Không gian công và tôn giáo (Phần 1)
PUBLIC SPHERE AND RELIGION
Tác giả bài viết: Tiến sĩ NGUYỄN XUÂN NGHĨA
(Trường Đại học Mở, Thành phố Hồ Chí Minh)
TÓM TẮT
Bài viết trình bày lịch sử hình thành khái niệm không gian công (public sphere), một khái niệm quan trọng của khoa học xã hội Phương Tây, đặc biệt của nhà triết học và xã hội học người Đức Jürgen Habermas, để phân tích sự biến đổi vai trò tôn giáo trong những thập niên gần đây, nhất là hiện thực tôn giáo trong không gian công ở Pháp và Mỹ, từ đó đưa ra một số nhận xét cũng như viễn tượng lý thuyết xuất phát từ khái niệm không gian công.
Từ khóa: Biến đổi, không gian công, tôn giáo, vai trò.
ABSTRACT
The article uses the concept of the public sphere, an important concept of Western social sciences, particularly of German philosopher and sociologist, Jürgen Habermas, to analyze the transformation of the role of religion in recent decades. Firstly, the article presents the history of the concept and role of religion in the public sphere. The next important part highlights some features of religion in the public sphere in France and United States. In the conclusion, the article gives some remarks and theoretical perspectives suggested by this concept.
Key words: Jürgen Habermas, public sphere, religion, France, United States.
x
x x
1. Dẫn nhập
Ở các nước Phương Tây, khác với quan điểm của giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, khi mà giới chính trị muốn hạn chế tôn giáo trong lĩnh vực riêng tư của cá nhân, trong những thập niên gần đây, vai trò của tôn giáo trong xã hội được khẳng định nhiều hơn, mà một biểu hiện của vấn đề là vị thế của tôn giáo trong không gian công (public sphere). Đây là một chủ đề nghiên cứu rất rộng, do đó bài viết này trình bày giới hạn ở mấy vấn đề: khái niệm không gian công theo quan điểm của J. Habermas; tôn giáo trong không gian công và những tranh luận; hiện thực tôn giáo trong lĩnh vực công tại một số quốc gia.
2. Khái niệm không gian công của J. Habermas
Trong lĩnh vực khoa học xã hội, nói đến khái niệm không gian công, không thể không kể đến J. Habermas, nhà triết học và xã hội học số một của Đức hiện nay. Thật ra, khái niệm không gian công của J. Habermas chịu ảnh hưởng quan điểm của E. Kant. Trong tiểu luận Trả lời cho câu hỏi khai minh là gì?, E. Kant đã đề cập đến việc con người “sử dụng công cộng lý tính của mình” (de faire un public usage de sa raison)1. Theo E. Kant, với nguồn lực của mình, con người khó đi đến khai minh, mà cần có một tính công cộng: sự trao đổi tự do các tri thức khoa học, các lý thuyết chính trị và triết học cho phép dẫn đến một sự tiến bộ về mặt đạo đức của con người. Như vậy, E. Kant đã nối kết khai minh (Aufklärung) và tính công cộng (Öffentlichkeit, publicité). Từ đó, J. Habermas cũng xác tín việc chia sẻ tri thức, trao đổi các lập luận, thoát khỏi mọi ràng buộc, đều có thể làm phong phú các quan điểm, mở rộng các chân trời tư tưởng. Như vậy, không gian công có chiều kích kép: là nơi xác định căn tính cá nhân và nơi phát triển tri thức.
