Lễ hội – Nét di sản văn hóa độc đáo ở Trà Vinh cần được bảo tồn

Tác giả: NGUYỄN THỊ KIM OANH
(Khoa Lý luận Mác – Lênin, Trường Sĩ quan Lục quân)

TÓM TẮT

     Trà Vinh là một trong nhiều tỉnh ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Xuất phát từ điều kiện sống mà nơi đây đã hình thành những nét văn hóa độc đáo mang đậm dấu ấn của miền Đồng bằng sông nước, trong đó phải kể đến các lễ hội. Lễ hội, thường được tổ chức hằng năm với quy mô lớn ở các địa phương trong tỉnh và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng. Bảo tồn các lễ hội này góp phần cũng cố đoàn kết cộng đồng, gìn giữ phát triển văn hóa, nghệ thuật truyền thống, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam và cộng đồng Việt – Hoa – Khmer ở tỉnh Trà Vinh đến cộng đồng quốc tế.

1. Đặt vấn đề

     Văn hóa là toàn bộ giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra được duy trì, lưu truyền và tồn tại cùng với thời gian. Lễ hội được xem là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá sự tồn tại và phát triển của một dân tộc. Đây là loại hình sinh hoạt khá đặc biệt mang tính văn hóa, tập thể, cộng đồng phản ánh về mặt tín ngưỡng và sinh hoạt của con người trong lao động cũng như trong việc tưởng nhớ về sự kiện của các dân tộc trên thế giới.

     Trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế – xã hội, các hoạt động văn hóa, lễ hội du lịch của đồng bào các dân tộc ở Trà Vinh được phát huy triệt để. Theo đó cánh cửa di sản, di tích lịch sử văn hóa cũng được mở ra, tôn vinh giá trị nền văn hóa dân tộc Việt Nam trên toàn thế giới. Dân tộc việt Nam, có rất nhiều lễ hội mang tính truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Riêng trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, với cộng đồng ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa chung sống với nhau từ bao đời, đã tạo nên tình đoàn kết gắn bó keo sơn, chung tay xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh nhà. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa truyền thống đặc sắc riêng, Trà Vinh cũng vậy, hàng năm diễn ra rất nhiều lễ hội trong đó có một số lễ hội tiêu biểu mang đậm nét đặc sắc như: Lễ hội Nguyên tiêu, Vu Lan thắng hội, Lễ hội Nghinh Ông, lễ Ok Om Bok… các lễ hội này đang trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần trong đời sống cộng đồng, là một loại thiết chế văn hóa, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa chung cho dân tộc Việt Nam. Đối với người dân Trà Vinh, lễ hội có sức lôi cuốn, hấp dẫn, trở thành nhu cầu và khát vọng cần được đáp ứng, bởi “thông qua những hình thức biểu hiện của mình, lễ hội trở thành một hiện tượng văn hóa tổng hợp làm thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh và tâm lý vật chất của con người”1.

2. Tổng quan về lễ hội ở Trà Vinh

    Có thể thấy “Lễ hội” văn hóa của các đồng bào dân tộc ở Trà Vinh là một hệ thống di sản mang nhiều giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời với nhiều nét đặc thù, độc đáo của văn hóa địa phương. Mỗi một lễ hội diễn ra đều thể hiện sự phong phú về đời sống tinh thần và nét đẹp tâm hồn của các đồng bào dân tộc Trà Vinh. Phản ánh rất thực đời sống, sinh hoạt, tâm tư tình cảm của họ. Lễ hội cũng chính là hình thức giáo dục thể hiện tư tưởng đạo đức nhân văn cao cả, giáo dục đạo lý, ý thức cố kết cộng đồng trong công cuộc xây dựng nền văn hóa của dân tộc cũng như xây dựng cuộc sống và góp phần xây dựng nền “văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trong số rất nhiều lễ hội ở Trà Vinh phải kể đến một số lễ hội tiêu biểu đó là:

     Chôl Chnam Thmây – Hội mừng năm mới

     Chôl Chnam Thmây – Hội mừng năm mới. Là lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung và tại Trà Vinh nói riêng. Thời gian diễn ra lễ hội kéo dài khoảng 3 ngày, từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 4 Dương lịch hằng năm. Đây là một lễ hội truyền thống lớn và mang nét độc đáo của Trà Vinh, trong thời gian diễn ra lễ hội không khí ở nơi đây rất náo nhiệt gần như suốt ngày đêm, mọi người vui vẻ ca hát và nhảy múa theo nhạc.

     Ba ngày lễ hội có những cái tên, ý nghĩa và các hoạt động cũng khác nhau tạo nên nét độc của truyền thống văn hóa từ đời này truyền sang đời khác. Ngày thứ nhất có tên gọi là Chôl sangkran thmây (ngày đầu năm mới), trong ngày này người dân sẽ chọn giờ lành để tắm gội sạch sẽ, ăn mặc đẹp, lịch sự và mang theo lễ vào chùa để cử hành rước đại lịch “Maha Sankran”, diễu hành quanh điện chính ba vòng chào đón Chư Tiên và lễ Phật. Buổi tối là khoảng thời gian để mọi người thưởng ngoạn và vui chơi các trò chơi dân gian, nhảy múa. Ngày thứ hai của lễ hội có tên gọi là Wonbơf, vào ngày này mọi người sẽ lên chùa dâng hương, dâng cơm cho các vị sư bữa sáng và bữa trưa để tỏ lòng tín ngưỡng. Buổi chiều là thời gian của lễ đắp núi cát để cầu phúc duyên và tránh kiếp nạn, nếu năm nhuận thì Wonbơf sẽ diễn ra trong vòng hai ngày. Ngày cuối cùng được gọi là Lơm săk, lễ tắm phật. Lễ tắm phật của cộng đồng người Khmer là một lễ vô cùng trang trọng và độc đáo. Sáng sớm mọi người mang hương hoa, lễ vật lên chùa, các nhà sư trong chùa sẽ dùng những cành hoa để “vẫy” nước đã được ướp hương hoa thơm ngát lên tượng phật. Mọi người cùng nhau cầu bình an, sức khỏe và mùa màng thuận lợi cho một năm mới. Có thể nói lễ hội này diễn ra trong ba ngày nhưng đã in đậm nét văn hóa truyền thống của người dân Trà Vinh, không những là lễ của người dân nơi đây mà còn thu hút đông đảo du khách vùng lân cận đến tham dự.

     Lễ hội Ok Om Bok

     Lễ hội Ok Om Bok. Còn có tên khác là lễ hội Cúng Trăng, được tiến hành vào ngày 14 và 15 tháng Kađar theo Phật lịch, tức là Mười bốn và Rằm tháng Mười âm lịch hàng năm. Theo quan niệm của người Khmer, Mặt Trăng là vị Thần có quyền năng chi phối mùa màng trong canh tác nông nghiệp. Sau khi thu hoạch những sản phẩm đầu tiên của mùa vụ, người ta tiến hành nghi thức cúng tế để tạ ơn Thần Mặt Trăng đã cho một mùa bội thu, giúp phum sóc no đủ. Theo nghĩa đó, Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer có sự tương đồng với lễ hội Thượng điền của người Việt. Về mặt ngữ nghĩa, Ok Om Bok có nghĩa là “Đút cốm dẹp bằng cách bốc bằng tay” nên lễ hội này còn có tên gọi khác là lễ hội Đút cốm dẹp. Tuyệt đại đa số người Khmer Trà Vinh gắn chặt cuộc đời mình, gia đình, phum sóc với sản xuất nông nghiệp, nên Ok Om Bok là lễ hội rất quan trọng, được tiến hành ở mỗi gia đình, trong từng ngôi chùa và trên qui mô toàn tỉnh.

     Ở mỗi gia đình hay mỗi ngôi chùa, người ta chọn khoảng sân cao ráo, sạch sẽ và khoáng đãng để có thể nhìn rõ mặt trăng làm nơi tiến hành cúng tế. Khi mặt trăng vừa nhô cao, chiếu ánh sáng khắp mọi nơi cũng là lúc lễ hội bắt đầu, mọi người tề tựu trên vuông chiếu trải sẵn. Vị chủ tế bày các vật phẩm của gia đình, phum sóc vừa thu hoạch, bao giờ cũng phải có cốm dẹp, chuối, khoai… ra cúng, rồi khấn nguyện tạ ơn Thần Mặt Trăng, Thần Nước, Thần Đất Đai… đã cho con người mùa vụ bội thu. Sau đó, người có tuổi sẽ bốc và vo cốm dẹp thành từng viên, kèm theo khoai, chuối… đút cho trẻ vừa xoa vào lưng và hỏi chúng ao ước gì? Những lời nói hồn nhiên có phần ngây ngô của trẻ cũng là ước muốn mà mỗi nhà, mỗi phum sóc gởi đến Thần Mặt Trăng.

     Trong lễ hội Ok Om Bok, một trong những hoạt động sôi nổi và náo nhiệt được người dân mong đợi nhất là hội “đua ghe ngo. Ghe ngo một loại thuyền độc mộc lớn , khoét từ thân gỗ tốt, hình thoi, dài mũi và lái cong được trang trí sặc sỡ do các trai trái từ các phum, sóc đua tài. Đua ghe ngo trở trở thành ngày hội lớn để cư dân địa phương, du khách vui chơi, thưởng thức cái đẹp, cái khỏe mạnh, hào hùng, tài nghệ của các tay đua tranh tài trên vùng sông nước Trà Vinh.

     Ok Om Bok là một lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ được tổ chức theo chu kỳ hàng năm. Lễ hội này là sự phản ánh, lưu giữ và truyền thừa những giá trị tích cực của tín ngưỡng đa thần cổ xưa của một tộc người gắn chặt cuộc đời mỗi con người, mỗi gia đình và cả phum sóc với ruộng đồng, mùa vụ và thiên nhiên. Từ một lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer, ngày nay, Ok Om Bok đã trở thành một hoạt động văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, có tác động rất lớn trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.

     Vu Lan thắng hội – Lễ hội báo hiếu

     Vu Lan thắng hội – Lễ hội báo hiếu. Hay còn được gọi là hội chùa ông Bổn, được người dân tổ chức hàng năm vào ngày 25 đến 28 tháng 7 âm lịch. Vu Lan thắng hội được tổ chức tại Vạn Niên Phong Cung (chùa Chợ) tọa lạc tại khóm 1, thị trấn Càu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Lễ hội này gắn liền với tín ngưỡng thờ ông Bổn của nơi đây và cũng là nét văn hóa tiêu biểu đặc sắc của người Triều Châu đến Trà Vinh an cư lạc nghiệp. Ông Bổn có tên thật là Trịnh Tu Hòa, vốn là một vị thái giám được nhà Minh cử sang thương thuyết nhằm mục đích thuyết phục các nước Đông Nam Á mở cửa tạo điều kiện để người Hoa sang sinh sống và làm ăn. Sau khi mất, ông được ban sắc phong thần và trở thành vị thần cai quản an cư lạc nghiệp cửa người Hoa. Chính vì vậy, đây cũng là một lễ hội truyền thống của người Hoa tại Trà Vinh.

     Lễ hội chùa ông Bổn được tổ chức vào dịp Vu Lan báo hiếu nên trở thành dịp báo hiếu và cầu an. Trong lễ hội này điễn ra rất nhiều nghi thức phong phú như: rước Phật, thỉnh Kinh, lễ Khai kinh, Đăng đàn thí thực, lễ Xá hạc, lễ Cầu quốc thái dân an, lễ Tế Tiên hiền – Hậu hiền, lễ Cầu siêu, lễ Giương phan… Các lễ hội chính là dịp dung hợp văn hóa của người Kinh, Hoa và Khmer; Cũng là nét hoạt động văn hóa đặc sắc và đầy tính tín ngưỡng truyền thống của người dân Trà Vinh.

