gian cách đây chỉ vài ba trăm năm, nhà sàn cũng có mặt ở vùng châu thổ sông Hồng. Tới nay thì nhà sàn cũng mới chỉ lui về miền núi cách Hà Nội khoảng hơn 40 km. Nhìn chung, người ta có thể nhìn thấy nhà sàn được thể hiện dưới hai dạng: một là, những nhà là nơi ở của tiểu gia đình, nó có độ dài vừa đủ, nhiều khi chỉ gồm một gian hai chái, với bốn mái lá, được dựng trên các cột cao, thấp không nhất loạt như nhau, có khi chỉ cao vừa đủ để chống sự ẩm thấp, nhất là những ngôi nhà ở gần miền xuôi. Cũng có khi làm khá cao để còn sử dụng không gian dưới sàn. Ở vùng Tây Nguyên, thoáng như còn tàn dư của chế độ “mẫu hệ”, các gia đình con gái khi chưa ra ở riêng (cũng có khi không ở riêng) đã ở chung với bố mẹ và dưới mái nhà này thường chiếm một không gian tương ứng. Do vậy mà ngôi nhà sàn được kéo khá dài và có bờ nóc thường theo trục Đông – Tây. Có một điểm đặc biệt là, nhà rông Tây Nguyên có mái rất cao, nhưng nhà ở thì mái thấp. Điều chúng ta quan tâm là ý nghĩa và những nhận thức khác nhau thuộc tâm linh của ngôi nhà sàn ở phía Bắc và ở Tây Nguyên.

     Trong truyện cổ tích của người Việt có kể rằng: ở thời nguyên thủy, trong cuộc sống hỗn mang, con người còn ăn lông ở lỗ, chưa có nhà, sống rất khổ cực. Một hôm vị tù trưởng bắt được một con rùa, định làm thịt, thì rùa xin tha và nguyện dạy cho người cách làm nhà. Rùa đứng lên và bảo hãy theo cái mai này lấy tranh làm mái, theo cái bụng phẳng này lấy bương làm sàn, theo chân này mà chặt cây làm cột… Tất nhiên, câu truyện mang hình thức huyền thoại do chính con người tạo nên, nhưng trên tinh thần ấy người ta có thể hiểu rằng, mái nhà sàn cũng như mu rùa tượng trưng cho bầu trời, sàn nhà cũng như bụng rùa bằng phẳng tượng trưng đất, vì thế, sống trong ngôi nhà sàn là nhập mình trong sự đối đãi giao hoà của âm – dương, trời – đất, để con người được nhập vào trong dòng sinh lực của vũ trụ, nên luôn được no đủ, khoẻ mạnh và hạnh phúc mọi mặt.

     Ngôi nhà sàn dài của Tây Nguyên với trục mái theo chiều Đông – Tây cũng có ý thức hòa vào vũ trụ. Nhưng điển hình của nhà sàn Tây Nguyên phải là nhà rông. Ý nghĩa về nhà rông cũng như hình thức và những vấn đề liên quan thuộc lĩnh vực văn hóa của nó… đã được nhiều người nghiên cứu với những công trình dài ngắn trên sách, báo, nên ở đây chúng tôi chỉ dừng lại trên một khía cạnh thuộc lĩnh vực tâm linh, liên quan đến kiến trúc truyền thống. Nhà rông điển hình, thường có mái rất cao, thân rất thấp được làm theo kiểu nhà sàn, dựng trên cả một hệ thống cột và rầm khá chắc chắn. Thông thường ở hai đầu bờ nóc là “Đầu kìm” (như “Khau cút”), gồm hai then gỗ hoặc tre bắt chéo, nhưng nhiều khi lại là đầu chim, mang một giá trị biểu tượng gắn với tâm linh núi rừng. Dọc bờ nóc nối từ “đầu kìm” bên này đến “đầu kìm” bên kia, nhiều khi cũng thể hiện chim và hình người. Trong quan niệm của nhiều cư dân trên thế giới, thì loài chim do bay được ở trên tầng cao nên đa số chúng tượng trưng cho tầng trời (trừ những con chim nước ít bay).

