Lễ tang của người Khmer theo Phật giáo Nam tông ở Sóc Trăng hiện nay

FUNERAL OF THE THERAVADA BUDDHIST KHMER
IN SÓC TRĂNG PROVINCE, VIETNAM TODAY

Tác giả bài viết: Nghiên cứu sinh  NGUYỄN ĐỨC DŨNG
(Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam);
Thạc sĩ  VÕ THÀNH HÙNG (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ)

TÓM TẮT

     Bài viết này trình bày các vấn đề liên quan đến lễ tang, một sự kiện quan trọng trong nghi lễ vòng đời người, từ quy trình trong đám tang, nghi lễ sau đám tang, đến một số biến đổi trong tang ma và thờ cúng tổ tiên của người Khmer theo Phật giáo Nam tông ở Sóc Trăng hiện nay.

Từ khóa: người Khmer, tang ma, thờ cúng tổ tiên, Phật giáo Nam tông, Sóc Trăng.

ABSTRACT

     The article presented the issues related to the funeral, an important event in the life cycle rituals, from processes in the ceremonial funeral, after the funeral, some variation in mourning and ancestor worship of the Therevada Buddhist Khmer in Sóc Trăng province, Southern Vietnam.

Key words: The Khmer, funeral, ancestor, Theravada, Sóc Trăng.

x
x x

1. Quy trình lễ tang của người Khmer ở Sóc Trăng

     1.1. Công việc khi lâm chung

     Khi biết người thân sắp chết, con cháu phải để họ nằm trong một căn phòng riêng biệt, lập bàn thờ Phật ở phía đầu để hình ảnh Đức Phật ngự trị trong tâm hồn người lâm chung. Mỗi buổi tối, con cháu mời sư sãi hoặc Acha Duki (thầy cúng thông thạo việc tang lễ) đến tụng Kinh Apithom: “Đời là bể khổ, nếu muốn tránh khỏi mọi sự khổ ải trong thế gian, phải tu tập theo pháp tịch diệt, vô úy, quyết chí đoạn từ mọi cái duyên do, trong lòng giữ gìn mọi mối chính đạo chớ vương dính cảnh trần, đừng ham nhiều sự tục, thân tâm thanh tịnh thì chứng được quả Niết Bàn, thật là sung sướng”1. Kinh Apithom được đọc đi đọc lại để người sắp chết ra đi thanh thản, không luyến tiếc cảnh đời ô trọc.

     Tập tục nêu trên có từ truyện tích Phật giáo Nam tông như sau: “Ngày xưa, có 500 đệ tử của Pras Sêrây Poth, lúc còn đương thời làm nhiều điều độc ác, nên khi chết đi, họ đều đầu thai thành 500 con dơi cùng sống chung trong một hang núi. Một hôm, Pras Chetha Puth đi vào hang núi đó và ngồi tụng Kinh Apithom, 500 con dơi chăm chú nghe đến nỗi không hay biết quả núi sắp đổ. Quả nhiên, núi đá đổ và đè chết 500 con dơi mà bên tai chúng vẫn văng vẳng nghe tiếng Kinh Apithom. Sau khi chết, 500 con dơi đều đầu thai thành con người. Trở lại với kiếp người, họ đã thức tỉnh, chỉ biết làm điều lành, tránh điều ác, khổ luyện tu tâm, dưỡng tính. Và khi đi tu, họ đều trở thành chính quả”2.

     Một truyện tích khác được ghi trong kinh sách Phật giáo Nam tông: Pras Bath Asêkas Reachea là một vị vua anh minh, thích làm việc thiện, một hôm bị bệnh nặng được vị thần mách còn bảy ngày nữa sẽ chết và sẽ được lên cõi Niết Bàn. Nghe vậy, vị vua này sung sướng nằm chờ ngày chết. Nhưng các vị hoàng tử nghe tin vua sắp băng hà vội vàng vào trong cung tranh giành ngôi báu. Duy chỉ một vị hoàng tử không màng danh lợi, lặng lẽ bỏ triều đình đi tu. Ông vua quyết định nhường ngôi cho vị hoàng tử hiền lành. Nhưng các hoàng tử khác không bằng lòng, kéo nhau đến tranh giành ngôi báu làm cho ông vua quá tức giận mà chết. Vì vậy, ông không được lên cõi Niết Bàn mà đầu thai thành Kal Neak (con rồng khổng lồ) sống cô độc trong một khu rừng hoang, chuyên bắt các con thú khác ăn thịt. Vị hoàng tử tu hành chính quả, thấy cha mình sống khổ sở rất đau lòng mới tìm đến khuyên: Từ nay, xin cha đừng bắt các con thú khác ăn thịt mà quyết chí tu hành. Từ đó, vị vua rồng tu tâm dưỡng tính, không bắt các con thú khác ăn thịt, chịu nhịn đói khát mà chết và được lên cõi Niết Bàn.

     Dựa vào truyện tích này, người Khmer không khóc than và kể lể khi người thân sắp mất, vì sợ họ mất tập trung nghe kinh Phật. Người Khmer cho rằng, người trước khi chết mà không nghe được kinh Phật là người vô phúc.

     1.2. Công việc sau khi tắt thở

     Sau khi một người Khmer đã chết, ông Acha Duki bắt đầu thắp Tean Kal đặt ở bên phải xác chết. Đó là cái ô/ bình đựng nước hương (tưkop) và bốn cây nến gắn chặt trên hai thanh tre gác chéo nhau ở miệng ô nước. Ô nước là biểu tượng cho một đời người chìm nổi, còn bốn cây nến biểu tượng Tứ đại (đất, nước, lửa, gió).

     Ngoài ra, người ta còn làm bốn cái Slathô bằng thân cây chuối dùng để cắm hương hoa, đèn nến, trầu cau; bốn cái Tông Prôlưng/ cờ hồn hình con rồng hoặc con cá sấu, từ nhiều mảnh vải trắng kết lại. S’lathô và Tông Prôlưng được đặt bốn hướng xung quanh xác chết.

     Xong xuôi, người ta đánh trống báo cho bà con trong phum sóc biết có người mới qua đời. Khi nghe tiếng trống, mọi người sắp xếp công việc đến chia buồn cùng gia đình người quá cố. Người Khmer chia buồn chủ yếu bằng cách cúng tiền và được tang chủ mời cơm rượu. Cờ hồn to được treo ở dọc bên đường và trước ngõ nhà tang chủ để mọi người biết mà đến chia buồn.

     Cũng lúc này, Acha Duki bỏ vào miệng người chết một đồng bạc trắng với quan niệm họ có tiền ăn đường và kiếp sau ăn nói “phun châu nhả ngọc”; hướng dẫn người thân tắm rửa tử thi bằng nước ướp hương và thay quần áo mới, với quan niệm người chết phải được gột rửa sạch tội lỗi. Người chết được đặt nằm thẳng tay chân, phủ kín vải trắng (Rum sa) từ đầu đến chân. Muốn để người chết lâu ngày, tử thi được quấn thêm một lớp vải dầu. Trên bụng thi hài đặt một nải chuối sống với ngụ ý, con người như cây chuối, khi có quả thì cây chết. Bởi vậy, sự sống chết của con người là quy luật tự nhiên, không phải sợ. Trên ngực thi hài để ba lá trầu ghim ba cây hương, xoay ngọn về hướng đầu, ý nói người chết chỉ mang theo lời kinh và hình ảnh Đức Phật. Đây cũng là hướng để linh hồn mang đi làm lễ cúng tháp đựng hài cốt của Đức Phật, gọi là Cho-tla mô ni chét đei. Tục lệ này bắt nguồn từ một truyện tích trong kinh sách Phật giáo: “Ngày xưa, có một người chuyên sống bằng nghề săn thú. Trong cuộc đời, ông đã giết biết bao nhiêu loài thú không kể xiết. Đến khi bị bệnh sắp chết, ông thấy các loài thú bị giết đến đòi mạng. Ông rất đau đớn và khổ sở. Con trai của ông là Tỳ khưu, thấy cha đau đớn như vậy mới lấy lá trầu xanh ghim vào cây hương đặt lên ngực ông mà nói rằng: Cha đừng nghĩ vẩn vơ nữa, mà chỉ nghĩ đến Đức Phật mà thôi. Nhờ thế, ông không còn nghĩ lung tung nữa mà chỉ một lòng hướng về Đức Phật cho đến khi nhắm mắt”3.

     Phía trên đầu người chết đặt một cái thúng Têan t’bôn, đựng lễ vật dành riêng trả lễ cho Acha Duki. Lễ vật đựng trong thúng Têan t’bôn, gồm: sáu lít gạo, 2,2 mét vải trắng, một nải chuối chín, một quả dừa khô bỏ vỏ, một con gà luộc, một chai rượu, một Ăng Ko Kôl (gạo, tiền và cặp nến), một Salachôm cắm trên thân cây chuối, bốn bát ăn cơm, bốn đôi đũa, một nồi đất, một con dao nhỏ và một cái đèn cóc. Dưới chân thi hài đặt một lon đất cát gọi là Chơng thúp để người thân cắm hương và di ảnh của người chết.

     1.3. Công việc khâm liệm

     Trước khi khâm liệm, tang chủ mời hai ông lục đến tụng kinh vẩy nước thơm (Ôi pô tưk). Người Khmer quan niệm, việc sư sãi đến đọc kinh vẩy nước thơm khắp nhà là để tống tiễn những đều không may, rồi mới tụng kinh cầu siêu cho người chết. Khi đóng quan tài, các vật cúng được sắp xếp lên nắp quan tài ở các vị trí như trên thi hài lúc chưa khâm liệm. Thi hài được buộc thắt nút ở cổ, cổ tay và cổ chân với ngụ ý người chết vẫn còn “nợ đời” bởi con cái, vợ/ chồng và của cải. Ngoài ra, hai đầu và chính giữa quan tài thắp ba cây nến to tượng trưng cho Phật/ Đức Phật (Pras puth), Pháp/ kinh sách nhà Phật (Pras tho) và Tăng/ tu sĩ Phật giáo (Pras son). Các cây nến này cháy suốt đêm ngày cho đến khi đem quan tài đi hỏa táng. Dưới quan tài đốt “lửa ướp” gọi là Đot phlơng âb nhằm giữ hơi ấm thường xuyên và tránh mùi hôi do sự phân hủy thân xác người quá cố. Ngoài ra, ở phía trên đầu quan tài có một cờ hồn hình cá sấu bằng vải trắng cột trên cây gọi là cờ hiệu của linh hồn. Quan tài có thể để trong nhà từ một đến ba đêm. Buổi tối, tang chủ mời sư sãi đến tụng kinh dẫn dắt linh hồn người quá cố tìm về cõi Niết Bàn.

     1.4. Công việc động quan, di quan và hỏa thiêu/ chôn cất

     Người Khmer quan niệm, linh hồn cá thể (Átma) tách ra từ linh hồn vũ trụ (Brahma). Khi người chết, linh hồn cá thể trở về với linh hồn vũ trụ, bởi thế phải hỏa táng để thể thân xác chóng tiêu tan, linh hồn chóng mát mẻ.

     Lễ hỏa táng của người Khmer ở Sóc Trăng được mô phỏng theo lễ hỏa táng của Đức Phật xưa kia. Trước khi di quan, người ta làm lễ động quan. Sư sãi tụng kinh truy điệu (Thom son vêk) người chết trong khúc nhạc ngũ âm buồn với những lời ca như sau:

“Thương thay thân phận con người,

Khi sanh khi diệt vốn thật vô thường.

Đã sinh ra là kiếp con người,

Dẫu bất cứ ai rồi cũng phải chết”4.

     Tiếp theo, Acha Duki làm lễ tụng năm điều quán tưởng (Otarapa) thể hiện triết lý không cầu sinh của Đức Phật: “Cảnh vật tuy là tươi tốt, khi sanh khi diệt vốn thật vô thường. Cho nên, muốn tránh mọi sự khổ báo trong thế gian thì phải tu tập theo pháp tịch diệt vô úy, quyết chí đoạn trừ mọi cái duyên do, trong lòng giữ gìn mọi mối chính đạo, chớ vướng dính cảnh trần gian”. Trong lễ tụng, Acha Duki và các Acha Ph’luk tay cầm hương hoặc nến đang cháy đi ngược chiều kim đồng hồ ba vòng quanh quan tài, miệng đọc tụng Ottarapa như sau:

“Thế Tôn lời dạy tỏ tường,

Năm điều quán tưởng phải thường xét ra.

Ta đây phải có sự già,

Thế nào tránh thoát lúc qua canh tàn.

Ta đây bệnh tật phải mang,

Thế nào tránh được đặng an mạnh lành.

Ta đây sự chết sẵn dành,

Thế nào thoát khỏi tử sanh đến kỳ.

Ta đây phải chịu phân ly,

Nhơn vật quý mến ta đi biệt mà.

Ta đi với nghiệp của ta,

Dẫu cho tốt xấu tạo ra tự mình.

Theo ta như bóng theo hình,

Ta thọ quả báo phân minh kết thành”5.

     Sau đó, giữa tiếng trống, tiếng cồng và tiếng nhạc ngũ âm, tám thanh niên khiêng quan tài ra ngoài sân. Ở đây, hai chiếc kiệu đã được chuẩn bị sẵn: một kiệu che màn xung quanh dành cho một vị sư ngồi tụng kinh cầu phúc, một kiệu để khiêng quan tài (thường gọi là nhà vàng).

     Khi tiễn đưa linh cữu đến nơi hỏa táng, nếu nhà khá giả thì trải chiếu hoa từ nhà đến nơi an táng, còn nhà nghèo khó thì trải một đoạn ngắn. Dẫn đầu đám tang là người đánh trống và dàn nhạc ngũ âm; kế tiếp là Acha Duki cầm cờ hồn, hương đèn và chiếc nồi đất buộc dây treo lên đầu cây gậy, ngụ ý đời người mong manh như chiếc nồi đất, vỡ lúc nào không biết; tiếp theo là kiệu nhà sư, con cháu đầu đội thúng Tean tbôn, cầm di ảnh người chết, nhất là mang thúng Leach (lúa rang) và bông gòn để rải dọc đường, ngụ ý phúc (Bonh) và tội (Bap) không thể trộn với nhau; sau đó là họ hàng thân thuộc rồi đến nhà vàng; cuối cùng là bà con trong phum sóc. Từ kiệu ông lục đến nhà vàng được nối với nhau bằng một sợi dây vấn bằng cỏ gianh hoặc vải trắng gọi là Sbân phleang vừa để người đưa tang đi trật tự, vừa có ý quan hệ họ hàng mật thiết như là sợi dây nên phải biết đoàn kết thương yêu lẫn nhau. Đồng thời, sợi dây cũng mang triết lý con người đều phải chết, đó là một quy luật. Vì vậy, nắm vào sợi dây là nằm trong quy luật của tạo hóa vậy.

     Đến nơi hỏa táng, Acha Duki cho đặt quan tài xuống, sư sãi lại tụng kinh cầu siêu cho người quá cố. Sau khi đọc kinh tiễn biệt, Acha Duki mở che mặt người chết cho con cháu nhìn lần cuối cùng. Tiếp đó, quan tài được đưa vào lò thiêu. Khi lửa thiêu cháy đỏ rực, nhà sư làm lễ xuống tóc, phát cà sa cho người con trai hoặc cháu trai nào muốn tu hành báo hiếu với người quá cố.

     Sau khi thiêu xong, Acha Duki đánh ba tiếng cồng báo cho con cháu ra nhặt xương. Sau khi tưới nước thơm lên đống than, con cháu nhặt xương bỏ vào mâm có lót vải trắng, đội về nhà, để lên bàn thờ, rồi gửi vào chùa. Hiện nay, ở một số nơi, người Khmer không hỏa thiêu mà chôn người chết, đến khi có điều kiện mới bốc cốt, rồi hỏa táng theo nghi thức truyền thống. Tất cả nghi lễ thiêu xương cốt cũng giống với tục hỏa thiêu.

     1.5. Công việc sau hỏa thiêu/ chôn cất

     Sau hỏa thiêu/ chôn cất, buổi tối, tang chủ tiếp tục mời sư sãi tụng kinh cầu siêu cho người chết và cầu phúc cho gia chủ. Sáng hôm sau, gia đình dâng cơm lên sư sãi mới chấm dứt lễ tang.

     Những gia đình Khmer khá giả còn tổ chức lễ dâng phúc (Banh Đa) sau khi người chết được bảy ngày và lễ cầu siêu (Băng S’kôl) hoặc lễ đại cầu siêu (Ophisêk) để nhớ ơn cha mẹ. Lễ này không ấn định thời gian, nên có thể tiến hành bất cứ lúc nào thuận tiện. Ngoài những lễ vật thường cúng, còn có áo cà sa, chăn màn, bát đĩa,… dâng cho các nhà sư đem về sau buổi lễ. Ngụ ý, những vật dụng đó dành cho người thân đã khuất tiếp tục dùng ở thế giới bên kia.

     Nghi lễ được tiến hành theo nghi lễ Phật giáo: các buổi sáng – trưa – chiều – tối đều tụng kinh, dâng cơm cho sư sãi vào buổi sáng và buổi trưa, dâng đường sữa vào buổi tối. Đặc biệt, vào lúc rạng đông, sau khi tám ông lục tụng Kinh Chhay – Dontô để tưởng nhớ ngày Đức Phật thắng ma Vương dưới gốc cây Bồ đề, ông Acha Duki liền đánh ba tiếng cồng báo hiệu mọi người đến chắp tay lạy chào mừng Đức Phật đắc đạo. Sau đó, người ta tiếp tục đọc kinh cầu phúc cho gia chủ, cầu siêu cho người quá cố, dâng cơm sáng cho sư sãi, kết thúc lễ tang.

2. Một số nghi lễ sau đám tang của người Khmer ở Sóc Trăng

     2.1. Lễ Banh Khuôp

     100 ngày hoặc 1 năm sau khi ông bà cha mẹ chết, những gia đình Khmer khá giả thường tổ chức lễ Banh Khuôp, mời đông đảo bà con họ hàng và người thân ăn uống linh đình. Các nhà sư trong phum sóc và đông đảo Phật tử được mời đến đọc kinh cầu an và cầu siêu cho người đã mất. Lễ Banh Khuôp được tổ chức trong một đêm và thêm một buổi theo nghi thức Phật giáo ở nhà hoặc khoảng sân gần nhà. Những gia đình Khmer khó khăn thường đợi đến ngày lễ cúng ông bà (Sênh Đôlta), mới mang đồ lễ và một ít tiền đi lễ chùa.

     2.2. Lễ Sênh Đôlta

     Lễ Sênh Đôlta/ lễ cúng ông bà là một nghi lễ truyền thống mang đậm tính nhân văn của người Khmer. Nghi lễ này đã được ghi chép trong kinh điển của Phật giáo Nam tông. Theo đó, ngày xưa, ở trong hoàng cung một vương quốc nọ, đêm đêm người ta thường nghe tiếng gào khóc thảm thiết. Nhà vua cho mời Đức Phật đến và hỏi nguyên nhân của những âm thanh đó. Đức Phật giải thích, đó là tiếng vong hồn của những kẻ không nơi nương tựa, không người thờ cúng. Muốn hết âm thanh đó phải nấu cơm vo thành nhiều nắm tròn để xung quanh hoàng cung, mời các vong hồn đến ăn. Nghi thức này phải làm liên tục trong vòng 15 ngày, đến ngày cuối cùng phải dâng cơm và mời sư sãi làm lễ cầu siêu cho các vong hồn ấy. Sau khi làm theo lời Đức Phật, hoàng cung không còn nghe tiếng gào khóc thảm thiết nữa.

     Hằng năm, từ ngày 16 đến ngày 30 tháng Phêt-tro-bết (tháng 8 âm lịch), người Khmer ở Sóc Trăng tổ chức lễ cúng trong 15 ngày để nhớ ơn ông bà, cha mẹ và người thân đã khuất, cầu cho vong hồn họ được siêu thoát.

     Các Wel (tổ chức tín đồ của Phật giáo Nam tông) thay phiên nhau thực hiện lễ cúng ông bà liên tục trong vòng 15 ngày. Tổ trưởng các Wel (Mê wel) tổ chức quyên góp gạo tiền của các gia đình trong tổ, mua sắm đồ lễ dâng lên cho sư sãi. Vào buổi tối, họ nấu cơm, vắt thành từng nắm cùng với bánh trái dâng lên chính điện cúng Tam bảo và mời sư sãi tụng kinh cầu siêu cho người đã mất. Sau đó, họ mang cơm để xung quanh chính điện. Bên cạnh đó, họ còn làm lễ thụ giới và mời các nhà sư thuyết pháp. Đến buổi chiều ngày thứ 15, người Khmer dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ Phật, làm mâm cơm cúng người thân đã khuất. Đáng chú ý là, họ cho thức ăn vào bẹ chuối, đặt cạnh hàng rào, cắm một cây hương mời ma quỷ đã đưa tổ tiên về vui lễ và trở lại nơi cũ. Bởi vì, theo quan niệm người Khmer, ma quỷ không dám cùng ăn với tổ tiên nên phải cho ăn riêng.

     Sáng sớm ngày thứ 16, các gia đình Khmer trong phum sóc mang đồ lễ lên chùa mời sư sãi tụng kinh cầu siêu cho người đã mất lên cõi Niết Bàn hoặc đầu thai kiếp khác được sung sướng hơn. Đến chiều, nhiều gia đình trở về nhà làm lễ cúng tiễn đưa tổ tiên. Họ đựng thức ăn trong thuyền làm bằng bẹ chuối để tổ tiên mang theo ăn dọc đường về Âm Phủ. Lễ Sênh Đôlta kết thúc bằng việc đưa thuyền đựng thức ăn mang ra sông thả trôi.

     2.3. Một số biến đổi trong tang ma và thờ cúng tổ tiên

     Mặc dù được xem là một sự kiện quan trọng trong nghi lễ vòng đời người, nhưng người Khmer vẫn thấy việc tổ chức lễ tang theo truyền thống gây tốn kém về thời gian và tiền của. Một số nơi, do giao lưu văn hóa với người Việt và người Hoa, nên người Khmer cũng chịu tang người thân đã khuất trong vòng 100 ngày, mang tang phục màu trắng, v.v… Cách thức báo tin người qua đời của đồng bào Khmer hiện nay cũng thay đổi: dùng loa đài trong phum sóc thông báo thay vì hình thức đánh trống truyền thống. Trong quá trình thực hiện lễ tang, nhiều nghi thức được giản lược như: đâm thủng quần áo và vật dụng của người chết, làm nước thơm, làm sợi dây Sbâu phleang, v.v… Nghi thức con cháu tu báo hiếu tổ tiên sau lễ hỏa thiêu vẫn được tiến hành nhưng chỉ mang tính hình thức với thời gian có thể chỉ nửa ngày.

     Việc thờ cúng trong gia đình, nhất là thờ cúng tổ tiên của người Khmer hiện nay cũng có những thay đổi. Nhiều gia đình Khmer đặt bàn thờ tổ tiên chính giữa ngôi nhà giống như của người Hoa và người Việt, chứ không nhất thiết phải quay về hướng Đông như trước đây. Ngoài ra, trước đây, người Khmer chỉ thờ Đức Phật Thích Ca6. Ngày nay, nhiều gia đình còn thờ Phật Bà Quan Âm, Ông Thiên (Tcuon tevoda) – một đối tượng thờ cúng phổ biến ở người Hoa và người Việt. Thờ Ông Thiên được xem là “tàn dư của loại hình tín ngưỡng sơ khai của cư dân bản địa Nam Á hoặc do sự giao lưu văn hóa mà đi vào quan niệm thờ cúng của người Khmer”7.

     Ngày nay, do tiếp thu văn hóa người Việt và người Hoa, nhiều gia đình người Khmer không thờ cúng tổ tiên trong chùa như truyền thống nữa, mà lập bàn thờ tổ tiên trong nhà; tin linh hồn cũng cần ăn uống, nên phải cúng người chết hằng ngày từ lúc hỏa thiêu/ an táng cho đến hết 100 ngày; tổ chức cúng tuần/ thất, (bảy ngày/ lần), cho đến hết 49 ngày (bảy thất); tiến hành lễ 100 ngày (Banh khuap).

     Cách thức hỏa thiêu của người Khmer hiện nay cũng có những thay đổi tích cực. Trước đây, người chết thường được thiêu trần ở cánh đồng, bìa rừng gây ô nhiễm môi trường. Thời gian gần đây, nhiều nơi xây dựng lò thiêu trong chùa hoặc trong cộng đồng theo quy trình khép kín, mặc dù vẫn sử dụng nhiên liệu chính là củi và dầu lửa.

     Những thay đổi trong tang ma và thờ cúng tổ tiên của người Khmer ở Sóc Trăng nêu trên chủ yếu để thích nghi với hoàn cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội trong thực tại. Mặc dù vậy, nếu so sánh với các tỉnh thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có thể thấy, nghi lễ tang ma và thờ cúng tổ tiên của người Khmer ở Sóc Trăng hiện vẫn còn bảo lưu khá tốt yếu tố văn hóa truyền thống.

3. Kết luận

     Lễ tang của người Khmer ở Sóc Trăng, một sự kiện quan trọng của nghi lễ vòng đời người, thể hiện đậm đà bản sắc của một tộc người có nền văn hóa truyền thống lâu đời dung hợp cả Bà La Môn giáo và Phật giáo Nam tông. Việc giao thoa giữa các nền văn hóa thể hiện qua lễ tang và thờ cúng tổ tiên, đã tạo ra cho người Khmer ở Sóc Trăng một bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam./.

     Chú thích:

     1. Trần Văn Bổn (2002), Phong tục và nghi lễ người Khmer Nam Bộ, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội: 97.

     2. Trần Văn Bổn (2002), Phong tục và nghi lễ người Khmer Nam Bộ, sđd: 98.

     3. Trần Văn Bổn (2002), Phong tục và nghi lễ người Khmer Nam Bộ, sđd: 101 – 102.

     4. Trần Văn Bổn (2002), Phong tục và nghi lễ người Khmer Nam Bộ, sđd: 105.

     5. Trần Văn Bổn (2002), Phong tục và nghi lễ người Khmer Nam Bộ, sđd: 106.

     6. Phan Thị Yến Tuyết (1993), Nhà ở trang phục ăn uống của các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 141.

     7. Thạch Voi (1988), “Khái quát về người Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, trong Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang: 79.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Phan An (2009), Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

     2. Trần Văn Bổn (2002), Phong tục và nghi lễ người Khmer Nam Bộ, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

     3. Nguyễn Mạnh Cường (2008), Vài nét về người Khmer Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

     4. Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Thị Minh Ngọc (2005), Tôn giáo, tín ngưỡng của các cư dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Phương Đông.

     5. Lê Tâm Đắc, Nguyễn Đức Dũng, “Quần thể di tích chùa Khleáng ở Sóc Trăng”, trong Đỗ Quang Hưng chủ biên (2001), Tôn giáo và mấy vấn đề tôn giáo Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

     6. Trần Hồng Liên chủ biên (2002), Vấn đề dân tộc và tôn giáo ở Sóc Trăng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

     7. Phan Thị Yến Tuyết (1993), Nhà ở trang phục ăn uống của các dân tộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

     8. Thạch Voi (1988), “Khái quát về người Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, trong Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Tổng hợp Hậu Giang.

Nguồn: Nghiên cứu Tôn giáo, số 03 (129), 2014, 73-82

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Lễ tang của người Khmer theo Phật giáo Nam tông ở Sóc Trăng hiện nay
(Tác giả: Nguyễn Đức Dũng; Võ Thành Hùng)