Lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ (xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh)
KY YEN CEREMONY AT HIEP MY TEMPLE
(HIEP MY TAY COMMUNE, CAU NGANG DISTRICT, TRA VINH PROVINCE)
Tác giả bài viết: Học viên Cao học LÊ CHÍ QUYẾT
(Trường Đại học Trà Vinh)
TÓM TẮT
Ở Nam Bộ mỗi làng xưa đều có ngôi đình. Ngôi đình là cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân; là biểu trưng của lòng tự hào về tình yêu quê hương, đất nước. Bài viết khảo sát, nghiên cứu lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh để khảo tả, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị lễ hội đình làng ở Trà Vinh hiện nay, làm cơ sở so sánh với đình làng Nam Bộ.
Từ khóa: Kỳ yên, lễ hội, đình làng, Thành hoàng.
ABSTRACT
In Southern Vietnam, each ancient village owns a temple with religious activities of the residents. The temple is the pride of love for the country. This article is to study Ky Yen ceremony at Hiep My Temple, Hiep My Tay commune, Cau Ngang district, Tra Vinh province and find out its meaning and values in Tra Vinh now which then be used as the basis for making comparison with other Southern Vietnam temples.
Keywords: Ky yen ceremony, shrine, tutelary.
x
x x
1. Mở đầu
Đình là cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân thôn, làng. Đối với cư dân người Việt nhiều thế hệ ở Trà Vinh, đình là biểu trưng của lòng tự hào về tình yêu quê hương, đất nước; là một phần tâm hồn, máu thịt của họ suốt đời gắn bó. Nói đến đình thì không thể không đề cập đến lễ hội, đặc biệt là lễ hội Kỳ yên. Kỳ yên tức cầu an, cầu cho Quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, phong đăng hòa cốc. Nghi thức cúng tế và các lễ hội của đình làng Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, mỗi đình làng Nam Bộ là một tập hợp nhiều đối tượng phối tự khác nhau, thời gian tổ chức lễ cũng khác. Cùng một vị thần nhưng mỗi đình tổ chức ngày lễ khác nhau. Về diễn trình, mỗi lễ hội đều có những nét riêng, phù hợp với cư dân từng địa phương. Trước đây, lễ hội Kỳ yên ở đình Hiệp Mỹ và nhiều đình khác được tổ chức rất long trọng, gồm nhiều nghi lễ: khai môn thượng kỳ, mộc dục, túc yết, đoàn cả, tiền hiền, thỉnh sắc, xây chầu đại bội… Hiện nay, lễ hội đã được giản lược đi rất nhiều.
2. Nội dung
2.1. Khái quát về người Việt ở Trà Vinh và tín ngưỡng Thành Hoàng Bổn Cảnh
Tỉnh Trà Vinh nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tiếp giáp với biển Đông thuộc miền Tây Nam Bộ, có dân số trên một triệu người, trong đó người Việt chiếm đa số. Người Việt ở Trà Vinh nói riêng Nam Bộ nói chung là người Việt ở miền Bắc, miền Trung thiên di đến khai phá, lập nghiệp. Theo các tài liệu lịch sử và tư liệu điền dã, “đầu thế kỷ thứ XVII, vùng đất Nam Bộ (địa danh chung của miền đất phương Nam, từ Đồng Nai – Gia Định trở vào) đã có chủ nhân là một cộng đồng dân cư đa tộc (Việt, Khmer, Hoa…)” (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cầu Ngang, tr.21). “Lưu dân người Việt đến khai phá vùng đất mới, phần đông là nông dân nghèo và thợ thủ công bị phá sản, một số đàn ông trốn binh dịch có cả những thầy lang, thầy đồ bị bần cùng hóa và những tù nhân bị lưu đày…” (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cầu Ngang 2004, tr. 22). Tuy nhiên, do Trà Vinh có địa bàn ven biển thường xuyên bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, nhiều muỗi, thú dữ, lại bị chia cắt bởi hệ thống sông rạch nên ít thu hút được nhiều bàn chân khai phá. Vì vậy, đến đầu thế kỷ XVIII, ở những vùng nước ngọt quanh năm như Biên Hoà, Gia Định, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên… đã được khai phá thành khoảnh, hình thành “miệt vườn”. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm và thiết lập ách cai trị các tỉnh Nam kỳ, nhiều cuộc khởi binh nổi lên chống lại bọn xâm lược phương Tây dưới ngọn cờ của Trương Định, Thủ Khoa Huân, Nguyễn Trung Trực… Khi các phong trào yêu nước này thất bại, để tránh sự khủng bố của thực dân, nhiều sĩ phu, thuộc tướng, nghĩa quân tìm đường lánh nạn. Tiếp đó là phong trào “tỵ địa”, nhiều gia đình đã bỏ cả gia sản rời khỏi nơi mà thực dân Pháp chiếm đóng. Lúc này, địa bàn Trà Vinh với những lợi thế của vùng ven biển, nhiều rừng rậm đã thu hút những lớp lưu dân xuất thân từ các sĩ phu, thuộc tướng, nghĩa quân, nghĩa dân.
