Khảo cổ học dưới nước Việt Nam – Kinh nghiệm từ các nước Đông Nam Á

Tác giả bài viết: HÀ THỊ SƯƠNG
(Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)

     Trong hơn 20 năm qua, chúng ta đã phối hợp với quốc tế tiến hành khai quật và nghiên cứu 6 con tàu đắm thuộc lãnh hải Việt Nam, gồm Hòn Cau (1990 – 1991); Hòn Dầm (1991); Cù Lao Chàm (1997 – 1999); Cà Mau (1998 – 1999); Bình Thuận (2001 – 2002) và Bình Châu (2013), nhưng chủ yếu công việc khai quật do các thợ lặn nước ngoài hoặc trong nước tiến hành chứ chưa thực sự có các nhà khảo cổ học dưới nước với trang thiết bị chuyên dụng và kỹ năng khai quật khảo cổ học dưới nước tiến hành. Năm 2013, bộ phận Khảo cổ học trực thuộc Viện Khảo cổ học mới được thành lập. Tuy nhiên, nguồn nhân lực của ngành vẫn còn yếu, cơ sở vật chất và trang thiết bị chưa được đầu tư, kinh phí để chủ động khai quật, khảo sát còn hạn chế… Để khắc phục tình trạng này, ngoài giải pháp tăng cường bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư kinh phí và trang thiết bị cho hoạt động khảo cổ học dưới nước, thì việc học hỏi kinh nghiệm của một số quốc gia có nền khảo cổ học dưới nước phát triển là hết sức cần thiết. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số kinh nghiệm về lĩnh vực này từ các nước thuộc khu vực Đông Nam Á.

1. Bài học về phát triển nhân lực nghiên cứu

     Từ năm 1976, Thái Lan đã triển khai Dự án Khảo cổ học dưới nước, đến nay đã phát hiện và khai quật được 35 di tích trong vịnh Thái Lan. Đồ gốm từ 19 trong số 35 di tích này đã được cứu vớt (rescued) và bảo tồn (conserved) bởi các nhà nghiên cứu. Hơn 10.000 mảnh gốm, dựa vào loại hình và chất liệu có thể xác định được chúng có nguồn gốc từ Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, có niên đại từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII [7, 5].

     Ngoài thành tựu về khảo sát và khai quật tàu cổ, vẽ bản đồ di chỉ khảo cổ học dưới nước (vịnh Thái Lan) thì thành tựu lớn nhất mà ngành Khảo cổ dưới nước ở Thái Lan đạt được chính là việc đào tạo cán bộ, chuyên viên làm việc trong lĩnh vực này.

     Thái Lan cũng đã có rất nhiều khóa đào tạo cho không chỉ các sinh viên khảo cổ mà cả các tình nguyện viên, ngư dân, cảnh sát,… đi vào thực địa và nghiên cứu. Vì thế, đội ngũ chuyên gia khảo cổ học dưới nước của Thái Lan ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.

     Chương trình cụ thể được thực hiện: khi mới phát triển ngành, các chuyên gia khảo cổ học dưới nước Thái Lan được đào tạo bởi các chương trình hợp tác đào tạo với nước ngoài, như: từ năm 1975 đến năm 1979, đã có một chương trình hợp tác đào tạo nghiên cứu giữa Thái Lan và chính phủ Đan Mạch, một nguồn nhân lực đáng kể với những chuyên gia về nhiều lĩnh vực đã được đào tạo từ chương trình này. Đến năm 2003, đã có 6 lớp đào tạo với tổng số 56 sinh viên của Dự án SEAMEO (Dự án Khảo cổ học và Mỹ thuật). Từ những chương trình hợp tác đào tạo như thế mà hiện tại Thái Lan đã có một số lượng rất đáng kể nhân viên kỹ thuật, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực của khảo cổ học, kể cả khảo cổ học dưới nước.

