KHOA TRƯƠNG trong CA DAO của NGƯỜI VIỆT (Phần 2)
NGUYỄN NGỌC KIÊN
(Thạc sĩ, Viện Đại học Mở Hà Nội)
3.3. Khoa trương phi thực tế
Là kiểu khoa trương về những điều không thể tồn tại hoặc trái ngược với thực tế khách quan. Có hai loại sau:
3.3.1. Khoa trương kiểu nói ngược
Là kiểu khoa trương mà hàng loạt các hiện tượng phi lí, ngược đời, không thể xảy ra trong thực tế và trái với quy luật tự nhiên lại xuất hiện trong ca dao; tiêu biểu là bài: “Bao giờ cho đến tháng ba”:
(22) Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười
Con gà nậm rượu nuốt người lao đao
Lươn nằm cho trúm bò vào
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô
Thóc giống cắn chuột trong bồ
Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu
Chim chích cắn cổ diều hâu
Gà con tha quạ biết đâu mà dò
Lúa mạ nhảy lên ăn bò
Cỏ lăn, cỏ lác rình mò bắt trâu
Gà con đuổi bắt diều hâu
Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông.
Ở đây, tác giả dân gian đã sử dụng cách nói ngược. Cách nói này thường biểu đạt những ý nghĩa sau:
– Tạo sự hài hước, bật lên tiếng cười nhằm mục đích gây cười, mua vui, giải trí.
– Chế giễu, mỉa mai những thói hư tật xấu, rởm đời, trái với lẽ thường trong đời sống xã hội.
– Thể hiện khát vọng về sự đổi thay táo bạo, phá vỡ những ràng buộc “thâm căn cố đế” vốn được xem là chính thống ngự trị, nhất là trong xã hội phong kiến hà khắc. Ví dụ:
(23) Cơm ăn mỗi bữa nồi năm
Ăn đói ăn khát mà cầm lấy hơi
Cơm ăn mỗi bữa nồi mười
Ăn đói ăn khát mà nuôi lấy chồng.
Khoa trương kiểu nói ngược còn được sử dụng như một cách phủ định, từ chối. Chẳng hạn, một cô gái tế nhị từ chối lời cầu hôn của chàng trai, hay chuyện hai người lấy nhau là không thể xảy ra:
(24) Bao giờ rau diếp làm đình
Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình.
(25) Khi nào trâu đực sinh con
Gà trống đẻ trứng, trăng tròn ba mươi
Khi nào tháng chạp ăn rươi
Tháng giêng gặt lúa em thời lấy anh.
3.3.2. Khoa trương huyễn tưởng
Là khoa trương do tác giả hoàn toàn tưởng tượng ra. Tiêu biểu cho lối khoa trương này là bài “Bắc thang lên hỏi ông trời”.
(26) Bắc thang lên hỏi ông trời
Tiền đem cho gái có đòi được không?
Trong dân gian, sau câu mở đầu có đến hàng ngàn dị bản của câu tám và cũng có chừng ấy cách trả lời hết sức dí dỏm của… “ông trời”. Nhiều khi, người ta còn đưa cả tiếng lóng, tiếng nước ngoài vào cho phong phú thêm. Và hình như ở đâu có người Việt, có chuyện hài hước, thì ở đó có người “bắc thang lên hỏi ông trời”, để hỏi những điều ngô nghê, vô lí. Hỏi trời, nhưng thực ra là hỏi chính mình, rồi lại tự trả lời và… cười, chẳng hạn như dị bản sau:
Bắc thang lên hỏi ông trời
Lấy vợ lấy chỉ một người thôi sao?
Ông trời nói nhỏ thì thào
Một vợ nhưng có nhiều đào, OK!
Rồi khi không thoả mãn trong hôn nhân hay những chuyện tương tự, người ta đi kiện cả Ngọc Hoàng, đi hỏi ông Nguyệt Lão là những nhân vật trong trí tưởng tượng của dân gian:
(27) Tay anh cầm ngòi viết ngọc
Đầu anh đội lá đơn vàng
Ba năm anh đòi chẳng được nàng
Rồi đây anh kiện đến ông Ngọc Hoàng cho coi.
(28) Bắc thang lên đến tận trời
Bắt ông Nguyệt lão đánh mười cẳng tay
Đánh thôi lại trói vào cây,
Hỏi ông Nguyệt lão: “Nào dây tơ hồng?”
Nào đây xe Bắc, xe Đông
Nào đây xe vợ, xe chồng người ta
Ông vụng xe tôi lấy phải vợ già
Tôi thì đốt cửa đốt nhà ông đi.
