LÀNG và QUAN HỆ DÒNG HỌ của NGƯỜI VIỆT NAM BỘ
Giáo sư, Tiến sĩ NGÔ VĂN LỆ
(Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG-HCM)
Theo bước chân mở cõi của Chúa Nguyễn Hoàng thế kỷ XVI, người Việt đã tiến về phương Nam lập làng sinh sống. Lịch sử hình thành khác nhau nên làng Việt Bắc bộ và làng Việt Nam bộ cũng mang những nét đặc trưng riêng biệt. Nghiên cứu Làng và quan hệ dòng họ của người Việt Nam bộ của Gs Ngô Văn Lệ đã chỉ ra và lý giải những đặc trưng này. Trích từ trong Đề tài cấp nhà nước Đặc trưng tín ngưỡng tôn giáo và sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng cư dân Nam Bộ, 6/2011.
1.
Người Việt là tộc người đa số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam[1]. Trong tiến trình lịch sử Việt Nam, người Việt đã cùng với các tộc người thiểu số sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam viết lên những trang lịch sử hào hùng trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng hòa bình. Do có ưu thế về số lượng dân cư, địa bàn sinh sống và trình độ phát triển kinh tế xã hội, mà văn hóa của người Việt giữ vai trò chủ đạo trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, nhất là trong giai đoạn cận hiện đại. Hàng ngàn năm nay người Việt, một mặt vừa chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, với những kẻ thù xâm lược, mặt khác, đã sáng tạo cho mình những giá trị văn hóa, đồng thời lại tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa ngoại nhập, làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam. Tất cả những giá trị văn hóa đó đã tạo nên bản sắc và sức mạnh để Việt Nam tiếp bước trên con đường phát triển, để thực hiện mục đích cao quý: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà Việt Nam đang trên con đường hội nhập thì việc nghiên cứu văn hóa người Việt không chỉ giúp cho người đọc thấy đựơc sự kế thứa và sự sáng tạo trong chiều dài lịch sử, mà còn thấy đựơc những giá trị đích thực tạo nên sức mạnh cho sự phát triển hôm nay. Bởi vì trong “công cuộc đổi mới toàn diện, đầy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hóa đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục đích dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đòi hỏi chúng ta phải xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc… Coi đó vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội”[2].
Do tính chất và tầm quan trọng của vấn đề nên làng và quan hệ dòng họ người Việt được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu đã đựơc công bố[3]. Các công trình đó đã trình bày về xã hội nông thôn truyền thống của người Việt thông qua cơ cấu tổ chức, hoạt động kinh tế, thiết chế xã hội. Tuy nhiên, các công trình đã được công bố tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu làng và quan hệ dòng họ người Việt ở Bắc Bộ – cái nôi hình thành những giá trị văn hóa Việt – còn ở Nam Bộ chưa được chú ý. Bài viết của chúng tôi không đề cập đến một làng và quan hệ dòng họ cụ thể nào của người Việt ở Nam Bộ, mà trên cơ sở những vấn đề đã được nghiên cứu về làng và quan hệ dòng họ người Việt ở Bắc Bộ và sự trải nghiệm của bản thân tác giả trong những năm sinh sống ở một làng quê Bắc Bộ và những năm công tác tại các tỉnh phía Nam nêu lên những nguyên nhân về những khác biệt về làng và quan hệ dòng họ người Việt Nam Bộ trong bối cảnh chung của Văn hóa Việt. Tuy nhiên, làng và quan hệ dòng họ người Việt Nam Bộ là một đề tài phức tạp đầy khó khăn, trong một tiểu luận nhỏ này khó lòng bao quát được. Hơn nữa, sự hình thành các làng Việt là một qúa trình, lại bị chi phối bởi những nguyên nhân khác nhau.Theo một nghiên cứu thì qúa trình hình thành các làng ở Đồng Nai-Gia Định (bao gồm không chỉ Đồng Nai mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay) có 4 phương thức lập làng. Còn ở tỉnh Tiền Giang thì tồn tại 4 loại hình cư trú (thực chất là 4 loại hình cộng cư, mà bản chất của vấn đề là các loại hình làng khác nhau) [4]. Còn ở miền Bắc sự hình thành làng cũng diễn ra rất phức tạp. Trong qúa trình lịch sử, những tác động của các nhân tố cũng không giống nhau dẫn đến mỗi làng có một sắc thái văn hóa riêng, mà nhà nghiên cứu Từ Chi gọi là những “ốc đảo”. Chúng tôi hiểu rằng tính đa dạng của điều kiện tự nhiên và môi trường xã hội sẽ tác động rất lớn đến sự hình thành các làng, cũng như cơ cấu tổ chức và vận hành của các làng Việt, mặc dù thuật ngữ “làng” trong tiếng Việt chỉ một cấp trong tổ chức hành chính trước đây và hàm chứa địa bàn cư trú của một cộng đồng cư dân. Với một tình hình thực tế như vậy, sự đa dạng của làng Việt như là một điều hiển nhiên. Nhưng nếu xét về cơ cấu tổ chức và sự vận hành của làng, thì về cơ bản các làng lại tương đối giống nhau. Mặt khác, chúng tôi cũng bị hạn chế về thời gian, nên không có điều kiện để khảo sát các làng khác, ngoài địa bàn nơi tôi đã sinh ra và lớn lên. Về tài liệu tham khảo, như trên chúng tôi đã trình bày, do tính chất và tầm quan trọng của làng Việt nên đã có nhiều công trình được xuất bản trong những năm qua, nhưng chúng tôi chỉ tiếp cận được một lượng tài liệu khiêm tốn. Do đó những đánh giá, nhận xét về làng Việt Bắc Bộ và làng Việt Nam Bộ khó có thể nói là toàn diện được. Vì vậy, chúng tôi chỉ giới hạn ở một số vấn đề mà theo chúng tôi là những nét đặc trưng nhất để làm nên sự khác biệt giữa làng Việt Bắc Bộ và làng Việt Nam Bộ.
2.
Làng Việt ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam quy mô có thể rất khác nhau, nhưng đều là nơi cư trú của những cộng đồng dân cư Việt có quan hệ huyết tộc hoặc cùng quê có một không gian xác định so với các làng khác. Do tiến trình lịch sử, do sự mở rộng vùng lãnh thổ của quốc gia, do gia tăng dân cư nên sự hình thành các làng Việt diễn ra ở các giai đoạn lịch sử, ở các vùng là rất khác nhau. Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ – cái nôi của văn minh Việt – có những làng có nguồn gốc từ thời nguyên thủy. Bởi vì, sự phát triển của xã hội Việt Nam mà chúng ta có thể quan sát thấy không tạo ra một đột biến phá vỡ hoàn toàn cơ cấu tổ chức làng xã cũ để thành lập lại trên cơ sở xã hội mới. Các làng xã loại này, do vậy vẫn mang nặng những tàn dư nguyên thủy với bộ phận đất công chiếm đa số, do chưa có tư hữu. Tình hình này còn biểu hiện rất rõ ở các tộc người thiểu số ở Trường Sơn – Tây Nguyên trong những thập niên gần đây[5]. Đến thời kỳ xã hội có giai cấp, quá trình hình thành làng theo những con đường khác nhau. “Thường có khi các làng chỉ có một số ruộng hạn chế, nên khi không còn có đủ để nuôi sống cả số dân đã quá đông, nhiều người buộc phải đi tìm đất mới ở những nơi khác. Họ nhân danh chính mình hay nhân danh những kẻ muốn đi theo họ, xin được quyền chiếm dụng các đất đai bỏ hoang, để lập ở đây một làng mới, bằng cách cam đoan đóng thuế điền sau thời kỳ khẩn hoang nhất định.
Nhà nước có thói quen ủng hộ những vụ khẩn hoang đó để mở rộng phạm vi quốc gia”[6]. Ở một địa điểm mới, dân cư ngày một tăng, đây có lẽ là cơ sở để hình thành những làng có liên quan đến một dòng họ hoặc có thể nhiều dòng họ. Theo thống kê thì ở miền Bắc có tới 192 họ đã được đặt tên cho làng. Trong hầu hết các trường hợp lấy tên họ đặt tên làng, thì mỗi tên một dòng họ thường chỉ dùng đặt tên cho một làng. Riêng họ Nguyễn được dùng để đặt đặt tên cho gần 50 làng[7]. Cũng có những trường hợp tên làng do hai họ kết hợp lại để hình thành. Trong trường hợp này thường có sự liên kết ngay từ đầu. Thí dụ làng Đoàn – Đào (Hưng Yên) là sự kết hợp của hai dòng họ. Những trường hợp làng do sự liên kết của hai dòng họ nói chung không nhiều, nó phản ánh một tâm lý “đèn nhà ai nấy rạng” vốn đã từng tồn tại lâu đời trong lòng người Việt.
