LÀNG NGHỀ _ nét VĂN HOÁ ĐẶC TRƯNG để phát triển du lịch ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

GIA KHANG
NGUYỄN NHƯ BÌNH1
(1Đại học Văn hoá thành phố Hồ Chí Minh)

1. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một bộ phận của châu thổ sông Mê Kông. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam năm 2011, tổng diện tích các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long là 40.548,2km² và tổng dân số của các tỉnh trong vùng là 17.330.900 người. Có vị trí nằm liền kề với vùng Đông Nam Bộ, phía bắc giáp Campuchia, phía tây nam là vịnh Thái Lan, phía đông nam là Biển Đông. Điểm cực Tây ở 106°26´(xã Mĩ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), cực Đông ở 106°48´(xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), cực Bắc ở 11°1´B (xã Lộc Giang, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An), cực Nam ở 8°33´B (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau).

     Đồng bằng sông Cửu Long còn được gọi là vùng Đồng bằng Nam Bộ hoặc miền Tây Nam Bộ hay theo cách gọi ngắn gọn là miền Tây. Tây Nam Bộ có 1 thành phố trực thuộc Trung ương và 12 tỉnh là: thành phố Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Ngoài ra còn có các đảo xa bờ như đảo Phú Quốc, quần đảo Thổ Chu, Hòn Khoai.

     Tây Nam Bộ đóng góp hơn 50% diện tích lúa, 71% diện tích nuôi trồng thuỷ sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thuỷ sản, hàng năm xuất khẩu gạo chiếm 80% của cả nước. Về công nghiệp, Tây Nam Bộ phát triển rất thấp, chủ yếu là công nghiệp chế biến lương thực (chiếm nhiều nhất của cả vùng), nhiệt điện, luyện kim, cơ khí, hoá chất, dệt may và vật liệu xây dựng. Về dịch vụ bao gồm các ngành chủ yếu: xuất nhập khẩu, vận tải thuỷ, du lịch, đồ đông lạnh và hoa quả,…

     Tây Nam Bộ có nhiều điều kiện thuận lợi, tạo ra lợi thế của vùng trong phát triển kinh tế – xã hội. Vấn đề đặt ra ở đây là khai thác lãnh thổ theo chiều sâu, tức là nâng cao hiệu quả khai thác lãnh thổ trên cơ sở tăng cường đầu tư khoa học kĩ thuật và vốn, để vừa tăng thêm tổng sản phẩm xã hội, thu nhập quốc dân, vừa bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lí tài nguyên [26].

     Du lịch làng nghề truyền thống là loại hình du lịch văn hoá tổng hợp của du khách diễn ra tại các làng nghề còn đang hoạt động sản xuất các sản phẩm truyền thống nhằm mục tiêu tìm hiểu, chiêm ngưỡng, thưởng thức các giá trị văn hoá về làng nghề và quá trình sản xuất sản phẩm truyền thống.

     Theo một cách hiểu khác thì Du lịch làng nghề là một hoạt động kinh doanh tại các làng nghề có lợi ích về nhiều mặt: Nâng cao hiểu biết của khách du lịch về lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề góp phần tăng thêm tình yêu quê hương đất nước; mang lại lợi ích kinh tế cho xã hội.

     Khi tham gia tour du lịch làng nghề, du khách sẽ được dịp khám phá, tìm hiểu quy trình kĩ thuật của nghề truyền thống, thâm nhập cuộc sống cộng đồng với những phong tục, tập quán và các nghi thức phường, hội riêng của các làng nghề truyền thống,…

2. Du lịch làng nghề ở Tây Nam Bộ: thế mạnh và những hạn chế

     2.1. Một số nghề và làng nghề thủ công phục vụ du lịch ở Tây Nam Bộ

     Trong lịch sử hoạt động du lịch ở Việt Nam, những nghề và làng nghề thủ công truyền thống… đã và đang được triển khai đưa vào hoạt động du lịch, trở thành những địa điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước. Phần lớn các điểm du lịch này là di sản của đất nước tiêu biểu cho nền văn hoá của dân tộc. Theo kết quả điều tra của Tổ chức JICA (Nhật Bản) ngày 17/03/2003, hiện nay Việt Nam có 2.017 làng nghề trong đó miền Bắc có 1.594 làng nghề (79%), miền Trung có 312 làng nghề (15,5%) và miền Nam có 111 làng nghề (5,5%), nhưng theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề thì cả nước có 2.790 làng nghề, nhiều làng nghề có bề dày lịch sử hàng trăm, hàng ngàn năm như làng gốm Bát Tràng có lịch sử hình thành cách nay hơn 6 thế kỉ, làng giấy Yên Thái (Bưởi) có cách đây 800 năm, làng kim hoàn Định Công có cách đây 1.400 năm, làng dệt lụa Vạn Phúc có hơn 1.700 năm,… Đây là một nguồn tài nguyên du lịch vô cùng quý giá, phong phú và rất thích hợp để Việt Nam khai thác, phát triển du lịch.