(Sự tích lễ tơ hồng)
4. Một số cách biểu đạt khoa trương trong ca dao
Cách biểu đạt khoa trương trong ca dao của người Việt rất phong phú. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số cách phổ biến sau:
4.1. Sử dụng số từ
4.1.1. Số từ trong khoa học và trong ngôn ngữ
Số từ là một bộ phận không thể tách rời trong vốn từ vựng của một ngôn ngữ. Dưới con mắt của nhà khoa học số từ cần phải chính xác. Ngược lại, trong giao tiếp số từ không phải lúc nào cũng chính xác mà nhiều khi nó mang tính mơ hồ. Chính tính mơ hồ của số từ đã mang lại hiệu quả rất lớn trong sử dụng ngôn ngữ.
4.1.2. Tính mơ hồ của số từ
Trước hết cần khẳng định, tính mơ hồ là một thuộc tính cơ bản của cả một hệ thống phức tạp trong ngôn ngữ. Như vậy, đương nhiên số từ là một bộ phận không thể tách rời trong vốn từ vựng của mỗi ngôn ngữ nên nó cũng có tính mơ hồ. Tính mơ hồ của ngôn ngữ chủ yếu là tính không xác định của nó. Các sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan là rất phong phú, đa dạng, đa sắc màu. Mâu thuẫn giữa sự vô hạn của không gian tư duy, năng lực tư duy và sự hữu hạn của vốn từ vựng trong ngôn ngữ để biểu đạt tư duy tất nhiên sẽ được phản ánh trong ngôn ngữ. Vì vậy, trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, sự mơ hồ và sự chính xác là một cặp mâu thuẫn vừa mang tính đối lập vừa mang tính thống nhất.
Hơn nữa, tính mơ hồ của con số là do tính mơ hồ về tư duy của nhân loại quyết định. Hoạt động tư duy của nhân loại ngoài những hoạt động chính xác, rõ ràng còn tồn tại khái niệm mơ hồ, phán đoán mơ hồ, suy lí mơ hồ, được phản ánh trong hoạt động ngôn ngữ và sẽ làm nảy sinh cách biểu đạt mang tính mơ hồ. Cho nên, tính mơ hồ của các con số tồn tại như một lẽ tất yếu.
Ngoài ra, tính mơ hồ của ngôn ngữ còn quyết định tính khái quát cao độ của ngôn ngữ; điều đó lại quyết định, trong một ngữ cảnh nhất định số từ có tính mơ hồ. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sử dụng những con số tuyệt đối chính xác để miêu tả hoặc biểu đạt mỗi một sự vật hoặc hiện tượng; trong nhiều trường hợp chỉ có thể sử dụng số lượng từ có tính mơ hồ nhất định, nói một cách khái quát. Chẳng hạn:
(28) Trăm năm, trăm tuổi, trăm chồng
Hễ ai có bạc thì bồng trên tay.
Con số “trăm” ở đây biểu thị ý nghĩa mức độ “rất cao, “cực kì cao”, nói khái quát một cô gái lẳng lơ, hám của thay chồng như thay áo.
Cũng cần khẳng định rằng, tính mơ hồ của các con số có mối quan hệ không thể tách rời với văn hoá của mỗi dân tộc. Các dân tộc khác nhau ưa chuộng sử dụng những con số khác nhau. Chẳng hạn, người Hi Lạp thích dùng số “60” và bội số của “60”. Trong văn hoá Hi Lạp, con số “360” được sử dụng với ý nghĩa “nhiều”; ở đây, “360” đã mất đi ý nghĩa gốc của số từ, mà chỉ còn mang nội hàm văn hoá nhất định. Chẳng hạn: The number of students in the hall is only 360 (lots) (Số sinh viên trong hội trường này rất nhiều [360]).
Trong khi đó, người phương Đông lại thích dùng con số “10” và những số “gấp mười” 10, 100, 1.000, v.v. Tuy nhiên, điều này cũng không thật tuyệt đối, mà còn phụ thuộc vào thói quen của người sử dụng ngôn ngữ trong từng trường hợp cụ thể; nhất là trong ca dao một thể loại văn vần đòi hỏi sự nghiêm ngặt về số âm tiết và vần điệu. Ví dụ:
(30) Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội cửu thập đèo cũng qua.
(31) Gái này là gái kén chồng
Kén từ tỉnh Bắc tỉnh Đông tỉnh Đoài
Kén từ mười tám ông cai
Mười lăm ông đội, trăm hai ông đồn.