Một loại làng có nguồn gốc khác. Đó là những làng do nhà nước chủ trì việc phá hoang lập ấp. Những làng thuộc loại này chủ yếu được hình thành ở các vùng ven biển thuộc Thái Bình và Ninh Bình, đặc biệt diễn ra mạnh mẽ ở vùng Nam Bộ trong quá trình Nam tiến có sự hỗ trợ của chính quyền. Khi nói về cai trị của Nhà nước trong việc lập làng tại Nam Bộ, Địa chí Đồng Nai viết: “Nhà nước chiêu mộ những thành phần lưu tán – trong đó có tù đào binh, tứ cố vô thân – hay phân bổ nhân dân và nhiều loại binh lính đến khai đất đai lập ra làng.Những ruộng đất ngày càng mở rộng và cũng dần dần đi theo khuôn mẫu chung với các hình thức sở hữu được Nhà nước chủ động cung cấp các phương tiện canh tác như tru cày, lúa giống …chính phương thức này có xu hướng phát sinh những loại tài sản tập thể trong các làng xã. Nhà nước tổ chức các làng đồng điền rồi huy động nhân dân, nhất là binh lính đến làm việc theo một kỷ luật rất chặt chẽ để duy trì thường trực đội quân nông dân – ngụ binh ư nông – vừa sản xuất,vừa chiến đấu hay luân phiên làm việc đến việc lia khi hữu sự.Trên nguyên tắc,các đồn điền trực tiếp tạo ra các diện tích công điền, công thổ.” [8]. Tại Thái Bình và Ninh Bình, Nguyễn Công Trứ với tư cách là quan dinh điền sứ đã có công rất lớn trong việc hình thành các làng mới tại hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình)[9]. Quá trình hình thành các làng mới này cũng diễn ra ở thời hiện đại ở các huyện này. Trường hợp lập xã mới: xã Nam Cường (Tiền Hải) trong những năm 60 thế kỷ XX là một thí dụ.
Người Việt trong quá trình Nam tiến mở rộng biên cương, xác lập chủ quyền, cũng là lúc hình thành những điểm tụ cư và trở thành làng. Làng Việt Nam Bộ cũng mang những nét chung của làng Việt Bắc Bộ. Đó là nơi cư ngụ của những cộng đồng dân cư Việt có quan hệ với nhau dựa trên một địa vực cư trú nhất định, và thêm vào đó là những mối quan hệ huyết tộc hoặc cùng quê. Quá trình hình thành làng Việt Nam Bộ khác với quá trình hình thành làng Việt Bắc Bộ. Khi người Việt bằng nhiều cách và vì nhiều lý do khác nhau đã có mặt ở vùng đất Nam Bộ trước thế kỷ XVII, nhưng vào thời điểm đó chưa có những điều kiện cần và đủ để hình thành làng. Và chỉ có ở giai đoạn sau đó, nhất là sau khi Nguyễn Hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử vào thiết lập bộ máy hành chính ở Đồng Nai – Gia Định (1698), việc hình thành làng Việt mới có những điều kiện thuận lợi. Như vậy, sự hình thành làng Việt Nam Bộ, trong bối cảnh xã hội Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường phong kiến hóa nên đã có những khác biệt so với Bắc Bộ. Các làng Việt Nam Bộ được hình thành muộn hơn nhiều so với làng Việt Bắc Bộ nên không có làng nào có nguồn gốc từ thời nguyên thủy như các làng Việt Bắc Bộ. Làng Việt Nam Bộ được hình thành trong quá trình khai phá, có làng vốn là các đồn điền của chúa Nguyễn, nhà Nguyễn[10]. Các làng Việt Nam Bộ không có làng nào lấy tên họ đặt cho tên làng. Mặc dù việc thành lập làng vai trò của cá nhân là rất quan trọng. Chính quyền khuyến khích những người có vật lực tuyển mộ khai hoang, “dưới tất cả mọi triều đại đều có một chính sách khẩn hoang và định cư. Những người lập làng mới được khích lệ bằng đủ loại biện pháp[11]. Rất nhiều người có công lập làng[12], nhưng không có làng nào lấy tên họ đặt cho tên làng. Điều này cũng dễ hiểu, những người có vật lực chiêu mộ những người lao động ở các địa phương, là những người thuộc các dòng họ khác nhau. Trong môi trường mới, họ lao động để sinh sống mà thành quả của họ là những cánh đồng lúa bạt ngàn, là cơ sở để hình thành các làng mới. Nhưng đây là những làng đã hội đủ các yếu tố theo quy định của Nhà nước phong kiến. Người có công lập làng đã được nhà nước ban thưởng và có lẽ vì vậy không thể lấy tên họ làm tên làng. Trong những ngày đầu khai thác một hay mấy gia đình cùng chung lưng đấu cật để đấu tranh với thiên nhiên, giành lấy sự sống. Trải qua nhiều đời con cháu của những gia đình này sinh sôi nảy nở nhiều, số ruộng đất được khai thác nhiều thêm, thôn xã dần dần hình thành”[13]. Tình hình này là rất khác với quá trình hình thành các làng Việt Bắc Bộ. Dân cư của một làng phát triển từ sự tăng lên các thành viên của một dòng họ. Để ghi nhận sự phát triển của các làng đó, người ta lấy tên họ đặt cho tên làng. Trải qua những biến cố lịch sử tên làng không thay đổi tồn tại cho đến ngày nay.
Các làng khi đã hình thành để cho việc quản lý được thuận lợi, cần thiết phải đặt tên cho các làng. Cách thức này khiến chúng ta liên tưởng đến việc nhà Nguyễn buộc người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long phải mang một trong 5 họ: Thạch, Sơn, Kim, Danh, Lâm[14] mà bản thân người Khmer cũng chưa hiểu hết bản chất của dòng họ là gì. Các làng Việt Bắc Bộ khi mới hình thành (các làng có nguồn gốc từ thời nguyên thủy) có lẽ có các tên gọi phản ánh những đặc điểm tự nhiên nơi cộng đồng đó cư trú. Những tên làng đó hiện nay vẫn còn tồn tại song song với những tên làng mới. Ở Thái Bình còn nhiều làng như thế: như làng Mét, làng Cọi, làng Đác, làng Lụ. Có lẽ sang thời kỳ độc lập khi hình thành bộ máy quản lý từ trung ương đến các địa phương, và nhất là khi chữ Hán đã có vai trò trong đời sống thì những làng mang tên chữ có yếu tố Hán – Việt ra đời. Mỗi làng mang tên chữ là những từ hoàn toàn có tính chất văn học biểu tượng của điềm lành. Ở vùng quê nào thuộc các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đều có tình hình như vậy[15]. Các tên gọi của các làng theo chữ Hán – Việt được dùng trong hành chính, còn trong dân gian các cư dân của các làng xung quanh vẫn gọi tên làng theo cách gọi cũ.
Làng Việt Nam Bộ ngay từ khi hình thành đã có vai trò của Nhà nước, lại được hình thành muộn hơn các làng Việt Bắc Bộ[16]. Tên gọi các làng Việt Nam Bộ thường là từ Hán – Việt mang ý nghĩa tốt đẹp như An Bình, An Hòa, Bình Lợi, Phú Hòa. Cũng do quá trình hình thành làng diễn ra nhanh, dân cư bao gồm những người đến từ các vùng khác nhau nên làng Việt Nam Bộ cũng không có làng nào lấy tên họ đặt cho tên làng. Quá trình hình thành làng và sự can thiệp của Nhà nước đã làm cho những nét văn hóa truyền thống của làng Việt Bắc Bộ không được thể hiện ở làng Việt Nam Bộ (như không có hương ước, khơng cĩ lng tn Nơm, tổ chức phi quan phương hầu như không có hoặc nếu có thì rất ít, không nhiều như các làng Việt Bắc Bộ).
