Khảo sát văn bản sắc phong thuộc triều đại nhà Nguyễn Việt Nam
Tác giả bài viết: Tiến sĩ NGUYỄN MẠNH HÙNG*
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Sử học (2013-nay)
Qua Bộ sưu tập gồm 642 sắc phong của các triều đại nhà Nguyễn – kéo dài từ các triều vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và đặc biệt là Thành Thái, chúng tôi đã phân loại về mặt văn bản và biên dịch để có thể chú giải về mặt lịch sử văn hoá Việt Nam trong giai đoạn cận hiện đại.
Tại Việt Nam theo truyền thống mỗi làng xã lớn nhỏ đều có ngôi đình thờ thần Thành Hoàng và các Phúc thần. Thành Hoàng là vị thần cai quản trong khu vực khung thành (thành là thành quách, thành lũy, hoàng là hào luỹ), còn Phúc thần là những nhân thần, lúc sinh tiền là một danh nhân có công với dân tộc hoặc một địa phương.
Theo Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính thì dân Việt Nam tin rằng đất có Thổ công, sông có Hà bá, cảnh thổ nào phải có Thành hoàng, ấy vậy phải thờ để thần ủng hộ cho dân, vì thế mỗi ngày việc sự thần một thịnh.
Đình thần biểu tượng cơ bản của văn hoá làng xã Việt Nam, đồng thời cũng là cơ sở tín ngưỡng có tính chất truyền thống dân gian, đã tồn tại và phát triển mãi cho tới ngày nay. Ngoài ý nghĩa thuộc về tín ngưỡng, đình còn được coi là ngôi nhà công cộng của làng, là nơi hội họp, lễ lạc và vui chơi của công chúng. Nhiều người đi tha phương cầu thực, hằng năm nếu có điều kiện cũng cố gắng về thăm quê hương trong dịp lễ cúng đình, bởi họ khó quên được cái hình ảnh “giếng nước đình làng” ở nơi chôn nhau cắt rốn.
Sắc thần
Sắc là văn bản của vua chúa phong thưởng cho thần dân hoặc bách thần. Việc thần Thành Hoàng được vua phong sắc có ý nghĩa rất quan trọng, vì đó là sự công nhận chính thức của người đứng đầu nhà nước phong kiến về sự hợp pháp của làng. Thông thường thì việc lập đình và thờ cúng được thực hiện trước rồi sắc mới đến sau một thời gian khá lâu, do đề nghị của dân lên các quan địa phương để những vị này đạo đạt lên triều đình. Trong thời gian chưa được ban sắc, dân chúng vẫn cúng tế gọi là “thờ vọng”, theo nghĩa sớm muộn gì sắc phong cũng sẽ đến.
Sắc thần của vua ban được coi là một bảo vật nên thường phải có chỗ cất riêng để bảo quản cho chắc chắn, tránh nạn mất cấp, hoặc phá phách. Sắc thường để ở nhà nơi được canh gác cẩn thận hoặc giao cho một người có uy tín cất giữ (như vị Hương cả trong làng), cũng có khi cử riêng một vị thủ sắc để giữ . Có nơi sắc được để trong miếu còn còn gọi là nghè. Đến ngày tế lễ, thường vào dịp Kỳ yên (trong tháng giêng âm lịch) dân chúng trong làng tổ chức long trọng lễ rước sắc thần để đưa sắc từ nơi cất giữ về đình cử hành tế lễ – gọi là lễ thỉnh sắc. Sắc thần được để tại đình trong suốt ba ngày tế lễ, đến chiều ngày cuối cùng mới đưa về nơi cất giữ gọi là lễ hồi sắc.
Hình thức và nội dung sắc thần
1. Hình thức và nội dung tổng quát của sắc thần
Tất cả các sắc thần đều được viết bằng chữ Nho theo thể chữ chân phương rõ và đẹp trên tấm hình lụa chữ nhật (khổ khoảng 6 tấc x12 tấc) có thếp vàng và trang trí hoa văn hình rồng, mây biểu tượng cho thiên tử.
Bên trái tờ sắc là phần nội dung chính của sắc thần dài khoảng 70 đến 100 chữ; thỉnh thoảng mới có những tờ sắc dài hơn 100 chữ, do phải liệt kê nhiều tên thần và các danh hiệu truy tặng.
Khởi đầu bài sắc luôn là chữ Sắc (có nghĩa là mệnh lệnh, chiếu thư hay chỉ dụ của hoàng đế) rồi đến tên tỉnh, huyện, xã, thôn nơi có thờ thần. Kế tiếp thừa nhận vị thần đang nói (trong bài sắc) từ lâu đã từng tỏ rõ linh ứng nhưng chưa được phong tặng, nay mới phong cho thần mỹ hiệu là Thần gì, đẳng cấp ra sao và cho dân sở tại tiếp tục thờ như cũ để thần phù hộ cho dân của nhà vua.
Tựu trung, sắc thần là văn bản chính thức của vua ban để thừa nhận và phong tặng hoặc truy tặng thêm danh hiệu cho một hay nhiều vị thần được dân chúng địa phương đang thờ phượng và tín ngưỡng.
Phần cuối của bài sắc luôn luôn có hai chữ Khâm Tai (kính vậy thay), rồi đến niên hiệu, ngày tháng phong sắc; các số ghi ngày tháng luôn được viết theo lối chữ kép, mà không ghi theo lối chữ đơn thông thường.
Chỗ dòng chữ ghi niên hiệu, ngày tháng, có đóng đè lên một con dấu son vuông lớn.
Nơi cuối cùng, bên trái, thỉnh thoảng có tờ sắc ghi thêm nơi sao lục, như Bắc Kỳ kinh lược nha phụng lục, Hà Nam tỉnh phụng sao… Trên những dòng đó cũng có đóng con dấu vuông của cơ quan đã sao lục.
2. Phân tích văn bản sắc thần
Sắc thần ở Việt Nam còn tìm được phần lớn là các vua triều Nguyễn phong ban (họa hoằn lắm mới thấy có những sắc thần vào cuối triều Lê). Tính riêng trong năm Tự Đức ngũ niên (tức năm 1852), nhà vua đã ban cấp một loạt đến 13.069 sắc thần cho cả nước.
Khảo sát trên 150 sắc thần mà hiện chúng tôi đã sưu tầm và giữ được (phần lớn của các tỉnh miền Bắc), chúng ta thấy văn bản các bài sắc đều có một định thức tương đối thống nhất về hành văn, câu chữ và cách dùng từ. Nhìn chung, các sắc thần mang vóc dáng như tấm bằng danh dự mà nhà nước tặng cho những người có công, khác nhau chủ yếu ở tên các địa phương và tên thần, phần còn lại là những câu chữ viết tắt theo định thức của lối công văn thời xưa. Qua đó việc phân tích những câu chữ này sẽ giúp chúng ta ngày nay đọc hiểu và dịch đúng các sắc thần, trên cơ sở đó hiểu tường tận hơn tục thờ thần, cũng như quan điểm của các vua chúa phong kiến và của nhân dân đối với tục lệ thờ phượng truyền thống rất quan trọng này.
Để tiện việc phân tích, chúng tôi xin ghi ra nội dung một bản sắc thần tiêu biểu, tương đối ngắn gọn, do vua Thành Thái (1889-1907) ban cho xã Lỗ Hà, huyện Nam Xương, tỉnh Hà Nội trong niên hiệu Thành Thái nguyên niên (tức năm 1889):
Sắc Hà Nội tỉnh, Nam Xương huyện, Lỗ Hà xã phụng sự hoàng Trang Chính Tĩnh Đức Thành hoàng Trang Hiến chi thần hộ quốc tí dân nhẫm trứ linh ứng, hướng lai vị hữu dự phong. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh miễn niệm thần hưu, trứ phong vi Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng chi thần, chuẩn y cựu phụng sự. Thần kỳ tương hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai.
Thành thái nguyên niên, thập nhất nguyệt, thập bát nhật.
Bắc Kỳ kinh lược nha phụng lục.
Hà Nam tỉnh phụng sao.
Qua phân tích và tìm hiểu được ý nghĩa của từng từ và cụm từ trong văn bản, so sánh, đối chiếu hàng trăm văn bản khác nhau, chúng ta mới có thể đọc hiểu một cách chính xác những sắc thần còn nguyên vẹn, và có khả năng đoán đọc được cả một số chữ bị rách mất trên một số sắc thần khác đã quá cũ nát.
Do thiếu tư liệu nghiên cứu nên cũng dễ xảy ra những trường hợp chấm, phẩy không đúng loại văn bản vốn không dùng dấu ngắt câu như sắc thần, và do đó dẫn tới việc đọc sai, hiểu sai. Trái lại, một sự phân tích tỉ mỉ để hiểu đúng từng câu chữ trong các sắc thần còn giúp ta nắm vững thêm một số đặc điểm về hành văn và cách sử dụng từ ngữ các Hán văn Việt Nam.
__________
* Hiệu trưởng Đại học Hồng Bàng Thành phố Hồ Chí Minh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1973.
2. Sơn Nam, Đình miễu và lễ hội dân gian, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1992.
3. Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường – Hồ Tường, Đình Nam Bộ – Tín ngưỡng và nghi lễ, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1993.
4. Các văn bản sắc thần (bản gốc) do TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Hồng Bàng sưu tầm.
BAN TU THƯ
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
BÀI VIẾT ĐÃ ĐĂNG TRÊN: |
1. Tạp chí Xưa & Nay (Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn), trang 28-29, Năm 2003. 2. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Tại Thanh Hóa, ngày 18-19/10/2008, trang 549-551. |
Download file (PDF): Khảo sát văn bản sắc phong thuộc triều đại nhà Nguyễn Việt Nam (Tác giả: PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng) |