     Ở với khu vực Tây Nam Bộ, tính đến cuối năm 2009 có khoảng 164 làng nghề gồm: 38 làng nghề đan lát; 16 làng nghề dệt chiếu; 8 làng nghề bánh các loại; 7 làng nghề sản xuất bột; 7 làng nghề gạch, gốm; 5 làng nghề sản xuất sản phẩm từ dừa; 4 làng nghề se lõi lát; 3 làng nghề bó chổi; 2 làng nghề sản xuất rượu; các sản phẩm khác như rèn, trống, tủ thờ, hoa kiểng, ghe xuồng,… chỉ có 01 làng nghề. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược một vài nghề và làng nghề nổi tiếng có thể phục vụ phát triển du lịch:

     AN GIANG: Toàn tỉnh An Giang hiện có 82 làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống gắn với dịch vụ phát triển du lịch (trong đó có 24 làng nghề đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh công nhận, 14 làng nghề truyền thống đã tồn tại từ trên 50 năm): Làng nghề lụa Tân Châu; làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo và Châu Giang; làng nghề lưỡi câu; làng nghề mộc gia dụng Long Giang, Long Điền, Mĩ Luông, Chợ Thủ (Chợ Mới); làng nghề đan thúng Long Giang; nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa ở Tân Châu; nghề rèn ở Phú Mĩ (Phú Tân); nghề dệt Cù Lao Giêng (Chợ Mới); nghề gạch ngói và đồ gốm ở Châu Thành và Châu Phú; nghề vẽ tranh trên kiếng ở Long Điền B và Mĩ Luông (Chợ Mới); làng nuôi cá bè ở Châu Đốc và Mĩ Hoà Hưng (Long Xuyên); nghề dệt gấm Mĩ A (thị xã Tân Châu); làng dệt thổ cẩm Chăm ở Châu Phong; nghề dệt chiếu Uzu; mĩ nghệ tre bông; tranh lá thốt nốt; thắt bính lục bình; làng nghề bánh tráng Mĩ Khánh; làng nhang Bình Đức (thành phố Long Xuyên); làng nghề sản xuất đường thốt nốt An Phú (Tịnh Biên); làng nghề đan đát Mĩ An, Long Giang; lọp cua Mĩ Đức; nghề làm bánh phồng Phú Mĩ,…

     BẠC LIÊU: Tỉnh Bạc Liêu có 6 làng nghề nổi tiếng và mang tính chất truyền thống. Ở huyện Hồng Dân và Phước Long có các làng nghề: đan lờ, đan lát (Ninh Thạnh Lợi); làng nghề xóm bún, nghề rèn, xóm dệt chiếu, làng bánh tráng (thị trấn Ngan Dừa); làng nghề mộc (Ninh Hoà); xóm làm chiếu; nghề làm dao; làng nghề mộc; nghề làm muối; làng nghề chằm lá. Ngoài ra còn có làng nghề đan lưới (Giá Rai), nghề chằm lá ở (Vĩnh Lộc), nghề đan lưới, làm nước mắm, nước tương,…

     BẾN TRE: Hiện toàn tỉnh Bến Tre có 45 làng nghề được công nhận, gồm có 27 làng nghề nông nghiệp và 18 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Trong đó có 19 làng nghề truyền thống; 07 nhóm nghề của 63 ngành nghề nông thôn với 30.552 cơ sở. Một số làng nghề như: Làng nghề dệt chiếu Nhơn Thạnh, làng nghề sản xuất kẹo dừa (thành phố Bến Tre); làng nghề dệt chiếu An Hiệp (Châu Thành); làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa An Thạnh, làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa Khánh Tân, làng nghề dệt chiếu Thành Thới B (Mỏ Cày); làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phú Lễ, làng nghề đan đát Phước Tuy, làng nghề sản xuất bánh phồng Phú Ngãi, làng nghề sản xuất cá khô An Thuỷ (Ba Tri); làng nghề sản xuất bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề sản xuất bánh tráng Mĩ Lồng, làng nghề tiểu thủ công nghiệp Phước Long, làng nghề sản xuất kìm Mĩ Thạnh, làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong (Giồng Trôm); làng nghề cá khô Bình Thắng (Bình Đại); làng nghề đúc lu Hoà Lợi, làng nghề bó chổi Mĩ An (Thạnh Phú),…

     CÀ MAU: Theo một thống kê chưa đầy đủ hiện Cà Mau có 37 làng nghề nông thôn đang hoạt động, với 5 nghề truyền thống và 18 làng nghề truyền thống. Một số làng nghề như: Làng nghề dệt chiếu Cà Mau (Tân Duyệt Đầm Dơi, Tân Lộc Thới Bình, Tân Thành), làng nghề tôm khô Rạch Gốc, làng nghề làm đũa đước (huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển); nghề làm dưa bồn bồn; nghề làm mắm; nghề đánh bắt thuỷ sản; nghề đan lát (huyện Thới Bình và huyện U Minh); nghề đan lờ; làng nghề chuối khô (huyện Trần Văn Thời); làng nghề nuôi cá chình và bống tượng (thành phố Cà Mau); nghề đan trúc Tân Bằng (huyện Thới Bình),…

     CẦN THƠ: Làng đan lọp Dì Tho; làng đan thúng; làng đan lưới Thơm Rơm (huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ); làng nắn lò đất sét Bà Rui; làng làm bánh tráng Thuận Hưng; làng hoa Thới Nhựt (An Bình); làng đóng ghe xuồng Ngã Bảy; xóm thúng ven sông; xóm cơm rượu ở Thốt Nốt; làng đan lọp Thới Long (Ô Môn); nghề chằm nón lá (Thới Tân A),…

