KHÔNG GIAN NHÀ CHÙA trong Thơ chữ Hán của NGUYỄN ĐỀ, NGUYỄN DU và NGUYỄN HÀNH

SPACE OF PAGODAS IN CHINESE POETRY BY NGUYEN DE,
NGUYEN DU AND NGUYEN HANH

Tác giả bài viết: NGUYỄN HỮU RẠNG
(Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, Tiền Giang, Việt Nam)

TÓM TẮT

     Không gian nhà chùa là không gian văn hóa quen thuộc trong đời sống người Việt đồng thời là không gian nghệ thuật đặc sắc trong thơ ca trung đại dân tộc. Bằng phương pháp nghiên cứu thi pháp học và so sánh văn học kết hợp với thao tác thống kê – phân loại, bài viết phân tích các đặc điểm nghệ thuậtvà ý nghĩa nhân sinh của không gian nhà chùa trong thơ chữ Hán của ba tác giả: Nguyễn Đề, Nguyễn Du và Nguyễn Hành. Theo đó, không gian nhà chùa bên cạnh vai trò (1) là không gian thể nghiệm cho sự thay đổi nhanh gấp giữa hai tuyến thời gian “quá khứ” và “hiện tại”, (2) là nơi con người bước vào để nhận rõ chân thân hiện tại của chính mình giữa đời phong trần còn là (3) không gian giúp con người kí thác ước nguyện rũ bỏ sắc tướng, từ đó tìm lại khoảnh khắc bình an trong tâm. Qua hướng tiếp cận không gian nghệ thuật này, người đọc phần nào thấy được những tư tưởng nhân sinh, nhân bản cao đẹp; những nỗi niềm sâu thẳm bên trong mỗi tác giả.

Từ khóa: thơ chữ Hán; Nguyễn Đề; Nguyễn Du; Nguyễn Hành; không gian nhà chùa1.

ABSTRACT

     The space of pagodas is a familiar cultural space in Vietnamese life and a unique artistic space in the nation’s medieval poetry. Adapting methods in studying poetics and literary comparison combined with classification, the article analyzes the artistic characteristics and the human meaning of the pagoda space in the Chinese poetry of three authors: Nguyen De, Nguyen Du, and Nguyen Hanh. The results show that pagodas are not only spaces for reflecting the rapid change between the two timelines of “past” and “present,” but also places where people can see their presence in this world and wish to get rid of appearances/body for peace in their hearts. With this approach to art space, readers can partly see the noble and humane thoughts and the deep feelings inside each author.

Keywords: Chinese poems; Nguyen De; Nguyen Du; Nguyen Hanh; space of pagodas.

x
x x

Đặt vấn đề

     Tự thuở xưa, vẻ đẹp tĩnh lặng, hữu tình của nhà chùa đã trở thành hình ảnh đặc trưng cho cảnh sắc thiên nhiên nước Việt. Như đã biết, Phật giáo vốn có mặt rất sớm từ những năm đầu thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên và trở thành một trong ba tôn giáo lớn ở nước ta (cùng với Nho giáo và Đạo giáo) thời kì trước. Ngay khi vừa du nhập, những tư tưởng cốt yếu của tôn giáo này đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng không những vậy mà còn bén rễ sâu rộng vào lòng quần chúng nhân dân bởi sự tương đồng và dung hợp hài hòa với những tín ngưỡng dân gian của người Việt. Một minh chứng điển hình cho sức lan tỏa và hòa nhập sâu rộng vào đời sống văn hóa Việt của đạo Phật là sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các công trình kiến trúc Phật giáo khắp các triều đại mà điển hình là những nhà chùa.

