Vài nét về chủ nghĩa tiền phong trong văn học nghệ thuật
Tác giả bài viết: Thạc sĩ KIỀU THANH UYÊN
(Khoa Ngữ văn và Văn hóa học, Trường Đại học Đà Lạt)
1. Thuật ngữ “phong trào tiền phong” (Avant-garde)
Thuật ngữ “Avant-garde” bắt nguồn từ học thuyết chủ nghĩa xã hội không tưởng. Hai nhà chủ nghĩa xã hội không tưởng Henri de SaintSimon và Charles Fourier cho rằng, nghệ thuật đi tiên phong trong công cuộc kết thúc tiến trình xã hội. Đến năm 1825, nhà toán học đồng thời là nhà cải cách xã hội người Pháp theo chủ nghĩa xã hội không tưởng Benjamin Olinde Rodrigues đưa ra thuật ngừ “Avant-garde artistique” trong bài luận Người nghệ sĩ, nhà bác học và nhà công nghiệp (L’artiste, Le savant et l’industried)(1), đã gán cho nghệ thuật sứ mệnh tiên phong trong công cuộc cải cách xã hội (The power of arts is indeed the most immediate and fastest way).
Từ điển Oxford English Dictionary ghi lại sự xuất hiện đầu tiên của thuật ngữ “Avant-garde” trong tiếng Anh là vào năm 1910. Tuy nhiên, trước đó, trong suốt thế kỷ XIX, thuật ngữ “Avant-garde” đã được biết đến như một thuật ngữ chính trị. Mãi cho đến trước Chiến tranh thế giới thứ Hai, thuật ngữ này mới được sử dụng với ý nghĩa nghệ thuật trong tiểu luận Phong trào tiền phong và sự hào nhoáng (Avant-garde and kitsch) của Clement Greenberg vào năm 1939. Đến thập niên 70, ở Pháp, thuật ngữ này mới được sử dụng trong văn học nghệ thuật bởi những đại diện như Rimbaud, Signac, Seurat và Theodore. Ngoài ra, Apollinaire còn dùng thuật ngữ này để chỉ những nghệ sĩ của chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa vị lai đương thời. Theo nhà nghiên cứu Paul Wood trong bài Chủ nghĩa hiện đại và tư tưởng của phong trào tiền phong (Modernism and the Idea o f the Avant Garde), sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, thuật ngữ “Avant-garde” lại được sử dụng như một nhãn hiệu cho trào lưu hiện đại chủ nghĩa.
Theo từ điển tiếng Pháp, “Avant-garde” được giải thích là “người đi trước”. Trong từ điển tiếng Anh (Colour Oxford English Dictionary của Sara Hawker xuất bản 2006), “Avant-garde” là một tính từ được định nghĩa là “(in the arts) new and experimental” ((trong nghệ thuật) mới và thử nghiệm). Ban đầu, trong học thuyết chủ nghĩa xã hội không tưởng, thuật ngữ “avantgarde” đã được sử dụng với ý nghĩa xem nghệ thuật là lực lượng tiên phong, đi trước mở đường cho công cuộc cải tạo xã hội. Do đó, thuật ngữ “tiên phong” hay “tiền phong” thường được dùng để chỉ những hiện tượng, trường phái, tư tưởng mang tính sáng tạo, đột phá, thử nghiệm, chẳng hạn những trường phái, khuynh hướng những năm nửa đầu thế kỷ XX như chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa vị lai. Ngoài ra, “tiên phong” còn để chỉ các nghệ sĩ, nhà văn, nhà tư tưởng có khuynh hướng trái ngược với các giá trị văn hóa chính thống (thời bấy giờ là chủ nghĩa hiện thực). Với ý nghĩa này, thuật ngữ “Avant-garde” thường bị quy kết chối bỏ truyền thống, suy đồi, nổi loạn. Theo chúng tôi, cách sử dụng thuật ngữ “tiên phong” để chỉ những hiện tượng mang tính sáng tạo, những thử nghiệm mới trong nghệ thuật là phù hợp. Ở phần sau sẽ làm rõ hơn về thuật ngữ “avant-gardism” – chủ nghĩa tiền phong trong văn học nghệ thuật.