     Trong một ngày mới gần đây, một duyên may đã đưa đẩy chúng tôi tới Kon Tum, Sa Thầy, vô tình được tiếp cận nhiều người già của địa phương, các cụ cho chúng tôi biết mái nhà rông phải cao 9 sải. Khi hỏi về những mô hình, thì các cụ nhìn thoáng qua đã chỉ cho chúng tôi cái này đúng, cái kia sai. Hóa ra 9 sải chỉ là một cách nói tương đối có tính phiếm chỉ. Với cái nhà rông mô hình, có cái các cụ bảo đúng 9 sải, có cái các cụ bảo sai. Đó là một lối nhìn quen mắt thuộc lĩnh vực tâm linh và chúng tôi hiểu mái phải vút lên, tạo thế cao vời vợi như không dứt, phần giữa mái như hơi thót một chút. Về thực tế, hầu như nếu đo chính xác thì mái này không phải cao gấp 9 lần thân nhà cũng không phải bằng 9 lần thân hay sải tay bình thường của con người, mà con số 9 là số tượng trưng (biểu kiến), mang ý nghĩa “nhiều” trong quan niệm của người Việt. Ở giải pháp kiến trúc, hiện tượng hơi võng thân vào trong và hơi loe ra chút ít của bờ mái đã tạo ra cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng, như có xu hướng bay lên.

     Cũng trong dịp này, do đi ở trên sàn cảm thấy cót két, ọp ẹp và một cảm giác thoáng qua là không vững chãi (dù rất chắc chắn), chúng tôi có hỏi bỏ sàn này đi ở thấp xuống đất có chắc chắn hơn không? thì một người trả lời ngay: “như thế người ở chung với ma à”. Chúng tôi sửng sốt và chợt hiểu, ngoài những ý nghĩa, như ta đã biết với nhiều chức năng khác nhau, thì nhà rông còn có một chức năng khác là nơi tam tầng thế giới giao hòa, hay suy cho cùng cũng là một trục thông linh giữa tầng trên – nhân gian – thế giới bên dưới. Và, ở một hạn chế nào đó, ngôi nhà này như một sự kết tụ tâm linh đến mức độ cao để cho con người khi ngồi trong không gian nội thất của nó đã như được hòa cá thể vào vũ trụ trường tồn.