     Từ chức năng ban đầu là nơi tu tập, truyền bá giáo lí nhà Phật, không gian nhà chùa đã bước vào và phủ bóng trong mọi sinh hoạt của quần chúng nhân dân. Không gian ấy dần trở thành một không gian thân thuộc, tiêu biểu cho vẻ đẹp nội sinh của văn hóa Việt2. Có lẽ cũng vì vậy mà trong các các sáng tác thơ ca trung đại, đặc biệt ở thơ chữ Hán của ba tác giả Nguyễn Đề, Nguyễn Du và Nguyễn Hành, không gian nhà chùa xuất hiện thường xuyên (15 bài) trở thành một không gian nghệ thuật đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nhân sinh độc đáo. Mặt khác, các tài liệu, công trình nghiên cứu về không gian này trong thơ chữ Hán của ba tác giả mà chúng tôi lựa chọn khảo sát nhìn chung vẫn còn khá ít, chủ yếu mới xuất hiện ở một vài công trình về thơ chữ Hán Nguyễn Du của các nhà nghiên cứu như: Lê Văn Quán, Đại Lãn, Mai Quốc Liên, Lê Thu Yến, Nguyễn Phạm Hùng… nhưng cũng chưa phải là đối tượng nghiên cứu chính. Vì vậy, không gian nghệ thuật này cũng cần được tìm hiểu và nghiên cứu thêm trên cơ sở tiếp nối các thành quả đạt được của tiền nhân.

     Từ góc độ thi pháp và văn hóa, bài viết này tập trung phân tích, làm rõ các đặc điểm nghệ thuật và giá trị nhân sinh qua không gian nhà chùa trong 15 bài thơ3 chữ Hán của ba tác giả Nguyễn Đề, Nguyễn Du và Nguyễn Hành.

2. Giải quyết vấn đề

     2.1. Không gian thể nghiệm sự thay đổi nhanh gấp giữa hai tuyến thời gian “quá khứ” và “hiện tại”

     Xét dưới góc độ triết lí vô thường của kiếp người, không gian nhà chùa trong thơ chữ Hán của ba tác giả đóng vai trò là không gian thể nghiệm sự thay đổi nhanh chóng, gấp rút như chớp mắt giữa hai tuyến thời gian “quá khứ” và “hiện tại”. Có thể nói, không gian thâm nghiêm bên dưới những mái chùa trong thơ chữ Hán của ba tác giả họ Nguyễn Tiên Điền là nơi con người nhậ n ra sự thay đổi vô thường của mọi vật. Mặt khác, không gian này còn đóng vai trò như một trục phân định giữa hai khoảng thời gian quá khứ và hiện tại. Khoảng cách giữa chúng chỉ là cái chớp mắt của đời người. Quá khứ và hiện tại tưởng chừng là hai thời điểm cách xa nhau. Đời người chẳng khác gì sắc hoa lúc ban mai vẫn còn rực rỡ dưới ánh nắng nhưng khi chiều buông thì tàn phai, héo úa (Hành lạc từ II – Nguyễn Du). Hơn ai hết, cả ba thi nhân họ Nguyễn Tiên Điền là những người ý thức rất rõ điều này. Ám ảnh về sự dịch chuyển thời gian, về “cái đã qua” (quá khứ)với “cái sắp tàn” (hiện tại) cứ trở đi trở lại trong thơ chữ Hán của họ.

     Nguyễn Đề dù biết rõ quá khứ là thời khắc đã qua và chuyện tìm lại dấu vết của người xưa là điều không thể thế nhưng ông vẫn cố thực hiện:

Thập cấp nghĩ tầm Viên tích cổ

Du du bích thụ hựu thương đài

(Bước lên bậc thềm muốn tìm dấu xưa của Bạch Viên

Chỉ thấy cây cối và rêu xanh phủ kín)

(Đề Phi Lai tự khắc thạch – Nguyễn Đề)

     Trong không gian hoang vắng của nhà chùa Phi Lai ở Quảng Đông, thi nhân có dịp thể nghiệm ý nghĩa nhân sinh vô thường của kiếp người. Mọi thứ kể cả dấu xưa của cố nhân mà tác giả cốtìm lại đều biến mất: “Du du bích thụ hựu thương đài”. Trong nỗ lực tìm kiếm vô vọng, con người dần nhận ra chân lí về sự dịch chuyển thời gian. Theo đó, không thể có một dòng thời gian bất biến và mọi thứ dù là nhỏ nhất cũng không nằm ngoài dòng chảy vô thường.

