Làng truyền thống của người Ba Na Rơ Ngao ở Kon Tum

BA NA RƠ NGAO’S TRADITIONAL VILLAGE IN KON TUM PROVINCE

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  NGUYỄN THỊ NGUYÊN LÊ
(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM)

TÓM TẮT

     Trên cơ sở tiếp cận các tư liệu, hình ảnh, vật dụng, trang phục… của người Ba Na Rơ Ngao tại Bảo tàng Kon Tum; một số công trình nghiên cứu về các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên của các tác giả đi trước; qua khảo sát thực tế và phỏng vấn sâu người dân Ba Na Rơ Ngao, cùng với những người có chức sắc, bài viết phân tích các đặc điểm về làng truyền thống của người Ba Na Rơ Ngao ở Kon Tum. Qua đó thấy được vị trí, chức năng của làng gắn bó mật thiết với đời sống của người Rơ Ngao ở Kon Tum nói riêng, các dân tộc tại chỗ ở Tây Nguyên nói chung.

Từ khóa: Ba Na, Kon Tum, làng, Tây Nguyên, truyền thống, Rơ Ngao.

ABSTRACT

     On the basis of accessing documents, images, objects, costumes… of the Ba Na Rơ Ngao people at Kon Tum Museum; some studies on the ethnic minorities in the Central Highlands of the previous authors, through field surveys and in-depth interviews with Ba Na Rơ Ngao people, together with people with dignitaries, the article analyzes the characteristics of traditional villages of the Ba Na Rơ Ngao people in Kon Tum province. Thereby, it can be seen that the position and function of the village is closely related to the life of the Rơ Ngao people in Kon Tum in particular, and the local ethnic groups in the Central Highlands in general.

Keywords: Ba Na, Central Highands, Kon Tum, tradition, Rơ Ngao, village.

x
x x

1. Mở đầu

     Theo nghĩa tiếng Việt “Làng là đơn vị dân cư nhỏ nhất ở nông thôn vùng đồng bằng và trung du Việt Nam, thường có đời sống riêng về nhiều mặt” (Hoàng Phê, 2014). Ở Tây Nguyên, các dân tộc tại chỗ (DTTC) có đơn vị dân cư tương ứng với làng của người Việt. Tùy theo cách sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng bản địa, để có tên làng của các tộc người cụ thể. Chẳng hạn: làng (Việt), người Ba Na gọi là kon, người Gia rai gọi là plei, người Ê đê gọi là buôn, người Xơ Đăng gọi là pơ lê, v.v. Đây là tổ chức xã hội cổ truyền có vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng các DTTC ở Tây Nguyên nói chung và ở Kon Tum nói riêng.

     Tỉnh Kon Tum có 7 nhóm DTTC, trong đó, có 6 tộc người sử dụng ngữ hệ Nam Á (Austroasiatic), dòng Môn – Khmer, như Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ-Triêng, Rơ Măm, Hrê, Brâu; còn 1 tộc người sử dụng ngữ hệ Nam Đảo (Malayo-Polynesia): người Ba Na (Bahnar) là một trong 54 các tộc người ở Việt Nam; “có các tên gọi khác: Bơ Nâm, Roh, Kon Kđe, Ala Kông, Kpang Kông.” (xin xem: Ủy ban Dân tộc, truy cập 05/4/2017). Người Ba Na cư trú chủ yếu ở vùng Tây Nguyên Việt Nam. “Người Ba Na ở Việt Nam có dân số 227.716 người, cư trú tại 51 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở Gia Lai 104.997 người (chiếm 11,8% dân số toàn tỉnh); Kon Tum 99.416 người (chiếm 12,5% dân số toàn tỉnh).” (Tổng điều tra dân số và nhà ở, 2009). “Người Ba Na gồm các nhóm địa phương: Rơ Ngao, Rơ Lơng (hay Y Lăng), Tơ Lô, Gơ Lar Krem.” (xin xem: Uỷ ban Dân tộc, truy cập 19/10/2021).

