Khai sinh chữ Quốc ngữ (từ 1620 đến 1659) – Phần 2: Xét lại công lao của Alexandre de Rhodes

2. Xét lại công lao của Alexandre de Rhodes

     Vào năm 1912, nhà Việt Nam học và Huế học khả kính, giáo sĩ người Pháp Léopold Michel Cadière đã khẳng định một cách không đúng trước đông đảo học giả Tây và Ta trong một cuộc hội thảo về văn hóa Việt Nam tại Paris rằng: “Công lao phát minh ra chữ Quốc ngữ chính là công lao của người Pháp, của Giám mục de Rhodes”. Có lẽ, luận điểm của một học giả có uy tín như linh mục Cadière đã được nhiều thế hệ học giả, nhà nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam mặc nhiên chấp nhận.

     Năm 1950, về quá trình phát triển chữ Quốc ngữ, sách Việt Nam Văn học Sử yếu của Dương Quảng Hàm có đoạn: “Các giáo sĩ người Âu khi đến nước ta truyền giáo vào thế kỷ thứ XVII, thấy ở xứ ta chỉ có chữ Nôm là thứ chữ dùng để viết tiếng Nam nhưng chưa có chuẩn đích và học lại mất rất nhiều công phu, nên mới mượn các mẫu tự La Mã đặt ra chữ Quốc ngữ để tiện việc dịch sách, soạn sách cho con chiên xem. Việc sáng tác chữ Quốc ngữ chắc là một công cuộc chung của nhiều người, trong đó có các giáo sĩ người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp Lan Tây. Nhưng có công nhất trong việc ấy là cố Alexandre de Rhodes, vì chính ông là người đầu tiên đem in những sách bằng chữ Quốc ngữ”.

     Tiến sĩ chuyên ngành dân tộc học, GS. Lê Văn Hảo đã từng cho rằng: “Alexandre de Rhodes tỏ ra là nhà ngôn ngữ học xuất sắc. Chính ông là người đầu tiên đã học hỏi nghiên cứu các cung giọng trong tiếng Việt để hoàn thiện sự phiên âm tiếng Việt bằng chữ cái Latinh” (năm 1985). Sau đó, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan cũng có nhận định như thế: “Cố Alexandre de Rhodes là người thông thạo tiếng Việt Nam nhất, đã có công đầu trong việc nghiên cứu” (năm 1989).

     Cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, luận điểm của cha Cadière về công lao độc tôn của giáo sĩ Alexandre de Rhodes vẫn được tiếp tục phát huy, GS. Nguyễn Văn Hoàn đã viết: “Trong lĩnh vực học tiếng Việt và đặt chữ Quốc ngữ, Alexandre de Rhodes có một vai trò đặc biệt mà không ai có thể tranh chấp được” (năm 1991). Minh Hiền viết: “Hai trăm năm kể từ khi được sáng tạo, chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết của nhân dân Việt Nam và là phương tiện truyền tải hữu hiệu của việc hiện đại hóa trong lòng xã hội Việt Nam. Cống hiến của Alexandre de Rhodes cho xã hội Việt Nam thật là vô cùng to lớn” (năm 1994).

     Gần đây nhất, năm 1994, Hoàng Tiến, chủ biên một Đề tài khoa học cấp Nhà nước, ký hiệu KX 06-17 mang tên Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX đã viết: “Những giáo sĩ sang Việt Nam như các cha cố Gaspar do Amaral và António de Barbosa đều là người Bồ Đào Nha, sau một thời gian, đã làm được tự vị Bồ Đào Nha – An Nam và tự vị An Nam – Bồ Đào Nha. Và nhất là cha cố người Pháp Alexandre de Rhodes là một nhà bác học rất giỏi về khoa ngôn ngữ đã tới Việt Nam, học tiếng Việt và giảng đạo bằng tiếng Việt… Tất nhiên, việc khai sinh ra chữ Quốc ngữ này có công sức đóng góp của nhiều người ông là đại diện và giữ công đầu”. Vẫn kế thừa quan điểm của Cadière, khi cho rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes là đại diện và giữ công đầu, nhưng may mắn quá và cũng thật quý hóa quá, Hoàng Tiến đã có kể đến công lao của hai giáo sĩ Gaspar de Amaral và António de Barbosa. Tuy thế, trong đề tài khoa học cấp Nhà nước to tát này lại quên béng việc kể công người đầu tiên đặt nền móng cho công trình Latinh hóa tiếng Việt và cũng là ông thầy dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes, giáo sĩ Francisco de Pina. Những phát hiện mới về quá trình hình thành chữ Quốc ngữ trong Đề tài khoa học cấp Nhà nước này hầu như vắng bóng, thậm chí chất thông tin mà đề tài của Hoàng Tiến cung cấp còn lạc hậu hơn những gì mà tác giả Đỗ Quang Chính đã viết trong tác phẩm Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659 trước đó hơn 20 năm.