     Từ nguồn lực đó, Thái Lan đã thực hiện nhiều biện pháp để đào tạo bổ sung cán bộ trẻ cho ngành, như:

     Mỗi kỳ nghỉ hè, sinh viên quan tâm đến việc lặn và muốn khám phá kiến thức mới có giá trị khảo cổ học dưới nước tập trung lại với nhau để tham gia một dự án học lặn, khám phá trường khảo cổ học dưới nước với các nhà khảo cổ tài năng và những người làm việc tại Phòng Khảo cổ học dưới nước, Mỹ thuật, tỉnh Chantaburi, Thái Lan. Đây cũng chính là chương trình hè của sinh viên chuyên ngành Khảo cổ học ở Thái Lan [14]. Với sự giúp đỡ của Tổ chức Khảo cổ học dưới nước, sự nỗ lực mạnh mẽ của các sinh viên và giáo sư tư vấn cho dự án, nhiều dự án đào tạo tình nguyện cán bộ khảo cổ học dưới nước được tiến hành. Dự án được tài trợ dựa trên một phần kinh phí của các tổ chức tư nhân khu vực và hệ thống trang thiết bị từ bộ phận khảo cổ học dưới nước, được đào tạo bởi các nhà khảo cổ học dưới nước chuyên nghiệp và các chuyên gia ở Cục Mỹ thuật. Mục đích của dự án là đào tạo đội ngũ tình nguyện viên, mở rộng sự hiểu biết của học sinh về khảo cổ học, tạo một thế hệ mới gồm các chuyên gia tài năng cho lĩnh vực này [14].

     Học sinh tham gia dự án này được thực hành các kỹ thuật và phương pháp nghiên cứu thực địa được sử dụng trong hàng hải. Các em được học lý thuyết chung và phương pháp khảo cổ học dưới nước, có thể phác thảo toàn cảnh để xác định vị trí các di tích, kiểm tra việc khai quật dưới nước, kiểm tra các kỹ thuật ghi âm, ghi hình dưới biển và trải nghiệm những khó khăn khi tiết xúc với biển. Mặc dù đây là một đợt học tập về khảo cổ học dưới nước ngắn tại một di tích đã được khai quật, nhưng các sinh viên học hỏi được rất nhiều quan điểm về cách xử lý các công trình dưới nước với nhiều yếu tố liên quan.

     Ngoài những kỹ năng quý giá mà sinh viên và những tình nguyện viên được học trong khóa học, khóa học này còn có khả năng truyền cảm hứng cho những người có niềm đam mê thật sự với ngành, mà hơn nữa có thể nâng cao hiệu suất và lợi ích của họ sau này. Đó chính là cách họ đào tạo những chuyên gia cho ngành Khảo cổ học dưới nước. Và, đây cũng là cách mà ngành Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam nói riêng và các nước Đông Nam Á khác nói chung cần phải học hỏi.

     Ở Philippin, Bảo tàng Quốc gia cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều khóa học quan trọng, nhằm nâng cao chuyên môn khảo cổ học dưới nước cho cán bộ Philippin và khu vực, như: khóa học bảo tồn di sản khảo cổ học dưới nước được tiến hành năm 2009, với sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế về bảo tồn và phục chế di sản văn hóa (ICCROM), Trung tâm Khảo cổ học và Nghệ thuật Mỹ (Seameo – Spafa), cùng với hơn 22 chuyên gia khảo cổ học dưới nước đến từ Brunei Darussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippins, Singapore, Thái Lan, Timor – Leste và Việt Nam. Ở khóa học, các học viên được trao đổi, thảo luận, học lý thuyết, thực hành về việc lựa chọn cách thức bảo tồn, cách thức phục chế đối với từng loại hình di tích và từng hiện vật. Thiết lập một mạng lưới đồng nghiệp để có thể hỗ trợ nhau về sau trong các nghiên cứu ở mỗi nước. Những khóa học này là việc làm thiết thực mà Philippin đã làm được cho ngành Khảo cổ học dưới nước ở khu vực [15].

2- Bài học về việc xây dựng pháp lý về di sản khảo cổ học dưới nước

     Là một quốc gia hải đảo nên khảo cổ học dưới nước của Philippin cũng khá phát triển từ những thập niên 1980, gắn với dấu ấn của các nhà khảo cổ học người Mỹ, như: Roy E. Dickerson, H. Otley Beyer. Các nhà khảo cổ học tiên phong này đã đặt nền móng cho ngành Khảo cổ học ở Philippin không ngừng phát triển về nhiều lĩnh vực khác nhau và đặc biệt là lĩnh vực Khảo cổ học dưới nước. Những chính sách về tàu đắm ở Philippin đã được đề ra vào đầu năm 1980, từ đó có những sự thay đổi nhất định. Bảo tàng Quốc gia là tổ chức hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc tìm kiếm tàu đắm và các chương trình khai quật và luôn luôn có sự hợp tác với các công ty nước ngoài ở Philippin. Sau khi khai quật, thì tỉ lệ được chia giữa bảo tàng và tổ chức cứu hộ cùng hợp tác là 50/50 [9, 17]. Philippin cho phép sự tham gia của các công ty thương mại, hoặc các địa phương đăng ký điều tra, khảo sát, khai quật các di chỉ khảo cổ học dưới nước. Chính sách chia sẻ duy nhất trong những cuộc khai quật ở Philippin là giữ lại một nửa số hiện vật khai quật được cho các bảo tàng. Số hiện vật còn lại đơn vị tổ chức khai quật có quyền bán. Bảo tàng Quốc gia chịu trách nhiệm trong việc khảo sát và các dự án khai quật…

     Ở Indonesia, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm và khai quật được một số tàu đắm, như Belitung (Tang) (thế kỷ thứ IX), tàu Intan (thế kỷ X), tàu đắm Bakau (thế kỷ XV) và tàu đắm ở biển Java (thế kỷ XIII) [9, 17], cùng các tàu đắm Nanking và Tek Sing. Ban đầu, những người Indonesia thay mặt cho các tổ chức nước ngoài đứng tên khai quật các di tích khảo cổ học dưới nước. Nhưng, sau ba cuộc khai quật đầu, các công ty trực tiếp đứng tên khai quật các di tích khảo cổ học dưới nước ở nước này. Các chính sách về tàu đắm ở Indonesia có vẻ là luôn có sự biến chuyển. Tuy nhiên, một trong những khía cạnh tối thiểu mà không thay đổi đó là có sự tham gia của các tổ chức khảo cổ học. Thực ra, trong nhiều trường hợp, thực tế không phải tất cả đều có sự tham gia của các nhà khảo cổ học của Indonesia và họ cũng không yêu cầu phải giữ lại tất cả những hiện vật đã khai quật được trong nước. Thỏa thuận phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ 50/50, thanh toán bằng tiền mặt sau khi nộp lệ phí cấp giấy phép khai quật [9, 17].

     Chính phủ Indonesia đã thành lập Ủy ban Tàu đắm (Panitia Nasional). Panitia Nasional cho phép địa phương hoặc công ty nước ngoài có thể cứu hộ tàu cổ đắm trong vùng biển Indonesia. Tuy nhiên, nhóm này phải hoạt động thông qua một công ty đăng ký của Indonesia hoặc một đối tác địa phương và phải trả một khoản tiền đáng kể trước khi có thể bắt đầu làm việc. Họ cũng phải nộp lệ phí và nhận được sự cho phép từ 22 cơ quan chính phủ khác nhau trước khi nộp tiền lệ phí cấp giấy phép khảo sát, giấy phép, lệ phí cao hơn ngay cả đối với trục vớt nếu cuộc điều tra đã thành công.

3- Kinh nghiệm về xây dựng cơ sở bảo quản, trưng bày di sản văn hóa dưới nước

     Ở Singapore, ngày 15/10/2011 đã chính thức mở cửa Bảo tàng Trải nghiệm Hàng hải (The Maritime Experiential Museum). Đây chính là một góc nhìn sáng tạo về lịch sử Con đường Tơ lụa trong ngành Hàng hải. Với hơn 400 hiện vật quý hiếm, Bảo tàng Trải nghiệm Hàng hải sẽ đưa bạn đến với những chuyến hải trình huyền thoại.

     Tại đây trưng bày bản sao với kích thước thật của những con tàu kho báu và hạm đội khổng lồ của Đô đốc Trịnh Hòa. Được biết, những con tàu kho báu này giong buồm cạnh 30 – 40 con thuyền cỡ vừa, như mã thuyền, thuyền hậu cần, chiến thuyền và thuyền chở nước và dầu – cung cấp tất cả những nhu cầu thiết yếu cho chuyến hành trình.

     Đến với 8 hải cảng tại SOUK, khách tham quan sẽ kinh ngạc với hình ảnh, mùi vị và âm thanh của con người, văn hóa và những câu chuyện thú vị về những hải cảng này dọc theo con đường thông thương hàng hải. Tìm hiểu thêm về hải thương, con người và văn hóa với các tương tác đa dạng thú vị được đặt dọc SOUK và tầng hầm của bảo tàng.

     Một trong những điểm nổi bật của bảo tàng là “Kho báu của Muscat” – một món quà của Chính phủ Oman. Đây là phiên bản có kích thước như thật của những chiếc thuyền buồm thế kỷ thứ IX. Khách tham quan sẽ kinh ngạc và thú vị về cách con thuyền được tái tạo và hải trình lịch sử của nó từ Oman đến Singapore, di chuyển chủ yếu nhờ vào sức gió và định hướng thiên văn học. Người tham quan được tận tay thử lái con tàu vượt biển nhờ “kamal” – thiết bị định hướng Ả Rập cổ đại. Đồng thời, còn có thể trải nghiệm cơn thịnh nộ của biển cả tại Nhà hát Typhoon Theatre, nhà hát truyền thông đa phương tiện 360 độ đưa khách tham quan vào chuyến đi đầy nguy hiểm trên con thuyền Trung Hoa thế kỷ thứ IX, chất đầy hàng hóa, con thuyền gặp phải bão biển, đại dương gào thét, bầu trời tối sầm và con thuyền lắc lư, lật nhào và cuối cùng đắm dần xuống biển. Sau đó, hành khách tự thấy mình dưới đại dương sâu thẳm, cạnh những mảnh vỡ của con tàu đắm.

     Với cách thiết kế, xây dựng và trưng bày trực quan, sinh động này, sẽ góp phần giúp công chúng, đặc biệt giới trẻ tăng thêm nhiều hiểu biết về lịch sử hàng hải, cũng như khơi dậy niềm đam mê, ham học hỏi của những người yêu lịch sử đất nước họ. Đây là một khía cạnh còn rất thiếu của tất cả bảo tàng ở Việt Nam [16].

     Một trong những phát hiện thú vị nhất trong thời gian qua tại Brunei là tìm thấy xác tàu chìm của Trung Quốc cách khoảng 40 km ngoài khơi bờ biển của Brunei. Con tàu đắm này được phát hiện vào năm 1997. Di tích đó bây giờ được gọi là tàu đắm Brunie (Brunie Shipwreck). Đây có thể được coi là một trong những phát hiện quan trọng nhất trong lịch sử khảo cổ của Brunei. Hơn 13.000 hiện vật được thu hồi từ con tàu này, chúng có nguồn gốc từ Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Phát hiện này cho thấy sự phát triển và thịnh vượng của thương mại Brunei với khu vực khoảng 500 năm trước đây. Các cảng Brunei đã từng là một trong những cảng biển hoạt động mạnh trong vùng biển Đông, vị trí chiến lược không thua so với các thị trường thương mại phát triển mạnh của Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc [17].

     Ngày 14 tháng 12 năm 2006, một dự án xây dựng bảo tàng khảo cổ học hàng hải của Brunei (Bảo tàng Hàng hải) đã được khởi xướng và đang được xây dựng trên diện tích khoảng 3,53 ha, với kinh phí 5 triệu đô la [14]. Các phòng triển lãm của bảo tàng sẽ tái tạo mối liên hệ giữa nhân loại với sông và biển từ thời cổ đại. Dự án sẽ giúp công chúng hiểu được vai trò của đất nước Brunei như là một trung tâm thương mại hàng hải trong thời cổ đại…, đồng thời thúc đẩy nó như là một điểm đến du lịch [18].

     Bảo tàng gồm ba tầng, gồm các phòng kho, văn phòng chính, phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm, phòng họp, nhà vệ sinh công cộng, khu vực tiền sảnh, phòng khách, surau, ba phòng triển lãm thường xuyên hoạt động và một phòng triển lãm tạm thời để sử dụng khi cần tổ chức các cuộc triển lãm theo những chủ đề nhất định trong thời gian ngắn. Kiến trúc bảo tàng mô phỏng “hình ảnh con tàu Bulletin”, được sáng tạo cùng với một thiết kế hiện đại [18]…

     Tạm kết

     Từ một số kinh nghiệm của các nước trong khu vực, chúng tôi kiến nghị, các cơ quan liên quan cần tăng cường đầu tư về mọi mặt để phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ công tác khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam. Trong đó, có phương án bảo vệ các di sản dưới nước và biện pháp khai quật “cứu hộ” khẩn cấp sau khi phát hiện di tích./.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

     1- Ban Khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (2000), “Khai quật tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (1997 – 1999)”, Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2000.

     2- Nguyễn Đình Chiến (2005), “Khai quật khảo cổ học tàu cổ Cà Mau”, Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

     3- Nguyễn Đình chiến (2002), Tàu cổ Cà Mau – The Ca Mau shipwreck 1723 – 1735, Hà Nội.

     4- Nguyễn Đình Chiến (2013), “Tổng quát về 6 con tàu cổ đã khai quật ở vùng biển Việt Nam”, Tài liệu hướng dẫn lớp bồi dưỡng kiến trức quản lý di sản văn hóa vật thể dưới nước.

     5- Nguyễn Đình Chiến (2013), “Đồ gốm sứ trong các con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam”, Tài liệu hướng dẫn lớp bồi dưỡng kiến trức quản lý di sản văn hóa vật thể dưới nước.

     6- John Guy, “Gốm Việt Nam và tầm quan trọng của đồ gốm ở tàu đắm Hội An”, Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, tập 2.

     7- Fine arts department Thailand, Underwater Archaeology in Thailand II, page 15.

     8- Michael Flecker (2002), “The ethics, politics, and realities of maritime archaeology in Southeast Asia”, The international journal of nautical Archaeology, The Nautical Archaeology Society, page 17.

     9- Dr Michael Flecker (2006), “Shipwreck policies throughout Asia: A first – hand account”, Maritime Explorations, Singapore/ Malaysia IPPA conference, Manila.

    10- Nguyễn Quốc Hùng (2005), “Hơn một thập kỷ khai quật khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam”, Một thế kỷ khảo cổ học Việt Nam, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

     11- Phạm Quốc Quân, Tống Trung Tín (2000), Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học dưới nước tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) (1997 – 1999), Hà Nội.

     12- http://www.binhthuantoday.vn

     13- http://ussh.vnu.edu.vn

     14- http://www.uri.edu

     15- http://www.iccrom.org

     16- http://www.rwsentosa.com

     17- http://bruneiresources.blogspot.com

     18- http://www.brudirect.com

Nguồn: Di sản văn hóa, số 2 (47) – 2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Khảo cổ học dưới nước Việt Nam – Kinh nghiệm từ các nước Đông Nam Á (Tác giả: Hà Thị Sương)