     Ở tỉnh Kom Tum, người Ba Na thuộc nhóm Rơ Ngao, cư trú tại Thành phố Kon Tum và một số huyện: Đắk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy và một số vùng khác dọc theo sông Đăk Bla. Đây là một tộc người sinh sống lâu đời ở Tây Nguyên đã kiến lập nên nền văn hoá làng độc đáo. Làng truyền thống của người Ba Na Rơ Ngao (gọi tắt là người Rơ Ngao) thường có rào gỗ, tre bao bọc; có cổng ra, vào để ngăn thú dữ và chống ngoại xâm. Người Rơ ngao có thói quen sáng mở cổng làng, chiều đóng cổng làng; khi làng có việc hệ trọng, như: dịch bệnh, cúng ma… thì cổng làng đóng suốt ngày. Mỗi làng có chừng ba bốn chục nóc nhà gọi là hnam, được xây dựng theo hướng Tây- Đông; trung tâm làng là nhà Rông. Làng gắn bó mật thiết với đời sống của người Rơ Ngao, là không gian sinh tồn kinh tế, văn hóa chứa đựng các giá trị truyền thống của tộc người ở Kon Tum nói riêng, các DTTC ở Tây Nguyên nói chung.

2. Nội dung

     2.1. Các thành tố cấu tạo tên làng và sự chuyển hóa tên làng của người Rơ Ngao

     2.1.1. Các thành tố cấu tạo tên làng

     Tên làng là địa danh chỉ nơi cư trú do con người kiến tạo. Nơi đó ẩn chứa nhiều giá trị ngôn ngữ, bản sắc văn hóa của vùng đất, một tộc người trong từng thời kì lịch sử. Về đặc điểm cấu tạo địa danh ở Tây Nguyên, “gồm hai thành tố: thành tố đứng trước gọi là thành tố chung (kí hiệu là A), chứa đựng thông tin về loại hình của đối tượng (sông, núi, thôn, buôn, làng…); thành tố đứng sau gọi là thành tố riêng (kí hiệu là B), chứa đựng thông tin về đặc điểm riêng của đối tượng hoặc những ý nghĩa mà chủ thể đặt tên, gửi gắm” (Nguyễn Minh Hoạt, 2018)

     Cũng như các DTTC ở Tây Nguyên, tên làng của người Rơ Ngao ở Kon Tum thường lấy tên núi, sông, suối, hồ, cây… hay tên của người có uy tín trong làng. Về mặt ngôn ngữ, tên gọi của làng được cấu tạo thành một tổ hợp định danh, gồm hai thành tố:

      Thành tố chung (A) là tên thể loại địa danh chỉ nơi cư trú, theo tên gọi của các DTTC: gồm các tên: Kon (làng – tiếng Ba Na), Plei (làng – tiếng Gia rai), Đăk (daknước, suối: tiếng M’nông), v.v.

     Thành tố riêng (B) là tên riêng chỉ đặc điểm, tính chất… của thể loại địa danh chỉ nơi cư trú, như: Kơ tol (tiếng Ba Na – ở giữa), Krông (tiếng Ê đê – sông – từ vay mượn khu vực Đông Nam Á), Kơ năng (tiếng Ba Na – ghè cổ; tiếng Ê đê – ceh – ché), Drợp (tiếng Ba Na – vùng đất cao), Wơt (tên riêng của người Rơ Ngao xưa có lòng yêu thương đồng bào trong làng và các làng lân cận), Yo (tên suối), Kơ Chót (tên suối), v.v. Kết hợp giữa (A) và (B), có các tên làng theo bảng sau:

Bảng 2.1. Một số tên làng của người Rơ Ngao

Thành tố chung (A)Thành tố riêng (B)Tên làngNghĩa
KonKơ tolKon Kơ tolLàng ở giữa
PleiKrông
Kơ năng
Drợp
Plei Krông
Plei Kơ năng
Plei Drợp
Làng sông
Làng ghè (ché) cổ
Làng ở vùng đất cao
Đăk (Dăk)Wơt
Yo
Kơ Chót
Đăk Wơt
Đăk Yo
Đăk Kơ Chót
(làng) Suối Wơt
(làng) Suối Yo
(làng) Suối Kơ Chót

     Qua bảng 2.1., tên một số làng của người Rơ Ngao có nguồn gốc và ý nghĩa như sau:

     – Kon Kơ Tol: Làng gắn với đặc điểm địa bàn cư trú. Trước đây, ở khu vực Hơ Mông hiện nay có xảy ra dịch bệnh, đồng bào phải chuyển lập làng ở giữa vùng Hơ Mông và vùng Krông nên đặt tên làng là Kon Kơ Tol; nghĩa là làng ở giữa chừng (Kơ Tol: ở giữa).

     – Plei Krông: Làng ở giữa hai dòng sông Krông Bơ Lah (Đăk Bla) và sông Krông Pô Kô (Đăk Pô Kô) tên là Plei Krông: nghĩa là làng sông (Krông: Sông).

     – Plei Kơ năng: Plei Kơ năng nghĩa là làng ghè cổ (ché). Làng gắn với đặc điểm địa bàn cư trú. Ngày xưa, khi đến đây lập làng, dân làng phát hiện một cái ché cổ nên khi lập làng đặt tên làng là Kơ năng (Kơ năng: ché cổ).

     – Plei Drợp: Nghĩa là làng ở trên cao (Drợp: vùng đất cao). Xuất phát từ việc xưa kia ở làng xảy ra việc tranh chấp giữa các cá nhân, do quá trình xử không công bằng nên có một người đàn ông đã bỏ làng sinh sống ở vùng cao hơn, lập làng mới đặt tên là Plei Drợp.

     – Đăk Wơt: Làng gắn với tên người có uy tín (Wơt – Tên riêng của một người Rơ Ngao xưa có lòng yêu thương đồng bào trong làng và các làng lân cận).

     – Đăk Yo, Đăk Kơ Chót: Làng gắn với tên suối (Yo, Kơ Chót: tên suối).

     Tổng hợp 50 tên Kon của dân tộc Rơ Ngao tại Kon Tum (nguồn: Trích Báo cáo Khoa học về 6 dân tộc tại chỗ ở Kon Tum – Ban Dân tộc). Số lượng tên thành tố chung (A) gồm: Kon 23, Đăk 15, Plei 7, Kơ 2, Măng 2, Yang 1.

     2.1.2. Sự chuyển hóa tên làng

     Do phát triển về dân số và sử dụng đất sản xuất, tên làng của người Rơ Ngao có sự chuyển hóa rất đa dạng. Đó là hiện tượng làng “mẹ” tách ra thành các làng “con”. Những làng “con” được tách ra trong một địa bàn nên gần làng “mẹ”, giữa hai làng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Các làng mới thường lấy tên gốc của làng “mẹ” đồng thời thêm vào thành tố riêng một yếu tố để phân biệt.

     Kon Tu Dốp (làng dưới), (thuộc xã Pô Kô, huyện Đăk Tô), đã tách thành 5 làng dựa vào tên của làng “mẹ”, thêm số tự nhiên vào phần riêng để có các làng “con”, như: Kon Tu Dốp 1 (làng dưới 1), Kon Tu Dốp 2 (làng dưới 2), v.v. Như vậy, thành tố riêng (B) Tu Dốp của làng “mẹ” đã chuyển thành 1 bộ phận của thành tố chung (A).

     Hay (làng) Đăk Rao tách thành Đăk Rao lớnĐăk Rao nhỏ, các làng được tách dựa trên số lượng các hộ gia đình theo quy định để thuận lợi cho việc quản lí; đồng thời mỗi làng phải có một nhà Rông, có trường học, có trạm y tế, v.v.