Không gian công là một chủ đề quan trọng trong tư tưởng của J. Habermas. Ông đề cập đến vấn đề này từ luận án (được giảng dạy chính thức ở bậc đại học) Không gian công: Khảo cổ học về tính công cộng như một chiều kích cấu thành xã hội tư sản (1962)2 cho đến những bài viết gần đây về không gian công Châu Âu. Trong luận án nêu trên, ông đề cập đến khía cạnh sử học, xã hội học và triết học của khái niệm này. J. Habermas phân biệt không gian công về văn chương và chính trị. Vào thế kỷ XVIII, ở Châu Âu đã xuất hiện những câu lạc bộ văn chương, mà trước hết là ở Anh. Ở đó, người ta trao đổi, bàn luận về các tác phẩm văn chương, mà loại hình thông dụng là tiểu thuyết. Ở dạng sơ khai, tiểu thuyết là tập hợp các thư từ, ghi chép của cá nhân. Các tiểu thuyết như vậy là cầu nối giữa lĩnh vực riêng tư và lĩnh vực công. Tiếp đến, người ta tranh luận tác phẩm nào nên đọc, tinh thần tranh luận này được phát triển và triển khai thành bài viết đăng trên các kỳ báo về các vấn đề khoa học, xã hội, dần dần hình thành một không gian trong giới tư sản phê phán quyền lực chính trị, đặc biệt thông qua báo chí. Tiếp theo, vào các thế kỷ XIX và XX, cái không gian công đó không chỉ bàn đến những lợi ích công cộng, mà còn bị chiếm hữu và đề cập đến những lợi ích riêng tư. Trong không gian ấy chằng chéo hai quá trình đối nghịch: một quá trình truyền thông sản sinh ra quyền lực hợp pháp và một quá trình chi phối gian xảo đối với quần chúng bởi những quyền lực bất hợp pháp.
Trong luận án của mình, J. Habermas đưa ra một bức tranh bi quan mà ông gọi là “thực dân hóa thế giới sống (colonisation du monde vécu) bởi những quyền lợi riêng tư”, nơi của những chi phối gian xảo, tính công khai giả tạo (pseudo-publicité), nơi cổ vũ cho sự tiêu thụ thay vì tranh luận về lợi ích chung. J. Habermas phê bình gay gắt các phương tiện truyền thông đại chúng, bởi lẽ từ đây chúng đảm nhận vai trò quảng cáo. Trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, thậm chí ngay trong lĩnh vực thể chế, tính công cộng của các tranh luận nghị viện trở thành hoan hô nhất trí hay mị dân; các cuộc bầu cử thay vì những tranh luận lý lẽ, trở thành những trò gian xảo, trình diễn. Vào những năm 1990, trong một số bài viết, J. Habermas bớt bi quan hơn, nhưng ông vẫn giữ quan điểm về sự căng thẳng giữa tính công cộng mang tính trình diễn, gian xảo và tính công cộng phê phán, kế thừa truyền thống của không gian công tư sản.
Không gian công là nơi diễn ra các tranh luận chính thức và phi chính thức (quốc hội, hội đồng, tòa án, phương tiện truyền thông đại chúng, hội đoàn…). Không gian công là một trong những điều kiện cho nền dân chủ vì là nơi các tranh luận hình thành các quan điểm thể hiện ước vọng của công dân. Nó cũng cho phép phê bình quyền lực và các định chế đang tồn tại cũng như cho phép thể hiện những ước muốn, những nhu cầu mới được phản ánh từ ngoại vi đi vào trung tâm. Trong tác phẩm Quyền và nền dân chủ, J. Habermas cho thấy con đường đi của một chủ đề xã hội, cũng chỉ là một trong các con đường đi, có thể xuất phát từ ngoại vi của xã hội, rồi được đề cập trên các tạp chí, câu lạc bộ, hội đoàn, tiếp nữa là được tranh luận trên các loại diễn đàn khác nhau; có thể hình thành các phong trào xã hội, tồn tại trong các nhóm văn hóa (subculture). Nếu chủ đề này, thông qua các phong trào xã hội, tạo được âm hưởng nhất định sẽ được quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng và đi vào chương trình nghị sự, được hệ thống chính trị xử lý chính thức3.
Tóm lại, theo J. Habermas, không gian công là những định chế xã hội mà ở đó cho phép các tranh luận cởi mở và duy lý giữa các công dân để hình thành công luận (public opinion).
