LINH HỒN TIẾNG VIỆT qua một số câu TỤC NGỮ
LÊ XUÂN MẬU
(Giáo viên phổ thông)
1. Đề Thuyết & Chủ Vị
Trong bài “Linh hồn tiếng Việt” (in trong tập Tiếng Việt – Văn Việt – Người Việt), nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo có kể lại việc ông làm cho người bạn là nhà ngôn ngữ học người Tiệp rất giỏi tiếng Việt phải lúng túng khi ông đố bạn giải nghĩa câu tục ngữ “Chó treo mèo đậy”. Ông kể câu chuyện ấy để dẫn đến kết luận câu tiếng Việt tổ chức theo quan hệ Đề – Thuyết, người Âu quen với kiểu câu tổ chức theo Chủ – Vị nên không giải nghĩa nổi! Có tìm hiểu ít nhiều về tục ngữ Việt, tôi nghĩ có thể tìm cơ sở ngôn ngữ học của việc tạo nghĩa ở tục ngữ từ cách tiếp cận khác. Và cũng có thể từ đó tìm thấy ít nhiều yếu tố của linh hồn Việt trong ngôn ngữ.
Tục ngữ ca dao Việt là ngôn ngữ dân gian, nó gắn với khẩu ngữ đời thường, dân dã. Có thể tìm ở đó những mẫu hình tổ chức câu “thuần Việt” vì nó được sáng tạo từ lâu đời có thể ít chịu ảnh hưởng của các kiểu tổ chức câu cú du nhập từ ngôn ngữ Âu. Tuy vậy vẫn phải tìm cơ sở ngôn ngữ học của nó dựa vào ba mặt: ngữ nghĩa – cú pháp – và dụng pháp nếu muốn giảng giải nó.
Nhiều nhà ngữ pháp Việt đều nói đến thứ ngữ pháp cổ tổ chức câu theo mô hình chủ vị nhưng chủ ngữ thường ẩn. Ở ngữ pháp Việt cổ – trước khi tiếp thu ảnh hưởng ngữ pháp đối xứng ở tiếng Hán và ngữ pháp tầng bậc hiện đại của các tiếng Âu – cái ngữ nghĩa và vai trò của trật tự các đơn vị được coi trọng khi tổ chức các kết hợp từ ghép, các ngữ và các câu. Khi xem xét nghĩa của câu tục ngữ “Chó treo mèo đậy” ta cũng phải chú ý đến các đặc điểm ấy và phải đi từ ngữ nghĩa, từ xem xét các quy tắc cú pháp Việt cũng như các mặt dụng pháp của nó. Người bạn Tiệp Vasiljev của ông Cao Xuân Hạo cũng bắt đầu bằng việc làm cái việc tìm nghĩa các từ. Ông thấy “chó mèo làm gì có tay mà treo mà đậy”. Nếu ông ấy vận dụng thứ “ngữ pháp – ngữ nghĩa” như ông Phan Ngọc nói trong cuốn Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á thì chắc ông sẽ đi tới lập luận “Vậy thì chó mèo không thể là chủ ngữ trong câu ấy vì không có sự tương hợp ngữ nghĩa, nó phải đóng một vai trò khác”. Có thể tìm ra dễ dàng một “chủ ngữ ẩn” kiểu “Ai đó treo một cái gì đó”. Như thế tất sẽ phải tìm ra vai trò của “Chó, Mèo” trong tổ chức câu tục ngữ đó. Có thể đó là một “điều kiện”, một “nguyên nhân” gì đó. Bài toán tìm nghĩa câu tục ngữ có thể giải ra: “Khi có chó, mèo ai đó phải treo, đậy cái gì đó có thể bị chó, mèo phá phách, như thức ăn,…” Như thế là vẫn có thể phân tích cú pháp tục ngữ theo mô hình Chủ – Vị, không phải là không thể làm nổi.
Về phương diện dụng pháp, phải đặt câu tục ngữ vào hoàn cảnh phát ngôn cụ thể, ngữ cảnh cụ thể. Trong hoàn cảnh cất món thức ăn nào đó, mà nhà có chó mèo câu tục ngữ sẽ có cái nghĩa đen của nó. Trong hoàn cảnh nói về yêu cầu bảo vệ một tài sản riêng chung nào đó kiểu chống tham nhũng, câu tục ngữ sẽ có nghĩa bóng (nghĩa mở rộng theo hình thức ẩn dụ).
Có một câu tục ngữ được ghi lại như sau: cha đưa mẹ đón. Giả thử ông Cao Xuân Hạo chép vào giấy như thế đưa cho ông bạn người Tiệp, chắc ông bạn ấy sẽ giải được theo mô hình Chủ-vị tuy ông có thể không đủ hiểu biết về phong tục để lí giải đưa ai, đưa cái gì và đưa trong trường hợp nào. Vì trong câu này có đến hai cách hiểu đưa ai và đưa cái gì cho ai. Theo phong tục Việt thì câu này dùng trong lễ cưới và được hiểu là cha đưa con gái và mẹ đón con dâu.
Nhưng câu ấy ở địa phương khác lại dùng trong phong tục tang lễ. Và câu này được lí giải là Với cha, con đưa, với mẹ, con đón. Nghĩa là vẫn có thể phân tích theo mô hình Chủ -vị, có chủ ngữ ẩn.
Tuy vậy việc phân tích tục ngữ theo mô hình kết cấu Chủ – Vị sẽ kém thuyết phục nếu người phân tích không đủ tinh tường về ngữ nghĩa các từ và sự không có hiểu biết về “tương hợp ngữ nghĩa” giữa chúng. Với câu tục ngữ “Ăn là anh Làm là em”, một nhà ngôn ngữ đã dùng mô hình Chủ-vị để phân tích (Chủ ngữ hiện chứ không ẩn). Vị đó dựa vào nghĩa của từ “anh” từ “em” theo quan hệ thứ bậc trong gia đình để nói rằng “ăn” được đánh giá cao hơn “làm” vì tục ngữ đã so sánh! Cái nghĩa đó không được thuyết phục lắm! Và sự phân tích theo Chủ – Vị thành hài hước. Lấy khái niệm “tương hợp ngữ nghĩa” của ngữ pháp ngữ nghĩa để xem xét, có thể thấy các động từ chỉ hoạt động “Ăn” và “Làm” ở đây không thể là chủ ngữ trong câu như thế. Chúng không có sự “tương hợp ngữ nghĩa” với vị ngữ, đây là hai vế so sánh, mà so sánh chúng với “anh – em” như thế sẽ vô nghĩa. (1) Hai từ đó không thể đóng vai trò chủ ngữ trong sự tổ chức câu so sánh như thế được. Hai hoạt động sao có thể có quan hệ thứ bậc như anh em, có dùng từ theo sự chuyển nghĩa cũng không thể có được cái nghĩa chuyển nào phù hợp. Phải tìm ra cái sự “tương hợp ngữ nghĩa” để chấp nhận được các câu chủ vị ấy. “Ăn” và “Làm” phải hiểu theo nghĩa hoán dụ chỉ “Người ăn”, “Người làm”. Câu tục ngữ sẽ có nghĩa trong hoàn cảnh người vợ nấu món ăn nói ra để trêu chồng. Nhưng cũng có thể phân tích cấu trúc câu theo mô hình Chủ – Vị với chính cái nghĩa hoạt động của hai từ “ăn”, “làm” nếu tri nhận các quan hệ trong câu khác đi. Câu có chủ ngữ ẩn (ai đó) và “Ăn”, “Làm” đóng vai trò điều kiện. Câu được khôi phục sẽ là: “Khi ăn, ai đó nhận là anh, khi làm ai đó nhận là em”.
Có thể người ta sẽ kêu là theo cách phân tích Chủ – Vị như thế hầu như câu nào cũng phải diễn giải, bổ sung, biến đổi mới hiểu được. Điều đó cũng dễ “biện minh”. Tục ngữ là hình thức phản ánh những đúc kết có tính luận lí trong tư duy nhưng phải chịu sự chi phối bởi những yêu cầu thể loại như cô gọn, có vần nhịp…, khi tiếp nhận không thể không đưa nó trở lại hình thức diễn đạt thông thường. Đấy có thể hiểu là “phiên dịch” ngôn ngữ tục ngữ ra ngôn ngữ hiện đại như kiểu người Hán phiên dịch các câu văn ngôn ra văn bạch thoại. Theo mô hình Đề-Thuyết thì rất nhiều câu – không ít hơn phân tích theo Chủ – Vị – cũng phải tường giải như thế cả thôi. Cứ xem quyển Tiếng Việt – Sơ thảo ngữ pháp chức năng của ông Cao Xuân Hạo là thấy điều đó.