     Hoặc làng Kon Mơ Nay, (thuộc xã Đăk Blà, TP. Kon Tum) được tách thêm một làng nữa gọi là Kon Mơ Nay Sơ Lam và sau có thêm hai làng mới là Kon Mơ Nay Ktu 1 và Kon Mơ Nay Ktu 2; Kon Măng La, (thuộc xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum) sau tách thành hai làng: Măng La Ktu Măng La Klah; Làng mới lập lấy tên làng cũ, thêm vào thành tố phụ: Ktu, Klah; theo tiếng Rơ Ngao: Ktu là “cũ”, “nguyên thủy”, “gốc” và Klah có nghĩa là “tách ra”. Hiện tượng tách làng phổ biến ở nhiều làng DTTC tại Thành phố Kon Tum.

     Đặt tên làng mới, bổ sung sau thành tố (B) bằng các số tự nhiên có tính phổ biến, như: Kon Gur 1, Kon Gur 2; Kon Mơ Nay Ktu 1, Kon Mơ Nay Ktu 2; Kon Tu Dốp 1, Kon Tu Dốp 2, Đăk Ri Pêng 1, Đăk Ri Pêng 2… hình thức này dễ nhớ, dễ thuộc và có thứ tự.

     Do tiếp xúc ngôn ngữ các DTTC với tiếng Việt, quá trình chuyển hóa địa danh, có hiện tượng, các địa danh tiếng DTTC đã hòa trộn với tiếng Việt tạo nên những tổ hợp ngôn ngữ có hình thức kết hợp mới. Đó là một địa danh ở ngôn ngữ bản địa đã bao hàm thành tố (A) và thành tố (B), như địa danh làng của người Ba Na: Kon (A) Kơ tol (B), Kon (A) Tu Dốp (B)… khi chuyển sang cách dùng của người Việt, thì người Việt đã thêm thành tố (A) làng phía trước. Vì vậy thành tố (A) của địa danh các DTTC sẽ chuyển thành một bộ phận của thành tố (B), chẳng hạn: Kon Kơ tol (Ba Na) – Làng (Việt) Kon Kơ tol; Kon Tu Dốp (Ba Na) – Làng (Việt) Kon Tu Dốp; Kon Mơ Nay (Ba Na) – Làng (Việt) Kon Mơ Nay; Plei Krông (Ba Na) – Làng (Việt) Plei Krông, v.v.

     2.2. Tiêu chuẩn, thủ tục chọn nơi lập làng và cấu trúc của làng

     2.2.1. Tiêu chuẩn, thủ tục chọn nơi lập làng

     Với người Rơ Ngao, chọn lập làng là việc hệ trọng, công việc này ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của làng. Theo họ, về yếu tố tâm linh, nếu mảnh đất tốt, được thần linh phù hộ thì dân làng sẽ trồng được nhiều lúa gạo, chăn nuôi nhiều gia súc, con cái khỏe mạnh, tránh thiên tai hoả hoạn, cuộc sống no đủ. Vì vậy, việc lập làng cần đáp ứng những tiêu chuẩn:

     Về nguồn nước, nơi lập làng phải gần nguồn nước sinh hoạt. Hầu hết các làng đều quay mặt về hướng nguồn nước, chạy quanh theo các mạch sông, mạch suối. Trong làng phải có con đường dẫn ra mương lấy nước, mọi sinh hoạt quần tụ bên con sông, con suối. Để đảm bảo an ninh và chống ngoại xâm, thú dữ xâm nhập vào làng, người dân Rơ Ngao đã cắm chông, thò, đào hào… xung quanh làng.

     Về đất ở, người Rơ Ngao chọn những vùng đất cao, bằng phẳng để dựng nhà, dễ lên rừng làm rẫy, săn bắt, hái lượm; thuận lợi cho việc xuống sông suối, ao hồ lấy nước, bắt cá. Nơi dựng nhà ở phải cao ráo, dễ quan sát và phòng tránh thú dữ. Hội đồng già làng và dân làng luôn có trách nhiệm trong việc chọn một nơi lập làng phù hợp.

