KHỦNG HOẢNG SINH THÁI VÀ CÁC BÀI HỌC VỀ CHẤN THƯƠNG TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
LÊ TÚ ANH
(Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trường Đại học Hồng Đức)
1. Mở đầu
Trong các nguy cơ đưa tới khủng hoảng sinh thái, chiến tranh là thứ không gì khủng khiếp hơn. Chiến tranh vừa phá vỡ/hủy diệt sinh thái tự nhiên, vừa gây nên những sang chấn tinh thần ghê gớm và để lại di chứng nặng nề. Không chỉ trong đời sống lịch sử, xã hội mà trong văn học, vấn đề này cũng đã được thể hiện rất rõ. Từ góc nhìn phê bình sinh thái và lý thuyết chấn thương, bài viết phân tích một số tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại phản ánh đề tài chiến tranh, qua đó hy vọng đưa tới những cảm nhận cụ thể hơn về hậu quả và những di chứng nặng nề mà chiến tranh để lại trong cuộc sống con người. Một số vấn đề lý thuyết liên quan đến phê bình sinh thái chúng tôi tham khảo từ tài liệu: Văn học sinh thái và lý luận phê bình sinh thái, Đỗ Văn Hiểu dịch từ cuốn Đương đại Tây phương tối tân văn luận giáo trình của Vương Nhạc Xuyên. Một số vấn đề liên quan đến lý thuyết chấn thương chúng tôi tham khảo từ các tài liệu của Amos Golbberg và Cathy Caruth. Các tác phẩm được phân tích ở đây là: Đất (Ngọc Giao), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng).
2. Phân tích
Môi trường sinh thái được hiểu là môi trường mà ở đó các sinh vật được sống như là chính nó. Trong vũ trụ, con người là sinh vật phức tạp nhất. Ngoài đời sống tự nhiên, con người còn có phần đời sống xã hội, đời sống tinh thần, tâm linh vô cùng phong phú. Bởi vậy, môi trường sinh thái để con người sống cho ra con người không chỉ bao gồm những điều kiện tự nhiên, mà còn cả các điều kiện xã hội, văn hóa, tinh thần,… Theo đó, nguy cơ sinh thái của con người không chỉ là thảm họa thiên nhiên, ô nhiễm môi trường nước, không khí, tiếng ồn, thức ăn,…; mà cả những điều kiện bất lợi cho đời sống tinh thần. Có rất nhiều nguy cơ sinh thái tinh thần trong sự sống của con người, chẳng hạn: sự thay đổi môi trường sống, chiến tranh, ly tán, mất người thân, bị hắt hủi/ngược đãi, bị đọa đày, bị xúc phạm nhân phẩm, bị ép buộc, cấm đoán,… Tuy vậy, lâu nay, những nguy cơ về sinh thái tự nhiên vẫn được quan tâm hơn, được xem như là yếu tố quan trọng nhất, có những ảnh hưởng mang tính chất quyết định đối với sự sống của con người. Chính vì thế tuy khái niệm “sinh thái học” (ecology) được đề xuất từ khá sớm, nhưng thời đại văn học sinh thái của nhân loại mãi đến nửa sau thế kỷ XX mới chính thức hình thành.
Khảo cứu văn học Việt Nam hiện đại, chúng tôi nhận thấy, ngay từ đầu thế kỷ XX, những tiếng kêu cứu cho con người đã khẩn thiết cất lên xuất phát từ những nhìn nhận sâu sắc về bản chất con người và các căn nguyên khủng hoảng sinh thái ảnh hưởng đến đời sống của họ. Trong các nguyên nhân đưa tới khủng hoảng sinh thái của con người Việt Nam trong thế kỷ XX, chiến tranh là nguyên nhân chính, là căn nguyên của nhiều nỗi đau khổ, nhiều chấn thương tinh thần không dễ xoa dịu. Bởi thế các diễn ngôn về chấn thương/khủng khoảng sinh thái do chiến tranh đã xuất hiện khá nhiều.
2.1. Tiểu thuyết Đất của Ngọc Giao
Đất được viết năm 1949, được đăng nhiều kỳ trên các báo Lẽ sống, Lên đường, Công tội và được Nhà xuất bản Cây thông xuất bản lần đầu năm 1950. Đất thuộc trong số những tiểu thuyết quan trọng của Ngọc Giao, là một khám phá sâu sắc, mới mẻ của ông về thân phận người nông dân, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh.
Ngữ cảnh sinh thái trong tiểu thuyết này là cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp vào đất nước ta. Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết là Xã Bèo – một người nông dân cần cù, lam lũ, yêu đất hơn cả sự sống của chính mình. Xã Bèo xuất thân nghèo túng, nhờ chăm chỉ và ra sức dành dụm, chắt bóp, lại thêm “được mồ được mả ra sao” (được phù hộ của tổ tiên) mà mới có một năm trời trở lại (trong khoảng gần một năm) đã tậu được vài sào ruộng tốt, mua được con trâu, ngâm bè tre và nay lại mới tậu được thêm mảnh vườn nữa. Nhưng niềm vui chưa kịp hưởng, Xã Bèo đã nhìn thấy lửa chiến tranh cháy đến làng mình. Cảnh tượng ấy làm cho Xã Bèo vô cùng khiếp sợ, đau đớn. Ngay lập tức, Xã Bèo hình dung ra một tương lai của sự hủy diệt: tất cả các sinh mệnh rồi sẽ chết.
Sự tàn phá, hủy diệt các sinh mệnh của bom đạn chiến tranh đã dẫn tới một sự phá vỡ nghiêm trọng môi trường sống của con người. Xã Bèo sau khi tự đốt nhà mình đã dắt díu mẹ già, vợ ốm, con thơ,… tìm nơi lánh nạn. Trong cuộc thiên di đầm đìa nước mắt, vợ chồng Xã Bèo đã chứng kiến một cảnh tượng loạn lạc, hoang tàn chưa từng thấy. Mặc cảm bơ vơ, lạc lõng, sợ sệt in hằn trên mỗi dấu chân đặt lên đất khách và vỡ oà thành tiếng khóc nhớ nhà, nhớ quê nức nở trong lòng. Nhưng điều làm cho Xã Bèo khổ sở nhất là nỗi nhớ đất quay quắt trong lòng. Hơn một năm trời ở miền rừng sâu núi thẳm, không chịu đựng nổi cảnh bệnh tật, đói khát, cộng thêm nỗi nhớ quê nhớ đất cồn cào, gia đình Xã Bèo lại dắt díu nhau hồi cư. Trở về khi làng cũ đã chuyển thành vùng bị địch chiếm đóng, Xã Bèo chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát trong đau xót. Cuộc sống ở vùng bị địch chiếm đóng vừa đói khát, thiếu thốn, vừa nghẹt thở vì súng đạn, bắt bớ, cướp bóc,… khiến sự sống của con người thường xuyên bị đe dọa. Nhưng vì yêu đất, vì muốn gắn bó với đất, Xã Bèo cam chịu sống trong sự kìm kẹp. Cuối cùng thì con trâu – con vật mà Xã Bèo “sống vì nó, với nó, cũng như anh ham sống, cần sống với cha mẹ, vợ con” – cũng bị lính tề cướp mất, vợ chồng Xã Bèo đau đớn đến phát điên. Lại phải bỏ làng đi, nhưng không thể rời xa đất, Xã Bèo xót xa nhìn vợ thay trâu rỏ nước mắt vào lòng đất mà không khóc nổi vì không còn nước mắt.
Từ tiểu thuyết này có thể thấy, chiến tranh chính là một loại căn nguyên của thảm họa sinh thái. Chiến tranh không chỉ tàn phá sinh thái tự nhiên, mà còn hủy diệt nghiêm trọng sinh thái tinh thần của con người. Quá nhiều nước mắt của vợ chồng Xã Bèo đã rớt xuống. Nói cách khác, đọc tác phẩm, chỉ cần thống kê những tiếng khóc của Xã Bèo là đủ thấy chiến tranh đã đày đọa sự sống của người ta khủng khiếp thế nào. Luận điểm này càng được xác tín nếu ta đọc thêm các sáng tác cùng thời cùng viết về chủ đề này, như truyện ngắn Làng của Kim Lân chẳng hạn. Các nhân vật như Xã Bèo (Đất), ông Hai (Làng) thấm thía hơn ai hết nỗi thống khổ mà chiến tranh đã đưa tới. Bởi vậy, các tác phẩm này cảnh báo con người về một đạo đức sinh thái: Vì sự sống bình yên của các sinh mạng, hãy chấm dứt mọi sự hủy diệt, nhất là hủy diệt bằng bom đạn chiến tranh.
2.2. Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh
Nỗi buồn chiến tranh là tiểu thuyết của Bảo Ninh, xuất bản lần đầu năm 1990 và lập tức trở thành một hiện tượng trong đời sống văn học ở Việt Nam. Tác phẩm đã nhận được nhiều tặng thưởng, giải thưởng và được đánh giá là “cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam”. Tuy vậy, từng có thời gian tiểu thuyết này bị cấm phát hành. Năm 2005, tác phẩm xuất hiện trở lại bởi Nhà xuất bản Hội Nhà văn với tên gọi Thân phận của tình yêu. Hiện tại, nó được gọi bằng tên gọi nguyên thủy: Nỗi buồn chiến tranh. Tác phẩm đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, được ca ngợi ở nhiều nước và trở thành niềm tự hào của nền văn học Việt Nam.
Ngữ cảnh sinh thái của Nỗi buồn chiến tranh là cuộc xâm lược của đế quốc Mỹ vào nước ta từ sau chiến tranh Đông Dương kết thúc và cuộc sống thời hậu chiến của những người từng tham gia chiến trận. Vậy nên, nếu tiểu thuyết của Ngọc Giao chỉ đề cập đến hậu quả trực diện của khủng hoảng sinh thái, thì tiểu thuyết của Bảo Ninh còn đề cập đến những di chứng nặng nề từ sau khủng hoảng ghê gớm đó.
Cũng giống như trong tiểu thuyết của Ngọc Giao, chiến tranh đã phá vỡ nghiêm trọng môi trường sống bình yên của con người. 17 tuổi, còn trên ghế nhà trường, Kiên đã phải từ bỏ giấc mộng thi cử, từ biệt người con gái xinh đẹp đã gắn bó suốt một thời thơ ấu với bao nhiêu tình cảm mến thương âu yếm của tuổi học trò để vào Nam chiến đấu. Cảm nhận về giờ phút chia lìa, với Kiên, như là một nhắt dao cắt vào lòng. Nhưng đó là nỗi đau có thể nguôi vơi cùng với thời gian. Những tác động trực tiếp của bom đạn, của chiến trường mới thực sự tạo nên những chấn thương tinh thần quá sức chịu đựng để rồi sau cuộc chiến tranh ấy Kiên “dường như chẳng còn ở trong một “kênh” với mọi người”. Bởi vậy, cuộc chiến của dân tộc vừa kết thúc, Kiên, lập tức phải đối mặt với cuộc chiến trong lòng mình. Ra khỏi cuộc chiến nhưng Kiên không sao dứt khỏi những ám ảnh về nó. Những hình ảnh về chiến tranh gợi ra những cảm xúc đau đớn, hãi hùng, tuyệt vọng, nhớ tiếc, xót xa,… – những kinh nghiệm chấn thương – đã tái diễn một cách không thể kiểm soát được suốt quãng đời còn lại của Kiên.
Như vậy, chiến tranh, dù ở đâu và bằng cách nào, đối với Kiên vẫn là một sự tác động vượt ngưỡng của hoàn cảnh, tạo nên những chấn động tinh thần quá sức chịu đựng. Nhưng ngay tại thời điểm “bị thương”, Kiên đã chưa thể hình dung hết ý nghĩa của nó. Các vết thương nhanh chóng bị “đàn áp” bởi tiếng gọi của niềm khát khao sống mãnh liệt. Chỉ đến khi rời khỏi cuộc chiến tranh, sau nhiều nỗ lực hòa giải và hàn gắn vết thương không thành, Kiên mới nhận thấy hết bộ mặt quái vật của nó. Theo lý thuyết của Cathy Caruth, Kiên chính là kiểu nhân vật chấn thương điển hình, là hình ảnh cô đọng nhất về chấn thương trong văn học Việt Nam thế kỷ XX. Có lẽ vì thế một phần mà Nỗi buồn chiến tranh đã được đưa vào chương trình giảng dạy đại học ở Mỹ và được nhiều người Mỹ biết đến như là cuốn sách duy nhất của người Việt về chiến tranh Việt Nam.
2.3. Tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng
Đoàn Minh Phượng có nhiều năm sống ở Đức và hiện tại đi về giữa Việt Nam và Đức. Tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng được xuất bản lần đầu năm 2006 bởi Nhà xuất bản Trẻ và là cuốn sách duy nhất được nhận giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007.
Chấn thương xảy ra đối với An Mi (Và khi tro bụi) cũng bắt đầu từ một cú va chạm vượt ngưỡng với hoàn cảnh. Đó là khi một đứa bé bảy tuổi hoảng sợ tới mức “gần ngất đi” vì trong tay ôm xác mẹ mà trên không “đạn đang tiếp tục rú những tiếng kinh hoàng”. Trốn chạy khỏi cảnh tượng hãi hùng ấy như một bản năng sinh tồn, An Mi (lúc nhỏ tên là An) đã bỏ lại con bé em ba tuổi với tiếng kêu cứu yếu ớt mà liền ngay sau đó, tất cả bị chìm trong quên lãng bởi một trí nhớ còn quá non nớt. Cũng bởi một trí não non nớt, tại thời điểm đó, An Mi hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của hành động “trốn chạy” này. Cuộc sống mới tại một đất nước xa xôi/xa lạ đã khiến mọi kỷ niệm của An Mi chìm sâu vào ký ức. An Mi trở thành con nuôi của một gia đình người Đức, An Mi như tìm lại được tổ ấm của mình. Rồi một ngày, người cha nuôi nổ súng tự sát trong nhà thờ, trong mắt mẹ nuôi, An Mi là thủ phạm. Không chỉ mất đi “tình yêu quan trọng nhất đời”, để xóa được tội lỗi, An Mi đồng thời xóa hết mọi kỷ niệm êm đềm. Nhưng đòn “chí mạng” đẩy An Mi đi tìm cái chết là sự ra đi đột ngột của người chồng vì tai nạn giao thông. Tuy nhiên, một sự thức nhận bản thể sâu sắc đã không cho phép An Mi không biết mình là ai trước khi tìm đến cái chết. Trên hành trình kiếm tìm bản thể, An Mi (tưởng) như đã thấy mình trong cuộc đời bất hạnh của Michael – người trực đêm khách sạn – qua cuốn nhật ký lạ lùng của anh ta, trong cuộc đời Marcus – một đứa trẻ 7 tuổi mắc chứng PTSD rất nặng. Nhưng kết thúc hành trình hơn hai năm tìm kiếm nhọc nhằn, An Mi vẫn không sao xóa được cảm giác bất an, nỗi đau thương tinh thần chuyển hóa thành đau đớn nhục thể. Trong giờ phút cận kề cái chết, những ký ức xa xăm đã trở về, nói cho An Mi biết rằng cô vốn là một đứa trẻ mồ côi, đến từ một đất nước có chiến tranh.
Như vậy, với An Mi, chiến tranh cũng là cú va đập quá dữ dội và khốc liệt, tạo nên những sang chấn tâm lý nặng nề. Nhưng kinh nghiệm chấn thương trong trường hợp này lại không phải là những nỗi sợ hãi, đau đớn, nhức buốt gặm nhấm tâm can sau thời kỳ “ủ bệnh” trong quên lãng như Kiên (Nỗi buồn chiến tranh), mà “di căn” thành cảm thức lạc loài, lạc điệu, thiếu quê hương. An Mi luôn cảm thấy mình đã bị bật ra khỏi gốc rễ, không biết đâu là cội nguồn. Câu hỏi hiện sinh Tôi là ai? cũng vang lên nhói buốt chính từ cảm thức đó. Như vậy, dù không trực diện đề cập đến đề tài chiến tranh như tác phẩm của Bảo Ninh, nhưng với những gì Đoàn Minh Phượng thể hiện trong Và khi tro bụi có thể thấy chiến tranh bao giờ cũng để lại những di chứng rất nặng nề trong cuộc sống của con người. Mặc cảm lạc loài của thân phận tha hương (diaspora) giày vò An Mi trong suốt phần đời còn lại trên đất khách là một kiểu di chứng chiến tranh không dễ dàng nhìn thấy. Nhưng đó lại là tâm thức chung của cộng đồng tị nạn người Việt ở nhiều nước, nhất là ở Mỹ, từ sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc cho dù lý do rời bỏ tổ quốc của họ không hoàn toàn giống nhau. Trong bối cảnh rất ít người ở phía bên kia (người Mỹ) muốn hiểu thêm về tiếng nói và trải nghiệm của người Việt để hiểu biết trọn vẹn về chiến tranh Việt Nam, rất nhiều tác phẩm của người Việt và người Mỹ gốc Việt nói về những tổn thương tâm lý do chiến tranh đã ra đời “như một cách sửa chữa sự thiếu hiểu biết này”. Tiếc rằng đa phần trong số đó chưa được dịch ra tiếng Việt để có thể đến gần hơn với độc giả trong nước như Và khi tro bụi.
3. Kết luận
Qua những tác phẩm trên đây có thể thấy, chiến tranh luôn là căn nguyên của những khủng hoảng sinh thái (hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất của nó là bao gồm cả sinh thái tự nhiên và sinh thái xã hội, tinh thần) nghiêm trọng đối với sự sống của con người. Thế nên, chiến tranh cũng là căn nguyên của rất nhiều chấn thương tâm lý mà biểu hiện của nó, (ở mức độ) nhẹ thì là những tiếng khóc than, còn (ở mức độ) nặng nề hơn là di chứng thành những trạng thái mà con người ta không còn là mình hoặc không biết mình là ai nữa. Suốt gần một thế kỷ chịu đựng và trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, đất nước, con người Việt Nam phải chịu nhiều tổn thất ghê gớm. Những tác phẩm về chiến tranh kể trên không chỉ lưu lại những thời đoạn đau thương của lịch sử dân tộc Việt Nam, mà còn luôn hiện diện như những lời nhắc nhở buồn đau mà nghiêm khắc đối với tất cả, rằng: vì sự sống của các sinh mệnh, nhất là sự sống của con người, hãy chấm dứt/từ bỏ mọi cuộc chiến tranh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bảo Ninh. (2005). Nỗi buồn chiến tranh. (in lại). Hà Nội: NXB Hội Nhà văn.
2. Caruth, C. (1991). “Unclaimed experience: Trauma and the Possibility of History”. Yale French Studies, (79), 181-192. Accessed at
https://www.researchgate.net/publication/265273262_Unclaimed_Experience_Trauma_and_the_Possibility_of_History.
3. Caruth, C. (1996). Unclaimed experience: Trauma, Narrative, and History. Baltimore & London: The John Hopkins University Press.
4. Đoàn Minh Phương. (2007). Và khi tro bụi. (tái bản lần 1). Hà Nội: NXB Thanh niên.
5. Goldberg, A. (2006). “Trauma, Narrative and Two Forms of Death”. Literature and Medicine 25, (1), 122-141. Accessed at https://muse.jhu.edu/article/202366
6. Kim Lan. (2002). Làng. (in lại). Hà Nội: NXB Kim Đồng.
7. Ngọc Giao. (1950). Đất. Hà Nội: Cây Thông xuất bản.
8. Nguyen Thanh Viet. (2017). “The Great Vietnam War Novel Was Not Written by an
American”. Accessed at https://www.nytimes.com/2017/05/02/opinion/vietnam-war-novelwas-not-written-by-an-american.html
9. Vuong Nhac Xuyen. (2008). “Ecological literature and Theory of ecological criticism”.
(Translated by Do Van Hieu). Contemporary Ultramodern Western Literature Curriculum.
Shanghai: Phuc Dan University Publishing House.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ IV với chủ đề Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay;
NXB: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh – 2019 (từ trang 821 đến trang 833)
Mời xem thêm bản tiếng Anh:
ECOLOGICAL CRISIS and LESSONS about TRAUMA in MODERN VIETNAMESE LITERATURE
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)