Lễ hội dân gian ở Quảng Bình qua các thời kỳ lịch sử thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  NGUYỄN THỊ MỸ LỘC
(Trường Đại học Khoa học Huế)

     Lễ hội là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến của các dân tộc trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng. “Lễ hội bao giờ cũng hướng đến một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần. Đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người, giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui”1. Như vậy, nó là nhu cầu tâm lý và tâm linh không thể thiếu được trong đời sống của con người, đặc biệt là đối với cư dân làng xã như ở nước ta; bởi sau một thời gian lao động vất vả, người dân muốn giành một khoảng thời gian để dâng lòng thành kính lên các đấng linh thiêng, đồng thời để nghỉ ngơi và vui chơi “vui như hội”, “để thấy sức sống của mình được nhân lên gấp bội2. Vì thế, lễ hội luôn luôn là thời khắc quan trọng được chờ đợi hàng năm.

     Đối với đồng bào các dân tộc ở Quảng Bình, lễ hội cũng mang một ý nghĩa tinh thần sâu sắc như thế. Đấy là nơi con người gửi gắm những niềm hy vọng, những suy tư sâu lắng, những nhu cầu tâm linh của người sống với người chết, của con cháu với tổ tiên, của những thành viên trong cộng đồng với những người có công với làng nước… Lễ hội, về cơ bản mang nhiều tác động tích cực. Nó là một nhân tố tạo ra sự thư giãn tinh thần, là biểu hiện của cách ứng xử văn hóa với thiên nhiên, với thế giới tâm linh và nhất là với cộng đồng xã hội. Mỗi người khi tham gia lễ hội đều thấy mình được hòa vào không khí vừa trang nghiêm thành kính, vừa gần gũi chân tình. Họ như rũ bỏ được mọi lo toan, phiền muộn và cả sự quẫn bách của đời sống thường nhật.

     Lễ hội có tầm quan trọng như vậy nhưng trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, hoạt động này còn tồn tại những bất cập cả về hình thức lẫn nội dung, về mục đích và vai trò, về tính địa phương và sự liên kết vùng… Báo cáo này vì vậy tập trung tìm hiểu, nhận định, đề xuất những vấn đề sau đây:

    – Thực trạng lễ hội dân gian ở Quảng Bình.

    – Những mặt tích cực và hạn chế của lễ hội dân gian ở Quảng Bình.

    – Định hướng và giải pháp phục hồi, phát huy giá trị lễ hội dân gian ở khu vực này.

1. Thực trạng lễ hội dân gian ở Quảng Bình

     Lễ hội dân gian ở Quảng Bình tuy không hoành tráng như ở các tỉnh miền Bắc nhưng khá đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung. Nơi đây từ xa xưa cho đến ngày nay đã tồn tại rất nhiều các loại hình lễ hội như lễ cúng thần Thành hoàng, lễ hội tưởng nhớ các vị khai canh, lễ hội đua thuyền, lễ hội cầu ngư, lễ hội nông nghiệp, lễ hội tưởng niệm tổ sư các nghề thủ công và các hình thức hội làng khác (hội bài chòi, sắc bùa, hội vật, chọi gà, cướp cù, cờ người…). Trong đó, lễ hội cúng thần Thành hoàng và tưởng nhớ các danh nhân, các anh hùng dân tộc là phổ biến nhất. Ví như lễ hội cúng thần Thành hoàng hiện nay vẫn còn được tổ chức với quy mô lớn ở làng Thượng Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy; làng Quảng Xá, huyện Quảng Ninh; làng Thanh Trạch huyện Bố Trạch; làng Di Lộc, làng Lũ Phong, làng Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch; làng Văn Hóa huyện Tuyên Hóa,… Còn lễ hội tưởng nhớ các danh nhân, các anh hùng dân tộc, như lễ tế ngài Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh. Ngoài ra, nhiều địa phương trên vùng đất Quảng Bình còn tiến hành nhiều hình thức lễ hội liên quan đến nghề nghiệp như lễ hội đua thuyền, cầu ngư diễn ra ở Lệ Thủy, Quảng Ninh; lễ hội bơi trải ở Đồng Hới, ở Cảnh Dương; lễ hội cầu ngư ở Hải Ninh, Bảo Ninh, Đồng Hới, Cảnh Dương, Phú Bình,3… Bên cạnh đó, các lễ hội làng cũng diễn ra ở nhiều nơi như hội bài chòi, hát sắc bùa (Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Quảng Trạch), cờ người, cướp cù, hội vật (Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch), hội chợ rằm tháng ba (Minh Hóa), lễ hội đền thờ Phù Đổng Thiên Vương (Quảng Tiên, Quảng Trạch)4… Rồi cũng như nhiều vùng miền khác trong cả nước, nơi đây còn tổ chức một số loại hình lễ hội khác như lễ Tết Nguyên đán, các lễ hội tôn giáo như lễ Phật đản, lễ Vu lan,… Trong các hoạt động lễ hội, bên cạnh phần lễ với các lễ vật và những nghi thức cúng tế là phần hội được thể hiện qua các trò chơi dân gian như hội bài chòi, hội hát sắc bùa, hội vật, hội chọi gà, hội cờ người, chạy cù, đánh đu, hát bội,…

     Hiện nay, nếu không kể các loại hình lễ hội tôn giáo như lễ Vu lan, Phật đản, Phục sinh,… hay những lễ hội hiện đại như “Nhật Lệ huyền thoại”, “Biển gọi”,… thì các loại hình lễ hội dân gian ở Quảng Bình luôn hướng đến một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn như lễ tế ngài Nguyễn Hữu Cảnh, hay tưởng nhớ những người có công với làng xã như lễ hội thần Thành hoàng, hoặc mong muốn đất trời phù hộ cho dân làng để mưa thuận gió hòa và tái hiện lại một phần những hoạt động của nghề nghiệp, như đua thuyền, cầu ngư, cầu mùa, cầu đảo,… cho đến những cuộc vui chơi ca múa nhạc có tính ngẫu hứng hàng ngày, như chọi gà, hội vật… Trong đó có những lễ hội thu hút người dân trong vùng tham gia như hội đua thuyền ở Lệ Thủy, hội chợ rằm tháng ba ở Tuyên Hóa và Minh Hóa, lễ hội đập trống của người Macoong, còn đa số các lễ hội khác thường diễn ra trong phạm vi từng làng, hoặc liên làng trong một xã, như lễ hội cúng thần Thành hoàng, cầu ngư, cầu mùa, cầu đảo.

     Căn cứ vào mục đích và nội dung thể hiện, chúng ta có thể chia lễ hội người Việt ở Quảng Bình thành các loại hình sau đây:

     Lễ hội tưởng nhớ những người có công đối với cộng đồng làng xã, những anh hùng dân tộc. Thuộc vào loại lễ hội này là lễ hội thần Thành hoàng, lễ hội tưởng nhớ những vị khai canh, tưởng nhớ các danh nhân văn hóa, các anh hùng dân tộc.

     Lễ hội liên quan đến nghề nghiệp, như lễ hội đua thuyền, cầu mùa, cầu đảo của cư dân nông nghiệp và lễ hội cầu ngư, lễ đại tượng câu của cư dân ngư nghiệp,…

     Các loại hình lễ hội văn hóa với mục đích vui chơi giải trí như hội bài chòi, hát sắc bùa, cướp cù, cờ người, thi nấu cơm,… hoặc thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc như hội vật, chọi gà,…

     Các loại hình lễ hội khác.

     Nhìn chung, “Lễ hội nào cũng hàm chứa một tâm tưởng vừa kín đáo sâu xa, vừa lan tỏa bao trùm, là sự thờ cúng các vị thần thánh”5, nhưng ở Quảng Bình, ngoài ý nghĩa đó, lễ hội còn là sự ăn mừng chiến thắng của con người đã bền bỉ gan góc, cần cù nhẫn nại chống lại thiên nhiên khắc nghiệt và giặc ngoại xâm để tồn tại, để dựng xây xóm làng, đất nước, vì thế cho nên phần hội diễn ra nhiều hơn phần lễ. Hội nào cũng vui, nhưng cái vui của người Quảng Bình trong ngày mở hội rất đậm đà màu sắc văn hóa địa phương. Tiêu biểu như hội bài chòi, hội sắc bùa, hội làng Văn La, hội làng Cảnh Dương,… và bao làng khác nữa, mỗi nơi mỗi vẻ, tất cả đều mang tính thư giãn, giải trí, vui tươi. Nó toát lên một tinh thần lạc quan, hồn nhiên đến tươi trẻ của con người nơi đây. “Và vì mục đích của lễ hội đang còn ở phía trước, nhưng được đề đạt ý muốn, nguyện vọng với thần linh, con người vững tâm hơn, bình ổn hơn, thanh thản hơn về mặt tâm lý”6.

     Nhìn chung, lễ hội ở Quảng Bình cũng như ở nhiều miền quê khác trên đất nước ta vừa là dịp để con cháu tưởng nhớ những bậc hiền tài có công với làng nước, tưởng nhớ tổ tông, dòng tộc, vừa cũng là dịp để họ cầu mong thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu, cho nghề nghiệp phát đạt, cho làng quê yên bình. Lễ hội ở đây còn là sự biểu hiện sức mạnh cộng đồng, mối quan hệ ứng xử, giao tiếp tốt đẹp giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng. Thông qua đó mà ý thức làng xã, truyền thống đoàn kết càng được củng cố trong lao động, trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

     Lễ hội còn là dịp để mọi người cùng vui chơi, cùng thưởng thức các giá trị văn hóa truyền thống, để không gian yên bình ngày thường ở làng quê bỗng rộn lên bởi những âm thanh quen thuộc của trống, sáo, đàn, ca… Tất cả những âm sắc đó hợp lại làm cho không gian đình chùa, sân làng trở nên có hồn, có sắc hơn.

     Bên cạnh không gian lễ hội kể trên, ở vùng miền núi Quảng Bình – nơi cư trú của các dân tộc thiểu số như người Chứt, Trì, Khùa, Macoong, Vân Kiều, hoạt động lễ hội truyền thống cũng diễn ra quanh năm. Đó là những lễ hội liên quan đến chu kỳ sản xuất nương rẫy. Tuy nhiên, trong những lễ hội này chỉ diễn ra chủ yếu là phần lễ như lễ cúng rừng, lễ phát rẫy, lễ lấp lỗ,… Ngoài ra còn có các lễ nghi khác, như lễ hội đập trống của người Macoong vào ngày 16/1 âm lịch, lễ kết bạn “calơ” của người Vân Kiều, lễ cúng nhà mới, lễ cúng máng nước,… Những lễ hội quy mô lớn ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây chủ yếu tập trung vào lễ cúng cơm mới (lễ tết của đồng bào) và lễ đâm trâu (không tổ chức thường xuyên), lễ bỏ mả.

2. Những mặt tích cực và hạn chế của lễ hội dân gian ở  Quảng Bình

     Ở Quảng Bình, lễ hội trong một thời gian dài có hiện tượng bị lãng quên. Nhiều làng quê ở đây cư dân chỉ biết đến lễ Tết Nguyên đán. Cắt nghĩa sự suy giảm lễ hội ở Quảng Bình trong thời gian qua có rất nhiều nguyên nhân, nhưng có thể là do chiến tranh, do đời sống kinh tế khó khăn, do cả sự nhận thức chưa thật đúng của chúng ta về lễ hội.

     Sau cách mạng tháng Tám, chế độ thực dân phong kiến bị sụp đổ, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập trên đất nước ta, nhưng do còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế – xã hội nên lễ hội truyền thống với những nghi thức nghi lễ tốn kém đã không được tổ chức.

     Trong 9 năm kháng chiến, ở Quảng Bình – cả những vùng tạm chiến và vùng tự do, lễ hội cũng khó có điều kiện được phục hồi. Và nếu có được tổ chức thì tình trạng không ổn định vì chiến tranh đã làm cho nó bị hạn chế về quy mô, bị thu hẹp về không gian và thời gian, người dự hội và ban tổ chức lễ hội luôn ở trạng thái bất an nên tinh thần của lễ hội không được đảm bảo.

     Sau ngày miền Bắc hoàn toàn độc lập, trong hoàn cảnh Đảng ta tiến hành cải cách ruộng đất, nhân dân Quảng Bình cũng thực hiện triệt để công cuộc cách mạng đó. Trong xu thế cách mạng mới, đã có lúc chúng ta coi lễ hội như là di sản của xã hội cũ, là hủ tục của chế độ phong kiến lạc hậu, cùng chung với số phận của nhiều đình, chùa, đền, miếu, lễ hội bị bài xích, ngăn cấm. Tiếp đó, phong trào hợp tác hóa đã biến các đền miếu, đình, chùa, cơ sở vật chất của lễ hội thành nhà kho, sân phơi, trường học… Lễ hội không những không được mở rộng mà gần như mất hết cơ sở vật chất để tồn tại và phục hồi. Thời kỳ đó do ý thức muốn hạn chế tín ngưỡng để chống mê tín dị đoan, muốn tập trung vào nhiệm vụ giải phóng miền Nam và do điều kiện vật chất hạn chế nên lễ hội có diễn ra cũng hết sức sơ sài, đơn điệu. Quy trình của lễ hội vào thời kỳ này thường là do chính quyền đọc diễn văn tôn vinh một vị thần nào đó của làng để vận dụng vào việc phát huy truyền thống trong tình hình và nhiệm vụ mới, rồi làm lễ dâng hương, thắp hương tưởng niệm và liên hoan văn nghệ quần chúng.

     Đến thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, các đình chùa, đền miếu, lăng mộ hoặc bị chiến tranh phá hủy hoặc bị bỏ bê vì tất cả đều tập trung chi viện cho miền Nam, cho tiền tuyến nên cả một thời gian dài lễ hội dân gian ở đây hầu như không được tổ chức.

     Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, các lễ hội được phục hồi, tuy nhiên lại xuất hiện những chướng ngại mới. Đó là hình thành loại hình lễ hội với khuynh hướng nhà nước hóa đã làm cho hoạt động lễ hội bị đẩy ra khỏi tính tự trị của làng và bị hòa vào cộng đồng chính trị – xã hội của cấp xã.

     Thêm vào đó, thời gian đã làm cho ý thức của con người về lễ hội dần dần bị phai nhạt. Người ta lo làm giàu, lo kiếm tiền để có một cuộc sống vật chất đầy đủ… và trước những mối bận tâm thường nhật đó, lễ hội không còn được quan tâm.

     Từ  đầu những năm 90 của thể kỷ XX, cùng với trào lưu đổi mới, trước hết là đổi mới trong tư duy của Đảng, lễ hội có điều kiện phục hồi và phát triển ở nhiều địa phương. Theo đó, mặt mạnh, mặt yếu của nó có dịp được bộc lộ, cọ xát với thực tiễn cuộc sống. Không ai có thể phủ nhận rằng, lễ hội dân gian được phục hồi trong hơn hai thập kỷ qua, đã làm cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các làng quê có những nét khởi sắc, tương xứng với đời sống vật chất đang từng bước được cải thiện. Nhân dân được hưởng thụ những giá trị văn hóa do chính mình tạo dựng. Mọi người không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, già trẻ, đều tham gia lễ hội; những cách biệt về địa vị xã hội được thay thế bằng những quan hệ bình đẳng, đoàn kết, tất cả cùng chung tay xây dựng xóm làng. Bên cạnh đó, gắn với việc phục hồi lễ hội là việc xây dựng lại, xây dựng mới, hoặc sửa sang tu bổ đình, chùa, đền, miếu. Các công trình kiến trúc này một thời đã bị phá bỏ, hoặc để hoang phế, đổ nát, nay được trùng tu, sửa chữa hoặc xây mới. Nhiều công trình đình, đền ở Quảng Bình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ và tôn tạo những di sản văn hóa đó.

     Như vậy, sự phục hồi, phát triển của lễ hội gắn bó chặt chẽ với việc trùng tu đình, chùa, đền, miếu. Hai yếu tố đó có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nó là những thành tố rất quan trọng của sắc thái văn hóa làng quê, bởi thông qua những giá trị văn hóa đó các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên có điều kiện tìm hiểu cội nguồn dòng tộc làng xã, công lao của các vị anh hùng, các vị thánh nhân, Thành hoàng…

     Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, lễ hội ở các làng quê Quảng Bình còn bộc lộ nhiều điều bất cập. Trước hết, trong một số lễ hội tưởng niệm đến thần Thành hoàng, đến các vị khai canh, khai khẩn, hoặc lễ hội cầu ngư,… yếu tố lễ còn quá nặng nề, phần tế lễ quá dài, lễ nghi rườm rà và đặc biệt xuất hiện những trang phục lễ hội nửa tân, nửa cổ. Rất ít làng còn giữ lại được những màu sắc, hình dáng nguyên gốc của các loại trang phục của đám rước (Trong khi mặc áo nâu đỏ thì lại mang quần jean, đội mũ lưỡi trai, đeo kính râm, đi giày…). Một số nghi thức trong lễ hội bị biến dạng, cái hiện đại thay thế cái cổ truyền (trong lễ hội đua thuyền, bơi trải, có nơi dùng những chiếc thuyền làm nghề bình thường, đội chèo không cùng trang phục, gặp ai gọi nấy, không được tập trung, tập dượt từ trước…).

     Một hiện tượng nổi bật trong các lễ hội hiện nay là những hoạt động văn hóa nghệ thuật, những loại hình trò chơi dân gian ít được chú trọng. Điều này có nhiều lý do, nhưng cái chính là do các địa phương, các thế hệ sau này không có kinh nghiệm về tổ chức lễ hội. Vì vậy những hoạt động văn hóa cũng như các trò chơi chưa phong phú về nội dung, chưa hấp dẫn về hình thức nên vai trò giáo dục truyền thống của lễ hội còn mờ nhạt. Ở một số làng có hiện tượng công danh, đức độ, thậm chí tên tuổi của thần Thành hoàng vẫn bị giấu kín vì sợ phạm húy, dẫn đến việc nhân dân không hiểu biết về đặc điểm, vai trò của vị thần mà làng mình đang thờ phụng. Có làng tổ chức lễ hội tưởng niệm các vị khai canh, khai khẩn, vị thần Thành hoàng có sắc phong của triều Nguyễn, nhưng bộ phận thanh thiếu niên của làng khi được hỏi tên tuổi của các vị đó cũng như mục đích của lễ hội thì hầu như không ai biết; các truyền thuyết liên quan đến sự tích đền, miếu, đến lịch sử lập làng, khai phá đất đai của tổ tiên, dòng họ, các câu chuyện lịch sử về công trạng của ông cha đánh giặc, dẹp loạn cứu dân… đều rất ít được lưu truyền. Tình trạng tham gia lễ hội nhưng không biết được mục đích, ý nghĩa của nó là hiện tượng còn khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ví như, khi hỏi đến mục đích của lễ hội đua thuyền, bơi trải, đa số thanh niên trả lời là để thắng thua, để giật giải; khi hỏi về nghi lễ cúng tế của hội đua thuyền, bơi trải, câu trả lời thường là “không biết”… Dường như lễ hội hiện nay ít được ghép với những nội dung giáo dục truyền thống để tuổi trẻ hiểu rõ hơn về công đức của các bậc tiền nhân, về những gương hiếu học, xả thân vì việc nghĩa của các nhân vật lịch sử trong làng, trong tỉnh cũng như những lời răn dạy, khuyên can, động viên cũng ít được chú ý trong các hoạt động lễ hội… Có những lễ hội còn nghiêng về việc cúng tế, ăn uống, hoặc vui chơi giải trí theo lối hiện đại với loa, đài, biểu diễn ca nhạc (nhạc sống) của thanh thiếu niên…

     Một điều nữa làm cho lễ hội có phần kệch cỡm, nhàn chán, đó là khâu hình thức trang trí; hoặc quá sơ sài về phần chuẩn bị, hoặc quá nặng nề về hình thức nên cờ lọng lòe loẹt, áo mũ vừa cổ vừa tân; hoặc quá chú ý phần lễ vật, nặng về ăn uống, ít chú ý đến triết lý đạo đức, giá trị nhân bản, tính giáo dục của lễ hội. Thêm vào đó, một số lễ hội chủ trương lấy thu bù chi, lấy lễ hội nuôi lễ hội nên ban tổ chức đã chạy ngược chạy xuôi, nhiều khi phải nhờ đến các nhà hảo tâm, khách thập phương và không ít trường hợp, họ đã kinh doanh lễ hội. Một số làng còn tổ chức ghi vào bảng vàng danh dự công đức của những người đóng góp nhiều tiền cho lễ hội. Bởi vậy, có nơi do ganh đua công đức nên xảy ra những xích mích giữa các dòng họ, ngõ xóm. Rồi bên cạnh việc đa số thành tâm đóng góp để tham gia lễ hội với những nhu cầu tinh thần, tâm linh, văn hóa, có không ít người giàu tỏ ra “hào phóng” rồi lên mặt, cũng có không ít người đến với lễ hội vì những mục đích mê tín dị đoan, cho rằng cống nạp lễ vật nhiều thần thánh sẽ phù hộ cho họ nhiều hơn.