     Nhà trình tường

     Không gian gắn với ngôi nhà này chủ yếu ở châu thổ sông Hồng và một phần ở Hoa Nam. Nhà trình tường thích hợp với không gian văn hóa cổ truyền của người Việt ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Chắc chắn nhà trình tường khó có niên đại sớm hơn nhà sàn, nó thích ứng với vùng đồng bằng thấp, nơi có thể đã cạn những nguyên liệu tự nhiên. Không gian của nhà trình tường, chủ yếu là ở các miền quê châu thổ, gắn với các gia đình tiểu nông trong cơ cấu xã hội thôn dã. Người ta có thể nghĩ rằng, vào một làng quê của người Việt là tiếp cận ít nhất với bốn không gian văn hóa. Nơi đồng ruộng tuy không còn chỗ nào mang tính tự nhiên như ở vùng đồng núi nữa, nhưng cũng có thể tạm coi đây là không gian thứ nhất có yếu tố thiên nhiên, không gian thứ hai: giữa đồng ruộng và ven làng, mang tính nửa thiên nhiên, nửa văn hóa, không gian thứ ba: vào trong làng là không gian văn hóa, vào trong nhà được coi là không gian văn hóa đậm đặc. Trong không gian ấy, tư duy nông nghiệp Việt biểu hiện qua một số ứng xử với thiên nhiên và tâm linh đã bộc lộ rất rõ. Trước hết ngôi nhà thường khá thấp, không bao giờ cao hơn những cây có thân gỗ trung bình, nó như mang ý nghĩa bám lấy đất, chưa có ý thức vươn theo chiều cao (có lẽ xuất phát từ tinh thần, từ ý thức thực dụng, chưa đẩy thần linh lên cao). Nhiều người cũng cho rằng, với chất lượng kém bền vững, ngôi nhà Việt khó vững trước bão tố tự nhiên nên không thể vươn cao được. Về không gian mặt bằng của khuôn viên, chúng ta thường thấy các cây lớn chủ yếu được đẩy ra ven/biên khuôn viên. Ngôi nhà thường quay về hướng Nam, như vậy nhà được nằm chủ yếu ở phía Bắc của khuôn viên. Trước mắt thường là khoảng sân khá rộng, hình chữ nhật. Trước thời hòa bình lập lại (1954) sân của nhà người nông dân chủ yếu để đất nện chặt, nhiều khi đất đó được trộn với một ít vôi trấu nên khá rắn chắc. Sân nhà ít nhất có hai tác dụng, một là để phơi lúa, hai là tạo nên không gian thoáng đãng trước mặt nhà, ở phía trước của sân thường được trồng một dải hoa cảnh. Tiếp đó thường là vườn rau, cũng có khi lại điểm một số cây ăn quả. Những cây ăn quả lưu niên, thường được trồng ở hai bên và phía sau. Nhà bếp được đặt vuông góc với nhà chính (chủ yếu nằm ở bên trái). Nhiều nhà có giếng nước nằm ở đầu hồi nhà chính và nhà bếp (vị trí này không có quy định rõ rệt). Cũng có khi nhà vệ sinh và chuồng lợn được nối đầu với nhà bếp… Cửa vào của ngôi nhà rất kỵ đi thẳng từ mặt trước vào gian chính, mà thường ở phía bên hoặc ở sát góc phía trước. Vấn đề đặt ra ở đây không phải về tính chất dân tộc học kiến trúc, mà hiện tượng mô tả tương đối này chỉ để nhằm nhấn mạnh không gian làm nền cho ngôi nhà chính, ít khi (có những kiến trúc phụ) phá vỡ sự thoáng đãng ở trước mặt. Từ thực tế đó, ngôi nhà với mái thấp càng có xu hướng như bị hút xuống đất. Trong cách thức làm nhà trình tường, người ta thấy có mấy điểm nổi bật như: sau khi định vị về ngôi nhà, người ta vượt đất lên làm nền nhà và tường. Đương nhiên, đất được trộn với mạt cưa/trấu và vôi bột… nhào đều để tạo sự bền vững và tránh nứt nẻ, nền nhà thường cao hơn mặt sân một chút, khoảng 20 – 30cm, nhằm tránh nước mưa vào trong lòng nhà.