Quan điểm của J. Habermas về không gian công gặp nhiều phê phán. Nancy Fraser cho rằng, không gian công tư sản mang tính thống trị và loại trừ, vì nó kỳ thị phụ nữ và không đề cập đến các giai cấp xã hội bên dưới. Do vậy, không phải mọi người đều có thể thâm nhập không gian này. N. Fraser cũng phê bình sự phân biệt riêng và công. Khái niệm “vấn đề được mọi người quan tâm” (common concern) không rõ ràng, chẳng hạn như vấn đề bạo lực gia đình trước đây được coi là riêng tư, đến nay trở thành một tranh luận công cộng. Oskar Negt và Alexander Kluge đòi hỏi J. Habermas phải bổ sung thêm các khái niệm không gian công vô sản, không gian công về sản xuất…4
Sau này, J. Habermas cũng thừa nhận ít nhiều đã lý tưởng hóa không gian công tư sản và đánh giá thấp tính đa dạng của các loại hình không gian công khác.
Chủ đề không gian công được đề cập trong nhiều bài viết của J. Habermas. Đây là một chủ đề quan trọng vì nó liên quan đến các câu hỏi về lợi ích chung, vốn đụng chạm đến bất cứ xã hội nào, bất cứ nhóm nào trong xã hội. Nó không chỉ giới hạn trong phạm vi nhà nước – dân tộc (nation – state), mà còn có thể ở quy mô quốc gia, quy mô vùng, châu lục hay thế giới. Bởi lẽ, không gian công tạo ra một cộng đồng tinh thần cho bất cứ cộng đồng pháp lý nào. Trong tranh cãi liệu có căn tính (identity) Châu Âu để làm cơ sở cho cộng đồng Châu Âu, J. Habermas chủ trương, chính công dân Châu Âu phải tự tạo ra căn tính đó, và ông cũng như nhiều trí thức khác khai sinh ra khái niệm không gian công Châu Âu. Như vậy, J. Habermas có một lối tiếp cận thiết kế luận (constructivist) và tự nguyện về căn tính.
Trong những bài viết sau, J. Habermas tỏ ra tin tưởng các phong trào nổi lên trong xã hội dân sự. Trong một xã hội đã làm quen với tự do sẽ hình thành một quyền lực phi chính thức từ thế giới sống, nó trở thành quyền lực truyền thông có thể ảnh hưởng đến quyền lực chính trị và hành chính. Trên bình diện liên quốc gia, J. Habermas tin tưởng vào các tổ chức phi chính phủ mà ông xem như là những thành tố tích cực của xã hội dân sự ở cấp độ toàn cầu. Sự tin tưởng như vậy xuất phát từ việc các tác nhân của xã hội dân sự có thể có vai trò tích cực. Trong các thập niên 80 – 90 của thế kỷ XX, không phải hệ thống chính trị mà chính các chủ thể của xã hội dân sự như các trí thức, các chuyên viên, các hội đoàn đã nêu lên những chủ đề quan trọng cần tranh luận như: vấn đề hạt nhân, nghiên cứu sinh học, vấn đề sinh thái, vấn đề nghèo đói ở thế giới đang phát triển, những vấn đề dân tộc và văn hóa, các đòi hỏi về giới tính, v.v…
Tóm lại, không gian công là nơi người ta nêu thành vấn đề những vấn nạn về lợi ích chung, cũng là nơi người ta đem lại những đóng góp cho các cuộc tranh luận công cộng.
3. Tôn giáo trong không gian công và những tranh luận
Trong những thập niên vừa qua, vai trò của tôn giáo trong không gian công nhận được sự quan tâm ngày càng gia tăng của giới học thuật cũng như của xã hội nói chung. Vì đây là chủ đề rất phức tạp và bao gồm nhiều vấn đề, nên ở mục này, bài viết chỉ đề cập đến vai trò của tôn giáo trong các tranh luận chính trị giữa công dân của các xã hội có nền dân chủ tranh luận (deliberative democracy).