     Những hiện tượng thiếu lành mạnh về lễ hội kể trên đã làm cho lễ hội ở Quảng Bình trong những năm qua còn nhiều điều phải suy ngẫm. Đó có thể là:

     Nội dung lễ hội chưa thật phong phú, sáng tạo, còn quá nặng về lễ nghi tôn giáo, cúng bái, tế lễ; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn nghèo nàn nên chưa gây được hứng khởi, say mê đối với người tham dự. Có thể nói, lễ hội chưa đi vào chiều sâu của sự giáo dục truyền thống, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “tình làng nghĩa xóm”…

     Về hình thức, chưa làm nổi bật được cái đẹp, cái cao thượng trong lễ hội trên mọi khía cạnh, chưa tạo ra được vẻ đẹp hoành tráng, thiêng liêng của lễ hội từ bầu không khí đến trang phục, cũng như các trò diễn.

     Công tác tổ chức lễ hội còn lúng túng, bị động, từ việc vạch chương trình đến khâu quản lý. Những người chịu trách nhiệm tổ chức lễ hội không nắm vững tinh thần và quy trình của lễ hội nên việc chuẩn bị còn cập rập, vội vàng, thiếu kế hoạch chặt chẽ.

     Một số hội làng không được chuẩn bị kỹ nên tổ chức còn qua loa, thiếu sự hấp dẫn. Thậm chí có nơi nặng về liên hoan văn nghệ quần chúng, nhẹ về trò diễn, trò chơi dân gian truyền thống.

     Thiếu lễ hội có quy mô liên làng, liên vùng, nên nhìn chung hoạt động lễ hội ở đây còn manh mún; thậm chí vùng đồng bào các dân tộc thiểu số quy mô lễ hội làng ngày càng ít dần, thay vào đó là quy mô từng gia đình, dòng họ, ngay cả lễ cơm mới (lễ tết của đồng bào) cũng chỉ tổ chức ở từng nhà trong cùng một thời gian quy định của làng; còn lễ hội đâm trâu, lấp lỗ, cúng rừng quy mô làng, việc tổ chức ngày càng hạn chế.

3. Định hướng và giải pháp phục hồi, phát huy giá trị lễ hội dân gian ở Quảng Bình

     Trong tình hình đó, việc phát triển lễ hội dân gian ở Quảng Bình cần phải có định hướng của các chính quyền địa phương và ban ngành văn hóa, nếu không muốn lễ hội bị thương mại hóa, chùa miếu trở thành nơi trú ẩn của những thân phận si mê, cuồng tín, đồ cổ quý giá hàng trăm năm trở thành hàng hóa của bọn bất lương…7

     Bởi vậy, ngành văn hóa cần phải có những hướng dẫn cụ thể và khoa học cho các địa phương về việc tiến hành lễ hội thuộc làng xã của mình ở các khâu: nội dung, mục đích, quy mô, nhất là đối tượng thờ cúng phải cụ thể, có lai lịch rõ ràng; cần phân biệt tà thần, tạp thần với chính thần, phúc thần; phải loại bỏ tà đạo, tạp thần, đồng thời nêu rõ công đức các chính thần, phúc thần đối với quá trình phát triển làng xã; phải nêu rõ truyền thống của làng, của các bậc tiền hiền hiếu học, các vị tổ sư truyền nghề cho làng…

     Định hướng tổ chức lễ hội truyền thống, trong thời đại mới, theo chúng tôi là nên phấn đấu đạt đến độ tinh (tổ chức gọn nhẹ, nội dung rõ ràng, có tính tích cực), giảm (lễ thức giản dị, trang trọng), kiệm (rút ngắn thời gian, tiết kiệm sức người, tiền bạc), lạc (trò chơi lành mạnh, vui khỏe cho mọi người).

     Để tổ chức được những lễ hội đích thực thể hiện bản sắc dân tộc, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, trước hết chúng ta cần cải tiến việc tổ chức lễ hội, nội dung lễ hội. Cải tiến việc tổ chức lễ hội phải căn cứ vào truyền thống của lễ hội với thực tế kinh tế – xã hội hiện nay ở địa phương để có hình thức tổ chức phù hợp, tránh những công đoạn rườm rà tốn kém của người dân. Còn cải tiến nội dung lễ hội được hiểu là lược bỏ những lễ thức, hủ tục lạc hậu không phù hợp với cuộc sống mới.