     Về nền nhà ở, dù sau này có điều kiện thuận tiện, như gạch rẻ, song những người nông dân châu thổ chỉ lát sân, không bao giờ lát nền nhà (đây cũng là hiện tượng không lát nền của các kiến trúc tín ngưỡng truyền thống…), vì người xưa quan niệm rằng, lát nền nhà bằng gạch hoặc chất liệu nhân tạo là ngăn cách sự giao hòa của khí âm dương, khiến cho cuộc sống trong ngôi nhà dường như dương nhiều, âm ít, tạo sự mất cân bằng và hệ quả là khó có khả năng dài dòng lớn họ. Thiếu sự hỗ trợ của thế giới âm, trong đó có cả tổ tiên, kèm theo đó là vật nuôi, cây trồng cũng khó có điều kiện sinh sôi và phát triển, dẫn đến gia đình đó bị thất bát. Vì thế, để lèn chặt nền nhà người ta thường chỉ đóng xuống nền những nửa hạt trám hoặc đôi khi ở ven biển là những vỏ sò… mà thôi. Đối với tường nhà, người xưa thường sử dụng hai tấm ván dài đặt úp mặt vào nhau, với khoảng cách bằng độ mở của tường, ken giữ cẩn thận, rồi đổ đất và dùng vồ nện chặt. Sau đó nhấc ván ra để thực hiện ở độ cao kế liền. Cứ như thế lại nâng ván lên để đổ lớp đất thứ hai, thứ ba cho đến khi hoàn thành bức tường bao quanh ngôi nhà. Những ngôi nhà cổ trình tường này có tường rất thấp, thường chỉ ngang đầu người (xấp xỉ 1,5 – 1,6 mét, có khi thấp hơn). Phía sau và hai bên được bịt kín, phía trước tạo một cửa ra vào ở chính giữa, hai bên có cửa sổ với chấn song bằng các thanh tre, cửa mở chỉ là một tấm liếp đơn giản. Mái nhà cũng chỉ là những vật liệu gần như tự cấp, tự túc, những đòn tay, đòn nóc là những thân tre được trồng phía sau bếp, còn mái rạ (phần dưới của cây lúa) thì có sẵn. Mái này thường được lợp dày, có khi tới 30 cm, nên tạo cho ngôi nhà mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Trong cách xây dựng như vậy thì ngôi nhà này rất tối, vì thế, chỗ trang trọng nhất và sáng nhất trong nhà thường là của bàn thờ. Ở đó, đối với những nhà khá giả cũng như nhà bình thường, đều chú ý trang trí những màu nóng, nhằm tránh không khí lạnh lẽo, mà thực ra chủ yếu chỉ để sưởi ấm tâm hồn. Nhìn chung, nhà trình tường là một ngôi nhà tiểu nông, thích hợp với cả thực tế khắc nghiệt của thiên nhiên và tâm hồn người Việt trong quá khứ, truyền thống này ảnh hưởng sâu đậm đến một số vấn đề kết cấu của các kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng Việt.

Nhà mái dốc

     Theo sử sách, dưới thời Trần, thế kỷ XIII, XIV, sứ nhà Nguyên là Trần Phu có nói về ngôi nhà ở của người Việt như sau: “Làm nhà không có kiểu gấp mái hoặc chống kèo, mà từ đòn dông đến mái hiên cứ thẳng tuột một mạch, như đổ hẳn xuống… Nóc nhà tuy hết sức cao nhưng mái hiên thì chỉ chừng bốn năm xích…, có nhà còn thấp hơn nữa là khác, cho nên tối, mái nhà ngang mặt đất và trổ cửa sổ…” (theo An Nam tức sự).

     Qua đó chúng ta có thể nghĩ tới một dạng nhà cũng thích hợp với cư dân Việt mà theo như cố giáo sư Từ Chi, ngôi nhà này có khả năng bắt nguồn từ nhà của một hệ tộc bản địa thuộc dòng Môn-Khơme, dạng nhà này ít nhiều có sự biến đổi và hiện còn tồn tại ở người S’tiêng (tộc người ở phía Nam Tây Nguyên – thuộc hệ Môn-Khơme). Cố giáo sư Từ Chi cũng có nói tới một dạng nhà tương đồng của người Papou ở những hòn đảo nhỏ giữa Thái Bình Dương thuộc châu Đại Dương…

     Bỏ qua ngôi nhà của người Papou để khảo sát trực tiếp những ngôi nhà dạng này ở đất Bắc và của người S’tiêng. Gần đây kiểu thức kiến trúc này vẫn còn tiếp cận được trên đất Bắc, mặc dù chúng đã được biến đổi nhiều, nhưng bóng dáng của kiến trúc xưa như còn được diễn ra (khoảng những năm 60 của thế kỷ XX trở về trước) dưới hai dạng khác nhau.