     Về các thủ tục chọn nơi lập làng, người Rơ Ngao xưa có quan niệm: việc lập làng không phụ thuộc vào con người mà do thần linh (Yang) quyết định, qua chiêm mộng hay các quy ước riêng. Chẳng hạn, giết con gà trống, nắm chân ném đi, làm sao để đầu gà quay lại phía mình là tốt. Nếu quay hướng khác là xấu phải ném lại. Hoặc lấy vài chục hạt gạo, đặt một nơi nào đó, sáng hôm sau đến kiểm tra, đếm lại số hạt gạo. Nếu số hạt gạo không bị mất nghĩa là đất lành và lập làng được. Nếu số hạt gạo bị mất nhiều (do kiến tha đi) là đất xấu, không ở được, nên phải tìm nơi khác. Người Rơ Ngao tin rằng, nếu được thần linh cho phép, làng sẽ gặp nhiều thuận lợi, may mắn trong đời sống, sinh hoạt cộng đồng. Khi dời làng, người Rơ Ngao phát hoang vùng đất được chọn trước để di chuyển làng đến đó. Đêm kế tiếp, sau công việc phát hoang này, cũng thông qua chiêm mộng, nếu họ mơ thấy thần linh cho điều tốt lành thì sẽ thực hiện nghi lễ chuyển làng. Nếu không mơ thấy thần linh cho điều tốt lành thì không dời làng.

     Người Rơ Ngao hay một số DTTC ở Trường Sơn – Tây Nguyên, rất coi trọng yếu tố tâm linh. Người dân trong làng quan niệm, có thần linh che chở cuộc sống của làng sẽ no ấm, bình an. Tín ngưỡng đa thần được thể hiện trong cảm quan của người Rơ Ngao, thần linh luôn có mặt trong cuộc sống, hiện hữu trong hình sông, dáng núi, cỏ cây, v.v. Yếu tố tâm linh góp phần hướng con người tới cái chân – thiện – mỹ, giúp con người sống có trật tự, gần gũi với thiên nhiên, chuộng hòa bình, đoàn kết, hăng say lao động, sống vì cộng đồng, v.v.

     Tuy nhiên, do tiếp xúc giao thoa văn hóa với người Kinh và các tộc người khác, trong cuộc sống hiện đại, các thủ tục chọn nơi lập làng xưa không còn tồn tại mà dựa vào kết cấu địa hình và quy hoạch vùng dân cư của chính quyền địa phương.

     2.2.2. Cấu trúc của làng

     Làng của người Rơ Ngao được cấu trúc bởi các ngôi nhà của người dân được xây dựng thành hàng theo hình bầu dục hay hình vành khuyên bao quanh khoảng đất rộng và bằng phẳng tạo nên sân chung. Ở giữa sân có nhà Rông là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, hội họp của làng. Làng còn có một nhóm nhà được bố trí phía trong, sát hàng rào bao quanh như một hệ thống công sự phòng thủ bảo vệ an ninh và ngăn ngừa thú dữ. Ngày nay, hàng rào thường chỉ dùng để ngăn chặn trâu bò, có một số làng không còn hàng rào bao quanh. Ngoài hàng rào còn có nghĩa địa ở phía Tây, kho lương thực (sum – tiếng Ba Na) dự trữ lúa trong năm bố trí theo hướng gió Đông để tránh hỏa hoạn cũng là chỗ lấy nước dùng. Nguồn nước được người dân chuyền máng chảy về hoặc đào mương đưa nước suối về làng.

     Nhà ở của người Rơ Ngao nói riêng và của các DTTC ở Kon Tum nói chung được gọi là: nhà sàn hay nhà dài. Đó là những ngôi nhà không chỉ dài về mặt đo lường (độ dài trung bình 10m) mà ở đó còn chứa đựng độ dài truyền thống gia đình nhiều thế hệ, nhiều hộ sống chung. Người Rơ Ngao khi lập gia đình, có thời gian một, hai hoặc nhiều năm sống bên nhà chồng hay nhà vợ (để trả ơn cha mẹ) vẫn ở trong căn nhà chung ấy, chỉ khác là đặt thêm một bếp nấu. Khi có điều kiện hoặc được sự hỗ trợ của hai bên cha mẹ, cặp vợ chồng trẻ có thể tự làm cho mình ngôi nhà mới.

