Không gian trong tranh khắc kim loại Việt Nam
SPACE IN VIETNAMESE METAL ENGRAVING PAINTINGS
Tác giả bài viết: TRẦM THỊ TRẠCH OANH
(Trường Đại học Sư Phạm – Đại học Đà Nẵng)
TÓM TẮT
Tranh khắc kim loại Việt Nam có nhiều tác phẩm thể hiện sự kỳ công về ngôn ngữ tạo hình. Ở đó là sự công phu tỉ mỉ trong cách xử lý hiệu quả không gian tạo hình. Các họa sĩ đồ hoạ kết hợp hài hòa các yếu tố đường nét, màu sắc, hình mảng, bút pháp, chất liệu tạo nên không gian trong tranh khắc kim loại Việt Nam. Qua đánh giá về yếu tố không gian trong các tác phẩm tranh khắc kim loại ở các chất liệu đồng, kẽm, inox, có thể thấy, không gian là một trong những yếu tố tạo hình quan trọng của tác phẩm tranh khắc kim loại, mang lại hiệu quả nghệ thuật thị giác mới, thể hiện sự tìm tòi sáng tạo của các hoạ sĩ đồ hoạ Việt Nam.
Từ khóa: Không gian tạo hình, tranh khắc kim loại Việt Nam.
ABSTRACT
Vietnamese metal engravings had many works that show the feat of visual language. There is is meticulousness in the effective handling of the shaping space in the works. Vietnamese printmaking artists harmoniously combine the elements of lines, colors, shapes, brushstrokes, and materials, which create space in Vietnamese metal engravings. Through the assessment of the spatial factor in metal engraving works in copper, zinc, and stainless steel, it can be seen that space is one of the shaping factors of metal engraving works, bringing new visual art effects, expressing the creative exploration of Vietnamese printmaking artists.
Keywords: Shaping space, Vietnamese metal engraving painting.
x
x x
1. Mở đầu
Tranh khắc kim loại (tranh in kim loại) là hình thức nghệ thuật tranh in lõm nằm trong thể loại đồ hoạ có đặc điểm ngôn ngữ tạo hình của chất liệu in khắc kim loại. Mặc dù, thể loại tranh in kim loại là một thể loại đòi hỏi cầu kỳ về quy trình thực hiện tác phẩm và kỹ thuật và hiện họa sĩ đồ họa vẫn lựa chọn để thể hiện tác phẩm, tranh khắc kim loại có sự phong phú, đa dạng về chủ đề, chất liệu sáng tác có đặc điểm văn hóa, thẩm mỹ riêng của Việt Nam. Các họa sĩ đồ họa ở Việt Nam, với khả năng sử dụng chất liệu linh hoạt đã tạo nên ngôn ngữ đặc điểm riêng cho tranh khắc kim loại[1].
Không chỉ trong tác phẩm hội họa mà tranh đồ họa tạo hình cũng luôn sáng tạo nghệ thuật biểu hiện không gian trên mặt phẳng với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Nếu không gian cảm giác xuất hiện trong các tác phẩm hội họa như một khung cảnh thực của tự nhiên thì không gian trong tranh đồ họa cũng lột tả các dạng về không gian trong hiện thực theo phối cảnh hay không gian ước lệ. Với tranh khắc kim loại là hình thức nghệ thuật tranh in đồ hoạ ứng biên với rất nhiều kỹ thuật, phương pháp và chế bản trên các chất liệu kim loại khác nhau đã thể hiện được sự phong phú trong biểu đạt không gian tạo hình thông qua các tác phẩm tranh đồ họa.
Frank Lloyd Wright (người Mỹ) đã từng nói rằng “Không gian là hơi thở của nghệ thuật” không giống như rất nhiều các yếu tố khác của nghệ thuật, không gian là yếu tố luôn xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm. Nó là một yếu tố cơ bản trong mỗi nghệ thuật thị giác. Nó cũng có thể truyền đạt cảm xúc, hoặc bất kỳ khái niệm khác mà các nghệ sĩ muốn miêu tả. Không gian thường đề cập đến khoảng cách hoặc các khu vực xung quanh, giữa, và trong thành phần của một mảnh. Không gian có thể mở hoặc khép kín, nông hay sâu, tích cực hoặc tiêu cực và hai chiều hoặc ba chiều [4]. Ấn tượng thị giác khi xem một tác phẩm tạo hình là một trong những cảm giác đầu tiên của người xem thông qua không gian tạo hình. Tranh khắc kim loại có những đặc tính ưu Việt riêng không lẫn với các thể loại đồ họa tranh in khắc khác. Nghệ thuật tranh khắc kim loại Việt Nam có đặc trưng riêng ở giá trị nghệ thuật, nội dung, hình thức biểu đạt thông qua sự đa dạng và cầu kỳ của kỹ thuật chất liệu, phương cách tạo hình kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại thể hiện không gian trong tác phẩm cũng làm nên vẻ đẹp nghệ thuật riêng biệt của tranh khắc kim loại Việt Nam.
2. Sự kết hợp ngôn ngữ tạo hình và không gian trong tranh khắc kim loại
Qua việc diễn tả một phối cảnh trong tác phẩm, chính phối cảnh đó gợi không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều. Ở mỗi loại hình nghệ thuật sẽ có cách sử dụng không gian khác nhau cho phù hợp với đặc điểm kỹ thuật, chất liệu nghệ thuật. Riêng không gian được sử dụng trong tranh đồ hoạ tạo hình là không gian của thị giác, không gian của trí tưởng tượng, không gian ảo. Họa sĩ đồ họa thể hiện không gian ba chiều vào mặt phẳng hai chiều trong tranh với ý đồ riêng do chính người họa sĩ lựa chọn [5].
Trong nghệ thuật đồ họa tạo hình, tranh khắc kim loại có đường nét, mảng, màu sắc là nền tảng của bố cục và các yếu tố tạo hình trên luôn có mối quan hệ mật thiết với không gian tác phẩm. Đường nét mang tính năng động tạo hình, mảng có tính khái quát, có khả năng diễn tả không gian bố cục và giữ vai trò quyết định của một tác phẩm. Thông thường khi khắc nét với mật độ dày đặt trên chế bản thì độ tối của không gian trong tranh in càng mạnh. Khi ta khắc nét thưa, thì độ sáng của không gian sẽ tăng cao. Chính quy luật đó tạo nên sự thay đổi tương ứng trong không gian của tranh khắc kim loại.
Trong không gian tranh khắc kim loại nói riêng, tranh đồ họa nói chung, dưới tác động của ánh sáng, màu sắc cũng là một trong những yếu tố có sự biểu hiện phong phú. Đường nét và màu sắc có sự tương tác, phối hợp với nhau thể hiện được nhiều tầng lớp không gian. Từ đó, cho thấy tranh kim loại là một tổng thể hòa điệu của nét, mảng và màu sắc với không gian trong tác phẩm. Mỗi họa sĩ có thể chọn cho mình cách biểu đạt màu sắc, hình thể chất cảm hoặc tổng hòa các yếu tố khác nhau để biểu đạt hình thức không gian đa dạng.
Sự tồn tại của nét với sự phối hợp của mảng, màu sắc luôn giữ vị trí quan trọng trong xây dựng không gian bố cục. Nhiều tác giả đã có nhiều cách xử lý nét kết hợp mảng hình, màu sắc khác nhau để biểu đạt không gian nhiều chiều trong tranh khắc kim loại. Điển hình như trong tác phẩm Góc quê (khắc kẽm, 2020) của Ngô Văn Đại được họa sĩ diễn tả khá chân thực và đời thường qua lối khắc tỉ mỉ, trau chuốt trên từng đường nét đến không gian xa gần. Lối phô diễn đầy tính hình họa, với tông màu nâu đen thể hiện êm ả, từ đường nét đến ánh sáng bố trí trong tác phẩm đều được họa sĩ xử lý một cách hài hòa và đa nhiệm. Với lối tính toán kỹ càng, tác phẩm Góc quê mang lại cho người thưởng ngoạn một cái nhìn thiện mỹ về loại tranh khắc kim loại. Tương tự với các tranh như Đầm Vân Long (khắc đồng, 2012) của họa sĩ Trần Thị Thanh Dung, Bóng đêm tĩnh lặng (khắc kẽm, 2017) của tác giả Võ Kim Ngân, Phía sau là bầu trời (khắc kẽm, 2017) họa sĩ Bảo Tân… Dù đường nét, mảng hình, màu sắc đều tự thân mang lại đặc trưng riêng, tuy nhiên để đem lại hiệu quả không gian cho tác phẩm, họa sĩ phải luôn phối hợp nhịp nhàng các yếu tố để tạo nên phong cách riêng.
Họa sĩ Hải Hòa (Nguyễn Thị Hòa) là một trong những tác giả có nhiều tranh in đồng trong quá trình sáng tác Mỹ thuật, đã tiếp nhận những tư tưởng và những quan niệm mới một cách chỉnh chu, tự do sáng tạo và phát triển tiềm năng tạo hình của mình. Hình tượng thể hiện trong các tác phẩm của họa sĩ về trẻ em và những câu chuyện của tuổi thơ với khung cảnh bình yên thực hiện kỹ thuật tranh in đẩy sâu công phu. Tác phẩm in đồng của họa sĩ Hải hòa thực hiện hiệu quả việc in nhiều màu trên tranh khắc kim loại sáng tác vào những năm 2008-2009, có những tác phẩm các bản khắc được chỉnh sửa thêm và họa sĩ công bố tác phẩm trong thời gian khác nhau: Trộm nhìn (2017), Trưa hè (2015), Bay trong giấc mơ (2015), Du thuyền (2015), Tuổi thơ (2012), Sự yên tĩnh ở trong vườn (2009), Hoài niệm (2008)… Qua các tác phẩm, gửi gắm những tâm tình, cảm xúc, quan điểm và thông điệp trong các tác phẩm của mình khá rõ nét qua bút pháp và phong cách sáng tạo với không gian tạo hình riêng của tác giả.
Tác phẩm Sự yên tĩnh ở trong vườn của họa sĩ Hải Hòa đã đạt Giải thưởng quốc tế tại Triển lãm Print and Drawing tại Thái Lan 2009. Bức tranh Sự yên tĩnh ở trong vườn chất liệu in chìm (kim loại đồng), với các kỹ thuật Etching (Copper plate/Hard Ground, Aquatint, Dry point), sử dụng kỹ thuật khắc in kỹ lưỡng và công phu để khai thác chiều sâu của chất liệu về các sắc độ đậm nhạt, màu sắc, và ngôn ngữ tạo hình hiện đại của nghệ thuật tranh in khắc đồng. Hình tượng nghệ thuật 4 em thiếu nhi đang vòng tay ôm nhau xuất hiện từ những câu chuyện đời thường giản đơn, dung dị cùng các họa tiết chim hạc trắng bay trong không gian ở trong vườn. Thông qua tác phẩm này, người xem bắt gặp được không gian trong sự hòa quyện của nét và mảng màu có ưu thế của chất liệu khi diễn tả chiều sâu không gian, nhiều lớp nét, kỹ thuật xử lý màu sắc khi in, tạo ra được cảm giác nhiều màu hơn thế, màu và sắc độ chồng chéo mà vẫn trong trẻo, rõ nét và tinh tế.
Cũng cách thể hiện tương tự như vậy, nhiều họa sĩ thấu hiểu và kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố tạo hình hiện diện ở hiệu quả giữa thực và hư, hư và thực. Vì lý do này, trong tác phẩm tranh khắc kim loại, thủ pháp được thể hiện nhiều nhất là gợi tả, gợi mảng, gợi, nét, gợi khối, gợi đậm nhạt để tách không gian… Đây cũng là đặc điểm nổi bật tranh khắc kim loại Việt Nam. Cách thể hiện như vậy sẽ tạo nên nhiều lợi thế cho người họa sĩ và tác phẩm có điều kiện thể hiện sự bay bổng của cách chế bản không nét viền.
3. Sự đa dạng về kỹ thuật, hình thức thể hiện không gian trong tranh khắc kim loại
Trong các chất liệu chế bản tranh in lõm, kim loại (đồng, kẽm…) được dùng phổ biến và cũng đem lại nhiều khả năng kỹ thuật hơn so với các chất liệu như nhựa, mica, gỗ ván ép… Cho đến nay, giới nghiên cứu và sáng tác tranh in đều thống nhất nhận định rằng, kỹ thuật thể hiện tranh khắc kim loại phong phú nhất so với các kỹ thuật, chất liệu khác và đã góp phần quan trọng trong sự phát triển, định hình Đồ hoạ tranh in Việt Nam[3].
Cùng với tiến trình phát triển và đổi mới của đất nước, các hoạt động nghệ thuật cũng được dành nhiều sự quan tâm hơn, Đồ hoạ Việt Nam đã có điều kiện tiếp xúc rộng rãi hơn với thị trường nghệ thuật thế giới thông qua những cuộc giao lưu về kỹ thuật đồ họa và những triển lãm tác phẩm đồ họa với các họa sĩ Mỹ, Anh, Hà Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Thời đại công nghệ số – thế giới phẳng – cũng góp phần không nhỏ để mở mang tầm nhìn về hoạt động đồ họa thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Sự giao lưu, hội nhập quốc tề cùng với những điều kiện thuận lợi hơn về phương tiện, kỹ thuật, cơ sở vật chất ở trong nước, đã tạo động lực cho nghệ thuật đồ họa Việt Nam có nhiều khởi sắc mới và lan tỏa hơn trước đây. Những năm gần đây, sự giao lưu triển lãm đồ họa Đông Nam Á diễn ra thường niên đã đẩy nhanh và tiếp lửa cho sự phát triển của tranh Đồ hoạ Việt Nam. Thể loại tranh khắc kim loại đã có bước chuyển mình rõ rệt. Nếu trước đây, trong hoàn cảnh khó khăn tranh khắc kim loại của nước ta hầu như chỉ với khuôn khổ nhỏ, thì hiện nay số lượng tranh khắc kim loại đã tăng lên đáng kể với bố cục không gian lớn hơn, đa dạng hơn. Đặc biệt có thêm những kỹ thuật mới như in lõm cảm quang, in kỹ thuật tổng hợp… Các trào lưu sáng tác nghệ thuật đã chứng minh, người họa sĩ luôn tìm cách thay đổi không gian riêng biệt, mới lạ. Tranh khắc kim loại ở Việt Nam cũng kịp thời bắt theo xu hướng đó và thay đổi. Nhưng nhìn chung không gian trong tranh khắc kim loại Việt Nam được thể hiện đó là:
– Thứ nhất, không gian viễn cận trong tranh khắc kim loại xu hướng hiện thực
Không gian viễn cận mang yếu tố khoa học cao, thường tuân thủ đúng quy luật viễn cận trong tự nhiên, có trường nhìn và một điểm tụ ở chân trời. Tất cả cảnh vật, đồ vật xuất hiện trong tranh đều được lý giải bằng sự tương đối của định luật xa gần và đều tụ về một điểm trên đường chân trời. Đây là lối biểu đạt tranh theo hình thức tả chân, tả thực, đem lại hiệu quả trong tranh giống hoặc gần như hiện thực ngoài cuộc sống vốn có. Được các họa sĩ đồ họa ưa chuộng và thể hiện trong các tác phẩm tranh khắc kim loại với hầu hết các chất liệu như đồng, kẽm, inox… Không gian viễn cận xuất hiện trong tranh khắc kim loại thường gắn với những cảnh vật, hình tượng gợi về cái thực trong cuộc sống, qua đó đánh thức chiều sâu của tư duy và sự liên tưởng trong tâm thức của các họa sĩ.
