khía-cạnh xã-hội của văn-chương

Tác giả bài viết: NGUYỄN SỸ TẾ

     Văn chương là một hiện tượng kỳ diệu pha hòa sắc thái cá nhân với sắc thái xã hội. Đó là những công trình sáng tạo âm thầm/ nhất thời song lại có cơ hội để trường tồn hơn các tác tạo nào khác, kể cả những triết thuyết và những lý thuyết khoa học. Nó thuộc con người sáng tạo nghệ thuật (homo artifex) nhưng rồi vẫn động viên mọi sức mạnh của con người suy tư, tôn giáo, chính trị… và cả con người lao tác nữa. Nó là quyền và dụng của tất cả mọi người, nhưng rồi những thiên tài thì lại hết sức hiếm hoi. Nỏ là sản phẩm của trí tưởng tượng nhưng rồi vẫn là những thực tại sống động nhất.

     Bàn về văn chương, có đến muôn ngàn vấn đề phải cứu xét. Và khọa triết lý về văn chương vẫn còn là một cánh đồng mở ngỏ cho bất luận ai muốn khai phá. Ta hãy bắt chợt nắm lấy hôm nay, trong muôn một khía cạnh của văn chương, cái bộ dạng xã hội của nó.

*

     Trước hết, văn chương ghi nhận theo cung cách riêng của nó— cung cách nghệ thuật — cái sắc thái thời đại của người tạo ra nó. Không ai phủ nhận cái ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử và xã hội đối với các tác giả văn chương. Tiếc rằng có nhiều người đã nhận định thiếu sót hoặc sai lầm về tương quan giữa thời đại và tác giả. Đành rằng nhiều tác giả cùng sống một hoàn cảnh xã hội thì cùng chịu chung một ảnh hưởng xã hội, nhưng đến khi cái ảnh hưởng xã hội đó tác động các tác giả để tạo nên kết quả thì những kết quả này lại có thể khác nhau xa; điều đó còn tùy thuộc ở cá tính và sức chịu đựng và phản ứng chống đối xã hội của mỗi tác giả. Vả lại, ở mặt khác, ta còn phải công nhận cái chiều ảnh hưởng ngược lại từ tác giả đến thời đại. Một số tác giả có cá tính mạnh mẽ, có văn tài độc đáo, có tư tưởng tiến bộ vẫn có thể tạo nên một sắc thái nào đó cho thời đại họ sống ; điều này đã hơn một lần được chứng minh bởi các văn hào, thi bá trong lịch sử văn chương thế giới.

     Văn chương kết tinh những xúc động của thời đại. Ở chỗ này, nó là bước tiên khởi cho lịch sử, — mớ tài liệu đầy đủ và sống động nhất đề làm cho con đường từ cái nghĩ đến cái sống” bớt phần xa xôi. Dầu thi gia là một vì á-thánh mang thông điệp của hoàng thiên xuống cho cõi đời hay chỉ là người của đám đông ghi nhận một cách bén nhạy và phát biểu một cách trung thực những ghét yêu của quần chúng, người ấy vẫn là một chiến sĩ của nhân loại trong cái mệnh dài lâu và phức biệt của nó.

*

     Mọt nhà xã hội học Tây phương đã có một nhận định khá xác đáng về một khía cạnh xã hội của văn chương : Văn chương đúc kết phần chánh yếu của một nền văn minh, ít nhất cũng trong lúc mà nền văn minh đó còn chưa mang nặng sắc thái khoa học và kỹ thuật “. Đó là một điều đáng cho các dân tộc hãy còn thấy hay tự nhận là mình còn sống về giá trị tinh thần nhiều hơn suy ngẫm để mà rút rạ những bài học xác đáng trong công cuộc trau dồi văn học. Lịch sử cách mạng thế giới trong những thế kỷ gần đây đã cho thấy sức mạnh của văn chương và biện minh một cách hùng hồn cho những đòi hỏi được đóng góp vào cho cách mạng, — những đòi hỏi nhiều khi đã bị bài bác một cách thảm thương — của khá nhiều văn nhân thi sĩ, điền hình một Maiakovski của Nga sô viết. Do đó, ta phải thêm vào cái nhận xét trên kia của nhà xã hội học nọ : Văn chương không phải chỉ đúc kết mà còn tác tạo nên văn minh nữa.