     Việc làm nhà của người Rơ Ngao được sắp xếp vào thời gian rảnh rỗi (ning nơng – tiếng Ba Na). Lúc dựng nhà mới, hay sửa nhà, già làng (Bok Kră pơlơ – tiếng Ba Na) vận động dân làng giúp đỡ công sức, vật liệu dựng nhà. Khi xong khung nhà, xong cột, rui, mè, dù chưa kịp lợp mái, dựng vách, chủ nhà vẫn tiến hành tổ chức lễ dựng nhà (Pơ dâng hnam – tiếng Ba Na). Làm nhà xong, ngày gia chủ dọn về nhà cũng là ngày khánh thành nhà mới, người Rơ Ngao tổ chức lễ ăn uống mừng nhà mới (Et hơtok hnam nao – tiếng Ba Na).

     2.3. Làng là không gian sinh tồn về kinh tế và văn hóa

     2.3.1. Làng là không gian sinh tồn về kinh tế

     Người Rơ Ngao trước đây mưu sinh theo phong tục dưới sự điều hành của thiết chế tự quản. Họ phát triển kinh tế qua các hoạt động: canh tác nương rẫy theo phương thức phát – đốt – chọc – tỉa; chăn nuôi gia súc; nghề thủ công đan lát, dệt vải… trao đổi theo phương thức vật đổi vật. Công cụ lao động của người Rơ Ngao còn thô sơ, họ chưa biết sử dụng trâu, bò làm sức kéo. Săn bắt, hái lượm không diễn ra tùy tiện mà tuân theo luật tục về bảo vệ đất, nguồn nước. Thành quả thu được sau săn bắn, hái lượm không chỉ là giá trị vật chất cá nhân mà chia đều trong cộng đồng.

     Trong xã hội hiện đại, cuộc sống của người dân Rơ Ngao có nhiều thay đổi. Dân số tăng nhanh cùng với chính sách quản lí rừng của Nhà nước làm cho hoạt động canh tác nương rẫy không còn điều kiện quay vòng theo chu kì luân khoảnh khép kín. Canh tác nương rẫy đã chuyển sang hình thức thâm canh liên tục nhiều năm với các kĩ thuật mới. Hoạt động săn bắn, săn bắt, hái lượm đã không thường xuyên như trước, vì diện tích rừng đã thu hẹp, cách xa nơi cư trú.

     2.3.2. Làng là không gian sinh tồn văn hóa

     Lễ hội của người Rơ Ngao chia làm ba nội dung chính: Lễ hội vòng đời người, lễ hội về sản xuất trồng trọt, lễ hội về sự tồn tại và phát triển của cộng đồng. Trong lễ hội, con người được ăn uống, vui chơi thỏa thích còn được gọi là mùa Ăn năm uống tháng, mùa trai gái tìm hiểu nhau nên gọi là Mùa của tình yêu, kéo dài từ tháng 10 Dương lịch năm trước đến tháng 3 Dương lịch năm sau.

     Lễ hội của người Rơ Ngao bao giờ cũng xuất phát từ yếu tố thiêng – nghi thức tế lễ, hiến sinh mong sự bình yên, no đủ. Khi các hoạt động đó được thần linh chứng giám thì ở mỗi con người như được cởi mở, thăng hoa tạo thành không khí lễ hội tưng bừng với chiêng xoang. Cồng chiêng không chỉ là của cải, nhạc khí dân gian mà còn là vật thiêng. Bất cứ lễ hội nào cũng có cồng chiêng, ứng với mỗi hoàn cảnh là một bài chiêng khác nhau. Nét độc đáo của văn hóa Rơ Ngao thể hiện ở tính cộng đồng, dân chủ và bình đẳng gắn liền với cuộc sống của con người. Ở đó con người là chủ thể sáng tạo nghệ thuật đồng thời là người thưởng thức nghệ thuật. Ngày nay, quá trình biến đổi của tổ chức xã hội qua các thời kì lịch sử đã tác động đến làng của người Rơ Ngao truyền thống trên nhiều phương diện.