     Thật ra, từ những thập niên 20 của thế kỷ XX, không ít nhà nghiên cứu đã không đồng tình với luận điểm của linh mục Léopold Cadière. Trong bài báo Khảo về chữ Quốc ngữ đăng trên tạp chí Nam Phong số 122, năm 1927, học giả Phạm Quỳnh đã cho rằng: “Chữ Quốc ngữ là do các cố Tây sang giảng đạo bên Việt Nam đặt ra vào đầu thế kỷ XVII; các cố đó, người Bồ Đào Nha có, người Ý Đại Lợi có, người Pháp Lan Tây có, chắc cùng nhau nghĩ đặt, châm chước, sửa sang trong lâu năm, chứ không phải một người nào làm ra một mình vậy”.

     Đến năm 1955, cái nhìn của học giả người Pháp Georges Taboulet khi viết cuốn sách Công trạng của Pháp ở Đông Dương có phần không giống với luận điểm của Cadière: “Việc phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh, điểm thêm các dấu quy ước, là một công lao tập thể mà sự đóng góp chủ yếu là linh mục De Pina, Borri, Gaspar do Amaral, António de Barbosa, nhưng linh mục De Rhodes thì có công hệ thống hóa, chỉnh lý và phổ biến văn tự này”. Như vậy, so với những gì Hoàng Tiến viết vào năm 1994, thì trước đó 40 năm Georges Taboulet đã có kể thêm de Pina và Borri.

     Năm 1972, linh mục Dòng Tên Joseph Đỗ Quang Chính cho ra đời công trình nghiên cứu có giá trị nhất về chữ Quốc Ngữ từ đó cho đến nay, đó là tác phẩm Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620 – 1659. Trong cuốn sách này, Đỗ Quang Chính tỏ ra hoài nghi luận điểm của Cadière khi khẳng định trình độ tiếng Việt của Gaspar de Amaral còn giỏi hơn cả Alexandre de Rhodes. Chưa hết, theo như bài viết Trình độ chữ Quốc ngữ của linh mục Alexandre de Rhodes từ năm 1625 đến 1644, Đỗ Quang Chính có ý xét lại vai trò của Alexandre de Rhodes: “Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) là người đã góp nhiều công lao trong việc xuất bản hai cuốn sách chữ Quốc ngữ mới đầu tiên, điều đó các nhà trí thức Việt Nam ai ai cũng biết; ngay các học sinh trung học cũng được hiểu qua sự kiện này. Dựa vào hai cuốn sách trên đây, nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam cũng như ngoại quốc, đã đề cao công trình sáng lập chữ Quốc ngữ mới của linh mục Đắc Lộ. Tuy những nhà nghiên cứu đó biết rằng, linh mục Đắc Lộ chỉ là một trong những người sáng lập ra thứ chữ này, nhưng xem ra phần đông lại đề cao quá mức sự nghiệp của ông”. Để hiểu rõ hơn câu nhận xét của linh mục Đỗ Quang Chính về công lao của Alexandre de Rhores trong đoạn trích trên, thiết tưởng cần phải điểm lại thân thế, tiểu sử và sự nghiệp của ông tổ chữ Quốc ngữ một cách nghiêm túc ngõ hầu rút ra một đánh giá thật sự khách quan về công lao của ông tổ này.