     Căn cứ vào tình hình lễ hội ở Quảng Bình, chúng tôi nhận thấy cần phải lưu ý những vấn đề sau đây:

     1. Cần đầu tư nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của làng, quá trình ra đời lễ hội, những phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc trưng của địa phương để tuyên truyền, giới thiệu với mọi người thông qua các dịp tổ chức lễ hội.

     2. Cần giảm bớt các hoạt động chầu tế, nên chú trọng đến các nghi thức, các trò diễn xướng thể hiện sự tích lễ hội để tăng thêm sức hấp dẫn cho người xem và sự say mê của người tham gia.

     3. Mở rộng các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các hoạt động thể thao trong lễ hội để hỗ trợ cho các trò chơi dân gian như chơi đu, cờ người, đấu vật… nhằm làm cho lễ hội thêm phần hứng khởi, sôi nổi.

     4. Xây dựng các trung tâm văn hóa của làng như đình làng, nhà văn hóa để làm nơi tổ chức lễ hội, có như vậy không gian lễ hội mới thật sự trang nghiêm và môi trường lễ hội cũng được cải thiện. Không nên tổ chức lễ hội ở những nơi chật hẹp, môi trường không được đảm bảo hoặc mục đích của lễ hội không rõ ràng.

     5. Cần phải chú ý đến các nghi lễ truyền thống của lễ hội, không nên giản lược quá nhiều các lễ thức của nó.

     6. Phải gắn lễ hội với các hoạt động du lịch, phải mở rộng không gian lễ hội thành những sinh hoạt văn hóa liên làng, liên vùng. Có như thế mới biến lễ hội thành sản phẩm du lịch độc đáo. Nên nhớ rằng lễ hội là tiềm năng sinh động của du lịch văn hóa, nó gắn với các công trình kiến trúc đình, chùa, đền, miếu; các món ăn; các trang phục truyền thống; các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ truyền thống; các trò chơi dân gian… Đó là những sản phẩm đặc biệt của du lịch. Thực tế là  du lịch càng phát triển càng thúc đẩy các hoạt động lễ hội. Lễ hội càng gắn kết với du lịch, càng thúc đẩy ngành công nghiệp không khói này. Vì vậy, phát triển lễ hội đồng nghĩa với phát triển du lịch.

     Như vậy, trong đời sống cộng đồng các dân tộc ở Quảng Bình, từ lâu đã hiện diện một loại hình văn hóa độc đáo – văn hóa lễ hội. Lễ hội với tầm quan trọng của nó, là liệu pháp giải tỏa căng thẳng, giúp cho con người có những giây phút thanh thản, thư giãn dưới mọi hình thức, giãi bày những ước vọng của mình với thần linh, tham gia vào những trò diễn, trò chơi mang đậm tính nhân văn… Đó là những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Những nét đẹp truyền thống đó đang được giữ gìn trên khắp các làng quê.

     Hy vọng rằng, với chiến lược phát triển liên kết vùng miền trong hoạt động du lịch, lễ hội dân gian ở Quảng Bình càng được phục hồi và phát huy giá trị trong xã hội hiện đại. 

__________
1. wikipedia.org/wiki/Lễ-hội-Việt-Nam.

2. Đinh Gia Khánh, 2000, tr.7.

3. Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Mạnh, 2010, tr.58-63.

4. lehoi.cinet.vn/.

5. Viện Văn hóa Dân gian, 1992, tr.9.

6. Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Mạnh, 2010, tr.264.

7. Hồ Sĩ Vịnh, 2001, tr.6.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tôn Thất Bình (1997), Huế – lễ hội dân gian Thừa Thiên Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế.

2. Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Mạnh (2010), Lễ hội dân gian của người Việt ở Quảng Trị, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

3. Đinh Gia Khánh (2000), Lễ hội dân gian và sự phản ánh những truyền thống của dân tộc, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2.

4. Nguyễn Văn Mạnh (2002), Giá trị của lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2.

5. Viện Văn hóa Dân gian (1992), Lễ hội cổ truyền, Nxb Khoa học Xã hội.

6. Hồ Sĩ Vịnh: Bản lĩnh văn hóa Việt Nam trước xu thế toàn cầu hóa, Báo Nhân dân, ngày 24/9/2001, tr.6.

Trích dẫn tệp PDF từ: https://webcache.googleusercontent.com/

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Lễ hội dân gian ở Quảng Bình qua các thời kỳ lịch sử thực trạng và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị (Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc)