Lễ mãn tang của người Tày ở Đắk Lắk

Tác giả bài viết: LÀI THỊ VÂN
(Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Nghi lễ tang ma là nghi lễ tiêu biểu trong hệ thống nghi lễ vòng đời của người Tày, phản ánh những giá trị đạo đức, giá trị thẩm mỹ, nhân sinh quan, thế giới quan của tộc người. Lễ mãn tang là một trong những nghi thức hoàn tất việc tiễn đưa linh hồn người chết về với tổ tiên trong quy trình tổ chức đám tang cho người chết của người Tày. Mặc dù sinh sống ở vùng đất mới, nhưng lễ mãn tang của người Tày di cư đến Đắk Lắk vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời. Hiện nay, tác động của các yếu tố như môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa… cùng với quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đã làm mai một các giá trị truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của người Tày. Việc đề xuất và thực hiện các giải pháp bảo tồn giá trị văn hóa trong bối cảnh hội nhập ngày nay là việc làm cần thiết.

Từ khóa: Người Tày, lễ mãn tang, Đắk Lắk.

Phân loại ngành: Văn hóa học.

ABSTRACT

     Funeral rituals are typical in the life cycle ritual system of the Tay ethnic minority group, reflecting their values of morality, aestheticism, and outlook on life and worldview. The ritual to end the mourning is one of the rituals of completing the sending of the souls of the dead to their ancestors, being part of the process to hold the Tay funerals. Living in Dak Lak, a land they migrated to, the Tay still maintain the ritual’s age-old traditional cultural values. Currently, factors such as environmental, economic, social and cultural ones and the processes of globalisation and international economic integration have made fine traditional values in the Tay culture gradually fall into oblivion. It is necessary to propose and implement solutions to preserve the cultural values in the current context of integration.

Keywords: Tay people, ritual to end mourning, Dak Lak.

Subject classification: Cultural studie.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Ea Tam là một trong 11 xã thuộc huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, được thành lập vào tháng 03 năm 1989 trên cơ sở thực hiện Quyết định 09/QĐ-HĐBT ngày 26 tháng 01 năm 1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Toàn xã có 16 thôn, buôn, với 10.874 nhân khẩu, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 87,9% (người Tày, Nùng chiếm 83,3%) [6]. Hầu hết dân số trong xã Ea Tam là người Tày, Nùng từ Cao Bằng, Bắc Kạn di cư vào từ những năm 80, 90 của thế kỷ XX. Xã có 2.470 hộ, 16 thành phần dân tộc sinh sống (Tày, Nùng, Kinh, Ê-Đê, Dao, Mường, Cao Lan, Hrê, Mông, Hoa, Thái, M’nông, Giẻ Triêng, Vân Kiều, Sán Dìu, Chứt), trong đó, người Tày chiếm tỷ lệ dân số đông nhất, gồm có 1.383 hộ với 6.074 khẩu, người Nùng chiếm dân số đông thứ hai với 661 hộ, 2.989 khẩu, các dân tộc khác chiếm số ít [6].

     Nghi lễ tang ma của người Tày nói chung và lễ mãn tang của người Tày ở Đắk Lắk nói riêng là một phong tục tập quán lâu đời, mang đậm nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của người Tày, chứa đựng nhiều ý nghĩa về mặt tâm linh cũng như về mặt văn hóa. Bài viết giới thiệu lễ mãn tang của người Tày ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, bao gồm quan niệm và sự chuẩn bị lễ mãn tang; thành phần thực hiện nghi lễ; và các lễ thức trong lễ mãn tang.

2. Quan niệm của người Tày về linh hồn và sự chuẩn bị lễ mãn tang

     2.1. Quan niệm của người Tày về linh hồn

     Theo quan niệm của người Tày, con người từ khi sinh ra đã có hồn và chết không phải là hết, mà là bắt đầu cuộc sống mới ở thế giới bên kia. Khi con người chết đi, để linh hồn người chết được siêu thoát, trở về đoàn tụ với tổ tiên ở bên kia thế giới, nghi lễ tang ma có ý nghĩa rất quan trọng. Tục làm ma chay của người Tày, mang đậm tín ngưỡng, tôn giáo. Ngoài ý nghĩa tâm linh, tang ma còn là dịp để con cháu báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ với đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” đã có từ lâu đời. Tang ma là lĩnh vực thuộc cõi tâm linh, nhằm thỏa mãn nhu cầu tình cảm của con người, là sự thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với người quá cố.

     Xuất phát từ quan niệm của đồng bào cho rằng linh hồn con người sau khi chết sang thế giới bên kia vẫn sinh hoạt và có những nhu cầu như người sống, nếu người sống không lo cho người chết được mồ yên, mả đẹp thì linh hồn của họ mãi luẩn quẩn xung quanh, quấy rối người sống; bị thiếu thốn ở thế giới bên kia mà trở lại quấy quở, gây ốm đau, bệnh tật cho con cháu. Con cái lo tang ma chu đáo là một hình thức báo hiếu quan trọng nhất đối với cha mẹ, đồng thời, việc làm ma chay còn nhằm mục đích xóa mọi tội lỗi lúc sinh thời mà họ phạm phải, giúp cho linh hồn của họ siêu thoát, tiếp tục sống cuộc sống tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia. Chính vì vậy, trong truyền thống, tang ma thường được tổ chức linh đình, kéo dài trong nhiều ngày với những nghi lễ rườm rà, phức tạp và tốn kém.

     Lễ mãn tang (tiếng Tày là dộ slam pi, pết khân) còn gọi là tháo tang hay cởi tang, là một nghi thức trong quy trình tang ma của người Tày và một số tộc người khác ở nước ta. Ở người Tày, sau lễ chôn cất, thầy Tào lập bàn thờ riêng cho người mới chết (thường đặt phía dưới thấp hơn bàn thờ tổ tiên hoặc đặt ở góc nhà, bên cạnh và luôn thấp hơn bàn thờ tổ tiên) và gọi hồn người chết về ngụ tại bàn thờ để con cháu cúng cơm hàng ngày. Lúc này, hồn người chết chưa được gia nhập với tổ tiên, sau lễ mãn tang (thường là một năm hoặc ba năm sau khi chết), hồn người chết mới thực sự trở về với tổ tiên thông qua trình tự các nghi thức của thầy Tào.

     Trong quy trình tang ma truyền thống, người Tày thực hiện cả lễ cúng một năm và lễ cúng ba năm. Lễ cúng một năm là lễ bỏ tang cho anh em, họ hàng của người quá cố. Sau khi người mất được tròn một năm, người ta làm lễ cởi tang cho những người đến chịu tang người chết một năm trước, còn con cháu sau lễ cúng một năm vẫn tiếp tục để tang cho đến khi người mất được ba năm mới làm lễ mãn tang. Sau lễ mãn tang, con cháu chấm dứt thời kỳ chịu tang, phần hồn của người quá cố được nhập chung vào bàn thờ tổ tiên. Ở Ea Tam hiện nay, hầu hết người Tày để tang người mất trong một năm, sau một năm, tang chủ nhờ thầy Tào chọn ngày tốt để làm lễ mãn tang. Bài viết giới thiệu lễ mãn tang cho người chết được một năm (Trường hợp lễ mãn tang của bà Hoàng Thị Bựng, ngày sinh 13/7/1940, mất ngày 14/10/2017, thọ 77 tuổi, ở thôn Tam Thịnh, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, diễn ra vào ngày 16/11/2018).

     2.2. Chuẩn bị lễ mãn tang

     – Chuẩn bị lễ vật cúng

     Tùy thuộc vào số lượng anh em, họ hàng nhiều hay ít mà chủ tang chuẩn bị lợn, gà để làm vật cúng, đồng thời làm bữa cơm thân mật mời anh em, họ hàng về dự lễ mãn tang cho người quá cố. Những người đến dự thường mang theo gạo, gà, rượu, vàng hương, bánh kẹo… đến nhà tang chủ. Người nào có điều kiện có thể phụ giúp tang chủ một số tiền làm lễ cho cha, mẹ, không bắt buộc ai cũng phải đóng góp.

     Lễ vật cúng thường gồm: 1 con lợn, vài con gà, bánh giầy, hoa quả, tiền vàng mã, dùng giấy màu cắt quần áo, mũ, nón đốt cho người quá cố. Lễ vật trong lễ mãn tang của bà Hoàng Thị Bựng gồm có 1 con lợn mổ phanh, 3 con gà luộc (một con đặt ở bàn thờ tổ tiên, một con đặt ở bàn thờ bài vị, một con đặt ở bàn cúng của thầy Tào), khoảng 10kg gạo tẻ, xôi, cơm, rượu, 2 mâm bánh giầy, hoa quả, bánh kẹo, hương vàng…

     – Chuẩn bị nhà táng, đồ lễ, vàng mã, vải

     Đêm hôm trước ngày diễn ra lễ mãn tang, con cháu làm một nhà táng nhỏ bằng giấy, khung nhỏ hơn nhà táng trong đám tang chính, nhưng hình dáng vẫn giống như vậy. Người ta dùng nhiều giấy màu cắt quần áo, ngựa, hình nhân, mũ nón, giầy dép… cho người quá cố. Người nhà mua giấy màu về tự cắt khoảng 40-50 bộ quần áo bằng giấy (hình nhân). Bên cạnh việc tự cắt bằng giấy màu, con cháu còn mua thêm ở cửa hàng hàng mã những đồ vật hiện đại như ti vi, tủ lạnh, xe máy, điện thoại di động… để cúng cho người quá cố.

     Trong lễ mãn tang của những người chết bình thường do tuổi già, sức yếu (từ 60 tuổi trở lên) như trường hợp bà Hoàng Thị Bựng, không thể thiếu một tấm phướn (cành phan). Phướn được làm bằng giấy dài khoảng 5 gang tay, rộng chừng nửa gang tay. Phần đầu của tấm phướn màu trắng được gấp thành hình tam giác, phần giữa màu đỏ với những tua ngắn ở phần đuôi. Chính giữa phần màu đỏ của tấm phướn đề ngày, tháng, năm sinh và mất; ngày, giờ đưa tang bằng chữ Hán. Tấm phướn được treo vào đầu cành tre nhỏ (như cần câu) cùng với 2 hình nhân đứng thẳng, bằng giấy, với 2 ống tay giang ngang. Hình nhân dài khoảng 5 gang tay, rộng chừng 1,5 gang tay. Khi hành lễ, thầy Tào cầm đoạn tre có treo tấm phướn và hình nhân, vừa khấn vừa phất lên, phất xuống cành phan ra hiệu cho người nhà cúi lạy vong linh người mất.

     Ngoài ra, tang chủ còn chuẩn bị 1 sải vải màu trắng và 1 sải vải màu đen, dài khoảng 3-4 mét, xếp chồng lên nhau, bắc từ bàn thờ tổ tiên xuống đến bài vị, làm cầu để rước linh hồn người mất lên với tổ tiên trên bàn thờ.

3. Thành phần thực hiện nghi lễ

     Trong lễ mãn tang của người Tày, thành phần tham dự thực hiện bao gồm:

     Thầy Tào – người chủ trì lễ mãn tang. Đối với người Tày, kể cả trước đây hay hiện nay, trong một đám tang cũng như lễ mãn tang, thầy Tào giữ vai trò rất quan trọng, là người trực tiếp liên lạc giữa cõi trần và cõi âm. Mọi lễ thức trong lễ mãn tang đều được thực hiện theo một trình tự bài bản nhất định của thầy Tào. Với họ, thầy Tào là người thông tường đạo lý, có sách, có chữ và làm theo sách. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho người Tày tin tưởng, gửi niềm tin tín ngưỡng vào thầy Tào.

     Công việc chủ đạo của thầy Tào trong đám tang cũng như lễ mãn tang là làm các thủ tục tiễn đưa linh hồn và thể xác người chết về với tổ tiên. Mọi lễ vật dâng cúng của con cháu, người chết chỉ có thể nhận được thông qua thầy Tào. Thầy chính là người thay mặt con cháu cúng lễ cho người quá cố, là đầu mối liên lạc giữa thế giới dương và âm. Thầy Tào cũng là người có thể dẫn dắt được linh hồn gia nhập thế giới tổ tiên, không quay trở về làm hại con cháu, chấp nhận chấm dứt mối quan hệ với người sống và phù hộ cho con cháu có một cuộc sống bình yên, làm ăn thuận lợi. Chính vì vậy, trong đám tang cũng như lễ mãn tang của người Tày rất cần sự có mặt của thầy Tào, bởi theo quan niệm của họ, nếu không có thầy Tào dẫn dắt, thì linh hồn người chết không thể trở về thế giới bên kia, với tổ tiên, ông bà, cha mẹ của họ. Do đó, thầy Tào có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Tày. Trong cuộc sống hàng ngày, thầy Tào cũng luôn được người dân nể trọng. Ngoài nghi lễ tang ma và những việc liên quan đến mồ mả, người dân còn tìm đến thầy Tào ở nhiều lễ tục quan trọng khác như việc cưới hỏi, làm nhà, cầu an giải hạn, cắt duyên âm…

     Chủ trì lễ mãn tang của bà Hoàng Thị Bựng là thầy Tào Hoàng Văn Thắng (thầy chủ lễ của nghi lễ tang ma vào ngày mất của bà Bựng một năm trước), 53 tuổi, hiệu là Hoàng Đạo Hành, cư trú tại thôn Tam Trung, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk. Lễ này không cần đến đội ngũ thầy cúng như trong nghi lễ tang ma chính, mà chỉ cần một thầy chủ lễ đảm nhiệm. Trong khi hành lễ, thầy Tào nhờ thêm một người đàn ông, họ hàng với tang chủ giúp thắp hương, soạn đồ lễ của từng giai đoạn… theo yêu cầu của thầy Tào.

     – Tang chủ và con cháu trong gia đình.

     Trong lễ mãn tang của bà Hoàng Thị Bựng, chủ tang là con trai thứ ba của bà Bựng – ông Bế Văn Thu (40 tuổi, cư trú ở thôn Tam Thịnh, xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), cùng các con trai, con gái, cháu nội, cháu ngoại của bà cũng về thụ lễ cởi tang.

     – Họ hàng nội, ngoại, hàng xóm, bạn bè.

     Lễ mãn tang của người Tày ở Ea Tam được tổ chức khá linh đình, nhất là những gia đình có điều kiện, đông anh em, họ hàng. Ngoài người thân trong gia đình, anh em, họ hàng, còn có 1 vài người làng xóm, bạn bè thân cận được mời đến dự. Đây cũng là nghi thức cuối cùng trong nghi lễ tang ma của người chết. Những người đến chịu tang năm trước là anh chị em, cô dì, chú bác, cháu chắt, họ hàng của người quá cố… đều được mời đến thắp hương để cởi bỏ tang.

4. Các lễ thức trong lễ mãn tang

     Lễ mãn tang của người Tày ở Ea Tam ngày nay thường diễn ra trong một ngày với các lễ thức như sau:

     – Lễ đón thầy Tào. Sáng sớm ngày diễn ra lễ mãn tang, người con trai cả của bà Bựng (ông Bế Văn Toàn, 54 tuổi) được gia đình phân công đi đón thầy Tào về làm lễ tại nhà ông Bế Văn Thu. Lễ vật mang đi đón thầy là 1 lon gạo, 1 chai rượu, một ít tiền gói trong tờ giấy đỏ. Trước khi ra khỏi nhà, thầy Tào thắp hương báo cáo tổ tiên, thỉnh mời thánh sư theo giúp thầy làm việc phúc. Trong đám tang chính của bà Bựng, thầy Tào Hoàng Văn Thắng là chủ lễ, đến nay, gia đình tiếp tục mời thầy về làm lễ. Hiện nay, nếu không mời được thầy Tào phụ trách đám tang chính thì có thể mời thầy khác, nhưng người Tày quan niệm, phải là thầy chủ lễ đám tang chính chịu trách nhiệm trong lễ mãn tang thì mới tốt, gia đình mới yên tâm.

     – Lập đàn cúng. Đến nhà tang chủ, thầy lập đàn cúng với 5 bát gạo cắm hương, 1 bát gạo đặt ấn đạo, kinh, sư, 1 cái bát đựng chút nước trong đó có 2 lá bưởi, 5 chén rượu, bánh, nước ngọt… Trên bàn cúng của thầy còn có các vật dụng hành lễ như quẻ âm dương, mõ, dao, sắc lệnh. Thầy Tào ngồi tại đàn cúng, giở sách và đọc bài khấn mời thánh sư, Ngọc Hoàng, Quan âm, ma tổ tiên của thầy Tào về chứng giám, thụ lễ và đón linh hồn của người chết gia nhập vào thế giới tổ tiên. Các con, cháu của người quá cố ngồi phía sau thầy và lạy đàn cúng theo thầy.

     – Phát quang mộ. Sau khi đón thầy Tào về nhà, trong khi thầy chuẩn bị việc lập đàn cúng, các con, cháu, anh, chị, em của người quá cố ra mộ dọn sạch cỏ quanh ngôi mộ, thắp hương, cúng một số lễ vật như: gà, thịt lợn, bánh kẹo. Đến khi chuẩn bị tàn nén hương, con cháu lễ tạ một lần nữa rồi về nhà tiến hành các nghi thức tiếp theo trong lễ mãn tang. Trong lúc này, ở nhà tang chủ, thầy Tào cúng gọi hồn người chết trở về nhà để thụ lễ nhập linh hồn vào bàn thờ tổ tiên.

     – Dâng lễ vật cúng và tế rượu. Lễ vật đặt trước bàn vong gồm: 1 con lợn mổ phanh đặt úp, 1 con gà, xôi, 2 mâm bánh giầy, gạo, rượu, vàng mã, bánh kẹo, hoa quả… Tất cả những đồ lễ này sẽ được thầy Tào làm lễ để cấp cho hồn ma mang về cõi âm. Khoảng 40-50 bộ quần áo giấy (hình nhân) do con cháu tự cắt cho vong linh được treo trên 2 sợi dây giăng ngang vách nhà, ngay trên đỉnh nhà táng. Sau khi vong linh được rước lên bàn thờ tổ tiên, những bộ quần áo này sẽ được xếp gọn vào một cái thùng bằng giấy để mang đi đốt cùng với nhà táng.

     Việc cấp các đồ lễ cho người quá cố do thầy Tào chủ trì. Thầy làm 1 tờ sớ, viết đầy đủ họ tên của tất cả các con trai, con dâu, con gái, con rể, cháu nội, cháu ngoại của người quá cố; kê khai đầy đủ số lượng quần áo, lễ vật dâng cúng, cấp cho linh hồn người quá cố mang theo về thế giới bên kia. Thầy Tào vừa đọc những bài cúng và ra hiệu cho con cháu lần lượt từng người vái lạy. Khi tế rượu, mỗi người cầm 1 cái ly cúi lạy, mời rượu người chết, và tự uống 3 ly rượu.

     – Lễ cởi tang. Thầy Tào đến trước bài vị ngồi đọc tên từng người con, cháu của người quá cố được kê đầy đủ trong sớ. Khi thầy đọc sớ xong, con cháu vừa lễ lạy bài vị vừa khóc chia tay lần cuối, đồng thời thầy Tào yểm phép thu tang, xua đi vận xám trong nhà, sau đó đốt sớ. Con cháu cởi hết tang phục, gấp gọn lại và đội lên đỉnh đầu, đồng loạt ngồi xuống trước bài vị.      Thầy Tào dùng một đoạn cây nhỏ, có móc ở đầu cây, vừa khấn vừa dùng đoạn cây đó kéo lần lượt tang phục đặt trên đỉnh đầu của từng người xuống đất. Sau đó, thầy lấy tờ giấy đỏ to cắt thành nhiều tờ nhỏ hình chữ nhật (tầm 2 ngón tay), lần lượt đặt lên trên đỉnh đầu của từng người chịu tang, mỗi người 1 tờ. Tờ giấy đỏ tượng trưng cho phúc lộc mà người quá cố để lại cho con cháu. Con cháu nhận lấy tờ giấy đỏ và cất vào túi, sau đó cầm tang phục lên để thầy Tào dùng kéo cắt lấy 1 sợi dây đai trên tang phục của mỗi người, mang cột chung vào đầu một đoạn cây nhỏ dài khoảng 20cm. Thầy Tào tiếp tục khấn, vừa khấn vừa đốt những dây đai đã được buộc vào đoạn cây, vừa đi ra ngoài đường (trước của nhà tang chủ), tay huơ huơ đoạn cây đang cháy lên trời và niệm chú. Thầy Tào vái lạy trời đất 3 cái và ném đoạn cây đang cháy đi, quay lại nói với chúng tôi: “Điều này có nghĩa là, từ nay âm dương cách biệt, xua đuổi hết cái xấu đi, đón cái tốt, cái phúcvào nhà…” (Phỏng vấn thầy Tào Hoàng Văn Thắng (chủ trì lễ mãn tang của bà Hoàng Thị Bựng), ngày 16/11/2018). Từ nay, con cháu trở lại cuộc sống bình thường, chấm dứt thời kỳ chịu tang, không phải kiêng cữ gì nữa. Tang phục của con cháu đem đi hơ lửa, nhuộm màu để mặc đi lao động bình thường, hoặc cũng có thể đốt cùng nhà táng.

     – Lễ nhập bàn thờ tổ tiên cho linh hồn người chết. Dưới sự hướng dẫn của thầy Tào, tang chủ (vợ chồng người con trai thứ ba của bà Bựng) lấy một sải vải màu đen xếp chồng lên 1 sải vải màu trắng, bắc từ trên bàn thờ tổ tiên thả dài xuống bài vị. Thầy Tào làm lễ, khấn rước linh hồn người chết từ bài vị lên nhập vào bàn thờ tổ tiên. Tang chủ thắp thêm hương vào bát hương dưới bài vị, sau đó bưng bát hương, bài vị, đi qua cầu (dải vải bắc từ bàn thờ tổ tiên xuống vị trí đặt bài vị) lên bàn thờ tổ tiên. Tang chủ nhổ 3 cái chân hương đang cháy dở cùng với bài vị cắm vào bát hương của tổ tiên. Còn lại bát hương của người mất được mang đi đốt cùng nhà táng.

     Sau khi nhập bài vị lên bàn thờ tổ tiên, thầy Tào khấn, niệm chú, đồng thời ra hiệu cho 1 người phụ việc gỡ tờ phướn, hình nhân treo trên đầu cành phan xuống đốt. Con cháu đốt nhà táng, bát hương, quần áo giấy, giày dép, vàng mã, hình nhân, đồng thời bỏ luôn bàn thờ riêng của người chết. Ảnh của người mất cũng được đưa đi cùng với nhà táng nhưng họ chỉ đốt nhà táng cùng với vật dụng chuẩn bị cho người chết và giữ lại ảnh. Sau khi đốt xong, con cháu mang ảnh về nhà đặt lên bàn thờ tổ tiên.

     – Lễ tẩy uế và cúng cơm. Sau khi con cháu của người quá cố mang nhà táng, bát hương, vàng mã, hình nhân ra ngoài đường (trước của nhà tang chủ) đốt xong, thầy Tào làm lễ tẩy uế. Con cháu chuẩn bị sẵn một thau nước lá bưởi (họ quan niệm đây là thứ lá tinh khiết, mùi thơm át được tà ma) để thầy Tào làm lễ. Người con trai của bà Bựng bưng thau nước lên trước bàn thờ tổ tiên để thầy Tào làm phép rửa linh hồn người chết trước khi ăn bữa cơm đầu cùng với tổ tiên.

     Tang chủ chuẩn bị một mâm cơm gồm 1 bát cơm trắng và một đôi đũa, 1 bát thịt lợn đã thái miếng, cùng với 5 cái bát và 5 đôi đũa đặt vòng quanh chiếc mâm để thầy Tào cúng cơm, cúng rượu cho vong linh. Tang chủ rót rượu vào 5 cái bát mời vong linh ăn cơm, uống rượu. Sau khi cúng cơm cho người chết xong, thầy Tào cùng với gia chủ và con cháu, anh em, họ hàng ăn bữa cơm cộng cảm tại nhà tang chủ.

     – Lễ tiễn thầy Tào. Sau khi các lễ thức mãn tang kết thúc, thầy Tào làm lễ thu âm binh, đưa tiễn thánh sư, thiên tướng mà thầy thỉnh về làm lễ trở về mường Trời và thu dọn bát hương ở đàn cúng. Để cảm ơn thầy Tào đã đưa linh hồn người quá cố về trời, tang chủ tạ lễ 1 cái thủ lợn, 1 con gà, toàn bộ gạo, đồ lễ trên đàn cúng của thầy và một khoản tiền mặt tùy tâm của gia chủ.

     Người nhà lễ tạ cảm ơn, mời cơm, mời rượu thầy Tào sau đó đưa thầy về. Khi thầy Tào bước ra khỏi cửa, thầy đóng cửa nhà lại, đợi thầy đi ra khỏi cổng, người nhà mới mở cửa ra. Theo quan niệm của người Tày, lễ mãn tang kết thúc, linh hồn người chết coi như đã được lên mường Trời, gia nhập vào thế giới tổ tiên, tiếp tục sống cuộc sống mới, vĩnh hằng. Kể từ nay trở đi, con cháu của người chết trở lại với cuộc sống sinh hoạt bình thường, không còn phải kiêng cữ nữa. Sau lễ cúng, họ hạ mâm cỗ, cùng nhau ăn bữa cơm cộng cảm, việc chịu tang người chết đối với con cháu, anh em, họ hàng đối với người quá cố đến đây được coi là đã hoàn thành.

5. Kết luận

     Ngày nay, lễ mãn tang của người Tày ở Ea Tam cũng có sự khác biệt so với truyền thống. Theo tục lệ cũ, người Tày để tang 3 năm mới làm lễ mãn tang. Trong 3 năm này, con cháu của người quá cố phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt những kiêng kỵ dành cho gia đình có tang. Hiện nay, quan niệm này không còn quá nặng nề trong cộng đồng người Tày, thông thường, họ để tang 1 năm là mãn tang. Tuy nhiên, mặc dù có những biến đổi để phù hợp với thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa mới, song, lễ mãn tang của người Tày về cơ bản chỉ biến đổi về mặt hình thức chứ bản chất không thay đổi, vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, giá trị văn hóa truyền thống của người Tày. Người Tày không có tập quán cúng giỗ hàng năm, sau lễ mãn tang mọi việc tang ma cho người quá cố đã hoàn tất, con cháu đã hoàn thành việc báo hiếu, trả nghĩa cho bố mẹ, ông bà. Hằng năm, người Tày có lễ tảo mộ với ý nghĩa sửa sang lại mồ mả của ông bà, cha mẹ, dòng họ vào dịp tết Thanh minh (mùng 3 tháng 3 âm lịch), và cúng tổ tiên vào các dịp tết trong năm như tết Nguyên đán, tết rằm tháng bảy (14/7 âm lịch), tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch).

     Ngoài ra, khi có việc hệ trọng như ma chay, cưới hỏi, làm nhà, đầy tháng con/cháu, cho con/cháu ra ở riêng… họ đều soạn mâm lễ để trình báo tổ tiên. Do ảnh hưởng của đạo Phật, nên vào ngày rằm và mùng 1 hằng tháng, người Tày thường đặt một đĩa hoa quả lên bàn thờ tổ tiên và thắp hương cho ông bà, tổ tiên.

     Hiện nay, do tác động của các yếu tố như môi trường, kinh tế, xã hội, văn hóa… cùng với quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, nghi lễ tang ma cũng như lễ mãn tang của người Tày dần biến đổi. Sự biến đổi đó, một mặt phù hợp với quy luật giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các tộc người xen cư, cộng cư, đồng thời phù hợp với những biến đổi về điều kiện tự nhiên, môi trường sống, xu thế thời đại; mặt khác, làm mai một các giá trị truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của người Tày. Chính vì vậy, việc đề xuất và thực hiện các giải pháp bảo tồn giá trị văn hóa trong bối cảnh hội nhập ngày nay là việc làm cần thiết.

     Mặc dù tang ma là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng ra đời từ rất lâu trong đời sống xã hội người Tày, nhưng nhờ thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nên những nghi lễ trong tang ma của người Tày hiện nay được tổ chức khoa học, rút ngắn thời gian tổ chức, giảm bớt nhiều thủ tục rườm rà, tốn kém, phát huy nhiều ưu điểm, giá trị văn hóa xã hội và giá trị khoa học. Người dân thực hành tín ngưỡng trong giới hạn sự cho phép của pháp luật, đúng quy định của Nhà nước, những mặt hạn chế trong tang ma dần được khắc phục.

     Có thể thấy rằng, các hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, dù ở mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng nó đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội của người Tày. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong tang ma của người Tày là việc làm cần thiết nhằm đóng góp cho công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     [1] Lương Thị Hạnh (2013), Tang ma của người Tày ở tỉnh Bắc Kạn, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

     [2] Nông Thị Loan (2012), Nghi lễ tang ma của người Nùng ở xã Ea Phê, huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk, Tạp chí Khoa học xã hội Tây Nguyên, số 3.

     [3] La Công Ý (2010), Đến với người Tày và văn hóa Tày, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [4] Nguyễn Thị Yên (2009), Tín ngưỡng dân gian Tày, Nùng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [5] Ủy ban nhân dân xã Ea Tam (2018), Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019, Đắk Lắk.

     [6] Ủy ban nhân dân xã Ea Tam, Ban Công an xã (2018), Bảng thống kê các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn (tính đến ngày 9/10/2018), ĐắkiLắk.

Nguồn: Khoa học xã hội Việt Nam, số 6 – 2019

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Lễ mãn tang của người Tày ở Đắk Lắk (Tác giả: Lài Thị Vân)