     Linh mục Alexandre de Rhodes thường được người Việt Nam gọi là Đờ-rốt hay Đắc Lộ, sinh vào ngày 15.3.1593 tại Avignon, Pháp. Theo Đỗ Quang Chính thì Alexandre de Rhodes sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái và có quốc tịch tòa thánh La Mã. Nhưng Roland Jacques qua nghiên cứu cây phả hệ của dòng họ de Rhodes thì quyết rằng gia đình Alexandre de Rhodes không có gốc Do Thái, bởi cụ tổ ba đời của Alexandre de Rhodes theo dòng phụ hệ, Jean Chimenes de Ruedes, di cư từ Aragon tới, cụ không phải là người Do Thái, hơn nữa gia huy của dòng họ de Ruedes có hình bánh xe đã chứng tỏ họ tộc Ruedes/ Rhodes không dính dáng gì đến nguồn gốc Do Thái. Về điểm này, có lẽ Roland Jacques đúng hơn Đỗ Quang Chính. Sau khi Alexandre de Rhodes học xong bậc tiểu học rồi trung học tại quê nhà, năm 1612, vì muốn đi Đông Á truyền giáo nên ông gia nhập Dòng Tên ở La Mã để đi Lisbonne ngõ hầu đáp tàu đi Đông Á. Vì gặp nhiều cách trở, nên mãi tới ngày 29.5.1623, linh mục Alexandre de Rhodes mới đến được Áo Môn. Ý định của ông sẽ là từ Áo Môn đi Nhật truyền giáo, song không đạt được ý nguyện vì tướng quân Mạc phủ (Shogun) ở Nhật lúc bấy giờ đang cấm đạo Công giáo. Do đó, Đức Cha bề trên ở Áo Môn cử ông đi truyền giáo tại Việt Nam.

     Giáo sĩ Alexandre de Rhodes tới dinh trấn Thanh Chiêm ở xứ Đàng Trong lần thứ nhất vào cuối năm 1624, tại trú sở Thanh Chiêm, Alexandre de Rhodes bắt đầu học tiếng Việt với cha bề trên Francisco de Pina. Khi Pina qua đời vào cuối năm 1625, Alexandre de Rhodes thay Pina quản nhiệm trú sở truyền giáo Thanh Chiêm và đến đầu năm 1627, ông đi Đàng Ngoài. Đến tháng 5.1630, Alexandre de Rhodes bị chúa Trịnh Tráng trục xuất khỏi Đàng Ngoài. Ông đành trở về Ma Cao và làm giáo sư thần học tại học viện Madre De Deus (Mẹ Thiên Chúa) cho đến năm 1640. Trong thời gian này, ông biên soạn một quyển sách về xứ Bắc Hà và công trình truyền giáo ở đó (Tunchinensis Historiae libri duo).

     Từ năm 1640 đến 1645, Alexandre de Rhodes trở lại truyền giáo ở xứ Đàng Trong. Cho đến cuối năm 1645, ông bị chính quyền tại dinh Quảng Nam trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam. Cuối năm 1645, Alexandre de Rhodes bắt đầu cuộc hành trình trở về Âu châu, nhưng mãi đến năm 1649 mới về tới La Mã. Sau đó, ông được phái đi truyền giáo ở xứ Perse (Ba Tư – Cộng hòa Hồi giáo Iran bây giờ). Mặc dù đã 65 tuổi, nhưng ông vẫn theo học ngôn ngữ địa phương (thật đáng khâm phục!). Ông từ trần tại thành Isfahan, Iran ngày 5.11.1660.