     ĐỒNG THÁP: Làng nghề làm bột Sa Đéc; làng nghề bánh phồng tôm Sa Giang; làng nghề dệt chiếu thảm Định Yên; làng nghề làm nem Lai Vung; làng hoa kiểng Sa Đéc; làng nghề sản xuất dụng cụ đánh bắt cá như: làm lưới, lờ, lọp,… (Lai Vung, Lấp Vò); nghề sản xuất mê bồ (TP Cao Lãnh); nghề gốm – gạch ngói (Châu Thành); làng nghề đóng ghe xuồng Bà Đài,…

     HẬU GIANG: Nghề đan lát lục bình Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mĩ, TP Vị Thanh); nghề đóng ghe xuồng (Phụng Hiệp và Châu Thành); nghề đan cần xé (thị xã Ngã Bảy); nghề hầm than củi; làng dệt chiếu Cái Chanh; nghề bó chổi; nghề vót đũa; nghề chằm nón lá; nghề điêu khắc gỗ; nghề đan lát rổ (Vị Thuỷ),…

     KIÊN GIANG: Làng nghề lụa Tân Châu; làng nghề đan thúng Long Giang; làng nghề mộc Chợ Thủ; làng nghề mộc gia dụng Long Giang; làng nghề nắn nồi đất (Hòn Đất); nghề dệt chiếu (Châu Thành); nghề đan bàng (Phú Mĩ và Giang Thành); nghề làm nước mắm, trồng tiêu (Phú Quốc); làng nghề dệt chiếu (TP Rạch Giá),…

     SÓC TRĂNG: Làng nghề Bánh Pía – Lạp Xưởng (Châu Thành); làng nghề đan đát (Châu Thành); làng nghề cốm dẹp (Châu Thành); làng nghề Mĩ Tú (Mĩ Tú); nghề hầm than (Kế Sách),…

     TIỀN GIANG: Làng nghề sản xuất hủ tiếu Gò Cát, Mĩ Tho; làng nghề truyền thống bàng buông Thân Cửu Nghĩa, Tân Lí Đông; làng nghề dệt chiếu Long Ðịnh; làng nghề sản xuất bánh phồng mì Đông Hoà Hiệp Cái Bè; làng nghề sản xuất tủ thờ cẩn xà cừ, cẩn trai Ông Non Gò Công Đông; làng nghề tiểu thủ công nghiệp Tân Lí Tây; nghề đan bồ tre (Chợ Gạo); làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đăng Hưng Phước (đan lát sản phẩm lục bình, bẹ chiếu),…

     TRÀ VINH: Làng nghề nước mắm rươi (Duyên Hải); làng nghề cốm dẹp Ba So; nghề làm bánh tráng Trà Vi; nghề trồng dưa tết Ba Động; làng nghề đóng ghe Long Bình; làng nghề bánh tét Trà Cuôn (Cầu Ngang); nghề đóng đáy Mĩ Long; làng muối Cồn Cù (Duyên Hải); làng chiếu Cà Hom Bến Bạ; nghề dệt chiếu, nghề làm tôm khô; nghề nấu rượu, làm bánh tráng, hủ tiếu, làm cốm dẹp, đóng giường tre, dệt thảm tơ dừa, đan đát Giồng Đình (Trà Cú), làng nghề đóng ghe (TP Trà Vinh),…

     VĨNH LONG: Theo một thống kê chưa đầy đủ tỉnh Vĩnh Long hiện có 23 làng nghề đạt các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được UBND tỉnh công nhận. Một số nghề và làng nghề như: Làng gốm Italia; làng gốm Cổ Chiên; làng mai Phước Định (Long Hồ); làng nghề đan lục bình, se lõi cói, se tơ xơ dừa (Tam Bình và Vũng Liêm); làng nghề làm bánh tráng giấy (Tam Bình); nghề làm bánh tráng nem (Trà Ôn); làng nghề sản xuất tàu hủ ky (Bình Minh); nghề làm mứt me (thị trấn Cái Vồn và xã Thuận An, xã Mĩ Thuận),…

     LONG AN: Tỉnh Long An hiện đã quy hoạch 15 làng nghề và cụm làng nghề truyền thống. Một số làng nghề như: Làng nghề chằm nón, đan mây, tre trúc (Tân Mĩ, Lộc Giang, An Ninh Đông, Hiệp Hoà, Tân Phú), làng nghề đan bao đệm bàng (Đức Huệ), làng dệt chiếu (huyện Tân Trụ, huyện Bến Lức); cụm làng nghề rèn nông cụ sản xuất nông nghiệp (huyện Thủ Thừa), làng nghề làm trống Bình An (Tân Trụ), làng nghề dệt chiếu Long An (Tân Trụ, Cần Đước), làng rượu Gò Đen (Bến Lức),…

     Trên đây là một số nghề và làng nghề tại ĐBSCL, mặc dù chưa phải đầy đủ nhất nhưng cũng cho chúng ta thấy tiềm năng du lịch làng nghề tại ĐBSCL rất phong phú và đa dạng, có thể tổ chức các chuyến du lịch làng nghề quanh năm suốt tháng.