Có thể nói thêm rằng vai trò của ngữ nghĩa không chỉ trong việc tạo câu (cú pháp) mà cả ở trong việc tổ chức từ ghép và các ngữ (từ pháp). Có người đưa ra câu tục ngữ Cơm tẻ mẹ ruột và giải nghĩa hai từ “mẹ” và “ruột” là một từ ghép. Coi “mẹ ruột” là một từ như vậy không ổn, dù cho có một số người đã dùng như thế (trong phương ngữ Nam Bộ) ở những câu khác, Từ ruột khi tạo từ ghép chỉ dùng trong mối quan hệ có cùng cha mẹ (anh ruột) hoặc dùng trong mối quan hệ giữa những người có cùng cha mẹ với cha mẹ họ (như dì ruột) hoặc con cái của những người cùng cha mẹ với họ (như cháu ruột), không thể dùng với người sinh ra mình hoặc do mình sinh ra (mẹ ruột, con ruột). Người ta muốn chỉ người mẹ sinh ra chính mình thì phải gọi là “mẹ đẻ”. Hai nữa khi đưa cái “từ ghép” mẹ ruột ấy vào câu tục ngữ ta phải thêm từ chỉ chủ sở hữu cho nó! Cho nên, muốn có sự tương hợp ngữ nghĩa ở câu, ta phải hiểu nghĩa cả câu tục ngữ này là “Cơm tẻ là mẹ của ruột”.
2. Nghĩa câu nghĩa lời
Có người đưa ra luận điểm phủ nhận nghĩa văn bản ở tục ngữ. Có thể đọc lại lời nhận định sau đây: “Tóm lại nghĩa của tục ngữ được quy định bởi mục đích phát ngôn chứ không gắn chặt với văn bản như một tác phẩm văn học viết”; “nghĩa của tục ngữ phải xác định trong trường phát ngôn” (?) và “nghĩa của tục ngữ không giống nhau và không hoàn toàn giống nhau trên văn bản”.
Nhà văn học dân gian này dựa vào hiện tượng nghĩa đen, nghĩa bóng khi nói để phủ nhận “nghĩa văn bản” ở nó. Thực ra “Nghĩa văn bản” của câu tục ngữ này cũng gắn chặt với câu chữ của nó, đó là nghĩa câu. Cần phải phân biệt nghĩa câu và nghĩa lời. Câu là một tập hợp từ ngữ được tổ chức theo các quy tắc cú pháp, nghĩa của nó là sự tổng hoà nghĩa các từ trong sự chi phối của các quy tắc ngữ pháp. Còn lời là câu được dùng để diễn đạt ý người nói, nghĩa của nó tuy dựa trên nghĩa câu nhưng chịu tác động của ngữ cảnh, từ mục đích người nói, quan hệ liên nhân đến hoàn cảnh phát ngôn. Câu tục ngữ “Tức nước vỡ bờ” khi đọc trên văn bản sưu tầm ta vẫn có thể thấy cái nghĩa chỉ cái sự tình xảy ra trong thực tế là “có những cái bờ ruộng bị sức nước ép mạnh, bờ bị “tức” không chịu được đã “vỡ” ra”. Sự tình đó là “nghĩa” của câu tục ngữ và nó được diễn đạt bằng các từ, các kết hợp đúng cách. Cái nghĩa ấy ai cũng có thể rút ra trực tiếp từ văn bản không phụ thuộc vào ngữ cảnh sử dụng, có thể gọi là nghĩa văn bản. Chuyện nó có nghĩa đen, nghĩa bóng là do sự liên tưởng tạo ra nghĩa chuyển và người dùng khai thác “nghĩa” nào mới là tuỳ vào mục đích phát ngôn vào ngữ cảnh. Nhưng đó là chuyện khác, theo những cơ chế tạo ý, tạo lời khác. Đó là sự phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể, ngữ cảnh cụ thể của lời nói.
Cũng chính tác giả trên khi phủ nhận “nghĩa văn bản” đã nêu ra những nghĩa khác nhau của câu Lời nói gói bạc do đưa thêm các từ “xen” vào câu này khi vận dụng:
Lời nói quý như gói bạc
Lời nói quý hơn gói bạc
Lời nói không bằng gói bạc
Lời nói phải kèm gói bạc, v.v.
Thực ra câu tục ngữ nguyên bản đã có cái nghĩa của nó. Cái cấu trúc sóng đôi hai vế “lời nói / gói bạc” bản thân nó đã có “nghĩa” so sánh vì việc đặt cạnh nhau hai vật thì ý so sánh thường sẽ nảy sinh. Cái nghĩa so sánh ở đây chắc ai cũng hiểu là “lời nói như gói bạc” hoặc “Lời nói có giá trị như gói bạc”. Không thể dựa vào các yếu tố đưa thêm vào để coi như thế là có nhiều “câu tục ngữ” khác nhau, hay một câu có nhiều nghĩa khác nhau Người ta chỉ coi đó là sự vận dụng tục ngữ như một đơn vị ngôn ngữ để tạo lời, diễn đạt “ý” của người ta. (2)
Lại phải nói đến sự phụ thuộc vào đặc điểm thi pháp của tục ngữ trong việc hiểu nghĩa câu trong tục ngữ. Do yêu cầu truyền miệng, câu tục ngữ bị gọt giũa đến mức mất hết các từ phụ, các từ quan hệ, chỉ còn lại những từ hạt nhân ngữ nghĩa. Đó có thể là một nguyên nhân tạo ra một thứ “ngôn ngữ thần linh”. Vì thiếu các từ quan hệ mà quan hệ giữa các từ, các vế câu trở thành lỏng lẻo, mờ nhoè. Tuỳ theo nhận thức về các mối quan hệ ấy, câu tục ngữ sẽ được hiểu khác nhau dẫn đến nhiều nghĩa câu, nghĩa văn bản khác nhau tuỳ vào một từ quan hệ nào đó phù hợp gán vào.
Trên thuận dưới hoà là câu ẩn chứa nhiều phán đoán có thể khác nhau tuỳ vào sự tri nhận về mối quan hệ hai vế. Có thể là một quan hệ kéo theo. Trên thuận (thì) dưới hoà. Có thể là một quan hệ nhân quả trên thuận (nên) dưới hoà… Đây có thể coi là đa nghĩa văn bản – một thứ đa nghĩa khách quan, Tất nhiên, cũng như đa nghĩa ở từ, trong sử dụng, các nghĩa trong cái đa nghĩa ở văn bản tục ngữ chỉ là nghĩa tiềm năng, nghĩa nào đó được khai thác và nổi lên là tuỳ vào những yếu tố ở ngữ cảnh cụ thể khi sử dụng. Nghĩa đó là nghĩa lời do sự hướng nghĩa theo mục đích của người nói và nó được xác định dựa vào hoàn cảnh sử dụng.
Tuy vậy sự tri nhận mối quan hệ giữa các vế không thể tuỳ tiện, vẫn phải dựa vào nghĩa câu và hoàn cảnh nói năng. Khó mà chấp nhận cái so sánh tương đồng người ta tri nhận ở câu Một lượt tát một bát cơm. Không thể “so sánh” hai vế như thế, chúng không có cơ sở tương đồng nào để so sánh. Đây cũng không phải là một lời mặc cả công xá mà là một lời khuyên, nêu ra quan hệ nhân quả, điều kiện: Nhờ có A nên có B, nếu có A sẽ có B.
Ngay cả những câu có cái nghĩa bị biến đổi vì nhiều lí do như kiểu “già kén kẹn hom” thì cái nghĩa câu nào được sử dụng cũng tuỳ vào hoàn cảnh. Người trong nghề nuôi tằm lấy kén nghe câu Già kén kẹn hom sẽ tiếp nhận được cái nghĩa ở nghề nuôi tằm (kén tằm để già quá sẽ bị mắc vào hom là cái khung tre người ta thả tằm vào cho nó làm tổ kén, sẽ khó gỡ). Nhưng những người làm nghề khác không hiểu cái nghĩa nghề nghiệp của từ kén ấy sẽ hiểu từ kén đồng âm và tiếp nhận nghĩa đã biến dạng là cái nghĩa khuyên cô gái đến hoặc quá tuổi lấy chồng không nên kén chọn… Thế là tuỳ vào ngữ cảnh khi câu tục ngữ được dùng, cái nghĩa câu sẽ thay đổi tạo ra nghĩa lời.
Có những câu tục ngữ biến nghĩa, từ nghĩa tốt thành nghĩa xấu. như câu “Hi sinh đời bố củng cố đời con”. Nó sẽ là lời khen người bố từ bỏ mọi ước mơ… của mình chịu khó chịu khổ làm những công việc vất vả không hứng thú để nuôi con. Nhưng nó sẽ có nghĩa mỉa mai những anh quan tham cố đấm ăn xôi bị trị tội trong khi tiền bạc của cải con cái anh ta sẽ hưởng. Đó vẫn là nghĩa lời phụ thuộc vào các yếu tố ngữ cảnh.
Lại có những câu mỗi người hiểu một cách. “Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại” là câu có hai cách hiểu. Có người giải thích đó là lời khuyên người vợ kế thương yêu con chồng. Giải thích như thế là được với trường hợp chị ta đã lấy rồi. Nhưng có người khác lại phê hiểu như thế là không hiểu văn hoá Việt! Người ấy bảo đó là lời khuyên người phụ nữ goá chồng không có con giai, chỉ có con gái (chỉ có cháu ngoại và đang vất vả vì chúng). Lời ấy là lời khuyên lúc chị ta còn phân vân trước việc đi bước nữa, “rổ rá cạp lại” với người có con còn nhỏ do vợ trước mất đi để lại. Khi chị ta đã lấy rồi, lời khuyên thật ra phải khác. Nếu dùng câu này thì có thể là lời động viên của người ngoài, lời trần tình của chính chị ta. Nghĩa là tục ngữ có những “nghĩa” khác nhau thì sẽ dẫn đến nghĩa lời khác nhau..
Có những câu tục ngữ nghĩa của nó phụ thuộc vào người nói khác nhau. Những người sử dụng sẽ vì mục đích khác nhau, dùng câu đó để thực hiện hành động khác nhau. Câu “Ăn trộm có tang chơi ngang có tích” sẽ là lời trơ trẽn thách thức “công luận”, khi kẻ “chơi ngang” đã phi tang! Nhưng sẽ không đáng phê phán, thậm chí còn cần đồng tình khi đó là lời của người ngoài cuộc có thái độ khách quan đòi hỏi mọi người không nên hàm hồ, nói không có căn cứ. Vì vậy, giải thích tục ngữ không nên chỉ căn cứ vào một trường hợp sử dụng – nhất là thái độ cho là duy nhất đúng theo cách hiểu của mình! Vẫn cứ phải căn cứ vào ngữ cảnh, có yếu tố người nói và mục đích của họ.
3. Tính nghĩa ở từ
Ta đã nói về vai trò của cú pháp và từ pháp ở tục ngữ (bình diện ngữ pháp) vai trò của ngữ cảnh và mục đích sử dụng (bình diện dụng pháp) trong việc tiếp nhận tục ngữ. Cần phải xem xét tục ngữ từ bình diện ngữ nghĩa.
Khi nói về bình diện cú pháp và cả từ pháp, ta đã nói đến vai trò của ngữ nghĩa của từ trong việc tạo các từ ghép, các cụm từ và tạo câu. Cần đi sâu hơn chút nữa vào vai trò nghĩa từ trong tục ngữ. Ở đây ta cũng sẽ thấy khá nhiều thứ hàm chứa “linh hồn tiếng Việt” trong câu chữ ở tục ngữ.
Đầu tiên phải nói đến hiện tượng đa nghĩa ở từ. Có những từ mang nghĩa đen nghĩa bóng, phải cùng lúc hiểu cả hai mới tiếp nhận và thưởng thức được tài chơi chữ ở câu tục ngữ. Đó là trường hợp người ta đến ăn với nhau mà nghe chủ thanh minh về cái đạm bạc của bữa ăn, người ta nói “Thèm lòng chứ không thèm thịt”. Cũng như vậy, có những từ chứa trong bản thân hai sắc thái nghĩa xấu tốt. Từ “vẽ” là từ như vậy, có thể vẽ có nghĩa tốt là “tô điểm thêm hình ảnh màu sắc cho đẹp” nhưng cũng có thể có nghĩa xấu là “bày vẽ”, “vẽ vời”. Vì vậy câu “Áo gấm vẽ thêm hoa” sẽ mang hai nghĩa. Phải tuỳ vào giọng điệu khi nói mới tiếp nhận đúng ý người nói.
Câu Ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả được hiểu theo hai cách:
– Quá trình trông nom cây lâu dài vất vả, nhưng không vất vả bằng thời gian ngắn trông quả.
– Bao công sức lao động vất vả chỉ trông chờ vào ngày thu hoạch.
Cách hiểu thứ nhất có do hiểu chữ trông theo nghĩa “trông giữ” và nghĩa của câu sẽ là so sánh sự vất vả trong việc trông giữ quả với việc trông giữ cây trước khi có quả.
Cách hiểu thứ hai có do hiểu chữ trông theo nghĩa “trông mong”. “trông chờ” và nghĩa câu này là nói về sự lo lắng, sự đề phòng hoàn cảnh bất lợi lúc cây có quả, sự mong mỏi thu hoạch kết quả được trọn vẹn. Sự so sánh cường điệu về thời gian trông chờ ở hai giai đoạn có giá trị nhấn mạnh ý nghĩa muốn nêu.
Đương nhiên nghĩa văn bản thứ nhất có vẻ ít giá trị khái quát và sâu sắc như nghĩa thứ hai. Hẳn là cái nghĩa bóng rút ra từ nghĩa đen ở “nghĩa văn bản” thứ hai được quan tâm hơn. Sự trông mong vào kết quả lúc gần đạt ở giai đoạn cuối sẽ mạnh hơn trước đó. Cái nghĩa bóng này rất gần cái nghĩa bóng ở câu “Trèo cây gần đến buồng”.
Từ những câu tục ngữ này, ta thấy nghĩa văn bản của tục ngữ có thể được hiểu khác nhau khi hiểu theo các nghĩa khác nhau ở một từ. Đó là tình trạng diễn ra ở nhiều câu tục ngữ.
Ăn bữa nay lo bữa mai là một câu có thể hiểu hai cách. Cách thứ nhất cho rằng câu ấy nêu lên tình cảnh khó khăn trong sinh hoạt vật chất của người nào đó, gia đình nào đó. Cách thứ hai cho rằng đó là câu khen ngợi hoặc khuyên nhủ người ta phải biết “lo xa”. Rõ ràng là cách hiểu thứ nhất dựa trên nghĩa 1 của từ lo ở từ điển: “ở trạng thái phải bận tâm không yên lòng về việc gì đó vì cho rằng có thể xảy ra điều không hay”. Trạng thái tâm lí lo lắng ấy có là do hoàn cảnh thiếu thốn không có lương thực, thực phẩm dự trữ,… Còn với cách hiểu thứ hai, thì từ lo có cái nghĩa 2 ở từ điển: “suy tính định liệu, chuẩn bị điều kiện, biện pháp để có thể làm tốt việc gì đó thuộc về trách nhiệm của mình”. Cái tinh thần lo liệu, lo tính đó nên có và đáng khen không chỉ trong việc nội trợ, quản lí gia đình mà có thể cần có, phải có với bất cứ ai có trách nhiệm trong công việc của mình. (tất nhiên do áp lực ngữ nghĩa của từ bữa – bữa ăn, nghĩa 1 được dùng nhiều hơn).
Tiếp đến phải nói đến hiện tương có những biến hoá trong nghĩa từ theo nhiều lí do. Cái câu “ăn trộm có tang, chơi ngang có tích” có những từ mang nghĩa cổ (in đậm). Phải hiểu đúng nghĩa cổ ấy mới hiểu được nghĩa câu, hơn nữa còn phải hiểu cả cái văn hoá tôn trọng quan hệ nam nữ trong khuôn phép, không “chơi ngang”. Sự biến nghĩa vì lí do lịch sử, vì sự khác biệt nghĩa ở các địa phương ngành nghề cũng có nhiều.
Lại cần chú ý đến hiện tượng nhiều nét nghĩa hàm chứa trong nghĩa từ. Các từ sau, trước và cả chuối, cau trong câu tục ngữ Chuối sau – cau trước có thể có nhiều nét nghĩa khác nhau. Các nét nghĩa nằm ẩn trong cái nghĩa “vị trí” của nghĩa các từ sau, từ trước có nhiều. Có thể là vị trí tương đối với một vật chuẩn (cái nhà) hay với chính các đối tuợng nói đến (quả ở cùng nải chuối, ở cùng buồng cau). Lại nữa ngay cau và chuối cũng lại có những nét nghĩa về cây, về quả nữa. Những cái “hàm ẩn” đó đều là thứ nghĩa tiềm năng ở từ, chúng sẽ nổi lên trong nghĩa lời khi người sử dụng phát ngôn trong hoàn cảnh nói năng cụ thể.
Trong nghĩa từ, ta còn thấy có những sự đối lập rất tinh tế, có thể nói không quá là phản ánh đặc điểm tư duy dân tộc trong ngôn ngữ. Cá kể đầu rau kể mớ là một câu có hai cách hiểu dựa trên sự đối lập từ ngữ khác nhau.
Đầu và mớ đều là đơn vị để tính đếm (kể có nghĩa là tính ra hoặc để ý đến). Nhưng đầu và mớ lại có sự đối lập về nghĩa khá tinh tế. Đầu là đơn vị con (cá thể, theo nghĩa hoán dụ). Mớ là tập hợp nhiều đơn vị nhỏ. Khi coi cả hai từ mang cùng nghĩa “đơn vị” người ta sẽ hiểu theo cách thứ nhất. Cứ tính theo “đơn vị” cả thôi, không tính đến độ to nhỏ, giá trị nhiều mặt khác nhau của vật đang xét ở từng đơn vị đó. Cái nghĩa “xô bồ” là thế. Có thể với cách hiểu này, câu tục ngữ có thể có các từ chêm “Cứ cá kể đầu, rau kể mớ thôi, chi li làm gì”.
Ở cách hiểu thứ hai, người ta lại đối lập hai cái nghĩa khác nhau trong cái nghĩa “đơn vị” ở hai từ. Cá thì kể từng đầu là từng đơn vị đếm được vì nó có giá trị. Rau thì kể từng mớ (nhiều đơn vị cây rau, cọng rau) vì nó ít giá trị. Từ đó người ta thấy nghĩa khinh trọng trong cách tính là dựa vào từng đơn vị cá thể hay một đơn vị tập hợp. Có thể với cách hiểu này, người ta đã chêm từ như sau “Ôi dào, cá mới kể đầu, còn rau kể mớ thôi”. Đó cũng là một cách tính có cơ sở. Cũng có người lại suy ra và liên hệ, áp dụng sang việc tính đếm người, họ giải thích là” chỉ tính đếm chi li với loại người có giá trị”. Thế là ta thấy trong việc hiểu câu tục ngữ ấy có thể có những cách hiểu khác nhau. Cách tư duy, cách tri nhận của mỗi người là thứ có thể cần tôn trọng. Tất nhiên cũng có thể phải đối chiếu với thực tế để thấy cách tư duy nào hợp lí hơn, dễ đồng tình hơn. Đó cũng là một yêu cầu trong tiếp nhận.
Nói đến sự đối lập các mặt khác nhau trong nghĩa từ ở tục ngữ cũng nên nói đến câu tục ngữ sau Đàn bà cũng là đàn bà / Chồng bảo mua gà, mua phải cuốc non. Ở vế trên cho thấy có ý thừa nhận một tiền đề để rồi chê trách ở vế sau. Có gì khác nhau giữa hai từ đàn bà này? Có sự khác nhau giữa một bên là một người đàn bà thực tế (ở từ 1) và một bên là người đàn bà “đúng quan niệm” có thể là “chuẩn mực” (từ thứ 2). Người ta thừa nhận hoặc yêu cầu như thế để rồi thấy không phải! Người đàn bà thực tế không được như chuẩn đòi hỏi, chị ta vụng về quá. Về từ “đàn bà” này còn có câu rất hay đã đi vào “tục ngữ” ta: Đàn bà chỉ là đàn bà vì họ là đàn bà. Có đến ba từ “đàn bà” khác nhau! Chúng khác nhau thế nào? Từ thứ nhất hướng vào nét nghĩa “giới tính”, từ thứ hai hướng vào nét nghĩa “đức tính” tốt xấu (ở đây xấu nhiều hơn) và từ thứ ba hướng vào cả hai!