     Linh mục Thanh Lãng cho biết giáo sĩ Đắc Lộ có thể nói được trôi chảy các thứ tiếng: Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ấn, Hy Lạp, Do Thái, Trung Hoa, Nhật và Việt Nam. Ngoài hai cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ, xuất bản tại Rôma năm 1651, là cuốn Phép giảng tám ngày (Cathechismus) và cuốn tự điển bằng 3 thứ tiếng Việt – Bồ – La (Diccionário amanita – Português – Latina) mà người Việt Nam đã được biết đến (hai cuốn sách này lần đầu tiên được in tại nhà in của Thánh bộ Truyền giáo La Mã), giáo sĩ Alexandre de Rhodes còn là tác giả của các tác phẩm hết sức có giá trị, đã được xuất bản tại châu Âu như:

     – Relazione dé felici successi della fede predicate de Patri della Compagnia de Giesu del regno di Tunchino (Roma, 1650), (Hành trình và truyền giáo ở xứ Đàng Ngoài).

     – Tonchinensis Historiae libri due quorum altero status temporalis hujus Regni. Altero Mirabilis Evangelicae praedicationis progessus referuntur coeptae per Patres Societatis Jesu ab anno 1627 ad annum 1646. (Lugduni, 1652), (Lịch sử xứ Đàng Ngoài).

     – Histoire de la vie, et de la mort glorieuse de cinq Pères de la Compagnie de Jésus, qui ont suffer dans le Japon avec trois séculiers, en l’année 1643 (Paris, 1653), (Lịch sử 5 vị linh mục tử đạo tại Nhật).

     – La glorieuse mort d’André catechiste de la Cochinchine (Paris, 1653), (Cái chết vinh quang của thầy giảng Anrê của xứ Đàng Trong).

     – Relation de la Mission des Pères de la Compagnie de Jésus, établie dans le royaume de Perse (Paris, 1659), (Tường trình việc truyền giáo ở vương quốc Ba Tư).

     Điểm qua sự nghiệp truyền đạo của Alexandre de Rhodes, ta thấy có một khoảng thời gian dài 10 năm (từ năm 1630 đến năm 1640), ông đã không hề có mặt tại Việt Nam. Sở dĩ, Alexandre de Rhodes lưu lại Ma Cao một thời gian dài như thế, vì có sự bất đồng ý kiến giữa ông và các giáo sĩ khác về nhiều vấn đề liên quan đến Việt Nam, đó là cách thức tổ chức các thầy giảng, và những quan niệm về văn hóa, phong tục và nhất là ngôn ngữ Việt Nam. Trong thời gian này, ông biên soạn một quyển sách về lịch sử xứ Đàng Ngoài và công tác truyền giáo ở đó (Tunchinensis Historiae).

     Để giải quyết những bất đồng liên quan đến hệ thống thuật ngữ Kitô giáo bằng Việt ngữ, một hội nghị gồm 35 giáo sĩ, do quyền Giám sát Dòng Tên hai vùng Trung – Nhật triệu tập vào năm 1645 tại Ma Cao nhằm định chuẩn Mô thức rửa tội bằng tiếng An Nam. Căn cứ vào biên bản hội nghị do Đỗ Quang Chính sưu tầm, Mô thức rửa tội đã được chấp thuận bởi 31 giáo sĩ Dòng Tên (mà trong đó có hai chuyên gia Việt ngữ học kỳ cựu Gaspar de Amaral và António de Barbosa), hai vị giáo sĩ Asianius Ruidas và Carolus de Rocha bỏ phiếu trắng, riêng linh mục Alexandre de Rhodes và một vị giáo sĩ Dòng Tên người Sicilia (Ý) còn trẻ tên là Metellus Saccanus phản đối. Bởi đa thắng thiểu nên Mô thức rửa tội được hội nghị thông qua, điều đáng tiếc là biên bản hội nghị không cho biết lý do chấp thuận cũng như chống đối.

