Lê Thánh Tông với văn hóa dân tộc

Tác giả bài viết: LÊ THỊ THÙY LY
(Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Lê Thánh Tông là nhân vật lịch sử nổi bật của đất nước ta ở thế kỉ XV, đồng thời có những ảnh hưởng lớn về nhiều mặt đối với những thời đại sau. Di sản mà ông để lại chính là sự kết hợp hài hoà những thành tựu văn hoá lớn của phương Đông với văn hoá truyền thống của người Việt, thể hiện trên các khía cạnh như ý thức hệ tư tưởng, tổ chức bộ máy nhà nước, luật pháp, tôn giáo – tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, tập quán pháp, ngôn ngữ dân gian. Lê Thánh Tông đã Việt hoá Nho giáo, từng bước khiến nó trở thành bộ phận hữu cơ của văn hoá dân tộc, kế thừa phát huy vốn văn hóa dân gian truyền thống.

Từ khóa: Lê Thánh Tông, văn hóa, di sản.

Phân loại ngành: Văn hóa học.

ABSTRACT

     King Le Thanh Tong was a prominent historical figure of Vietnam in the 15th century, who had great influence in various domains on later generations. His legacy is the harmonious combination of the great cultural achievements of the Orient with traditional Vietnamese culture, which is reflected in such aspects as ideology, state apparatus organisation, law, religions and beliefs, folk arts, customary laws, and the folk language. Le Thanh Tong “Vietnamised” Confucianism, gradually making it an organic part of the national culture, inheriting and bringing the traditional folk culture into full play.

Keywords: Le Thanh Tong, culture, heritage.

Subject classification: Cultural studies.

x
x x

1. Mở đầu

     Lê Thánh Tông (1442-1497), vua thứ năm thời Lê sơ, là một trong những vị vua có thời gian tại vị và nắm thực quyền lâu nhất lịch sử Việt Nam. Dưới sự trị vì quyết đoán của ông, Đại Việt đã bước vào giai đoạn phồn thịnh về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và quân sự trong suốt nửa cuối thế kỉ XV. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Lê Thánh Tông cũng mở rộng đáng kể lãnh thổ Đại Việt sau nhiều cuộc chiến với các nước xung quanh như Chiêm Thành, Ai Lao và Bồn Man. Các thành tựu về nội trị và đối ngoại của Lê Thánh Tông đã đưa Đại Việt trở thành một cường quốc lớn mạnh trong khu vực Đông Nam Á, cũng như đã khiến nền quân chủ Việt Nam đạt đến đỉnh cao hoàng kim nhất của nó, trước và sau không có thời vua nào của Việt Nam đạt được sự thịnh vượng như thời này. Trong gần 40 năm cầm quyền, Lê Thánh Tông đã tạo lập cho thời đại ông một nền văn hóa với diện mạo riêng, khẳng định bước phát triển mới của lịch sử văn hóa dân tộc. Bài viết này đề cập những đóng góp to lớn của Lê Thánh Tông cho văn hóa Việt trên hai phương diện: xây dựng nền văn hóa Nho giáo mang bản sắc dân tộc và kế thừa, phát huy vốn văn hóa dân gian2.

2. Xây dựng nền văn hoá Nho giáo mang bản sắc dân tộc

     2.1. Xây dựng hệ tư tưởng

     Nho giáo mà Lê Thánh Tông theo đuổi có những nét khá riêng so với khuôn mẫu của Nho giáo Trung Quốc. Nói đến đạo làm người, đến nhân và nghĩa, Lê Thánh Tông chủ yếu tập trung vào các vấn đề thực tiễn. Ông khẳng định đạo lớn của đế vương là “thương yêu dân chúng”, sao cho “dân chúng được ấm no” và rồi tiến tới mọi nhà đều “giàu đủ, yên vui”. Trên tất cả, ông đề cao nhân dân và đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Lê Thánh Tông đã kết hợp hài hoà khái niệm nhân nghĩa trong tư tưởng Nho giáo với truyền thống dân bản của các triều đại Việt trước đây.

     Tuy cũng tiếp thu luận điểm cơ bản của Nho giáo về lễ, nhưng “đạo cương thường của Lê Thánh Tông cụ thể và thiết thực hơn, hợp lí và dân chủ hơn” [16, tr.315]. Thứ nhất, về các quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm, quan điểm của Lê Thánh Tông đã gặp gỡ văn hoá dân tộc khi đề cao khía cạnh tình nghĩa. Bản giáo huấn 24 điều ban hành xuống làng xã năm 1470 nhấn mạnh tới trách nhiệm của người làm cha mẹ, tình cảm vợ chồng, tình cảm anh em trong gia đình, tình cảm họ hàng, làng mạc…, trách nhiệm đó không nằm ngoài đạo đức truyền thống của người Việt. Nho giáo đề xướng phương pháp quản lí xã hội xuất phát từ tổ chức nhỏ nhất là gia đình – gia tộc. Nho giáo chủ trương xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa cá nhân với gia đình, gia tộc để đem lại sự bền vững từ bên trong, sự ổn định từ cơ sở cho toàn thể xã hội, đồng thời tạo nên một môi trường tu dưỡng đạo đức lâu dài đối với mỗi cá nhân. Đường lối xây dựng này cũng như củng cố đạo đức này có những khía cạnh tích cực (trong đó, khía cạnh tích cực nhất là tạo lập mối quan hệ giữa nhận thức đạo đức với hành vi đạo đức). Lê Thánh Tông đã gắn kết các quan điểm tiên tiến nói trên của Nho giáo với truyền thống dân tộc. Như một học giả nhận xét, những yếu tố văn hoá Khổng giáo khi kết hợp với các giá trị văn hoá bản địa tương ứng “trên chừng mực nào đó đã được cấu trúc lại cho phù hợp với tâm thế Việt Nam” [15, tr.215]. Thứ hai, Lê Thánh Tông đề cao tính chất hai chiều trong các mối quan hệ cơ bản của xã hội Nho giáo (các quan hệ vua tôi, vợ chồng, cha con), nhấn mạnh đến trách nhiệm của người làm vua, làm chồng, làm cha thay vì chỉ đề cập đến bổn phận của kẻ làm tôi, làm vợ, làm con3   . Điều đó thể hiện trong luật pháp, đạo dụ, huấn thị, thơ văn và cả trong hành động thực tế của ông. Ông thường xuyên tự nhắc nhở mình về vai trò của người đứng đầu đất nước. Với đạo vợ chồng, ông đề cao việc sống có tình nghĩa, đặc biệt còn cho ban hành những quy định chặt chẽ về nghĩa vụ của người chồng mà cổ luật của những nước Nho giáo khác không có. Với đạo cha con, ông khẳng định vị trí của người cha, đồng thời cũng công nhận những quyền cơ bản của người con. Trong khi đó, Nho giáo Trung Hoa, theo thời gian, đã bất bình đẳng hoá các mối quan hệ này đến mức hoàn toàn cực đoan.

     Như vậy, tư tưởng Nho học theo quan điểm Lê Thánh Tông không giáo điều như tư tưởng Nho giáo ở quê hương nó mà đã tiếp biến với truyền thống văn hoá Việt, vốn chứa đựng những đặc trưng lâu đời của công xã nông thôn – duy cảm và dân chủ. Nho giáo, lẽ tất nhiên, không phải không có hạn chế, vì nó hướng tới việc điều hoà quan hệ xã hội qua tư tưởng quân quyền và ý thức tôn ti trật tự, trong khi như ta vẫn biết, mâu thuẫn mới là điều kiện để xuất hiện cái mới. Tuy nhiên, tư tưởng quân quyền và ý thức tôn ti trật tự thì gần như mọi học thuyết truyền thống của Trung Hoa đều có, và về mức độ “không đâu bằng Pháp gia”, còn các yếu tố như nhân quyền, nhân đạo, nhân sinh… thì chỉ Nho giáo của Khổng Tử mới đề cập đến “một cách cặn kẽ, nhiều mặt” [21, tr.15]. Sự lựa chọn của Lê Thánh Tông đã đạt đến tầm cao nhất của tư tưởng mà điều kiện lịch sử xã hội của một quốc gia trong quĩ đạo chính trị Đông Á cho phép, đặc biệt nếu so sánh với không ít triều đại của chính người Việt trước đó về bản chất chủ yếu dùng Pháp gia để trị quốc, ví dụ như nhà Trần [21, tr.114].

     2.2. Xây dựng bộ máy nhà nước

     Lê Thánh Tông có ý thức xây dựng một nhà nước tập quyền nhằm nâng cao năng lực quốc phòng trong tình thế thường xuyên bị phương Bắc nhòm ngó, cũng như để ngăn ngừa tình trạng cát cứ – những điều gây cản trở đối với việc phát triển đất nước; nhưng mặt khác, ông vẫn cho duy trì sự tự trị tương đối của làng xã trong mối quan hệ với chính quyền trung ương nhằm phát huy tính năng động của cơ sở ở mức độ nhất định. Đó là nét khá đặc biệt đối với bộ máy tổ chức của một quốc gia theo Nho giáo.

     Trong thời gian cầm quyền, Lê Thánh Tông đã xây dựng nên một nhà nước phong kiến quan liêu hoàn chỉnh, thậm chí đạt đến mức cổ điển. Không lâu sau khi lên ngôi, cải cách hành chính đã được ông cho tiến hành với các nội dung: tinh giản bộ máy quản lí (nhằm đảm bảo sự chỉ đạo trực tiếp của trung ương), tuyển chọn nhân lực chủ yếu qua khoa cử, điều chỉnh địa giới, tăng cường công tác thanh tra… Đến năm 1471, bộ máy nhà nước theo mô hình mới đã hoàn thiện, cơ cấu tổ chức khá chặt chẽ trong sự liên đới và kiểm soát lẫn nhau, “so với Bắc triều còn kĩ càng hơn” [14, tr.95]. Đặc biệt, nhà nước phong kiến quan liêu thời Lê là một bước phát triển về mặt dân chủ so với nhà nước phong kiến quý tộc thời Lý, Trần. Mặc dù chưa có sự thống nhất hoàn toàn trong các định nghĩa về “dân chủ”, nhưng có hai nguyên tắc mà bất kỳ một định nghĩa nào về khái niệm này cũng phải đưa vào. Đó là, thứ nhất, mọi thành viên của xã hội đều có cơ hội tiếp cận với quyền lực một cách bình đẳng, và thứ hai, tất cả đều được hưởng các quyền tự do được công nhận rộng rãi. Với việc xây dựng bộ máy nhà nước trên cơ sở khoa cử, Lê Thánh Tông đã làm được điều thứ nhất4. Sở dĩ chúng tôi nói như vậy là bởi, qua khoa cử, mọi người dân, không kể thành phần xuất thân, đều có thể tham gia vào bộ máy chính trị đương thời nếu đủ năng lực. Tuy không phải khoa cử chỉ gắn với Nho giáo và đến Lê Thánh Tông người Việt mới có, song ông chính là người đầu tiên chủ trương tuyệt đối hoá việc tuyển chọn nhân lực cho chính quyền theo hình thức này. So với chế độ phong kiến quý tộc thời Lý và nhất là chế độ phong kiến quý tộc phần nào mang tính gia đình trị thời Trần thì đây là một cải cách rất tiến bộ. Với sự thúc đẩy tối đa hoạt động giáo dục – khoa cử, tỉ lệ người có học so với dân số của Đại Việt đã ở vào loại cao trên thế giới bấy giờ [23, tr.133]. Việc tăng cường hoạt động giáo dục – khoa cử dưới thời Lê Thánh Tông thực sự đã mở ra cơ hội phát triển cho mọi tầng lớp nhân dân mà hiếm triều đại nào trước và sau đó sánh được.

     Như trên đã nói, một nhà nước tập quyền là cần thiết, nhưng lại có mặt hạn chế là ít nhiều làm giảm mức độ năng động và tự chủ của cơ sở. Lê Thánh Tông đã khắc phục điều này bằng cách thừa nhận tính độc lập tương đối của địa phương qua việc khẳng định hiệu lực của tập quán pháp. Dưới thời Lê Thánh Tông, luật “nhà nước” và luật “địa phương” song song tồn tại, tạo nên một bức tranh luật pháp đa màu sắc.

     2.3. Xây dựng luật pháp

     Nho giáo chủ trương lễ trị nhưng vẫn thừa nhận sự cần thiết của luật pháp. Tuy nhiên, Nho giáo nhấn mạnh đến sự kết hợp giữa lễ trị và pháp trị, vì vậy, khác với Pháp gia, Nho giáo coi hình không phải là mục đích mà là phương tiện [21, tr.111]. Với việc tiếp thu quan điểm Nho giáo, luật pháp dưới thời Lê Thánh Tông đã giảm thiểu những hạn chế vốn có của các bộ luật đi trước khi đảm bảo cả tính nhân đạo và nghiêm minh, như giới nghiên cứu nhiều lần khẳng định. Đáng chú ý là, tuy nội dung một số điều trong Quốc triều hình luật chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa, nhưng nhìn chung chúng đều được điều tiết sao cho phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc. Việc này thể hiện rõ nhất trên khía cạnh hôn nhân – gia đình. Tính chất tuyệt đối định đoạt, tuyệt đối phục tùng trong quan hệ vợ chồng, cha con và tư tưởng trọng nam khinh nữ của Nho giáo Trung Hoa đã được khắc phục đáng kể. Đó là kết quả của việc các nhà làm luật chấp nhận và hoà nhập các truyền thống văn hóa của dân tộc, điều phản ánh trung thực địa vị thực tế của người phụ nữ trong xã hội cũng như đặc điểm gia đình người Việt, vào luật pháp, cho dù có mâu thuẫn nhất định với quan điểm Nho giáo [7,tr.432].

     Lê Thánh Tông đã chủ trương dung hoà một cách hết sức sáng tạo quan điểm Nho giáo và truyền thống văn hoá của dân tộc ở các điều luật, vì thế luật pháp của ông vẫn có một bộ mặt tiến bộ khác biệt xét trong bức tranh luật pháp nói chung của các quốc gia thuộc quĩ đạo văn hoá Đông Á bấy giờ [10, tr. 313]. Có ý kiến cho rằng, với việc chủ trương soạn thảo một bộ luật toàn diện, kiện toàn đội ngũ hình quan và tăng cường ý thức tôn trọng luật pháp trong nhân dân, Lê Thánh Tông đã xây dựng được nhà nước pháp quyền. Nhưng, nhà nước pháp quyền, với quyền lực tối thượng của luật pháp, đến thế kỉ XVII – XVIII mới hình thành sau các cuộc cách mạng tư sản phương Tây, nên một Lê Thánh Tông ở thế kỉ XV chưa thể có ý thức về nó [22, tr.134]. Mặc dù vậy thì tư tưởng đề cao luật pháp của Lê Thánh Tông cũng vẫn rất đáng được ghi nhận.

     Tiếp thu những khía cạnh tiên tiến trong quan điểm sử dụng luật pháp của Nho giáo và khai thác những giá trị tích cực của văn hóa dân tộc, Quốc triều hình luật đã thực sự thể hiện tinh thần độc lập và sáng tạo của người cầm quyền Đại Việt đương thời, đặc biệt qua việc chú trọng bảo vệ quyền con người cũng như giải quyết “một cách hợp lí mối quan hệ giữa luật pháp với đạo đức và phong tục tập quán” [5, tr.119].

3. Kế thừa, phát huy vốn văn hoá dân gian truyền thống

     3.1. Kế thừa, phát huy giá trị của tôn giáo – tín ngưỡng dân gian

     Sau khi lên cầm quyền, Lê Thánh Tông ra chỉ dụ “chùa quán nào không có ngạch cũ thì không tự tiện làm mới” cũng không nằm ngoài mục đích chỉnh đốn sinh hoạt Phật giáo, Đạo giáo [27, tr.350]. Lê Thánh Tông cũng không can thiệp vào sinh hoạt của Đạo giáo trong dân gian, chỉ yêu cầu “những người bói toán, đạo thích” không “trò chuyện, trao đổi với người trong hậu cung” nhằm ngăn chặn tình trạng bùa chú vốn đã gây ra không ít biến cố cung đình khiến kẻ vô tội bị liên lụy [4, tr.89]. So với các tầng lớp xã hội khác, chế tài của pháp luật đối với tệ lậu của tăng lữ Phật giáo và Đạo giáo hoàn toàn không khắt khe hơn. Có ý kiến cho rằng tác phẩm Thập giới cô hồn quốc ngữ văn (mà tương truyền của Lê Thánh Tông) chứa đựng sự chỉ trích thế giới quan và nhân sinh quan Phật – Đạo. Nhưng theo chúng tôi thì tinh thần chung của sáng tác này xét từ tên gọi đến nội dung là phê phán có tính răn dạy các tầng lớp xã hội (bao gồm trong đó cả nho sĩ) chứ không riêng gì tăng lữ. Đây là một hình thức giáo huấn toàn dân bằng văn chương hơn là tập trung vào đối tượng cụ thể.

     Sử sách còn ghi lại nhiều việc làm thể hiện sự trọng thị của Lê Thánh Tông đối với Phật giáo và Đạo giáo. Ông đã không ít lần đích thân hoặc cử người cầu cúng tại các chùa quán những khi đất nước có biến cố (như năm 1467, 1476, 1496…). Ông cũng cho sửa chữa, trùng tu nhiều nơi thờ tự như quán Trấn Vũ, chùa Minh Độ, chùa Hoa Yên, chùa Thiên Phúc… Bản thân ông rất hay thăm viếng các chùa quán và đã có nhiều sáng tác nổi tiếng về những nơi này. Ngoài ra, hiệu của Lê Thánh Tông là một cái tên mang tính chất Đạo giáo – Nam Thiên động chủ, và thi phẩm cuối cùng ông để lại khi lâm chung cũng thấm đượm tinh thần Lão – Trang [17, tr.299].

     Lê Thánh Tông thực sự là người đã xây dựng nên sự đa nguyên tôn giáo mới trên nền tảng Nho giáo, một xu hướng phù hợp với điều kiện lịch sử đương thời của nước ta. Vai trò này của ông cũng tương tự như vai trò của những tiền nhân Lý – Trần trong việc tạo nên sự đa nguyên tôn giáo trước đây trên nền tảng Phật giáo. Một lần nữa, thuộc tính “không chối từ” văn hoá ở người Việt lại được phát huy. Thứ nhất, bản thân Tống Nho hay Tân Nho giáo (Neo Confucianism) mà Lê Thánh Tông tiếp thu của Trung Hoa vốn đã là một học thuyết đa nguyên, dung hoà sẵn trong nó cả tư tưởng của Phật (yếu tố tâm linh) và Đạo (nội dung siêu hình học) nhằm bổ sung cho những khoảng trống của Khổng học về vấn đề bản thể luận và vũ trụ luận [11, tr.184-185]. Thứ hai, như vừa nói phần nào ở trên, nhiều hoạt động và quyết định chính thức của Lê Thánh Tông trên cương vị quân vương đã thể hiện rõ sự trọng thị Phật giáo và Đạo giáo. Thiên Nam dư hạ tập còn lưu lại khoảng bốn chục bài sớ khấn của ông, được người đương thời nhận xét là lời lẽ thành tâm đến mức có thể khiến “thần động trời theo” [17, tr.289]; trong khi Đại Việt sử kí toàn thư cho hay, năm 1476, ông đã ra sắc dụ yêu cầu các quan lại phải tiến hành cầu cúng tại chùa quán khi địa phương gặp tai dị [26, tr.469], năm 1484 lại định lệ cung ứng cho chức sắc và tăng lữ đảo vũ tại các đền, chùa [26, tr.490]. Cuối cùng, Lê Thánh Tông đánh giá rất cao triết thuyết Phật giáo và Đạo giáo và bày tỏ rõ sự đánh giá đó trong một số lượng đáng kể các sáng tác văn học, mà với vị trí của ông hẳn có tầm ảnh hưởng, như Đề Tu Mộng tự trụ khắc, Quá Phù Tang độ, Đề đạo nhân vân thuỷ cư, Giang hành ngẫu thành… Như vậy, có thể nhận định, ở Lê Thánh Tông tồn tại một con người “cư Nho” mà “mộ Đạo, Phật” khá tiêu biểu cho đặc tính nguyên hợp của tư tưởng phương Đông.

     Ngoài ra, đề cập tới sự đa nguyên tôn giáo, tín ngưỡng thời kì này, chúng ta cũng không quên nhắc tới việc thờ tự nhiên thần – nhân thần, một tập quán của dân tộc được Lê Thánh Tông đề cao. Lê Thánh Tông là người cầm quyền rất tích cực trong việc chính thức hóa địa vị của thành hoàng – thần chủ các làng xã (bằng cách cho tổ chức biên soạn thần tích và ban sắc phong rộng rãi trong thời gian ở ngôi). Việc làm ấy, trước hết, thể hiện sự ghi nhận của ông với niềm tin dân gian.

     3.2. Kế thừa, phát huy giá trị nghệ thuật dân gian

     Lê Thánh Tông không phải là người kì thị nghệ thuật dân gian, mà có đóng góp nhất định trong việc kế thừa, phát huy nó. Mặc dù có chuyện ông hạn chế chèo, cấm con hát đi thi và cấm quan lại lấy con hát, điều này không phải xuất phát từ sự kì thị theo nghĩa thường được dùng. Chèo bị hạn chế bởi có những màn khôi hài ảnh hưởng đến các chuẩn mực về trật tự của xã hội Nho giáo. Vào năm 1465, Lê Thánh Tông đã yêu cầu con hát không được “giễu cợt cha mẹ và quan trưởng”. Còn nghệ nhân chèo, vấn đề của họ không phải là ở sự sa đọa, vì thường thì “chính sự sống của họ cũng không phải là sa đọa”, mà ở những vai trò họ đóng khi xướng hát: “Họ bị coi là vô luân vì người con có thể đóng một vai vua và người cha đóng vai bày tôi quỳ lạy, anh em ruột có thể đóng đôi vợ chồng, và vợ chồng lại có thể đóng vai mẹ con hoặc cha con… Tất cả cái vô luân là ở đây, đấy là sự luân thường đã không còn nữa, mặc dầu chỉ trong những lúc trình diễn” [1, tr.284].

     Nghệ nhân chèo do thế không được đi thi để ra làm quan, vị trí được xem là có trách nhiệm giáo hoá dân, và quan lại cũng không thể lấy họ. Như vậy, những chủ trương của Lê Thánh Tông liên quan đến chèo xuất phát từ lý do chính trị thuần tuý, chứ không phải từ thái độ của con người này đối với nghệ thuật dân gian. Ngoài chèo, các hình thức nghệ thuật dân gian khác, như trước kia, tự do tồn tại. “Vô số trò hát múa, trình mặt, trình nghề mà vua tôi con dân nhà Trần biểu diễn chơi vui thưởng ngoạn, nay đưa vào các chương của bộ Lễ vẫn được đánh giá là thuần phong” [12, tr.247]. Hơn nữa, chèo không được biểu diễn nơi triều chính mà thôi, chứ cũng vẫn được duy trì trong đời sống quần chúng. Rõ ràng, chỉ có thể nói Lê Thánh Tông kì thị nghệ thuật dân gian nếu ông cấm chèo vì lý do nó là nghệ thuật dân gian, và ngoài nó ra những hình thức khác của nghệ thuật dân gian cũng bị cấm. Chúng ta, dĩ nhiên, không nhầm lẫn hiện tượng với bản chất.

     Có thể lấy thêm ví dụ về sự khởi sắc của một loại hình nghệ thuật biểu diễn mang nhiều yếu tố dân gian dưới thời Lê Thánh Tông để chứng minh điều này. Ca trù – một hình thức hát cửa đình – theo các nghiên cứu gần đây, hoàn thiện và phát triển trong khoảng thời gian cuối thế kỉ XV, tức không ngoài những năm Quang Thuận – Hồng Đức. Tư liệu cổ trước năm 1500 cho thấy việc thưởng thức ca trù trong nhân dân đã đạt đến chuẩn mực và trình độ đáng kể [2, tr.72-73]. Và đến nay, hình thức nghệ thuật nói trên vẫn còn lưu giữ dấu ấn của âm luật Hồng Đức [9, tr.251-252]. Đó là về nghệ thuật biểu diễn. Còn về nghệ thuật tạo hình dân gian, đúng là không có thêm nhiều chùa quán mới được xây dựng dưới thời Lê Thánh Tông, nhưng việc trùng tu cơ sở thờ tự cũ rất được coi trọng (nhà nước có chủ trương bảo vệ di tích văn hoá, đã được ghi trong luật). Và đáng chú ý, một số kiến trúc cung đình thời kì này lại được đánh giá là có sắc thái dân gian rõ nét [27, tr.364]. Đồng thời, các ngành nghề thủ công mĩ nghệ như chạm, đúc đồng, mộc… cũng đạt được những thành tựu nhất định, đặc biệt là ở Thăng Long. Trong đó, đồ gốm có sự phát triển nổi bật, mà trước hết phải kể đến gốm trắng men lam Bát Tràng [13, tr.133- 135]. Gốm Lê sơ đã đi khắp Á – Âu, đến nay nhiều hiện vật còn được lưu giữ, trưng bày ở các bảo tàng lớn trên thế giới.

     Lê Thánh Tông không thực sự kì thị nghệ thuật dân gian, ngược lại, ông còn có những đóng góp tích cực với nó ở một số phương diện. Trước hết, Lê Thánh Tông là vị vua đầu tiên chủ trương đưa truyền thuyết dân gian vào quốc sử. Ông đã xuống chiếu “tìm tòi những dã sử, thu thập những truyện kí cổ kim còn chứa ở các nhà riêng”, “cầu những sách còn sót lại đem chứa cất ở các bí các” [25, tr.22]. Điều này cho thấy thái độ trân trọng của Lê Thánh Tông với sáng tác truyền miệng của nhân dân, cũng như vai trò gián tiếp của ông trong các hoạt động sưu tầm chúng. Việc cho biên soạn lại hoặc bổ sung nội dung những bộ sách về truyền thuyết dân gian trước đó, như Việt điện u linh, cũng có ý nghĩa tương tự. Sau nữa, Lê Thánh Tông được xem là người có công phát triển một thể loại văn học có nguồn gốc dân gian là truyền kì. Thánh Tông di thảo, tên sách do người đời sau đặt, là sáng tác đầu tiên của thể loại này ở nước ta6. So với loại truyện chí quái cũng hình thành từ cơ sở trực tiếp là văn học truyền miệng, Thánh Tông di thảo đã có một quá trình biến đổi về chất trong mối tương quan với folklore [18, tr.432]. Đây là tác phẩm cho thấy khả năng sáng tạo trên nền tảng dân gian của người viết.

     Sự “giao lưu” với các yếu tố văn hoá bác học là nét độc đáo của nghệ thuật dân gian dưới thời Lê Thánh Tông [9, tr.251- 252], và bản thân Lê Thánh Tông đã có ảnh hưởng đáng nói trong việc này.

     3.3. Kế thừa, phát huy giá trị tập quán pháp

     Lê Thánh Tông, người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Quốc triều hình luật, đã thể hiện sự tôn trọng quyền dân chủ ở cơ sở khi công nhận cả sự tồn tại của tập quán pháp. Không những thế, ông còn tỏ ra linh hoạt trong đường lối trị nước khi kết hợp ưu điểm của hai loại luật.

     Việc phối hợp luật pháp, hương ước để quản lí xã hội ở những dân tộc đã có luật pháp như người Việt (việc mà Lê Thánh Tông thực hiện) có những lợi ích nhất định, vì nếu luật pháp hiệu quả hơn trong việc điều chỉnh các quan hệ có tính điển hình với đời sống chính trị – xã hội, thì hương ước ngược lại [20, tr.7], và ngoài ra ưu điểm của hương ước là biến đổi rất năng động để có thể thích ứng thực tế. Với luật tục cùng việc thực thi luật tục ở các dân tộc thiểu số, Lê Thánh Tông nói chung không can thiệp, và đây là một quyết định hợp lí nữa do các dân tộc này có những đặc điểm văn hoá – xã hội khác người Việt.

     Lê Thánh Tông chính là người cầm quyền đầu tiên ở nước ta chính thức hoá cái gọi là “đa dạng pháp luật”, ngày nay được xem là một nguyên tắc dân chủ. Đa dạng pháp luật là sự tồn tại những cơ chế luật khác nhau được áp dụng trong những hoàn cảnh giống nhau của một khuôn khổ xã hội nhất định [19, tr.418]. Lê Thánh Tông rõ ràng đã ý thức được hiệu quả của nguyên tắc này khi cho phép duy trì đặc trưng của các hương ước, nếu không trái pháp luật. Cũng cần nói thêm, thừa nhận hương ước tức là thừa nhận tính đa dạng văn hoá của các địa phương, bởi Lê Thánh Tông còn cấp cho nó cả hiệu lực pháp lí7.

     Tính chất lưỡng tính của thể chế pháp luật nước ta trong các giai đoạn trước đây vốn được xem là kết quả của quá trình đấu tranh để vừa tiếp nhận các ảnh hưởng của tư tưởng pháp lí nước ngoài (chủ yếu là tư tưởng pháp lí Nho giáo), vừa duy trì bản sắc văn hoá của dân tộc [20, tr.1]. Lê Thánh Tông cũng quy định rằng “khoán ước làm xong phải được quan trên kiểm duyệt cho phép hoặc bãi bỏ” [20, tr.3]. Từ đó, một quan điểm tồn tại lâu nay cho rằng triều đình của ông tìm cách Nho giáo hoá đơn vị cơ sở làng thông qua hương ước. Theo chúng tôi, chủ trương của Lê Thánh Tông xuất phát từ sự tôn trọng quyền tự quyết và bản sắc văn hoá địa phương, vì trên thực tế, với quyền lực của mình, ông hoàn toàn có thể xoá bỏ vai trò của hương ước. Nhất là, thừa nhận hương ước dẫu sao cũng sẽ kéo theo việc luật pháp phải điều chỉnh các đối tượng của nó qua hai cấp độ: trực tiếp đối với các quan hệ xã hội cơ bản của đời sống chính trị – kinh tế ở cấp cơ sở, và gián tiếp với các quan hệ khác [20, tr.7-8]. Việc Lê Thánh Tông đổi ý, cho phép làng xã được sử dụng hương ước riêng (tuy trước đó đã ra đạo dụ yêu cầu thống nhất dùng luật nhà nước) chứng tỏ ông có ý thức đáp ứng nguyện vọng nhân dân trong vấn đề này. Cần đánh giá cao tinh thần cởi mở trong đường lối chính trị của Lê Thánh Tông qua quyết định để hương ước tồn tại, bởi rõ ràng đây là sự gián tiếp công nhận tính độc lập tương đối của làng xã. Còn việc đặt hương ước dưới sự kiểm soát của luật thì hiển nhiên là cần thiết trong một xã hội đã có luật pháp. Lê Thánh Tông không thể cho phép một sự tự do tuyệt đối – hương ước nếu mâu thuẫn với luật pháp sẽ mở đường cho chủ nghĩa địa phương. Quan điểm nhất quán này của Lê Thánh Tông trên thực tế đã tạo nên sự phối hợp có hiệu quả giữa phép nước và lệ làng kéo dài đến đầu thế kỉ XX [19, tr.419].

     Bằng việc chính thức hoá mô hình “đa dạng pháp luật”, ý thức kế thừa di sản văn hoá dân gian của Lê Thánh Tông một lần nữa được thể hiện. Sự kết hợp vai trò của luật pháp và tập quán pháp trong chính sách của ông đến nay vẫn là một kinh nghiệm quản lí xã hội đáng lưu ý.

     3.4. Kế thừa, phát huy giá trị ngôn ngữ dân gian

     Các sáng tác Nôm của Lê Thánh Tông và văn thân đương thời có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của tiếng Việt. Bên cạnh việc “cho dịch ra quốc âm những chiếu chỉ của triều đình”, Lê Thánh Tông chính là “vị vua đầu tiên đã cho sử dụng khá phổ biến trong thơ văn loại hình chữ viết dân tộc là chữ Nôm, đến lúc bấy giờ vẫn còn là non trẻ” [6, tr.77]. Trong các sáng tác thời kì này, không thể không nói đến Hồng Đức quốc âm thi tập, tập thơ lớn nhất nửa cuối thế kỉ XV.

     Đóng góp của Lê Thánh Tông và văn thân trong Hồng Đức quốc âm thi tập với tiếng Việt tập trung vào hai phương diện sau.

     Thứ nhất, Lê Thánh Tông và các tác gia cùng thời đã Việt hoá lớp ngôn ngữ Hán để tiến tới đồng hoá vào ngôn ngữ dân tộc [3, tr.209-211]. Trong 200 tác phẩm của Hồng Đức quốc âm thi tập với 1596 câu thơ, đã có 664 từ Hán Việt xuất hiện trên tất cả các hệ thống đề tài – trung bình 2,4 câu/1 từ Hán Việt (có chỗ lên đến 1,5 câu/1 từ) [3, tr.131], một tỉ lệ khá cao xuất phát từ thói quen sử dụng ngôn ngữ và cách lựa chọn đề tài mang tính điển phạm của văn chương Nho giáo. Đảo trật tự, dịch một phần, dịch toàn bộ… là cách mà các thi sĩ đưa vốn từ trên vào tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, Hồng Đức quốc âm thi tập còn có tới 164 điển cố và thi liệu Hán, tỉ lệ trung bình 10,3 câu/1 điển cố, được những người sáng tác chuyển ngữ một cách tương đối phù hợp với cảm thức người Việt [3, tr.137-139]. Việc tích cực Việt hoá vốn ngôn ngữ Hán để tạo nên lượng từ ngữ mới, đa dạng và sinh động mà các thi nhân đã làm thực sự là cống hiến hết sức giá trị với tiếng Việt, có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong giai đoạn đương thời.

     Thứ hai, Lê Thánh Tông cùng các tác giả tập thơ đã có đóng góp lớn trong việc khẳng định chức năng biểu đạt và thẩm mĩ của tiếng Việt [3, tr.211-213]. Bộ phận ngôn ngữ dân tộc trong Hồng Đức quốc âm thi tập gồm có từ Việt, ngôn ngữ văn học dân gian và thành phần ngôn ngữ đời sống. Theo thống kê, số từ Việt chiếm tỉ lệ 92,3% (10.144/10.979 chữ) [3, tr.142-143], thường được dùng khi miêu tả những sự vật gắn với cuộc sống hàng ngày hoặc thể hiện mối quan hệ gia đình – thân tộc. Xu hướng dùng từ Việt để định danh hiện tượng, thay vì từ Hán Việt, cũng đã là một đặc điểm phổ quát của tập thơ này. Mặt khác, có thể thấy sự giảm dần hoặc biến mất lớp từ Việt cổ trong Hồng Đức quốc âm thi tập so với các sáng tác thời kì trước – kết quả của quá trình cân nhắc, lựa chọn ngôn ngữ nhằm làm tăng hiệu quả biểu đạt cảm xúc, khiến cho tiếng Việt trong sáng hơn [3, tr.145]. Xét ở phương diện cấu tạo từ thì hiện tượng song tiết hoá đã xuất hiện mạnh (trong đó từ láy có vị trí đặc biệt quan trọng: 600 từ trên 2580 câu thơ, vào khoảng gần 30% từ ngữ toàn tập) [3, tr.147], điều đó cho thấy rõ tính dân tộc trong tư duy trực cảm và trong việc phản ánh hiện thực (từ láy ở Hồng Đức quốc âm thi tập được đánh giá là có cả giá trị biểu đạt – gợi thanh, gợi hình, gợi ý – lẫn giá trị biểu cảm, đặc biệt còn có loại từ láy ở trình độ cao vừa tượng thanh, vừa tượng hình). Ngôn ngữ văn học dân gian (như thành ngữ, tục ngữ…) tuy có mặt trong các sáng tác với tỉ lệ chưa cao (430 câu/1 câu) [3, tr.156], khác với lớp từ Việt, nhưng cũng được sử dụng khá sáng tạo. Cuối cùng, sự xuất hiện các thành phần ngôn ngữ đời sống (như từ cảm thán, từ tục, từ so sánh, khẩu ngữ, hư từ…) đã khiến đối tượng nghệ thuật giàu sắc thái biểu cảm hơn hẳn. Những đóng góp của Lê Thánh Tông (một trong những tên tuổi lớn đầu tiên của sáng tác Nôm) cùng các văn thân đương thời có vị trí đặc biệt trong tiến trình phát triển của tiếng Việt. Điều này càng trở nên ý nghĩa khi diễn ra ngay tại môi trường văn hoá cung đình: tiếng Việt thực sự đã có vị trí mà nó chưa bao giờ có trước đó. Tuy những tìm tòi, thể nghiệm ban đầu còn có những hạn chế, song công lao của người mở đường rất xứng đáng được ghi nhận.

4. Kết luận

     Lê Thánh Tông là người có những cống hiến to lớn cho đất nước, trong đó bao gồm cả cống hiến trên phương diện văn hoá. Ông đã góp phần quan trọng xây dựng nên một nền văn hóa Nho giáo mang bản sắc dân tộc trên các khía cạnh như ý thức hệ tư tưởng, tổ chức bộ máy nhà nước và luật pháp, đồng thời có những chủ trương và hành động tích cực trong việc kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống (tôn giáo – tín ngưỡng, nghệ thuật, ngôn ngữ…). Có thể nói, di sản mà ông để lại chính là một sự kết hợp hài hoà những thành tựu văn hoá lớn của phương Đông với văn hoá cội nguồn của người Việt. Tinh thần không từ chối tiếp thu văn hóa bên ngoài và trân trọng văn hóa truyền thống thể hiện rất rõ ở Lê Thánh Tông.

     Chú thích:

     2 Bài viết là kết quả của đề tài khoa học cấp Bộ “Lịch sử văn hóa Việt Nam”, tập 4, do Viện Nghiên cứu văn hóa (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chủ trì.

3 Ở khía cạnh đang bàn, những quan điểm của Lê Thánh Tông gần với Nho giáo sơ kì của Khổng Tử.

4 Dĩ nhiên, ở mức độ tương đối, vì quyền lực cao nhất (ngôi vua) vẫn là “cha truyền con nối”.

5 Năm 1427 (1 năm trước khi lên ngôi vua), Lê Lợi, lãnh tụ cuộc kháng chiến chống Minh, đã phải ra lệnh: “Cấm những kẻ xưng là đồng cốt, tà đạo, mượn tiếng ma quỉ, thần thánh, gieo rắc hoang mang, bịa đặt mê hoặc lòng người” [26, tr.267].

6 Theo Vũ Thanh, phần nhiều sáng tác trong Thánh Tông di thảo là của Lê Thánh Tông, dù vẫn còn những vấn đề phải tiếp tục tìm hiểu thêm, căn cứ vào sự phù hợp giữa chúng với trình độ phát triển của thể loại thời điểm nửa cuối thế kỉ XV (sau Lĩnh Nam chích quái – thế kỉ XIV, trước Truyền kỳ mạn lục – thế kỉ XVI) và sự thống nhất về phong cách mang dấu ấn cá nhân của người đứng đầu nhà nước phong kiến Nho giáo [18, tr.421-422]. 7 Đạo dụ của Lê Thánh Tông: “Khi khoán ước đã cho phép áp dụng, ai không tuân theo sẽ bị quan trên trị tội” [20, tr.3].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Toan Ánh (2004), Phong tục Việt Nam, Nxb Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh.

[2] Nguyễn Xuân Diện (2007), Lịch sử và nghệ thuật ca trù, Nxb Thế giới, Hà Nội.

[3] Trần Quang Dũng (2005), Hồng Đức quốc âm thi tập trong tiến trình thơ Nôm Đường luật Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

     [4] Nguyễn Duy Hinh (2003), Người Việt Nam với Đạo giáo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [5] Nguyễn Quốc Hoàn (2004), “Quốc triều hình luật và những giá trị lập pháp”, Quốc triều hình luật, lịch sử hình thành, nội dung và giá trị, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [6] Nguyễn Thừa Hỷ (1997), “Về đường lối trị nước của Lê Thánh Tông”, Lê Thánh Tông (1442 – 1497), con người và sự nghiệp, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

     [7] Nguyễn Phương Lan (2004), “Giá trị của Quốc triều hình luật qua các qui định điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình”, Quốc triều hình luật, lịch sử hình thành, nội dung và giá trị, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [8] Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo sử luận, t.2, Nxb Văn học, Hà Nội.

     [9] Nguyễn Thụy Loan (2004), “Tinh hoa âm nhạc Thăng Long”, Văn hiến Thăng Long, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

     [10] Phạm Xuân Nam (2013), Sự đa dạng văn hóa và đối thoại giữa các nền văn hóa, một góc nhìn từ Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [11] Phan Ngọc (2002), Bản sắc văn hoá Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.

     [12] Trần Việt Ngữ (1996), Về nghệ thuật chèo, Viện Âm nhạc Việt Nam xuất bản, Hà Nội.

     [13] Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng (1989), Mĩ thuật của người Việt, Nxb Mĩ thuật, Hà Nội.

     [14] Trương Hữu Quýnh (1997), “Suy nghĩ về cuộc cải cách hành chính của Lê Thánh Tông”, Lê Thánh Tông (1442 – 1497), con người và sự nghiệp, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

      [15] Đặng Đức Siêu (1990), “Nền giáo dục theo tinh thần Nho giáo”, Nho giáo xưa và nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [16] Vũ Minh Tâm (1997), “Thơ Lê Thánh Tông – Đạo và Mỹ”, Lê Thánh Tông (1442 – 1497), con người và sự nghiệp, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

      [17] Trần Thị Băng Thanh (1998), “Lê Thánh Tông và các mối dị đoan”, Hoàng đế Lê Thánh Tông, nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [18] Vũ Thanh (1998), “Thánh Tông di thảo – bước đột khởi trong tiến trình phát triển của thể loại truyện ngắn Việt Nam trung cổ”, Hoàng đế Lê Thánh Tông, nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [19] Ngô Đức Thịnh (2003), Tìm hiểu luật tục các tộc người ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [20] Lê Minh Thông (2008), “Luật nước và hương ước lệ làng trong đời sống pháp lý của các cộng đồng làng xã Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Việt Nam học III, Hà Nội.

     [21] Nguyễn Tài Thư (1997), Nho học và Nho học ở Việt Nam (một số vấn đề lý luận và thực tiễn), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [22] Lê Đức Tiết (1997), Lê Thánh Tông, vị vua anh minh, nhà cách tân xuất sắc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.

     [23] Nguyễn Hoài Văn (2002), Tìm hiểu tư tưởng chính trị Nho giáo Việt Nam từ Lê Thánh Tông đến Minh Mệnh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

      [24] Trần Quốc Vượng (1998), “Về Lê Thánh Tông”, Hoàng đế Lê Thánh Tông, nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [25] Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, t.1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [26] Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, t.2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

     [27] Viện Sử học (2007), Lịch sử Việt Nam, t.3, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

Nguồn: Khoa học xã hội Việt Nam, số 11 – 2017

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Lê Thánh Tông với văn hóa dân tộc (Tác giả: Lê Thị Thùy Ly)