Lịch sử và Mĩ thuật thánh địa Mỹ Sơn qua bộ đạc họa của H.Parmentier

ASPECTS HISTORIQUES ET ESTHÉTIQUES DU SANCTUAIRE DE
MY SON DANS LES INVENTAIRES DE HENRI PARMENTIER

Tác giả bài viết: Thạc sĩ  NGUYỄN QUANG HUY[1]
([1]Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT

     Henri Parmentier (1871-1949) là một nhà khảo cổ học người Pháp chuyên nghiên cứu và phục hồi các di tích Champa tại Đông Dương. Sau thời gian tham gia vào các cuộc khảo cổ tại Mỹ Sơn (1901-1904), Đồng Dương, Chánh Lô (1905), và Banteay Srey (1906). Những tài liệu cơ bản nhất về Mỹ Sơn đã được Henri Parmentier và Louis Finot công bố năm 1904, đặc biệt là bộ đạc hoạ Inventaire descriptif des Monuments Cams De L’Annam của Henri Parmentier được nhà xuất bản E. Leroux ấn hành 1909 và Inventaire Descriptif des Monuments Čams de l’Annam được nhà xuất bản E. Leroux tái bản ấn hành năm 1918 vẽ lại di sản kiến trúc đền tháp, điêu khắc trang trí Champa tại Thánh địa Mỹ Sơn. Tác phẩm này đã trở thành bộ tư liệu minh chứng quan trọng về lịch sử và mỹ thuật, là một tập tài liệu tham khảo căn bản trong việc nghiên cứu, khảo tả, phục vụ công tác trùng tu tôn tạo di tích, gắn liền nhu cầu đào tạo. Đặc biệt có giá trị tham khảo, tham chiếu căn bản, quí giá về kiến trúc mỹ thuật Champa phục vụ cho công tác bảo tồn, trùng tu hiện nay cũng như trong công tác giảng dạy, đào tạo về lịch sử và văn hóa Champa, nhất là về kiến trúc mỹ thuật cổ Champa ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay. Từ đây, đặt ra vấn đề cấp thiết là cần biên dịch, in ấn, tái bản bộ tài liệu công cụ đặc biệt quan trọng này.

Từ khóa: Bộ đạc họa tháp Champa, Henri Parmentier và bộ đạc hoạ Champa; Giá trị mỹ thuật bộ đạc hoạ tháp Champa; Champa qua bút pháp Henri Parmentier.

RÉSUMÉ

     Henri Parmentier (1871-1949) est un archéologue français spécialisé dans la recherche et la restauration des monuments cham en Indochine. Il a effectué des fouilles à My Son (1901-1904), Dông Duong, Chanh Lô (1905) et à Banteay Srey (1906) et publié en 1909 et 1918 les deux tomes de son “Inventaire Descriptif des Monuments Čams de l’Annam” chez Ernest Leroux. Cet ouvrage rassemble un grand nombre de dessins de temples et de sculptures au sanctuaire My Son. Il constitue donc un document de référence essentiel pour la recherche, la description de l’architecte et de l’art cham aussi bien que pour la préservation, la restauration des sites de cette culture. Les universités et les écoles supérieures qui dispensent des formations en histoire et culture cham, surtout en architecture et en art cham, doivent le prendre en grande considération également, d’où la nécessité de le traduire et de le rééditer.

Mots clés: Collectionde dessins des tours Cham, Henri Parmentier et les dessins des tours Cham, valeur esthétique des dessins des tours Cham, le Champa à travers le pinceau de Henri Parmentier.

x
x x

1. Henri Parmentier và bộ đạc họa

     Henri Parmentier sinh năm 1871 tại Paris, Pháp và tốt nghiệp môn kiến trúc tại École des beaux-arts de Paris (Trường Mỹ thuật Paris) ở Paris. Vào năm 29 tuổi, Henri Parmentier sang Đông Pháp rồi gia nhập Viện Viễn Đông Bác cổ (ÉFEO), chuyên nghiên cứu và phục hồi các di tích Chăm Pa tại Đông Dương. Henri Parmentier tham gia vào các cuộc khảo cổ tại Mỹ Sơn (1901-1904), Đồng Dương, Chánh Lô (1905), và Banteay Srey (1906). Khởi đầu công trình nghiên cứu, từ ngày 11/3/1903 đến ngày 3/2/1904, H. Parmentier và các nhà nghiên cứu khác đã thực hiện khảo sát, thống kê, chụp ảnh một cách công phu. Năm 1904, những tài liệu cơ bản nhất về Mỹ Sơn đã được H. Parmentier và Louis Finot (1864-1935, Giám đốc đầu tiên của Viện Viễn Đông Bác cổ) công bố. Bộ đạc hoạ với tổng số lên đến 145 bức đạc họa, tập trung khảo tả về đền tháp Champa như Thánh địa Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp bà Poh Inư Naga, Khương Mỹ…, với nhiều kích thước khác nhau đã vẽ lại vô cùng chi tiết, sinh động, với độ chính xác cao các di tích kiến trúc và các tác phẩm điêu khắc tại Thánh địa Mỹ Sơn, ta biết vào đầu thế kỉ 20, Thánh địa Mỹ Sơn có 68 công trình kiến trúc mà Parmentier chia thành các nhóm từ A, A’ đến N. Nội dung công trình được tập trung thể hiện trên nhiều khía cạnh.

     Mặt bằng và mặt dựng kiến trúc thể hiện qua 88 trang đạc hoạ, bản vẽ mạch lạc với kích thước và ghi chú rõ ràng đối với từng khu vực khác nhau, mặt bằng và kiến trúc được thể hiện theo cấu trúc tháp đơn, tháp đôi và nhóm ba tháp. Mặt bằng vẽ lại hiện trạng với độ dày của tường bao, cấp độ giật cấp ở các góc, không gian bố trí bên trong tháp. Tổng thể mặt bằng cấu trúc được mô phỏng như hình khối của Yoni, loại kiến trúc đặc trưng của đền tháp Champa.

     Kiến trúc được sử dụng bút pháp hiện thực, tỉ lệ cấu trúc tháp từ phần chân tháp, thân tháp, chóp tháp, ngoài ra phong cách đặc trưng qua các thời kỳ được truyền tải hoàn chỉnh. Một số tháp được tác giả biểu thị dưới dạng mặt cắt dọc, với độ dày của tường, không gian bên trong và hình khối bên ngoài, với nét đậm nhạt khác nhau theo một bản vẽ kỹ thuật. Điêu khắc trang trí bao gồm 48 bức hoạ, thể hiện toàn bộ những hiện vật được tìm thấy, phần lớn các chi tiết trang trí được tác giả bố trí theo nhóm riêng biệt, như chóp trang trí tháp, phù điêu trang trí tháp, mi cửa và tượng thờ. Các chi tiết trang trí được thể hiện ở góc nhìn trực diện, và được phân chia thành từng bộ theo phong cách của tháp.

     Linh vật và bia ký được thực hiện bao gồm 9 bức, với những bia ký, Linga và Yoni, được thể hiện với góc nhìn trực diện và phối cảnh nghiêng, bút pháp chắc khoẻ, rõ nét đặc trưng của hình khối.

     Có thể thấy, bộ đạc hoạ của HenryParmentier mang nhiều giá trị về lịch sử và giá trị mỹ thuật điêu khắc trang trí của người Champa, đặc biệt đã sưu tập, lưu dấu lại những tư liệu quý giá trong thời kỳ đầu khảo sát Thánh địa Mỹ Sơn mà không ai có thể phủ nhận được, ngoài những tư liệu khảo sát, miêu tả bằng văn bản, thì số lượng hình ảnh khảo tả chiếm một tỷ trọng rất lớn trong công trình nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Champa này, như nhà nghiên cứu văn hóa Champa Trần Kỳ Phương đánh giá: “Nếu không có các nghiên cứu của H.Parmentier thì nhiều kiến trúc, mỹ thuật Chăm nói chung và của Mỹ Sơn nói riêng đã biến mất mãi mãi, chẳng hạn thông tin về ngọn tháp A1 có chiều cao cao nhất Thánh địa Mỹ Sơn với 28m đã bị bom đánh sập trong chiến tranh”[2].

     Cuộc khảo sát từ những tháng đầu năm 1093 đã được H.Parmentier công bố kết quả trên tập kỷ yếu của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (BEFEO) số 4 năm 1904 với tên “Les Monuments du Cirque de Mi-Son”[3]. Tiếp sau đó là hai tập nghiên cứu đồ sộ được H.Parmentier đã cho ra đời là Inventaire Descriptif des Monuments Čams de l’Annam tập 1 vào năm 1909 và Inventaire Descriptif des Monuments Čams de l’Annam tập 2 vào năm 1918 vẽ lại di sản kiến trúc đền tháp, điêu khắc trang trí Champa tại Thánh địa Mỹ Sơn. Qua thời gian, nhiều công trình nghiên cứu, khảo cổ, bảo tồn, trùng tu di tích đã thực sự tham khảo và sử dụng bộ tài liệu này của H.Parmentier như một nền tảng quan trọng về nghệ thuật –mỹ thuật kiến trúc, điêu khắc Champa. Được thể hiện bằng bút sắt, khảo tả thực tế qua bút pháp ký hoạ, nghiên cứu văn bia cổ, lưu lại những giá trị thực tế to lớn, đặc biệt là trong việc đối sánh di tích và nghệ thuật trang trí do hiện nay đã có quá nhiều thay đổi, biến động. Xem xét một cách tổng quan, có thể thấy tác giả đã thể hiện kết quả khảo tả với hai dạng đặc trưng là (1) Vẽ trên nền phẳng 2D tức thể hiện mặt bằng, mắt cắt, mặt đứng của kiến trúc và tượng điêu khắc; (2) Vẽ phối cảnh tạo khối 3D như linh vật (Linga, Yoni, voi…), bia ký, trụ cột trang trí.

     Dù với điều kiện thiếu thốn, không được hỗ trợ về mặt kỹ thuật hiện đại như ngày nay, nhưng tất cả các bức khảo tả trong dữ liệu này đều thể hiện bút pháp điêu luyện, sắc nét, chi tiết sinh động cụ thể, rõ ràng như được thể hiện bởi các thiết bị chuyên dụng trong đồ họa thiết kế hiện đại. Bộ đạc họa thực hiện bằng phương pháp quan sát và ký hoạ, tháp có tỉ lệ khá cao nhưng vẫn được tác giả bố cục hợp lý qua phối cảnh giữ đúng tỉ lệ cấu trúc đế, thân và mái. Với góc nhìn tổng quát bao trùm không gian để đảm bảo các chi tiết sinh động nhưng đồng thời vẫn giữ được tính Mĩ thuật chung của hình khối, đòi hỏi sự phân chia khéo léo trong cách thể hiện. H.Parmentier đã xử lý nét bút tỉ mỉ đan thưa, dầy tạo khối, thể hiện độ đậm nhạt tạo hiệu ứng lồi lõm cho các hoa văn càng thêm phần sống động. Tổng thể được xử lý một cách tinh tế với những điểm nhấn và giản lược khác nhau, phụ thuộc vào chi tiết trang trí để nhấn mạnh trọng tâm của công trình.

     Giá trị thứ nhất là kể đến chính là giá trị mỹ thuật của là Inventaire Descriptif des Monuments Čams de l’Annam được thể hiện qua bút pháp riêng của tác giả, từ những khảo tả để xác định nên hệ thống niên đại, phân chia phong cách nghệ thuật xây dựng cũng như điêu khắc trang trí đền tháp Champa đặc trưng. Bộ đạc họa chứa nhiều tư liệu vụ cho nghiên cứu mỹ thuật kiến trúc về vương quốc Champa qua các thời kỳ, đặc biệt là giá trị ứng dụng trong việc tái hiện, trùng tu tôn tạo các công trình cũng như chức năng giáo dục hiện nay. Qua đó, tác giả đã rút ra được những đặc điểm nổi bật như cấu trúc từ chân móng cho đến đỉnh tháp, chất liệu, tỉ lệ, hoa văn và những nét độc đáo của đền tháp Champa tại Mỹ Sơn so với các công trình khác cùng thời ngoài lãnh thổ Việt Nam. Bộ đạc hoạ của tác giả H. Parmentier chứa đựng nhiều hình ảnh kiến trúc đền tháp khác nhau, trong đó bộ tài liệu ký họa về đền tháp tại Mỹ Sơn chiếm phần lớn, đã được tác giả phân chia theo các bộ chủ đề: (1) Kiến trúc các mặt dựng của từng tháp; (2) Chi tiết mặt bằng các tháp; (3) Bản vẽ cắt lớp; (4) Các hoạ tiết trang trí: thân cột, mi cửa, diềm mái, tượng điêu khắc; (5) Các vị thần và linh vật.

     Giá trị thứ hai chính là Inventaire Descriptif des Monuments Čams de l’Annam đã đặt nền móng cho việc phân chia phong cách kiến trúc đền tháp Champa. Có thể thấy từ những bản vẽ chi tiết đền tháp cùng hoạ tiết trang trí khác nhau rất phong phú và đa dạng, mật độ bố trí linh hoạt, bút pháp điêu khắc tinh tế… đã đặc biệt nhấn mạnh rằng Mỹ Sơn đã hội tụ nhiều yếu tố mỹ thuật, kéo dài từ thời kỳ hưng thịnh cho đến giai đoạn suy vong…, tất cả đều đã có ảnh hưởng lớn đến phong cách mỹ thuật trang trí đền tháp. Sự phân chia các khu vực đền tháp đã biểu lộ rõ ràng tầm quan trọng về tiến trình lịch sử ảnh hưởng đến phong cách nghệ thuật kiến trúc cho đến ngày nay. Qua các nhóm được H. Parmentier phân chia, đã giúp hiểu thêm về sự phân bổ vị trí của từng cụm tháp, mục đích xây dựng của người Champa theo những không gian chức năng khác nhau. Qua những phân tích của H.Parmentier đã tập hợp và lập nên bảng niên đại đầu tiên về phong cách mỹ thuật đền tháp và điêu khắc trang trí Champa, bộ đạc họa Inventaire Descriptif des Monuments Čams de l’Annam có giá trị tiên phong, là nền tảng cho các công trình nghiên cứu nối tiếp về sau được nhiều học giả tham khảo, vận dụng xác định niên đại tiến trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa, cũng như những giai đoạn phát triển của vương quốc Champa. Những khảo cứu thực tế, hình ảnh vẽ tay, xác định niên đại đó của H. Parmentier từ đầu thế kỉ XX, bốn mươi năm sau đã được nhà nghệ thuật học nổi tiếng người Pháp là Philippe Stern sắp xếp trật tự về niên đại và phong cách các tháp Champa tương đối hoàn chỉnh, từng bước được các nhà khoa học trên thế giới công nhận. Đặc biệt mãi cho đến năm 1963 nhà nghiên cứu người Pháp J. Boisselier mới xây dựng hoàn chỉnh về phong cách mỹ thuật Champa theo đúng trình tự phát triển, được xem là trọn vẹn và là tài liệu sử dụng trong các công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới, cụ thể: (1) Giai đoạn trước thế kỉ VII; (2) Phong cách Mỹ Sơn E.1 từ thế kỉ VII đến giữa VIII; (3) Phong cách Hòa Lai từ giữa thế kỉ VIII đến giữa IX; (4) Phong cách Đồng Dương từ nửa sau thế kỉ IX; (5) Phong cách Khương Mỹ từ cuối thế kỉ IX đến đầu thế kỉ X; (6) Phong cách Trà Kiệu thế kỉ X; (7) Phong cách Chánh Lộ thế kỉ XI; (8) Phong cách Tháp Mắm hay Bình Định từ thế kỉ XII đến thế kỉ XIII; (9) Phong cách Yang Mun từ thế kỉ XIV đến thế kỉ XV; (10) Phong cách Po Rome từ XV đến thế kỉ XVII.

2. Giá trị tham khảo, tham chiếu của bộ đạc họa

     Thánh địa Mỹ Sơn bắt đầu được trùng tu từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỉ trước với sự tham gia của Trung tâm Bảo quản, Tu bổ di tích Trung ương (nay là Viện Bảo tồn di tích quốc gia) đã có những đóng góp quan trọng trong gìn giữ di sản kiến trúc Champa. Nhiều đền tháp ở Mỹ Sơn đã được trùng tu cứu vãn theo phương pháp tái định vị và gia cố các thành phần đã bị đổ nát. Bên cạnh thuận lợi là sự quan tâm của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự giúp đỡ của tổ chức quốc tế, Chính phủ các nước, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đối mặt với nhiều khó khăn thử thách. Khó khăn lớn nhất là di tích nằm ở dạng phế tích, kiến trúc, khảo cổ học, chất liệu, vật liệu, kỹ thuật xây dựng còn là những bí ẩn cần tiếp tục được giải mã để đưa ra giải pháp khoa học trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của di sản. Nhìn lại quá trình gần 40 năm nghiên cứu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật để trùng tu các đền tháp ở Mỹ Sơn, các chuyên gia khảo cổ cho rằng, “về cơ bản, những người làm công tác trùng tu đã nắm tương đối đầy đủ kỹ thuật và tình trạng bảo tồn của các di tích đền tháp Chăm trên mặt đất là nhờ vào các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học H. Parmentier, Philippe Stern, J. Boisselier. Nhờ đó, đã loại bỏ được tình trạng đổ nát của các phế tích, cải thiện tình trạng tồn tại và khôi phục từng phần các di tích bằng các giải pháp kỹ thuật phù hợp, không làm tổn hại đến di tích mà ngược lại còn phát huy giá trị của di tích, trở thành điểm tham quan của du khách”[4]. Trong hành trình tìm lại hình hài vốn có cũng như những giá trị cổ xưa của Thánh địa Mỹ Sơn, bộ đạc họa của H. Parmentierđã góp phần để công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn được mở sang trang mới.

3. Giá trị giảng dạy, đào tạo về lịch sử và văn hóa Champa

     Năm 1915, người Pháp sau một thời gian thu thập tượng, tác phẩm điêu khắc tiêu biểu trên địa bàn Quảng Nam, trong đó có Mỹ Sơn đã tiến hành xây dựng công trình mô phỏng kiến trúc của người Champa có tên gọi Les Chams au Musée de Tourane (Người Chăm ở Bảo tàng Đà Nẵng) trưng bày như một kho mở với khoảng 160 hiện vật. Sau ngày Bảo tàng thành lập, những đợt khai quật khảo cổ và sưu tầm hiện vật được người Pháp tiếp tục thực hiện, trong đó có hai đợt khai quật lớn ở Trà Kiệu (Quảng Nam) năm 1927 – 1928 và Tháp Mẫm (Bình Định) năm 1934 đã thu thập về cho Bảo tàng nhiều tác phẩm điêu khắc Champa có giá trị. Trong 2 năm 1935-1936, Bảo tàng được mở rộng thêm gần 400 m2 để phục vụ trưng bày các hiện vật mới và được Toàn quyền Đông Dương đặt tên là Bảo tàng Henri Parmentier (Muée Henri Parmentier) và chính H.Parmentier được phân công trông coi và có công lớn trong việc phân loại, sắp xếp các bộ sưu tập theo niên đại, phong cách tại bảo tàng này. H.Parmentier đã sắp xếp trưng bày đầy đủ các bộ sưu tập tiêu biểu cho quá trình phát triển của nghệ thuật điêu khắc Chăm trải dài hơn 8 thế kỉ, từ thế kỉ VII đến thế kỉ XV, nâng tổng hiện vật được trưng bày lên gần 300 hiện vật. Với công lao ấy, ông Hồ Tấn Tuấn (Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm) đánh giá như sau “Trải qua 100 năm, Bảo tàng Điêu khắc Chăm được hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử. Những người có công lớn đầu tiên trong việc xây dựng và đưa Bảo tàng Điêu khắc Chăm vào hoạt động là ông Charles Lemire, công sứ Pháp ở tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1891 đến 1892, Charles Lemire đã cho sưu tập những tác phẩm điêu khắc ở các đền tháp Chăm như: Trà Kiệu, Khương Mỹ, Mỹ Sơn (Quảng Nam) đưa về để tại Công viên Tourane. Đây là địa điểm sau này được chọn để xây dựng Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Suốt 13 năm (từ năm 1902-1915), các nhà nghiên cứu tâm huyết, tiêu biểu là ông Henri Parmentier – nhà khảo cổ học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu văn hóa Chăm đã kiên trì tìm nguồn kinh phí để xây dựng một Bảo tàng nhằm lưu giữ, bảo tồn hiện vật điêu khắc Chăm ngay tại Đà Nẵng”[5].

     Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc định hình bản sắc văn hóa địa phương và cá nhân đã trở thành vấn đề cấp bách, vấn đề bảo tồn di sản Champa cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Di sản văn hóa Champa (bao gồm thành trì, các khu thánh địa, các cụm đền tháp; các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bằng đá và gạch, đồ gốm sứ, vật dụng, đồ thờ cúng bằng các loại chất liệu có giá trị nghệ thuật cao, trong đó có Thánh địa Mỹ Sơn) dần phai nhòa trong những năm gần đây, như một lời báo hiệu về sự tồn vong của di sản này. Vì thế, bộ đạc họa của Henri Parmentier sẽ là cơ sở căn cứ quan trọng cho việc kế thừa nghiên cứu với tính ứng dụng rất cao, đặc biệt là việc khai thác và sử dụng hệ thống tư liệu từ bảo tàng Điêu khắc Chăm vào giảng dạy các học phần lịch sử, văn hóa địa phương góp phần phát huy giá trị di sản văn hóa Champa cũng như phát triển di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

4. Kết luận

     H. Parmentier góp phần quan trọng trong tiến trình lưu trữ văn hóa, lịch sử, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, qua bao biến động của thời tiết, chiến tranh khắc nghiệt. Khối lượng bộ đạc hoạ khá đồ sộ qua lối diễn hoạ bằng phương pháp vẽ tay, chất liệu bút kim đơn giản nhưng vẫn chứa đựng, tạo được giá trị thẩm mỹ, tinh thần mềm mại và uyển chuyển của hoa văn điêu khắc và khối kiến trúc đền tháp. Kết hợp giữa những đường nét chỉnh chu và nét bút buông lơi phóng khóang, tất cả đã tạo nên một tổng thể sống động, hoàn toàn không ngột ngạt, dầy đặc. Chính những yếu tố tả thực và buông lơi trong nét bút đã tạo nên một bức hoạ chân thật về một Mỹ Sơn tuyệt mỹ dù đã trải qua những thăng trầm nghiệt ngã của thời cuộc.

     Nguồn dữ liệu này cũng đã giúp lưu giữ những hình ảnh đẹp nhất, khá chính xác về đền tháp và các chi tiết trang trí qua năm tháng bị phong hóa, góp phần dữ liệu hóa, thiết thực phục vụ cho quá trình trùng tu, tạo sự thuận lợi trong quá trình chế tác, bảo tồn các hoa văn điêu khắc trang trí. Bộ đạc hoạ của tác giả H.Parmentier có thể ví như một bộ tranh về nghệ thuật ký hoạ, chứa đựng nhiều yếu tố thẩm mỹ, là dữ liệu quan trọng cho việc tham khảo, học tập ngôn ngữ diễn hoạ mà tác giả đã thể hiện. Đáng tiếc là bộ tài liệu qúy hiếm này chưa được tái bản nên tư liệu gốc hầu như chỉ được cất giữ cẩn trọng như một bảo vật, nên có thể thấy đây là một thực tế đáng tiếc bởi nguồn tài liệu quý giá này rất quan trọng đối với việc nghiên cứu về nghệ thuật Champa, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc truyền thống Champa.

     Tác phẩm này đã trở thành bộ tư liệu minh chứng quan trọng về lịch sử và mỹ thuật, là một tập tài liệu tham khảo căn bản trong việc nghiên cứu, khảo tả, phục vụ công tác trùng tu tôn tạo di tích, gắn liền nhu cầu đào tạo. Đặc biệt có giá trị tham khảo, tham chiếu căn bản, quí giá về kiến trúc mỹ thuật Champa phục vụ cho công tác bảo tồn, trùng tu hiện nay cũng như trong công tác giảng dạy, đào tạo về lịch sử và văn hóa Champa, nhất là về kiến trúc mỹ thuật cổ Champa ở các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay. Từ đây, đặt ra vấn đề cấp thiết là cần biên dịch, in ấn, tái bản bộ tài liệu công cụ đặc biệt quan trọng này.

__________
[2] Ths. Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

[3] Hoàng Sơn (2017), Những người đánh thức Mỹ Sơn: Khám phá thánh địa trong rừng thẳm. Truy xuất tại https://thanhnien.vn/van-hoa/nhung-nguoi-danh-thuc-my-son-kham-pha-thanh-dia-trong-rungtham-883505.html

[4] M. Henri Parmentier, “Les Monuments du Cirque de Mi-Son,” in BEFEO 4 (1904), pp. 805–896. Truy xuất tại www.persee.fr/issue/befeo_0336-1519_1904_num_4_1

[5] Lê Văn Minh – Cán bộ Viện Bảo tồn di tích phát biểu tại hội thảo “Quy trình kỹ thuật trùng tu đền tháp Champa Mỹ Sơn qua trường hợp tu bổ, bảo tồn phế tích kiến trúc tháp E7 và nhóm tháp G” diễn ra ngày 7 tháng 12 năm 2018 tại Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên).
Truy xuất tại https://vov.vn/di-san/bon-thap-kytrung-tu-di-tich-my-son-953585.vov

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Henri Parmentier (1902), Le sanctuaire de Po Nagar à Nhatrang (đền Po Nagar ở Nha Trang), BEFEO 2, tr. 17-54.

     2. Henri Parmentier (1904), Les Monuments du Cirque de Mi-Son. Truy xuất tại www.persee.fr/issue/befeo_0336-1519_1904_num_4_1

     3. Henri Parmentier (1905), Le trésor des rois cams (Kho báu của các vua Chăm), BEFEO 5, tr. 1-46.

     4. Henri Parmentier (1907), L’architecture interprétée dans les bas-reliefs anciens de Java (Kiến trúc, được diễn giải trong các hình chạm nổi thấp của Java cổ đại), BEFEO 7, tr. 1-60.

     5. Henri Parmentier (1909), Inventaire Descriptif des Monuments Čams de l’Annam, tập 1

     6. Henri Parmentier (1918), Inventaire Descriptif des Monuments Čams de l’Annam tập 2

     7. Henri Parmentier (1919), L’art d’Indravarman (Nghệ thuật thời vua Indravarman I)[2], BEFEO 19/1, tr. 1-91.

     8. Henri Parmentier (1923/1936), Notes d’archéologie indochinoise (Các ghi chú về khảo cổ Đông Dương), 10 ghi chú trong BEFEO 23, 24, 27, 32 và 36.

     9. Henri Parmentier (1927), L’Art khmèr primitif (Nghệ thuật Khmer nguyên thủy), 2 tập, Paris, EFEO (PEFEO, 21-22), 370 trang, 100 pl, [“Complément”, BEFEO 35/1-2, 1935, tr. 1-116.].

     10. Henri Parmentier (1935), La construction dans l’architecture khmère classique (Xây dựng trong kiến trúc Khmer cổ điển), BEFEO 35, tr. 243-312.

     11. Henri Parmentier (1937), Esquisse d’une étude de l’art laotien (Phác thảo của một nghiên cứu về nghệ thuật Lào), Bulletin des Amis du Laos (Hà Nội) 1, tr. 126-160.

     12. Henri Parmentier (1939), L’Art khmèr classique. Monuments du quadrant Nord-Est (Nghệ thuật Khmer cổ điển. Các công trình nghệ thuật ở khu vực đông bắc), Paris, EFEO, 362 trang.

     13. Henri Parmentier (1948), L’Art architectural hindou dans l’Inde et en ExtrêmeOrient (Nghệ thuật trong kiến trúc Ấn Độ giáo ở Ấn Độ và Viễn Đông), Paris, 251 trang, 94 ill..

     14. Hoàng Sơn (2017), Những người đánh thức Mỹ Sơn: Khám phá thánh địa trong rừng thẳm. Truy xuất tại https://thanhnien.vn/van-hoa/nhung-nguoi-danh-thuc-myson-kham-pha-thanh-dia-trong-rung-tham-883505.html.

     15. Lê Đình Phụng (2002), Di tích Chămpa ở Bình Định. NXB khoa học xã hội, Hà Nội.

     16. Ngô Văn Doanh (2002), Văn hóa cổ Chăm Pa. NXB Văn hóa Dân tộc, Tp. Hồ Chí Minh.

     17. Ngô Văn Doanh (2011), Thánh địa Mỹ Sơn, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.

    18. Ngô Văn Doanh (2019), Tượng cổ Champa những phát hiện gần đay, NXB Văn hóa – Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.

     19. Philippe Stern (1942), L’art Du Champa: Ancien Annam, Et Son Évolution, Paris: Adrien-Maisonneuve.

Ghi chú: Kính mời Quý độc giả xem hình ảnh minh họa cho bài viết ở tệp PDF đính kèm bên dưới.

Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX
Conférence internationale l’education Franco-Vietnamienne fin du xixè – début du xxè siècle, nhà xuất bản đại học huế huế, 2021

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Lịch sử và Mĩ thuật thánh địa Mỹ Sơn qua bộ đạc họa của H.Parmentier
(Tác giả: ThS. Nguyễn Quang Huy)