     Sự thay đổi nhanh gấp của hai tuyến thời gian “quá khứ – hiện tại” là điều mà người đọc cũng có thể nhận thấy rõ qua các bài viết về không gian nhà chùa trong thơ Nguyễn Du. Thi nhân đặt con người vào cùng một không gian là chùa Thiên Thai nhưng khác nhau về thời điểm. Từ đó, ông làm nổi bật sựvô thường của đời người:

Kí đắc niên tiền tằng nhất đáo

Cảnh Hưng do quải cựu thời chung

(Nhớ lại năm trước từng đến thăm nơi đây

Còn thấy treo quả chuông thời Cảnh Hưng)

(Vọng Thiên Thai tự – Nguyễn Du)

     Tính chất vô thường của dòng thời gian ở đây được tác giả thể hiện ở hai thời điểm khác biệt: năm trước (quá khứ) – năm nay (hiện tại). Năm trước, người đến mọi thứ vẫn còn vẹn nguyên thế nhưng ngày trở lại mọi thứ đã đổi khác. Hình ảnh quả chuông thời Cảnh Hưng như một dấu gạch nối từ quá khứ đến hiện tại. Bước chân đến không gian trang nghiêm bên dư ới mái chùa, con người ngoài việc tìm kiếm những giờ phút an nhiên trong tâm còn qua đó mong muốn bắt gặp hình bóng của một triều Lê đã tàn lụi. Thế nhưng, mong ước đó của người cũng chẳng thể thực hiện trong giờ phút hiện tại. Giữa đời gió bụi, thân phận hiện tại của con người quá chênh vênh, vô định (Hoàng Hà trở lạo – Nguyễn Du). Kiếp người đã vô định nay còn bị đặt vào dòng chảy của vô thường khiến đích đến trong cuộc hành trình tìm lại bản thân càng lúc càng xa và bế tắc.

     Ngoài ra, nét độc đáo khi thể nghiệm triết lí về lẽ vô thường của kiếp người thông qua không gian nhà chùa trong thơ Nguyễn Du là việc khắc họa hình ảnh những nhà chùa “vô danh”:

Cổ tự vô danh nan vấn tấn

Bạch vân thâm xứ ngọa sơn tăng

(Có một ngôi chùa cổ, nhưng không có tên, chẳng biết hỏi ai

Một nhà sư nằm khểnh trong chòm mây trắng)

(Thương Ngô trúc chi ca IV – Nguyễn Du)

     Ngôi chùa cổ vô danh trong bài được xem như biểu tượng thể hiện rõ lẽ vô thường ở đời. Nó mang ý niệm về sựkhông chắc chắn, không thể xác định một cách đích xác và cũng không thể định hướng trước. Con người trong bài cố gắng đi tìm chùa vô danh thế nhưng biết đâu mà tìm: “Cổ tự vô danh nan vấn tấn” lại càng không thể nhờ vào sự chỉ dẫn của bất kì ai: “nan vấn tấn”. Kiếp người cũng chẳng khác gì số phận ngôi cổ tự vô danh kia. Chẳng ai có thểnói trước điều gì về tương lai cũng như nhân vật đi tìm chùa vô danh trong bài thử hỏi đến bao giờ tìm được!

     Có thể nói, con người là một sinh thể trung tâm trong vũ trụ và là hạt nhân của quá trình vô thường. Ranh giới phân định giữa “hôm qua” (quá khứ) và “hôm nay” (hiện tại) đôi lúc không thể tách bạch một cách rạch ròi:

Trần thế bách niên khai nhãn mộng

(Cõi trần trăm năm chỉ là giấc mộng mở mắt)

(La Phù giang thủy các, độc tọa – Nguyễn Du)

Bách niên tam vạn lục thiên nhật

Nhất vạn bát thiên nhật dĩ qua

Thử hậu quang âm năng hữu kỉ

(Trăm năm có ba vạn sáu ngàn ngày

Một vạn tám ngàn ngày đã trôi qua

Thời gian sau này còn được mấy chốc ?)

(Canh Thìn tuế bát nguyệt sơ tam nhật ngẫu tác – Nguyễn Hành)

     Cái “ta” nhìn thấy trong hiện tại nhưng chỉ vừa quay đi hoặc cơ hồ chỉ là cái chớp mắt đã thuộc về quá khứ. Hiện tại chẳng qua chỉ là thời khắc “sắp sửa” đến của quá khứ:

Bách tuế vi nhân bi thuấn tức

(Cuộc đời trăm năm thương thay chỉ là chớp mắt)

(Mạn hứng -Nguyễn Du)

     Lẽ vô thường của kiếp người được Nguyễn Hành tái hiện qua việc đặt con người vào cùng một không gian – đền Quán Thánh nhưng khác nhau về thời điểm: “năm nào” – “nay”:

Thượng ức tùy nương bái

Nhi kim mấn dĩ ban

(Còn nhớ năm nào theo chân mẹ lễ đền

Mà nay mái tóc đã lốm đốm bạc)

(Trấn Võ Quán – Nguyễn Hành)

     Trong không gian đền Quán Thánh, một sự thay đổi bất ngờ đang diễn ra trên thân xác con người. Từ đứa trẻ ngây ngô năm nào còn theo chân mẹ đến lễ đền, thế nhưng chỉ trong chớp mắt, đã là kẻmái đầu lốm đốm bạc. Dấu hiệu cái già và sự hủy diệt (cái chết) theo chu trình “sinh – trụ – dị – diệt” củ a vô thường dần bào mòn thân xác họ. Con người dẫu biết bản thân sớm muộn cũng phải trải qua quá trình ấy thế nhưng khi quay đầu nhìn lại vẫn không tránh khỏi cảm giác giật mình, thảng thốt: “Nhi kim mấn dĩ ban”. Giữa hai trạng thái của đời người “trẻ con” (quá khứ) – “trưởng thành – lão” (hiện tại) cách nhau trong gang tấc. Con người chỉ kịp nhận ra sự chuyển tiếp ấy bằng thanh âm tiếng chuông vang giữa mặt hồ Tây 

Chung hưởng xuất hồ gian

(Tiếng chuông chùa vẳng ra giữa mặt hồ)

(Trấn Võ Quán – Nguyễn Hành)

     Đó là thước đo, là ranh giới duy nhất giữa quá khứ và hiện tại mà con người có thể cảm nhận được bên dưới mái chùa. Thời khắc chuyển tiếp của đời người ngắn ngủi ước chừng chỉ bằng thời gian ngân vang trong không trung của chuông chùa. Tiếng chuông gõ nhịp đánh thức tâm người trước dòng chảy vô thường. Có thể thấy, nhà chùa đã trở thành một không gian đắc dụng để con người bước vào và thể nghiệm sự đổi thay nhanh chóng, vô định của dòng thời gian “quá khứ -hiện tại”.

     2.2. Không gian nhận rõ chân thân hiện tại giữa đời phong trần

     Bên cạnh đó, không gian nhà chùa – cửa thiền trong thơ chữ Hán của ba tác giả còn đóng vai trò là nơi con người bước vào nhằm nhận rõ chân thân hiện tại của chính mình từ đó tìm kiếm một giải pháp an tâm. Sống dưới một xã hội luôn bị bao phủ bởi sắc diện đen ngòm, tang thương từ những cuộc chiến tranh phân quyền từ nửa cuối thế kỉ XVIII trở đi, con người cần lắm một nơi để “trở về”, cần một yếu tố khách quan đánh thức tâm mình từ đó có thể tìm lại chân thân vốn bị lu mờ trước thời cuộc đầy biến loạn.

     Với con người trong thơ chữ Hán Nguyễn Đề, không gian nơi cửa thiền bên dưới những mái chùa được xem là nơi lí tưởng mà con người bước vào và thực hiện cuộc hành trình tìm kiếm chân thân chính mình:

Văn đạo viện trung thiền tích cổ

Tá thùy nhất khấu nhận chân thân ?

(Nghe nói trong thiền viện có dấu tích thiền xưa

Biết nhờ ai gõ một cái để mình nhận rõ chân thân)

(Toàn Châu bát cảnh – Nguyễn Đề)

     Mở ra trước mắt người đọc là không gian nhà chùa cổ kính mang dấu ấn thời gian: “Thiền tích cổ”. Nguồn năng lượng “thiền” bên dưới nhà chùa chẳng khác gì thanh nam châm với lực hút mãnh liệt đủ sức kéo tâm người về phía nó. Con người trong bài cất bước trở về không gian thiền môn nhưng đó cũng là lần đầu họ đặt chân đến đây: “Văn đạo” (Nghe thấy, nghe nói đến). Họ chỉ mới thoáng nghe qua nhưng dù chỉ là “văn đạo”, con người vẫn cố gắng tìm đến để “nhận lại” chân thân đã mất. Bước đến thiền môn, con người tiến hành tìm kiếm một yếu tố khách quan đểđánh thức tâm mình: “Tá thùy nhất khấu nhận chân thân ?”. Xuyên suốt các tập thơ chữ Hán Nguyễn Đề thỉnh thoảng, người đọc lại nghe thấy thanh âm từ tiếng gõ nhịp vào tâm đánh thức chân thân con người giữa chốn hồng trần:

Thiền cung cách thủy chung thanh viễn

(Chùa cách bến, tiếng chuông nghe xa xa)

(Quế Giang vãn vọng– Nguyễn Đề)

     Đối với Nguyễn Đề, đây là giải pháp hữu dụng để tìm lại chân thân chính mình, giúp bản thân thoát khỏi tình trạng bí bách trong hiện tại. Con người mải mê chạy theo việc quan trường, phiêu bạt khắp nơi cũng vì nó đến mức quên cả bản thân (Lữ thứ thư hoài – Nguyễn Đề). Vì vậy, họ rất cần một yếu tố khách quan như thanh âm của tiếng chuông ngân đểđánh thức bản thân trong cơn mê.

     Có phần tương đồng với quan niệm của Nguyễn Đề, Nguyễn Du cũng thực hiện một cuộc hành trình tìm kiếm chân thân nơi cửa thiền trong thơ chữ Hán. Thế nhưng trên hành trình ấy, nếu con người trong thơ chữ Hán Nguyễn Đề tìm đến cửa thiền một cách xác định thì con người trong thơ Nguyễn Du lại tìm kiếm chân thân ở chốn thiền môn vô định. Con người cố gắng tìm kiếm một không gian nhà chùa để bước vào và đánh thức thân – tâm chính mình nhưng:

Cổ tự vô danh nan vấn tấn

Bạch vân thâm xứ ngọa sơn tăng

(Có một ngôi chùa cổ, nhưng không có tên, chẳng biết hỏi ai,

Một nhà sư nằm khểnh trong chòm mây trắng)

(Thương Ngô trúc chi ca IV – Nguyễn Du)

     Đi tìm chốn thiền môn là giải pháp giúp ông vượt thoát khỏi nỗi lo âu hiện tại dù có thể không hoàn toàn bởi tráitim ông trót buộc chặt với thế nhân, đau nỗi đau muôn kiếp của thập loại chúng sinh. Tuy nhiên, con người ý thức là vậy nhưng có tìm được không lại là chuyện hạ hồi phân giải. Không gian nơi cửa thiền trong bài dường như sắp đóng chặt trước mắt con người. Mọi thứ xung quanh ông giờ đây đều đang đặt trong trạng thái giả định. Hình ảnh vị sư già nằm khểnh trong làn mây trắng dường như cũng do tâm quán tưởng của con người mà thành bởi không đến đượcchùa, không bước chân qua cửa thiền thử hỏi sao có thể bắt gặp trực tiếp. Hình ảnh này đóng vai trò như một “đòn bẩy” trợ lực cho sự xuất hiện hình ảnh con người phiêu bạt. Nó khiến tình cảnh con người trong thực tại trởnên bi đát, thảm thương hơn bao giờ hế t. Trong không gian nơi mái chùa vô danh, một trái tim thi nhân khao khát được bước vào để đánh thức chân thân của chính mình.

     Đến với thơ chữ Hán Nguyễn Hành, người đọc nhận thấy con ngườitrong thơ ông may mắn hơn phần nào so với con người trong thơ Nguyễn Đề và Nguyễn Du. May mắn ở chỗ con đường tìm đến không gian nơi cửa thiền bên dưới những mái chùa để đánh thức chân thân hiện ra một cách rõ ràng, xác định:

Nhất Trụ hà thời tự

Đình đình tại thử gian

Uyển như hương hải thủy

Dũng xuất Tu Di sơn

(Chùa Một Cột thời nào

Sừng sững ở nơi đây

Giống như dòng nước hương hải

Vọt lên như núi Tu Di)

(Nhất Trụ tự – Nguyễn Hành)

     Không gian bên dưới mái chùa trong bài mang vẻ đẹp thư thái, tĩnh tại chẳng khác miền cổ tích giữa chốn nhân gian. Con người bước đến cửa thiền trong tâm thế của kẻ sẵn sàng chờ đợi để “quay về”. Giải pháp ông đưa ra trong bài để tìm kiếm chân thân có phần tương đồng với giải pháp mà con người Nguyễn Đề lựa chọn. Cả hai cùng nhờ đến các yếu tố khách quan để đánh thức “thân – tâm”:

Ngã lai cầu cổ tích

Nhân đắc khấu thiền quan

(Ta đến thăm miền cổ tích

Nên được gõ cửa thiền)

(Nhất Trụ tự – Nguyễn Hành)

     Con người bắt đầu thực hiện cuộc hành trình tìm kiếm chân thân bên dưới cửa thiền. Chỉ cần lắng nghe tiếng chuông vang động giữa không gian, cảm nhận những thay đổi theo chiều hướng tích cực từ “thân – tâm” của chính mình, họ như muốn buông bỏ tất cả để “quay về”:

Nhật mộ xao chung cổ

Trường ca quy khứ lai

(Chiều tối, tiếng chuông trống vang động

Hát nghêu ngao quay trở về)

(Du Trấn Quốc tự – Nguyễn Hành)

     “Khách” kia “trở về” với cái tâm bản thể của chính mình. Cõi lòng trở nên thư thái, nhẹ nhàng. Trong khoảnh khắc thức tỉnh của tâm nơi cửa thiền, con người nhận thấy những đốm sáng hi vọng trên bức tranh đen ngòm của xã hội mà bản thân đang trải qua: “Khách tứ chính du tai !”4.

     2.3. Không gian kí thác ước nguyện rũ bỏ sắc tướng chốn trần thế

     Ngoài ra, không gian nhà chùa trong thơ chữ Hán của ba tác giả còn là nơi con người kí thác ướcnguyện được rũ bỏ sắc tướng chốn trần thế từ đó tìm lại khoảnh khắc bình an trong tâm. Có thể nói, cuộc hành trình tìm kiếm chân thân nơi cửa thiền bên dưới những mái chùa cũng chính là chặng đường con người tìm kiếm sự bình an nơi tâm bản thể của chính mình. Điều này có thể được lí giải từ góc độ mối quan hệ giữa “thân” và “tâm” trong mỗi người. Cái tâm ấy là của mỗi người, là cái thuộc quyền sở hữu riêng nói theo lời thiền sư Thích Nhất Hạnh cái tâm mang “chữ kí riêng” của chính người sở hữu. Tâm gắn liền với thân người một cách vĩnh viễn. Mọi hành động của “thân” xét đến cùng cũng đều do “tâm” sinh ra nói cách khác hành động của “thân” nhằm đáp ứng nhu cầu của “tâm”. Bước chân vào không gian thâm nghiêm dưới mái chùa Tương Sơn, con người Nguyễn Đề trong khoảnh khắc như thấu suốt được chân lí rũ bỏ mọi thứ và trở về với tâm “không”:

Tử vân kết tựu chân như ngọc

Kiếp hỏa thiêu tàn sắc tướng không

(Mây lành kết lại như ngọc chân như

Lửa tam muội thiêu không còn sắc tướng)

(Đề Tương Sơn tự – Nguyễn Đề)

     Không gian chùa Tương Sơn trong bài như một chậu nước trong không chút vẫn đục mà qua đó con người có thể “rửa tâm” chính mình, như một lò lửa tam muội thiêu cháy hoàn toàn sắc tướng. Bước vào không gian bên dưới mái chùa, con người được gạn lọc, loại bỏ tất cả những vật chất hữu hình một đời mê hoặc tâm: “Cổ điệp đăng lâm tâm đốn ngộ”5. Giây phút ấy, họcảm thấy “thân” như trở nên nhẹ đến mức:

Dục phi tích trượng trực thừa phong

(Muốn phi tích trượng cưỡi gió thẳng bay lên)

(Đề Tương Sơn tự – Nguyễn Đề)

     Không thể bước đi một cách thuận lợi như ông anh ruột của mình là Nguyễn Đề, con đường rũ bỏ sắc tướng, tìm lại chân thân trong thơ chữ Hán Nguyễn Du dường như khó khăn hơn. Động Nhị Thanh mở ra trước mắt những tưởng con người bước vào đấy có thể dễ dàng rũ bỏ mọi âu lo trong hiện tại:

Nhất lạp càn khôn khai tiểu thiên

(Một hạt càn khôn mở ra một cảnh trời nhỏ)

(Đề Nhị Thanh động – Nguyễn Du)

     Thế nhưng, giữa cái thấy trước mắt với cái mà bản thân ông có thể chạm tay đến được lắm lúc tưởng như rất gần nhưng thật chất lại ở cách nhau rất xa. Không phải ông vô tri đến mức không ý thức được điều gì khiến thân ông phải khổ lụy đến mức thảm hại như hiện tại. Ngược lại, ông ý thức rất rõ việc con người chỉ biết chấp mê vào sắc tướng là nguyên nhân dẫn đến tình cảnh khổ đau trong hiện tại bởi lẽ:

Mãn cảnh giai không hà hữu tướng

(Khắp cõi đều là không, thì làm gì có tướng ?)

(Đề Nhị Thanh động – Nguyễn Du)

     Thế nhưng dù ý thức rất rõ điều đó nhưng với Nguyễn Du, ông dường như lại không thể đi theo. Không gian động Nhị Thanh tưởng chừng chỉ là nơi cảnh sắc hữu tình nhưng lại là nơi diễn ra cuộc xung đột, dằn xé trong con người Nguyễn Du. Ông buộc phải đ ối diện trước hai sự lựa chọn. Một là, ông từ bỏ tất cả để theo Phật bởi như vậy, ông mới có thể tìm thấy được chốn dừng trú bình an cho chính mình. Con người Nguyễn Du trong khoảnh khắc nào đó thoáng hiện lên hình hài của một Phật tử: Đề Nhị Thanh động, Tự thán II… Hai là, ông chọn ở lại với thế gian, ở lại trong nỗi đau muôn kiếp của nhân sinh, ở lại để khóc người, đau nỗi đau cùng người. Đây là con đường sau cùng mà Nguyễn Du chọn:

Phủ thán thành trung đa biến thiên

(Nhìn xuống thành nhiều thay đổi ngậm ngùi)

(Đề Nhị Thanh động – Nguyễn Du)

      Một hành động cho thấy rõ sự lựa chọn này ở Nguyễn Du là động tác: “Phủ thán”. Ông nhìn xuống nghĩa là lòngông vẫn chưa thể dứt khỏi đời trần tục. Ông chưa thể bước đi trên đôi chân của bậc hành giả, chưa thể ngoảnh mặt buông bỏ tất cả để khoác lên mình chiếc áo cà sa và đi tiếng theo mõ hồi kinh. Nhân thế trước mắt còn lắm cảnh trái ngang buộc ông phải ở lại dù đời chẳng cần. Trái tim ông giờ đây đã tự cột chặt với nỗi đau muôn kiếp của chúng sinh:

Thiên tuế trường ưu vị tử tiền

(Trước khi chết, lo mãi chuyện ngàn năm)

(Mộ xuân mạn hứng -Nguyễn Du)

     Còn đối với thơ chữ Hán Nguyễn Hành, con đường ông bước đi để gội bỏ sắc tướng, tìm chốn bình an cho thân và tâm bên dưới những mái chùa lại có phần chắc chắn hơn. Dưới Trấn Võ quán, lòng ông thanh trong, thân người theo đó cũng trở nên ung dung, tự tại:

Phi tẩy chân hình tại

Quy xà kiếm khí nhàn

(Gội bỏ lòng trần chân hình tự tại

Kiếm khí rắn rùa tỏa an nhàn)

(Trấn Võ quán – Nguyễn Hành)

     Không gian bên dưới mái che được khắc họa hùng vĩ, hữu tình: “Thần lai Trấn Võ quán/ Tự nhập Võ Đương sơn”6. Nhà chùa trở thành không gian đắc dụng mà con người qua đó có thể tìm thấy sự bình an trong tâm, rũ bỏ mọi sắc tướng xung quanh và bước vào cuộc hành trình tìm kiếm chân thân: “Quy xà kiếm khí nhàn”.