     Một là lều vịt nhỏ, hay lều canh ao, dưới dạng mái đầu nhà cong tròn, nhà này có khi làm trên mặt nước, chỉ có tấm liếp làm mái khum tròn đầu, toàn mặt sàn chỉ to hơn chiếc chiếu chút ít. Hai là, kiểu nhà tạm khá lớn, dài…, thường gặp ở những bãi mía ven sông Đáy của đất Hà Nội, người ta dùng tre tạo nên khung nhà liền mái. Theo độ mở của nhà, hai cây tre được cắm chân xuống đất ở hai đầu hồi rồi vít ngọn buộc với nhau ở trên đỉnh, nhiều cây tre khác nối đòn nóc và chôn chân xuống hai bên, tất nhiên phải có những hoành buộc chặt với khung để làm bộ xương cho mái. Ngôi nhà này khá cao (nếu đứng trong lòng nó), mái được lợp bằng lá mía, chạy suốt từ đỉnh xuống sát dưới đất, vì thế không có tường. Cửa mở ở đầu nhà cũng có khi ở bên hông. Tại một đầu là nơi để “máy” quay/ép mía do trâu kéo, ở gần chính giữa là lò nấu mật. Để thoáng khí, người ta đã tạo một “mái bẩng” kênh lên ngay phía trên của lò nấu. Ngôi nhà này cũng là kho mía đem từ bãi về. Nhìn chung, những ngôi nhà kể trên chỉ được làm mang tính tạm thời vào mùa thu hoạch mía, khi gió heo may về, gần tết Nguyên đán mà thôi, nên nó chỉ tồn tại trong vòng vài ba tháng, chúng không được chú ý làm nền và qua đó chỉ mang bóng dáng gần với ngôi nhà mà Trần Phu đã kể cho chúng ta biết.

     Với ngôi nhà của người S’tiêng, về tính chất đã gắn với nhà dài của đại gia đình. Cũng có mái dốc đổ hẳn xuống, thân rất thấp, nhiều khi phải đục mái ra để làm cửa vào. Rõ ràng, đây là một minh chứng để chúng ta suy nghĩ về ngôi nhà của người Việt (ít nhất từ thời Trần trở về trước). Tuy nhiên, ngoài bộ mái thì kết cấu bên trong của nó làm chúng ta suy nghĩ nhiều trong sự liên hệ với chức năng của ngôi đình làng. Cũng cố Giáo sư Từ Chi đã cho biết rằng, trong ngôi nhà này vừa có sạp sát phía sau lại vừa có sàn. Dọc theo nhà, ở phía trong, là một chiếc sạp dài từ đầu hồi nọ đến đầu hồi kia, sạp này chỉ cao như một chiếc giường nơi thôn dã, trên có nhiều gia đình cùng hệ sinh sống. Đầu tiên là nơi của bố mẹ già, tiếp theo là gia đình của người chị cả, rồi thứ hai, thứ ba. Hầu như không có một sự ngăn cách rõ rệt nào trên hệ sạp này. Tuy nhiên, ranh giới được phân định rõ ràng bởi những “lều lương thực” được đặt chính giữa ngôi nhà, lều là của từng tiểu gia đình. Cố Giáo sư Từ Chi cho biết, trước đây, lều này được dựng trên bốn cột đóng xuống mặt đất tại vị trí ranh giới giữa gia đình của người chị và của người em tiếp theo. Ở phía trên cao, người ta làm một mặt sàn, có vách đứng bao quanh, để đựng lương thực. Cả hệ thống chứa lương thực này đều được đặt sát với đòn nóc. Vấn đề đặt ra, ngoài hình thức của bộ mái và thân nhà thấp, thì sạp là nơi nghỉ ngơi, còn sàn là nơi để lương thực. Đó là một dấu tích về kết cấu nhà cổ truyền, để chúng ta suy nghĩ kỹ hơn về kết cấu ván sàn của ngôi đình làng đất Bắc với nơi thờ Thành hoàng làng và nơi ngồi họp của chức sắc cùng dân đình.