     2.2. Tiềm năng và một số đặc trưng của các nghề và làng nghề được khai thác để phục vụ du lịch ở Tây Nam Bộ

     Đến với vùng đất ĐBSCL, chúng ta có thể thấy một nguồn tài nguyên du lịch làng nghề phong phú và đa dạng.

     Như đã nói ở trên, ĐBSCL có một tiềm năng du lịch làng nghề rất lớn bởi có một hệ thống các nghề, làng nghề với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của đất nước, của Dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử mang đậm nét văn hoá của dân tộc, của địa phương như ở An Giang có nghề rèn Phú Mĩ (huyện Phú Tân), nghề dệt gấm Mĩ A (thị xã Tân Châu), làng dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong với trên 100 năm lịch sử, làng nghề mộc Chợ Thủ (huyện Chợ Mới) xuất hiện từ giữa thế kỉ XVIII; Bạc Liêu có làng nghề mộc đã tồn tại trên 80 năm, nghề rèn trên 100 năm (huyện Hồng Dân và Phước Long); Bến Tre có nghề đan lát truyền thống Phú Lễ đã tồn tại không dưới trăm năm; nghề dệt chiếu ra đời ở Cà Mau từ hàng trăm năm trước; Cần Thơ có làng nghề bánh tráng Thuận Hưng ra đời từ hai thế kỉ trước, làng đan lọp Thới Long, nghề chằm nón lá (Thới Tân A) có tuổi khoảng trên 70 năm và làng hoa Thới Nhựt thuộc xã An Bình xuất hiện từ 100 năm nay; nghề sản xuất mê bồ (TP Cao Lãnh) ở Đồng Tháp đã có gần trăm năm hình thành; làng nghề đan lát lục bình và đan rổ thúng ở Hậu Giang có trên 100 năm; nghề hầm than xã Xuân Hoà (huyện Kế Sách) Sóc Trăng đã hình thành và phát triển hơn 50 năm,…

     Hệ thống các nghề và làng nghề truyền thống này phần lớn thường nằm gần vùng nguyên liệu, nằm trên trục đường giao thông, cả đường sông lẫn đường bộ, không chỉ tạo điều kiện lưu thông hàng hoá mà còn thuận tiện cho việc xây dựng tour du lịch, tuyến du lịch.

     Khi tham gia tuyến, tour du lịch làng nghề, du khách không chỉ được ngắm phong cảnh du lịch làng quê mà còn được thăm nơi sản xuất, thậm chí có thể tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm, có thể kí tên vào sản phẩm mà mình trực tiếp thực hiện như là một cách ghi lại kỉ niệm đáng nhớ trong hành trình du lịch của mình. Đồng thời còn được chính tay mình lựa chọn những món hàng được sản xuất tại lò, tại cơ sở sản xuất,… Bên cạnh đó, khi đến tham quan du khách còn được gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân, tìm hiểu quá trình học tập, sáng tạo cùng những đóng góp của họ cho sự phát triển làng nghề.

     Làng nghề ngoài yếu tố sản xuất còn mang rất đậm yếu tố văn hoá và phần nào còn có những yếu tố tâm linh phù hợp. Bởi làng nghề ngoài phạm vi đơn vị sản xuất và khái niệm đơn vị hành chính còn có đặc trưng riêng biệt là tính cộng đồng cư trú, cộng đồng lợi ích và cộng cảm rất cao, do đó khi tham gia tuyến du lịch làng nghề còn được tham gia sinh hoạt văn hoá tinh thần của làng nghề như tục thờ cúng Tổ nghề (nhiều vị Tổ nghề còn được tôn vinh là Thành hoàng làng) và gắn liền với lễ hội cùng với các hoạt động văn hoá dân gian khác. Hàng năm, bằng những hoạt động tín ngưỡng tôn nghiêm, sôi nổi, hào hứng này cùng với các lễ hội đã làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch làng nghề. Chính những điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của làng nghề truyền thống.

     Ngoài những lợi thế như cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lí, nét văn hoá đặc sắc, các làng nghề truyền thống còn có sức hút đặc biệt bởi mỗi làng lại gắn với một vùng văn hoá hay một hệ thống di tích, một hệ thống đền chùa, miếu mạo độc đáo, có những nét tiêu biểu của kiến trúc, điêu khắc truyền thống,… Chẳng hạn như khi thăm làng bánh tráng Mĩ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc ở Bến Tre chúng ta còn có thể viếng đền thờ Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng, đến khu di tích lịch sử và khu mộ Nguyễn Đình Chiểu, thăm khu tưởng niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, Phan Văn Trị, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản,… thăm làng nghề làm nước mắm Phú Quốc ta lại chợt nhớ và tưởng niệm vị anh hùng Nguyễn Trung Trực với câu nói bất hủ Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây,…

     Một điều quan trọng hơn đó là nắm bắt được nhu cầu thị trường, một số đơn vị cơ sở nghề truyền thống đã bắt đầu chú ý đến việc thu hút khách du lịch đến xem, mua sản phẩm bằng những ý tưởng độc đáo, mới lạ kết hợp giữa cơ sở làm nghề và trưng bày sản phẩm, từ việc thiết kế sản phẩm có sự phân biệt giữa hàng xuất khẩu và hàng lưu niệm tại chỗ cho khách tham quan,…

     2.3. Những hạn chế của du lịch làng nghề ở Tây Nam Bộ

     Hiện chúng ta thiếu kế hoạch đồng bộ, dài hơi về làng nghề. Sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể liên quan trong xây dựng, quy hoạch làng nghề còn rời rạc, thiếu sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc. Một số địa phương có quy hoạch làng nghề với du lịch nhưng quy hoạch thiếu thực tiễn và không được thực hiện nghiêm chỉnh. Việc quản lí làng nghề còn chồng chéo, không thống nhất dẫn đến không có người chịu trách nhiệm cụ thể.

