Krishnamurti và quan niệm của ông về vai trò của gia đình trong giáo dục
Tác giả bài viết: ĐINH THỊ TUYẾT
(Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh – Đại học Thái Nguyên)
ABSTRACT
Jiddu Krishnamurti was a philosopher, speaker, writer and also an influential figure in the twentieth century. His ideas covered many aspects of life. Among them, education is the subject most talked about by Krishnamurti. Within the scope of this article, the author mentions his conception of the role of the family, more specifically the responsibility of parents in the education of their children.
Keywords: Krishnamurti, education; role of family in education.
x
x x
1. Mở đầu
Jiddu Krishnamurti (1895-1986) được coi là một trong những nhà tư tưởng có tầm ảnh hưởng lớn của thế kỉ XX. Khi đánh giá về ông, người ta xuất phát từ nhiều quan điểm khác nhau. Có người xem Krishnamurti là nhà giáo dục, nhà tư tưởng nhưng cũng có người ưa thích điều huyền bí về con người ông thì xem ông là hiện thân của Bồ Tát hay một vị tiên tri nào đó. Dù tiếp cận dưới góc độ nào thì cũng không thể phủ nhận Krishnamurti là một người yêu chuộng hoà bình, một triết gia đầy tài năng. Trong số những vấn đề Krishnamurti quan tâm, giáo dục là đề tài được ông bàn đến nhiều nhất và có nhiều giá trị trong thực tiễn.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Đôi nét về Krishnamurti và sự nghiệp giáo dục của ông
Krishnamurti sinh ngày 12/5/1895 trong một gia đình theo đạo Bà la môn tại một thị trấn nhỏ thuộc Madanapalle, miền Nam Ấn Độ. Cha của Krishnamurti là Marianiah Jiddu – một viên chức làm việc cho chính quyền Anh. Mẹ của ông là Sanjeevamma, một phụ nữ nhân từ và sùng đạo. Tên của ông được đặt theo truyền thống, là biểu tượng của Krishna, sự hoá thân thứ tám của thần Vishnu trong Ấn Độ giáo. Năm 1909, Krishnamurti có cơ hội gặp gỡ với Charles Webster Leadbeater – một nhà huyền bí học nổi tiếng và có vị trí cao trong Hội Thông Thiên học – một tổ chức không giáo điều, phi chính trị, không bè phái và mang tính quốc tế – tại một khu đất thuộc trụ sở chính của Hội ở Adyar thuộc Madras (bây giờ là Chennai). C.W.Leadbeater nhận thấy ở Krishnamurti có một hào quang lạ thường, không bị ô uế bởi tính vị kỉ. Ông quả quyết rằng ngày nào đó chính Krishnamurti sẽ trở thành một người thầy tinh thần và một người giảng thuyết vĩ đại. Đầu năm 1911, Hội Ngôi sao Phương Đông (The International Order of the Star in the East) được thành lập tại Adyar, Ấn Độ với người đứng đầu là Krishnamurti; Leadbeater, Annie Wood Besant (lãnh đạo Hội Thông Thiên học từ năm 1907 đến 1933) – với tư cách là người bảo hộ của tổ chức. Mục đích của tổ chức là lôi kéo những người có cùng niềm tin vào Thầy thế giới (Krishnamurti) và chuẩn bị tinh thần cho quần chúng đón nhận sự xuất hiện của Ngài.
Tuy nhiên, ngày 3/8/1929, dưới sự chứng kiến của ba ngàn hội viên Hội Ngôi sao Phương Đông, Krishnamurti tuyên bố giải tán hội. Năm 1930, ông tuyên bố rút khỏi Tổ chức Thông Thiên học. Mọi mối dây liên hệ với tổ chức đều cắt đứt và ông cũng không nhận bất kì khoản trợ cấp hay ưu đãi nào từ tổ chức này nữa. Sau đó, ông tiếp tục công việc của mình với tư cách một người tự do, không bị gò bó bởi tôn giáo và các tổ chức trong cũng như ngoài tôn giáo.
Tuy chưa bao giờ nhận bất kì một học hàm hay học vị nào, bản thân Krishnamurti cũng chưa tốt nghiệp đại học nhưng ông lại là người thành lập những ngôi trường mà ở đó học sinh (HS) được giáo dục theo triết lí giáo dục của ông. Những ngôi trường đó được xem là những trường kiểu mẫu trong quá trình đào tạo giúp HS phát triển tổng thể: có được kiến thức sâu rộng và tâm hồn nhạy cảm.
Hiện nay, trên thế giới có bảy trường học đưa ra cách tiếp cận và học hỏi cá nhân của Krishnamurti: một ở Ojai, California, Mĩ; một ở Brockwood Park, Hampsphire, Anh và năm trường tại Ấn Độ. Những ngôi trường này đều có đặc điểm chung là được xây dựng trên những mảnh đất rất rộng, có các khu nhà và những cánh rừng nhỏ ngay trong khuôn viên trường. Chính môi trường thiên nhiên như vậy giúp các HS có thể cảm nhận được vẻ đẹp tự nhiên của cuộc sống, đồng thời cũng tạo không gian tốt để các em suy tưởng về bài học hoặc một vấn đề nào đó vào các buổi chiều đi dạo bộ quanh khu rừng. Theo Krishnamurti, đó mới là cách cảm nhận về cuộc sống đúng đắn nhất.
Bên cạnh những ngôi trường là nơi mà tư tưởng của Krishnamurti được truyền dạy và thực hiện một cách triệt để, còn có những Trung tâm được thành lập với mục đích gìn giữ lời dạy của Krishnamurti, xuất bản sách và các băng đĩa được ghi âm từ những buổi nói chuyện của ông. Hiện nay trên thế giới có bốn trung tâm: Krishnamurti Foundation Trust đặt tại Brockwood Park, Anh; Krishnamurti Foundation of America đặt tại Ojai, California, Mĩ; Krishnamurti Foundation of India đặt tại Chennai, Ấn Độ và Fundación Krishnamurti Latinoamericana đặt tại Barcelona, Tây Ban Nha.
2.2. Vai trò của gia đình trong giáo dục
Giáo dục theo Krishnamurti là để giúp con người xây dựng một xã hội hoà bình và an lạc, xóa bỏ chiến tranh và thù hận giữa con người với con người. Chức năng của giáo dục không chỉ là trang bị cho HS nhiều dữ kiện, hiểu biết nhưng còn chỉ ra cái bao la tổng thể của cuộc sống, vẻ đẹp của nó, sự xấu xa, hài lòng, hân hoan, sợ hãi hay nỗi thống khổ. Để làm được điều này thì phải xuất phát từ sự tự do, tình yêu và thiện tâm; đồng thời phải giúp đứa trẻ hiểu biết cuộc sống một cách đầy đủ và trọn vẹn. Krishnamurti cho rằng trách nhiệm của giáo dục thuộc về các nhà giáo dục.
2.2.1. Trách nhiệm của phụ huynh trong mối liên hệ với nhà trường
Trong các tác phẩm hay các buổi nói chuyện về vấn đề giáo dục, Krishnamurti luôn khẳng định vai trò to lớn của các nhà giáo dục: “Vấn đề thực sự của giáo dục là nhà giáo dục” [1; tr 40]. Ông hiểu nhà giáo dục bao gồm tất cả những người tham gia vào quá trình giáo dục: các bậc phụ huynh, thầy cô giáo. Phụ huynh và giáo viên phải học cách làm việc cùng nhau. Điều này chỉ có thể xảy ra khi họ nhận biết được tầm quan trọng của công việc giáo dục. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh và giáo viên phần lớn luôn bận rộn với những vấn đề khác của cuộc sống. Phụ huynh dù giàu hay nghèo đều bị cuốn hút trong những lo lắng đời thường. Họ không quan tâm một cách đúng đắn đến xã hội hiện tại và những suy đồi về luân lí nhưng lại mong muốn con em của mình được chuẩn bị để tiếp tục cuộc đời. Họ phó mặc con em mình cho nhà trường trong khi lẽ ra trường học và gia đình phải có sự cộng tác. Trong bất kì tình huống nào, hai môi trường này cũng không nên chống đối lẫn nhau mà cần quan tâm đến sự phát triển tổng thể của đứa trẻ. Một quá trình phát triển tổng thể chỉ được tạo ra khi có sự liên hệ đúng đắn giữa giáo viên, phụ huynh và HS. Nhà trường không thể nhượng bộ những ưa thích thoáng chốc và những đòi hỏi của phụ huynh. Họ phải là người hiểu rõ quá trình giáo dục và hợp tác cùng thầy giáo để không tạo ra sự xung đột và hoang mang trong con cái họ.
Như vậy, sự liên hệ đúng đắn giữa nhà trường và phụ huynh là thực sự cần thiết. Sự liên hệ này giúp phụ huynh hiểu được những việc mà nhà trường đang làm với con em họ để từ đó không ngăn cản hay chống đối mà cần có sự ủng hộ để giúp đứa trẻ phát triển toàn diện. Họ cũng có trách nhiệm lớn lao trong việc đào tạo những đứa trẻ và do vậy nhà trường cũng cần phải tạo điều kiện để phụ huynh được bày tỏ nguyện vọng của mình khi gửi con em họ vào trường. Sự liên kết này để nhằm mục đích duy nhất là giúp đứa trẻ có được sự phát triển tổng thể ngay từ lúc đầu.
2.2.2. Trách nhiệm của phụ huynh đối với việc giáo dục
Với các phụ huynh, Krishnamurti cho rằng trước hết họ phải yêu thương con em mình. Khi một đứa trẻ ra đời, phụ huynh không bao giờ tự hỏi tại sao họ có những đứa bé. Họ nghĩ rằng mình có những đứa con để vĩnh viễn mang tên họ hay thừa kế tài sản hoặc thỏa mãn những nhu cầu thuộc về cảm xúc. Quan trọng hơn, với phụ huynh, đứa trẻ còn là nơi để họ có thể nương tựa lúc tuổi già. Chính những trông chờ và kì vọng nhiều vào đứa trẻ như vậy nên họ gửi chúng đến trường để chúng có thể có được một nghề nghiệp đảm bảo cuộc sống tương lai. Thông thường họ đều thoả mãn khi thấy con cái của họ đang được chuẩn bị để kiếm được một mảnh bằng thuộc loại nào đó mà sẽ đảm bảo cho các em có một cuộc sống sung túc. Chẳng có nhiều bậc phụ huynh quan tâm nhiều hơn điều đó. Do vậy họ tìm cách dọa nạt, ép buộc các em phải học hỏi, những cuốn sách trở nên quan trọng vì nó là sự đảm bảo chắc chắn cho tương lai. Điều mà phụ huynh đang cố gắng làm là bổn phận chứ không phải xuất phát từ tình yêu, và điều này được xã hội ủng hộ vì họ đang làm điều rất đáng kính trọng. Krishnamurti cho rằng đấy không phải là tình yêu thương: “Trái ngược với những gì đã được tin tưởng một cách thông thường, thì hầu hết các bậc làm phụ huynh không hề yêu thương con em mình, mặc dù họ nói yêu thương chúng. Nếu bậc phụ huynh yêu thương con em mình, ắt sẽ không nhấn mạnh vào việc cưỡng bức gia đình và quốc gia như là sự chống đối lại với toàn thể, mà nó đã tạo ra những sự chia rẽ giữa xã hội, chủng tộc, con người, gây ra chiến tranh và nạn chết đói” [1; tr 126]. Để tiếp tục công cuộc chăm lo cho đứa trẻ, phụ huynh biến gia đình thành trường học về sự phân biệt chủng tộc hoặc những cá nhân theo chủ nghĩa quốc gia. Họ nhấn mạnh vào sự khác biệt về giai cấp hay chủng tộc, tôn giáo để mong muốn con cái họ sau này sẽ được kết hôn với một người phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nếu thực sự yêu thương con cái thì họ đã không khuyến khích con em mình tuân theo chủ nghĩa quốc gia vì sự tôn sùng nhà nước mang đến chiến tranh và con em họ có thể bị thương tích. Nếu các bậc phụ huynh yêu thương con cái thì họ không ép buộc đứa trẻ thuộc về bất cứ tổ chức tôn giáo nào bởi tín ngưỡng chia rẽ con người thành những nhóm tương phản chống đối lẫn nhau. Họ cũng sẽ tạo điều kiện để chúng vứt bỏ hiềm khích và đố kị với những người khác nếu họ yêu thương con em mình. Krishnamurti cho rằng, “yêu thương đứa bé là hoàn toàn giao tiếp với chúng, để thấy rằng chúng cần một nền giáo dục sẽ giúp chúng nhạy cảm, thông minh và toàn vẹn” [1; tr 130].
Như vậy, vấn đề của phụ huynh ở đây là không hoàn toàn xuất phát từ tình yêu đối với con em mình, thay vào đó là bổn phận, trách nhiệm mà họ nghĩ điều đó là tốt đẹp với những đứa trẻ.
2.2.3. Giải pháp cho các bậc phụ huynh
Để thực hiện được công việc giáo dục đứa trẻ, bản thân phụ huynh cũng cần được huấn luyện để trở thành những ông bố bà mẹ thực sự. Việc này còn quan trọng hơn việc lo lắng cho tương lai của những đứa trẻ.
Krishnamurti chỉ ra điểm yếu của giáo dục hiện nay là chúng ta được đào tạo nghiêm ngặt để là những luật sư hay những bác sĩ – người có lẽ sẽ trở thành phụ huynh mà không trải qua bất kì sự đào tạo nào để phù hợp vào nhiệm vụ quan trọng nhất này. Đào tạo các bậc phụ huynh là một việc làm cần thiết để họ giáo dục con em của chính họ sau này: “Sự ảnh hưởng ở nhà và trường học dù bất cứ cách nào phải không được mâu thuẫn với nhau, vậy nên cả phụ huynh lẫn thầy giáo phải giáo dục lại bản thân họ” [1; tr 57]. Đây là một đóng góp quan trọng của Krishnamurti trong giáo dục. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ bàn về vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong việc giáo dục đứa trẻ và đề ra những yêu cầu đối với giáo viên – người trực tiếp giảng dạy đứa bé mà quên mất rằng gia đình mới là trường học đầu tiên. Do vậy, phụ huynh cần phải được giáo dục một cách cẩn trọng và nghiêm túc: “Giáo dục đích thực đến với sự chuyển hóa bản thân chúng ta… Chúng ta phải học hỏi để có lòng trắc ẩn, để bằng lòng với cái nhỏ nhoi khiêm tốn, và để tìm kiếm cái Tối thượng, vì chỉ lúc bấy giờ mới có việc thực sự giải thoát nhân loại mà thôi” [1; tr 58]. Họ không chỉ được đào tạo để chăm sóc đứa trẻ về mặt thể chất mà cần phải hiểu biết về cuộc sống để có thể giúp con em mình phát triển trong sự toàn vẹn và tổng thể.
Như vậy, phụ huynh không chỉ là người chăm lo về mặt vật chất cho đứa trẻ mà còn phải là người có sự hiểu biết trọn vẹn về tiến trình của cuộc sống để tham gia tích cực vào việc giáo dục con em mình.
3. Kết luận
Có thể thấy, Krishnamurti đã chỉ ra được vai trò to lớn của phụ huynh trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Nếu như trước đây phụ huynh lo lắng cho con cái có đủ cơm ăn, áo mặc và có tiền bạc để đến trường thì Krishnamurti chỉ ra rằng đó mới là trách nhiệm của phụ huynh chứ chưa phải là tình yêu mà họ dành cho con cái mình. Để có thể làm tròn vai trò giáo dục của mình, phụ huynh không chỉ cần có tình thương yêu mà theo Krishnamurti, phụ huynh cũng cần phải được giáo dục. Đây là một luận điểm khá mới mẻ trong quan niệm của Krishnamurti về giáo dục. Thông thường việc phụ huynh giáo dục con cái được coi là một công việc thuộc về bản năng, cũng giống như phụ huynh chăm lo cho con cái được đầy đủ về đời sống vật chất. Phụ huynh thường dạy dỗ con cái theo những cách riêng mà họ cho là hợp lí. Tuy nhiên, Krishnamurti chỉ ra rằng cần phải giáo dục người làm phụ huynh để họ có thể hoàn thành trách nhiệm của mình với con cái. Ông coi công việc giáo dục phụ huynh cũng quan trọng như giáo dục những người thầy. Để đứa trẻ phát triển toàn diện thì các nhà giáo dục – tức là tất cả những người tham gia vào công việc giáo dục đứa trẻ cần có sự chuẩn bị chu đáo cho công việc họ sẽ đảm nhận.
Những quan niệm của Krishnamurti về vai trò của gia đình trong giáo dục có ý nghĩa sâu sắc đối với công cuộc đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay. Khi bàn về giáo dục, chúng ta đề cập nhiều đến vai trò của nhà trường mà ít nói đến vai trò của phụ huynh. Nếu có thì cũng chỉ đề cập chung chung đến trách nhiệm trong việc giáo dục đứa trẻ mà không quan tâm đến chính bản thân phụ huynh cũng là người cần được giáo dục để làm tròn trách nhiệm với con cái mình. Với những luận điểm sâu sắc của Krishnamurti, chúng ta có thể tham khảo để tìm ra một giải pháp đúng đắn và toàn diện cho nền giáo dục ở nước ta hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Krishnamurti. Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống (Hoài Thanh dịch, 2007). NXB Văn hoá Sài Gòn.
[2] Krishnamurti. Đường vào hiện sinh (Thanh Lương Thích Thiện Sáng dịch, 2010). NXB Lao động.
[3] Nguyễn Thế Long (2006). Đổi mới tư duy phát triển giáo dục Việt Nam trong kinh tế thị trường. NXB Lao động.
[4] Phan Thanh Long (chủ biên, 2008). Những vấn đề chung của giáo dục học. NXB Đại học Sư phạm.
[5] Rene Fouere (Võ Văn Quế dịch, 2007). Krishnamurti cuộc đời và tư tưởng. NXB Văn hoá Sài Gòn.
[6] Nguyễn Ước (biên dịch, 2002). Krishnamurti: Cuộc đời và tư tưởng, tập 1: Krishnamurti tinh yếu. NXB Văn học.
[7] Nguyễn Ước (biên dịch, 2002). Krishnamurti: Cuộc đời và tư tưởng, tập 2: Đời không tâm điểm. NXB Văn học.
[8] Nguyễn Ước (biên dịch, 2002). Krishnamurti: Cuộc đời và tư tưởng, tập 3: Dòng sông thanh tẩy. NXB Văn học.
Nguồn: Tạp chí Giáo dục, Số 421 (Kì 1 – 1/2018), tr 57-59
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Krishnamurti và quan niệm của ông về vai trò của gia đình trong giáo dục (Tác giả: Đinh Thị Tuyết) |