Họa sĩ Trần Thị Thanh Dung với nhiều trải nghiệm với kỹ thuật khắc đồng với những tác phẩm mang chủ đề về tình yêu, quê hương và cuộc sống đời thường. Các tác phẩm nổi bật về tranh khắc kim loại của họa sĩ có thể nhắc đến như tác phẩm: Phá Tam Giang (khắc đồng), Mưu sinh (khắc đồng, 2010), Vắng (khắc đồng)…Với lối diễn tả đầy tính tả thực ở loạt tác phẩm làm về cuộc sống đời thường gắn kết với chốn làng quê yên bình hay cuộc sống mưu sinh, những cách kết hợp ngẫu hứng bằng những ý tưởng mới lạ, cảm xúc tạo hình là một bố cục tranh hiện đại, gần gũi với các nghệ sĩ đương đại.
Lối mòn, Bảo Tân, khắc kẽm, 40x35cm, 2014 Tác phẩm Lối mòn (khắc kẽm, 2014) của họa sĩ Bảo Tân thu hút người xem bởi những mảng màu huyền ảo. Tác phẩm được tác giả sử dụng phương pháp khắc một nửa trừu tượng, một nửa có vẻ như chịu ảnh hưởng đôi chút của hội họa siêu thực với các hình thể biến đổi trên các tầng lớp không gian không theo một trật tự của tự nhiên nào. Điều này khiến cho bức họa vừa có cảm giác thu hút thị giác, vừa hấp dẫn người xem. Những tác phẩm khác của Bảo Tân cũng thể hiện phong cách biểu đạt không gian đa diện rất riêng, các tác phẩm khắc kẽm như là: Tình ca (2004), Phía sau bầu trời, Qua mùa giông bão, Đợi, Sinh tồn (2013)…
Tác giả Nguyễn Ngọc Vinh là họa sĩ tiên phong trong sử dụng chất liệu Inox để sáng tác tranh khắc kim loại với kích thước lớn. Cùng sự am hiểu về công nghệ và tận dụng nguyên lý ăn mòn kim loại tối đa. Ngọc Vinh khai thác không gian đa chiều trong các tác phẩm của họa sĩ. Không gian tiêu biểu tác phẩm Giai điệu (khắc inox, 2018) như những bản nhạc hòa tấu đầy cung sắc, những hình thể dường như được chuyển động tạo hiệu ứng thị giác độc đáo. Không gian ấy phản ánh lẽ tự nhiên trong suy nghĩ và tình cảm của cá nhân tác giả nhưng đồng thời nhất quán trong việc xây dựng hình thể, hình tượng và ngôn ngữ biểu đạt trong các tác phẩm khác cũng bằng chất liệu inox của Nguyễn Ngọc Vinh như: Mantis, Đường ray… Biểu hiện sự ám ảnh, những cuộc phiêu lưu trong những giấc mơ của chính bản thân tác giả hay cơn mê, đắm chìm vào thế giới tưởng tượng của chỉ riêng tác giả. Sự đi tìm lời giải cho những trăn trở tinh thần của họa sĩ, cho đời sống khát khao bộc lộ cái tinh thần là vô tận.
– Thứ hai, không gian ước lệ trong ý niệm tạo hình
Loại không gian ước lệ theo ý niệm của triết lý phương Đông, trong tác phẩm không sao chép chân thực cảnh vật, mà vẽ qua sự cảm nhận về hình thể, thiên về tả ý, tả tình, khai thác những tình cảm trong tâm hồn, do vậy hình tượng nghệ thuật trong tranh vừa thực vừa hư, vừa hư vừa thực. Cách thể hiện của thể loại tranh này chủ yếu theo phối cảnh ước lệ, không gian được tạo nên qua các lớp cảnh, nhằm biểu đạt triết lý, tâm niệm của con người được gửi gắm, tạo nên chiều sâu, đồng thời tạo một không gian cho người xem suy tư và liên tưởng.