     2.4. Văn hóa người Rơ Ngao trước cuộc sống hiện đại và các giải pháp bảo tồn

     2.4.1. Văn hóa người Rơ Ngao trước cuộc sống hiện đại

     Trước cuộc sống hiện đại, quá trình phát triển đô thị ở Kon Tum, văn hóa làng truyền thống của người Rơ Ngao đang bị thu hẹp và mất dần. Không gian làng truyền thống gắn với rừng cây, con suối, bình yên trong nắng sớm, nghe rõ từng tiếng chim kêu, thác chảy. Thế nhưng, nay rừng đã lùi xa. Nhà ở của người Rơ Ngao xây dựng bằng xi măng, cốt thép, lợp tôn, lên tầng lầu. Trang phục truyền thống biến đổi nhanh chóng, người già vẫn giữ thói quen mặc áo khố tự dệt, lớp trung niên và thanh niên mặc theo lối người Kinh, nghề dệt không còn phổ biến. Bữa cơm truyền thống: canh, luộc, nướng, cơm lam nấu ống chỉ xuất hiện ở lễ hội. Ăn chín uống sôi đã trở nên phổ biến với đồng bào Rơ Ngao. Về nhà Rông, vì lí do không có nguyên vật liệu nên những nhà Rông mới lập ra hết sức xa lạ, mất đi bản sắc.

     Tín ngưỡng đa thần chỉ còn tồn tại ở lớp người già và phai nhạt ở lớp người trẻ. Sử thi mai một dần, nạn chảy máu cồng chiêng diễn ra trong nhiều năm. Âm nhạc cồng chiêng ngày nay chỉ phục vụ nhu cầu văn nghệ chứ không còn là âm nhạc cồng chiêng văn hóa. Lễ hội vòng đời người của người Rơ Ngao cũng thay đổi ít nhiều theo thời gian.

     Do tác động của di dân, bên cạnh làng thuần dân tộc tại chỗ, ngày càng xuất hiện nhiều làng xen cư tộc người mới đến và DTTC. Tình trạng này tạo nên nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn trong tổng thể sự phát triển của làng. Luật tục ngày nay là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc điều chỉnh xã hội. Luật tục có trách nhiệm hướng dẫn giải quyết những hiện tượng nảy sinh trong cuộc sống, định hướng những hành vi đúng đắn. Luật tục về cơ bản có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến nếp sống văn hóa, đạo đức, ứng xử trong làng, ứng xử trong xã hội.

     Không gian sinh tồn văn hóa của làng đã biến đổi. Ngày nay, nơi lập làng tiêu chí hàng đầu không nằm ở nguồn nước và đất sản xuất mà chọn gần đường giao thông, trường học, trạm y tế, gần trung tâm hành chính. Thủ tục chọn đất lập làng không còn phổ biến vì các làng đã sống định cư, bếp lửa tách riêng không còn chung như trước đây.

     2.4.2. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống Rơ Ngao

     – Sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể làng truyền thống của người Rơ Ngao, như mô hình thiết kế xây dựng làng, giữ vệ sinh môi trường nước, bảo vệ rừng, phòng cháy, tránh lũ quét; đề phòng lở núi, đất sập. Tổ chức các lễ hội truyền thống tại địa phương, trình diễn các tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa các DTTC. Chủ động tổ chức truyền dạy cho các thế hệ về diễn tấu cồng chiêng và các nhạc cụ của các tộc người.

     – Thiết kế, xây dựng nhà Rông truyền thống cho các làng DTTC. Tăng cường các hoạt động văn hóa của làng tại nhà Rông, qua đó tuyên truyền chính sách chủ trương của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, xây dựng mối đoàn kết, giữ vững an ninh trong cộng đồng. Xây dựng phòng trưng bày và tổ chức sưu tầm các sản phẩm nghề truyền thống của các DTTC, như: dệt thổ cẩm, đan lát, nghề gốm, tạc tượng, đẽo thuyền độc mộc, làm rượu cần, nghề rèn, chế tác nhạc cụ âm nhạc.