     Các tour du lịch làng nghề hiện nay nếu có sự quy hoạch đi chăng nữa thì lại chưa được khai thác triệt để cả về nội dung và hình thức, mới chỉ dừng lại ở tham quan và tới xem làng. Việc khai thác du lịch làng nghề mới chỉ dừng lại ở khía cạnh là nơi sản xuất ra các sản phẩm nổi tiếng được biết đến trên thị trường mà chưa được khai thác ở khía cạnh không gian văn hoá. Khách du lịch chưa chọn đến thăm làng nghề như một tour thực sự. Lí do là vì những người làm du lịch chưa tổ chức được một hệ thống du lịch tổng hợp để khai thác cho xứng tầm với tiềm năng của nó, chức năng sản xuất hàng hoá phục vụ du lịch vẫn còn chưa được khai thác một cách thực sự hiệu quả.

     Mặc dù ở một số làng nghề trên thực tế đã thu hút một lượng du khách đáng kể nhưng vẫn chỉ là những nỗ lực tự phát, manh mún chưa hình thành được cách làm chuyên nghiệp và chưa xứng tầm với tiềm năng.

     Các cửa hàng bày bán đồ thủ công mĩ nghệ trong làng nghề không có sự phân biệt rạch ròi giữa hàng bán cho du khách và hàng bán ra thị trường tiêu dùng. Hầu hết các làng nghề lại quá chú trọng vào thị trường tiêu dùng đồ mĩ nghệ cao cấp mà không quan tâm tới thị trường đồ lưu niệm bình dân khi mà thị trường này đang rất sôi động và mang lại nguồn thu lớn. Ngay cả các làng nghề được coi là biết làm du lịch, mẫu mã, chủng loại sản phẩm cũng quá đơn điệu và không hợp với nhu cầu của thị trường. Người thợ mới chỉ để ý đến kĩ thuật, sản xuất theo ý thích bản thân hoặc rập khuôn theo truyền thống mà chưa có sự sáng tạo và tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là do vốn sống bó hẹp trong môi trường nông thôn địa phương, ít nhạy cảm với thị trường và không có nhiều cơ hội giao thương với nước ngoài mà chỉ xuất hàng thông qua những doanh nghiệp. Các làng nghề, các doanh nghiệp không có điều kiện làm “design”. Đội ngũ thợ chỉ giỏi tay nghề kĩ thuật mà thẩm mĩ yếu và bị bó khuôn.

     Sự biến động về thị trường, khó khăn trong cạnh tranh, tiêu thụ hàng hoá, nguồn vốn sản xuất nhỏ bé, eo hẹp,… khiến nhiều làng nghề ở Tây Nam Bộ đang ngày càng mai một và hoạt động cầm chừng, không tạo được môi trường du lịch có sức hút.

     Một điểm hạn chế nữa đáng quan tâm đó là cơ sở hạ tầng nghèo nàn, chưa đạt chất lượng, giao thông yếu kém gây khó khăn trong việc đi lại, hệ thống nhà hàng, khách sạn, nơi lưu trú, các dịch vụ vui chơi, giải trí ở một số làng nghề còn đơn điệu, chưa phát triển.

     Phong cách phục vụ du lịch của người dân làng nghề không chu đáo, thiếu sự chuyên nghiệp. Phát triển du lịch tại các làng nghề là một hình thức mới mẻ đối với người dân, hơn nữa thời gian qua, các cấp, các ngành cũng chưa quan tâm đến việc đào tạo, hướng dẫn các kĩ năng làm du lịch cho người dân. Từ đó xuất hiện các tệ nạn “chặt chém” trong khi chất lượng phục vụ thấp, chèo kéo khách du lịch tới cửa hàng,… gây ức chế cho du khách khi đến tham quan làng nghề. Ngoài ra, đội ngũ thuyết trình viên tại các làng nghề vừa thiếu lại yếu. Đó là chưa kể việc chèo kéo khách, ô nhiễm môi trường tại làng nghề khiến khó hấp dẫn du khách.

3. Một vài đề xuất để bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề ở Tây Nam Bộ

     3.1. Đổi mới và tăng cường công tác quản lí nhà nước

     Việc đầu tiên là cần tổ chức một cuộc khảo sát, điều tra toàn diện về thực trạng làng nghề để có một cái nhìn bao quát, tổng hợp nhất. Kết quả khảo sát và điều tra cho thấy chỗ mạnh, yếu, tình hình đời sống người lao động, nghệ nhân,… để từ đó công tác quản lí mới có được hướng đi đúng đắn, chuẩn xác trong việc bảo tồn và phát triển du lịch làng nghề.