Do điều kiện địa lý tự nhiên, do vị trí tọa lạc của làng Vĩệt, do qui mô của các làng rất khác nhau nên hình thái cư trú cũng hết sức khác nhau. Trần Từ nêu lên bốn hình thái cư trú của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ[17]. Trong cuốn Văn minh Việt Nam, Nguyễn Văn Huyên phân biệt các làng theo hình thể[18], cư trú của cư dân, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện địa lý tự nhiên tại các vùng định cư. Toan Anh nêu tên các loại làng như làng theo chiều dài, làng nằm rải rác, làng tựa ven đồi[19], và nhận diện những nét chung nhất của làng Việt Bắc Bộ. Trong công trình Tìm hiểu làng Việt, Diệp Đình Hoa nêu lên ba hình thái bố trí làng. Đó là bố trí theo lối co cụm, từng khối, hoặc dọc theo ven sông hay ở men theo hai bờ sông và kết luận: “Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ loại tổ chức theo lối co cụm tồn tại theo lối phổ biến. Và cách tổ chức này có liên quan đến hệ thống phòng ngự của làng, đến trình độ thâm canh tăng năng suất, đến việc điều khiển môi trường trong trạng thái cân bằng của thế độc canh cây lúa. Con người cố tạo ra cho mình một tâm lý yên ổn, trong khu vực vườn nhà, sau lũy tre làng”[20]. Chính cách tổ chức làng như vậy đã tạo nên những ốc đảo, khu vực không gian cư trú của mỗi làng, cùng với việc trở thành làng, hoạt động kinh tế đã hình thành nên sự khác biệt văn hóa làng tại đồng bằng Bắc Bộ. Còn quá trình chiếm lĩnh đồng bằng Nam Bộ lại diễn ra theo một quá trình lấn biển liên tục, vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi chằng chịt, quá trình khai phá vùng đất này lại có sự tham gia rất tích cực của người Khmer, người Hoa, người Chăm. Tất cả những yếu tố đó có ảnh hưởng rất lớn đến hình thái cư trú của người Việt. Các nghiên cứu đã được công bố cũng như qua các đợt điền dã tại các địa phương có thể nêu lên những hình thái cư trú như sau: hình thái cư trú ven sông rạch, hình thái cư trú dọc kinh đào, hình thái cư trú theo giồng cát, hình thái cư trú tập trung[21]. Nhưng chủ yếu là cư trú trên diện rộng, điều này hoàn toàn khác với hình thức cư trú co cụm của các làng miền Bắc. Cư trú trên diện rộng và hầu như không tồn tại chế độ công điền, công thổ đã làm nảy sinh tính năng động xã hội của người tiểu nông. Người nông dân Việt Nam Bộ – người tiểu nông – tuy vẫn là thành viên của một làng và chịu sự chi phối của làng (mặc dù không chặc chẽ như làng Việt Bắc Bộ) nhưng cá nhân họ dựa trên quyền tư hữu ruộng đất (do chính họ khai phá hay mua bán sang nhượng) và được luật pháp thừa nhận. Hình thái cư trú trên diện rộng đã tác động đến lối sống của người nông dân Việt Nam Bộ. Đây có thể được xem là nét khác biệt rất lớn giữa làng Việt Bắc Bộ và làng Việt Nam Bộ trong bối cảnh chung của văn hóa Việt.
Khi nghiên cứu về làng xã Việt dù ở Bắc Bộ hay Nam Bộ các học giả đều rất quan tâm đến tình hình ruộng đất, và chế độ sở hữu ruộng đất[22]. Ở nông thôn Bắc Bộ do nguồn gốc hình thành và những nét văn hóa riêng của từng làng đã làm cho tình hình sở hữu đất đai là khá đa dạng. Nhưng tựu trung lại có hai loại: sở hữu tư nhân và sở hữu tập thể. Trong xu hướng phát triển chung của làng xã Việt Nam sở hữu tư nhân ngày một chiếm ưu thế. Nhưng thực tế ở đồng bằng Bắc Bộ cho đến những năm 50 của thế kỷ XX thì “làng nào cũng còn lại một số ruộng đất công, nhiều ít tùy địa phương, tùy trường hợp cụ thể, nhưng không làng nào không có[23]. Các làng chia ruộng công cho dân đinh (tức những công dân nam có đăng ký vào danh bạ Nhà nước từ 18 đến 60 tuổi). Về định kỳ phân chia lại ruộng đất công cũng không giống nhau giữa các làng. Có làng cứ ba năm một lần, có làng bốn năm một lần, có làng năm năm một lần, có làng sáu năm một lần, có làng thậm chí mười năm một lần, nhưng cũng có làng mỗi năm một lần[24]. Như vậy, định kỳ phân chia lại ruộng công không theo một quy định chung nào, nó tùy thuộc vào tình hình thực tế và những quy định của mỗi làng. Ruộng công đại bộ phận dành chia cho dân đinh, còn một phần được sử dụng để biếu cho những người đỗ đạt, dành cho hoạt động tôn giáo… Người nông dân được chia ruộng công đều phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ như đóng thuế, lao dịch cho Nhà nước cũng như những đóng góp khác theo quy định của làng. Bị cột chặt vào phần đất quân cấp và vào công xã của họ, không có khả năng đi lao động làm ăn ở những chỗ có cơ hội hơn và thuận lợi hơn cho bản thân mình, người nông dân phải nằm chết cứng trong làng xã, không dám vượt qua lũy tre làng. Ruộng đất công của làng xã có một cuộc sống dai dẳng hơn nhờ một cơ chế quản lý các làng không trực tiếp tới từng người dân, mà tất cả mọi lĩnh vực có liên quan đến người dân đều thông qua bộ máy quản lý làng. Ruộng đất công, trong chừng mực nhất định là cơ sở để hình thành làng, cho sự hình thành các xã thôn – ít ra là đúng với các làng miền Bắc Việt Nam. Và có lẽ cũng chính vì thế có cơ sở xã hội cho việc tồn tại ruộng công ở các làng Việt Bắc Bộ. Quá trình hình thành các làng Việt Nam Bộ diễn ra hoàn toàn khác so với việc hình thành các làng Việt Bắc Bộ. Quá trình khẩn hoang lập làng diễn ra trực tiếp bởi những người nông dân Việt vì nhiều lý do đã có mặt trước khi được tổ chức thành những đơn vị hành chính (trước năm 1698). Do vậy, ruộng đất khẩn hoang của người nào được phép trở thành sở hữu riêng của người đó. Tình hình này diễn ra trong một khoảng thời gian dài từ thế kỷ XVII, XVIII và ở nửa đầu thế kỷ XIX. Như vậy, sự hình thành các xã thôn hầu như tách rời và không phụ thuộc vào chế độ ruộng đất công. Sự hình thành các làng Việt Nam Bộ gắn liền với sự phát triển của ruộng đất tư hữu. Theo một kết quả nghiên cứu dựa trên các số liệu đo đạc lập địa ba năm 1836 thì ruộng đất công chiếm một tỉ lệ rất thấp so với đất sở hữu cá nhân[25]. Do điều kiện lịch sử và tự nhiên ở đồng bằng Nam Bộ cho đến đầu thế kỷ XIX ruộng đất công đã không tự xuất hiện. Sau năm 1836 nhà Nguyễn dùng nhiều biện pháp nhằm gia tăng diện tích ruộng công. Nhưng nhìn chung công điền cũng chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn[26]. Làng Việt Nam Bộ ra đời không bị chi phối hoặc bị chi phối nhưng rất yếu ớt của chế độ ruộng công nên người nông dân không bị quá lệ thuộc vào làng, họ có thể di chuyển khá tự do có lẽ cũng vì thế mà quan niệm chính cư, ngụ cư không chi phối các thành viên của một làng. Nguồn gốc hình thành các làng Việt Nam Bộ cũng như không bị chi phối bởi chế độ ruộng công đã làm cho làng Việt có xu hướng mở, người nông dân năng động hơn. Người tiểu nông tuy vẫn mang nặng tình làng nghĩa xóm, nhưng tính cách và vai trò của họ không bị hòa tan trong cộng đồng, tính năng động làm cho họ tùy ý lựa chọn phương thức hoạt động kinh tế của mình. Và có lẽ cũng chính vì thế họ ít bị chi phối bởi các mối quan hệ khác như người nông dân Việt Bắc Bộ, ngay cả khi người Pháp chiếm xong Nam Bộ, họ cũng không làm gì hơn để thay đổi tình hình. Trái lại, họ càng đẩy nhanh quá trình tư hữu hóa ruộng đất với sự thamgia tích cực của các địa chủ người Pháp, làm cho bộ phận nông dân không có ruộng đất tăng lên.