2. Những quan niệm về chủ nghĩa tiền phong (Avant-gardism)
Từ thuật ngữ “avant-garde” đi đến chủ nghĩa tiền phong (Avantgardism) trong văn học nghệ thuật là một chặng đường khá dài. Tuy nhiên sự xuất hiện của chủ nghĩa tiền phong thường được cho là gắn liền với chủ nghĩa hiện đại. Do đó cần làm rõ vấn đề chủ nghĩa tiền phong thuộc trào lưu hiện đại chủ nghĩa hay là một trào lưu tư tưởng độc lập. Tương tự chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa tiền phong cũng là kết quả của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật phát triển đầu thế kỷ XX của châu Âu. Những học thuyết tương đối của Einstein (1879 – 1955), cơ học lượng tử của Bohr (1885 – 1962) và Heisenbergs (1901 – 1976) đã thay đổi thế giơi quan của con người thế kỷ XX. Nói cách khác, con người từ “thế giới xác định” bước sang “thế giới bất định”, hay cụ thể hơn là “mất tính tất yếu và phổ quát, trở nên tương đối, chỉ còn là cái đúng trường hợp”(2). Trong bối cảnh đó, tư duy duy lý của thời đại Ánh sáng dần mất đi chỗ đứng, những niềm tin xác tín bị lung lay, thế giới quan bị khủng hoảng đòi hỏi những trào lưu tư tưởng phù hợp hơn.
Theo Clement Greenberg, cùng với sự phát triển của cách mạng khoa học châu Âu, phong trào tiền phong xuất hiện ở những thời điểm khác nhau tùy theo bối cảnh lịch sử ở từng khu vực, từng quốc gia(3) (Dần theo Paul Wood). Đến năm 1965, trong Hội nghị lần thứ ba của cộng đong các nhà văn châu Âu (C. O . M. E. S) tại Roma, nhà triết học hiện sinh Jean-Paul Sartre đọc bài tham luận Tiền phong là gì cũng phác họa đôi nét về tính chất, bản chất của phong trào tiền phong. Theo Trần Thiện Đạo (người dịch), bản tham luận Tiền phong là gì gây được nhiều sự chú ý bởi sự khúc chiết và lập luận vững chắc, có giá trị tổng quát, tuy nhiên cũng bị bài bác rất nhiều, về phong trào tiền phong, Jean-Paul Sartre cho rằng: “Khái niệm tiền phong bao hàm ý niệm chiều hướng, tiến triển và sứ mạng phải thi hành. Điều này giả định rằng văn nghệ luôn luôn bước tới, nó hàm ngụ khái niệm của giới trưởng giả về sự tiến triển, được họ quan niệm như là một sự tấn tới: đội tiên phong đi trước, vổn lại đi trước đội hậu vệ. Để đi về đâu? về chính cốt chất của văn nghệ, về chính tính chất sung mãn lịch sử, về chính toàn thể ý niệm của nó”(4).
Tuy nhiên, chủ nghĩa tiền phong ít được nhắc đến trong một số nền văn học do bị phê phán suy đồi, nổi loạn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì, theo Trần Thiện Đạo, bản chất của khái niệm tiền phong là sáng tạo, còn nhà văn tiền phong là vượt thoát khỏi những giới hạn của xã hội. Thêm nữa, JeanPaul Sartre còn cho rằng, “Các đội tiền phong của chúng ta được quy định bởi những yếu tố chính mình phủ nhận hơn là bởi những yếu tố chính mình sáng tạo”(5). Có thể vì vậy mà phong trào tiền phong thường tạo những cú sốc văn hóa khi xuất hiện.
Ngoài ra, nhiều ý kiến còn cho rằng, chủ nghĩa tiền phong thuộc trào lưu hiện đại chủ nghĩa hoặc gắn liền vói chủ nghĩa hiện đại. Cho nên, chủ nghĩa tiền phong thường được nhắc đến khi nghiên cứu về chủ nghĩa hiện đại. Trong bài Chủ nghĩa hiện đại và tư tưởng của phong trào tiền phong (Modernism and the Idea o f the Avant-Garde), Paul Wood cũng cho rằng:
“Phong trào tiền phong”’ là thuật ngữ lan tỏa khắp bài viết về nghệ thuật hiện đại, như nó là một khái niệm cơ bản không bền vững… Từ chiến tranh thế giới thứ II hướng tới nó được tận dụng như một nhãn hiệu cho phong trào hiện đại chung chung, và đặc biệt hơn như một khái niệm tương đương với “Chủ nghĩa hiện đại”: quan niệm đó về nghệ thuật hiện đại như một lĩnh vực tự tăng lên hiến dâng không chỉ cho giao tiếp thông tin toàn thế giới của hành động lịch sử, mà còn là sản phẩm của những ảnh hưởng thẩm mỹ”(6).
Nhà nghiên cứu Peter Buger cũng khẳng định: “Trong một chừng mực những phong trào tiền phong lịch sử phản hồi tới sân khấu phát triển của nghệ thuật tự trị là mẫu mực bằng tính thẩm mỹ, chúng là một phần của chủ nghĩa hiện đại; trong một mức độ chúng gọi thể chế của nghệ thuật thành câu hỏi, chúng cấu thành mảnh vỡ của chủ nghĩa hiện đại”(7)
Ở Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng chủ nghĩa tiền phong nằm trong trào lưu hiện đại chủ nghĩa. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân trong công trình Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật cho rằng, phong trào tiền phong là những trào lưu đi đầu của chủ nghĩa hiện đại với danh xưng nghệ thuật tiên phong và sau đó trở thành phong trào được gọi là phong trào nghệ thuật tiên phong thế kỷ XX. Còn Đỗ Lai Thúy trong công trình Thơ như là mĩ học của cái khác cho rằng, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tiền phong là phong trào tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện đại trong việc tìm kiếm các phương thức biểu đạt mới thay thế cho chủ nghĩa hiện thực. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân định nghĩa, chủ nghĩa tiền phong chỉ là “Một thuật ngữ ước lệ, dùng để nói gộp về một số trào lưu trong nghệ thuật thế kỷ XX mà đặc tính chung là: từ bỏ truyền thống chủ nghĩa hiện thực, xem việc phá bỏ những nguyên tắc, phương tiện tạo dựng hình thức nghệ thuật đã định hình là phương hướng đạt tới mục tiêu nghệ thuật của mình”(8). Lại Nguyên Ân còn cho rằng, “Thời điểm hình thành chủ nghĩa hiện đại được gắn với chủ nghĩa suy đồi và chủ nghĩa tiền phong”(9). Tương tự, nhà nghiên cứu Trần Thị Phương Phương cũng cho rằng, trong văn học Nga, phong trào nghệ thuật tiền phong là một trong những phong trào thuộc trào lưu hiện đại chủ nghĩa và “Các nghệ sĩ tiền phong chủ trương phá vỡ, đẩy lùi những ranh giới được xem là chuẩn mực, hay cái gọi là status quo (tiếng Latin nghĩa là hiện trạng, trong nghĩa tiêu cực chỉ hiện trạng đang hiện hữu, thống trị, nhưng đồng thời cũng tương đối ngưng trệ, đóng băng, cần có những cú hích để tạo sự thay đổi)”(10).
Mặc dù chỉ dừng lại ở những định nghĩa trong từ điển văn học, hoặc có nhắc đến trong các công trình nghiên cứu liên quan nhưng chủ nghĩa tiền phong cũng đã được các nhà nghiên cứu văn học ở Việt Nam chỉ rõ đôi nét về bối cảnh xuất hiện, đặc điểm, tính chất. Những ý kiến, nhận định trên đã gợi mở, cung cấp nhiều kiến thức lý luận cũng như thực tiễn cho chúng tôi. Trên cơ sở đó, ở chừng mực nhất định, bài viết này cùng với việc tổng hợp là phân tích những đặc điểm của chủ nghĩa tiền phong trong văn học nghệ thuật.
3. Chủ nghĩa tiền phong trong sự đối sánh với chủ nghĩa hiện đại
Có nhiều quan niệm về chủ nghĩa tiền phong nhưng tựu trung lại, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, chủ nghĩa tiền phong gắn với chủ nghĩa hiện đại. Bởi vì, chủ nghĩa tiền phong và chủ nghĩa hiện đại đều bao gồm các trào lưu, khuynh hướng như chủ nghĩa đa đa, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa ấn tượng, chủ nghĩa lập thể, … Do vậy, khi nghiên cứu về chủ nghĩa hiện đại thường gắn với chủ nghĩa tiền phong và ngược lại. Qua những đối sánh dưới đây, có thể thấy, chủ nghĩa tiền phong gắn với chú nghĩa hiện đại nhưng cũng có khuynh hướng độc lập ở mức độ nhất định.
Thứ nhất, chủ nghĩa tiền phong được biết đến như một tên gọi cho các trào lưu, khuynh hướng tư tưởng văn học nghệ thuật đề cao sự sáng tạo và phá vỡ những hình thức cũ để phù họp với bối cảnh lịch sử – văn hóa nửa đầu thế kỷ XX. Nếu bở qua những biểu hiện cực đoan, chủ nghĩa tiền phong là một trào lưu có đóng góp quan trọng trong lịch sử văn học thế giới. Chẳng hạn như ở Nga, theo Trần Thị Phương Phương, chủ nghĩa vị lai trong thơ ca Nga “cũng là hình thức phản ánh hiện thực xã hội và tâm hồn của thời đại theo cách riêng của một thế hệ tuy chịu ảnh hưởng của truyền thống hiện thực thế kỷ XIX nhưng đồng thời cũng muốn thoát khỏi cái bóng khổng lồ của nó”(11).
Thứ hai, xét về phương diện thời gian và không gian, thuật ngữ “tiền phong” xuất hiện lần đầu tiên từ khoảng nửa đầu thế kỷ XIX nhưng cho đến những năm 70 thế kỷ XX khái niệm “chủ nghĩa tiền phong” mới được sử dụng để chỉ những trào lưu, tư tưởng có tính sáng tạo và phá vỡ chuẩn mực trong nghệ thuật, về cơ bản, chủ nghĩa tiền phong với tư cách trào lưu tư tưởng nghệ thuật chỉ được biết đến sau khi chủ nghĩa hiện đại xuất hiện (vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX). Đồng thời, chủ nghĩa tiền phong cũng có tinh thần đổi mới trước sự xuống cấp của tư duy duy lý tương tự chủ nghĩa hiện đại. Có lẽ vì vậy mà thường bị gắn với chủ nghĩa hiện đại như một trào lưu tư tưởng thuộc chủ nghĩa hiện đại.
Thứ ba, xét về phươmg diện nội hàm, ở một chừng mực nhất định, chủ nghĩa tiền phong và chủ nghĩa hiện đại đều chịu sự chi phối của kết quả cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật thế kỷ XX. Song, thực ra, chủ nghĩa tiền phong là một thuật ngữ có nguồn gốc từ môi trường quân sự, chính trị của học thuyết xã hội không tưởng với mục đích ban đầu là cải tạo xã hội bằng mũi tiên phong nghệ thuật. Vì vậy mà chủ nghĩa tiền phong chỉ bao gồm những trào lưu, trường phái mang tính chất “mở đường”, thử nghiệm, đúng như tên gọi của nó là “đi trước”. Còn chủ nghĩa hiện đại bao gồm những trào lưu hợp nhất bắt rễ từ những đối nghịch của thời hiện đại và là một phần của diễn ngôn thời đại Ánh sáng dưới hình thức đối thoại với tư duy duy lý. Điều này cho thấy, chủ nghĩa hiện đại bao quát hơn và ổn định hơn.
Thứ tư, xét về phương diện mục đích, chủ nghĩa tiền phong và chí nghĩa hiện đại xuất hiện nhằm tìm kiếm phương thức biểu đạt mới trong thế giới bất định, mang tính tương đối. Nhưng chủ nghĩa hiện đại là kết quả của những nỗ lực đổi mới tư duy duy lý vào cuối thế kỷ XIX khi thời hiện đại (ở phương Tây) đã đi đến hậu kỳ (bắt đầu từ thế kỷ XVIII (Thời đại Ánh sáng đến nửa cuối thế kỷ XX).
Trong khi đó, chủ nghĩa tiền phong lại xuất hiện để đảm nhiệm sứ mệnh tiên phong trong công cuộc cải tạo xã hội. Tuy sự so sánh còn đôi chút khập khiễng nhưng có thể thấy, chủ nghĩa tiền phong có tính thời sự đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của thực tiễn văn học nghệ thuật. Còn chủ nghĩa hiện đại lại xuất hiện như sự níu giữ hình thức truyền thống trên nền tảng tư tưởng mới.
Chủ nghĩa tiền phong và chủ nghĩa hiện đại như là hai giai đoạn của một quá trình. Chủ nghĩa hiện đại với tinh thần cơ bản “Làm mới nó” (Make it new) nhưng vẫn níu kéo khuôn mẫu của thời đại Ánh sáng. Do đó mà chủ nghĩa tiền phong xuất hiện với vai trò tiếp sức, thúc đẩy tinh thần đổi mới của chủ nghĩa hiện đại. Nhưng chủ nghĩa tiền phong có phần mạnh mẽ hơn trong công cuộc đổi mới bởi đề cao sự sáng tạo, phá vỡ khuôn mẫu, chuẩn mực. Những so sánh trên đây để thấy rằng, chủ nghĩa tiền phong cũng là một trào lưu tư tưởng có nguồn gốc, mục đích và sứ mệnh riêng. Tuy chủ nghĩa tiền phong thường bị phê phán do những sáng tạo vượt chuẩn mực thời đại nhưng không thể phủ nhận những đóng góp của nó đối với văn học nghệ thuật.
4. Chủ nghĩa tiền phong trong văn học nghệ thuật
Dựa trên những cơ sở khảo sát và phân tích, có thể thấy được vài nét về chủ nghĩa tiền phong. Chủ nghĩa tiền phong không chỉ là trào lưu ở phương Tây mà còn lan rộng khắp thế giới tùy thời điểm ở từng khu vực. Từ nguồn gốc thuật ngữ, bối cảnh xuất hiện và mối liên hệ với chủ nghĩa hiện đại, có thể thấy được đặc điểm của chủ nghĩa tiền phong.
Chủ nghĩa tiền phong bao gồm những trào lưu, trường phái mang tính chất nổi loạn, phá cách và đôi khi bị coi là suy đồi xuất hiện trong bối cảnh khủng hoảng của tư duy duy lý nửa đầu thế kỷ XX. Những phong trào, trào lưu được gọi là chủ nghĩa tiền phong tùy thuộc vào đặc trưng chính trị, lịch sử, xã hội của từng khu vực, từng quốc gia. Chẳng hạn như ở Nga, theo Trần Thị Phương Phương, chủ nghĩa tiền phong cũng bao gồm những trào lưu thuộc chủ nghĩa hiện đại như chủ nghĩa vị lai (Futurism), chủ nghĩa lập thể (Cubism), chủ nghĩa trừu tượng (Abstractionism), chủ nghĩa siêu việt (Suprematism) và chủ nghĩa kiến thiết (Constructivism). Trong khi đó, chủ nghĩa tiền phong ở Việt Nam chỉ bao gồm, chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực. Do quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam chỉ diễn trong khoảng thời gian ngắn (khoảng 15 năm) nên chưa tiếp nhận đầy đủ các trào lưu, khuynh hướng khác của chủ nghĩa tiền phong cũng như chủ nghĩa hiện đại ở phương Tây. Tuy nhiên, có thể tóm lại, chủ nghĩa tiền phong trong mẫu hình văn học phương Tây bao gồm những trào lưu, trường phái “đi trước”, có thể kể đến như nhóm phái đa đa (Dadaism), chủ nghĩa lập thế (Cubism), chủ nghĩa vị lai (Futurism), chủ nghĩa ấn tượng (Impressionnism), chủ nghĩa tượng trưng (Symbolism), chủ nghĩa siêu thực (Suưealism), chủ nghĩa biểu hiện (Expressionism), chủ nghĩa hình ảnh (knaginism)…
Theo chúng tôi, chủ nghĩa tiền phong là mũi tiên phong mở đường và tiếp sức cho chủ nghĩa hiện đại trong giai đoạn hậu kỳ của thời hiện đại ở phương Tây nhằm tìm kiếm phương thức biểu đạt mới trong văn học nghệ thuật. Gần đây, những thành tựu của chủ nghĩa tiền phong trong văn học nghệ thuật mới được đánh giá tích cực như những phong trào mang tính chất sáng tạo, thử nghiệm. Mặc dù có phong trào thành công, có phong trào chưa đi đến kết thúc nhưng chủ nghĩa tiền phong cũng mở ra những lối đi mới cho văn học nghệ thuật trong bối cảnh khủng hoảng của tư duy duy lý.
Cho đến nay, chủ nghĩa tiền phong vẫn còn ảnh hưởng đến nhiều loại hình nghệ thuật đương đại như kiến trúc, hội họa, văn học ở cả phương Tây và Việt Nam. Tuy nhiên, ở phương Tây, hiện nay, dấu ấn chủ nghĩa tiền phong đậm nét hơn trong kiến trúc, hội họa, thời trang và các loại hình nghệ thuật khác so với văn học. Lý giải về điều này, Jean-Paul Sartre cho rằng, do châu Âu đang ở trạng thái phát triến đỉnh cao về khoa học, kỹ thuật và tư tưởng nên khó có “con đường đi tới trước” cho các phong trào tiền phong đích thực. Trong bối cảnh hiện nay, các phong trào tiền phong có vai trò rõ nét hơn ở các nước hậu tiến hoặc các nước mới nối lên trong cục diện thế giới.
Ở Việt Nam, chủ nghĩa tiền phong cũng có ảnh hưởng đến quá trình hiện đại hóa văn học nửa đầu thế kỷ XX, đặc biệt là đế lại dấu ấn rõ nét trong giai đoạn cuối của phong trào thơ Mới giai đoạn 1932 – 1945. Chủ nghĩa tượng trưng đã ảnh hưởng đến một số nhà thơ. Theo đánh giá của Hoài Thanh: “Từ Xuân Diệu, Huy Cận, thơ Việt Nam đã có tính cách của thơ Pháp lối tượng trưng. Nhưng còn dè dặt. Bích Khê và ít người nữa như Xuân Sanh muốn đi đến chồ người ta thường cho là cao nhất trong thơ tượng trưng: Mallarmé, Valéry”(12). Có thể kể đến những bài thơ mang dáng dấp thơ tượng trưng của phong trào thơ Mới như Huyền diệu (Xuân Diệu), Cô liêu (Hàn Mặc Tử), Tranh lõa thê (Bích Khê). Thơ tượng trưng hiện đại Việt Nam chỉ thật sự bắt đầu với Xuân Thu Nhã Tập: Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh và Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ. Đặc biệt, nhóm Đinh Hùng, Trần Dần, Trần Mai Châu, Vũ Hoàng Địch, Vương Thanh đã lập thi phái Tượng trưng và xuất bản giai phấm Dạ Đài cuối năm 1945 với các tác phẩm như Mê hồn ca (Đinh Hùng), Lạc hồn ca (Trần Dần). Ngay đầu thập niên 40, nhóm Xuân Thu Nhã Tập đã đưa những hình ảnh siêu thực vào thơ. Do đó, đương thời, nhiều nhà phê bình, nhà thơ thường ái ngại với thơ của Xuân Thu Nhã Tập. Song, nhìn lại, so với những nhà thơ đương thời, cùng với Xuân Thu Nhã Tập, Hàn Mặc Tử đã đi xa hơn trong nghệ thuật thơ ca.
5. Chủ nghĩa tiền phong – một vài ghi nhận
Chủ nghĩa tiền phong không chỉ là một trào lưu thuộc chủ nghĩa hiện đại mà nó còn có đời sống riêng. Khó đế phân loại trào lưu nào thuộc chủ nghĩa tiền phong, trường phái nào thuộc chủ nghĩa hiện đại. Cũng như khó mà phân định rạch ròi ranh giới giữa chủ nghĩa tiền phong và chủ nghĩa hiện đại. Theo chúng tôi, chủ nghĩa tiền phong cũng có nền tảng tư tưởng và ý nghĩa riêng trong đời sống văn học nghệ thuật. Mặc dù đều chịu sự chi phối của khuôn mẫu thời đại Ánh sáng nhưng chủ nghĩa tiền phong lại có khuynh hướng phá vỡ hình thức, trong khi đó chủ nghĩa hiện đại lại níu giữ để chuấn mực hóa nguy cơ xuống cấp của văn học nghệ thuật. Có thể vì vậy mà cho đến hôm nay, chủ nghĩa hiện đại với mẫu hình “đại tự sự” đã nhường chỗ cho “tiểu tự sự” của chủ nghĩa hậu hiệnđỉại. Trong khi đó, dấu ấn, yếu tố của chủ nghĩa tiền phong vẫn ảnh hưởng đến văn học, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật đương đại như thời trang, kiến trúc, hội họa, điêu khắc. Mặc dù bị đánh giá gay gắt và tiêu cực vào thời điểm mới xuất hiện nhưng đến nay, những thành tựu của chủ Chủ nghĩa tiền phong đã được ghi nhận trong tiến trình lịch sử văn học ở cả thương Tây và Việt Nam.
_________
(1) , (10), (11) Trần Thị Phương Phương: Chủ nghĩa vị lai trong thơ ca Nga, tạp chí Đại học Sài Gòn – Bình luận văn học niên san 2015, số 13 (38), 3-2015, tr.150, 150, 148.
(2) Đỗ Lai Thúy: Thơ như là mĩ học của cái khác. Nxb. Văn học – Songthuybook, I, 2013, tr.10.
(3) , (6) Wood, p.: Moderism and the Idea of the Avant – Garde, A Companion to Art rheory, (Paul Smith, Carolyn Wilde biên soạn), Blackwell Publishing Ltd, Maryland, 1002, tr.222, 372.
(4) , (5) Trần Thiện Đạo: Từ chủ nghĩa hiện sinh đến thuyết cấu trúc. Công ty sách lách Việt. Nxb. Tri thức, H, 2008, tr.60.
(7) Buger, p.: Avant-Garde and Neo-Avant-Garde: An Attempt to Answer Certain Iristiẹs of Theory of the Avant-Garde (English translation 2011 The Johns Hopkins Jniversity Press), New Literary History, The Johns Hopkins Universitv Press, Baltimore, .010, tr.696.
(8) , (9) Nhiều tác giả: Từ điển văn học (bộ mới). Nxb. Thế giới, H., 2004, tr.293, 277.
(12) Hoài Thanh: Bình luận văn chương. Nxb. Giáo dục, Hl., 1998, tr.215.
Nguồn: Nghiên cứu Văn học;
Tạp chí Nghiên cứu Lý luận, phê bình và lịch sử văn học; 2016
Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Vài nét về chủ nghĩa tiền phong trong văn học nghệ thuật (Tác giả: Kiều Thanh Uyên) |