     Để bảo tồn những làng nghề truyền thống có lịch sử phát triển lâu dài mang giá trị văn hoá của địa phương, vùng miền, công tác đổi mới cần phải nhận thức rõ ràng rằng khi phát triển du lịch làng nghề cần phải quan tâm trước hết đến giá trị về kinh tế và giá trị về văn hoá của làng nghề, không nên tập trung phát triển về kinh tế mà bỏ quên giá trị văn hoá và ngược lại.

     Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các làng nghề và hoạt động du lịch làng nghề trong việc bảo tồn và phát triển như bảo tồn tục thờ tổ nghề và các lễ hội gắn liền với các sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt tinh thần của các làng nghề; thị trường, mẫu mã, vốn, trình độ quản lí, ô nhiễm môi trường,…

     Tập trung, nhanh chóng tiếp cận thông tin, công nghệ,… cho làng nghề, đảm bảo cho họ tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả. Bên cạnh đó cần có một chiến lược lâu dài nhằm tăng cường nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại nhằm quảng bá thương hiệu làng nghề của địa phương mình cho du khách cũng như cho các nhà đầu tư bằng cách xây dựng các cổng thông tin truyền thông đại chúng (sách, báo, tạp chí, Internet, tivi, đài phát thanh, băng rôn, tờ rơi,…) liên quan đến làng nghề như quá trình hình thành và phát triển, các truyền thuyết liên quan đến làng nghề, các sản phẩm và dịch vụ của làng nghề, hướng phát triển trong tương lai,… Hàng năm, nên chọn một ngày nào đó nhất định để tổ chức Ngày hội làng nghề, để giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân đồng thời học hỏi và trao đổi kinh nghiệm.

     Phát huy vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội,… trên địa bàn cũng như trong nước và ngoài nước trong việc bảo tồn và khai thác các giá trị làng nghề, thu hút nguồn vốn, nguồn nhân lực,…

     Liên kết, tổ chức hài hoà giữa du lịch chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp giữa làng nghề với các đơn vị, công ti du lịch giúp cho du lịch làng nghề thêm chuyên nghiệp, bài bản.

     Bên cạnh đó, một việc làm cũng hết sức cần thiết và không kém phần quan trọng đó là việc tôn vinh các nghệ nhân của các làng nghề. Có thể thẳng thắn thừa nhận rằng việc này còn là một thiếu sót. Việc tôn vinh nghệ nhân không đơn thuần chỉ là đánh giá công lao và tỏ lòng kính trọng, mà hơn thế, đây là một hoạt động, một phương pháp, một nội dung để bảo tồn được các giá trị văn hoá phi vật thể của nghề truyền thống và làng nghề.

     Nhìn chung, đổi mới và tăng cường công tác quản lí nhà nước về du lịch làng nghề chủ yếu phát huy ở ba mặt: ĐỊNH HƯỚNG – KHUYẾN KHÍCH – HỖ TRỢ.

     3.2. Thực hiện quy hoạch làng nghề

     Công tác quy hoạch, phát triển làng nghề chủ yếu là để đa dạng hoá lịch trình, tạo ra những tour, tuyến du lịch hấp dẫn có sức cạnh tranh cao. Từ thực tế cho thấy việc thực hiện công tác quy hoạch làng nghề phải gắn với việc quy hoạch giao thông, quy hoạch cơ sở hạ tầng, quy hoạch nông thôn, khu dân cư, nhất là thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề ở từng địa phương. Các quy hoạch này phải đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng và lâu dài, tránh trường hợp dục tốc bất đạt, cái quy hoạch trước, cái quy hoạch sau nhìn nham nhở, rối ren.

     Học tập các địa phương khác như ở Hà Nội, Huế, Tp Hồ Chí Minh,… trong việc xây dựng, quy hoạch các tuyến du lịch. Ở An Giang có thể hình thành 6 điểm gắn kết gồm tuyến du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng xã Mĩ Hoà Hưng với làng nghề bánh tráng Mĩ Khánh; làng nhang Bình Đức (thành phố Long Xuyên), làng nghề dệt thổ cẩm Châu Giang (Tân Châu) gắn với Trung tâm Du lịch cộng đồng Châu Phong; làng dệt thổ cẩm Văn Giáo, làng nghề sản xuất đường thốt nốt An Phú (Tịnh Biên) gắn với mô hình du lịch nông nghiệp; làng nghề mộc Chợ Thủ gắn với mô hình du lịch sinh thái Cù lao Giêng. ĐBSCL cũng có thể học hỏi Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế khi liên kết với nhau thực hiện kế hoạch du lịch làng nghề trên “Con đường di sản miền Trung” với 12 làng nghề đậm chất văn hoá của vùng du lịch miền Trung, đó có thể là sự kết hợp giữa 4 tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long tổ chức tuyến du lịch làng nghề bởi các tỉnh này cũng có những nét tương đồng và cũng có những lợi thế riêng để cùng liên kết phát triển với các lợi thế gắn kết về biển, lễ hội, nhà cổ,…

     Có một điều quan trọng là trong quá trình quy hoạch cần phải xem xét, đánh giá cho thật chuẩn xác làng nghề nào nên đưa vào tuyến du lịch, không nên áp dụng tràn lan đại hải dễ gây loãng, nhạt tuyến du lịch.

     Bản thân các làng nghề cũng nên xây dựng các phòng truyền thống, các bảo tàng để lưu trữ và giới thiệu quá trình hình thành, phát triển và các sản phẩm đặc trưng cho văn hoá làng nghề của mình.

     Các làng nghề cũng cần phải quy hoạch chi tiết các khu vực bãi đậu xe, khu ăn uống, khu vệ sinh công cộng, khu trưng bày và bán hàng lưu niệm,… làm sao cho phù hợp để tạo nên một chu trình du lịch trọn gói và các dịch vụ du lịch liên hoàn.

     3.3. Đa dạng hoá các sản phẩm du lịch

     Các sản phẩm du lịch cần phải được đa dạng để đáp ứng ngày càng cao các nhu cầu, đòi hỏi tiêu dùng của du khách từ các địa phương, các vùng miền trong nước và các nước trên thế giới. Sản phẩm chủ lực vẫn là mặt hàng lưu niệm. Để tránh cho các mặt hàng lưu niệm cứ nhang nhác giống nhau thì nghệ nhân cần phải đẩy mạnh đổi mới công tác nghiên cứu, cải tiến các mẫu mã, thiết kế sản phẩm sao cho vừa tinh gọn, nhỏ nhẹ hơn so với mặt hàng xuất khẩu, lưu thông trên thị trường lại vừa không mất đi nét văn hoá đặc trưng của sản phẩm truyền thống.

     Quy hoạch du lịch làng nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch di tích lịch sử, gắn với ẩm thực dân gian, với các khu vui chơi, lưu trú, giải trí khác như một số tỉnh Bình Định, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,… đã từng làm.

     Tạo không gian lễ hội không chỉ vào những ngày giỗ tổ làng nghề mà các làng nghề còn nên tham gia vào các hoạt động văn hoá khác trong địa phương để tạo nên một không gian văn hoá đặc sắc.

     Một hoạt động nữa nhằm đa dạng hoá các sản phẩm du lịch làng nghề đó là việc giao lưu trực tiếp giữa du khách với nghệ nhân. Đây có lẽ là một hoạt động mà du khách trông đợi nhiều nhất khi được trực tiếp mắt thấy, tai nghe, tự mình thực hiện,…

     3.4. Mở rộng các hoạt động du lịch

     Mở rộng các hoạt động du lịch thực chất là mở rộng các hoạt động dịch vụ ăn theo trong tuyến du lịch làng nghề nhằm giới thiệu, quảng cáo địa điểm du lịch làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách, thu hút du khách và tăng tính hấp dẫn cho điểm du lịch đồng thời tăng thêm thu nhập cho làng nghề.

     Một số hoạt động du lịch tại chỗ như phương tiện di chuyển, ăn uống, mua sắm, thư giãn, vui chơi, giải trí,… nếu gần các khu du lịch tâm linh thì sản phẩm du lịch sẽ đa dạng hơn với nhiều mặt hàng tuỳ thuộc vào sự linh hoạt của người kinh doanh và quản lí. Các hoạt động du lịch khác thông qua các phương tiện thông tin đại chúng chẳng hạn như trưng bày và bán hàng qua mạng.

     Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý kĩ rằng phải triệt để không xảy ra các tình trạng chặt chém, chèo kéo khách du lịch, gây mất cảnh quan, thẩm mĩ làng nghề tạo ấn tượng không tốt đối với khách tham quan khiến họ cảm thấy không được tôn trọng và chỉ đến một lần, không đến lần thứ hai.

     3.5. Xây dựng đội ngũ nhân lực

     Đội ngũ nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch làng nghề nói riêng và các hoạt động du lịch khác nói chung đóng một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng và cần phải được xây dựng một cách chuyên nghiệp, bài bản, có trình độ, có kiến thức và khả năng giao tiếp, ứng xử tốt.

     Đầu tiên, đội ngũ quản lí phải là những người luôn nắm vững những tri thức mới, kiến thức nghề nghiệp, có tầm nhìn sâu sắc về giá trị kinh tế của làng nghề cũng như giá trị văn hoá đặc trưng tiêu biểu.

     Đối với đội ngũ hướng dẫn viên, thực trạng hiện nay cho thấy đội ngũ này vừa yếu vừa thiếu một cách trầm trọng. Do đó, đội ngũ hướng dẫn viên cũng cần có sự tuyển chọn kĩ lưỡng, rõ ràng, tránh tình trạng làm ăn qua loa, nửa vời, đem con bỏ chợ. Đội ngũ hướng dẫn viên cần phải được đào tạo bài bản, có trình độ ngoại ngữ và khả năng giao tiếp tốt, hiểu biết sâu sắc về kiến thức làng nghề, yêu công việc. Trong việc quy hoạch và xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, cần chú trọng vào đội ngũ các con em làng nghề bởi họ xuất thân từ môi trường làng nghề, ít nhiều kiến thức về nghề cũng đã ăn sâu vào máu thịt họ, ông bà ta có câu con nhà tông không giống lông cũng giống cánh chính là thế.