Một giả định căn bản của nền dân chủ tranh luận là các chính sách có tính bắt buộc có thể có tính chính đáng (legitimacy) chỉ khi chúng được sự tán thành của các công dân qua một quá trình tranh luận công khai, không bị giới hạn và bao gồm mọi thành phần xã hội, ở đó mọi công dân đều có được những biện minh dựa trên những lý lẽ mà mỗi người có thể chấp nhận một cách hợp lý đối với các chính sách bắt buộc mà họ phải tuân thủ. Trong tiểu luận Tôn giáo trong không gian công5, J. Habermas chấp nhận những lý lẽ cá nhân đưa ra có thể dựa trên những lập trường nhận thức luận khác nhau. Đây là khó khăn cho nền dân chủ dựa trên thảo luận.
Trong tranh luận về vai trò của tôn giáo trong không gian công có một quan điểm tự do mà đại diện là John Rawls. Theo đó, những công dân tham gia vào tranh luận chính trị phải tự giới hạn mình vào việc sử dụng các lý lẽ có thể được chấp nhận một cách công khai bằng cách ủng hộ những chính sách mà họ biện hộ hay bỏ phiếu tán thành thay vì đưa ra những lý lẽ đặt cơ sở trên những học thuyết tôn giáo hay những học thuyết toàn diện (comprehensive doctrine). Như vậy, theo điều kiện nổi tiếng này của J. Rawls, các lý do tôn giáo có thể có trong các tranh luận công cộng về những vấn đề chính trị cơ bản, với điều kiện các lý do chính trị thích hợp phải được đưa ra để ủng hộ bất kỳ chính sách nào mà các lý lẽ tôn giáo muốn ủng hộ.
Quan điểm của J. Rawls cởi mở hơn so với quan điểm của một số tác giả, như Audi chẳng hạn, là trong tranh luận chính trị chỉ chấp nhận các lý lẽ thế tục. Tuy nhiên, quan điểm của J. Rawls đặt ra một gánh nặng đối với công dân có tôn giáo (religious citizen), để phân biệt với công dân thế tục (secular citizen)). Bởi J. Rawls đòi hỏi các công dân có tôn giáo phải trình bày lý lẽ của mình bằng lý lẽ không có tính tôn giáo. Về vấn đề này, trong tiểu luận nói trên, J. Habermas cho thấy, ông tán đồng sự cần thiết phải tuân theo đặc trưng của tính chính đáng về nền dân chủ và sự cần thiết hòa nhập chính trị của các công dân có tôn giáo vào nền dân chủ.
Ông phân biệt không gian công chính thức (formal public sphere) và không gian công phi chính thức (informal public sphere). Không gian công chính thức bao gồm ở cấp độ định chế như quốc hội, tòa án, các bộ ngành, cơ quan hành chính, còn gọi là lĩnh vực của quyết định chính trị (sphere of political decision). Ở lĩnh vực này, ông chấp nhận quan điểm của J. Rawls. Không gian công phi chính thức, còn gọi là lĩnh vực hình thành công luận (sphere of opinion formation) bao gồm các hội đoàn, các diễn đàn, các phương tiện truyền thông đại chúng… Theo J. Habermas: “Sự mong đợi mọi công dân có tôn giáo khi bỏ phiếu phải để chính họ, kỳ cùng, bị hướng dẫn bởi những đắn đo mang tính thế tục là không biết đến những thực tại của đời sống tôn giáo, một đời sống bị chi phối bởi niềm tin”6. Qua câu nói này, ông muốn phê bình quan điểm của J. Rawls. Do đó, ông đề nghị, trong không gian công phi chính thức, các tranh luận chính trị nên loại bỏ đòi hỏi cung cấp các lý lẽ không tôn giáo để chứng minh. Những công dân có tôn giáo khi tham gia các tranh luận chính trị, vì không có khả năng diễn tả bằng các lý lẽ không tôn giáo, có thể chỉ đưa ra lý do thuần túy tôn giáo để biện hộ những chính sách mà họ ủng hộ với hy vọng rằng, các chuyên gia của bộ máy chính trị và hành chính sẽ chuyển thành các lý lẽ không tôn giáo. Sự phiên sang các lý lẽ không tôn giáo không còn chỉ đặt trên vai các công dân có tôn giáo.