Cơ cấu tổ chức và sự vận hành của làng Việt cũng là nét khá độc đáo lôi cuốn sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Một loạt các bài viết đề cập đến những nội dung này đã được tập hợp đăng trong cuốn Nông thôn Việt Nam trong lịch sử (tập II)[27]. Toan Anh, Nguyễn Văn Huyên trong các công trình của mình cũng dành khá nhiều trang nói về tổ chức làng xã cổ truyền Việt Nam và trong chừng mực nhất định đã nêu lên những khác biệt giữa làng Việt Bắc Bộ và làng Việt Nam Bộ[28]. Trần Từ vào năm 1984 đã công bố công trình nghiên cứu về “Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền ở Bắc Bộ“[29]. Đây được coi là công trình hoàn chỉnh (ít ra cho đến thời điểm này) nghiên cứu một cách toàn diện cơ cấu tổ chức làng xã cổ truyền của người Việt ở Bắc Bộ. Các công trình nghiên cứu về cơ cấu làng Việt Bắc Bộ đều khẳng định có sự hiện diện của các tổ chức phi quan phương bên cạnh các tổ chức quan phương[30]. Các tổ chức quan phương (hay bộ máy quản lý làng) do Nhà nước trung ương tập quyền áp đặt lên các làng, theo những quy định chung. Và bộ máy tổ chức này về cơ bản có sự thống nhất của toàn bộ vùng đồng bắng Bắc Bộ xét trên phương diện tổ chức cũng như chức năng nhiệm vụ. Thông qua các tổ chức quan phương Nhà nước thể hiện quyền lực đến các công dân của mình trong việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Tổ chức phi quan phương không nằm trong hệ thống của bộ máy hành chính, nó ẩn tàng trong các làng Việt và vận hành theo những nét rất riêng của từng loại tổ chức. Hoạt động của các tổ chức phi quan phương tạo nên sự kết dính giữa các thành viên trong tổ chức của mình. Đây là một nét rất khác trong cơ cấu tổ chức làng Việt Bắc Bộ so với làng Việt Nam Bộ. Các làng Việt Nam Bộ là các làng khai phá ngay từ khi hình thành đã thể hiện vai trò của mình. Mặt khác các thành viên của các làng Việt Nam Bộ được tập hợp từ các vùng khác nhau, nên mối quan hệ thân tộc không có cơ sở để thể hiện vai trò của mình, các nghiên cứu trước đây cũng như các công trình gần đây không thấy có làng nào có giáp[31]. Và vì những lý do đó các tổ chức phi quan phương không có điều kiện phát triển ở làng Việt Nam Bộ. Các tổ chức phi quan phương ở làng Việt Bắc Bộ trong bối cảnh hiện nay vẫn thể hiện rõ vai trò của mình trong đời sống thường nhật của người nông dân. Trong khi đó các tổ chức phi quan phương tại các làng Việt Nam Bộ vẫn vắng bóng, nếu có cũng thể hiện rất yếu ớt vai trò của mình.
Trong bối cảnh chung của làng Việt Bắc Bộ với sự tồn tại song hành của các tổ chức quan phương và phi quan phương giữ vai trò quan trọng để điều hòa chung làm cho các làng Việt Bắc Bộ dù phức tạp, vẫn là một tế bào xã hội vận hành như một đơn vị thống nhất là hương ước. Hầu hết các làng Việt Bắc Bộ đều có hương ước. Làng nào có hương ước ấy, tùy truyền thống của từng làng mà hương ước đề cập đến những vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, nội dung của hương ước của các làng lại có nội dung tương đối giống nhau. Vì hương ước không phải là bộ luật chung cho các làng, nên hình thức thể hiện những vấn đề cần đề cập tới của từng làng cũng khác nhau. Những nội dung mà hương ước các làng thường đề cập đến bao gồm:
1) Những trường hợp thưởng công (ví như thưởng cho người bắt được trộm cướp)
2) Những trường hợp phạt tội, thường là các tội nhẹ mà pháp lý của Nhà nước quân chủ chính thức không giải quyết (trộm cắp vặt, ẩu đả thông thường, bất kính đối với bề trên)
3) Những trường hợp đền bù cho người vì quyền lợi chung của cả làng chịu hy sinh (ví như bị thương, hay bỏ mình trong khi chống lại quân cướp)
4) Những trường hợp suy tôn người đã bỏ của, bỏ sức để làm việc ích chung cho cả làng (ví như tu bổ chùa làng, xây cầu, đắp cống)
5) Những trường hợp cấm đoán hoặc nhằm bảo vệ đạo lý (ví như cấm cờ bạc, trai gái)[32].
Và “dù không phải là bộ luật hoàn chỉnh, hương ước với những điều quy định về một số nét sinh hoạt riêng biệt của làng xã, vẫn đóng vai trò một cương lĩnh. Có thể còn khá chung chung, nhưng dù sao vẫn đáng được xem là một cương lĩnh về nếp sống hàng ngày của làng xã, mà mọi cá nhân, mọi tổ chức, trong làng, trong xã phải tuân thủ”[33]. Các hương ước của từng làng tác động trực tiếp đến các thành viên của làng. Các thành viên trong làng dù thuộc tổ chức phi quan phương nào cũng đều có trách nhiệm thực hiện hương ước. Mỗi thành viên trong làng với trách nhiệm của mình đối với làng, đối với một tổ chức nào đó mà họ là một thành viên, vì danh dự của làng, của gia đình và của chính cá nhân mà tuân thủ tự giác, thực hiện những điều đã được ghi trong hương ước.
Các làng Việt Nam Bộ không có hương ước. Không có các tổ chức phi quan phương, không có hương ước, các làng Việt Nam Bộ ngay từ khi hình thành đã sớm chịu sự quản lý trực tiếp của nhà nước. Nhưng xét trên phương diện quản lý thì sự ràng buộc các thành viên ở các làng Việt Bắc Bộ chặt chẽ hơn so với các làng Việt Nam Bộ. Tại các làng Việt Bắc Bộ đất đai có hạn, các quan hệ dòng họ ràng buộc, những quy định của hương ước đã làm cho người nông dân Việt không năng động, khó có thể vượt qua sự thụ động. Trái lại, thiên nhiên Nam Bộ khá ưu đãi và hào phóng với con người, lại không có tâm lý phân biệt người chính cư và người ngụ cư, nên một khi, ở nơi ở cũ họ cảm thấy không còn sống được nữa thì họ sẵn sàng rời để đến những nơi khác lập nghiệp.
Cũng cần phải nhấn mạnh thêm do làng Việt Nam Bộ không được thiết lập trên nền tảng ruộng công nên vai trò của làng có phần nào bị hạ thấp so với làng Việt Bắc Bộ. Bởi vì ở đây, làng không phải làm chức năng kiểm soát, phân chia việc khai thác đất đai và đương nhiên cũng không có chức năng điều hòa sử dụng các nguồn nước. Những công việc đó không theo thể chế của làng và thường do những tư nhân trực tiếp canh tác giải quyết. Và có lẽ do cơ chế vận hành của làng Việt Nam Bộ như vậy, nên ở Nam Bộ các làng không có hương ưđc như những làng Việt Bắc Bộ. Trong chế độ sở hữu ruộng đất Nam Bộ có một hiện tượng khá phổ biến, nó khác biệt hoàn toàn so với tình hình ở Bắc Bộ. Đó là hiện tượng ruộng phụ canh[34]. Ruộng phụ canh không chỉ ở làng bên, mà còn ở nhiều làng, nhiều tổng, thậm chí ở tỉnh khác. Cơ chế sở hữu đất canh tác như vậy đã dẫn đến sự giao lưu giữa các vùng, không có những cơ sở kinh tế để tạo thành những “ốc đảo” như những làng Việt Bắc Bộ, làm cho cơ cấu kinh tế nông thôn Nam Bộ không khép kín cũng không đòi hỏi sự thỏa mãn bằng một quy mô dân số nhất định của làng. Cũng cần lưu ý đến sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa cộng đồng người Việt với các cộng đồng người khác ở Nam Bộ. Khi người Việt di dân đến vùng đất mới thì trước đó đã có các tộc người khác đặc biệt là người Khmer sinh sống. Các tộc người này đã góp phần cùng người Việt khai hoang, cải tạo để có được đồng ruộng phì nhiêu, bốn mùa cây trái. Trong quá trình cộng cư, trong quá trình khai hoang và đặc biệt trong giai đoạn lịch sử sau này, trong quá trình chống ngoại xâm để bảo vệ sự sống còn của quốc gia dân tộc, của từng tộc người, đã diễn ra quá trình giao lưu văn hóa giữa các tộc người đã hình thành nên những giá trị văn hóa chung cho cả Nam Bộ – văn minh miệt vườn[35]. Ở Nam Bộ đã sớm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa. Ở làng Việt Nam Bộ do không tồn tại chế độ sở hữu công cộng, nên ngay từ đầu đã xác lập sở hữu tư nhân, tạo nên tính năng động của người tiểu nông. Người nông dân Nam Bộ do những ưu đãi của thiên nhiên, không có phong cách “tích cốc phòng cơ” mà luôn gắn bó với thị trường. Để gia nhập thị trường không thể duy trì nền sản xuất nhỏ theo hướng tự cung tự cấp, mà phải hướng tới việc huy động mọi nguồn lực, vốn liếng để sản xuất cho rẻ, cho nhanh đáp ứng nhu cầu của thị trường. Không phải ngẫu nhiên mà ngay trước những năm 30 của thế kỷ XIX đã thấy có sự tích tụ đất đai rất lớn ở Nam Bộ[36]. Cùng với việc sản xuất hàng hóa là việc hình thành các đô thị, nhưng đô thị ở vùng này không mang đậm nét tàn dư của công xã nông thôn. Đô thị ở đồng bằng sông Cửu Long hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu của một nông thôn sản xuất hàng hóa, mở rộng giao lưu buôn bán với tất cả các vùng. Trở thành đầu mối giao dịch với các nơi. Người nông dân Nam Bộ không kỳ thị đối với buôn bán. Tâm lý đó của người nông dân Nam Bộ được thể hiện rõ qua câu ca dao quen thuộc đã đi vào lòng người bao thế hệ :
Đạo nào vui bằng đạo đi buôn,
Xuống biển lên nguồn gạo chợ nước sông.