     Ngoài ra, đối với người lao động chúng ta cũng phải tổ chức đào tạo nghề cho họ. Về vấn đề này, ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã khẳng định rằng, đào tạo lao động làng nghề là một trong những việc làm quan trọng nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề. Đây là một hình thức để nâng cao thu nhập của người nông dân, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đào tạo một triệu lao động mỗi năm theo Đề án đào tạo nghề lao động nông thôn đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1956. Đây là hoạt động để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của người lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Trên thực tế, hiện nay việc truyền nghề chủ yếu bằng phương pháp hướng dẫn, chỉ bảo,… trực tiếp bởi các nghệ nhân cao tuổi. Phương pháp này tuy tốn ít kinh phí, dễ học, dễ dạy nhưng có nhiều nhược điểm như thiếu chuẩn xác, thiếu sự đóng góp hoàn thiện của tập thể bởi mỗi nghệ nhân truyền một kiểu, do đó, nếu công việc không ổn định có thể bị thất truyền. Thực tế, các làng nghề hiện rất thiếu nguồn nhân lực khi số lao động tại các làng nghề có khuynh hướng đi làm các công việc khác mà không tha thiết đến nghề truyền thống của cha ông, nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, vốn,… Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề, công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, vấn đề đào tạo, tuyển sinh và sau đào tạo,… cũng đang đặt ra nhiều vấn đề.

     Và đặc biệt chúng ta cần phải nhận thức rằng công tác, sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ ngành du lịch không thể chỉ giao khoán cho các trường đào tạo ngành du lịch, khách sạn hay các công ti lữ hành, các nhà hàng, khách sạn mà phải được xem là sứ mạng của mỗi người công dân có trách nhiệm đến việc phát triển đất nước. Công tác này rõ ràng là phải do các cấp cao nhất trong chính quyền phối hợp mới thực hiện được.

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Đào Đình Bắc (Biên dịch), Quy hoạch du lịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1998.

2. Nguyễn Như Bình, Làng nghề: Lợi thế văn hoá để phát triển du lịch ở Đông Nam Bộ trong xu thế hội nhập và phát triển, Kỉ yếu hội thảo khoa học toàn quốc Khoa học xã hội và phát triển bền vững Đông Nam Bộ, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai, 2012.

3. Nguyễn Như Bình, Thực trạng đào tạo – sử dụng và phát triển nguồn nhân lực ngành Văn hoá – Du lịch trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, Kỉ yếu hội thảo khoa học Đối sánh chuẩn đầu ra theo nhu cầu xã hội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, 2012.

4. Nguyễn Như Bình, Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Văn hoá – Du lịch trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế, Kỉ yếu hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực các ngành khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương, 2013.

5. Nguyễn Như Bình, Bảo tồn và phát huy nghề làm lồng đèn truyền thống Phú Bình – TP Hồ Chí Minh, In trong Làng nghề và phát triển du lịch, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, 2014.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, NXB Sự thật, Hà Nội, 1991.

7. Nguyễn Đình Hoà – Vũ Văn Hiếu, Du lịch bền vững, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2001.

8. Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Nam Bộ đất và người, tập 6, NXB Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh, 2008.

9. Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Nam Bộ đất và người, tập 7, NXB Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh, 2009.

10. Nguyễn Văn Huyên (chủ biên), Văn hoá mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006.

11. Lan Hương, Đào tạo nghề cho các làng nghề, Truy cập ngày 30/6/2014, 2011, http://www. nguoinhaque.com.

12. Nguyễn Xuân Kính, Con người, môi trường và văn hoá, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2009.

13. Lê Thị Minh Lý, Làng nghề và việc bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể, Di sản Văn hoá, số 04, Hà Nội, 2003.

14. Võ Thị Thắng, Phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới, Cộng sản, số 5, tháng 03, 2005.

15. Lê Thông – Nguyễn Minh Tuệ, Tổ chức lãnh thổ du lịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.

16. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh, 2006.

17. Trần Văn Thông, Tổng quan du lịch, Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Lang, TP Hồ Chí Minh, 2002.

18. Vũ Quốc Tuấn, Làng nghề trong công cuộc phát triển đất nước, NXB Tri thức, Hà Nội, 2011.

19. Trường Đại học Sài Gòn, Đào tạo nguồn nhân lực Văn hoá – Du lịch trong xu thế hội nhập và phát triển, Kỉ yếu hội thảo khoa học toàn quốc, TP Hồ Chí Minh, 2009.

20. Hồ Sĩ Vịnh, Về bản lĩnh Văn hoá Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.

21. Bùi Văn Vượng, Nghề chạm khắc đá, nghề chạm khắc gỗ, nghề làm trống cổ truyền Việt Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2010.

22. Bùi Văn Vượng, Nghề dệt, nghề thêu cổ truyền Việt Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2010.

23. Bùi Văn Vượng, Nghề đúc đồng, nghề sơn Việt Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2010.

24. Bùi Văn Vượng, Nghề giấy dó, tranh dân gian Việt Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2010.

25. Bùi Văn Vượng, Nghề gốm cổ truyền Việt Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2010.

26. Bùi Văn Vượng, Nghề kim hoàn, ngọc, sản xuất vàng truyền thống – kinh doanh đồ cổ Việt Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2010.

27. Bùi Văn Vượng, Nghề mây tre đan, nghề dệt chiếu, dệt thảm, làm quạt giấy cổ truyền Việt Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2010.

28. Bùi Thị Hải Yến, Quy hoạch du lịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007.

29. Wikipedia.org, Đồng bằng sông Cửu Long, Truy cập ngày 30/6/2014.

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)