Lí thuyết đánh giá trong phân tích diễn ngôn: Nghiên cứu thử nghiệm từ cáo trạng tiếng Việt

APPRAISAL THEORY IN DISCOURSE ANALYSIS:
AN INVESTIGATION OF VIETNAMESE INDICTMENT

Tác giả bài viết: PHAN TUẤN LY
(Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam)

TÓM TẮT

     Bài viết này sử dụng Lí thuyết Đánh giá được xây dựng bởi Martin và White (2005) để phân tích nguồn tạo nghĩa Liên nhân trong diễn ngôn pháp lí. Cáo trạng là một thể loại diễn ngôn pháp lí được sử dụng để minh họa cho hệ thống Đánh giá trong tạo lập văn bản. Kết quả phân tích khẳng định Lí thuyết Đánh giá là một khung lí thuyết hợp lí cho việc mô tả siêu chức năng Liên nhân của các thể loại diễn ngôn nói hay viết. Đồng thời, kết quả của việc phân tích hệ thống Đánh giá trong một bản cáo trạng cho thấy rằng Tình cảm (Affect) không tồn tại trong ngữ liệu. Bên cạnh đó, chủ thể diễn ngôn cũng rất ít tạo ra “không gian” cho những tiếng nói khác. Chính vì điều này tạo nên lập luận sắc bén, kết hợp với những “sự thật” như là minh chứng cho kết luận của Cơ quan Kiểm sát trong việc truy tố các bị can ra trước Tòa án có thẩm quyền.

Từ khóa: Lí thuyết Đánh giá; phân tích diễn ngôn; ngữ pháp chức năng hệ thống.

ABSTRACT

     In this paper, the Appraisal Theory by Martin and White (2005) was used to analyze the sources of interpersonal meaning in legal discourses. The indictment is a genre of legal discourse which will be used to illustrate the appraisal system in composing texts. The analysis results reaffirm that the Appraisal Theory is a suitable framework for describing the interpersonal metafunction of spoken and written discourses. Besides, the analysis of the appraisal system in the indictment shows that affect did not exist in the corpus. The writers of discourse also rarely created “space” for alternative voices, contributing to strong arguments in the indictment. Additionally, the “truths” investigated as evidence accompanied with that feature help the jugde reach the conclusion of the procuracy to prosecute the accused defendants.

Keywords: Appraisal Theory; discourse analysis; systemic functional grammar.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Các nhà khoa học ngôn ngữ đã đào sâu nghiên cứu các đơn vị của ngôn ngữ như âm vị, hình vị, từ và câu. Các đơn vị này đã được nghiên cứu không chỉ bởi một lí thuyết ngôn ngữ học mà bởi nhiều lí thuyết ngôn ngữ khác nhau. Câu vốn dĩ vẫn được xem là đơn vị ngôn ngữ cao nhất trong nghiên cứu. Tuy nhiên, trong xu thế hiện nay, có nhiều nhà ngôn ngữ học cho rằng, còn tồn tại một dạng thức có thứ tự tầng bậc cao hơn câu (Michael, 1992, p.32). Đó chính là “diễn ngôn”. Điều này không có nghĩa rằng chúng tôi định nghĩa “diễn ngôn” là một cấp độ ngôn ngữ cao hơn câu. Khái niệm diễn ngôn không hề đơn giản như vậy. Diễn ngôn là xu hướng đang được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu trong thời gian gần đây. Đồng thời, nghiên cứu diễn ngôn với tư cách là một đơn vị ngôn ngữ bậc trên câu vẫn còn nhiều không gian để tiếp tục đào sâu.

     Vì ngôn ngữ được đặt trong đời sống của con người và hoạt động với mục đích quan trọng đầu tiên là giao tiếp, nên việc nghiên cứu ngôn ngữ không nên chỉ dừng lại ở mặt “tĩnh tại”. Theo đó, ngôn ngữ cần phải được nghiên cứu trong sự hành chức của nó. Chỉ những nghiên cứu đặt trong mối liên hệ “động” như vậy thì mới có thể nhìn được bao quát nhất về ngôn ngữ. Dĩ nhiên, chúng tôi không kết luận rằng nghiên cứu ở góc nhìn này sẽ mang tính toàn diện về ngôn ngữ, vì xét về bản chất thì ngôn ngữ là một hiện tượng phức tạp và trừu tượng. Khi nghiên cứu ngôn ngữ hành chức (language in use), Ngữ pháp chức năng hệ thống (Systemic Functional Grammar, sau đây gọi tắt là SFG) nổi bật lên trong số các lí thuyết nghiên cứu ngôn ngữ trên bình diện chức năng. Chúng tôi tin rằng Ngữ pháp chức năng hệ thống (rộng hơn có thể gọi là Ngôn ngữ học chức năng hệ thống) sẽ mang lại một góc nhìn đa chiều hơn về ngôn ngữ.

     Tính ứng dụng của SFG, SFL là một điều không thể phủ nhận trong nghiên cứu ngôn ngữ hiện nay. SFG trước tiên là một hệ thống lí thuyết ngôn ngữ, được sử dụng để phân tích cấu trúc cú và các thành phần. Từ vựng và ngữ pháp trong SFG không được khu biệt, mà được gom vào cùng một bình diện – từ vựng ngữ pháp (lexicogrammar). Hiện tại, SFG được ứng dụng vào nhiều phân ngành khác nhau như phân tích diễn ngôn, phân tích diễn ngôn phê phán, phân tích diễn ngôn đa phương thức, giảng dạy ngôn ngữ, phân tích thể loại văn bản, phân tích Phong vực (Register, vẫn được nhiều học giả gọi là ngữ vực), dịch thuật… Chính vì khả năng ứng dụng của SFG mang tính phổ biến như vậy, nên chúng tôi tin rằng phân tích diễn ngôn từ góc nhìn của SFG sẽ mang lại nhiều điểm mới mẻ và đúc kết được những kết quả mang đậm tính khoa học.

2. Nội dung nghiên cứu

     2.1. Các vấn đề lí luận chung

     2.1.1. Hệ thống nghĩa Liên nhân trong diễn ngôn

     Ngôn ngữ được sử dụng nhằm truyền tải nội dung giao tiếp của con người. Dù được thể hiện ở hình thức nói hay viết của diễn ngôn, sự trao đổi trong nội dung giao tiếp luôn được hiện thực hóa ở cấp độ ngôn ngữ. Trên bình diện SFG, sự trao đổi giữa người phát ngôn và người tiếp nhận phát ngôn (người nói và người nghe/người viết và người đọc) hiện thực hóa siêu chức năng Liên nhân của ngôn ngữ. Ở cấp độ cú (clause), hệ thống Thức là thành phần thực hiện siêu chức năng Liên nhân. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, hệ thống Thức của cú chưa hẳn là thành phần hiện thực hóa sự trao đổi. Điều này không có nghĩa rằng chúng tôi phủ nhận vai trò của thành phần Thức trong thực hiện chức năng Liên nhân ở cấp độ diễn ngôn. Theo Martin và Rose (2007), nghĩa Liên nhân ở cấp độ diễn ngôn sẽ được hiện thực hóa thông qua Đánh giá và Thương lượng.

     (i) Đánh giá

     Theo Lí thuyết Đánh giá, sự đánh giá của chủ thể phát ngôn được biểu hiện bằng ba phương thức: Thái độ (Attitude), Thang độ (Graduation) và Tham thoại (Engagement). Thái độ được hiểu là tình cảm của bản thân chủ thể diễn ngôn hoặc sự nhận xét về người khác hoặc các sự vật, hiện tượng. Thang độ là thành phần mô tả “mức độ” của Thái độ được hiện thực hóa trong diễn ngôn. Tham thoại là nguồn của Thái độ chỉ ra sự chủ động của chủ thể diễn ngôn khi thể hiện Thái độ bên trong diễn ngôn.

     (ii) Thương lượng

     Thương lượng là thành phần cho thấy sự tương tác giữa các tham thể, tức là sự “trao đổi” được thực hiện giữa các tham thể. Nguồn tạo nghĩa chủ yếu ở Thương lượng là sự đổi vai giao tiếp trong quá trình phát ngôn, chẳng hạn như đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi, hoặc yêu cầu dịch vụ và đáp ứng yêu cầu. Phân tích Thương lượng tức là đi vào phân tích chức năng hội thoại (speech function), sự hiện thực hóa của nó trên bình diện ngữ pháp – thức (mood) và những lời đáp (responses). Thêm vào đó, Thương lượng cũng được hiện thực hóa thông qua các lượt lời (moves) và sự trao đổi (exchanges) trong quá trình tương tác của các chủ thể diễn ngôn.

     2.1.2. Tình hình nghiên cứu

     Nghiên cứu SFG và Lí thuyết Đánh giá là một xu hướng trong lĩnh vực Ngôn ngữ học. Do vậy đến thời điểm hiện tại có khá nhiều công trình nghiên cứu về SFG, Lí thuyết Đánh giá và những ứng dụng của nó. Cơ bản, các xu hướng nghiên cứu có thể phân thành ba hướng chính: nghiên cứu ở phương diện lí thuyết về Đánh giá, nghiên cứu thực tế các thể loại diễn ngôn từ việc phân tích Đánh giá và nghiên cứu ứng dụng Lí thuyết đánh giá trong hoạt động giảng dạy ngôn ngữ.

     Trong việc nghiên cứu lí thuyết, ngoài Lí thuyết Đánh giá do Martin và White (2005) đề xuất, có nhiều học giả cũng tiếp tục nghiên cứu theo đường hướng này. Oteíza (2017) đã hệ thống lại Lí thuyết Đánh giá và đưa ra một số gợi ý về tiếp cận phân tích diễn ngôn. Hood và Martin (2005) đã góp phần xác định vai trò của Thang độ trong việc phân tích Đánh giá bên trong diễn ngôn. Martin và Rose (2007) đã đề xuất Đánh giá như là một nguồn lực tạo nghĩa trên bình diện Liên nhân, từ đó gợi ý việc phân tích diễn ngôn từ góc nhìn của SFG.

      Scott (2008) đã đánh giá sự tương tác giữa Hệ thống chuyển tác và Hệ thống Đánh giá trong diễn ngôn thông qua việc định hình các Thái độ và Kinh nghiệm. Để đưa ra những đề xuất liên quan đến việc đánh giá lại Thái độ trong Lí thuyết Đánh giá, Ngo Thu và Len Unsworth (2015) đã tiến hành một nghiên cứu thử nghiệm trên một nhóm sinh viên nước ngoài sử dụng tiếng Anh, liên quan đến việc khảo sát các nguồn lực đánh giá trong thể loại diễn ngôn tường thuật. Thậm chí, Taboada và Grieve (2004) ứng dụng Lí thuyết Đánh giá và Ngôn ngữ học máy tính vào việc xây dựng công cụ đánh giá tự động. Lipovsky và Mahboob (2007) nghiên cứu về cấu trúc Đề – Thuyết và Đánh giá cũng là một góc nhìn mới ở bình diện lí thuyết.

     Ứng dụng Lí thuyết Đánh giá vào phân tích từng loại diễn ngôn cụ thể hoặc đối chiếu cùng một thể loại diễn ngôn trong các ngôn ngữ khác nhau là đường hướng cũng được nhiều học giả quan tâm. Feng và Zhang (2018) khảo sát thái độ của tổng thống Mĩ Obama đối với Đảng Cộng hòa thông qua một khối ngữ liệu diễn ngôn. Các phân tích về từng thể loại diễn ngôn cũng được quan tâm, chẳng hạn về thể loại giáo trình lịch sử (Matruglio, 2007), diễn ngôn về nhận xét sách và phim ảnh (Carretero & Taboada, 2014), diễn ngôn đánh giá của người tiêu dùng (Taboada & Carretero, 2012). Ở Việt Nam, ứng dụng Lí thuyết Đánh giá để nghiên cứu theo đường hướng một thể loại diễn ngôn cụ thể cũng khá được quan tâm: (Nguyen, 2016; Huynh, 2016; Vo, 2017; Nguyen, 2017; Vo, 2017; Nguyen, 2019; Tran 2019; Truong & Vo, 2020; Vo, 2020a; Vo, 2020b; Vo, 2020c; Nguyen & Nguyen, 2020; Ngu & Vo, 2021; Chung, Bui, & Crosthwaite, 2022).

     Đường hướng thứ ba được quan tâm chính là nghiên cứu Lí thuyết Đánh giá và ứng dụng trong hoạt động giảng dạy ngôn ngữ, mà đa phần là tập trung vào giảng dạy tiếng Anh. Các công trình nghiên cứu nổi bật có thể kể đến là: Lee (2008) về viết văn thuyết phục, Xinghua và Thompson (2009) về viết văn tranh luận, Ngo Thu, Unsworth và Feez (2012) về thúc đẩy khả năng sử dụng nguồn lực thể hiện Thái độ của sinh viên nước ngoài nói tiếng Anh, Nguyen (2017) nghiên cứu về sự Tham thoại của sinh viên Việt Nam. Từ việc giới thiệu và đánh giá các công trình nghiên cứu trước đây, bài viết này được định vị trong đường hướng nghiên cứu thứ hai.

     2.2. Phương pháp và ngữ liệu nghiên cứu

     Với mục đích của bài viết này là giới thiệu Lí thuyết Đánh giá cũng như ứng dụng vào phân tích thử nghiệm diễn ngôn cụ thể, chúng tôi sử dụng biện pháp miêu tả ngôn ngữ để lột tả được tính “Liên nhân” mà cụ thể là hệ thống đánh giá được hiện thực hóa trong cáo trạng tiếng Việt.

     Cáo trạng mà chúng tôi sử dụng trong bài viết này là một văn bản được lựa chọn ngẫu nhiên. Cáo trạng số 09/CT-VKS-P1 do Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành để truy tố các bị can Nguyễn H. N, Phùng T. A, Nguyễn T. N, Phạm Q. H. H ra trước Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để xét xử về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Cáo trạng được hiểu một cách đơn giản là văn bản pháp lí do cơ quan công tố – Viện Kiểm sát dùng để truy tố bị can (những người được xem là đã thực hiện các hành vi có dấu hiệu phạm tội) ra trước Tòa án có thẩm quyền để tiến hành xét xử. Như vậy, chủ thể tạo lập diễn ngôn là Viện Kiểm sát bằng những lập luận, đánh giá của mình để chứng minh các bị can đã thực hiện hành vi phạm tội. Các tham thể của diễn ngôn bao gồm những bị can, các bên có quyền và nghĩa vụ có liên quan và các cơ quan có chức năng hữu quan. Những hành vi cần chứng minh cũng như đánh giá là hành vi mua bán trái phép chất ma túy của các bị can, các vật chứng, nhân chứng liên quan.

     2.3. Ứng dụng Lí thuyết Đánh giá trong phân tích Cáo trạng

     Hệ thống Đánh giá là một tiểu hệ thống hiện thực hóa siêu chức năng Liên nhân trên bình diện diễn ngôn. Trong một diễn ngôn, dù là nói hay viết, đơn thoại hay đa thoại, thì vẫn có sự tương tác giữa các vai giao tiếp. Như đã trình bày, sự tương tác này được thể hiện qua sự đánh giá trong diễn ngôn, được xem là một “nguồn tạo nghĩa” ở bình diện Liên nhân. Ở văn bản nói, sự tương tác Liên nhân còn được hiện thực hóa qua hệ thống Thương lượng. Đánh giá ở đây được hiểu một cách cơ bản là Thái độ (Attitude) của con người trong diễn ngôn được hiện thực hóa ở cấp độ từ vựng – ngữ pháp.

     Đánh giá sẽ chỉ đơn thuần là Thái độ của các chủ thể tham gia diễn ngôn mà không thể trở thành hệ thống tạo nghĩa nếu không tồn tại các yếu tố khác. Hai yếu tố giúp đánh giá trở thành một hệ thống tạo nghĩa trong siêu chức năng Liên nhân là Thang độ và Tham thoại. Thái độ của con người được hiện thực hóa trong diễn ngôn với các mức độ khác nhau. Các mức độ này có thể thấp hoặc cao khi được sử dụng để diễn đạt Thái độ. Sự “phân tầng” Thái độ ở các mức đánh giá khác nhau được gọi là Thang độ. Nguồn của thái độ cũng là một yếu tố thuộc hệ thống đánh giá, được gọi là Tham thoại, thể hiện quan điểm của con người trong một diễn ngôn cụ thể. Hệ thống Đánh giá được tóm tắt trong Hình 1 dưới đây.

     Dựa trên ba tiểu hệ thống của Đánh giá, chúng tôi sẽ tiến hành phân tích diễn ngôn cáo trạng đã lựa chọn. Thông qua việc phân tích, hệ thống Đánh giá sẽ giúp chúng ta nhìn thấy được màu sắc Thái độ bên trong cáo trạng. Đồng thời, phương thức khuếch trương Thái độ và nguồn của Thái độ cũng được mô tả. Thông qua việc phân tích ba tiểu hệ thống này, siêu chức năng Liên nhân của diễn ngôn sẽ được minh thị ở tầng ngữ nghĩa diễn ngôn. Tức là, màu sắc Thái độ của Viện Kiểm sát trong diễn ngôn cáo trạng sẽ được lột tả để chúng ta có thể nhìn thấy sự tương tác giữa chủ thể diễn ngôn (cơ quan công tố) đối với các tham thể (bị can, nhân chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan) và Tòa án (cơ quan xét xử).

    2.3.1. Thái độ

     Từ góc nhìn của Lí thuyết Đánh giá, Thái độ bao gồm ba dạng thức khác nhau, bao gồm Tình cảm (Affect), Phán xét (Judgment) và Đánh giá cảm quan (Appreciation). Có thể thấy, trong một diễn ngôn hay một cú, siêu chức năng Liên nhân sẽ được hiện thực hóa bằng một trong các dạng thức này của Thái độ. Chủ thể diễn ngôn hoặc các chủ thể tham gia diễn ngôn sẽ thể hiện sự tương tác, trao đổi thông qua các đánh giá của họ trong ngôn từ được sử dụng. Trước hết, các chủ thể diễn ngôn sẽ đưa ra các cảm xúc, tình cảm của bản thân mình. Tiếp đó, họ sẽ đưa ra các đánh giá về người khác hoặc hành vi của người khác. Và cuối cùng họ đánh giá về các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan.

     (iii) Tình cảm

     Tình cảm được hiểu đơn thuần là cảm xúc của chủ thể hoặc các tham thể được hiện thực hóa trong diễn ngôn. Tình cảm của con người sẽ thể hiện theo hai chiều hướng: tích cực (positive) hoặc tiêu cực (negative). Phương thức diễn đạt sẽ được lựa chọn một trong hai: trực tiếp (direct) hay gián tiếp (implied). Các ẩn dụ cũng là phương thức diễn đạt Tình cảm của con người bên trong diễn ngôn. Martin & White (2005) cho rằng Tình cảm có thể được phân thành bốn kiểu tồn tại: thiên hướng (dis/inclination), vui hay buồn (un/happy), thoả mãn hay bất mãn (dis/satisfation), an toàn hay bất an (in/secure).

     Ví dụ: Bữa đó, thỏ ra bờ hồ. Xa xa có chú rùa. Thỏ đùa, rủ rùa thi đi bộ. Rùa chả sợ: thi thì thi. Thỏ nghĩ: “Cứ để rùa bò. Ta phi như gió. Sợ gì!” (Thỏ thua rùa (1), Tiếng Việt 1
Tập 1 Cánh diều, p.59)

     Chả sợ là phương thức diễn đạt Tình cảm của Rùa khi bị Thỏ thách đấu. Tình cảm của Rùa được hiện thực hóa bởi Phủ định (Negation) bằng từ “chả” và từ “sợ” (quality).

     Phân tích Tình cảm trong diễn ngôn tức là đi vào khám phá cảm xúc của chủ thể diễn ngôn hoặc tham thể là con người trong diễn ngôn. Việc tìm hiểu Tình cảm của ai phụ thuộc vào mục đích của nhà phân tích. Phân tích Thái độ trong cáo trạng sẽ phải tập trung vào tìm hiểu Thái độ của chủ thể diễn ngôn, tức là Viện Kiểm sát (người tạo lập). Lí do là bởi vì cáo trạng là một thể loại diễn ngôn đơn thoại, được viết ra bởi người tạo lập, mà không có thêm phát ngôn của các chủ thể khác.

     Các phương thức diễn đạt Tình cảm của Viện Kiểm sát trong diễn ngôn cáo trạng không được tìm thấy. Điều này không khó để lí giải. Trong một diễn ngôn pháp lí, Viện Kiểm sát là cơ quan công quyền đại diện cho quyền lực Nhà nước để tiến hành truy tố một người đã thực hiện hành vi được xem là tội phạm ra Tòa án có thẩm quyền để tiến hành xét xử. Tòa án này có nghĩa vụ xét xử và đưa ra kết luận liệu đó có phải là hành vi phạm tội hay không. Chính vì thế, cáo trạng không phải là nơi Viện kiểm sát được phép thể hiện tình cảm cá nhân của mình trong đó. Do vậy, sẽ không tồn tại một phương thức nào để diễn đạt Tình cảm của Viện Kiểm sát trong diễn ngôn cáo trạng. Ngược lại trong các thể loại truyện ngắn, tường thuật thì Tình cảm lại xuất hiện với tần suất nhiều hơn để diễn đạt cảm xúc của con người trong các ngôn bản này. (Xinghua & Thompson, 2009; Tran, 2019).

     (iv) Phán xét

     Phán xét là một dạng thức của Thái độ được sử dụng để đánh giá về người khác hoặc hành vi của người khác. Khi nói về người khác, sự đánh giá thông qua Phán xét cũng tương tự như Tình cảm, có thể được hiện thực hóa theo hai phương cách: tích cực hoặc tiêu cực. Và hàm ngôn hoặc hiển ngôn là hai lựa chọn của chủ thể đánh giá để diễn đạt. Theo Martin và White (2005) thì Phán xét tích cực hay tiêu cực có thể được phân thành hai chiều hướng: (1) Phán xét dựa trên quy chuẩn xã hội gồm khen (admiration) và chê (criticism); (2) Phán xét dựa trên quy tắc cộng đồng gồm ủng hộ (praise) và lên án (condemnation) (p.32). Các quy chuẩn xã hội là nền tảng cho việc đưa ra những Phán xét về người khác liên quan đến các yếu tố thuộc mạng lưới xã hội cơ bản như quan hệ bạn bè, quan hệ gia đình, đồng nghiệp… Phán xét dựa trên quy chuẩn xã hội được phân thành Phổ thông (Normality, bình thường hay đặc biệt), Khả năng (Capacity, có thể hay không thể) và Kiên định (Tenacity, phụ thuộc kéo dài hay ngắn). Ngược lại, quy tắc cộng đồng liên quan đến các yếu tố thuộc về thể chế như quy định của pháp luật, quy tắc của tôn giáo… Phán xét dựa trên quy tắc cộng đồng được chia thành hai kiểu: Trung thực (Veracity, đúng sự thật hay không) và Khuôn phép (Propriety, trong phạm vi hay ngoài phạm vi).

     Nhìn từ bản chất của cáo trạng là để truy tố – khẳng định một ai đó đã thực hiện hành vi phạm tội, Viện kiểm sát sẽ phải sử dụng các phương thức diễn đạt để đánh giá về bị can cũng như các hành vi của họ. Trong cáo trạng mà chúng tôi lựa chọn, các bị can như Nguyễn H.N, Phùng T.A, Nguyễn T.N, Phạm Q.H.H và hành vi mua bán chất ma túy của họ sẽ được Viện kiểm sát đánh giá. Sự đánh giá này được hiện thực hóa qua Thái độ, cụ thể là tiểu hệ thống Phán xét. Chúng ta thử xem xét các phương thức diễn đạt trong Bảng 1 sau:

Bảng 1. Phán xét trong ngữ liệu nghiên cứu

Kiểu Thái độ
(Attitude Category)
Đối tượng đánh giá
(Appraised)
Phương thức diễn đạt
(Appraising items)
Tích cực hay tiêu cực
Phán xétViệc vận chuyển
Bị can A
Bị can A
Lời khai bị can
Lời khai bị can
Bị can Nguyễn H.N
Người sử dụng ma túy
Hành vi phạm tội
Trái phép
Đang thất nghiệp
Cuộc sống khó khăn
Phù hợp
Phù hợp
Tích cực
Con nghiện
Thủ đoạn
(-)
(-)
(-)
(+)
(+)
(+)
(-)
(-)

    Trong cáo trạng, Viện Kiểm sát để có thể luận tội đối với các bị can, các đánh giá liên quan đến bản thân bị can, lời khai của bị can, hành vi của bị can cần được miêu tả kĩ lưỡng, chính xác. Trong Pha thông tin lập luận tội của bị can thì cơ quan công tố sử dụng các Phán xét mang tính tiêu cực (-). Ngược lại, ở Pha thông tin mô tả tình tiết giảm nhẹ cho các bị can thì các Phán xét mang tính tích cực (+) được sử dụng. Nhìn chung, màu sắc Phán xét trong toàn văn bản là màu sắc âm tính, được sử dụng để quy kết các bị can đã thực hiện những hành vi tiêu cực, mang tính chất nguy hiểm cho xã hội và cần phải được xét xử nghiêm minh.

     (v) Đánh giá cảm quan

     Để tạo thành một hệ thống Thái độ trong diễn ngôn cụ thể, cần phải có thêm một thành tố nữa. Đó chính là Đánh giá cảm quan. Đây là đánh giá của chủ thể diễn ngôn hoặc các tham thể diễn ngôn đối với “sự vật” (things). Sự vật ở đây được hiểu theo một nghĩa trừu tượng hơn. Nó có thể là sự vật hiện hữu hoặc một sự vật phi hiện hữu, cũng có thể là các hiện tượng hoặc các mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. ánh giá về “sự vật” cũng có thể được thể hiện bằng chiều hướng “tích cực” hay “tiêu cực” giống như Tình cảm và Phán xét. Đánh giá cảm quan đối với “sự vật” bao gồm: thái độ của con người đối với sự vật do sự vật tạo phản ứng đối với con người, gọi là Phản ứng (Reaction); sự đánh giá của con người về kết cấu của sự vật, gọi là Kết cấu (Composition); và sự đánh giá của con người về giá trị của sự vật, được gọi là Giá trị (Valuation). Trong tiếng Anh, đôi lúc sẽ có những trường hợp mà ở đó có thể phân tích sự đánh giá bằng tiểu hệ thống Phán xét hoặc Đánh giá cảm quan (Martin & Rose, 2007, p.39). Đồng thời, hệ thống Đánh giá về Thái độ cũng có thể sẽ khác nhau khi nhìn từ các nền văn hóa khác nhau (Martin & Rose, 2007, p.42). Điều này cũng không quá khó lí giải vì rõ ràng ở những nền văn hóa khác nhau có thể sẽ có những góc nhìn khác nhau về thái độ của con người trong các loại hình diễn ngôn.

     Trong cáo trạng, cơ quan công tố đưa ra những đánh giá của mình về các sự vật, hiện tượng liên quan đến vụ án. Cụ thể, trong ngữ liệu Viện Kiểm sát tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đưa ra những thái độ đối với quan hệ bạn bè của những bị can, các vật chứng hữu quan trong vụ án. Đánh giá cảm quan trong khối ngữ liệu được minh họa qua Bảng 2 dưới đây.

Bảng 2. Đánh giá cảm quan trong ngữ liệu nghiên cứu

timĐối tượng đánh giá (Appraised)Phương thức diễn đạt
(Appraising items)
Tích cực hay tiêu cực
Đánh giá cảm quanQuan hệ bạn bè

Vật chứng

Vật chứng
“Ngoài xã hội”

“01 gói nilon có chứa các mảnh vụn màu cam”

“08 gói nilon lớn nhỏ khác nhau bên trong có chứa chất bột màu trắng”
(-)

(-)

(-)

     Các vật được đánh giá trong cáo trạng bao gồm các mối quan hệ bạn bè của bị can, là những quan hệ “ngoài xã hội” được hiện thực hóa bằng lối nói hàm ý. Trong tiếng Việt hiện đại, quan hệ bạn bè ngoài xã hội dùng để chỉ cho những mối quan hệ với những người không tốt, thường là những người thuộc giới giang hồ, phạm tội. Các vật chứng để chứng minh hành vi phạm tội của bị can cũng được cơ quan công tố miêu tả chi tiết như Bảng 2. Ở đây các cụm từ như “mảnh vụn màu cam”, “chất bột màu trắng” trông có vẻ như mô tả đúng bản chất khách quan của sự thật. Tuy nhiên, nếu nhìn ở một khía cạnh nào đó, những cụm từ này sẽ mang lại một màu sắc âm tính, dùng để ám chỉ cho người tiếp nhận diễn ngôn liên tưởng đến ma túy và các dạng thức của chất cấm khác. Có thể kết luận rằng, khi mô tả vật chứng, phương thức diễn đạt Đánh giá cảm quan mang sắc thái âm tính, tiêu cực.

     2.3.2. Thang độ

     Các Thái độ của con người sẽ không chỉ đơn thuần là giống nhau về mức độ. Có những Thái độ ở mức độ thấp, nhẹ và có những Thái độ ngược lại, ở mức độ cao hoặc nặng nề, dù những Thái độ này diễn tả giống nhau về cùng một ý nghĩa. Các tầng bậc của thái độ trong diễn ngôn được gọi là Thang độ. Nói cách khác, Thang độ là thước đo mức độ của các loại hình Thái độ trong diễn ngôn. Thông qua Thang độ, nhà phân tích diễn ngôn có thể biết được sự đánh giá của chủ thể diễn ngôn hoặc của các chủ thể tham gia diễn ngôn về một nội dung đánh giá cụ thể nào đó.

     Thái độ của con người được phân thành các tầng bậc theo hai kiểu: (1) tăng Khuếch trương lên hoặc giảm Khuếch trương xuống (The Volume); (2) siết chặt (sharpening) hoặc nới lỏng (softening). Kiểu thứ nhất được gọi tên là “Khuếch trương” (Force) và kiểu thứ hai được gọi tên là “Tiêu điểm” (Focus). Khuếch trương trong tiếng Anh được hiện thực hóa bằng một trong bốn phương thức: khuếch thể (intensifier), thái từ (attitudinal lexis, từ vựng chỉ thái độ), ẩn dụ (metaphor) và lời thề thốt (swear). Khuếch thể có thể được hiện thực hóa bằng phương thức nghĩa từ vựng hoặc nghĩa ngữ pháp của từ. Các khuếch thể đánh giá thái độ bằng nghĩa từ vựng được gọi là “khuếch thể từ vựng” (lexical items hoặc lexis) và các khuếch thể thể hiện thái độ bằng nghĩa ngữ pháp được gọi là “khuếch thể ngữ pháp” (grammatical items). Các lựa chọn Thang độ được minh họa qua Hình 2 dưới đây.

     Thang độ trong Lí thuyết đánh giá được xem là sự phân tầng Thái độ và Tham thoại trong diễn ngôn. Thông qua Thang độ, chúng ta có thể hình dung về phương thức mà chủ thể diễn ngôn tương tác với người đọc tiềm năng. Một cách trừu tượng, trong một không gian ảo nào đấy, người viết văn bản và người đọc dự kiến của văn bản sẽ trao đổi với nhau. Khi người viết văn bản lựa chọn ngôn từ sẽ cố gắng tạo không gian để người đọc tiềm năng có thể tương tác. Ở Thang độ, người đọc lựa chọn các phương thức diễn đạt Khuếch trương hay Tiêu điểm ở các xu hướng gia tăng hay giảm xuống, sẽ là cách để người viết lôi kéo sự ủng hộ của người đọc tiềm năng về phía mình. Theo kiểu cách như thế, chúng tôi tiến hành khảo sát ngữ liệu và minh họa các Thang độ được hiện thực hóa trong diễn ngôn cáo trạng như Bảng 3 dưới đây.

Bảng 3. Thang độ trong ngữ liệu nghiên cứu

Thang độKhuếch trương
hay Tiêu điểm
Phương thức diễn đạt
(Appraising items)
Chiều hướng
Tiêu điểm
Tiêu điểm
Khuếch trương
Khuếch trương
Khuếch trương
Trực tiếp lấy ma túy đi giao
Sắp sẵn khối lượng ma túy
Nhiều lần đi bán ma túy
Không nhớ chính xác thời gian
Phạm tội nhiều lần
Siết chặt
Siết chặt
Tăng
Tăng
Tăng

     Các Thái độ được sử dụng trong cáo trạng xuất hiện với tần suất không nhiều. Do vậy, với tư cách là thước đo Thái độ, Thang độ cũng không xuất hiện với tần suất nhiều trong cáo trạng đang khảo sát. Bảng 3 cho thấy các Thái độ đều được đo theo xu hướng tăng cao hoặc siết chặt khi Viện Kiểm sát tiến hành Phán xét hay Đánh giá cảm quan. Chính điều này cũng làm tăng giá trị đánh giá cho cáo trạng. Qua đó, chúng ta có thể thấy, để hiệu quả trong việc “lôi kéo” quan điểm của Tòa án (cơ quan xét xử vụ án), cơ quan công tố đã sử dụng các phương thức diễn đạt Thang độ theo chiều hướng “tiêu cực” để gia tăng mức độ “nguy hiểm” của các hành vi do bị can thực hiện.

     2.3.3. Tham thoại

     Trong một diễn ngôn cụ thể, sự đánh giá có thể đến từ chủ thể diễn ngôn hoặc các chủ thể khác tham gia vào diễn ngôn. Ở bình diện cú, nếu sự đánh giá duy nhất đến từ chủ thể diễn ngôn, tức là tác giả của diễn ngôn thì được gọi là Đơn nguồn (Monogloss). Ngược lại, nếu chủ thể diễn ngôn “mở cửa” để những chủ thể tiềm năng khác tham gia vào diễn ngôn thì được gọi là Đa nguồn (Heterogloss). Tham thoại là yếu tố giúp xác định nguồn của Thái độ trong diễn ngôn. Có nghĩa là, chúng ta có thể truy xuất được nguồn thể hiện Thái độ – tức là tiếng nói khác có thể tham gia vào bên trong một diễn ngôn. Nguồn ở đây được hiểu là đến từ chủ thể diễn ngôn hay các chủ thể tiềm năng khác (người nghe/người đọc).

Hình 3. Hệ thống đánh giá: tổng quan (Nguồn: Martin & Rose, 2007, p.59)

     Có ba phương thức để chủ thể diễn ngôn “mở cửa” cho các chủ thể tiềm năng khác tham gia vào đánh giá: (1) phóng chiếu (projection); (2) tình thái (modality); (3) nhượng bộ (concession). Phóng chiếu được hiểu là sự trích dẫn hoặc tường thuật lại lời nói hoặc suy nghĩ của con người, được thể hiện dưới dạng trực tiếp hoặc gián tiếp. Tình thái được xem là khoảng không giữa hai cực “có” và “không” trong một cú, và khoảng không này có thể là “không gian” để các chủ thể tiềm năng khác có thể tham gia vào diễn ngôn. Nhượng bộ cũng là một phương thức để có thể thêm tiếng nói của một chủ thể khác vào trong diễn ngôn, nên cũng được xem là một nguồn của thái độ trong diễn ngôn. Nhượng bộ được hiểu là sự “phản kì vọng” (counterexpectancy), là phương thức giúp xác định kì vọng và điều chỉnh sự mong đợi ấy trong diễn ngôn, do đó nó cũng được xem là một nguồn của thái độ.

     Thang độ là yếu tố cuối cùng giúp xác lập hệ thống Đánh giá trong diễn ngôn. Hệ thống Đánh giá theo Martin và Rose (2007), Martin và White (2005) minh họa một cách tổng quan trong Hình 3 ở phía trên. Phân tích hệ thống Đánh giá sẽ trở nên không trọn vẹn nếu không lột tả được đặc điểm của ba yếu tố bên trong. Chính vì vậy, việc phân tích bình diện Liên nhân của diễn ngôn cũng sẽ trở nên không đầy đủ. Nhà phân tích sẽ không thể nhìn thấy trọn vẹn sự tương tác giữa người viết và người đọc tiềm năng thông qua các phương thức hiện thực hóa ở tầng ngữ nghĩa diễn ngôn.

     Dựa trên các yếu tố thuộc Tham thoại đã trình bày ở trên, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát cáo trạng. Kết quả khảo sát sơ bộ được minh họa qua Bảng 4 dưới đây.

Bảng 4. Tham thoại trong ngữ liệu nghiên cứu

Tham thoạiDạng thứcPhương thức diễn đạt
Đơn nguồn

Đa nguồn: Tình thái

Đa nguồn: Nhượng bộ

Đa nguồn: Phóng chiếu
Sau khi mua được ma túy, A gọi điện thoại cho N hẹn N sáng ngày 13/8/2020 lên TP HCM để nhận ma túy mang về Vũng Tàu cho V.

A thường bán ma túy cho các con nghiện trên địa bàn TP HCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Khoảng 14 giờ 00 phút ngày 13/8/2020, Nguyễn H.N đang đi giao […] nhưng chưa kịp giao thì […] bị quả tang.

Kết luận Giám định số 395/GĐMT-PC09 (Đ2) […] kết
luận: […]

     Kết quả trình bày trong Bảng 4 minh họa cho các dạng thức Đơn nguồn và Đa nguồn trong Tham thoại. Trong cáo trạng thuộc ngữ liệu nghiên cứu, kết quả liên quan đến Đa nguồn không xuất hiện nhiều. Điều này có nghĩa là Viện Kiểm sát với tư cách là cơ quan công tố, khi truy tố bị can ra xét xử, không tạo nhiều khoảng không để các chủ thể tiềm năng khác có thể tham gia tương tác vào. Các cú trong cáo trạng đa phần được sử dụng Đơn nguồn, mục đích là để tạo ra các lập luận rõ ràng, chính xác bằng các minh chứng cụ thể. Từ đó, các lập luận này mới đủ sức để thuyết phục cơ quan xét xử, cũng như bẻ gãy các phản bác của bị can. Đối với Phóng chiếu, nguồn được sử dụng là nguồn “rất chắc chắn” – cơ quan Giám định. Nếu nhìn từ phương diện chức năng của văn bản, tần suất xuất hiện của Đa nguồn ít là điều không mấy khó hiểu.

3. Kết luận và đề xuất nghiên cứu

     Lí thuyết Đánh giá giúp nhà nghiên cứu ngôn ngữ trong việc xác lập các hình thức hiện thực hóa siêu chức năng Liên nhân ở tầng ngữ nghĩa. Đặc biệt đối với các diễn ngôn viết, nơi mà không có sự trao đổi giữa các chủ thể diễn ngôn giống như ở diễn ngôn nói. Hệ thống Đánh giá bao gồm ba yếu tố là Thái độ, Thang độ và Tham thoại. Thông qua ba yếu tố này, sự trao đổi giữa người viết và người đọc tiềm năng được kích hoạt. Ở diễn ngôn cáo trạng, Tình cảm với tư cách là một tiểu loại của Thái độ đã không xuất hiện trong ngữ liệu. Nhìn từ chức năng của văn bản, Tình cảm có thể sẽ không tồn tại trong thể loại cáo trạng. Thang độ được sử dụng không nhiều và có màu sắc âm tính vì mục đích cuối cùng của cáo trạng là để truy tố bị can ra Tòa án có thẩm quyền. Tham thoại được sử dụng chủ yếu là Đơn nguồn. Đa nguồn cũng xuất hiện nhưng với tần suất ít, chủ yếu sử dụng dụng Phóng chiếu từ những căn cứ “chắc chắn”. Điều này không tạo ra “cơ hội” cho sự tương tác giữa chủ thể tạo lập và người tiếp nhận văn bản. Bài viết này chỉ là một nghiên cứu thử nghiệm, do vậy kết quả nghiên cứu chỉ là bước đầu cho một nghiên cứu ở quy mô lớn hơn. Bởi vì chỉ có thể nghiên cứu ở một lượng ngữ liệu lớn hơn mới có thể khái quát được các đặc trưng từ bình diện Liên nhân của cáo trạng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng Lí thuyết Đánh giá trong đa dạng các thể loại khác nhau cũng là điều cần thiết để có cái nhìn toàn cảnh về đặc điểm thể loại của nhiều văn bản khác nhau. Tất cả những điều này đều có ý nghĩa về mặt học thuật cho khoa học ngôn ngữ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     Carretero, M., & Taboada, M. (2014). Graduation within the scope of Attitude in English and Spanish consumer reviews of books and movies. Evaluation in context, 221-239.

     Chung, T. T., Bui, L. T., & Crosthwaite, P. (2022). Evaluative stance in Vietnamese and English writing by the same authors: A corpus-informed appraisal study. Research in Corpus Linguistics, 10(1), 1-30.

     Feng, D. W., & Zhang, S. (2018). Language, attitudes and party politics: The representation of Republicans and Democrats in Presidential weekly addresses. Pragmatics and Society, 9(2), 232-251.

     Hood, S., & Martin, J. (2005). Invoking attitude: The play of graduation in appraising discourse. Revista Signos.

     Huynh, T. T. T. (2016). Application of appraisal theory in analyzing contraction resources of English and Vietnamese editorials. Journal of Science – Ho Chi Minh University of Education, 5(83), 25-37.

     Lee, S. H. (2008). Attitude in undergraduate persuasive essays. Prospect, 23(3), 43-58.

     Lipovsky, C. & Mahboob, A. (2007). Examining attitudes towards NESTs and NNESTs: A comparison of a thematic vs. an appraisal analysis. In Christina Gitsaki (Ed.) Language and Languages: Global and Local Tensions. Newcastle upon Type: Cambridge Scholars Press.

     Martin, J. R., & Rose, D. (2007). Working with discourse: Meaning beyond the clause. Bloomsbury Publishing.

     Martin, J. R., & White, P. R. (2005). The language of evaluation: Appraisal in English. London: Palgrave Macmillan.

     Matruglio, E. S. (2007). Values and attitudes in ancient and modern history. Faculty of Social Sciences – Papers, 1154.

     Ngo, T., & Unsworth, L. (2015). Reworking the appraisal framework in ESL research: refining attitude resources. Functional Linguistics, 2(1), 1-24.

     Ngo, T., Unsworth, L., & Feez, S. (2012). Enhancing expressions of attitudes: achieving equity for international students in everyday communication. TESOL in Context, Special Edition S3 (November 2012), 1-10.

     Ngu, T. H., & Trang, Vo, N. T. T. (2021). Phan tich dien ngon tich cuc ve thai do va thang do trong bai bao binh luan kinh te lien quan den dai dich Covid-19 [Attitude and graduation in a covid19 -related economic opinion article: a positive discourse analysis]. Journal of Science and Technology – The University of Danang, 19(10), 49-54.

     Nguyen, T. H. (2017). EFL Vietnamese learners’ engagement with English language during oral classroom peer interaction, Doctor of Philosophy thesis, School of Education, University of Wollongong, 2017.

     Nguyen, T. K. N., & Nguyen, T. H. L. (2020). A preliminary study on attitude in English and Vietnamese media texts in the light of appraisal theory. VNU Journal of Foreign Studies, 36(3).

     Nguyen, T. L. T. (2019). Khai quat tinh hinh phat trien va ung dung li thuyet danh gia trong nghien cuu ngon ngu o Trung Quoc [An overview on the development and application of appraisal theory in language studies in China]. Hue University Journal of Science: Social Sciences and Humanities, 128(6A), 63-76.

     Nguyen, T. T. H. (2016). An Appraisal Study of Social Attitudes in News Reports towards President Obama’s Visit to Vietnam. VNU Journal of Foreign Studies, 32(4).

     Nguyen, T. T. H. (2017). Phuong thuc giao tiep voi doc gia cua cac bai binh luan bao chi ve “Ho so Panama” tu goc nhin cua thuyet đanh gia [The interaction of newspaper commentaries on “the panama file” with potential readers: An appraisal analysis]. VNU Journal of Foreign Studies, 33(1), 31-37.

     Oteíza, T. (2017). The appraisal framework and discourse analysis. In The Routledge handbook of systemic functional linguistics (p.481-496). Routledge.

     Scott, C. (2008). Construing attitude and experience in discourse: The interaction of the Transitivity and Appraisal systems. In C. Jones & E. Ventola (Eds.), From Language to Multimodality: New Developments in the Study of Ideational Meaning (pp.87-109). London: Equinox Publishing.

     Taboada, M., & Carretero, M. (2012). Contrastive analyses of evaluation in text: Key issues in the design of an annotation system for attitude applicable to consumer reviews in English and Spanish. Linguistics and the Human Sciences, 6(1-3), 275-295.

     Taboada, M., & Grieve, J. (2004). Analyzing appraisal automatically. In Proceedings of AAAI Spring Symposium on Exploring Attitude and Affect in Text (AAAI Technical Re# port SS# 04# 07), Stanford University, CA, 158-161. AAAI Press.

     Tran, V. P. (2019). Su lua chon ngon ngu danh gia tinh cam trong mot so truyen ngan Viet Nam [Choices of evaluative language source for affect in some Vietnamese short stories]. Language & Life Magazine, 9(289), 3-15.

     Truong, L. B. T., & Vo, N. T. T. (2020). Pham tru Thang dộ trong ngon ngu binh luan ve xa hoi tren bao chi tieng Viet va tieng Anh [Linguistic expression of graduation in Vietnamese and English newspaper articles of social issues]. Journal of Science and Technology – The University of Danang, 18(2), 42-47.

     Vo, D. D. (2017). Appraisal – An approach to discourse analysis. Journal of Inquiry into Languages and Cultures, 1(1), 13-24.

     Vo, N. T. T. (2020c). Ngon ngưu danh gia va phan xet trong van ban binh luan ve xa hoi tren bao chi tieng Viet va tieng Anh [Linguistic expression of appreciationand judgmentin Vietnamese and English newspaper articles of social issues]. Journal of Science and Technology – The University of Danang, 18(2), 36-41.

     Vo, N. T. T. (2017a). Ngon ngư mang chuc nang phan xet trong truyen ngan cua Nam Cao ban tieng Viet va tieng Anh [Language of judment in Nam Cao’s short stories and their english translational equivalents]. Journal of Science and Technology – The University of Danang, 2(111), 99-103.

     Vo, N. T. T. (2017b). Ngon ngư mang chuc nang phan xet, danh gia trong van ban binh luan ve xa hoi tren bao chi tieng Anh và tieng Viet [Linguistic expression of judgment and appreciation in English and Vietnamese newspaper articles of social issues]. Journal of Inquiry into Languages and Cultures, 1(3), 95-104.

     Vo, N. T. T. (2020b). Pham tru Thai do va Thang do trong bai bao ve Covid-19 nhin tu Li thuyet Danh gia [Attitude and graduation in article on covid-19 – Appraisal theory approach]. UED Journal of Social Sciences, Humanities and Education, 10(1), 112-118.

     Xinghua, L., & Thompson, P. (2009). Attitude in students’ argumentative writing: A contrastive perspective. Language studies working papers, 1(1), 3-15.

Ghi chú: Kính mời Quý độc giả xem hình ảnh minh họa bài viết ở tệp PDF đính kèm bên dưới.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh
Tập 19, Số 12 (2022): 2146-2159

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Lí thuyết đánh giá trong phân tích diễn ngôn: Nghiên cứu thử nghiệm từ cáo trạng tiếng Việt (Tác giả: Phan Tuấn Ly)