Sự phát triển kinh tế hàng hóa ở Nam Bộ kích thích giao lưu quốc tế làm cho hoạt động của làng Việt Nam Bộ năng động hơn so với làng Việt Bắc Bộ.
Làng Việt Nam Bộ sẽ tồn tại và sẽ biến đổi cùng với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn. Một thực thể tất yếu có vai trò và vị trí trong sự phát triển chung. Tuy làng (thôn, ấp… ) không phải là cấp trong hệ thống tổ chức Nhà nước, nhưng lại là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư, là nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi nhằm giải quyết các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư. Đồng thời làng còn là nơi bảo đảm đoàn kết giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới, giúp nhau trong sản xuất và đời sống. Và cũng chính địa bàn làng là nơi giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và thuần phong mỹ tục của cộng đồng nhằm xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
3.
Quan hệ dòng họ – quan hệ huyết thống – xuất hiện rất sớm và ở hầu hết các tộc người trên thế giới. Ở buổi bình minh của lịch sử nhân loại con người không thể sống cô độc, mà phải dựa vào nhau. Do đó mối quan hệ huyết thống xuất hiện trước khi xuất hiện các mối quan hệ khác. Quan hệ đó là quan hệ giữa người và người dựa trên huyết thống là sản phẩm thừa hưởng từ tự nhiên. Nhưng do các yếu tố khách quan và chủ quan tác động vào tiến trình lịch sử của các tộc người hết sức khác nhau, nên ngày nay quan hệ dòng họ ở các tộc người cũng khác nhau. Ở một số tộc người quan hệ thân tộc được tính theo dòng mẹ (theo mẫu hệ) ở đây vai trò của người phụ nữ trong xã hội, cũng như trong gia đình được đề cao. Người phụ nữ là người chủ động trong hôn nhân, trong việc điều hành gia đình, nuôi con, thừa kế tài sản. Ngay cả khi người chồng qua đời cũng không được chôn cất ở phía bên vợ mà phải đưa về chôn cất tại nghĩa địa của dòng họ mẹ. Ở Việt Nam, chế độ mẫu hệ tồn lại khá đậm nét ở các tộc người thuộc ngữ hệ Nam Đảo. Ở một số tộc người, quan hệ dòng họ không thể hiện một cách rõ ràng là theo dòng cha (phụ hệ) hay dòng mẹ (mẫu hệ). Trong dân tộc học, những tộc người này được gọi là những tộc người song hệ ở giai đoạn chuyển tiếp từ mẫu hệ lên phụ hệ.
Ở người Việt, chế độ phụ hệ đã được xác lập từ lâu. Quá trình chuyển hóa từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ ở các tộc người cũng hết sức khác nhau. Đến thời đại đồ đồng, thậm chí đến thời đại đồ sắt, tức là thời kỳ đầu của sự hình thành Nhà nước Văn Lang và Âu Lạc, chế độ mẫu hệ vẫn còn chưa mất hết sức sống. Cho đến hơn một ngàn năm Bắc Thuộc, văn minh Trung Hoa có điều kiện du nhập vào xã hội Việt Nam. Nho giáo xác định được chỗ đứng trong nhân dân Việt. Tuy nhiên, nếu quan sát những quan hệ trong xã hội và gia đình, nhất là trong các hội làng, ta vẫn thấy vai trò khá rõ nét của phụ nữ và những yếu tố của chế độ mẫu hệ. Tuy đề cao nguyên tắc “nam nữ thụ thụ bất thân”, nhưng lại có “có nam, có nữ mới nên xuân”. Ở người Việt trước đây vẫn có tục ở rể. Trong đời sống hàng ngày, người phụ nữ cũng ít bị hạn chế trong sinh hoạt kinh tế xã hội, thậm chí trong sinh hoạt chính trị. Ho không được ra đình để họp, nhưng những lễ vật tế thần lại do một tay người phụ nữ đảm nhận. Trong cuộc sống xã hội, người phụ nữ đảm nhiệm việc cấy, gặt, sàng sẩy, tham gia nhiều nghề thủ công, buôn bán ở các chợ làng, đảm nhiệm việc hậu phương, thậm chí “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Số lượng các nữ thần khá đông. Còn trong cuộc sống gia đình, phụ nữ là người quán xuyến mọi công việc, từ nuôi con, lo cái ăn, cái mặc. Những hình ảnh tảo tần người phụ nữ Việt đã được Tú Xương khắc họa rất sinh động :
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông…”
Có lẽ không thể phủ nhận được vai trò và vị trí của người phụ nữ trong gia đình, nên mới có câu “lệnh ông không bằng cồng bà”. Một số đất nước mà Nho giáo đã thấm vào từng khía cạnh của đời sống, nhưng trong những điều luật cụ thể cũng nêu lên quyền như nhau của vợ chồng với tài sản cùng làm ra (Luật Hồng Đức). Việc phân chia tài sản cũng được phân định rõ ràng, ngoài phần dành cho hương hỏa, những gì còn lại, không phân biệt con trai hay con gái, đều được nhận phần và các phần được chia đều nhau hoặc có chênh lệch không đáng kể. Về nguyên tắc, ruộng hương hỏa do người trưởng nam nhận để lo hương khói cho người quá cố. Nhưng trong những trường hợp không có con trai thì người con gái trưởng nhận phần hương hỏa.
Họ của người Việt đã xác lập theo dòng cha, nhưng tàn dư của chế độ mẫu hệ vẫn còn được bảo lưu.
Sự phát triển ngày càng tăng của dân cư đã dẫn đến tình trạng sống xen kẽ giữa các thành viên của các dòng họ khác nhau trong một địa vực cư trú. Tuy nhiên, trong một khu vực cư trú nhất định, thông thường cũng có một hay hai dòng họ chiếm ưu thế. Quan hệ mới xuất hiện – quan hệ làng xã. Quan hệ làng xã là quan hệ giữa người với người dựa trên mối quan hệ láng giềng. Quan hệ láng giềng xuất hiện muộn hơn so với quan hệ thân tộc, do sự gia tăng tính xen kẽ của cư dân và sự di chuyển địa bàn cư trú. Quan hệ dòng họ mất dần đi cơ sở kinh tế của sự tồn tại. Cấu trúc gia đình, thân tộc do đó cũng có những biến đổi nhất định. Tuy nhiên, những nét chủ yếu của quan hệ thân tộc vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Nó thể hiện ở một số khía cạnh sau
Trước hết, chế độ ngoại hôn luôn được thể hiện rõ rệt trong việc lựa chọn hôn nhân ngoài dòng họ. Làng Việt Bắc Bộ không có nhiều dòng họ, lại cộng cư trong một không gian xác định, nên các thành viên trong làng hiểu rõ những mối quan hệ thân tộc. Nên hầu như không có sự vi phạm những quy định của chế độ ngoại hôn. Ngay cả trong trường hợp hai người cùng tộc danh cũng rất ít trường hợp dẫn đến hôn nhân. Dư luận xã hội lên án gay gắt những trường hợp vi phạm chế độ ngoại hôn. Không chỉ trong suy nghĩ của người có tuổi mà ngay cả trong lòng lớp trẻ, nguyên tắc này cũng rất được coi trọng.
Thứ hai, theo chế độ phụ hệ gia trưởng, người đàn ông luôn luôn đóng vai trò chủ gia đình. Mọi lĩnh vực có liên quan đến đời sống gia đình như: làm nhà, dạm vợ, gả chồng cho con cái, chăn nuôi, trồng trọt…nhất nhất đều do người đàn ông chủ gia đình quyết định. Tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo góp phần làm cho chế độ phụ hệ gia trưởng trong người Việt thêm củng cố. Trong một gia đình nếu không có con trai nối dõi tông đường thì dù có bao nhiêu con gái thì dư luận xã hội cũng đều cho là không có con (Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô). Người phụ nữ sau khi đi lấy chồng trở thành thành viên của gia đình chồng “Con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về” và cũng từ đây họ và tên của người đàn bà sẽ biến mất. Người đàn bà đó đội tên chồng hoặc tên con. Ngày nay, trong gia đình luật pháp đã đảm bảo sự bình đẳng nam nữ.Mọi công việc trong gia đình đều có sự bàn bạc và tạo được sự nhất trí của cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, tàn dư của chế độ phụ hệ gia trưởng vẫn còn, nhất là ở nông thôn. Khi không có con trai trong một gia đình vẫn làm cho hai vợ chồng suy nghĩ để rồi họ quyết định phải sinh tiếp. Và đây là một trong nhiều lý do dẫn đến việc gia tăng dân số ở Việt Nam.
Thứ ba, theo chế độ tông pháp người con trưởng sẽ làm nhiệm vụ nối nghiệp gia đình bất luận tư chất của người đó như thế nào. Đây là vị thế mặc định kể từ lúc người con trưởng xuất hiện trong gia đình. Theo truyền thống dòng trưởng được kế thừa một số đặc quyền đặc lợi (như ruộng hương hỏa, hoa lợi trong khuôn viên của nhà thờ họ…) để lo chăm sóc từ đường (nơi thờ cúng của một gia đình) hay nhà thờ họ (nơi thờ cúng của một dòng họ). Khi vắng cha thì người anh thế, quyền huynh thế phụ. Ngày nay, khi ruộng hương hỏa không còn thì nguồn kinh phí phục vụ cho việc thờ cúng tại các nhà thờ họ, sẽ do sự đóng góp của những người con trai của dòng họ. Đóng góp nhiều hay ít phụ thuộc vào tính chất của công việc. Để xây dựng, tu sửa nhà thờ họ, người ta tính toán toàn bộ chi phí, sau đó chia đều cho tất cả những người đàn ông, con trai không phân biệt tuổi tác. Những người giàu có có thể đóng góp nhiều hơn những người khác, nhưng tất cả theo nguyên tắc tự nguyện. Những người đàn bà đã đi lấy chồng có thể xin được đóng góp tiền của để xây dựng hoặc tu sửa nhà thờ họ. Nhiều ít hoàn toàn do tự nguyện.
Trong quan hệ dòng họ, con của dòng đích (tộc trưởng đối với một dòng họ) con của dòng bác (anh của cha trong một gia đình) đều mặc nhiên được những người con của dòng thứ, hay dòng chú (em cha) tôn trọng nhận là anh, chị, dù là những người đó sinh sau đẻ muộn. Nguyên tắc này vẫn còn được duy trì khá chặt chẽ tại các làng Việt Bắc Bộ.Ai vi phạm nguyên tắc này sẽ bị phê phán. Vì vậy, những người vì những lý do khác nhau, sinh sống xa quê, khi trở về đoàn tụ gia đình sẽ được những người lớn tuổi dẫn đi để làm quen với họ hàng, tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra trong ứng xử với những người trong họ.
Cũng theo chế độ phụ quyền, người phụ nữ khi đi lấy chồng phụ thuộc vào gia đình chồng. Tài sản trong gia đình (dù nhiều hay ít) đều thuộc về người chồng, không là của con cũng là của họ hàng nhà chồng. Người phụ nữ một nắng hai sương làm ra, nhưng một khi li dị hoặc tái giá thường chỉ được phép ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng, không được mang theo con và của cải. Ngày nay, nam nữ bình đẳng vấn đề thừa kế tài sản và nuôi dạy con sau ly dị đã được luật pháp Việt Nam qui định[37]. Tuy nhiên cũng không ít những trường hợp tranh chấp.
Trong tiến trình sinh hoạt văn hóa xã hội ở làng Việt Bắc Bộ những hình thái sinh hoạt cộng đồng của các dòng họ có rất nhiều. Những sinh hoạt văn hóa xã hội này phản ánh cuộc sống đích thực của các làng Việt Bắc Bộ, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa. Để cho các sinh hoạt này được duy trì đòi hỏi phải có nguồn kinh phí. Trước đây nguồn kinh phí này là do hoa lợi thu được từ ruộng hương hỏa, mà làng nào cũng có hoặc ít hoặc nhiều tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng dòng họ. Ngoài ra, cần có sự đóng góp của các thành viên khác trong họ, nhất là những người giàu, những người đỗ đạt. Quỹ họ do trưởng tộc giữ, nhưng người sử dụng lại là tập thể của dòng họ.Mọi chi tiêu tiền quỹ họ đều được bàn bạc, công khai. Khi quỹ đất không còn, quỹ họ chủ yếu do sự đóng góp của các thành viên trong dòng họ. Trong những năm chiến tranh ác liệt, nhiều nhà thờ họ bị tàn phá hoặc hư hỏng. Để giáo dục truyền thống về nguồn, nhiều nhà thờ họ được xây dựng mới hoặc tu sửa lại khá khang trang, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa trong dòng họ. Ở một số dòng họ, còn dùng quỹ họ để khuyến khích những thành viên của dòng họ thi đỗ các trường đại học hoặc là những học sinh học giỏi tại các trường phổ thông. Đây là một việc làm rất đáng khuyến khích trong bối cảnh hiện nay khi mà toàn xã hội đang có nhiều quan tâm đến sự nghiệp giáo dục.
Sinh hoạt văn hóa xã hội của dòng họ là rất nhiều được thể hiện qua các lễ. Chúng tôi nêu lên hai trong nhiều những lễ đó. Sở dĩ chúng tôi có lựa chọn này vì tính chất cũng như quy mô của chúng khác với các lễ khác. Mặt khác, đây là những lễ được tổ chức ở hầu hết các họ, không phân biệt họ lớn hay họ nhỏ. Đó là lễ tảo mộ và lễ tế họ.
Lễ tảo mộ thường được tiến hành vào dịp thanh minh. Vào dịp thanh minh về nguyên tắc, những thành viên trong dòng họ đến nghĩa địa, nơi chôn cất ông thủy tổ để dọn mới, phát quang mồ mả tổ tiên, đắp cho cao, cho đẹp. Những người lớn tuổi trong họ chỉ cho lớp trẻ vị trí, những đặc điểm nhận biết để lớp trẻ ghi nhớ. Đây là một hình thức biểu thị sự “uống nước nhớ nguồn”, một truyền thống tốt đẹp của người Việt. Tuy là theo nguyên tắc các thành viên trong họ đi tảo mộ, nhưng phần lớn trong các trường hợp chỉ những người lớn tuổi, trưởng các chi phái. Sau khi làm xong công việc ở mộ tổ các chi phái lại tiếp tục tảo mộ ông tổ của các chi. Thông thường các chi phái dòng họ cũng hay tổ chức tế lễ tại nhà thờ họ các chi phái vào dịp này.
Lễ tế họ thường được tổ chức vào ngày mất của cụ tổ. Vào ngày này người ta sửa sang, thu dọn sao cho nhà thờ họ sạch sẽ hơn, gọn gàng hơn. Kinh phí cho tế lễ họ là nguồn hoa lợi thu được từ ruộng hương hỏa và sự đóng góp của các thành viên trong dòng họ. Khi ruộng hương hỏa không còn, thì mọi chi phí cho tế lễ họ sẽ do các thành viên đóng góp. Trong ngày tế họ người ta phải biện lễ theo truyền thống của từng dòng họ. Những họ nhỏ sẽ là dịp gặp mặt của tất cả thành viên của dòng họ. Còn những họ lớn gồm nhiều chi phái, nhiều người chỉ có những người trưởng các chi phái và những người lớn tuổi trong dòng họ mới có cơ hội có mặt tại nhà thờ họ trong dịp này. Bởi vì, cũng vào thời gian đó tại các nhà thờ của các chi phái cũng sẽ tiến hành lễ tổ.
Tại buổi lễ, trưởng tộc (chi cả) và trưởng các chi phái khác cũng như những người lớn tuổi trong họ đứng dâng nước, còn các thành phần khác đứng phía sau. Người ta chọn hai người giỏi văn tự đọc gia phả và lời cầu chúc tổ tiên. Sau khi đọc xong gia phả và lời cầu chúc tổ tiên mọi người có mặt đều rất cung kính vái tổ tiên. Lễ tế họ được tổ chức trang nghiêm tại nhà thờ họ với sự kiện của tất cả các thành viên trong dòng họ tạo nên niềm cộng cảm, là sợi dây nối kết mọi người lại để họ hiểu nhau hơn. Cho dù cụ tổ đã mất cách nay vài ba thế kỷ, các thế hệ cháu con đã tăng lên rất nhiều lần, sinh sống ở nhiều làng khác nhau, quan hệ láng giềng đã lấn át quan hệ huyết thống, nhưng niềm cộng cảm chung một cội nguồn đã giúp cho những người tiểu nông gắn bó hơn và có thể bỏ qua cho nhau những mâu thuẫn của đời thường. Quan hệ giữa các thành viên trong một dòng họ tự nó không mang tính giai cấp và ở một chừng mực nào đó quan hệ đó cũng không mang tính đẳng cấp, mặc dù trong thực tế đời sống, vị trí xã hội của các thành viên của một dòng họ cũng không giống nhau, có trường hợp, giữa họ với nhau đã xảy ra sự bóc lột. Về cơ bản, quan hệ dòng họ là quan hệ bình đẳng thương yêu tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong hoạn nạn, khó khăn.
Mặc dù “làng Việt cổ truyền ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ là một đơn vị dân cư được tập hợp chủ yếu theo quan hệ láng giềng”[38] nhưng quan hệ dòng họ vẫn có vai trò trong đời sống của người nông dân Việt Bắc Bộ. Quan hệ dòng họ của người Việt Nam Bộ đã xuất hiện ngay từ ban đầu, ngay trong từng nhóm di dân đến khai phá vùng đất mới đầy rẫy những khó khăn khắc nghiệt. Quan hệ dòng họ đó vẫn có giữa các thành viên của một dòng họ tại quê hương bản quán của họ ở một vùng nào đó ở miền Bắc hay miền Trung, sau vì một lý do nào đó họ phải rời bỏ quê hương để vào vùng đất mới. Trong môi trường mới, mối quan hệ dòng họ tiếp tục được duy trì.
Các thành viên trong mỗi dòng họ của các làng Việt Nam Bộ vẫn thể hiện rất rõ nguyên tắc “chung tộc danh về phía bố”, mà trong một công trình nghiên cứu Gerald.C.Hakey đã viết về dòng họ của người Việt Nam Bộ. “Đó là một hệ thống thân tộc theo dòng của người cha trong đó con trai được coi trọng hơn con gái và giữ một vai trò ưu thế dẫu rằng con gái cũng không bị gạt xuống một quy chế thấp kém. Tên của con gái cũng mang họ của người cha và đều là những phần tử của dòng họ nội”[39]. Xác định rạch ròi bên nội, bên ngoại là thể hiện rõ chế độ ngoại hôn. Cho dù đã có những biến động lịch sử, sinh sống xa cái nôi văn minh Việt và ảnh hường của Nho giáo cũng rất nhạt nhòa, nhưng người Việt Nam Bộ vẫn giữ được những nét văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức.
Trong bối cảnh chung của Nam Bộ, chế độ phụ hệ gia trưởng của người Việt tuy vẫn được duy trì như ở miền Bắc Việt Nam nhưng cũng đã thay đổi. Mọi công việc trong gia đình người đàn ông vẫn là người chủ trì, nhưng đã có sự tham gia của người vợ, ngay trong việc thừa kế gia tài người con gái cũng được hưởng một phần. “Con trai được hưởng một phần gia tài lớn hơn, nhưng con gái cũng được phần nào gia tài và có trường hợp được hưởng ngay cả ruộng đất nữa. Người vợ có quyền tham dự vào những quyết định có liên quan đến gia đình và trong đa số các gia đình người vợ là người giữ ngân quỹ”[40]. Dù theo chế độ phụ hệ gia trưởng, nhưng trong các gia đình Việt Nam Bộ vai trò của người vợ thể hiện rất rõ, người vợ đã chia sẻ cùng chồng trong các công việc có liên quan đến gia đình. Không cần ẩn tàng như ở Bắc Bộ với vai trò “nội tướng” như cách nói của Trần Từ[41]. Và có lẽ vì vậy, mà trong các gia đình Việt Nam Bộ dù có sinh toàn con gái cũng không gây cú sốc tâm lý như các gia đình Việt Bắc Bộ.
Theo truyền thống của các gia đình người Việt Bắc Bộ thì người con trai trưởng có trách nhiệm thờ cúng bố mẹ. Ngày tết và những ngày giỗ bố, mẹ, những người con khác trong gia đình sẽ mang lễ vật cũng như đóng góp tiền bạc để người con trai trưởng lo sắm sửa. Vị trí này không ai có thể thay thế, khi người con trai trưởng đó vẫn còn sống, chỉ có thể thay thế vị trí này khi người con trai trưởng chết mà không có con trai.
Qua quan sát thực tế của chúng tôi ở các huyện ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác ở Nam Bộ thì tộc trưởng của các dòng họ không theo dòng con trưởng. Ở một số dòng họ, tộc trưởng thuộc dòng thứ, ở một số dòng họ khác, tộc trưởng do đại cử tri bầu[42]. Trong công trình nghiên cứu về làng Khánh Hậu, Hickey cũng có một nhận xét tương tự, ông viết: “trách nhiệm cúng giỗ không nhất thiết phải do trưởng tộc đảm nhiệm. Nhiều khi trách nhiệm đó được chia sớt giữa các người thuộc nam phái trong nội tộc để tránh cho một người nào đó phải một mình chịu đựng cái gánh nặng tài chính. Trường hợp này đặc biệt đúng với các gia đình không có hương hỏa và không có nguồn lợi nào khác đặt ra để lo việc cúng giỗ cho nên họ được tự do hơn để kiếm những tiện nghi riêng của họ. Và có một phần tử nào đó trong gia đình giàu có hơn những người khác, thì người đó có thể đảm nhận trách nhiệm cúng giỗ và đãi tiệc, tuy rằng không phải là trưởng tộc”[43].
Như vậy so với những quan niệm truyền thống đã có những thay đổi. Không theo chế độ tông pháp còn được thể hiện ở chỗ không có sự phân định rõ ràng trong cách xưng hô giữa dòng đích và dòng thứ. Theo chế độ tông pháp, những người con của người con trưởng sẽ được những người con của dòng thứ gọi là anh, chị không phân biệt tuổi tác. Còn ở Nam Bộ, thì phần lớn các trường hợp những người lớn tuổi sẽ được gọi bằng anh, chị dù những người đó ở dòng thứ. Đó có thể do ảnh hưởng của người Hoa, một tộc người hay giữ tục lệ này.
Các làng Việt Nam Bộ được hình thành trong quá trình khai hoang lập làng ở một vùng đất rất thuận lợi cho việc giao lưu, mà thành phần cư dân khá đa dạng từ nhiều tỉnh, nhiều vùng khác nhau đến khai hoang vùng đất mới tạo dựng những đơn vị cư trú. Những làng Việt Nam Bộ nói chung có tính chất mở nên người dân dễ dàng di chuyển đi nơi khác làm ăn và họ tạo dựng nên những đơn vị cư trú mới. Bởi vậy, cho nên dân cư của các làng không thuần nhất như các làng xã Bắc Bộ. Làng được hình thành trong quá trình khai phá, tập hợp cư dân ở nhiều địa phương khác nhau, nhiều dòng họ khác nhau. Chính vì vậy, trong một làng, số dòng họ khá nhiều[44], không có dòng họ nào chiếm áp đảo dân cư so với các dòng họ khác và cũng không có làng nào lấy lên họ đặt lên cho làng như ở các làng Việt Bắc Bộ. Tuy họ lập thành “dân ấp, dân lân” với nhau, nhưng sự cố kết “họ hàng, làng xã” ở Nam Bộ lỏng lẻo hơn so với các làng Việt Bắc Bộ. Trong bối cảnh cụ thể của Nam Bộ, chính những điều kiện tự nhiên và xã hội đã tác động đến mối quan hệ dòng họ vốn đã ăn sâu vào nếp nghĩ, đời sống của người nông dân Việt, làm cho nó khác so với Bắc Bộ.
Mặt khác, quá trình khai hoang lập làng hình thành các đơn vị cư trú mới làm cho chế độ sở hữu đất đai ở Nam Bộ hình thành sớm. Ở Bắc Bộ, chế độ công điền công thổ tồn tại khá dai dẳng[45]. Chính công điền, công thổ đã níu kéo các thành viên gắn bó với làng. Dù đi xa cũng cố gắng thực hiện các nghĩa vụ của làng để đến khi phân chia lại công điền, công thổ sẽ được làng dành cho một phần như những thành viên khác đang sinh sống tại làng. Trong tình hình đó, mối quan hệ dòng họ có điều kiện được củng cố thông qua mối liên hệ siêu hình giữa người sống và người chết. Sợi dây liên hệ này chủ yếu là việc thờ cúng tổ tiên. Và mối liên hệ giữa người sống và sợi dây liên hệ này chủ yếu là sở hữu tập thể gồm có đất công và nhà thờ. Hơn thế nữa, vinh hạnh của một người được cả dòng họ đón nhận với tấm lòng trân trọng (một người làm quan cả họ được nhờ). Còn ở Nam Bộ chế độ tư hữu sớm, làng lại không được thiết lập trên nền tảng ruộng công nên vai trò của làng có phần bị hạ so với làng ở Bắc Bộ. Người tiểu nông tuy vẫn mang tình làng nghĩa xóm, nhưng tính cách và vai trò của họ không bị hòa tan trong cộng đồng, tính năng động làm cho họ tùy ý lựa chọn phương thức hoạt động kinh tế của mình. Chính điều đó đã làm cho quan hệ dòng họ có phần lỏng lẻo (bán anh em xa, mua láng giềng gần).