4.1.3. Mơ hồ về ngữ dụng của các số từ
Ý nghĩa nguyên thuỷ của các con số là biểu thị hàm ý chính xác; nhưng trong một ngữ cảnh nhất định, ý nghĩa của số từ phải suy ra và hiểu theo nghĩa rộng vì nó không biểu thị số thực, chính xác mà biểu thị số hư, mơ hồ. Nói chung, sự mơ hồ ngữ dụng của các con số có nhiều nguyên nhân mà một trong số đó là bởi sự mơ hồ do khoa trương mà ra.
Trong trường hợp này, tính mơ hồ của số từ chủ yếu là do biểu đạt khoa trương với ý nghĩa: số lượng rất nhiều, trình độ rất cao, phạm vi rất rộng, thời gian rất dài, cự li rất xa, v.v. Đặc biệt là trong văn học, các tác giả thường sử dụng các số từ “trăm”, “nghìn”, “vạn” với nghĩa “nhiều” làm cho tác phẩm thêm phần hấp dẫn, kích thích trí tưởng tượng của độc giả. Ví dụ:
(32) Trăm năm ghi tạc chữ đồng
Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai.
(33) Khó khăn thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng chín nghìn anh em.
(34) Cưới em tám vạn trâu bò
Mười vạn dê lợn, chín vò rượu tăm.
Theo tinh thần của F. Saussure, người bản ngữ bao giờ cũng đúng. Dùng con số khoa trương có nhiều trường hợp phi logic, “hẹn chín lần mà quên mười lần” thì quả là quá vô lí, nhưng vẫn được người Việt chấp nhận. Chẳng hạn:
(35) Người sao một hẹn thì nên
Người sao chín hẹn thì quên cả mười.
Nói chung, những số lớn thường biểu đạt khoa trương phóng to, số nhỏ biểu đạt khoa trương thu nhỏ. Ví dụ:
(36) Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.
(37) Cưới em trăm tấm lụa đào
Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời.
(38) Đàn ông một trăm lá gan
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.
(39) Yêu nhau vạn sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.
4.2. Sử dụng động từ
Ví dụ:
(40) Em mà không lấy được anh
Thì em tự vẫn gốc chanh nhà chàng.
(41) Rửa bát ngủ gật cầu ao
Ngủ trưa chồng gọi kêu tao nhức đầu.
Qua các ví dụ trên, các tác giả đã sử dụng “tự tử” và “ngủ gật” là những nội động từ để biểu thị khoa trương. Tuy nhiên, những động từ này đơn thuần không có nghĩa khoa trương, mà chúng chỉ có nghĩa khoa trương khi được đặt trong ngữ cảnh; yếu tố hài hước chính là ở chi tiết: “tự vẫn ở gốc chanh” và “ngủ gật ở cầu ao”. Hay lãng mạn hơn, bay bổng hơn là một chiếc cầu được làm bằng một ngọn mồng tơi, một cành hồng:
(42) Gần nhà mà chẳng sang chơi
Để anh bắc ngọn mùng tơi làm cầu.
(43) Đôi ta cách một con sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
Trong những trường hợp này, “ngả” và “bắc” là những ngoại động từ chỉ có ý nghĩa khoa trương khi có bổ ngữ đi kèm.
4.3. Sử dụng thành ngữ khoa trương
Thành ngữ là cụm từ cố định có tính nguyên khối về ngữ nghĩa, tạo thành một chỉnh thể định danh có ý nghĩa chung khác tổng số ý nghĩa của các thành tố cấu thành nó, tức là không có nghĩa đen và hoạt động như một từ riêng biệt ở trong câu. Ca dao tiếng Việt có rất nhiều câu, nhiều bài có chứa các thành ngữ. Ví dụ:
(44) Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là dao cau.
(45) Người đẹp như tiên
Tắm nước Đồng Tiền cũng xấu như ma.
(46) Dù cho sông cạn đá mòn
Bắc Nam ta vẫn là con một nhà.
(47) Trăm năm ai chớ bỏ ai
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim.
Trong các ví dụ trên, “trắng như ngà”, “mắt sắc như dao cau”, “đẹp như tiên”, “xấu như ma”, “sông cạn đá mòn”, “mài sắt nên kim” là những thành ngữ khoa trương. Nghĩa của thành ngữ rất hàm súc và biểu cảm. Vì vậy những câu ca dao có chứa thành ngữ khoa trương càng trở nên sinh động và biểu cảm, có giá trị thẩm mĩ cao.