Xã hội dân chủ dựa trên những tiền đề biện minh mang tính thế tục và trung lập với các niềm tin tôn giáo, do đó các lý lẽ tôn giáo không thể đi vào không gian công mang tính chính trị (không gian công chính thức) với hình thức ban đầu của chúng. Với lối tiếp cận thảo luận (deliberative approach) của mình và lối hiểu tích cực về tính khoan dung (khoan dung không chỉ là thỏa hiệp), chấp nhận, trân trọng nhau, mà còn phải học hỏi lẫn nhau. J. Habermas quan niệm, nội dung tôn giáo cần được diễn giải bằng ngôn ngữ thế tục. Việc diễn giải này có thể giúp những công dân thế tục hiểu được những khái niệm tôn giáo. Ví dụ, khái niệm “con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa” theo ngôn ngữ thế tục là “mọi người đều có phẩm giá như nhau, do đó xứng đáng được kính trọng vô điều kiện”7. Cũng như trước đây, E. Kant đã diễn giải tội tổ tông là “cái ác có gốc rễ trong bản tính tự nhiên của con người”8.
Dĩ nhiên, các tranh luận đều có giới hạn, bởi lẽ có những nội dung của niềm tin tôn giáo không phải là đối tượng của tranh luận duy lý. J. Habermas thừa nhận lý tính thế tục không thể và cũng không được tuyên bố về những chân lý của niềm tin tôn giáo: “Khi những công dân thế tục đảm trách vai trò chính trị, họ không có quyền phủ nhận các hình tượng tôn giáo về thế giới không mang trong mình khả tính về chân lý, cũng không được phản kháng những người đồng công dân của họ quyền mang lại những đóng góp bằng ngôn ngữ tôn giáo vào các cuộc tranh luận”9.
Nghĩa vụ diễn giải phải được tất cả công dân chia sẻ. Điều này đòi hỏi một quá trình học hỏi lẫn nhau. Một mặt, công dân có tôn giáo phải có thái độ phản tư, thay đổi nhận thức về tính hiện đại, có nghĩa là chấp nhận các tôn giáo khác cũng có thể đi đến chân lý, chấp nhận thẩm quyền của tri thức khoa học và sự ưu tiên của lý lẽ phi tôn giáo trong lĩnh vực chính trị. Mặt khác, công dân thế tục cũng phải có thái độ phản tư về thời đại hậu thế tục (post – secular) mà họ đang sống, có nghĩa là vượt lên cái nhìn duy tục (secularism) về tính hiện đại chủ trương rằng, tôn giáo không có chức năng nhận thức. Quan điểm duy tục này đưa ra hạn chế về các loại lý lẽ được sử dụng khi tranh luận chính trị trong không gian công10.
Sở dĩ J. Habermas đề cập đến vai trò của tôn giáo trong không gian công trong xã hội hiện đại là vì có sự thay đổi tư tưởng. Từ thời sinh viên, khi viết xong luận án tiến sĩ cho đến những năm 1980, do chịu ảnh hưởng lý thuyết mác xít, ông vẫn còn đeo đuổi tư tưởng cho rằng tôn giáo sẽ tàn lụi. Tiếp đến, trong giai đoạn 1985 – 2000, ông thiên về quan điểm cho rằng, tôn giáo là vấn đề riêng tư cá nhân. Từ cuối những năm 1990, nhận ra những giới hạn của lý thuyết thế tục hóa, tư tưởng ông có những biến chuyển lớn. Ông ủng hộ quan điểm công cộng hóa (publicization) tôn giáo, nghĩa là nhấn mạnh vai trò của tôn giáo trong không gian công11. Theo ông, hai biến cố lớn làm thay đổi tư tưởng của ông là cuộc cách mạng sinh học và sự trỗi dậy của các phong trào toàn thủ (fundamentalism). Nhất là, ông thấy căn nguyên các bệnh lý của xã hội hiện đại là tư duy duy lý công cụ, cha đẻ của tư tưởng duy lợi mà chỉ có các nguồn lực tôn giáo mới có thể là đối trọng để tạo ra cân bằng mới cho xã hội con người nói chung.
Nguồn: Nghiên cứu tôn giáo, số 09(135), 2014, 20-38
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả đón xem tiếp: