Kinh tế và xã hội người Hoa ở Chợ Lớn vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 (Phần 1)
Tác giả bài viết: NGUYỄN ĐỨC HIỆP
(NSW, Australia)
Chợ Lớn, cách Sài Gòn khoảng 6km, trước đây từng được coi là thủ đô lúa gạo của toàn Đông Dương. Chợ Lớn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nam Kỳ xưa kia và cho đến gần đây. Lịch sử Sài Gòn gắn liền với lịch sử Chợ Lớn.
Chợ Lớn được thành lập trước Sài Gòn. Sài Gòn thật ra là tên trước đây đặt cho khu Chợ Lớn và chính tên Sài Gòn có thể có nguồn gốc từ “Tai Ngon” hoặc “Tin-Gan” (âm Hán Việt là Đề Ngạn, chỉ thành phố gần đê dọc kênh Tàu Hủ) mà người Quảng Đông đọc là “Thầy Ngòn” hay “Thì Ngòn” [22].
Sự thăng trầm của Chợ Lớn trực tiếp gắn liền với lịch sử Việt Nam trong các thế kỷ đã qua. Chủ yếu là trung tâm thương mại, không có quyền lực và ảnh hưởng chính trị, nên Chợ Lớn không được đánh giá đúng mức về tiềm lực văn hóa, kinh tế trong các nỗ lực ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế, hạ tầng cơ sở xứng đáng với tầm vóc của thành phố này, cũng như phát triển văn hóa và bảo tồn các đặc trưng mà con người, trong đó người Hoa và Minh Hương là chủ đạo, đã góp phần tạo thành đặc tính con người văn hóa Nam Bộ.
Người Hoa, đa số từ các tỉnh phía nam Trung Quốc (Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam) đến miền Nam Việt Nam từ thế kỷ 17. Ban đầu người Hoa đến định cư đông đảo ở Hà Tiên, Mỹ Tho và Cù Lao Phố, Biên Hòa. Sau đó, từ Cù Lao Phố, Biên Hòa, người Hoa đã kéo về vùng Chợ Lớn thành lập khu định cư mới vào năm 1778 khi Cù Lao Phố bị Tây Sơn đánh phá. Họ là hậu duệ của những người theo nhà Minh chạy khỏi Trung Hoa thời nhà Thanh, đến miền Nam lập nghiệp ở Cù Lao Phố và Mỹ Tho vào năm 1680 sau khi được chúa Nguyễn cho phép qua chính sách khai khẩn miền đất mới.
Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí [21] nói về vùng Chợ Lớn là nơi phố thị buôn bán sầm uất, sinh hoạt văn hóa, kinh tế nhộn nhịp cuối thế kỷ 18 như sau:
“Phố chợ Sài Gòn:
Cách trấn về phía nam 12 dặm ở hai bên tả hữu đường cái quan, là đường phố lớn, thẳng suốt 3 đường, giáp đến bến sông, một đường ngang ở giữa, một đường đi dọc theo sông. Các đường ấy đan xuyên nhau như chữ điền, phố xá liền mái nhau, người Việt và người Tàu ở chung lộn dài độ 3 dặm. Hàng hóa trong phố bày bán có: gấm, đoạn, đồ sứ, giấy má, châu báu trang sức, hàng sách vở, tiệm thuốc, tiệm trà, tiệm hủ tíu. Hai đầu nam bắc bến sông không gì là không có.
Đầu phía bắc đường lớn của bổn phố có miếu Quan Đế và 3 hội quán: Phúc Châu, Quảng Đông và Triều Châu chia đứng hai bên tả hữu; phía tây ở giữa đường lớn có miếu Thiên Hậu, gần phía tây có hội quán Ôn Lăng, đầu phía nam đường phố lớn về phía tây có hội quán Chương Châu. Gặp ngày tốt, đêm trăng, như Tam nguyên, rằm, mùng một thì treo đèn đặt án, tranh đua kỳ xảo trông như là cây lửa, cầu sao, thành gấm, hội quỳnh, kèn trống huyên náo, nam nữ dập dìu, thật là một phố lớn nơi đô hội náo nhiệt. Trong đường phố lớn có cái giếng xưa, nước ngọt tràn trề, bốn mùa không cạn. Sông nhỏ chảy ngang phố có bắc cầu ván lớn, trên có hai dãy hành lang mái ngói, treo màn che nắng, đường đi râm mát như đi dưới mái nhà cao. Giữa phố về phía đông đường lớn có chợ Bình An bán đủ sản vật quý ở núi biển và thổ sản các nơi, ban đêm còn thắp đèn mua bán”.
Các “sông nhỏ” (rạch) ngày nay hầu hết đã được lấp thành đường phố nhưng các hội quán như hội quán Quảng Đông, Triều Châu, Ôn Lăng và các miếu Thiên Hậu, Quan Đế vẫn còn.
Khi người Hoa từ Cù Lao Phố đến vùng gọi là Chợ Lớn cũ, đã có làng Minh Hương (người Hoa gốc nhà Minh) thành lập trước đó từ năm 1698. Vào năm 1782, quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc chỉ huy vào trở lại đánh thành Phan Yên (Phiên An, thành Sài Gòn sau này) ở Gia Định và sau đó đánh luôn Chợ Lớn khu người Hoa ở, tàn sát họ rất nhiều.(*) Nhưng chỉ một thời gian ngắn, họ lại hồi phục và Chợ Lớn tiếp tục phát triển.
Ngoài Chợ Lớn và Mỹ Tho, vùng đồng bằng sông Cửu Long từ khu vực Sông Tiền và Sông Hậu cho đến Rạch Giá, Hà Tiên là nơi vẫn còn hoang vu thưa dân nên người Hoa cũng đến lập nghiệp rất nhiều. Trong số những lưu dân đến sau này, một số hoạt động trong hội kín Thiên Địa Hội. Đa số người Hoa đến lập nghiệp, ban đầu khai khẩn đất đai, sau đó phát triển làm ăn buôn bán giao thương với các thành phố ở miền nam Trung quốc (Quảng Đông, Phúc Kiến) và các thành phố ven biển ở các nước Đông Nam Á.
Vào thời vua Minh Mạng (1820-1840), chính sách hạn chế giao thương và kiểm soát ngặt nghèo sự giao tiếp với các nước bên ngoài đã làm khó khăn cho sự phát triển kinh tế và thương mại, lãnh vực mà người Hoa rất giỏi và thích ứng.
Biết được điều đó, ngay sau khi Pháp đánh chiếm Sài Gòn, cảng Sài Gòn được Pháp tuyên bố là một cảng mở cho tất cả thương thuyền của mọi quốc gia và khuyến khích ngoại thương, người Hoa ở Chợ Lớn đã hưởng ứng nhanh chóng và đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển và phồn vinh của một nền kinh tế thời mở cửa. Chỉ một vài tháng sau khi cảng Sài Gòn mở tự do, người Pháp đã thâu được lợi nhuận khổng lồ nhờ xuất khẩu gạo từ Chợ Lớn qua Singapore.
Bài này có mục đích mô tả những nét chính về đời sống kinh tế, xã hội của người Hoa ở Chợ Lớn vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 dưới thời Pháp thuộc khi Chợ Lớn bắt đầu lớn mạnh, thật sự trở thành trung tâm thương mại và nền kinh tế của Nam Kỳ.
I. Chính sách và thái độ của Pháp đối với người Hoa ở Nam Kỳ
Từ lúc người Pháp chiếm Nam Kỳ làm thuộc địa, do chính sách khuyến khích phát triển kinh tế của Pháp, người Hoa tiếp tục truyền thống di dân nhiều vào Nam Kỳ. Sau khi nhập cư ở cảng Sài Gòn và Chợ Lớn, đa số họ đều định cư ở vùng Chợ Lớn. Sự tập trung ở Chợ Lớn, cộng với sự cần cù, tiết kiệm không hoang phí, giỏi làm ăn trong kỹ nghệ và trên thương trường của người Hoa chẳng bao lâu đã làm một số người Pháp than phiền và lo ngại.
Hoạt động kinh doanh lúa gạo ở Nam Kỳ đa số nằm trong tay người Hoa. Chính quyền đã khoán một số độc quyền như thuốc phiện cho người Hoa lúc đầu để gia tăng ngân sách. Sau này khi đã thiết lập hệ thống hành chính ổn định ở nhiều nơi từ Sài Gòn-Chợ Lớn đến lục tỉnh, người Pháp lấy lại thế thượng phong về kinh tế và họ quyết định thành lập các độc quyền kinh tế (Régies) như sản xuất, buôn bán muối, rượu và thuốc phiện.
Để kiểm soát và quản lý số lượng người Hoa nhập cư, người Pháp đã ban hành các sắc luật về giấy tờ, thuế đối với người Hoa di dân vào Nam Kỳ. Khi người Hoa gốc tỉnh nào ở Trung Quốc di dân đến cảng Sài Gòn, họ được dẫn đến văn phòng hải quan để đăng ký, trước sự giám định của bang trưởng hay đại diện bang trưởng của bang (Quảng Đông, Triều Châu, Hẹ hay Phúc Kiến) người Hoa đó. Họ được phát một phiếu (ticket) ghi tên họ, tuổi, thuộc bang nào, nghề nghiệp, ngày đến và đóng 3 đồng cho năm đầu và 5 đồng mỗi năm sau. Phiếu này phải mang theo và trình khi có cảnh sát hỏi giấy tờ [15]. Hai bang chính thời đó mà người Hoa nhập cư dựa vào là bang Quảng Đông và bang Triều Châu. Hội quán của hai bang này ở địa chỉ mà chính quyền và người Hoa coi như là đầu mối liên lạc chính cho mọi vấn đề liên quan đến Hoa kiều:
– Hội quán Quảng Đông (Congregation de Canton), 30 rue de Cay-Mai, Téléphone no. 34 [ngày nay là số 710 đường Nguyễn Trãi, Quận 5].