3. Kết luận

     Sống giữa thế kỉmà chiến tranh và binh đao lúc nào cũng bao trùm trên sinh mạng con người; hàng loạt những cảnh nhiễu nhương với biết bao sự thay đổi trước “cơn ba đào” của lịchsử đã khiến con người lắm lúc không còn nhận rõ được chính mình. Họ cần lắm một nơi để trở về, trở về để “thân” và “tâm” được nương tựa. Không gian nhà chùa trong thơ chữ Hán của ba tác giả Nguyễn Đề, Nguyễn Du và Nguyễn Hành đã phần nào đáp ứng niềm mong mỏi ấy của con người giữa thời đại bể dâu. Qua khảo sát 15 bài thơ chữ Hán của ba tác giả, người viết nhận thấy không gian nhà chùa là không gian nghệ thuật đặc sắc, hàm chứa nhiều giá trị nhân sinh và nhân bản. Trong không gian cổ kính, trầm lắng bên dưới những ngôi cổ tự, con người nhận ra sự thay đổi vô thường của bản thân chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ một đứa trẻ ngây ngô đã trở thành kẻ bạc đầu. Trên dòng chảy vô thư ờng, mọi thứ đều trở nên vô định. Cái ở hiện tại chỉ cần một khoảnh khắc trôi qua đã thuộc về quá khứ. Mặt khác, nhà chùa còn đóng vai trò là không gian mà qua đó con người nhận rõ chân thân hiện tại của chính mình. Trong không gian tĩnh lặng nơi cửa thiền, con người nhận ra sắc tướng là thứ làm tâm vẫn đục từ đó khiến thân không thể yên và dần đánh mất “chân thân” chính mình. Bên dưới mái chùa, con người trong thơ chữ Hán họ Nguyễn Tiên Điền dư ờng như đang thực hiện một cuộc hành trình tìm kiếm chân thân của chính mình. Đó cũng đồng thời là hành trình con người học cách rũ bỏ sắc tướng, dùng lửa tâm để thiêu đốt những ham muốn của bản thân và đưa thân trở về trạng thái an định. Có thể nói, hướng tiếp cận thơ chữ Hán của ba tác giả từ góc độ không gian nghệ thuật -– không gian nhà chùa là một trong những hướng đi mới, có sự tiếp nối các thành quả nghiên cứu đã đạt được. Với hướng tiếp cận này, người đọc phần nào thấu cảm được những nỗi niềm thẳm sâu từ trong thơ ca của tiền nhân.

__________
2. Ca dao của người Việt có câu:

Em đi nhớ lũy tre làng

Nhớ ngôi chùa cổ, nhớ hàng cau xanh

Đêm rằm trẩy hội cùng anh

Mãi vui quên tỏ cùng anh đôi lời

3. Cụ thể:

– Thơ chữ Hán Nguyễn Đề: 6 bài.

– Thơ chữ Hán Nguyễn Du: 3 bài.

– Thơ chữ Hán Nguyễn Hành: 6 bài.

4. Tình tứ khách luống bồi hồi.

5. Lên tường thành xưa, tâm chợt hiểu thấu.
 
6. Thường đến Trấn Võ quán / Như vào núi Võ Đương.
 
 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Le, Q. T. (Editor). (2019). Tho Nguyen De (tuyen) [Nguyen De Poetry (selection)]. Ho Chi Minh City: Literary Publishing House.

     Le, T. Y. (1999). Dac diem nghe thuat tho chu Han Nguyen Du [Artistic features in Nguyen Du’s Chinese poetry]. Ho Chi Minh City: Tre Publishing House.

     Mai, Q. L. (1996). Nguyen Du toan tap, tap 1[Nguyen Du full volume, volume 1]. Ho Chi Minh City: Literary Publishing House.

     Mai, Q. L. (2015). Tho Nguyen Hanh (tuyen) [Nguyen Hanh Poetry (selection)]. Ho Chi Minh City: Literary Publishing House.

     Nguyen, D. (2012). Tho chu Han (Nguyen Si Lam hieu dinh, Truong Chinh gioi thieu) [Poetry in Chinese (edited by Nguyen Si Lam, introduced by Truong Chinh)]. Ho Chi Minh City: Literary Publishing House.

     Tran, D. S. (2005). Thi phap van hoc trung dai Viet Nam [Poetry of medieval Vietnamese literature]. Ha Noi: National University Publishing House.

     Thich, T.T. (2019). An nhien giua nhung thang tram [Peace between ups and downs]. Ho Chi Minh City: Culture – Arts Publishing house.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường ĐHSP TPHCM,
Tập 20, Số 7(2023):1248-1257

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Không gian nhà chùa trong thơ chữ Hán Nguyễn Đề, Nguyễn Du và Nguyễn Hành (Tác giả: Nguyễn Hữu Rạng)