Lễ hội đền Trần Nam Định được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Tác giả bài viết: NGUYỄN THU HƯỜNG
(Bảo tàng Nam Định)

TÓM TẮT

     Lễ hội đền Trần Nam Định gồm hội xuân (tháng Giêng) và hội thu (tháng Tám), diễn ra trong khu vực di tích đền Trần – chùa Phổ Minh và khu vực phụ cận, gắn liền với truyền thống lịch sử – văn hóa của một vùng đất nổi tiếng từ thời Trần. Lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương và nhân dân sở tại, hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc.

Từ khóa: lễ hội; đền Trần; Nam Định; di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

ABSTRACT

     Trần Temple festival in Nam Định includes spring festival (1st month of Lunar year) and autumn festival (8th month of Lunar year), held in the heritage area of Trần temple and Phổ Minh pagoda as well as surrounding places, attached to historical and cultural tradition of well-known land in Trần dynasty. The festival attracts massive visitors in different provinces and local residents. It contains historical, cultural and scientific values that worth to be national intangible cultural heritage.

Key words: festival; Trần temple; Nam Định province; national intangible cultural heritage.

x
x x

     Lễ hội truyền thống tại đền Trần Nam Định có quy mô lớn, với những giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học đặc sắc vừa được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là sự khẳng định giá trị của di sản, sự ghi nhận của nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của địa phương, mà còn là cơ hội để Nam Định quảng bá các sản phẩm văn hoá, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

     Từ xa xưa, lễ hội đền Trần thường được tổ chức vào dịp đầu xuân và mùa thu (tháng Tám), trong khu di tích đền Trần – chùa Phổ Minh, thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định ngày nay. Ngoài ra, không gian lan toả của lễ hội còn bao gồm các di tích thờ những nhân vật thời Trần, thuộc phường Lộc Vượng, Lộc Hạ (thành phố Nam Định) và xã Mỹ Phúc, Mỹ Trung (huyện Mỹ Lộc). Chủ thể văn hoá là cộng đồng dân cư làng Tức Mặc; phường Lộc Vượng; thành phố Nam Định. Đây là chủ thể trực tiếp sáng tạo, bảo tồn và tổ chức các nghi lễ truyền thống. Các cộng đồng dân cư có di tích thời Trần liên quan cùng với những tín đồ của tín ngưỡng thờ Đức thánh Trần, du khách thập phương tạo nên tính cộng đồng rộng lớn của lễ hội…

     Trong những năm gần đây, lễ hội đền Trần đã như mang một sắc thái mới – Hội Xuân kéo dài cả tháng Giêng, trong đó tập trung trong ba ngày từ 14 đến 16, với lễ Khai ấn được tổ chức vào đêm 14 rạng ngày 15, thu hút nhiều người từ mọi miền đất nước tham dự. Hội tháng Tám tuy không thu hút được đông khách như hội tháng Giêng, song, quy mô tổ chức cũng đã lớn hơn trước, không gian lễ hội không khuôn hẹp trong phạm vi di tích đền Trần – chùa Phổ Minh, mà còn lan toả sang khu vực các xã Mỹ Trung, Mỹ Phúc (huyện Mỹ Lộc), phường Lộc Hạ (thành phố Nam Định), nơi có các di tích thờ Đức thánh Trần và các tướng lĩnh của nhà Trần. Vì vậy, lễ hội này còn được gọi là “Hội truyền thống
Trần Hưng Đạo”.

     Lễ hội xuân

     Theo một số tư liệu, trước đây, hội xuân thường diễn ra trong 3 ngày (từ 14 đến 16 tháng Giêng), trong đó, ngày 15 cử hành đại lễ, với các hoạt động, như rước kiệu; khai ấn; rước nước, tế cá… Hiện nay, hoạt động khai ấn vẫn được duy trì trong hội, một số nghi lễ khác đã và đang được phục dựng.

     – Lễ Rước kiệu:

     Trước đây, lễ này có sự tham gia của 8 làng thì nay chỉ còn duy nhất làng Tức Mặc – Vào chiều ngày 14, dân làng Tức Mặc rước kiệu thần từ đình Tức Mặc đến sân chùa Phổ Minh, lại làm lễ xin rước kiệu “Ngọc Lộ” từ chùa Phổ Minh đưa bát hương thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông sang đền Thiên Trường. Nghi thức rước vẫn được giữ nguyên như xưa.

     – Lễ Khai ấn:

     Về nguồn gốc lịch sử: đến nay, tuy chưa phát hiện được tài liệu, sử sách nào ghi chép cụ thể về nguồn gốc của lễ Khai ấn đền Trần, nhưng thực tế, đây là một tục cổ truyền đã được nhân dân làng Tức Mặc gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ. Quả ấn đang được sử dụng trong lễ Khai ấn đầu năm ở đền Trần là ấn “Trần miếu tự điển”. Trên viền quả ấn khắc dòng chữ Hán “Tích phúc vô cương”. Ấn được đặt trong hòm gỗ, sơn son, thếp vàng, lưu giữ tại đền Cố Trạch. Đến giờ Tý đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng, dân làng rước ấn từ đền Cố Trạch (đền Hạ) sang đền Thiên Trường (đền Thượng) làm lễ Khai ấn.

     Về nghi lễ tổ chức: trước giờ Tý, mọi người tham dự tập trung tại đền Cố Trạch, đoàn rước chuẩn bị, các cụ cao tuổi đại diện cho dân làng, làm lễ tại đền Cố Trạch xin Đức thánh Trần được rước ấn sang đền Thiên Trường khai ấn. Hòm đựng ấn được chuyển ra kiệu. Đoàn rước ấn tổ chức rất trọng thể, có sự tham gia của khoảng 150 người: đi đầu có cờ thần, rồi đến phù giá, bao gồm kiếm lệnh, bát bửu, chấp kích, rồi đến mâm hoa quả; tiếp đến là kiệu rước hòm ấn, đội bát âm, sau cùng là đoàn tế nam quan (25 người) cùng khách hành hương. Đoàn đi theo nhịp trống, chiêng vòng quanh hồ, vào sân đền Thiên Trường. Tại đây, kiệu ấn được đặt trang trọng phía trước sân hành lễ, nơi đặt bàn thờ “Trung thiên” để làm lễ dâng hương tế cáo trời đất. Đội tế sắp xếp hàng ngũ theo sự chỉ huy của ông chủ tế, tiếp tục làm lễ tại ban thờ “Trần Triều liệt miếu tiên hoàng đế thần vị”. Hòm đựng ấn được dâng lên ban thờ và ông chủ tế đọc chúc văn có nội dung đại ý xin các hoàng đế nhà Trần được khai ấn ban phúc cho muôn dân.

     Tiếp theo là phần khai ấn. Các cụ cao niên ngồi thành hàng phía dưới ban thờ các vua. Ông chủ lễ ngồi chính giữa, có 2 người giúp việc, một chuẩn bị giấy, một chuẩn bị mực dấu, phía sau là các đại biểu mời tham dự lễ Khai ấn. Hòm ấn được mở ra, ông chủ lễ đóng các lá ấn đầu tiên. Ấn “Trần miếu tự điển” đóng trước ở chính giữa tờ giấy, tiếp đó dấu “Trần miếu” (dấu nhỏ) được đóng phía dưới (Có một số năm, các tờ giấy được thay bằng vải để bền hơn, tránh bị rách, từ năm 2013 đến nay, thống nhất một loại mẫu giấy). Những lá ấn được đóng đầu tiên dành dâng lên các nơi thờ liên quan đến nhà Trần ở địa phương, như: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa, chùa Phổ Minh, đình Tức Mặc, đình Động Kính (đình Kênh), đình Thượng Bái, đình Vĩnh Trường, đình Thượng Lỗi, rồi các di tích thời Trần mới được phục dựng ở địa phương. Tiếp theo, các lá ấn được lần lượt phát cho người tham dự và du khách.

     Những năm gần đây, do lượng khách tham dự và có nhu cầu xin lá ấn quá đông, các lá ấn được đóng dấu từ trước, đựng trong các hòm gỗ sơn son. Khi tiến hành lễ Khai ấn, các hòm ấn được dâng lên ban thờ các vua, việc khai ấn chỉ đóng một số lá mang tính tượng trưng, những lá ấn này được dâng lên các di tích liên quan đến nhà Trần ở địa phương, sau đó, hòm ấn được chuyển ra ngoài phát cho nhân dân tham dự. Từ năm 2012, thực hiện “Đề án tổ chức lễ hội đền Trần” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chỉ đạo, thì việc phát ấn được chuyển sang sáng ngày 15 tháng Giêng và kéo dài một số ngày sau đó để đáp ứng nhu cầu xin ấn của du khách. Số lượng ấn phát ra hằng năm lên tới vài chục ngàn, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân.

     Lễ Khai ấn đầu xuân trong hội đền Trần là một tục vốn ban đầu chỉ diễn ra chủ yếu trong phạm vi làng Tức Mặc, sau này, cùng với sự vận động phát triển của xã hội, nó đã trở thành một hoạt động thu hút đông đảo khách thập phương đến dự và xin ấn, đặc biệt, trong khoảng chục năm gần đây, có sự tham dự của các cấp chính quyền địa phương, lễ này càng trở nên trang trọng, với quy mô lớn, đòi hỏi công tác tổ chức cần phải đổi mới để đáp ứng nhu cầu thực tế.

     – Lễ Rước nước, tế cá:

     Trong lễ hội đền Trần Nam Định năm 2014, ngày 12 tháng Giêng, sau nhiều năm, lần đầu tiên lễ Rước nước, tế cá đã được phục dựng. Trước kia, lễ Rước nước diễn ra tại sông Hồng, thuộc khu vực Hữu Bị, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc. Hiện nay, địa điểm rước nước được lấy ngay từ giếng Rồng, phía Đông đền Cố Trạch. Mọi hoạt động trong lễ Rước nước, tế cá được ban tổ chức chuẩn bị từ trước đó hàng tháng. Đến ngày chính lễ (12 tháng Giêng), đoàn rước xuất phát từ đền Cố Trạch ra giếng Rồng để lấy nước. Giếng nước được xây bằng gạch thất, miệng hình tròn, đường kính khoảng 1,3m, thuộc khu vực sông Hàm Rồng, cách đền Cố Trạch khoảng 150m về phía Đông. Đi đầu đoàn rước là đội cờ (40 người), gồm có cờ hội, cờ thần, cờ Trần triều. Tiếp theo là đội múa lân, sư, rồng, phường bát âm, kiếm ngựa. Theo sau kiệu rước nước, kiệu rước cá là đội đánh bắt cá, với trang phục truyền thống và vật dụng mang theo như vó, lưới, dậm, nơm… Tiếp đến là đoàn chấp kích, bát bửu đi cùng kiệu thánh và đội tế nam quan, đội tế nữ quan, quan viên, dân chúng. Cuối cùng đoàn rước là 40 cờ hội. Đoàn rước đi một vòng qua giếng Rồng. Khi kiệu dừng trước giếng, ông chủ tế cẩn thận phủ một tấm vải đỏ lên miệng choé nước. Bốn trai đinh giữ choé và khăn. Ông chủ tế thả một chiếc vòng tròn rộng khoảng 60cm xuống giếng rồi cẩn thận múc nước từ trong vòng tròn theo tiếng trống giục. Sau ba hội trống giục thì kết thúc việc lấy nước. Với sự giúp đỡ của 4 trai đinh, ông chủ tế buộc miệng ché và rước ché nước lên kiệu.

     Sau lễ Rước nước là lễ Đánh cá. Cá dùng để tế gồm cá “triều đẩu” (cá quả) và “long ngư” (cá chép). Cá được nuôi từ trước đó mấy tháng, được chăm sóc theo cách truyền thống đối với các vật thờ. Gia đình được chọn nuôi cá phải là gia đình vẹn toàn hai bên, có đức, được cộng đồng quý trọng. Cá được tuyển chọn kỹ, trọng lượng khoảng 0,5 kg, khoẻ, da trơn, mình chắc, nuôi trong ao đầm sạch, cho ăn bằng các thức ăn giàu dinh dưỡng, khi đạt tới khoảng hơn 1kg là có thể cúng tiến để làm lễ.

     Là cộng đồng có nghề chài lưới và nuôi trồng thủy sản, tại Tức Mặc, từ hàng trăm năm nay, người dân đã tích lũy được các kỹ thuật nuôi cá truyền thống để thích ứng với thời tiết khi nuôi cũng như duy trì sự sống của “Ông Cá” cho đến khi thả ra sông. Lễ dâng cá sống, chứ không phải là nấu cỗ như một số cộng đồng khác ở đồng bằng sông Hồng, nên việc duy trì để cá khỏe mạnh là rất quan trọng.

     Trước lễ tế khoảng 1 tuần hay 10 ngày, tùy vào thời tiết, cá được chuyển sang ao cạnh giếng Rồng để cá quen với môi trường nước mới. Ông Cá được chăm sóc kỹ lưỡng theo các quy định chung. Vào ngày tế cá, đội đánh bắt cá xếp thành hai hàng, khi có hiệu lệnh của ông chủ tế, cả đội cùng xuống ao đánh bắt. Trong suốt quá trình đánh bắt, nhạc lễ và trống hội diễn ra liên hồi. Ông chủ tế và các bồi tế dưới sự giúp đỡ của trai đinh dưới ao đưa những con cá khoẻ nhất lên thuyền rồng. Nghi lễ đánh cá kết thúc, đoàn rước nước và cá trở về đền Thiên Trường làm lễ tế.

     Tại sân đền Thiên Trường, đội tế nam quan thực hiện nghi lễ dâng nước tế cá. Nước trong choé được chia đều sang ba chiếc bình, ông thủ từ đại diện ba đền Thiên Trường, Cố Trạch và Trùng Hoa làm lễ rước nước về đền để thờ.

     Tiếp theo, ông chủ tế cùng đội tế chuyển cá từ thuyền rồng sang 2 thúng (thúng sơn đỏ), một thúng đựng cá chép, một thúng đựng cá quả. Đoàn rước tiếp tục thực hiện nghi lễ rước cá phóng sinh ra sông Hồng tại đoạn đê Hữu Bị, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc.

     Lễ Rước nước, tế cá có ý nghĩa tri ân tổ tiên nhà Trần, ước mong hào khí Đông A mãi toả sáng, đồng thời, thể hiện tinh thần khuyến ngư, nghề đánh bắt cá của triều Trần mãi phát triển, bờ cõi nước Việt mãi trường tồn.

     Lễ hội tháng Tám

     Trước kia, hội tháng Tám được dân làng cử hành trọng thể trong 3 ngày (19 – 21) tại đền Cố Trạch để kỷ niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Dân gian thường gọi lễ hội này là “Tháng Tám giỗ Cha”. Lễ hội này xuất hiện sau khi đền Cố Trạch được xây dựng vào thời Nguyễn, niên hiệu Tự Đức.

     Lệ cũ của làng quy định, hằng năm, vào ngày 19 tháng Tám, một số nơi trong tỉnh có đền thờ Đức thánh Trần, như Hữu Bị, Đệ Nhất (Mỹ Trung, Mỹ Lộc), đền Nam Mỹ (thành phố Nam Định)… phải rước kiệu về đền Cố Trạch để tham dự.

     Buổi sáng ngày 20, các làng Hậu Bồi, Phương Bông, nơi thờ Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, làng Đệ Tứ thờ Chiêu Văn Đại vương Trần Nhật Duật rước kiệu về đền tiếp tục làm lễ.

     Ngày 21, dân làng tổ chức lễ tạ kết thúc kỳ lễ hội tháng Tám.

     Ngày nay, hội tháng Tám kéo dài từ ngày mùng 1 tháng Tám đến 30 tháng Tám, nhưng các hoạt động chủ yếu diễn ra trong thời gian 10 ngày, từ ngày 10 tháng Tám đến 20 tháng Tám.

     – Nghi thức tổ chức gồm: rước, dâng hương, tế:

+ Lễ rước: Sáng ngày 20 tháng Tám, dân làng Tức Mặc tổ chức rước kiệu từ đình làng lên đền Trần để tham dự hội. Đoàn rước được tổ chức trang trọng, gồm nghi trượng, dàn bát âm, kiệu bát cống, đội tế nam quan cùng đông đảo dân làng. Cùng đi theo đoàn rước còn có đội sư tử, đội múa rồng cũng tham gia làm cho buổi lễ thêm phần náo nhiệt.

+ Lễ dâng hương: Ngay sau lễ rước kiệu là lễ dâng hương tưởng niệm anh linh các vua Trần, Đức thánh Trần tại sân đền Thiên Trường. Lễ có sự tham gia của các vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh, thành phố, phường cùng các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo bà con nhân dân. Sau diễn văn khai mạc, nêu bật những bài học trong dựng nước, giữ nước của nhà Trần và công lao của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là phần dâng hương, dâng hoa. Sau ba hồi chiêng trống vang lên rộn rã, 14 thiếu nữ dâng 14 mâm hoa lên ban thờ các vua Trần. Tiếp theo là các bô lão với trang phục tế thay mặt dân làng vào dâng hương trước. Sau đó, đoàn người dâng hương đi theo nhịp trống chiêng trầm hùng, lần lượt tiến vào chính cung để thắp nén tâm hương. Tiếp đó, đoàn lễ từ đền Thiên Trường sang đền Cố Trạch để kính cẩn dâng hương lên Đức thánh Trần và trở về dâng hương tại đền Trùng Hoa.

+ Lễ tế nam quan tại đền Cố Trạch được tổ chức ngay sau lễ dâng hương. Tiếp đến là tế nữ quan. Thường các đội tế phải cử người về trước để đăng ký ngày tế.

     Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, hằng ngày nhân dân và du khách thập phương thực hiện nghi lễ tín ngưỡng, dâng hương tưởng niệm Đức thánh Trần, các vua Trần tại đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Hoa và chùa Phổ Minh. Người tham dự lễ hội thường đi theo từng đoàn. Mỗi đoàn tuỳ số lượng người nhiều hay ít mà bố trí từ hai đến ba mâm lễ, chủ yếu là hoa quả, bánh trái, trầu cau đã được têm sẵn. Đây là những đoàn trình trầu với áo quần xanh, đỏ, khăn tím, khăn xanh, đi theo các thanh đồng để tham dự nghi lễ chầu văn.

     Trong tâm thức dân gian, Hưng Đạo Đại vương được suy tôn là Đức thánh Trần và đồng nhất Ngài với Ngọc Hoàng Thượng đế, từ đó tạo nên một dòng đạo Nội – đạo Thanh đồng, mà Đức thánh Trần là Giáo chủ. “Sinh vi tướng, tử vi thần” (Sống là tướng giỏi, chết là phúc thần), suốt hàng trăm năm qua, Đức thánh Trần có ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống tâm linh của người dân Việt. Đi xem hầu thánh là để được xem múa hát; và, dù chỉ được ban một ít lộc, nhưng đối với mọi người thì điều đó rất thiêng liêng – “Một miếng lộc thánh bằng một gánh lộc trần”. Trong việc hầu thánh, ngoài các giá hầu Đức thánh Trần còn có văn chầu Đức ông Đệ tam (Trần Quốc Tảng), văn chầu Nhị vị vương cô (Khâm Từ Hoàng hậu và Anh Nguyên Quận chúa), văn chầu cô Bé nhà Trần (cô Bé Cửa Suốt là cháu gái Hưng Đạo vương), văn chầu Đức thánh Phạm (Phạm Ngũ Lão) và các giá chầu ông, chầu bà, chầu cô, chầu cậu. Trong tín ngưỡng dân gian, người ta thường tôn danh ông là Đức thánh Ông Trần triều hay ngắn gọn hơn là Đức Ông Trần triều.

     – Một số hoạt động khác trong hội: Trong thời gian diễn ra lễ hội tại di tích thường tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, như: múa rồng, lân, sư tử. Đội múa nòng cốt là người làng Tức Mặc, tích cực luyện tập, phục vụ lễ nghi và biểu diễn tại đền Trần, chùa Phổ Minh vào các ngày mùng 1, 10, 15, 17, 18, 20 tháng Tám. Đan xen trong lễ hội là các hoạt động biểu diễn múa rối nước tại hồ trước sân đền Thiên Trường, thi đấu vật, biểu diễn võ thuật truyền thống, chọi gà, thi đấu cờ người…

     Giá trị của Lễ hội đền Trần Nam Định

     Lễ hội đền Trần Nam Định, bao gồm lễ hội đầu xuân và lễ hội thu (tháng Tám) có lịch sử từ lâu đời, để tưởng niệm đến nguồn gốc thủy tổ, các vị vua triều Trần và anh hùng dân tộc Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đây là lễ hội thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân đối với những vị vua anh minh, những vị tướng tài ba, anh hùng dân tộc có công với dân, với nước. Đồng thời, thông qua lễ hội khơi dậy niềm tự hào về hào khí Đông A của quân dân Đại Việt ba lần đại thắng quân Nguyên – Mông xâm lược. Những bài học về tinh thần đoàn kết, về kế sách giữ nước, dựng nước của quân dân nhà Trần đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của dân tộc: “vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức”, “khoan thứ sức dân là kế sâu bền gốc rễ” sẽ còn mãi là những bài học quý báu của dân tộc ta trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Vì vậy, thông qua các hoạt động trong hội, đã khích lệ tinh thần đoàn kết, tình yêu thương gắn bó các thành viên trong cộng đồng để cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

     Về dự lễ hội đền Trần, các du khách còn được tìm hiểu về lịch sử truyền thống vương triều, đặc biệt là Hành cung Thiên Trường, với các cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa, những điền trang, thái ấp của các vương tôn quý tộc, có vị thế như kinh đô thứ hai của quốc gia Đại Việt (sau kinh thành Thăng Long) vào thế kỷ XIII – XIV. Đồng thời, tìm hiểu về cách trị quốc an dân, những định hướng tư tưởng chính trị, quân sự, các chính sách quan trọng về đào tạo, trọng dụng nhân tài, chính sách trọng nông, khai hoang lấn biển… Đó cũng chính là những bài học, kinh nghiệm hữu ích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

     Lễ hội đền Trần đã được nhân dân làng Tức Mặc cố hương nhà Trần và cộng đồng sáng tạo, duy trì, bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ. Mặc dù, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có nhiều lúc đã bị gián đoạn do chiến tranh, nhưng đến nay, Lễ hội đền Trần Nam Định vẫn được duy trì và có sức lan tỏa, phát triển và trở thành một lễ hội lớn, mang tính vùng miền, quốc gia; là di sản văn hóa phi vật thể đã và đang tồn tại trong đời sống xã hội hiện nay.

     Lễ hội đền Trần Nam Định còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, tôn vinh những thành tựu võ công, văn trị của vương triều Trần, đặc biệt là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, được dân tộc Việt tôn vinh làm Cửu Thiên Vũ đế, là Đức thánh Cha trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam (Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ). Thông qua lễ hội thể hiện tư tưởng tình cảm của nhân dân, cộng đồng đối với những người có công với dân với nước, người anh hùng dân tộc. Đó chính là truyền thống “uống nước nhớ nguồn” mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

     Lễ hội đền Trần Nam Định với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo, như khai ấn, rước nước, tế cá, rước kiệu, chầu văn/hầu đồng… phản ánh những phong tục, tập quán, tư tưởng tình cảm của cư dân nông nghiệp lúa nước, nhằm tri ân những người có công với dân, với nước, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình ấm no hạnh phúc. Đến với lễ hội, mọi người không chỉ được thỏa nguyện tâm linh mà còn được thưởng ngoạn vẻ đẹp của một quần thể di tích kiến trúc lịch sử – văn hóa truyền thống vô cùng độc đáo, hấp dẫn. Cùng với đó, Lễ hội đền Trần Nam Định là một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phản ánh về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam.

     Lễ hội đền Trần Nam Định với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều thành phần xã hội, đặc biệt là các tín đồ, con nhang đệ tử của tín ngưỡng thờ Đức thánh Trần. Họ về lễ hội là về với “đất Vua”, “đất thánh”, cầu mong sự bao dung, che chở, cứu giúp trước bao nỗi lo âu của đời sống thường ngày. Đặc biệt, đối với những người có “căn làm con nhà thánh”, sau khi tham dự lễ hội, họ lấy lại sự thăng bằng, niềm tin trong cuộc sống, vượt qua những trở ngại, để hòa nhập cộng đồng, vững tin vào tương lai. Vì vậy, Lễ hội đền Trần Nam Định còn là “sợi dây” gắn kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau. Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc giúp con người hướng tới những giá trị chân – thiện – mỹ.

     Lễ hội đền Trần Nam Định cùng với Lễ hội phủ Dầy (Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ) thực sự đã trở thành một sản phẩm văn hóa, du lịch mang đặc trưng tiêu biểu của tỉnh Nam Định. Với những đặc trưng và giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, Lễ hội đền Trần Nam Định đã xứng đáng được đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Khiếu Năng Tĩnh, Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược, Tư liệu Bảo tàng Nam Định.

2- Nguyễn Ôn Ngọc, Nam Định tỉnh địa dư chí mục lục, Tư liệu Bảo tàng Nam Định.

3- Hồ sơ di tích đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, năm 1976, Tư liệu Bảo tàng Nam Định.

4- Hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể Lễ hội đền Trần Nam Định, năm 2014, Tư liệu Bảo tàng Nam Định.

Nguồn: Di sản văn hóa phi vật thể, số 1 (50) – 2015

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Lễ hội đền Trần Nam Định được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Tác giả: Nguyễn Thu Hường)