      Nhưng mâu thuẫn đó kỳ dư vẫn chưa được giải quyết triệt để, theo đề nghị của Alexandre de Rhodes, vấn đề Mô thức rửa tội được mang về La Mã và được đưa ra nghiên cứu lại trong những thập niên năm 1650 tại bộ Truyền bá Đức tin, và sau đó tại bộ Thánh vụ. Trong khi vấn đề Mô thức rửa tội đang được bàn luận thì giáo sĩ Dòng Tên, người Ý Giovani Filippo Marini gửi một bức thư “tố cáo” năng lực Việt ngữ của Alexandre de Rhodes lên các bề trên của mình ở La Mã. Theo Roland Jacques thì: “Với giọng văn có vẻ tranh cãi, trong thư tác giả nêu lên khả năng đáng nghi ngờ của Rhodes về ngữ học Việt Nam. Tu sĩ này đánh giá thấp Rhodes vì Rhodes nói theo tiếng Đàng Trong, “đánh giá thô kệch” so với tiếng chuẩn của kinh đô; cũng với tiếng nói phương Nam ấy mà lỗi chính tả trong cuốn Từ điển dường như thấy xuất hiện trong một vài trường hợp”. Nhưng sau cùng Alexandre de Rhodes vẫn thắng, bởi Hội Truyền giáo Hải ngoại Pháp (MEP, Missions Étrangères de Paris) do Alexandre de Rhodes thành lập đang chiếm ưu thế trước Giáo đoàn Kitô đang hoạt động tại Đông Á và Đông Nam Á.

     Trong Lời nói đầu của cuốn tự điển bằng 3 thứ tiếng Việt – Bồ – La hoàn toàn thuần túy Việt Nam (Diccionário amanita – Português – Latina), giáo sĩ Alexandre de Rhodes thừa nhận đã dùng hai cuốn tự điển của linh mục Gaspar de Amaral và António de Barbosa để soạn tác phẩm của mình: “Ngoài ra, tôi còn lợi dụng công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc Dòng Tên, nhất là Gaspar do Amaral và António de Barbosa. Cả hai ông này đều làm mỗi ông một cuốn từ vựng, ông Gaspar do Amaral làm cuốn Việt – Bồ, ông António de Barbosa làm cuốn Bồ – Việt, nhưng tiếc rằng cả hai ông đều chết sớm. Tôi lợi dụng công việc của hai ông viết ra cuốn từ vựng mới, có chưa thêm tiếng Latinh”. Ngoài ra, giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng tỏ ra biết ơn thầy Pina: “Tôi đã từng học với Francisco de Pina, một người Bồ Đào Nha thuộc Dòng Tên hèn mọn của chúng tôi. Ông là người rất giỏi tiếng bản xứ và là người đầu tiên dám tự giảng bằng tiếng bản xứ”.

     Đọc lại những lời của giáo sĩ Alexandre de Rhodes, ta có thể thấy ông chưa bao giờ tự nhận mình là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ như những gì mà linh mục Léopold Cadière về sau xưng tụng. Tuy không phải là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, nhưng Alexandre de Rhodes lại là người có công trong việc biên tập, chỉnh lý, tu sửa một thứ chữ đang thời kỳ phôi thai. Công việc biên tập ấy không hề đơn giản chút nào, mà thực sự là công trình khoa học sáng chói của Alexandre de Rhores. Có thể, Alexandre de Rhodes không giỏi chữ Quốc ngữ như các linh mục Pina, Amaral hay Barbosa, nhưng ông may mắn hơn các giáo sĩ khác là sách của ông đã được xuất bản và tồn tại cho đến ngày hôm nay. Do đó, công lao của Alexandre de Rhodes cũng đáng được tôn vinh, mặc dù ông không giữ địa vị công đầu.

     Câu nhận xét của linh mục Đỗ Quang Chính về công lao của Alexandre de Rhodes: “Linh mục Alexandre de Rhodes chỉ là một trong những người sáng lập ra thứ chữ này, nhưng xem ra phần đông lại đề cao quá mức sự nghiệp của ông” là hoàn toàn chính xác. Ngày nay, khi mà đệ tử Alexandre de Rhodes đã từng được ca tụng không tiếc lời, thiết tưởng cũng nên dành những lời tôn vinh đó cho sư phụ Francisco de Pina cho hợp với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Dinh Trấn Thanh Chiêm và Chữ Quốc ngữ”

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

     Còn tiếp: Mời Quý độc giả đón xem:

     Khai sinh chữ Quốc ngữ (từ 1620 đến 1659) –

          Phần 3: Dấu ấn “Nói Quảng” trong quá trình La ngữ âm hóa tiếng Việt