     Chúng tôi không có điều kiện nghiên cứu về mọi kiểu nhà của các tộc người, nên chỉ dừng ở những ngôi nhà có một số vấn đề, mà theo chủ quan của mình, tạm coi có liên quan tới những đối tượng kiến trúc là ngôi đình mà thôi.

     Mặt khác, chỉ có những công trình văn hóa ít nhiều gắn với tôn giáo tín ngưỡng là sản phẩm phổ biến trong cộng đồng, chúng có mặt thường xuyên ở nơi thôn dã, và bám rất chặt vào những bước đi cơ bản của dân tộc; nó phản ánh, ở một khía cạnh nhất định, tính liên tục của lịch sử, và chính qua đó, nó duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Các di tích này, tuy đã gắn với sinh hoạt tâm linh, nhưng phạm vi phản ánh của chúng “mênh mông” hơn rất nhiều, đó là vấn đề của lịch sử và xã hội, là nhịp thở của thời quá khứ, là những ước vọng truyền đời của tổ tiên… Vì thế, chúng đã vượt lên trên yếu tố thần linh để trở thành một đối tượng đáng quan tâm của lịch sử. Có thể nghĩ rằng, những di sản văn hóa vật thể này là những trang sử cụ thể bằng kiến trúc nghệ thuật, đủ lực bào mòn những tư duy giáo điều, những định hình sai trái cho quá khứ.

     Đối tượng mà chúng ta có thể tiếp cận được hiện còn rất nhiều, đó là: đền, miếu, quán, điếm, chùa, đình, lăng mộ, nhà thờ… Trong những kiến trúc đó thì đình là một loại di tích được nhiều người quan tâm. Trong sâu thẳm của nhận thức đời thường, khi nói đến ngôi đình, người ta nghĩ ngay tới kiến trúc lớn nhất của làng xã, đồng thời cũng có thể coi đây là một kiến trúc bắt nguồn từ thời tiền sử, sơ sử của dân tộc. Nhiều nhà nghiên cứu của thế kỷ XX đã cố công ngược dòng lịch sử để tìm về nguồn gốc của đình, họ đã tiếp cận từ góc độ các vị thần linh liên quan, cả trên phương diện so sánh kiến trúc với những ngôi nhà có nét tương đồng của tộc người thiểu số… để gần như tin rằng, ngôi đình của người Việt là một sản phẩm của sự vận động tự thân dân tộc, là sự tổng hòa của nhiều dòng chảy văn hóa như: nhà sàn, nhà rông Tây Nguyên, nhà thuyền ven biển và nhiều yếu tố khác. Người ta cũng chưa xác định được một cách cụ thể niên đại khởi dựng của đình làng, khiến cho đến nay chưa có một giả thiết nào đủ sức thuyết phục hoàn toàn trong nhận thức của chúng ta. Trong những năm trước đây, một nhóm nhà nghiên cứu dân tộc học kiến trúc, dưới sự trợ giúp của cố Giáo sư Từ Chi đã đưa ra một nhận thức có phần bất ngờ là: đình được phân định theo nhiều dạng khác nhau, đồng thời đặt ra một “giả thiết để làm việc” về sự xuất hiện của đình làng là vào khoảng cuối thế kỷ XV, định hình vào thế kỷ XVI, phát triển vào cuối thế kỷ XVII, suy dần vào thế kỷ XVIII, và biến đổi bản chất vào thế kỷ XIX. Đây là một nhận định, tuy đột ngột, nhưng ngày càng được nhiều người quan tâm và tán thành, đó là một trong không nhiều hướng nghiên cứu được nêu ra với chúng ta. Chúng tôi theo luận điểm này để dẫn dòng chảy nhận thức vào “đình làng Việt”.

     Đình theo nhiều người, có nghĩa là dừng lại. Trong quá khứ xa xôi, không riêng chỉ ở nước ta, mà như ở Trung Hoa cũng có đình, nhưng những đình cổ truyền ấy không phải là đình làng như ở Việt Nam mà chúng ta biết đến hiện nay. Trên diễn trình lịch sử của kiến trúc, chúng ta biết có nhiều loại đình khác nhau, tạm có thể xếp vào mấy dạng cụ thể như sau:

     Đình quán, là quán nghỉ được nằm rải rác ven những con đường giao thông cổ truyền, cũng có khi nó được dựng ở giữa cánh đồng, mang chức năng của một ngôi nhà nghỉ tránh nắng, mưa cho những người đi đường, những người nông dân làm ruộng. Hiện nay, đây đó, còn thấy những ngôi đình này ở vùng nông thôn, nhiều khi nó chuyển hóa thành miếu thờ những thần linh không danh tính hay cô hồn bơ vơ, cũng có khi là nơi thờ thổ thần/thổ địa. Tất cả những ngôi đình này đều núp dưới bóng cây um tùm và nhiều khi trong đình còn có quán bầy bán chè xanh và một vài sản phẩm nơi thôn dã. Những ngôi đình này thường được làm rất đơn giản, nhiều ngôi mà chúng ta gặp được còn giữ bóng dáng của kiến trúc 4 mái. Có lẽ nó đồng nhất với những dạng điếm thờ của xóm, còn lại khá nhiều ở vùng Sơn Tây (những điếm này có khi vẫn còn sàn và có bàn thờ bày ở chính gian giữa, chủ yếu là thờ vị thần bảo vệ đất đai của dân cư xóm làng. Kết cấu của kiến trúc này thường nhỏ, một gian hai chái với bộ khung bằng gỗ lợp ngói cổ).

Quán nghỉ, Thanh Lũng, Ba Vì, Hà Nội (Tư liệu: VMT)

     Một dạng kiến trúc khác cũng được nhắc tới trong sử sách, đó là tòa nhà ba gian tường hồi bít đốc, có khi để trống ở hai mặt trước sau, hoặc gian giữa, nhằm thông gió, đến mùa đông thì phía sau được bịt lại cho ấm bằng các vật liệu khác nhau, tới mùa nực lại bỏ ra. Hai gian bên có khi xây bục để ngồi hoặc nằm nghỉ. Những nhà này cũng thường có quán nước, chúng có thể là sản phẩm kiến trúc cách ngày nay khoảng vài ba trăm năm. Những quán nghỉ kiểu này đã được dân địa phương coi như một kiến trúc hằn sâu vào tư duy của mình, vì vậy, gần đây ta vẫn còn thấy những đình/quán đó được xây mới bằng chất liệu hiện đại, chẳng hạn như ở vùng Thạch Thất (Hà Nội), gần con đường Láng – Hòa Lạc có một ngôi nhà mở cửa giữa, hai cửa sổ ở hai gian bên và có cả cửa sổ đầu hồi. So sánh giữa kiến trúc này với điếm canh đê không xa cách nhau bao nhiêu.

     Chúng ta có thể tin được rằng, ở nhiều nơi, một số đình/quán kiểu này đã hội nhập với các kiến trúc mang những chức năng khác như miếu “mục đồng” hay miếu “thờ thần lúa”, mà từ nửa sau thế kỷ XX đến nay không còn thấy nữa, (chỉ biết được qua điều tra hồi cố ở vùng Thanh Oai). Như thế, rõ ràng những đình quán này có chức năng chính là để nghỉ ngơi với ý thức thực dụng của nông dân Việt. Người ta cũng kết hợp chúng với một phần của tín ngưỡng dân gian để vừa làm chỗ nghỉ tạm cho người, vừa làm nơi trú ngụ của một số thần linh cấp thấp. Ngoài ra, theo lịch sử, vào thời Trần (Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu) có cho biết rằng: vào thuở hàn vi, Thượng Hoàng (Trần Thái Tông) có tới nghỉ tại một đình quán và được một thần nhân coi tướng đoán định rằng “người này về sau sẽ đại quý”, nay nhà vua lệnh cho các nơi đem tượng Phật vào thờ. Như vậy, ngay từ thời Trần đã có hiện tượng Phật giáo hóa quán nghỉ.