      – Có chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Giáo dục cho người dân DTTC có ý thức tự giác trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể, không gian văn hóa cồng chiêng. Đãi ngộ đối với các già làng, trưởng thôn, người có uy tín, nghệ nhân tại cộng đồng. Qua đó khuyến khích đề cao họ có tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn và truyền đạt cho thế hệ sau về bản sắc văn hóa của cộng đồng.

     – Xây dựng và phát triển mô hình làng văn hoá – du lịch với hình thái cấu trúc không gian, cơ chế chính sách phù hợp có thể gắn kết hài hoà giữa văn hoá và du lịch, giữa bảo tồn và phát triển. Triển khai quy hoạch đồng bộ việc bảo tồn, phát huy giá trị đặc trưng cấu trúc bản, công trình kiến trúc làng truyền thống của người Rơ Ngao trên địa bàn.

3. Kết luận

     Làng truyền thống của người Rơ Ngao ẩn chứa những giá trị văn hóa của người Rơ Ngao trong từng thời kì lịch sử. Tên làng được cấu tạo gồm hai thành tố: thành tố chung (A) là tên thể loại địa danh chỉ nơi cư trú; thành tố riêng (B) là tên riêng chỉ đặc điểm, tính chất… của làng. Do phát triển về dân số và sử dụng đất sản xuất, tên làng của người Rơ Ngao có sự chuyển hóa từ làng “mẹ” tách ra thành các làng “con”. Những làng “con” được tách ra trong một địa bàn nên gần làng “mẹ”, giữa hai làng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Các làng mới thường lấy tên gốc của làng “mẹ” đồng thời thêm vào thành tố riêng một yếu tố để phân biệt.

     Chọn nơi lập làng phải gần nguồn nước sinh hoạt. Chọn những vùng đất cao, bằng phẳng để dựng nhà, dễ lên rừng làm rẫy, săn bắt, hái lượm. Người Rơ Ngao xưa có quan niệm: việc lập làng không phụ thuộc vào con người mà do thần linh (Yang) quyết định, qua chiêm mộng hay các quy ước riêng. Làng của người Rơ Ngao được cấu trúc bởi các ngôi nhà của người dân được xây dựng thành hàng theo hình bầu dục hay hình vành khuyên bao quanh khoảng đất rộng và bằng phẳng tạo nên sân chung. Ở giữa sân có nhà Rông là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, hội họp của làng. Làng là không gian sinh tồn về kinh tế và văn hóa.

     Cuộc sống hiện đại, đã tạo nên những biến động mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của thế hệ trẻ. Một bộ phận người dân có xu hướng chạy theo những giá trị vật chất đơn thuần, có tư tưởng sùng ngoại, từ đó coi thường những thuần phong mỹ tục, hoặc lãng quên không quan tâm đến các giá trị truyền thống của dân tộc. Trong dòng chảy ấy, những giá trị văn hóa của làng truyền thống của người Rơ Ngao ở Kon Tum nói riêng, ở Tây Nguyên nói chung cũng đang dần mai một và đứng trước nguy cơ biến mất trong đời sống. Vì vậy, cần có các giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị để góp phần xây dựng tình đoàn kết, phát triển kinh tế và giữ vững an ninh trong khu vực.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Nguyễn Minh Hoạt (2018). Từ loại danh từ tiếng Ê đê. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

     Hoàng Phê (chủ biên) (2014). Từ điển tiếng Việt. NXB Đà Nẵng.

     Ủy ban Dân tộc, truy cập 05/4/2017.

     Uỷ ban Dân tộc. Cổng thông tin điện tử: http://www.cema.gov.vn/gioi-thieu/cong-dong54-dan-toc/nguoi-bana.htm, truy cập ngày 19/10/2021.

     Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, số 76 (04/2021)

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Làng truyền thống của người Ba Na Rơ Ngao ở Kon Tum (Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Nguyên Lê)