Và cuối cùng quan hệ dòng họ của người Việt Nam Bộ, có phần khác so với quan hệ dòng họ của người Việt Bắc Bộ, chính là những người di dân khai hoang lập làng là “những người nghèo khó, đấu tranh để sống, nhưng lại thiếu chữ, đủ sức làm dân, làm người mà không thuộc Kinh truyện” (Trần Bạch Đằng). Nho giáo du nhập vào Việt Nam dần dần, xác lập được vị trí của mình, được Nhà nước đề cao, nhưng khi chính trị suy vi, Nho giáo cũng mất dần địa vị độc tôn. Khi vào tới Nam Bộ, Nho giáo đã nhạt dần, lại tồn tại trong bối cảnh cư dân vốn là những người nghèo khó, ít học, “nói lý luận là buồn ngủ” (Sơn Nam), nên không có ảnh hưởng chi phối như ở các làng Bắc Bộ. Nho giáo cũng không có ảnh hưởng sâu sắc đến tế bào xã hội – gia đình, điều đó được thể hiện trong quan niệm sinh con cái, trong hôn nhân gia đình. Trong bối cảnh như thế chế độ tông pháp cũng không có những điều kiện để phát triển, khi quan hệ láng giềng đã thay thế quan hệ dòng họ (tứ hải giai huynh đệ).
Làng và quan hệ dòng họ của người Việt Nam Bộ đã và sẽ còn tồn tại gắn bó với họ và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Nhưng làng và quan hệ dòng họ của người Việt Nam Bộ đã có những thay đổi so với làng và quan hệ dòng họ của người Việt Bắc Bộ. Cùng với thời gian làng và quan hệ dòng họ của người Việt Bắc Bộ cũng đã có những đổi thay. Nhưng ở Nam Bộ chính môi trường tự nhiên và xã hội ở vùng đất mới tác động đến mọi mặt của người lưu dân, tạo nên những sắc thái địa phương, hình thành vùng văn hóa Nam Bộ – văn minh miệt vườn, văn minh sông nước. Nhưng sự phát triển đó diễn ra theo quy luật tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa người Việt.
—o0o—-
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Nguyễn Công Bình và các tác giả: Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
2) Nguyễn Công Bình và các tác giả: Đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu và phát triển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995.
3) Nguyễn Công Bình: Đời sống xã hội ở vùng Nam Bộ, Nxb. ĐHQG Tp.HCM, 2008.
4) Nguyễn Từ Chi: Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb.Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1996.
5) Condominas G.: Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1998.
6) P. Gourou: Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ (bản dịch), Nxb. Trẻ, 2003.
7) Nguyễn Duy Hinh: Vài tư liệu có liên quan đến hệ thống thân tộc của người Việt, Tạp chí Dân tộc học, số 2/1982.
8) Diệp Đình Hoa: Tìm hiểu làng Việt, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
9) Diệp Đình Hoa: Làng Nguyễn –Tìm hiểu làng Việt II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.
10) Nguyễn Văn Huyên: Văn minh Việt Nam, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội, 2005.
11) Vũ Khiêu: Gia đình Nho giáo Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
12) Vũ Tự Lập và các tác giả: Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Hồng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.
13) Ngô Văn Lệ: Vài nét về công xã nông thôn ở Đông Nam Á, trong sách Đông Nam Á: Những vần đề văn hóa – xã hội, Nxb. ĐHQG Tp. HCM, 2000.
14) Ngô Văn Lệ: Công xã Đông Nam Á – thống nhất trong đa dạng, Nxb. ĐHQG Tp.HCM, 2000.
15) Ngô Văn Lệ: Làng Việt Nam Bộ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb. ĐHQG Tp. HCM, 2003, trg.82-96.
16) Ngô Văn Lệ,(2003), Về quan hệ dòng họ của người Việt ở ngoại thành Tp. Hồ Chí Minh, Nxb. ĐHQG Tp.HCM, 2003, trg.97-109.
17) Leopold Cadiere: Văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt, Nxb. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1997.
18) Huỳnh Lứa và các tác giả: Lịch sử khai hoang vùng đất Nam Bộ, Nxb.Tp.HCM, 1987.
19) Huỳnh Lứa: Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
20) Trần Thị Thu Lương: Chế độ sở hữu và canh tác ruộng đất ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb. Tp. HCM, 1994.
22) Sơn Nam: Văn minh miệt vườn, Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1992.
22) Philippe Papin – OlivierTessier (Chủ biên): Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ, Trung tâm KHXH&NV Quốc gia, Hà Nội, 2002.
23) Nguyễn Hồng Phong: Xã thôn Việt Nam, Nxb. Sử-Địa, Hà Nội, 1958.
24) Nguyễn Hồng Phong: Văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống và hiện đại, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1998.
25) Nguyễn Hồng Phong: Một số vấn đề về hình thi kinh tế-xã hội, văn hóa và phát triển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000.
26) Nguyễn Phương Thảo: Văn hóa dân gian Nam Bộ – những phác thảo, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1997.
27) Trần Từ: Cơ cấu tổ chức làng Việt cổ truyền Bắc Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, 1984.
28) Viện Sử học: Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.
29) Viện Sử học: Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978.
30) Viện Sử học: Nông dân và nông thôn Việt Nam thời cận đại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
[1] Theo số liệu điều tra dân số năm 1989 người Việt chiếm 86,8% dân số cả nước, 53 tộc người còn lại chiếm 13,2%.
Theo số liệu điều tra dân số năm 1999, người Việt chiếm 86,2% dân số cả nước,53 tộc người còn lại chiêm13,8%. Dẫn theo Đặng Nghiêm Vạn, 2003: Cộng đồng quốc gia các dân tộc Việt Nam, NXB Đại học Quốc giaTP.HCM, trang 213.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện hội nghị lần thứ 5 BCHTW khoá VIII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, trang 9-10.
[3] Nguyễn Hồng Phong: Xã hội Việt Nam (1958),
Viện Sử học: Nông dân Việt Nam trong lịch sử (2 tập 1977, 1978)
Diệp Đình Hoa, Tìm hiểu làng Việt (1990); Làng Nguyễn, Tìm hiểu làng Việt (1994).
Trần Từ, 1984: Cơ cấu tổ chức làng Việt cổ truyền Bắc Bộ..
Bùi Xuân Bính: 1985: Lệ làng phép nước.
P. Gourou, 2003: Người Nông dân châu thổ Bắc Kỳ, NXB Trẻ.
[4] Địa chí Đồng Nai (2001), Nxb. Tổng hợp Đồng Nai, trg.118-120. Địa chí Tiền Giang(2005), trg.801-803.
[8] Địa chí Đồng Nai, Nxb.Tổng hợp, trg.119.
Toan Anh, 1992: Nếp cũ, Làng xóm Việt Nam, Nxb Tp. HCM, trang 34 – 36.
[15] Phạm Minh Đức, Những làng văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc ở Thái Bình, NXB Văn hóa – thông tin, 2006.
Nguyễn Văn Huyên, sđđ, trang 124.
[23] Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người, NXB Văn hóa – Thông tin, 1996, trang 179.
[24] 5 Nguyễn Đổng Chi, Vài nhận xét nhỏ về sở hữu của làng xã ở Việt nam trước CM tháng 8, (trong Nông thôn Việt Nam trong lịch sử), sđđ, trang 55.
[25] Trần Thị Thu Lương, Chế độ sở hữu và canh tác ruộng đất ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XIX, NXB Tp Hồ Chí Minh, 1994, trang 179 – 181.
[28] Nguyễn Văn Huyên , Văn minh Việt Nam, NXB Hội nhà văn, 2005.
Toan Anh, Nếp cũ, Làng xóm Việt Nam, NXB Tp.HCM, 1992.
[42] Ngô văn Lệ, 2003, Một số vấn đề về văn hóa tộc người ở nam Bộ và Đông Nam Á, NXB Đại học quốc gia, trang 106.
[44] Các làng Việt Nam Bộ thông thường có hàng chục dòng họ. Tài liệu điền dã của chúng tôi tại ấp Danh Coi, xã Đông Hưng B và ấp Phát Đạt xã Vân Khánh Tây (An Minh – Kiên Giang) cho kết quả sau. Ap Danh Coi có 102 hộ có 23 họ, ấp Phát Đạt có 327 hộ có 27 họ. Trong đó làng Mộ trạch họ Vũ chiếm 82,8% dân số, 14 họ còn lại chiếm 17,2% dân số. Philippe Papin Olivier tessier (chủ biên), 2002: Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ, Trung tâm KHXH & NV quốc gia, trang 251.
[45] Nguyễn Từ Chi, sđd, trang 179, Nông thôn Việt Nam trong lịch sử, sđđ, trang 97-126, trang 94-95.
Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam –
Cách tiếp cận nhân học”, Bà Rịa – Vũng Tàu, 12-2007
Ban Tu thư (thanhdiavietnamhoc.com)