Khi Đồ họa Việt Nam hiện đại được hình thành cách thể hiện về không gian này tiếp tục được phát huy rõ nét qua các tác phẩm tranh khắc kim loại, những khung cảnh và hình tượng nghệ thuật có sự thay đổi, mang hơi thở của thời đại mới. Như vậy, ở không gian ý niệm ngoài việc diễn tả chiều thứ ba của không gian còn gợi đến sự liên tưởng, khai thác tình cảm nội tâm con người.
Trong bộ tác phẩm Trong cõi nhân gian (khắc kẽm, 1996) của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2001-2005 đã đưa đến cho công chúng thưởng lãm một bộ tranh kỳ công gồm 4 bức: Phượng, Rồng, Đường lên chùa Qui và Thả diều Lân thu hút bởi gam màu cam nóng. Tính tượng trưng thể hiện trong không gian hoài cổ khá rõ ràng và đầy ngụ ý trong cụm tác phẩm này.
Tác phẩm Mây trong thành phố 1&2 (khắc kẽm, 2013) của tác giả Vũ Xuân Tình mang hơi thở nghệ thuật đương đại mà các nghệ sĩ thường trăn trở. Họa sĩ in khắc trên kẽm với lối khắc đơn giản, tuy nhiên với lối in tương đối cầu kỳ với những chi tiết thay đổi từ ý tưởng những người lao động ngủ tạm trên xe gắn máy, xung quanh là những vần mây kỳ lạ, cảm giác với những hình thức vừa lạ lẫm cũng vừa đặc biệt. Tất cả thể hiện sự quan tâm đến những biến động xã hội, những trăn trở về cuộc sống trong tâm tưởng tác giả. Cuốn hút với những đường nét trang trí uốn lượn tần tảo nhưng bình dị của những người lao động chân chất. Tác giả đem đến cho người xem cảm nhận của một người xa quê sau một hành trình dài tìm về những hình ảnh chân chất vô cùng mộc mạc, duyên quê. Cảnh diễn tả những người phụ nữ làng nón đang hối hả đưa hàng ra chợ sớm trong khung cảnh ngày mùa thật đẹp. Một gam màu nóng ấm ở trọng tâm với những tia hy vọng ngày chợ tấp nập. Cách phối hợp màu sắc, ánh sáng thông minh hài hòa với sự chọn lựa phông nền gam lạnh làm cho đối tượng được thể hiện trong tranh của họa sĩ Thanh Dung trở lên sống động, có hồn khiến người xem thấy gần gũi, dễ hiểu, quen thuộc với cuộc sống… Người xem dẫu chỉ thoáng qua cũng đủ cảm nhận được những kỳ công của họa sĩ khi thể hiện từng đường nét, khắc họa từng mảng màu bằng bút pháp nghệ thuật hiện thực thông qua lối phô diễn tốt không gian xa gần.
Phùng Quảng Đông cũng là một trong những người truyền lửa cho tranh khắc kim loại Việt Nam. Tác phẩm Lò gạch Sa Dec (khắc đồng, 2016) vẽ về một cái lò gạch dường như bị bỏ hoang cây cối mọc lên thành gò – một cảnh tượng hoài cổ, đượm buồn. Trong tác phẩm này tác giả chỉ sử dụng bốn lớp màu chủ đạo. Kỹ thuật in khắc đồng đã phát huy ưu thế của mình khi diễn tả chiều sâu không gian, nhiều lớp nét, sắc độ chồng chéo mà vẫn trong trẻo, tinh tế và rõ nét. Ở một bức tranh khác cũng về phong cảnh như bức Chiều tàn (khắc đồng, 2016) họa sĩ có điều kiện thể hiện sự bay bổng trong diễn chất nền trời tinh tế. Các nền màu trời nhạt với nhiều sắc độ tạo ra một khung cảnh nhẹ nhàng, một cảm giác hiện thực. Hai tác phẩm của Phùng Quảng Đông là sự kết hợp kỹ thuật nhuần nhuyễn với lối thể hiện không gian viễn cận hiệu quả. Với khả năng quan sát tinh tế, tài tình và kỹ thuật in khắc vững vàng, khả năng chuốt nét điêu luyện Phùng Quảng Đông đã chuyển tải được không gian sinh động từ cuộc sống thực vào trong tác phẩm và làm hấp dẫn, lôi cuốn người xem.
Trương Quốc Thịnh cũng diễn tả hiện thực qua tác phẩm Toa tàu số 7 (khắc đồng, 2005) với lối nhìn đơn nét về hình thái. Tác giả chỉ sử dụng thủ pháp khắc họa qua không gian bằng những mảng đen và màu đơn sắc nhưng lại đem đến cảm giác êm dịu. Đó là một cái nhìn hoàn toàn mới về chất liệu, nó không quá khắc khe và khó tính dù là diễn tả về không gian của hiện thực.