4.4. Sử dụng so sánh tu từ
Theo các tác giả Đinh Trọng Lạc, Cù Đình Tú thì: “So sánh tu từ là sự đối chiếu về hai sự vật (về tính chất, trạng thái sự việc) A và B cùng có một dấu hiệu chung nào đó giống nhau. A là sự vật chưa biết, nhờ qua B mà người đọc biết A hoặc hiểu thêm về A. So sánh tu từ còn gọi là so sánh hình ảnh, đó là một sự so sánh không đồng loại, không cùng một phạm trù chung, miễn là một nét tương đồng nào đó về mặt nhận thức hay tâm lí”. (Dẫn theo [5, tr. 84])
Tác giả Hoàng Kim Ngọc [5, tr. 84] lại cho rằng, cả hai quan niệm trên về cơ bản là đúng nhưng chưa đủ vì chưa chỉ ra được cơ sở của sự so sánh và những hệ quả của sự so sánh ấy.
Chúng tôi đồng ý với ý kiến của Hoàng Kim Ngọc.
Trong loại này có hai tiểu loại: so sánh ngang bằng và không ngang bằng.
4.4.1. So sánh ngang bằng
Biểu thức: X như Y
– X có thể là một (ngữ) danh từ, Y là (ngữ) danh từ. Ví dụ:
(48) Thân em như một đoá hồng
Lấy phải thằng chồng như cứt bò khô.
(49) Ông Trăng mà bảo ông Trời:
Những người hạ giới là người như tiên.
– X có thể là một cụm chủ vị, Y là một (ngữ) danh từ
Ví dụ:
(50) Những người béo trục béo tròn
Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày.
(51) Đêm qua mới gọi là đêm
Ruột xót như muối, dạ mềm như dưa.
– X và Y đều là một cụm chủ vị. Ví dụ:
(52) Bây giờ anh lấy người ta
Như dao cắt ruột em ra làm mười.
(53) Nói thì cảu nhạu càu nhàu
Dậy em như nước đổ đầu lá khoai
Biểu thức: X như Y có các biến thể: X bằng/ tựa/ tầy/ như thể/ sánh/… Y. Ví dụ:
(54) Miệng cười như thể hoa ngâu,
Cái khăn đội đầu, như thể hoa sen!
(55) Hai cổ tay cô bằng hai cái bắp cầy,
Thân hình nhỏ nhắn coi tầy voi nan,
Nước da cô trắng tựa hòn than,
(56) Nách hôi sánh tổ chuột chù,
Mắt thì gián nhấm lại gù lưng tôm.
(57) Nước da cô trắng tựa hòn than,
Nằm đâu ngủ đấy lại toan chê chồng.
4.4.2. So sánh không ngang bằng
Biểu thức: X hơn Y.
(58) Vì tình anh phải đi đêm
Vấp năm bảy cái, đất êm hơn giường.
4.5. Sử dụng ẩn dụ
Theo tác giả Hữu Đạt [3, tr. 302] thì “Ẩn dụ là kiểu so sánh không nói thẳng ra. Người tiếp nhận văn bản khi tiếp cận với phép ẩn dụ phải dùng năng lực liên tưởng để quy chiếu giữa các yếu tố hiện diện trên văn bản với các sự vật hiện tượng tồn tại ngoài văn bản. Như vậy, thực chất của phép ẩn dụ chính là việc dùng tên gọi này để biểu hiện sự vật khác dựa trên cơ chế tư duy và ngôn ngữ dân tộc.”
Theo chúng tôi, ẩn dụ là so sánh mà không có từ so sánh. Ví dụ bài “Cô gái Sơn Tây”:
(59) Con gái Sơn Tây yếm thủng tầy dần
Răng đen hạt nhót, chân đi cù nèo
Tóc rễ tre cô chải lược bồ cào
Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung.
(60) Nách hôi sánh tổ chuột chù,
Mắt thì gián nhấm lại gù lưng tôm.
Trong hai ví dụ trên, ta phải hiểu răng đen như hạt nhót, tóc như rễ tre, lược như bồ cào, xù xì như da cóc, mắt như gián nhấm, gù như lưng tôm.
Có thể coi tóc rễ tre, da cóc, lưng tôm là những ngữ cố định định danh.
4.6. Sử dụng thủ pháp nhân cách hoá, vật cách hoá
4.6.1. Nhân cách hoá là một biện pháp tu từ làm cho vật bao gồm vật thể, động vật, tư tưởng hoặc khái niệm trừu tượng có diện mạo, cá tính, tính cách, hoặc tình cảm.