– Hội quán Triều Châu (Congregation de Trieu-Chau), 36 rue de Cay-Mai, Téléphone no. 60 [ngày nay là số 676 đường Nguyễn Trãi, Quận 5].
Người Hoa cần cù làm ăn, giỏi buôn bán có lợi và phát triển cho nền kinh tế nên người Pháp cần họ và qua thuế thân, họ đã đóng góp rất nhiều cho ngân sách hàng năm của chính quyền. Mặc dầu thuế thân trên mỗi người Hoa cao, nhưng điều này cũng không cản trở họ đến Nam Kỳ ngày càng nhiều, nhất là trong các năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 [1].
Sự nhập cư của người Hoa nhiều đến độ một số người Pháp bi quan cho rằng với số lượng nhập cư như vậy thì thuộc địa Nam Kỳ sẽ bị người Hoa tràn ngập. Thành phố Chợ Lớn hầu như là một nơi xa lạ đối với người Âu ở Sài Gòn, họ rất ít khi viếng thăm và nếu có viếng thì chỉ coi đó là một nơi hiếu kỳ du lịch trong ngày. Tờ báo L’Opinion khuyên người Pháp nên đến nơi này tiếp xúc thường hơn.
Dân số Chợ Lớn tăng từ 45.000 người năm 1880 lên đến 138.052 người năm 1908 [5] trong đó có 155 người Pháp, 39 dân lai, 37 người Âu khác, 72.847 người Việt, 507 người Minh Hương và số còn lại 64.467 là người Hoa. Thống kê này cho thấy chỉ trong vòng chưa đầy 30 năm, dân số Chợ Lớn đã gia tăng gấp 3 lần.
Thuế thân cao trên cộng đồng người Hoa cũng là nguồn gốc của nhiều sự bất bình của họ với chính sách kinh tế của người Pháp. Ngày 9 tháng 2 năm 1897, hơn 300 cu li khuân vác người Hoa đã tụ tập trước văn phòng Hội quán Quảng Đông ở đường Chaigneau (nay là đường Tôn Thất Đạm), Sài Gòn gần bót cảnh sát để phản đối sự gia tăng thuế thân [4]. Theo lệnh của Hội đồng Quản hạt, thuế thân hàng năm tăng từ 9,10 đồng lên 12,50 đồng trên mỗi đầu người.(1) Ông Bang trưởng Quảng Đông là chủ nhà in Namtai(2) đã cố gắng giải thích làm nguôi sự giận dữ của các đồng hương nhưng không thành công. Họ không nghe ông và cho rằng chính ông, với tư cách là Bang trưởng Quảng Đông phải chịu trách nhiệm về sự tăng giá này vì ông đã không đứng ra để bảo vệ quyền lợi của họ. Từ đó mọi người đã nổi loạn, ông Namtai phải rút lui, ông được một vài người bạn và ba hay bốn cảnh binh bản xứ bảo vệ; các cu li nổi loạn chiếm đóng trụ sở bang; phá bàn ghế, phá tường gỗ ngăn chia phòng. May thay là ông trưởng phòng cảnh binh, lúc đầu còn dè dặt, nhưng đã đến cùng các cảnh binh kịp lúc để tái lập trật tự, nếu không thì ông Namtai rơi vào tay các người nổi loạn, có thể đã mất mạng rồi.
Báo Courrier de Saigon, một tờ báo bảo thủ, mặc dầu không đồng ý với sự nổi loạn, đã chia sẻ quan điểm của những người nổi loạn. Báo này cho là tình trạng thuế thân của những cu li đáng được xem xét lại, vì họ hoàn toàn thuộc giai cấp lao động – một giai cấp làm việc và tạo ra của cải, khác với những quan chức sống bám vào thuộc địa mà không cống hiến một chút gì cho sự tiến bộ và giàu mạnh của Nam Kỳ. Đối với những người cu li, một vài đồng tăng thuế là rất lớn với họ trong cuộc sống mà họ phải tằn tiện từng xu để đủ sống. Báo này cho là nên tăng tiền thuế thậm chí lên đến 200 đồng mỗi năm trên những người Hoa giàu có ở Chợ Lớn và miễn thuế cho những giai cấp nghèo người Hoa. Người giàu có thể trả thuế không khó khăn lắm. Như ở Java (thuộc địa Hòa Lan), thuế thân trên người Hoa được chia làm hai loại khác nhau, một cho người giàu và một cho người nghèo.
Khác với đa số người Pháp ở Sài Gòn trước đây có chính sách muốn giới hạn nhập cư và sự làm ăn của người Hoa, ông Paul Beau, Toàn quyền Đông Dương thì ngược lại. Ông khuyến khích người Hoa nhập cư và làm ăn thương mại ở Nam Kỳ. Chính sách giới hạn coi người Hoa là ngoại kiều cần phải kiểm soát gắt gao đã làm người Hoa chỉ nghĩ đến một ngày nào đó họ sẽ trở về Trung Quốc mang theo của cải mà họ đã gây dựng được ở nơi mà họ coi là chỉ sống tạm bợ [2]. Chính vì thế mà Toàn quyền Paul Beau đã tiếp xúc làm thân với người Hoa, nới lỏng sự quản lý họ và mong muốn có sự hợp tác với người Hoa để làm cho thuộc địa Nam Kỳ được phát đạt hơn.
Chính sách này đã làm người Hoa lên tinh thần và gia tăng sự mong muốn lấy quốc tịch Pháp của họ. Nhiều người sau khi thành công ở Nam Kỳ đã gắn bó với vùng đất họ ở hơn và làm họ định cư lâu dài, bỏ tiền đầu tư làm lợi cho xứ Nam Kỳ. Với sự khuyến khích của Toàn quyền Paul Beau, nhiều thương gia và những người Hoa giàu có đã chung sức bỏ tiền xây dựng ở Chợ Lớn một trường trung học để con cháu họ có cơ hội học chương trình giáo dục của Pháp thay vì về Trung Quốc hay sang Nhật để học.
Toàn quyền Paul Beau đã đồng ý thành lập trường, vì theo ông nó còn tạo thêm ảnh hưởng văn hóa Pháp vào cộng đồng người Hoa, để cho họ khỏi phải gởi con cái họ đi học ở những nơi khác như Hồng Kông, Thiên Tân hay Nhật Bản (lúc bấy giờ phong trào Đông Du trong cộng đồng người Việt và Hoa rất mạnh).
Trường này được đặt tên là Lycée Franco-Chinois (Trường Trung học Pháp-Hoa),(3) và đã được Toàn quyền Beau khánh thành vào năm 1908. Trường đào tạo kế toán, thư ký, thông dịch, hành chánh… phục vụ trong các cơ sở thương mại, ngân hàng, chuyên chở đường sông biển liên hệ đến chính quyền hay với các công ty Pháp.
Thời đó những người tốt nghiệp Trường Lycée Franco-Chinois, vì biết hai hay ba thứ tiếng (Việt-Pháp-Hoa) nên rất có giá trong lãnh vực thương mại cũng như trong xã hội khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Họ được người Sài Gòn-Chợ Lớn và lục tỉnh gọi là “Mái Chín”. Một số truyện của Hồ Biểu Chánh và Bình Nguyên Lộc có nói về các ông Mái Chín.
II. Kinh tế, thương mại của người Hoa ở Chợ Lớn
Trong số các thương gia tiêu biểu giàu có và nổi tiếng đầu thế kỷ 20 ở Sài Gòn và Chợ Lớn là các ông Tạ Mã Điền, Quách Đàm. Tạ Mã Điền gốc người Phúc Kiến từ Java (thuộc địa Hòa Lan), trong khi Quách Đàm là người gốc Triều Châu từ Trung Quốc, cả hai đến Chợ Lớn lập nghiệp, buôn bán và thành công vượt bực làm chủ các nhà máy xay lúa, địa ốc, các cơ sở làm ăn trong Chợ Lớn trong thập niên 1920. Họ định cư và coi Việt Nam là quê hương thứ hai của họ. Như nhiều thương gia ở Chợ Lớn, Quách Đàm có liên hệ với các thương gia ở Singapore trong đó có ông Tan Eng Kok (Trần An Quốc). Trong một thông báo đăng trên báo The Singapore Free Press and Mercantile Advertiser ngày 24/4/1923, trang 5 [8], luật sư A. De Melo, của công ty Société Thong Hup Nguyen Seng, và các ông Trần Chiew Vinh và Quách Đàm (Kwek Tam hay Kwek Siew Tee) đã tuyên bố rút lại các giấy tờ ủy nhiệm quyền và được đại diện của công ty ở số 80 Boat Quay, Singapore cho ông Trần An Quốc (Tan Eng Kok) cư ngụ tại số 80 Boat Quay và ở 192 New Bridge Road, Singapore từ các năm 1920, 1921. Công ty Thong Hup (Thông Hiệp) chính là công ty của ông Quách Đàm.
Ngoài tên Kwek Tam hay Kwek Siew Tee, Quách Đàm có thể còn có các tên khác phiên âm qua tiếng Anh. Điều này thường thấy ở người Hoa giàu có, mang các quốc tịch khác nhau như một bài viết trên báo The Singapore Free Press and Mercantile Advertiser (4/8/1899) [9] cho biết là tờ báo Le Mekongở Sài Gòn có bài than phiền nhà chức trách Pháp đã quá dễ dãi cho những thương gia giàu có ở Chợ Lớn, Nam Kỳ được có quốc tịch Pháp. Và chính những người này cũng đã có quốc tịch khác như Anh, Hòa Lan với các tên khác. Khi ở Nam Kỳ thì họ dùng quốc tịch và tên Anh để dễ làm ăn và có đặc quyền mà lãnh sự Anh có quy chế cho các kiều dân của họ, và ngược lại khi ở các thuộc địa Anh thì họ dùng tên trên giấy tờ quốc tịch Pháp.