     Các nhà nghiên cứu về lịch sử kiến trúc cho chúng ta biết, có thể đình quán đã xuất hiện từ rất sớm, khi người Việt khai phá châu thổ sông Hồng, biến vùng này thành đồng ruộng làng xóm trù phú. Vậy niên đại quán đình Việt có khả năng ra đời từ khoảng trên dưới 2000 năm trước đây. Tuy nhiên, dấu vết còn lại của những ngôi đình dạng này hiện chỉ là sản phẩm chủ yếu của thế kỷ XX mà thôi. 

     Trở lại vấn đề lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu còn ngờ rằng, xuất phát từ những ngôi đình quán dạng nêu trên và mặt nào có sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, mà một số kiểu đình khác được hình thành, trong đó có những quán nghỉ của sứ thần địa phương hoặc ngoại quốc, trước khi vào tiếp kiến nhà vua. Ngôi đình quán ấy thường ở sát kinh thành, kiến trúc của nó mang dạng thức như thế nào hầu như không được ghi chép lại. Qua khảo sát điền dã khảo cổ học, tại kinh thành Hoa Lư (Ninh Bình), chúng ta có thể tạm coi ngôi đình quán ở phía ngoài cửa động Thiên Tôn là một ngôi đình có dấu vết sớm nhất về dạng đình kiểu thức này ở nước ta.

     Phương đình, là nhà có nền vuông, kết cấu theo kiểu thức 2 tầng 8 mái, đôi khi cũng có kiến trúc phương đình ba hay một tầng mái. Dạng phương đình thường được gắn với những gác chuông, tam quan kiểu gác chuông, nhà thủy đình (gắn với múa rối) hoặc nhiều khi mang tư cách nhà thiêu hương hoặc thậm chí đặt ở phía trước như một nhà tiền tế… Dấu vết của những phương đình này được ngờ là có từ thời Mạc (thế kỷ thứ XVI), song vào thế kỷ XVII, thì chắc chắn hiện nay còn có thể tiếp cận được, chẳng hạn như thủy đình đền Phù Đổng, gác chuông chùa Keo và một vài di tích khác. Trong loại hình này có thể chữ “Đình” chỉ là một từ mượn để chỉ ngôi nhà có nền vuông kể trên. Chúng không có nghĩa là quán nghỉ, càng không có nghĩa là đình làng, bởi những tòa phương đình đó lúc là gác chuông (chùa Keo, chùa Bút Tháp, chùa Bối Khê), lúc là tòa thiêu hương (đền An Dương Vương ở Cổ Loa), lúc là nhà bia (Cổ Loa và Văn Miếu, Hà Nội), lúc là ngôi nhà gắn với việc chống lụt/lầy (Trấn Ba Đình ở đền Ngọc Sơn, Hà Nội, Trấn Giang Lâu, đền Chử Đồng Tử , Hưng Yên). Như vậy chỉ mới điểm qua đã thấy phương đình không dành để mang một chức năng riêng biệt cho một kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng nào, mà, trên thực tế nó là một kiến trúc thành phần trong những công trình kiến trúc khác nhau, chúng vừa có vai trò tạo sự tôn quý, vừa là điểm nhấn nghệ thuật trong tổng thể công trình kiến trúc.   (….Còn tiếp….)

Thủy đình, chùa Thầy, Quốc Oai, Hà Nội (Tư liệu: VMT)

Nguồn: Đình làng Việt (Châu thổ Bắc Bộ); Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam;
Nhà xuất bản Thế giới, ISBN: 978 – 604 – 77 – 0993 – 9, năm 2014

     Kính mời Quý độc giả đón xem:

Khái quát về sự hình thành và phát triển của Đình làng Việt Nam (Phần 2)