Theo kết quả thống kê, cuối năm 2014 Người Việt ở Trà Vinh hiện nay có hơn 600.000, sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, khoảng 80% dân số sống ở nông thôn, 65% lao động sản xuất nông nghiệp; ngoài ra, có một bộ phận người Việt nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản và sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ,… Ngoài người Việt chiếm tỷ lệ dân số nhiều nhất hơn 68%, người Khmer đứng thứ hai chiếm 30% dân số, còn lại là người Hoa và một ít dân tộc khác như người Chăm, người Ấn,…
Tín ngưỡng Bổn Cảnh Thành Hoàng: Người Việt ở Trà Vinh đa tín ngưỡng. Tuy nhiên thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng từ lâu đã trở thành một tín ngưỡng phổ biến, sâu rộng. Theo quan niệm dân gian, Thành Hoàng là vị thần cai quản toàn thể thôn xã, che chở, phù hộ dân làng. Dân làng đối với Thành Hoàng rất tôn kính và tin tưởng: “không có Thành Hoàng làng bất an”. Tín ngưỡng Thành Hoàng không dựa trên một triết lý sáng thế và cứu thế, không nhằm cứu cánh về cái chết mà cầu mong thần phù hộ an cư lạc nghiệp, bình yên mạnh khỏe, có ý nghĩa là cầu mong sự vươn lên trong cuộc sống. Thành Hoàng được tôn thờ mang tính chất chung là phúc thần. Khi nhà nước phong kiến muốn chế ngự thần quyền ở làng xã đặt ra lễ sắc phong cho thần.
Tín ngưỡng Thành Hoàng có nguồn gốc từ Trung Hoa. Thời nhà Chu thế kỷ thứ V trước công nguyên, mỗi đơn vị có thành và hào bao bọc, họ thờ thần Thành và thần Hào, gọi chung là thần Thành Hào. Hào có nước gọi là trì, hào không có nước gọi là hoàng. Ở Việt Nam “danh hiệu Thành Hoàng xuất hiện đầu tiên ở nước ta vào năm 826” (Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường 2006, tr 13). Đến thời Lý – Trần, cùng với việc lập đàn Nam Giao tế trời, đàn Xã Tắc tế đất, ở kinh đô còn lập miếu thờ thần gọi là Đô Thành Hoàng. Cuối thời Lê sang thời Nguyễn, ở các tỉnh lỵ lập đàn Sơn Xuyên thờ thần núi sông, lập miếu Thành Hoàng thờ Thành Hoàng của tỉnh. Các tỉnh lỵ của thời Nguyễn thường được xây thành lập miếu Hội Đồng thờ thần Bản Cảnh của tỉnh. Các vị thần này đều mang tính chất là phúc thần, thần hộ mệnh với ý nghĩa “hộ quốc tí dân” (hộ nước giúp dân).
Người Việt vào Nam Bộ khai phá, tụ cư trong hoạt động tín ngưỡng của mình đã thờ tự Thành Hoàng ở đình làng để làm đấng bảo hộ cho làng xã và cũng được triều đình sắc phong.
Tòng tự theo Bổn Cảnh Thành Hoàng là Tả ban, Hữu ban. Ngoài ra, trong đình còn phối tự nhiều thần linh khác như: Thần Nông, Ông Hổ, Thổ Địa, Tiền hiền, Hậu hiền… Ngoài các nhiên thần, đình ở Trà Vinh còn phối tự nhân thần là những nhân vật lịch sử như Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa, Trần Văn Đề, Trần Trung Tiên, Trần Hữu Điều, Huỳnh Hữu Quan, Nguyễn Văn Thành, Lê Tấn Sĩ… Trong đó, ở một số ngôi đình các nhân vật lịch sử trở thành chính thần.
Theo kết quả kiểm kê năm 2006 của Bào tàng Tổng hợp Trà Vinh, ở Trà Vinh hiện nay có 78 ngôi đình, trong đó các ngôi đình còn lưu giữ được 21 sắc thần gồm: 01 sắc Thiệu Trị ngũ niên, 11 sắc Tự Đức ngũ niên, 02 sắc Tự Đức bát niên, 06 sắc Khải Định nhị niên, 01 sắc Khải Định cửu niên. Trong 21 lá sắc trên có 19 sắc phong cho nhiên thần, 02 sắc phong cho nhân thần.
2.2. Khái quát về đình Hiệp Mỹ
Xã Hiệp Mỹ (hiện nay là xã Hiệp Mỹ Đông và Hiệp Mỹ Tây) nằm cách huyện lỵ Cầu Ngang khoảng 10km về hướng Đông Nam, cách Thành phố Trà Vinh khoảng 32km về hướng Đông.
Hiệp Mỹ là vùng đất mới bởi lượng phù sa bồi đắp hình thành nên. Từ khi hình thành, vùng đất này đã có nhiều lớp người (hầu hết là người Việt) đến đây khai hoang lập nghiệp, trong đó nhiều nhất là cư dân vùng Gò Công (Tiền Giang), Chợ Lách, Mỏ Cày (Bến Tre). Ngoài làm ruộng nước, người Việt còn khai thác thủy hải sản bằng nghề chài lưới, trồng hoa màu trên những giồng cát và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Địa bàn Hiệp Mỹ dưới thời Minh Mạng thuộc huyện Trà Vinh, phủ Lạc Hóa. Đến cuối thế kỷ XIX vùng đất này gồm có ba làng: Mỹ Quý, Thành Đức và Mỹ Đức thuộc tổng Bình Trị Hạ. Dân số Bình Trị Hạ lúc này là 3.386 người. “Làng Mỹ Quý có 766 người bao gồm 2 ấp Bàu Bèo và Giồng Dài. Làng Thành Đức có 1.835 người bao gồm 2 ấp Ô Lắc và Lồ Ồ. Làng Mỹ Đức có khoảng 766 người bao gồm ấp Cái Già”, “đến khoảng năm năm 1937- 1938 hai làng Mỹ Quý và Thành Đức sáp nhập lại thành làng Hiệp Mỹ thuộc tổng Bình Hạ cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945” (Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cầu Ngang 2004, tr.11-12). Hiện tại, Hiệp Mỹ (Hiệp Mỹ Đông và Hiệp Mỹ Tây) có 15 ấp, dân số là 13.909 người.
Đình Hiệp Mỹ tọa lạc tại ấp Chợ, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Hiện tại, chưa tìm được tư liệu xác định chính xác ngôi đình được xây cất ngày tháng năm nào. Tuy nhiên, theo các vị cao niên ở đây kể lại thì đình Hiệp Mỹ được tạo dựng vào thập niên 20, 30 thế kỷ XIX sau một thời gian khai hoang cư dân an cư lạc nghiệp và lập làng Thành Đức. Hiện nay, Ban Quý tế đình còn lưu giữ một sắc phong có niên đại Tự Đức ngũ niên. Nội dung sắc phong như sau:
Phiên âm:
Sắc Bổn Cảnh Thành Hoàng chi thần, nguyên tặng Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện chi thần, hộ quốc tí dân nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng, cảnh mệnh miễn niệm thần hưu khả gia tặng Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần. Nhưng chuẩn Trà Vinh huyện, Thành Đức thôn y cựu phụng sự.
Thần kỳ tương hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Tự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật.
(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)
Dịch nghĩa:
Sắc cho Bổn Cảnh Thành Hoàng chi thần, nguyên tặng Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện chi thần, giúp nước che dân linh ứng rõ rệt đã lâu. Nay, Trẫm lạm ôm mạng trời, liên miên nghĩ đến sự tốt đẹp của thần, nên gia tặng Quảng Hậu Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần. Chuẩn cho thôn Thành Đức, huyện Trà Vinh thờ y như cũ.
Thần hãy giúp đỡ, bảo vệ dân đen của ta. Kính vậy!
Ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ năm (1852)
(Ấn: Sắc mệnh chi bảo)
Qua sắc thần này, chúng ta có thể khẳng định đình Hiệp Mỹ (đình Thành Đức) được tạo dựng vào đời Minh Mạng là phù hợp bởi giai đoạn này nhiều đình ở Nam Bộ được xây dựng và đến năm 1852 thì được triều đình sắc phong.
Khi mới xây dựng ngôi đình đơn sơ bằng cây lá. Qua thời gian cùng chiến tranh, ngôi đình bị hư hỏng và được sửa chữa nhiều lần. Lần trùng tu gần đây nhất là năm 1999 xây dựng lại nhà võ ca, năm 2000 xây dựng chánh tẩm.
Đình Hiệp Mỹ được xây dựng lại hiện nay có kiến trúc chuẩn như nhiều đình làng Nam Bộ trước đây. Cổng đình xây dựng bằng xi măng cốt thép với một cửa ra vào, bên trên có mái che lợp ngói.
Bước vào cổng là khoảnh sân khá rộng. Ngay giữa sân là bệ thờ Thần Nông, còn gọi là Ngũ Cốc Tiên Đế. Đây là vị thần mà theo truyền thuyết đã dạy dân nghề làm ruộng, chế ra cày bừa và là người đầu tiên làm lễ Tịch điền (còn gọi là lễ Thượng điền, tổ chức sau khi gặt hái, thu hoạch mùa màng và Hạ điền tổ chức trước khi gieo trồng).
Từ ngoài vào, bên phải sân là miếu thờ Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần cùng Thủ Từ. Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần là 05 vị thần cai quản 5 năm hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương cùng 5 vị thần long mạch Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Chủ, Thổ Phủ và Thổ Kỳ. Thủ Từ là những người ở thường trực tại đình để chăm lo hương khói, quét dọn cho đình. Bên trái thờ Ông Hổ. Nam Bộ là vùng đất mới khai phá, nơi các tiền nhân từ buổi đầu không chỉ đối mặt với rừng rậm hoang vu mà còn đối mặt với nhiều thú dữ. Trong các loại thú dữ ở xứ sở này thì hổ (cọp) là con vật nguy hiểm nhất đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong tâm thức của người dân. Chính vì vậy, khi đặt chân đến vùng đất mới những lưu dân không thể không tôn sùng những lực cản mới, hầu mong tìm sự cân bằng trong đời sống tâm linh. Đó là lý do xuất hiện rất nhiều đình miếu ở Nam Bộ nói chung và đình Hiệp Mỹ nói riêng thờ hổ, vẽ hình hổ trên tấm bình phong, đắp tượng hổ để thờ… Đặc biệt, nhiều nơi, trong ngày lễ cúng đình, ngoài việc cúng tế Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ… người ta cũng cúng tế Ông Hổ. Ngoài ra, thần Hổ cũng mang ý nghĩa phong thuỷ, “Hữu Bạch Hổ củng cố chi thần”.
Qua khoảnh sân thì đến nhà võ ca. Nhà võ ca được tu sửa lại vào năm 1999, cột xi măng cốt thép, mái ngói, nền lát gạch hoa. Trên hai hàng cột giữa được trang trí các câu liễn đối bằng chữ Hán. Kế tiếp võ ca là võ quy. Vật liệu xây dựng võ quy giống như võ ca. Trên cột của võ quy có các câu đối chữ Việt.
Nối liền võ quy là chánh tẩm. Chánh tẩm cũng được xây dựng lại vào năm 2000. Chánh tẩm đình Hiệp Mỹ theo kiểu tứ trụ cột xi măng cốt thép, mái ngói, vách tường gạch, nền lát gạch hoa được bố trí thờ tự như sau:
Gian giữa từ ngoài vào có bệ tế thần, bàn thờ Hội đồng và trong cùng là bàn thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Khánh thờ, án thờ Thành Hoàng bằng gỗ sơn son thếp vàng. Án thờ là chữ Thần bằng Hán tự. Thần Thành Hoàng trước đây là chính thần của đình Hiệp Mỹ, nhưng những năm cuối thế kỷ XIX thì Ban Hội đình đã đưa nhân thần Lê Tấn Sĩ vào phối tự. Đây là một nhân vật lịch sử, theo lời truyền kể của cư dân trong vùng thì ông là một nghĩa binh yêu nước đã đứng lên chống Pháp ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp đặt chân lên đất Trà Vinh. Nghĩa quân của ông bị vây ráp trong một rừng lá nhỏ tại ấp Lồ Ồ, xã Hiệp Mỹ cách đình khoảng 1.000m. Trong một trận đánh ông bị trọng thương, thực dân Pháp kêu gọi ông đầu hàng nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và hy sinh trong tư thế đứng thẳng hiên ngang. Để ghi nhớ tấm gương oanh liệt của ông, bà con ở địa phương đã đưa ông vào thờ tự trong đình. Nơi ông hy sinh gọi là Đục Ông Thần.
Trước bàn thờ Thành Hoàng có cặp quy hạc là con thú linh đứng hàng thứ ba trong tứ linh: long (rồng), lân (kỳ lân), quy (rùa), phượng (chim phượng – phượng hoàng). Quy hạc là hai con vật biểu trưng cho sự sống lâu. Câu chúc tụng thường gặp của biểu trưng quy hạc là “quy trù hạc toán” có nghĩa là “thọ ngang với quy và hạc”. Tuy nhiên, hạc ở đây lại đứng trên lưng quy, là hình tượng biểu trưng cho tổng hợp thể không gian thời gian “vũ trụ”. Bốn phương và trên dưới là vũ, xưa qua nay là trụ. Nói cách khác “quy – hạc” biểu trưng cho sự trường tồn bền vững và vĩnh cửu. Hai bên quy hạc còn có dàn lỗ bộ gồm: đao, chùy, gươm, mâu, búa, côn, thiết lĩnh, đinh ba là những binh khí để trang trí nhằm tăng thêm tính uy nghiêm.
Gian trái nội thất chánh tẩm có bàn thờ Tả ban, gian phải thờ Hữu ban được xem là những binh gia văn võ đứng hai bên hộ vệ Thành Hoàng. Ngoài ra, ở gian phải còn có bàn thờ Tiên sư là người gây dựng nên nghề nghiệp, bàn thờ Đông hiến là những binh gia trấn giữ phía Đông. Gian trái có bàn thờ Sơn Quân Thần Nữ là thần Cả Cọp cái, Tây hiến là những binh gia trấn giữ phía Tây.
Phía sau vách chánh tẩm có bàn thờ Tiền hiền là những người có công khai cơ lập nghiệp, bàn thờ Tiền chức những vị chức sắc có công với ngôi đình đã qua đời, bàn thờ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
2.3 Lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ
Lễ hội Kỳ yên có nguồn gốc trong thờ lễ thần từ lâu đã có chung ở người Việt. Kỳ yên tức Cầu an, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho phong điều vũ thuận, mùa màng tốt tươi sinh sôi nảy nở. Ở miền Bắc xưa kia xuân qua hè đến nóng bức dịch bệnh thường xảy ra làm bất an làng xóm. Do đó ở các đình miếu, ở các điểm trong làng người ta tiến hành làm lễ Cầu an còn gọi là lễ Tống ôn, lễ Cầu mát. Dân làng bày cúng cháo lá đa, rải gạo muối thí thực để tống tiễn các ôn dịch.
Đến khi người Việt di dân vào Nam khẩn hoang lập làng phải đương đầu với thiên nhiên nhiều bất trắc “dưới sông sấu lội trên rừng cọp um” dễ dàng cướp đi sinh mạng. Theo tác giả Trần Dũng và Đặng Tấn Đức: “trên bước đường di dân mở cõi phương Nam, một trong những tín ngưỡng mang tính cội nguồn mà cư dân người Việt Trà Vinh mang theo từ châu thổ sông Hồng vào vùng đất mới chính là tín ngưỡng thờ Thành Hoàng” (Trần Dũng, Đặng Tấn Đức 2012, tr.27). Vì vậy, khi có ngôi đình để cúng kiếng, họ khát khao cầu an và đặt tất cả niềm tin của mình vào vị thần của đình làng là thần Thành Hoàng. Từ đó, ở Nam Bộ lễ Kỳ yên trở thành đại lễ – lễ vía thần thường gắn với ý nghĩa nông nghiệp là lễ Hạ điền hoặc lễ Thượng điền. Do lễ Hạ điền và Thượng điền là lễ biến đổi từ tập tục tế xuân (đầu mùa mưa xuống đồng khai trương việc cày cấy) và tế thu (cuối mùa mưa lúc mùa màng có kết quả) gọi chung là xuân thu nhị kỳ, nên có thể nói mục đích tín ngưỡng của hai lễ này về cơ bản giống như lễ Kỳ yên. Vì vậy, dân gian có câu: “Tam niên đáo lệ Kỳ yên”.
Lễ hội Kỳ yên ở các đình Nam Bộ nói chung và Trà Vinh nói riêng không thống nhất ngày tháng, thường diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch nhưng tập trung nhiều vào tháng ba.
Trong năm đình Hiệp Mỹ tổ chức các lễ hội như Lễ Khai sơn (hạ nêu) 7/1 âm lịch; lễ Kỳ yên 15, 16/2 âm lịch; lễ Hạ điền ngày 5/5 âm lịch còn gọi là lễ cúng Thần Nông; lễ Thượng điền ngày 15,16/10 âm lịch.
Lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ là cổ lệ đại lễ có từ xa xưa được tổ chức hằng năm nhằm mục đích cầu an cư lạc nghiệp, bình yên mạnh khỏe, ăn nên làm ra. Lễ hội trước đây được tổ chức rất hoành tráng với nhiều nghi thức như khai môn thượng kỳ, mộc dục, khai sắc, túc yết, chánh tế, xây chầu đại bội…
Tuy nhiên, hiện nay lễ hội đã giản lược đi rất nhiều còn các nghi thức như:
– Khai môn thượng kỳ và mộc dục: sáng ngày 15/2 âm lịch, Ban hội tập trung về đình tiến hành treo băng cờ khẩu hiệu, dọn dẹp, lau chùi kiệu, bàn thờ, khánh thờ, án thờ và chưng chế trên các bàn thờ. Công việc này tương đồng như lễ khai môn thượng kỳ và lễ mộc dục trước đây nhưng hiện nay không có nghi lễ. Ngoài ra, nhiều công việc khác được thực hiện những ngày trước đó để chuẩn bị cho ngày đại lễ.
– Nghi thỉnh sắc: 13 giờ ngày 15/2, Ban hội lại tập trung tiến hành nghi thỉnh sắc. Mở đầu nghi lễ đội lân múa mở màn từ ngoài võ ca vào trước bàn thờ Thần. Sau đó, vị hội trưởng cùng Ban Quý tế và đội lễ sinh (học trò lễ) thắp hương làm lễ yết kiến với Thành Hoàng để khai hội. Lễ này gần như lễ túc yết trước đây.
Làm lễ xong thì diễu hành đi thỉnh sắc. Đi đầu đoàn thỉnh sắc là đội lân, kế đến là trống nhạc, đội binh khí (lỗ bộ) rồi những người trong ban hội. Tiếp theo là lộng, kiệu sau cùng là bà con dân chúng. Đoàn khởi hành từ đình vòng qua chợ Hiệp Mỹ đến nhà ông Trần Bá Du cách đình khoảng 500m là gia đình có nhiều đời làm trong Ban Quý tế đình và cất giữ sắc thần. Tại đây, vị chủ đình cùng Ban Quý tế tiến hành làm lễ theo hiệu lệnh của lễ xướng (cặp thài), có cả dàn nhạc lễ tham gia. Làm lễ xong thì trang trọng thỉnh sắc thần cùng một lư hương đưa vào kiệu rồi quay về đình. Suốt trên đường đi và về tiếng trống, tiếng nhạc rộn rã vang động khắp các nẻo đường.
Về đến đình lễ xướng tiếp tục điều khiển để Ban Hội đình làm lễ dâng hương khấn nguyện trình Thần và trịnh trọng đưa lư hương đặt lên bàn thờ. Riêng sắc thần thì đưa lên bàn thờ Hội đồng rồi mở hợp khai sắc và khán sắc. Khán sắc xong thì thu hồi như cũ và đưa sắc đặt sau lư hương trước án Thần. Lễ thỉnh sắc đến đây kết thúc, lễ hội Kỳ yên xem như chính thức bắt đầu.
Tham gia nghi thỉnh sắc và các nghi lễ khác có dàn nhạc lễ. Nhạc lễ được chia theo bát âm, ngũ hành. Bát âm là tám màu âm thanh bao gồm: âm kim (đồng la, thanh đạo, bạc đẩu), âm ty (đàn cò, đàn gáo), âm bào (kèn trung mộc, tiểu mộc, kèn thau), âm thổ (trống bồng), âm cách (trống cái, trống cơm), âm mộc (bộ gõ sừng trâu), âm trúc (song lang), âm trạch (mõ đá).
Ngũ hành là cách phân chia theo hệ thống triết lý âm dương gồm: kim (bạc đẩu, kèn thau), mộc (mõ sừng trâu, trống cơm, cặp sanh), thuỷ (kèn trung mộc, tiểu mộc), hoả (đàn cò, đàn gáo), thổ (trống bồng).
Trong cúng đình, nhạc lễ thực hiện các bài bản sau:
Khởi cổ lệnh: ba hồi trống cất lên báo hiệu lễ thức bắt đầu.
Khai thái bình: ba hồi mõ tượng trưng cho sự thái bình.
Khởi minh chinh: ba hồi chiêng báo hiệu các linh thần tề tựu phối hưởng.
Khởi đại cổ: ba hồi trống chầu tăng dần số tiếng từ hồi nhất đến hồi ba, thể hiện trước khó khăn sau thuận lợi.
Nhạc sinh tựu vị, nhạc sinh tác nhạc: các nhạc công được lệnh vào vị trí, diễn tấu bài bản phục vụ các nghi thức cúng tế, chủ yếu là bài Nghinh thiên tiếp giá.
Nhạc lễ ở Trà Vinh rất phổ biến, tuy nhiên thường gọn nhẹ không đủ nhạc cụ của một dàn nhạc lễ cổ truyền. Nhiều dàn nhạc sử dụng nhạc cụ hiện đại như đàn ghi ta điện và phần lớn ban nhạc lễ gắn với nhạc lễ đạo Cao Đài. Tham gia lễ Kỳ yên đình Hiệp Mỹ năm 2015 dàn nhạc lễ gồm: 01 trống cái, 02 trống chiến, 01 kèn trung, 01 đàn cò, 01 đẩu, 01 bạc, 01 mõ, 01 tung, 01 song lang và 01 ghi ta.
– Nghi Thỉnh sanh: 16 giờ, Ban Hội đình còn làm nghi thức thỉnh sanh là giết một con vật sống để tế thần. Vật tế Thần trong lễ Kỳ yên đình Hiệp Mỹ là heo (trước đây là heo đực). Theo quan niệm xưa, tiếng kêu của con vật là thay lời của bá tánh kêu cầu thần linh giáng phúc cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Heo được tắm rửa sạch sẽ và đem ra trước sân đình để “khai đao”. Họ lấy một ít huyết và lông heo cho vào trong một cái chén chuẩn bị cho nghi lễ tiếp theo. Sau khi con vật chết hẳn thì đem xuống nhà bếp cạo lông làm sạch lấy ngũ tạng ra để nguyên con mang lên chuẩn bị cho nghi tế thần.
– Nghi Tiền chức và chiến sĩ: 17 giờ cùng ngày, Ban Quý tế tiến hành nghi tế Tiền chức và chiến sĩ. Lễ này được tổ chức ở bàn thờ Tiền chức và chiến sĩ có lễ sinh và dàn nhạc tham gia thực hiện. Lễ phẩm dâng cúng có xôi, trái cây và các đồ ăn thường nhật khác. Vào lễ Ban Quý tế tề tựu trước bàn thờ thực hiện nghi thức dâng lễ vật theo lời xướng của cặp thài, đồng thời ban lễ tấu văn tế Tiền chức và chiến sĩ.
Dâng trà rượu và tấu chúc văn xong thì tiến hành hóa chúc cùng một ít vàng mã. Nghi tế Tiền chức, chiến sĩ kết thúc. Mục đích nghi lễ này là tạ ơn các Tiền chức, chiến sĩ năm qua đã phò hộ cho dân làng mạnh khỏe, ăn nên làm ra.
– Nghi cúng Thần của bá tánh: Tiếp sau nghi tế Tiền chức và chiến sĩ là nghi cúng Thần của bá tánh. Nghi này do vị Hội trưởng thay mặt Ban Hội đình chủ trì diễn ra trước bàn thờ Hội đồng. Bá tánh ai dâng cúng vật gì thì tập trung lại rồi bày biện trước bàn thờ Hội đồng. Thường lễ phẩm ở đây là xôi, heo quay, heo, bánh trái… tùy theo lòng thành và điều kiện kinh tế của mỗi người. Khoảng 18 giờ, bá tánh tề tựu tại võ quy, vị chủ đình thắp hương làm lễ khấn nguyện cầu mong cho bá tánh bình yên, ấm no. Cúng xong, vật cúng của các gia chủ có thể mang về nhà hoặc để lại cho đình đãi khách tùy tấm lòng của mỗi người, nhưng thường thì họ đem một phần lễ vật về nhà.
Ngay sau nghi thức cúng Thần của bá tánh là chương trình văn nghệ. Chương trình văn nghệ trước đây là hát Bội, diễn ra sau lễ xây chầu (sau 0 giờ). Hiện nay, Trà Vinh không còn đoàn hát Bội nào, cho nên trong lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ cũng không có hát Bội, thay vào đó là biểu diễn Tài tử – Cải lương. Chương trình văn nghệ cũng không bắt buộc thời gian, không sân khấu, không phông màn, không hóa trang… Người biểu diễn và người thưởng thức tập trung tại võ ca chơi theo ngẫu hứng, tự nguyện. Họ say mê hát cho đến khi vào lễ chánh tế thì dừng lại để vào lễ.
– Nghi chánh tế: Nghi chánh tế diễn ra vào lúc 22 giờ, trước đây vào lúc 0 giờ. Trước khi vào lễ, Ban Quý tế bày các lễ vật, lễ phẩm lên các bàn thờ như sau:
– Bàn thờ Thần: 02 bình hoa, 01 đĩa trái cây, 09 cái ly, 01 tô nước lã.
– Bàn thờ Hội đồng: 01 mâm xôi, 01 mâm trái cây, 03 cái ly, trà, rượu.
– Bàn chấp sự nội (bàn nội nghi): bàn nội nghi được đặt trước bàn Hội đồng ở gian giữa trong chánh tẩm có các lễ phẩm, lễ vật như: 01 mâm xôi, 01 mâm trái cây, 01 chai rượu, 01 bình trà, 01 lọ hoa, 01 bát hương, 04 cây đèn cầy và 03 cái ly.
Phía trước bàn thờ Hội đồng đặt một con heo trắng nằm úp, đầu quay vào trong, miệng ngậm cặp nến, trên lưng có vẽ vết son từ đỉnh đầu đến đuôi heo. Hai bên heo trắng còn có 03 mâm lễ vật khác là mâm ế mao huyết gồm chén huyết và lông heo cùng 01 tấm thớt, 01 con dao. 02 mâm đầu heo luộc cùng 01 chén muối.
– Bàn chấp sự ngoại (bàn ngoại nghi): bàn ngoại nghi được xếp đặt ở gian giữa nhà võ ca đối diện với bàn thờ Thần có các lễ phẩm, lễ vật sau: 01 đĩa trái cây, 01 đĩa bánh, 01 chai rượu, 01 bình trà, 01 lọ hoa, 01 bát hương, 04 cây đèn cầy và 06 chén chung. Ngoài ra, ở dưới đất góc bên trái của nhà võ ca, Ban Quý tế còn trải chiếu xếp đặt các phẩm vật cúng cô hồn gồm có: 06 cái ly, 06 cây đèn cầy, 01 bình hoa, 01 lư hương, 01 đĩa vàng mã, 01 tô muối, 01 tô gạo, 01 đầu heo luộc cùng dao thớt, 01 mâm xôi, 01 mâm trái cây, 01 thúng bún, 01 đĩa thịt heo luộc nguyên miếng, 17 đĩa thịt heo luộc xắc nhỏ có để thêm trong đĩa một ít muối, 17 đĩa bánh bò, 01 chai rượu, 01 bình trà, 35 bộ (chén, đũa, ly).
– Bệ thờ Thần Nông: Ở bệ thờ Thần Nông bày cúng 01 mâm xôi, 01 mâm bún, 01 mâm trái cây, 01 mâm đầu heo luộc, 01 đĩa thịt heo luộc, 01 chén muối, 01 chén gạo, 01 chai rượu, 01 bình trà, 01 lư hương, 02 cây đèn cây cầy và 06 bộ (chén, đũa, ly).
– Miếu Ngũ phương và ông Hổ: tại đây mỗi nơi cũng bày cúng 01 đĩa bánh bò, 01 đĩa thịt luộc, 01 cặp đèn cầy cùng 03 cái ly.
Vào lễ, đội lỗ bộ triển khai hai hàng dọc trang nghiêm ở gian Tả ban và Hữu ban mỗi hàng 08 người. Tiếp theo đội lân múa chúc tụng. Từ ngoài võ ca đội lân múa và tiến vào chánh tẩm vòng qua bàn thờ Thần rồi trở ra võ ca theo chiều từ phải qua trái (ngược chiều kim đồng hồ). Múa đủ 03 vòng đội lân dừng lại, nhạc lễ trỗi lên, Ban Quý tế cùng các lễ sinh tựu vị trước bàn ngoại nghi. Ban Quý tế mặc áo dài khăn đóng gồm: Hội trưởng áo màu vàng khăn vàng, hội phó áo đen khăn đen, chánh tế áo đen khăn đen, chánh bái và bồi bái áo xanh khăn đen. Lễ sinh có 06 người đều là nam gồm: 01 cặp xướng (cặp thài) mặt áo xanh dương đội mão, 01 cặp đăng, 01 cặp hương mặt áo xanh xám sọc đỏ. Xong đoạn nhạc, hương lễ dẫn lễ sinh tiến vào bàn thờ Thần lần lượt thắp hương và hầu lễ. Riêng lễ sinh quay trở lại bàn ngoại nghi thực hiện nghi tế Thần.
Trống nhạc lại nổi lên, các lễ sinh và Ban Quý tế lần lượt tiến hành dâng tuần hương theo lời xướng của cặp thài. Trong tiếng trống, tiếng nhạc rập rìng lễ sinh chân vẽ chữ “tâm” hoặc đi bụa thực hiện nghi thức từ bàn ngoại nghi đến bàn nội nghi. Trước khi hiến lễ phải xây tứ tượng hoán vị ở bốn hướng, dứt nhịp với bài thài ở bước cuối cùng rồi trao lễ phẩm cho chánh bái và bồi bái dâng lên bàn thờ.
Xong tuần hương tiến hành dâng ế mao huyết cho vị chánh bái và bồi bái ngửi, nhằm chứng minh là vật cúng tế thanh khiết. Nghi ế mao huyết kết thúc, đội lỗ bộ di chuyển chéo nhau từ trong chánh tẩm ra bàn ngoại nghi. Đi hai vòng thì dừng lại ở võ ca theo hai hàng dọc.
Tiếp theo cặp thài tiếp tục xướng và dàn nhạc đệm theo để vị chánh bái và bồi bái thực hiện nghi thức quán tẩy (rửa mặt), các thành viên khác thực hiện nghi thức kích thác (đánh mõ), nghi thức khởi chiêng (đánh chiêng), nghi thức khởi cổ (đánh trống), nghi thức chinh cổ tề minh (đánh chiêng và trống).
Tiếp theo thực hiện nghi thức dâng 03 tuần rượu. Dâng xong tuần rượu thứ nhất thì tiến hành tấu chúc văn (sớ). Sớ viết bằng mực Tàu màu đen trên giấy hồng đơn, chữ quốc ngữ.
Tấu chúc văn xong cặp thài xướng để tiếp tục thực hiện dâng 02 tuần rượu còn lại. Dâng xong tuần rượu, vị hội trưởng đem rượu cho vị chánh bái, bồi bái niếm, đồng thời trở vật tế là heo trắng từ nằm úp sang nằm ngửa và dùng một dao nhỏ cắm vào con heo.
Tiếp theo tuần rượu là tuần trà. Dâng trà xong thì tiến hành hóa sớ và vàng mã. Song song đó, vị Hội trưởng đem rượu lại cho vị chánh bái và bồi bái nhẫm. Hóa sớ xong thì truyền lệnh bãi hầu. Đội lỗ bộ lần lượt tiến vào chánh tẩm trả binh khí về vị trí cũ, tất cả các thành viên đồng bái, nghi chánh tế kết thúc. Chương trình văn nghệ tiếp tục sau khi kết thúc nghi chánh tế.
– Nghi hồi sắc: sáng ngày 16/2, Ban Hội đình tiếp tục tề tựu về đình để lo công việc tiếp khách đãi đằng. Đến 10 giờ thì tiến hành nghi hồi sắc. Nghi hồi sắc trình tự diễn ra cũng như nghi thỉnh sắc.
– Nghi tống khách: khi đoàn hồi sắc trở về thì tổ chức nghi Tống khách. Một mâm lễ vật được bày ra trước sân, Ban Quý tế thắp hương khấn nguyện và tạ ơn các vị thần linh đã phò trợ cho bá tánh bình an sung túc, lễ hội suôn sẻ tốt đẹp; cảm ơn tất cả quan khách và bà con dân làng đã về tham gia lễ hội, cầu mong những điều tốt đẹp ở năm sau. Lễ hội Kỳ yên kết thúc, đình Hiệp Mỹ trở lại không khí yên tĩnh thường nhật và chờ đón lễ hội năm sau.
3. Kết luận
Lễ hội Kỳ yên ở đình Hiệp Mỹ có trên 100 năm nay là lễ hội truyền thống đặc sắc còn bảo lưu nhiều nghi tiết của lễ hội Kỳ yên đình làng Nam Bộ trước đây. Lễ hội đã quy tụ đông đảo bà con tham gia một cách tự nguyện. Những cư dân di cư đến đây đã tìm cách thích nghi với điều kiện xã hội mới, làm sao vừa có thể phát huy được thế mạnh của những yếu tố văn hóa truyền thống mang theo, đồng thời thích ứng môi trường, cảnh quan mới nhằm tạo cho mình một thế bình ổn trong sự tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, lối sống, đạo đức xã hội, các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng đều là những hiện tượng đã được xã hội hóa thông qua sự chuyển giao và chia sẻ từ thế hệ này sang thế hệ khác, sự tán đồng, tiếp thu tập thể. Điều này có thể thấy rất rõ trong lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ: nguồn kinh phí tổ chức, lễ vật dâng cúng, thành phần phục vụ, thành phần tham gia tất cả đều tham dự tự nguyện tạo nên lễ hội và trở thành phong tục của địa phương, của lễ hội.
Lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ có những đặc điểm riêng gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân vùng đất Hiệp Mỹ – Cầu Ngang. Biểu hiện cụ thể tại đình Hiệp Mỹ là phối tự nhân thần Lê Tấn Sĩ một nhân vật lịch sử đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Vì vậy, vào ngày lễ Kỳ yên, mọi người đến đây ngoài việc đặt niềm tin vào các nhiên thần mà theo họ là thiêng liêng, cần phải suy tôn, tin tưởng và là điểm tựa tinh thần để có thể thỉnh cầu, bày tỏ ước muốn, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, an khang thịnh vượng thì còn thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Nhìn chung, lễ hội Kỳ yên ở đình Hiệp Mỹ là lễ hội giàu tính nhân văn, sáng tạo đã trở thành một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính truyền thống và là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của nhân dân trong vùng. Lễ hội góp phần tạo ra đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, củng cố bền vững khối đoàn kết cộng đồng dân tộc tại địa phương.
Ngày nay, trong sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sự hội nhập và cạnh tranh với các nền kinh tế trên thế giới, văn hóa truyền thống Việt Nam là nguồn nội lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển xã hội. Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ là cần thiết có ý nghĩa thiết thực trong đời sống xã hội đương đại, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cầu Ngang. 2004. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Hiệp Mỹ anh hùng (1930 – 1975).
Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh. 2006. Báo cáo kết quả kiểm kê văn hóa phi vật thể.
Chi hội Văn hóa dân gian Trà Vinh. 2000. Đình làng ở Trà Vinh.
Huỳnh, Ngọc Trảng và Trương, Ngọc Tường. 1997. Đình Nam bộ xưa và nay. Đồng Nai : NXB Đồng Nai.
Sơn, Nam. 2004. Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam. NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.
Trần, Dũng và Đặng, Tấn Đức. 2012. Diện mạo văn hóa tín ngưỡng và lễ hội dân gian Trà Vinh. NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Tỉnh ủy Trà Vinh. 1995. Lịch sử Tỉnh Trà Vinh tập 1, Lưu hành nội bộ, Trà Vinh.
Nguồn: Khoa học Xã hội & Nhân văn, số 20, tháng 12/2015, trang 42-49
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Lễ hội Kỳ yên đình Hiệp Mỹ (xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) – Tác giả: |