Kinh tế Nam Kỳ chủ yếu dựa vào sản xuất lúa gạo. Người Hoa ở Chợ Lớn hầu như nắm hết các đầu mối thu mua lúa từ lục tỉnh, chủ các nhà máy xay xát lúa và buôn bán gạo trong nước cũng như xuất khẩu đi các nước. Từ cuối thế kỷ 19 cho đến thập niên 1930 của thế kỷ 20, trong lãnh vực lúa gạo người Hoa ở Chợ Lớn và từ các nước Đông Nam Á không có ai cạnh tranh lại được với họ. Ngay cả người Pháp và chính quyền thuộc địa cũng phải chấp nhận thực tế này.
Năm 1923, Martial Merlin được Chính phủ Pháp do Bộ trưởng thuộc địa Albert Sarraut cử làm Toàn quyền Đông Dương đi trên tàu hơi nước André Lebon của hãng Messagerie Maritime đến Đông Dương nhậm chức. Một trong những chính sách mà ông Merlin dự định thực hiện là tạo cơ hội kinh doanh và khuyến khích người Pháp cạnh tranh với người Hoa để lấy lại thế thượng phong trong nền kinh tế ở Nam Kỳ.
Ngày 10/8/1923 tàu đến Sài Gòn. Sau khi được ông Badouin, Ủy nhiệm toàn quyền, Thống đốc Nam Kỳ Cognacq và Thị trưởng Sài Gòn, ông Thorance đọc diễn văn đón tiếp ở bến Bạch Đằng, Merlin bắt đầu ngay chương trình làm việc. Ông tham quan các cơ sở kinh tế, kỹ nghệ ở Nam Kỳ, đặc biệt là cao su, dầu dừa, dầu cọ mà ông có kinh nghiệm ở Tây Phi và lúa gạo.
Ngày 16/8/1923, Merlin viếng đồn điền cao su Suzannah và Auloc (gần ngã ba Dầu Giây, Đồng Nai ngày nay) và xưởng làm cao su trong đồn điền. Sau đó ông viếng đồn điền trồng dừa và cây cọ để làm dầu.
Ngay ngày hôm sau, Merlin đến thăm các nhà máy xay lúa của hai người Pháp, ông Ranzay và Ville. Nhưng ông cũng dư hiểu là hầu như toàn bộ cơ sở sản xuất xay lúa gạo và nguồn thu lúa từ lục tỉnh là nằm trong tay người Hoa. Ở Chợ Lớn, Merlin cũng viếng một cơ sở kinh tế duy nhất mà công ty quốc doanh người Pháp chiếm lĩnh, đó là hãng rượu trên đường Gò Công.
Sở dĩ được như vậy là vì chính quyền Pháp độc quyền sản xuất rượu (rượu đế làm từ gạo), cấm tư nhân sản xuất và đây là nguồn lợi tức rất lớn cho ngân sách ở thuộc địa Đông Dương, nhưng chính việc độc quyền sản xuất rượu, thuốc phiện, muối cũng là nguyên nhân gây bất mãn của người dân. Merlin sau đó đến viếng cơ sở sản xuất bia la ve (la bière) của một người Pháp, ông Larue. Bia thì chính quyền không có độc quyền. Ông Larue sản xuất các loại bia nổi tiếng như bia con cọp, sau này xuất cảng đến nhiều nơi ngoài Đông Dương. Thương hiệu bia Larue con cọp hiện vẫn được sản xuất ở Việt Nam.
Dù có nhiều cố gắng nhưng người Pháp cũng không cạnh tranh và phá nổi hệ thống kinh doanh buôn bán, phân phối lúa gạo của người Hoa ở Chợ Lớn và lục tỉnh. Ta có thể thấy một trong những thất bại này là hiệu quả kinh tế của đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho so với chuyên chở bằng đường thủy ở Nam Kỳ.
Đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho được xây dựng theo dự án xây dựng đường xe lửa nối Sài Gòn và các tỉnh thành miền Tây đến Phnom Penh. Tuy vậy ý định xây đường xe lửa đến Phnom Penh đã phải bỏ đi, mà chỉ xây đoạn đường từ Sài Gòn đến Mỹ Tho, hoàn thành vào năm 1885. Một trong những mục đích xây dựng đường xe lửa này là giảm đi sự quan trọng của giao thông thủy chuyên chở lúa gạo, sản phẩm kinh tế quan trọng nhất ở miền Tây mà người Hoa nắm phần lớn trong tay.
Theo báo The Straits Times ngày 18/6/1902 thì để khuyến khích tư nhân đầu tư vào công trình xây dựng đường xe lửa này chính quyền Pháp đã hứa cổ phần đầu tư sẽ được lãi 5% một năm, tuy nhiên sau một thời gian hoạt động, sự chuyên chở lúa gạo qua đường hỏa xa đã không thành công (chỉ chuyên chở chưa đến 20 tấn từ khi hoạt động) mà chỉ chuyên chở được hành khách đi lại giữa Sài Gòn và các tỉnh miền Tây. Lý do vì giới thu mua lúa, chủ nhà máy xay lúa và điền chủ đã thấy so với xe lửa thì thuyền bè thuận lợi hơn, có thể cặp thẳng ở nơi thu mua và chuyển đến ngay nhà máy cạnh sông rạch ở Chợ Lớn và dĩ nhiên người Hoa đã không bỏ đi cái lợi thế của họ. Vì vậy, không có khách hàng lớn, đường xe lửa không còn kinh tế lắm so với dự kiến ban đầu và chính phủ đã phải bù vào khoản thiếu hụt tiền lợi nhuận cho các cổ phần như đã hứa lúc đầu và chi phí này sẽ còn liên tục vô thời hạn trong nhiều năm.
Đó là một lý do khiến Toàn quyền Paul Doumer cố gắng cắt giảm chi phí ngân sách Đông Dương trong nhiệm kỳ của ông. Ông đã sa thải nhiều quan chức, nhân viên không đủ năng lực và dĩ nhiên điều này đã gây cho ông một số kẻ thù trong bộ máy chính quyền thực dân. Khi ông hết nhiệm kỳ, lúc tiễn đưa ông lên tàu hơi nước trở về Pháp, với sự hộ tống quân sự trong ánh đèn vào lúc 3 giờ sáng, đường đi đến cầu tàu để lên tàu hơi nước có rất nhiều kẻ thù của ông đã đợi ở đó để dàn chào và ông đã được “tiếp đón nồng nhiệt” với nhiều tiếng huýt gió, kèn… át đi tiếng nhạc của dàn quân nhạc đang hiện diện ở đó. Cũng có một tin đồn là sẽ có người ám sát ông khi ông rời Đông Dương và vì thế chủ bút của một trong những tờ báo hàng đầu đã bị an ninh theo dõi trong nguyên ngày mà ông Doumer rời Đông Dương trở về Pháp [18].
1. Cạnh tranh kinh tế giữa Pháp và người Hoa
Lúc người Pháp chiếm Sài Gòn và Nam Kỳ trong các thập niên 1860 và 1880, vì không đủ lực lượng để trồng, sản xuất và phân phối thuốc phiện, một nguồn lợi lớn cho chính quyền, họ đã khoán cho người Hoa đặc quyền lập các trại trồng và sản xuất thuốc phiện. Như công ty Vạn Hòa (Ban-hap) của ông Nhan Vĩ Thiên, một người Hoa Singapore ở vùng Cư trú Eo biển (Straits Settlement, nay thuộc Malaysia và Singapore) đã được cho khoán độc quyền sản xuất và phân phối thuốc phiện ở Nam Kỳ và ở vương quốc Cam Bốt. Sau này vào đầu thập niên 1890, chính quyền thuộc địa Pháp lấy lại độc quyền và lập công ty chính phủ sản xuất và buôn bán thuốc phiện (gọi là régie d’opium-R.O). Cũng vậy chính quyền độc quyền sản xuất qua công ty rượu (régie d’alcohol-R.A), cả hai công ty này đều thuộc quản lý của cơ quan Administration des douanes & régies.
Để bảo vệ độc quyền sản xuất thuốc phiện, chính quyền Pháp treo giải thưởng cho những ai báo tổ chức hay cá nhân nào buôn bán thuốc phiện lậu bị bắt. Một số người Hoa đã chơi khăm lại chính quyền Pháp. Báo The Straits Times ngày 19/5/1899 đã đăng như sau [17]:
“Người ta cho rằng các cuộc buôn lậu thuốc phiện trên các tàu chạy hơi nước từ Trung Quốc đến Sài Gòn là do người Hoa cố tình giấu thuốc phiện ở trên tàu để rồi sau đó nhận lấy phần thưởng ở cảng Sài Gòn. Một nhóm của họ ở Sài Gòn báo cho cảnh binh làm hàng thuốc phiện bị lộ, bị tịch thu và thuyền trưởng của tàu chuyên chở bị phạt tiền. Nhóm người Hoa âm mưu này sau đó chia nhau số tiền thưởng, người chỉ điểm nhận được từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng cho mỗi lần như vậy. Số lượng thuốc phiện lúc nào cũng nhỏ, nhưng cũng vừa đủ để hệ thống xử phạt được thi hành.”
Thật là một phương pháp tinh vi và khôn ngoan, đã qua mặt được người Pháp nhiều lần trước khi bị nghi ngờ và cũng không làm gì được vì không có bằng cớ. Nên nhớ thời đó số tiền 1.500 đồng là rất lớn (giá một 100kg gạo là 3 đồng và giá vàng khoảng 40 đồng một lượng).
Sự hà khắc trong chính sách độc quyền rượu, muối, thuốc phiện cộng với sự tăng thuế như thuế thân sau khủng hoảng kinh tế 1929 đã làm bùng nổ nhiều cuộc nổi dậy ở khắp Việt Nam. Khởi đầu là sự nổi dậy, biểu tình của các nông dân, công nhân ở Nghệ An và Hà Tĩnh vào tháng 3 năm 1930 và sau đó rải rác lan qua nhiều nơi khác ở Nam Kỳ. Ở Chợ Lớn, đầu tháng 6/1930 khoảng 2.000 người biểu tình chống chính sách của chính quyền Pháp. Ở Đức Hòa (thuộc tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc tỉnh Long An), nhân dân biểu tình và tấn công vào trụ sở huyện, cảnh binh đã nổ súng làm 2 người chết và 6 bị thương. Ở Bà Hom (tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc tỉnh Long An), hàng trăm người biểu tình đã chạm trán với cảnh binh, làm 1 người bị chết và 5 bị thương [16].
Mặc dầu đã đàn áp dã man các cuộc nổi dậy năm 1930, nhất là ở Nghệ An và Hà Tĩnh (còn được gọi là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh), để làm dịu đi tình hình căng thẳng khắp nơi chính quyền Pháp qua viên Toàn quyền Đông Dương Pasquier, cũng bị bắt buộc phải nhận ra một trong những nguyên nhân của phong trào nổi dậy là do thuế má bóc lột hà khắc. Pasquier tuyên bố là thuế ở các tỉnh và làng xã vào năm 1930 thật ra ít hơn năm trước và thuế thân cũng đã giảm đi hơn phân nửa. Nhưng điều này đã không làm ai tin. Cũng như cách mạng độc lập ở Mỹ khởi đầu qua sự chống thuế do người Anh áp đặt thì chế độ thực dân Pháp cũng bắt đầu cáo chung vì sưu thuế khắc nghiệt đánh vào các tầng lớp nhân dân ở Việt Nam.
2. Chợ Lớn trở thành một thành phố của người Hoa có thế lực trong thế giới Hoa kiều
So sánh các cơ sở hoạt động văn hóa ở các thành phố người Hoa hay khu phố Tàu (Chinatown) trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Bangkok, Kuala Lumpur, Hồng Kông thì ta có thể nói thành phố Chợ Lớn hơn hẳn về số lượng, bề thế, giá trị mỹ thuật và lịch sử của sự hoạt động liên tục lâu đời khi người Hoa đến định cư. Chợ Lớn nổi tiếng là một thành phố của người Hoa ở Nam Kỳ và trong vùng Đông Nam Á nên đã có nhiều du khách của nhiều nước đến thăm. Tờ Straits Times Overland Journal [13] trích lại từ báo Independant de Saigoncho biết cựu Tổng thống Mỹ (là tướng thắng trận trong cuộc nội chiến Bắc-Nam) Ulysses Grant, đã đến viếng Sài Gòn-Chợ Lớn ngày 25 tháng 4 năm 1879 trên đường đi viếng thăm Trung Quốc.
Cựu Tổng thống Grant đến cảng Sài Gòn trên chiếc tàu có tên là Iraonaddy và được Toàn quyền Nam Kỳ đón tiếp trọng thể. Ngày hôm sau, 26 tháng 4, ông Grant và đoàn tùy tùng cùng với Đề đốc Lafont đến viếng Chợ Lớn và ngay đêm đó dự yến tiệc ở dinh Toàn quyền. Ngày 27/4/1879, ông Grant lên đường sang Hồng Kông. Chính phủ Trung Quốc dưới triều Thanh mong đợi tiếp đón cựu Tổng thống Mỹ nhất là Tổng đốc Lưỡng Quảng Lý Hồng Chương, nhà cải cách hiện đại hóa hải quân Trung Quốc rất hâm mộ tài năng Ulysses Grant.
Năm 1890, một phái đoàn các tàu quân sự của triều đình nhà Thanh thăm các nước vùng Đông Nam Á. Đến Sài Gòn-Chợ Lớn ngày 26/3/1890, đoàn thăm vài ngày rồi sau đó đi qua Singapore và Phi Luật Tân. Theo ký sự Vãng An Nam nhật ký của một người Hoa Phúc Kiến tên là Trần Tú Vinh ở Batavia (thuộc địa Hòa Lan), khi ông ghé Sài Gòn-Chợ Lớn thì có một đoàn tàu quân sự Trung Quốc đến thăm cảng Sài Gòn [11]. Các tàu này mua từ nước Đức vào năm 1887. Phái đoàn nhà Thanh đã đi thăm thành phố Chợ Lớn nơi có nhiều kiều dân của họ trú ngụ.
Vào đầu thế kỷ 20, có từ hai mươi đến ba mươi gia đình người Hoa ở Malacca và Singapore làm việc và cư trú tại Chợ Lớn, phần lớn trên đường Phúc Kiến, vì thế đường này được họ gọi là “đường Baba” (rue des Baba). Baba là tên những người Hoa ở vùng Strait Settlement tự gọi họ. Qua sự liên hệ thương mại giữa người Hoa ở Chợ Lớn và các thành phố khác ở Đông Nam Á như Singapore, Hồng Kông, ta cũng không lạ gì nhiều nhà máy xay lúa ở Chợ Lớn nhập máy xay bằng hơi nước hiệu Barley Mill từ Anh qua Singapore hay Hồng Kông mặc dầu có sự phàn nàn của người Pháp do không mua máy của Pháp. Các thương gia nổi tiếng người Hoa ở Singapore là ba anh em Tan Keng Ho (Trần Khánh Hòa), Tan Keng Hoon (Trần Khánh Vân), Tan Keng Sing (Trần Khánh Tinh) và ông Gan Wee Tin (Nhan Vĩ Thiên) đều có nhà máy xay lúa hay phần hùn trong đó.
Người Pháp gọi ông Gan Wee Tin bằng tên Ban-hap (Vạn Hòa). Vạn Hòa là tên công ty mà ông Wee Tin lập ra ở các tỉnh miền Nam trồng và buôn bán thuốc phiện, lúa gạo trong thập niên 1850, trước khi người Pháp đến. Công ty Vạn Hòa sau đó làm ăn phát đạt mở rộng đến Cam Bốt với các đặc quyền do vua nước này cho phép trồng, sản xuất thuốc phiện năm 1869, và cũng vào năm này, công ty được chính quyền Pháp tiếp tục cho phép độc quyền mặc dầu bị sức ép của các thương gia và công ty Pháp muốn cạnh tranh ở Cam Bốt. Ban-hap còn được độc quyền bán vé số, mở các tiệm cầm đồ, sòng cờ bạc, trại nuôi và bán thịt heo ở Cam Bốt.
Ông Trần Khánh Hòa cũng thành công và có thế lực kinh tế không kém ông Vạn Hòa. Ngày 8/7/1869, Đề đốc Ohier đổi tên Ủy ban thành phố (Commission municipale) mà trước đó vào năm 1867 Thống đốc De la Grandière đã thành lập sau khi Pháp vừa chiếm Sài Gòn, thành tên chính thức Hội đồng thành phố Sài Gòn (Conseil municipal de la ville de Saigon), gồm 1 thị trưởng và 13 hội đồng viên với nhiệm kỳ 2 năm (7 người được bầu và 6 người được Thống đốc chọn), trong đó có Trương Vĩnh Ký và Tan Keng Ho (Trần Khánh Hòa). Đây là hội đồng thành phố đầu tiên của Sài Gòn.
Chợ Lớn là nơi tập trung các doanh nhân, kỹ nghệ gia, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và trở thành trọng tâm trong quyền lực kinh tế ở Nam Kỳ, trong khi Sài Gòn là thủ phủ của quyền lực chính trị. Năm 1922, Thống chế Pháp Joffre đến thăm Nam Kỳ trên đường viếng thăm nhiều nước, ông đã được chiêu đãi ở Sài Gòn và ngay ngày hôm sau ông đi thăm Chợ Lớn. Ông đã gặp và tiếp các chức sắc ở Chợ Lớn, thể hiện sự quan tâm của người Pháp đối với cộng đồng người Hoa ở nơi này.
Sự lớn mạnh của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn về kinh tế đã làm họ tự tin hơn đối với chính quyền Pháp và cả với bên ngoài. Tháng 11 năm 1932, một phái đoàn của Phòng Thương mại người Hoa ở Chợ Lớn (Chinese Chamber of Commerce, Cholon) đã đi qua Trung Quốc gởi kiến nghị đến Bộ trưởng Ngoại giao đề nghị sửa đổi bảng liệt kê các hàng hóa Trung Hoa mà Hòa ước Pháp-Thanh cho phép có thuế thấp ở Đông Dương, và đồng thời mở cuộc thương lượng với chính quyền Pháp để bãi bỏ thuế thân và các loại thuế khác ảnh hưởng đến kiều dân Trung Hoa đang sống ở Đông Dương [20].Nhiều người trong số người Hoa đã định cư từ trước thời Pháp thuộc và một số người Hoa mới nhập cư, ngoài hoạt động kinh tế họ cũng có hoạt động chính trị trong hội kín Thiên Địa Hội phản Thanh phục Minh hay trong phe Cộng hòa Dân quốc. Như trong vụ biến khởi nghĩa Phan Xích Long, phong trào khởi nghĩa chống Pháp này được hậu thuẫn của nhiều người Hoa trong Thiên Địa Hội ở Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây.
__________
(*) Do người Hoa ở miền Nam theo giúp Nguyễn Ánh, gây cho quân Tây Sơn nhiều thiệt hại. Như trận này, các cánh quân Hòa Nghĩa của người Hoa đã phục kích và giết chết tướng Tây Sơn là Phạm Ngạn ở Tham Lương. BBT
Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả đón xem tiếp:
Kinh tế và xã hội người Hoa ở Chợ Lớn vào cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 (Phần 2).
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3-4 (110-111), năm 2014
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)