Bộ tác phẩm Bình yên (khắc đồng, 2014) là hai bức khắc kim loại với chất liệu đồng của họa sĩ Trần Thị Như Hải với các màu chủ đạo là vàng, lam, xám, bố cục vững chắc. Những chiếc thuyền của ngư dân được miêu tả khá chi tiết. Tất cả hình mảng, đường nét được trau chuốt sinh động nhưng vẫn mang đến cảm xúc chân thực, mộc mạc, yên bình. Kết hợp với hình ảnh những chiếc thuyền neo đậu ở phía xa xa, những vần mây hiền hòa được tác giả thực hiện với những nét khắc mềm mại, uyển chuyển. Vũng nước đọng nơi bãi đất mà những chiếc thuyền neo đậu cũng vô tình tạo cho người xem nhiều cảm xúc về không gian hiện thực chân thật. Chính bởi màu sắc, mảng khối mây nước nhẹ nhàng đun tạo cho bức tranh thêm phần giản dị và làm nổi bật những hình ảnh thuyền bè ở trung tâm.
Họa sĩ Phan Văn Đình cũng khai thác đối tượng là động vật với những cá tính riêng biệt qua xu hướng hiện thực khá rõ nét. Tác phẩm Lối về 1 và Lối về 2 (khắc đồng, 2015) của tác giả với đường nét mềm mại, sử dụng trong màu xanh lạnh là chủ đạo. Thêm vào đó là những màu vàng, lục hòa quyện vào khiến cho bức tranh thêm phần tình cảm ấm áp. Không gian là những mảng màu trầm nhẹ nhàng làm nổi bật hình tượng chính của bức tranh. Ánh sáng vàng làm nổi bật trọng tâm của tác phẩm. Một cách thức đơn giản để tạo ra sự hài hòa và cân bằng là lặp lại màu sắc tương tự, nhưng theo sắc độ và những cường độ khác bằng cách bày trí ở những phần khác nhau của tranh làm cho bức tranh thêm sống động và có chiều sâu không gian. Với những đường nét thật mềm mại, màu xanh rêu được sử dụng làm chủ đạo thêm vào đó là màu nâu hòa quyện vào nhau khiến cho bức tranh của họa sĩ Phan Văn Định thêm phần tình cảm, ấm áp. Không gian là những mảng màu trầm nhẹ nhàng làm nổi bật hình tượng chính của bức tranh, ánh sáng màu vàng làm nổi bật phần chính của tác phẩm.
– Thứ ba, không gian phối hợp đa chiều
Loại không gian phối hợp, không gian đa chiều dựa trên quy luật của thực tế được người họa sĩ kết hợp nhiều góc nhìn, điểm tụ, nó là sự kết hợp của cả thực tế và phi lý, hoặc nhiều không gian cùng diễn ra trong một tác phẩm để diễn tả hết ý tứ mà người họa sĩ muốn dãi bày như không gian trong các tác phẩm tranh khắc kim loại của xu hướng bán trừu tượng, siêu thực [2]. Các hình thể trong tranh được dựng lên ở nhiều góc nhìn khác nhau trên một mặt phẳng. Cũng có tác phẩm là sự thể hiện liên hoàn một hình thể để tạo hiệu quả về không gian và thời gian, hoặc đồng hiện hóa sự vật, sự việc ở nhiều thời điểm khác nhau trong tranh. Những tác phẩm này, hiệu quả mang lại là sự biểu cảm của nhiều hình tượng nghệ thuật diễn ra cùng một lúc, tạo cảm xúc mạnh.
Rõ ràng cuộc sống thay đổi, nghệ thuật cũng có sự chuyển động, chưa bao giờ các họa sĩ chịu tác động hoàn toàn từ cuộc sống hiện thực. Khá nhiều họa sĩ đồ họa tìm những thay đổi thẩm mỹ trong sáng tác tranh khắc kim loại để giải tỏa cảm xúc. Xu hướng bán trừu tượng và siêu thực là một trong những dải đất rộng để các tác giả linh hoạt biểu tượng ý nghĩa cảm xúc cá nhân. Với chất liệu khắc kim loại, đã có một số tác phẩm đẩy được ý niệm rõ nét, xuất hiện của vần mây vừa mang tính trừu tượng vừa mang một chút biểu hiện từ hai hình tượng chính. Tranh của Vũ Xuân Tình với những ý niệm, sự lần mò của cá nhân trong thế giới, có đôi phần khó hiểu, hay chính tác giả mới hiểu rõ nhất. Tuy nhiên, lại đem đến một sự tò mò lạ lùng mà buộc người xem dừng lại nhìn chính mình. Tác phẩm Ký ức mùa lũ (khắc kẽm, 2004) của họa sĩ Hoàng Hải Thọ tại triển lãm Mỹ thuật đổi mới là một trong những tác phẩm để lại ấn tượng cho người xem. Đây là một tác phẩm có khả năng gợi mở câu chuyện rộng lớn hơn về số phận của cánh đồng cũng là số phận người nông dân trong một bối cảnh xã hội đang đổi thay từng ngày thiên tai khí hậu đặc biệt là lũ lụt miền Trung. Với lối nhìn được cô đọng trong hình tượng các nhân vật, họ vẽ mỗi bộ phận cơ thể bằng những nét khái quát nhất về hình thái như để nhấn mạnh những đặc tính quan trọng của nhân vật. Song điều này khiến cho người xem liên tưởng đến không gian và sự vận động của nhân vật trong không gian.
Không gian ước lệ trong tranh khắc kim loại chỉ tiếp nhận được bằng sự suy tưởng hay hình dung trong ý thức, tư duy của người xem. Do đó không gian ước lệ trong ý niệm cũng được xem là không gian lý trí. Phối cảnh không gian ý niệm trong tranh không hoàn toàn là không gian ảo, nó có thể truyền đạt những điều ta trông thấy, cảm thấy hoặc chỉ phảng phất trong ý niệm tùy theo cách nhìn, cách nghĩ của người sáng tác, có hai lối nhìn hường ngoại và hướng nội: Hướng ngoại là nhìn ra thế giới bên ngoài để thu nhận thông tin qua con đường thị giác; hướng nội là nhìn vào bên trong để suy ngẫm về sự hiện hữu của nhân sinh thông qua những mối liên tưởng, liên hệ. Từ nhiều cách biểu hiện phối cảnh không gian khác nhau, thậm chí trong tranh nhiều khi còn những mảng trống mà ta thấy như là họa sĩ không can thiệp đến một đường nét dù chỉ rất đơn giản.
– Thứ tư, không gian biểu đạt cảm xúc tạo hình
Không gian trong tranh khắc kim loại là yếu tố tạo hình phong phú, đem lại hiệu quả nhất định trong tác phẩm tranh khắc kim loại, không gian ngoài việc diễn tả đúng khung cảnh, phù hợp với quy luật khách quan thì còn biểu hiện cảm xúc, sắc thái và tâm lý của tác giả gửi gắm tới người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật đồ hoạ tạo hình. Không gian trong tranh tranh khắc kim loại do đó là phương tiện gợi nhiều cảm xúc. Như vậy, cách thể hiện cảm xúc thông qua không gian trong tranh khắc kim loại này đã được họa sĩ sử dụng chủ yếu cho tác phẩm về thiên nhiên, con người. Xuất hiện rất rõ trong không gian nghệ thuật khi khoảnh khắc của thiên nhiên, con người trong không gian gợi đến cảnh thanh bình như tác phẩm Góc phố Hội An (khắc kẽm, 2017) của tác giả Đỗ Thị Bích Huyền, tác phẩm Một góc chung cư (khắc đồng, 2012) của tác giả Phan Thanh Hải, tác phẩm Ba con trâu (khắc kẽm) của Nguyễn Huy Khôi… Yếu tố không gian trong tranh khắc kim loại vì lẽ đó vừa là phương tiện để họa sĩ đồ họa truyền tải thông điệp nội dung chủ đề trọn vẹn, vừa biểu đạt tâm lý, trạng thái cảm xúc cá nhân hiệu quả. Điều đó hoàn toàn phù hợp với tâm lý, văn hóa, nghệ thuật truyền thống, đem lại sự gần gũi trong tâm lý người Việt.
Trong tác phẩm Thuyền về (khắc kẽm màu, 2011) của Nguyễn Duy Vĩnh được tả thực gần như tái hiện lại toàn bộ cảnh sinh hoạt vùng biển. Với đôi mắt quan sát sắc sảo, trái tim nhạy cảm, bức tranh vẽ lên trước mắt chúng ta khung cảnh người lao động đang ăn bữa cơm vội trên thuyền thúng với những màu sắc huyền ảo và cuốn hút vô cùng, màu vàng của ánh nắng lúc bình minh phản chiếu trên những bãi cát, trên cơ thể rắn rỏi người dân chài, ánh sáng và màu sử dụng trong bức tranh là ánh sáng ngược, màu của thời gian và không gian chiếu từ góc xéo bên phải len lỏi vào từng vật dụng dân chài tạo ấn tượng phong phú cho cảnh sắc nhưng lại rất chân thực và đầy cảm xúc.
Tác phẩm Lạng Sơn (khắc kẽm, 2009) của Cao Thanh Sơn thể hiện khả năng xử lý linh hoạt của không gian trên chất liệu kẽm bằng hệ thống nét. Các tác phẩm của họa sĩ sử dụng chủ yếu nét mảnh nét dày, nét ngang, nét dọc và nét nghiêng. Diễn chất rất ít nhưng bằng sự sắp xếp, chuyển đổi của hệ thống nét vẫn thể hiện được đầy đủ cảm xúc nội tâm của người họa sĩ. Những nét song song tạo mảng phần cứng của mái nhà, khung cửa, song sắt… nét uốn tạo độ mềm mại của cây cối, mái tranh, khi các nét xô đẩy tạo sự động của không gian. Các nét khắc đều đặn tạo sự tĩnh lặng, nét dày tạo độ đậm, nét thưa tạo độ sáng. Màu sắc trong các tác phẩm cũng được Cao Thanh Sơn đặc biệt chú tâm và lựa chọn tinh tế. Những hòa sắc tác giả sử dụng chủ yếu là hòa sắc đồng điệu, dịu dàng, toát lên cái cảm giác êm ả, hài hòa. Những hòa sắc trầm gợi cảm giác xa xưa, cũ kỹ của khung cảnh vùng quê ở Lạng Sơn thật yên bình. Chính những cảm xúc thực sự tạo sự chủ động, tư tưởng thoải mái để họa sĩ Thanh Sơn diễn đạt không gian. Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy rằng, yếu tố không gian trong tranh khắc kim loại là phương tiện để họa sĩ truyền đạt tâm lý, trạng thái cảm xúc cá nhân hiệu quả.
4. Kết luận
Qua phân tích về không gian nghệ thuật trong các tác phẩm tranh khắc kim loại ở các chất liệu đồng, kẽm, inox cho thấy, không gian nghệ thuật là một trong những yếu tố quan trọng nhất của tác phẩm tranh khắc kim loại, nó đem lại tinh thần chung cho tác phẩm. Là sự kết hợp của yếu tố tạo hình và sự chủ động của người họa sĩ khi diễn tả cảnh vật, nhân vật, sự vật gợi về cái đẹp khiến người thưởng thức nghệ thuật phải hưng phấn, rung động, qua đó đưa trạng thái tâm lý đến họ. Tác phẩm tranh khắc kim loại hoàn chỉnh được xem là một chỉnh thể mà bên trong nó hàm chứa nhiều yếu tố khác nhau thể hiện sự đa dạng, tính biến hóa. Sự hòa hợp của không gian trong tác phẩm nghệ thuật thể hiện được sự hợp nhất bởi nhiều yếu tố khác nhau cùng hòa điệu trong đó. Không gian trong tranh khắc kim loại cho người xem thưởng thức, tư duy để diễn giải ý tưởng của tác giả thông qua tạo hình tác phẩm.
Yếu tố không gian phụ thuộc vào khả năng, tư duy và kỹ thuật xử lý chất liệu của người họa sĩ được thể hiện trên tác phẩm tranh khắc kim loại, nó cụ thể hóa bằng sự sắp xếp bố cục, vị trí, mật độ to – nhỏ, dài – ngắn… của hình thể, màu sắc, đường nét, hình khối, đậm nhạt, chất cảm… để tạo nên hiệu quả ba chiều trên mặt phẳng hai chiều. Yếu tố không gian trong tranh khắc kim loại có được là do sự liên kết chặt chẽ các mối quan hệ tạo hình cùng với khả năng vận dụng kỹ thuật chế bản của các hoạ sĩ đồ hoạ. Thực tế cho thấy, tranh khắc kim loại Việt Nam đã đạt được một số hiệu ứng tạo hình nhất định, thông qua tác phẩm tranh khắc ở các chất liệu đồng, kẽm, inox cho thấy, không gian hỗ trợ tạo ra chiều sâu về nội dung và sự phong phú cho hình thức thể hiện, biểu hiện qua hiệu quả của các yếu tố tạo hình. Điều làm nên thành công này nằm ở khả năng khơi gợi, đánh thức sự liên tưởng thẩm mỹ thông qua không gian tạo hình tác phẩm của các họa sĩ đồ họa Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Nghĩa Phương (2002), Những đặc trưng của tranh khắc trong liên hệ với thực tế tranh đồ họa Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật, số 2, tr. 42-43.
2. Nguyễn Nghĩa Phương (2018), Xu thế mở trong sáng tác tranh in, Tạp chí Nghiên cứu Mỹ thuật số 1 (17), tr. 4-15.
3. Nguyễn Nghĩa Phương (2013), Tranh in lõm – tên gọi và các kỹ thuật thể hiện, Tạp chí Mỹ thuật nhiếp ảnh số 1 +2, Nxb Tài nguyên – Môi trường và Bản đồ Việt Nam.
4. Đinh Nhật Tân (2005), Tranh đồ họa đương đại nguồn cảm hứng sáng tạo, Khóa luận tốt nghiệp khoa Đồ họa – Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
5. Nguyễn Thy (2017), Ảnh hưởng của kỹ thuật chế bản đối với giá trị nội dung – nghệ thuật của tranh khắc kim loại, Khóa luận tốt nghiệp khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
Nguồn: Giáo dục Nghệ thuật, số 39, năm 2021
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Hình ảnh: Quý độc giả vui lòng xem tệp PDF đính kèm bên dưới.
Download file (PDF): Không gian trong tranh khắc kim loại Việt Nam (Tác giả: Trầm Thị Trạch Oanh) |