Nhân cách hoá là một biến thể của ẩn dụ, trong đó người ta lấy những từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của con người để biểu thị thuộc tính, dấu hiệu không phải con người, nhằm làm cho đối tượng được miêu tả trở nên gần gũi dễ hiểu hơn, đồng thời làm cho người nói có khả năng bày tỏ kín đáo tâm tư thái độ của mình. Ví dụ:
(61) Vì sương nên núi bạc đầu
Biển lay bởi gió hoa sầu vì mưa.
(62) Ông Trời mới bảo ông Trăng:
Những người hạ giới mặt nhăn như tườu…
4.6.2. Vật cách hoá là một biến thể của ẩn dụ, trong đó người ta dùng hình thức di chuyển thuộc tính, dấu hiệu ngược lại với nhân hoá, tức là những thuộc tính, dấu hiệu của con người, nhằm mục đích châm biếm đùa vui và nhiều khi qua đó để thể hiện tình cảm, thái độ sâu kín của mình.
Trong ca dao người Việt hay sử dụng biện pháp vật cách hoá nhằm làm tăng thêm tính hài hước. Chẳng hạn, một cô gái đã coi người tình của mình như một đồ vật như trong bài ca dao sau:
(63) Người tình ta để trên cơi
Nắp vàng đậy lại để nơi giường thờ
Đêm qua ba bốn lần mơ
Chiêm bao thì thấy dậy sờ thì không.
Hoặc trong bài ca dao mỉa mai một cô gái chính chuyên có thể vo viên các ông chồng, còn chồng thì bò lổm ngổm như những con cua:
(64) Gái chính chuyên lấy được chín chồng
Vo viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi
Chẳng may quang đứt lọ rơi
Bò ra lổm ngổm chín nơi chín chồng.
4.7. Biểu đạt khoa trương thời gian trong ca dao
Cách biểu đạt khoa trương thời gian trong tiếng Việt rất đa dạng. Tuy nhiên khoa trương trong ca dao thường chỉ hạn chế ở mấy dạng sau:
4.7.1. Biểu thức: “chưa X (thì) đã Y”, biểu đạt ý nghĩa “chưa thế này thì đã thế kia”. Theo trật tự logic, động tác thứ nhất xảy ra trước thì mới đến động tác thứ hai, nhưng khi khoa trương thì ngược lại. Chẳng hạn:
(65) Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm.
Rượu hồng đào chưa nhắm đã say.
(66) Dây tơ hồng không trồng mà mọc
Gái Đồng Nai chưa chọc đã theo.
(67) Cái cò là cái cò kì
Ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô
Đêm nằm thì ngáy o o
Chưa đi đến chợ đã lo ăn quà.
4.7.2. Trong tiếng Việt, cụm danh từ “cả ngày” làm trạng ngữ thời gian trong câu biểu thị động tác xảy ra thường xuyên, liên tục hoặc kéo dài. Vì vậy, chúng tôi cũng xếp trường hợp này vào khoa trương thời gian, chẳng hạn:
(68) Những người béo trục béo tròn
Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày.
(69) Giã gạo vú chấm đầu chầy
Xay thóc cả ngày được một đấu ba.
5. Kết luận
Cùng với thành ngữ, tục ngữ, ca dao là một bộ phận rất lớn trong Văn học dân gian Việt Nam. Ca dao phản ánh mọi khía cạnh đời sống sinh hoạt cũng như tâm tư tình cảm của dân tộc Việt Nam. Lời ăn tiếng nói phản ánh trong ca dao hết sức sinh động và phong phú như tâm hồn của người Việt. Trên đây là mấy nét chấm phá về thủ pháp khoa trương – một lối nói rất đặc sắc trong tiếng Việt và trong ca dao của người Việt.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Chu Xuân Diên – Đinh Gia Khánh, Văn học dân gian, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1972.
2. Hữu Đạt, Phong cách học tiếng Việt hiện đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.
3. Đinh Trọng Lạc, 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005.
4. Đinh Trọng Lạc – Nguyễn Thái Hoà, Phong cách học tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006.
5. Hoàng Kim Ngọc, So sánh & ẩn dụ trong ca dao trữ tình, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009.
6. Đào Thản, Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, 1990.
7. Cù Đình Tú, Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007.
8. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1997.
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
9. Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội, 2003.
10. Đào Thản, Ca dao hài hước, NXB Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2005.