*

     Văn chương là một hiện tượng ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ một chỉ là công cụ của văn chương hướng tới cứu cánh là cái đẹp. Nỏi khác đi, văn chương là ngôn ngữ có nghệ thuật. Có khi một cuốn tiểu thuyết dài lại không đáng giá bằng một vài câu thơ ngắn ngủi.

     Là một hiện tượng ngôn ngữ, ắt vãn chương dự phần đóng góp lớn lao cho thực thể xã hội đó. Ngôn-ngữ-học vẫn xác nhận “Quần chúng tạo ngôn ngữ” nhưng đó là ngôn-ngữ-nói; còn ngôn-ngữ-viết vẫn cốt yếu thuộc văn chương dầu văn chương có một phần đi từ ngôn ngữ nói đi chăng nữa.

     Vượt lên trên những sôi động hay thị hiếu nhất thời, bình tình ta sẽ thấy rằng văn chương phát triển, tinh lọc và bảo tồn ngôn ngữ của xã hội. Trên những tiêu chuẩn riêng, nó đánh giá những sáng tạo ngôn ngữ của quần chúng. Bất luận ở đâu, trật tự và hệ thống vẫn là điều kiện của tiến bộ. Lớp lớp, thế hệ con người qua đi, văn chương là ký ức của xã hội về ngôn ngữ.

     Nhắc lại một truyền thống và luôn thể cũng là một nhiệm vụ của học đường: bảo tồn sự thuần thúy của ngôn ngữ, buộc một “công dụng” phải chịu thử thách dài lâu và cam go trước khi có thể trở thành một “quy tắc”.

     Trong phần sơ đẳng và cụ thể của văn minh có phong tục và tập quán, văn chương quả có tác động rõ rệt ở nơi này. Tây phương thường nói “Âm nhạc làm dịu hiền phong tục”. Ta có thề nói điều tương tự gần xa với văn chương : Văn chương điều hòa phong hóa”. Sự điều hòa phong hóa này là ở chỗ ca ngợi cái hay cái đẹp trong phong tục tập quán, chế riễu cái xấu trong phong thái xã hội. Văn chương có vai trò nào đối với ngôn ngữ nói thì nó cũng có vai trò tương tự đối với nếp sống xã hội : Văn chương thử thách và tuyển lựa thị hiếu cho xã hội. Trong những trường hợp đặc biệt, nhiều nhà văn học Tây phương nói tới hai công tác ngược chiều của văn chương là “phàm-tục-hóa cái thiêng liêng” và “thần-thánh-hóa cái phàm tục”. Tựu chung, vẫn là vai trò điều hòa phong hóa của văn chương vậy.

     Thời đại của chúng ta—thời đại chính trị sôi động và lấn át—người ta còn gay gắt và nghiêm khắc đặt ra vấn đề « văn chương tranh đấu cho một ý thức hệ». Trên căn bản của nhận định « văn chương tác tạo văn minh, dự phần vào mệnh hệ lâu dài của nhân loại » trên kia, ta không chối bỏ nguyên tắc của một thứ « văn chương tranh đấu » mà chỉ nêu ra vấn đề cung cách, phạm vi, đường lối tranh đấu để văn-chương giữ được cái phạm vi và bản chất đặc thù của nó. Và ở một bình diện khác, nếu có người lo đường gần thì cũng chớ nên gạt bỏ những người nhìn đường xa. Và ở một bình diện khác nữa, văn chương bao gồm nhiều bộ môn trong đó văn chương thuần túy tranh đấu hay văn chương thông tin tuyên truyền mới chỉ là một.

*

     Trên tất cả những khía cạnh xã hội trên đây, văn chương, để thành công, vẫn đòi hỏi điều kiện tiên quyết thuộc cá nhân: ý thức, tự do, thực cảm song song với cái tài.

Nguồn: VĂN – HÓA NGUYỆT – SAN 
TẬP-SAN NGHIÊN-CỨU VÀ PHỔ-THÔNG, NĂM THỨ XVI, Số 1&2 (tháng 9&10, 1967)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Khía-cạnh xã-hội của văn-chương (Tác giả: Nguyễn Sỹ Tế)