     Nghinh Ông – Lễ cúng biển

     Nghinh Ông – Lễ cúng biển. Là một lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu của cộng đồng cư dân người Kinh sinh sống bằng nghề hạ bạc trên vùng đất ven biển Trà Vinh. Lễ hội Cúng biển diễn ra vào hai ngày 11 và 12 tháng 5 âm lịch hàng năm tại ngôi miếu thờ Bà Chúa Xứ. Lễ được chia thành sáu phần chính: đi nghinh Nam Hải bằng ghe biển, giỗ tiền chức, chánh tế, chánh tế Bà Chúa xứ, đi nghinh ngũ phương, tống tàu ra khơi.

     Đây là lễ hội thể hiện lòng biết ơn của ngư dân đối với đức Ông, đối với biển cả về một mùa đi biển đã qua và xua đuổi mọi xui rủi, tai ương và cầu cho mùa biển sắp tới mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, công việc đánh bắt hải sản gặp nhiều hanh thông, thuận lợi. Cúng biển Mỹ Long là một hoạt động văn hóa truyền thống gắn với tín ngưỡng thờ Cá voi được người dân thị trấn Mỹ Long bảo tồn và thực hiện liên tục trong gần một thế kỷ đã qua. Qua từng năm, lễ hội này được tiến hành một cách trọng thể, quy củ hơn, thu hút đông đảo hơn người dân trong, ngoài tỉnh và là dịp để những người con của quê hương đang định cư, làm ăn, sinh sống ở nước ngoài tìm về cội nguồn, thăm lại quê cha đất tổ. Đây cũng là dịp để mọi người dân trải nghiệm, chứng kiến và tìm hiểu về lễ hội độc đáo này của Trà Vinh.

3. Giá trị văn hóa của lễ hội ở Trà Vinh

     Lễ hội truyền thống một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, vừa độc đáo, vừa phong phú. Đây là hình ảnh thu nhỏ của nền văn hóa dân gian, với các hình thức văn học, nghệ thuật biểu diễn, tôn giáo, phong tục và tín ngưỡng (nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn dân gian, tục lệ, thờ cúng, đức tin…) ở Trà Vinh. Lễ hội gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất Trà Vinh như một thành tố không thể thiếu vắng, nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh và củng cố ý thức cộng đồng của địa phương. Nhiều yếu tố văn hóa tinh thần được lễ hội bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác, trở thành di sản văn hóa vô giá của địa phương và dân tộc. “Hội lễ là nơi bảo tồn, tích tụ văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử, trong quá khứ, dồn nén lại cho đương thời”2. Hiện nay, lễ hội là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp cho thế hệ hôm nay hiểu được công lao của cha ông và thêm tự hào về truyền thống của quê hương, đất nước. Chứa đựng và phản ánh nhiều mặt của cuộc sống kinh tế, văn hóa, xã hội, lễ hội là chỗ dựa tinh thần để mỗi người hướng về tổ tông, dòng tộc, về thế giới tâm linh và gắn bó với thiên nhiên, từ đó thêm thăng hoa trong một không khí vui vẻ, trang nghiêm, vừa trần tục, vừa linh thiêng.

     Những giá trị của lễ hội được thể hiện:

     Giá trị cố kết cộng đồng: lễ hội thuộc về một cộng đồng người nhất định, “có thể được xem như sự phản chiếu sinh động của truyền thống, bản sắc văn hóa cộng đồng cũng như là biểu tượng của tinh thần cố kết cộng đồng làng xã được hun đúc qua thời gian”3. Bất kể một lễ hội nào, dù là lễ hội nông nghiệp, lễ hội lịch sử (lễ Ok Om Bok – Lễ cúng trăng, Chôl Chnam Thmây – Hội mừng năm mới), lễ báo hiếu, suy tôn các vị thần linh hay anh hùng dân tộc ( Vu Lan thắng hội – Lễ hội báo hiếu, Nghinh Ông – Lễ cúng biển) thì bao giờ cũng là lễ hội của một cộng đồng; biểu dương các giá trị văn hóa và sức mạnh của cộng đồng trên mọi bình diện, là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng. Như vậy, tính cộng đồng và cố kết cộng đồng là nét đặc trưng và là giá trị văn hóa tiêu biểu nhất của lễ hội ở Trà Vinh.

     Giá trị giáo dục: lễ hội là quá trình sân khấu hóa đời sống xã hội, mô phỏng, tái hiện sinh động các nhân vật, sự kiện lịch sử đã diễn ra trong quá khứ dưới hình thức lễ tế, diễn xướng, trò diễn dân gian. Giá trị giáo dục của lễ hội được thể hiện trong tính hướng về cội nguồn. “Tất cả mọi lễ hội cổ truyền đều hướng về nguồn cội. Đó là nguồn cội tự nhiên mà con người vốn từ đó sinh ra… Hơn thế nữa hướng về nguồn đã trở thành tâm thức của con người Việt Nam”4. Điều đó nhắc nhở mọi người trong cộng đồng những bài học về đạo lý, truyền thống cha ông, về lịch sử làng, lịch sử dân tộc. Lễ hội là hoạt động văn hóa tinh thần thể hiện tình cảm con người với tổ tiên, cầu mong sự che chở, phù hộ. Con người đến với lễ hội là đến với lòng thành kính tổ tiên và các bậc tiền nhân, nhắc nhở mọi người nhớ đến bổn phận và trách nhiệm của mình với ông bà, tổ tiên, dòng tộc… Do vậy, lễ hội có giá trị lớn trong việc giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống lịch sử của địa phương, quê hương, đất nước.

     Giá trị văn hóa tâm linh: trong quá trình lao động sáng tạo, để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của mình, con người không chỉ biến đổi cải tự nhiên để tạo ra sản phẩm văn hóa, mà còn hòa mình vào với thế giới hữu hình và vô hình trong tự nhiên. Không ít người bất lực trước một sự việc nào đó và họ phải nhờ tới sự che chở của một sức mạnh siêu nhiên, của tổ tiên, dòng tộc, các vị thần linh… cầu mong cuộc sống được bình an, sức khỏe và thành đạt. Nhờ có lễ hội, các cộng đồng dân cư Kinh, Hoa, Khmer trên đất Trà Vinh mới có dịp thỏa mãn đời sống tâm linh, có được những giây phút thiêng liêng, giao cảm, hồ hởi đầy tinh thần cộng đồng. “Đó là trạng thái thăng hoa từ cuộc sống hiện thực, vượt lên trên đời sống hiện thực”, giúp người dân sống lạc quan, yêu đời hơn.

     Giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần: khi tham gia vào lễ hội, con người được sáng tạo, hóa thân thành văn hóa, văn hóa làm biến đổi con người. Đây chính là quá trình trao truyền văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong các lễ hội, nhân dân các dân tộc là người đứng ra tổ chức, sáng tạo, tái hiện các sinh hoạt văn hóa cộng đồng và hưởng thụ các giá trị văn hóa tâm linh. Khi tất cả mọi người chìm vào không khí thiêng liêng, hứng khởi của lễ hội thì khoảng cách giữa con người dường như không còn, mọi người cùng nhau sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Trong quá trình giao cảm với thế giới thiêng liêng bí ẩn, ai cũng có đức tin và mong muốn sự chứng giám của thế giới tâm linh về thái độ thành kính của mình. Hàng năm, vào các mùa lễ hội, mọi người cùng nhau hành hương, chiêm bái về cái thiêng và như vậy lễ hội lại nảy sinh ra những giá trị văn hóa mới mang tính thời đại.

     Giá trị bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc: lễ hội là một hình thức tái hiện quá khứ thông qua các hoạt động tế lễ, các trò diễn sinh động hấp dẫn như tế lễ, rước, trang phục, văn tế, trò diễn dân gian, dân ca,… Các hoạt động ấy không những tái hiện cuộc sống mà còn góp phần giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc. Lễ hội với những hình thức, nội dung phản ánh đầy đủ, sinh động đời sống vật chất và tinh thần của điạ phương trong một giai đoạn lịch sử cụ thể, đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc tới toàn thể cư dân sinh sống trên mảnh đất ấy tùy theo tính chất và mức độ của lễ hội. Đặc trưng của lễ hội là tính truyền miệng. Những sự kiện lịch sử, đời sống xã hội được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua dịp lễ hội hàng năm. Và như vậy, lễ hội góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc ngay trong chính tâm thức của cộng đồng.

     Giá trị kinh tế du lịch: giá trị của lễ hội không chỉ ở phương diện văn hóa mà ngày nay, còn ở giá trị kinh tế du lịch. Bởi, lễ hội còn là sản phẩm độc đáo của du lịch, tạo nên môi trường du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, nhân tố tạo nên sự thư giãn, những ứng xử văn hóa. Không khí vui tươi, linh thiêng của ngày lễ hội làm cho mỗi người trút bỏ được những lo âu, phiền muộn của cuộc sống đời thường, thúc đẩy quá trình lao động sáng tạo, sống nhân ái và yêu thương nhau hơn. Lễ hội là một sản phẩm đặc biệt, mang lại giá trị kinh tế du lịch, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và giới thiệu, truyền bá những đặc sắc văn hóa của dân tộc, vùng miền cho du khách trong và ngoài nước, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế tỉnh nhà.

4. Những vấn đề đặt ra trong bảo tồn và phát huy lễ hội

     Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội” được tiếp tục khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Tiếp tục, Nhà nước ta lại ban hành nghị quyết Số: 33 – NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Các Nghị định Số: 05/2011/ND-CP, ngày 14 tháng 01 năm 2011 và thông tư Số: 12/2014/TT-BVHTTDL về phát triển dân tộc. Song, trong đó chính quyền tỉnh Trà Vinh nói riêng và các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long nói chung cũng đã có nhiều văn bản trong việc xây dựng và phát triển về văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng và phát huy các di sản văn hóa. Trong nhiều năm trở lại đây tỉnh Trà Vinh đã đạt được những kết quả đáng kể trong công tác này, góp phần gìn giữ phát huy các giá trị di sản văn hóa cũng như các lễ hội truyền thống, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, du lịch phát triển.

     Kết quả đạt được: Trong nhiều năm tỉnh Trà Vinh đã có những chính sách phù hợp và quả rất khả quan trong bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội, nhận thức về công tác bảo vệ di sản của người dân cũng được nâng lên đáng kể. Công tác quản lý, quảng bá, đầu tư vào các lễ hội có bước phát triển có quy mô và cả chiều sâu; các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã góp phần trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, các loại hình nghệ thuật trong các lễ hội được phục hồi và phát triển như Rô – Băm, Dù Kê của người Khmer, Trình diễn múa Lân, Sư, Rồng, ngày Hội văn hóa thể thao và du lịch…

     Bên cạnh đó, kết hợp với địa phương, Sở văn hóa Du lịch của tỉnh Trà Vinh đã có nhiều chủ trương, chính sách về văn hoá, xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc,… nhằm duy trì và phát triển những giá trị tốt đẹp của lễ hội; đồng thời phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Công tác quản lý lễ hội bước đầu được coi trọng và bảo đảm cho người dân tham gia lễ hội văn minh, an toàn, tiết kiệm và đã từng bước đưa hoạt động của các lễ hội vào nền nếp, thu hút tập hợp được đông đảo nhân dân tham gia, quảng bá được các sản phẩm văn hóa của Trà Vinh, góp phần thức đẩy kinh tế du lịch phát triển. Qua lễ hội đã khơi dậy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giáo dục được tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau và thanh thiếu niên hiểu được truyền thống vẻ vang của dân tộc, công lao to lớn của tổ tiên để noi theo.

     Khó khăn: Hiện nay, trong xu thế hội nhập mở ra cơ hội cho việc bảo tồn và khôi phục và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trong đó có các lễ hội. Tuy nhiên không tránh khỏi tình trạng “tam sao thất bản” khôi phục một cách tràn lan thiếu trọng tâm, trọng điểm và tính chiến lược, thiếu tính sáng tạo hấp dẫn, mang nặng tính hình thức… khiến cho một số lễ hội trở nên nghèo nàn về ý tưởng kế thừa sáng tạo, phai nhạt nét truyền thống.

     Bản chất của lễ hội là đa dạng, mang cốt cách, sắc thái riêng, nhằm hút khách thập phương. Nhưng một số lễ hội đang bị nhất thể hóa, đơn điệu hóa, hội làng nào, vùng nào cũng na ná như nhau, làm mất đi tính đa dạng phong phú của lễ hội.

     Quá trình sân khấu hóa được chú trọng quá mức, dẫn đến vai trò của người dân trong việc tổ chức các lễ hội rất mờ nhạt.

     Các trò chơi dân gian thể hiện nét truyền thống của lễ hội tinh giảm, thay vào đó là mọi người tham gia các trò chơi mang tính hiện đại bây giờ, những trò chơi có thưởng mang tính kinh tế hơn là nét truyền thống.

     Công tác quản lý các lễ hội của địa phương vẫn chưa theo kịp sự phát triển, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và hướng dẫn cụ thể để người dân cùng thể hiện trách nhiệm trong thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội nhằm khắc phục những hiện tượng không lành mạnh trong lễ hội vẫn chưa được chú trọng thường xuyên.

5. Giải pháp bảo tồn nét văn hóa truyền thống của lễ hội

     Để hòa nhập mà không hòa tan cái cốt cách, bản sắc văn hóa dân tộc thì hơn ai hết mỗi một địa phương cần có những giải pháp chính sách phù hợp. Trong lĩnh vực bảo tồn lễ hội – nét văn hóa truyền thống của Trà Vinh cũng cần chú trọng các giải pháp:

     Giải pháp về chỉ đạo điều hành: Tăng cường nâng cao hiệu quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức, cá nhân quản lý và bảo tồn các giá trị các lễ hội. Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, thực hiện hiệu quả luật di sản văn hóa cũng như các quy định khác về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số. Các lễ hội truyền thống cần được tổ chức thường niên, chính quyền không nên can thiệp sâu vào lễ hội, lễ hội là của cộng đồng nên để cộng đồng làm chủ nghi lễ và quyết định tổ chức theo cách thức là lễ hội dân gian truyền thống.

     Giải pháp về tuyên truyền và quảng bá: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và của người dân về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội trên địa bàn tỉnh. Đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền, phát huy sức mạnh của các cơ quan tuyên truyền, các loại hình tuyên truyền: trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội thảo, sách báo, giáo dục học đường… Công tác truyền thông là biện pháp hữu hiệu nhất để làm cho mỗi con người xóa bỏ những rào cản về tư tưởng, thay đổi nhận thức: không có dân tộc lớn hay nhỏ, không có sự kỳ thị giữa dân tộc đông người với dân tộc ít người, mà phải biết trân trọng và tự hào về dân tộc mình, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau những giá trị văn hóa mà cha ông đã bao đời sáng tạo nên.

     Giải pháp về cơ chế, chính sách: Các cấp chính quyền địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, chú trọng xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào các dân tộc ở Trà Vinh. Tiến hành rà soát, phân loại lễ hội, tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu để việc tổ chức lễ hội ngày càng khoa học, có ý nghĩa. Phục hồi những trò chơi dân gian truyền thống gắn với việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa mới, bảo vệ công trình di tích lịch sử – văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường. Cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất phát huy vai trò của lực lượng nòng cốt trong việc truyền dạy, duy trì lễ hội nói riêng và phong tục tập quán của người Trà Vinh nói chung. Cần đầu tư kinh phí để sưu tầm những giá trị văn hóa, các nghi thức trong các nghi lễ của đồng bào các dân tộc có nguy cơ mai một; có các chính sách đãi ngộ thích đáng đối với các nghệ nhân, đồng thời khích lệ họ tiếp tục trao truyền những phong tục tập quán tốt đẹp cho thế hệ trẻ. Hỗ trợ kinh phí cho họ thường xuyên mở các lớp truyền dạy cho lớp trẻ về nghệ thuật âm nhạc, điệu múa, tuyền dạy bài cúng, các hình thức diễn xướng, trò chơi dân gian trong lễ hội (hình thức bảo tồn sống các giá trị của lễ hội) nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả, lâu dài trong đời sống cộng đồng của Trà Vinh.

     Giải pháp về nguồn nhân lực: Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa tại địa phương. Củng cố và phát triển các chi hội ở địa phương nhằm tập hợp lực lượng, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến lễ hội văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Các lễ hội là nét độc đáo đặc sắc của cộng đồng các dân tộc ở Trà Vinh cần được bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội. Để bảo tồn lễ hội này trước hết cần có nhận thức đúng đắn từ chính quyền địa phương phải ủng hộ, khuyến khích các cụ, các nghệ nhân, các thế hệ trẻ tham gia lễ hội để bảo tồn giá trị truyền thống của dân tộc chứ không mang lợi ích cá nhân. Lễ hội được tổ chức chính là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần của người dân lao động nên cần được khuyến khích bảo tồn.

6. Kết luận

     Lễ hội là nét tinh túy, độc đáo trong khối di sản văn hóa phi vật thể ở Trà Vinh. Các lễ hội được diễn ra hằng năm chính là sự tái hiện lại cuộc sống, sinh hoạt của người dân từ bao đời ở địa phương, là nét đẹp văn hóa, thành tố nội sinh của sự phát triển, cần được bảo tồn và phát huy các giá trị. Nghị quyết 33NQ-TW Hội nghị lần thứ IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định rõ: “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”5.

     Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng lại tiếp tục nhấn mạnh: “Huy động sức mạnh của toàn xã hội, nhằm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc. Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế xã hội, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”6. Bảo tồn nét đẹp truyền thống của lễ hội là hoạt động quan trọng nhưng cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp. Đây là lĩnh vực vừa nhạy cảm, vừa mang tính thực tiễn và xã hội cao, cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo tồn và phát huy bền vững góp phần tỏa sáng giá trị kho tàng văn hóa của dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Đức Thịnh, Những giá trị của lễ hội cổ truyền trong đời sống xã hội hiện nay, Tạp
chí
Văn hóa Nghệ thuật, số 3-2001, tr.8.

2. Viện Văn hóa dân gian, Lễ hội cổ truyền, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992, tr.24.

3. Ngô Đức Thịnh, Lê Hồng Lý, Về tín ngưỡng lễ hội và sự phát triển xã hội hiện nay, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 1-1997, tr.35-39.

4. Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2007, tr.343.

5. Nghị quyết 33NQ-TW Hội nghị lần thứ XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

6. Http:// dangcongsan.vn/ tu-lieu-van-kien/books-4331201610456246.html.

Nguồn: Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa
gắn với phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh”

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Lễ hội – Nét di sản văn hóa độc đáo ở Trà Vinh cần được bảo tồn
(Tác giả: Nguyễn Thị Kim Oanh)