Cuối cùng cũng nên nói đến đặc tính thích tếu táo của người Việt. Cái đặc tính ấy lẽ nào không được đưa vào ngôn ngữ cả ở tục ngữ để tạo nên một thứ “linh hồn Việt” được phản ánh ở đó?
Có nhiều câu tục ngữ và cả thành ngữ rất khó tiếp nhận ý nghĩa chung nếu căn cứ vào nghĩa từ ngữ. Ăn ráy ngứa miệng là câu như thế. Sao lại nói câu đó để chế diễu người xen vào công việc không liên quan với mình? Thì ra vì có hiện tượng ăn ráy bị ngứa miệng, người ta muốn trách người “ngứa miệng” người ta dùng “cả gói” bốn từ đi liền đó!
Cái chuyện chê người không râu nữa.
Đàn ông không râu bất nghì
Đàn bà không vú lấy gì nuôi con!
Quy cho người không râu là “bất nghì” (bất nghĩa) là không đúng. Không râu đâu phải là một khiếm khuyết về đạo đức! Thế mà lời phê được dân tộc mình chấp nhận, đưa vào tục ngữ. Cực vô lí! Nghĩ kĩ thì thấy đó chỉ là chuyện vui đùa tếu táo của các bác đàn ông với nhau. Họ đã phiên dịch hai chữ “vô nghĩa” thành “bất nghĩa” rồi “bất nghì” một cách tếu táo!
Từ những điều trình bày trên xin có đôi lời tạm kết. Xét trên cả ba bình diện ngữ nghĩa- ngữ pháp và ngữ dụng, cái linh hồn tiếng Việt thể hiện rất rõ, rất đậm, rất đáng trân trọng trong tục ngữ. Cái ngữ nghĩa của câu tục ngữ Việt gắn với những hiện tượng phong phú trong từ vựng và cả trong cú pháp và ngữ dụng. Tiếp nhận tục ngữ không thể phủ nhận nghĩa văn bản của nó. Đó là nghĩa câu khách quan dựa trên ngữ nghĩa của từ và các quy tắc kết hợp ngữ pháp ở đó. Phải từ nghĩa văn bản mà tìm hiểu nghĩa lời ở các hoàn cảnh tạo lời dựa vào ngữ cảnh cụ thể. Đương nhiên người tiếp nhận cũng phải có vốn đời sống, vốn văn hoá phong tục cần thiết mới không tránh được sai lầm.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Nguyễn Đức Dương, Tìm về linh hồn tiếng Việt, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 2003.
2. Nguyễn Xuân Đức, Mấy vấn đề thi pháp văn học dân gian, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003.
3. Cao Xuân Hạo, Tiếng Việt – văn Việt – người Việt.
4. Phan Ngọc – Phạm Đức Dương, Tiếp xúc ngôn ngữ ở Đông Nam Á.
5. Ngôn ngữ đời sống, số 8, 2006.
6. Nguồn Sáng Dân Gian, số 1, 2001.
7. Triêu Nguyên, Khảo luận về tục ngữ Việt Nam.
8. Nhiều tác giả, Kho tàng tục ngữ Việt Nam, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2003.
9. Lê Quang Thiêm, Ngữ nghĩa học, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2008.
Ghi chú:
(1)“Ăn là cái khoái thứ nhất, Ngủ là cái khoái thứ hai trong tứ khoái” là một so sánh có nghĩa. Nó so sánh cùng một cơ sở.
(2) Chưa cần thêm vào một vài từ ngữ, chỉ cần thêm vào một ngữ điệu nhấn mạnh… nào đó người ta cũng đã làm cho người nghe phải hiểu một cái “nghĩa” khác ở từ đó, ở câu đó rồi. Anh tốt lắm là câu có nhiều “nghĩa” khác nhau tuỳ vào “giọng” người nói…