Mấy nét đặc sắc của tín ngưỡng dân gian Nam Bộ (Phần 1)

Tác giả bài viết: ĐẶNG THẾ ĐẠI
(Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT

     Cư dân Nam Bộ chủ yếu là người Việt, nhưng cũng có nhiều dân tộc khác như Khmer, Hoa, Chăm… cùng sinh sống bên nhau, đều tham gia ngay từ sớm vào quá trình khai phá vùng đất này, cùng góp phần xây dựng nên diện mạo Nam Bộ hôm nay về mọi mặt. Khi tiến vào Nam, người Việt một mặt bắt đầu tách xa hơn khỏi thế giới Trung Hoa, tiếp xúc với một thế giới hoàn toàn khác – phi Hoa, khiến họ cởi mở và năng động hơn về mọi phương diện, trong đó có tín ngưỡng, và mặt khác, dường như có một xu hướng ngược lại: một sự trở về văn hóa cổ Đông Nam Á cội nguồn. Bài báo này phân tích những hiện tượng giao thoa tín ngưỡng giữa các dân tộc, như: các tín ngưỡng Ông Tà, Quan Đế, Thiên Hậu và cùng sự nổi trội trên vùng đất Nam Bộ dấu ấn của các tín ngưỡng cổ Đông Nam Á (thờ đất, thờ đá, thờ mẹ – nữ thần, đồng cốt…) qua các tín ngưỡng Bà Chúa Xứ, Bà Đen, Thành hoàng, Ngũ Hành, Chủ Ngu Ma Nương,… – những tín ngưỡng góp phần làm phong phú và nổi bật hơn tâm thức của người Việt.

Từ khóa: Tín ngưỡng dân gian, Nam Bộ.

x
x x

Dẫn nhập

    Nam Bộ từ một vùng đất hoang vu sình lầy đã trở nên trù phú giàu có và làm thay đổi lớn diện mạo của đất nước Việt Nam không chỉ về mặt tự nhiên mà cả về mặt văn hóa. Một Nam Bộ vừa mới mẻ so với phía Bắc, với sự năng động, cởi mở trong cả kinh tế và văn hóa, có sức lôi cuốn cả nước ra khỏi sự trì trệ ở thế kỷ 17 – 18, vừa đưa cả dân tộc sau ngàn năm chịu ảnh hưởng văn hóa Hoa sâu sắc, phần nào đứt đoạn với gốc rễ văn hóa Đông Nam Á của mình, trở lại gần gụi, gắn bó với cội nguồn văn hóa Đông Nam Á. Li Tana, nhà nghiên cứu người Australia, viết: “Đàng Trong, vào thế kỷ 17 và 18, chiếm một vị trí độc đáo trong lịch sử Việt Nam. Đàng Trong đã thành công trong vai trò là một động cơ của sự thay đổi tại Việt Nam trong suốt hai thế kỷ, kéo trọng tâm văn hóa, kinh tế và chính trị của cả nước xuống phía Nam. Không có hai thế kỷ này của Đàng Trong, cuộc Nam tiến hẳn đã không thành”1, và “phía Nam đã đặt ra những thách thức riêng của nó và cách thức giải quyết các thách thức này của người di dân người Việt đã khiến họ bỏ lại khá xa ở phía sau cái quá khứ mới đây của họ trong khuôn mẫu Nho giáo của nhà Lê để trở lại gần với gốc Đông Nam Á của họ hơn”2.

     Chính đây là điểm hấp dẫn của văn hóa nơi miền đất mới Nam Bộ. Đóng góp vào sự đặc sắc của văn hóa Nam Bộ có một phần quan trọng của tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Từ góc độ văn hóa của người Việt, bài báo này mong muốn nêu ra những khác biệt làm nên sự đặc sắc của tín ngưỡng dân gian Nam Bộ so với các vùng miền khác.

1. Nam Bộ – một vùng đất được khai phá bởi nhiều tộc người, một diện mạo văn hóa đa dân tộc

     Kể từ năm 1698, khi chúa Nguyễn Phúc Chu “sai Chưởng cơ là Thành Lễ hầu đem quân đi đánh nước Cao Miên, lấy Đồng Nai mầu mỡ đặt làm hai huyện Phước Long và Tân Bình phủ Gia Định, lập hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, mở đất nghìn dặm, được hơn bốn vạn hộ”3, thì Nam Bộ chính thức trở thành một bộ phận của đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, công cuộc khai phá Nam Bộ của người Việt bắt đầu sớm hơn, quãng từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17.

     Nam Bộ thời điểm ấy, theo nhiều nhà nghiên cứu, là một vùng đất gần như hoang hóa, cư dân ban đầu là người Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long và người Mạ, người Stiêng ở Đông Nam Bộ ngày nay, nhưng đều rất ít. Mạc Đường viết: “Cho đến trước thế kỷ 17, người Khmer là thành phần cư dân duy nhất tồn tại ở đồng bằng sông Cửu Long. Họ sống khu biệt và không có mối quan hệ hành chính với bất cứ một quốc gia nào thời đó. Từ thế kỷ 17 trở về sau, đồng bằng sông Cửu Long lại là vùng đất nuôi sống và phát triển cho những người dân nghèo cùng cực, những người chống lại phong kiến khắc nghiệt. Phần đông nhất là những nông dân Việt từ miền Trung kéo đến. Họ tiếp xúc với người Khmer, tiếp tục đẩy mạnh việc chinh phục đồng bằng này. Giống như người Khmer, họ cũng sống khu biệt và không có quan hệ với xã hội phong kiến người Việt đương thời”4.

     Năm 1623, theo đề nghị của chúa Nguyễn, vua Campuchia đồng ý cho chúa Nguyễn đặt một trạm thu thuế của người Việt ở Prei Nokor (Sài Gòn), điều ấy chứng tỏ trước đấy người Việt đã tự phát di cư đến Nam Bộ khá đông, làm ăn sinh sống khá phát đạt, khiến chúa Nguyễn thực hiện việc đánh thuế đối với họ. Đây là thời điểm đánh dấu sự có mặt của một cơ quan quản lý của nhà nước Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long.

     Chính sách của các chúa Nguyễn góp phần đẩy nhanh quá trình khai phá Nam Bộ mang tính chất tự phát trước đấy:

     1) Khuyến khích người có tiền mộ dân vào khai thác đồng bằng Nam Bộ, nhiều người nghèo, người dân tộc, nhất là người Chăm, được mộ theo các nhóm dân khác nhau đến khai phá Nam Bộ ngay từ buổi đầu. Binh lính Nguyễn đồn trú ở vùng đất này cũng được khuyến khích làm nông. Nhà nước cấp nông cụ, giống cho binh lính và cả người dân để khuyến khích họ trồng lúa; miễn dịch, miễn phu, miễn lính cho dân, nếu họ nộp đủ số thuế quy định.

     2) Cuối thế kỷ 17, xuất hiện thêm người Hoa theo chân các tướng nhà Minh đến Đàng Trong xin tỵ nạn, được chúa Nguyễn cho vào vùng đất nay là Biên Hòa, Sài Gòn, Mỹ Tho định cư. Đầu thế kỷ 18 một bộ phận người Hoa dưới sự chỉ huy của cha con Mạc Cửu đến vùng Hà Tiên lập nghiệp xin quy thuận chúa Nguyễn. Những người Hoa buổi đầu đến khai phá Nam Bộ được gọi là người Minh hương.

     Sau này, người Hoa tiếp tục di cư theo đường biển đến Nam Bộ mà sử quan nhà Nguyễn gọi họ là Thanh nhân, người Chăm được bổ sung thêm vào Nam Bộ theo con đường vòng từ Miền Trung qua Campuchia đến Tây Ninh và Châu Đốc. Như vậy, người của các dân tộc Khmer, Việt, Mạ, Stieng, Chăm rồi sau đó là người Hoa đã góp phần khai phá một Nam Bộ còn hoang sơ và cùng nhau tạo nên diện mạo văn hóa đa dân tộc trên vùng đất này. Tất nhiên, lực lượng chủ yếu khai phá Nam Bộ vẫn chính là lưu dân từ Miền Trung Việt Nam di cư vào.

     Như vậy, tính cách văn hóa đa dân tộc, sự giao thoa tín ngưỡng giữa các dân tộc đã sớm hình thành và tạo nên bản sắc riêng của vùng đất Nam Bộ.

2. Những hiện tượng giao thoa tín ngưỡng nổi bật trên đất Nam Bộ

     2.1. Ông Tà, sự giao thoa Néak Ta Khmer với thạch thần, thổ thần người Việt, người Hoa

2.1.1. Néak Ta ở người Khmer

     Néak Ta là vị thần được thờ rất phổ biến ở người Khmer. Néak Ta là thần bảo hộ cộng đồng, bảo hộ phum, sóc, gia đình. Khi ốm đau người Khmer thường đến miếu Néak Ta cầu xin gặp thày gặp thuốc hay trực tiếp xin nước phép về uống (để bình nước trong miếu, qua đêm đem về cho người bệnh uống). Khi thề thốt, người ta cũng đến miếu xin thần chứng giám. Néak Ta bằng cách qua báo mộng, qua xin xăm, hay qua ông đồng, qua nhập hồn vào người nào đó (gọi là xác), để bày tỏ ý kiến của thần. Người dân tin rằng những nạn dịch gia súc, thất bát mùa màng… là do Néak Ta không hài lòng với con người.

      Một số nhà nghiên cứu cho rằng Néak Ta giống vị Thành hoàng của người Việt là vị thần bảo hộ làng. Có lẽ họ dựa theo ý kiến của Lê Hương: “Ông tà (Néak Ta) là vị thần coi sóc một vùng như các vị quan to khi chết được nhà vua sắc phong làm thần ở Việt Nam, rất được sùng bái, được người Việt gốc Miên thờ bằng một viên đá, hoặc nhiều viên đá, chứ không tạc tượng”5.

     Tôi thấy quan niệm coi Néak Ta giống như Thành hoàng không hoàn toàn đúng. Có thể Néak Ta gần giống về chức năng bảo hộ cộng đồng với Thành hoàng, nhưng Thành hoàng là thần làng được nhà nước phong kiến phong chức (quan niệm Nho giáo), và khác với Néak Ta, Thành hoàng ở người Việt là vị thần khác nhau giữa các làng. Một làng chỉ có một Thành hoàng, thường là một người, dù cũng có trường hợp Thành hoàng là nhiều người. Còn Néak Ta là một khái niệm thần linh phức tạp mà theo tôi biết người Việt không có thần tương đương: Một phum thường nhiều Néak Ta. Néak Ta có thể là vị thần trông coi một vùng đất, một khu rừng, một đoạn sông… chứ không cứ một phum hay một sóc, có thể là sức mạnh siêu linh của tự nhiên (đất, nước, núi, ruộng, cây cổ thụ, cây cối bình thường, rắn, trăn…), hay linh hồn một người đàn ông cụ thể.

     Biểu tượng được thờ trong các miếu thờ Néak Ta rất đa dạng, phổ biến là một hay vài hòn đá, có khi chỉ là một gốc cây, nhưng cũng có khi (dù hiếm) là một (cá biệt có thể là hai) bức tượng giống người thật hay nhỏ bé hơn, đầu quấn (hay được vắt qua vai) một tấm khăn vàng, có khi là một con đồi mồi khô, một thành gỗ chạm khắc hình linga, một tấm phù điêu cổ bằng đá, một linga bằng đá… người ta quan niệm Néak Ta mượn các vật ấy để trú ngụ. Biểu tượng Néak Ta ở Campuchia đa dạng hơn ở người Khmer Nam Bộ, có thể có trường hợp là nữ thần (người ta đặt tượng nữ thần trong miếu). Néak Ta Khlang Meoun được thờ ở nhiều tỉnh ở Campuchia. Khlang Meoun vốn là một thày pháp tự nguyện chết để âm phù cho hoàng gia Campuchia dẹp nội loạn, sau được dân chúng thờ phụng như một anh hùng dân tộc. Như vậy, Néak Ta có thể là vật linh, có thể là tổ tiên, có thể là anh hùng dân tộc….

     Néak Ta cũng được thờ trong khuôn viên các ngôi chùa Khmer.

     Cứ khoảng đầu mùa mưa, tương đương tháng 5 dương lịch, người Khmer cúng Néak Ta kéo dài từ 2 đến 3 ngày, lễ cúng có thịt gia súc, gia cầm, hoa quả, rượu, cơm, muối, dầu dừa, bánh trái, để cầu xin thần phù hộ cho cầu mưa thuận gió hòa, cuộc sống an lành,…. Đối với gia súc lớn, như bò, trâu, lợn, người ta thường dâng lên thần cái đầu, phần còn lại chia nhau. Điều kỳ lạ là người ta cúng xong để lại đồ cúng, kệ cho nó mốc hỏng, chim thú xơi, không bao giờ dám ăn đồ cúng. Vì vậy, xưa kia, quanh miếu Néak Ta hay có rắn, trăn, cá sấu, thậm chí cả hổ quanh quẩn ăn đồ cúng, người ta tin rằng đấy là những con vật theo hầu ông Néak Ta, ai bị chúng tấn công là do xúc phạm đến ông (theo Lê Hương6).

     2.1.2. Từ Néak Ta đến Ông Tà ở người Việt

     Trong các khu vực sinh sống hoàn toàn chỉ có người Việt hay người Hoa, ta cũng thấy rất phổ biến các Ông Tà. Miếu Ông Tà không chỉ bên đường, ngoài vườn, ngoài ruộng mà còn xuất hiện trong nhiều đình, chùa, miếu của người Việt và người Hoa. Chẳng hạn tại chùa Ngọc Hoàng, một chùa người Hoa trên đường Mai Thị Lựu, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh, thờ chính là Ngọc Đế vẫn có một miếu nhỏ thờ Ông Tà.

     Địa vị của Ông Tà ở người Việt và người Hoa chỉ là thần thổ địa, không còn lớn và có chức năng đa dạng như Néak Ta ở người Khmer.

     Miếu thờ Ông Tà ở người Việt và người Hoa không có biểu tượng thờ đa dạng như ở miếu Néak Ta của người Khmer, mà thường chỉ có một hay vài hòn đá. Vì vậy, có người cho rằng đây là thần đá, và một số miếu Ông Tà có thêm bài vị với chữ Hán “Thạch thần”. Rõ ràng, Ông Tà đã thay đổi rất nhiều so với Néak Ta.

     Tôi không tán thành nhiều tác giả không phân biệt Néak Ta với Ông Tà. Ông Tà, theo tôi, là vị thần mà người Việt và người Hoa ở Nam Bộ thờ phụng như một thần thổ địa trên vùng đất mới, gốc tích là thần Néak Ta của người Khmer, nhưng đã mang nội hàm khác đi.

     Các miếu Ông Tà ở người Việt rất giản dị, đáng chú ý là thường có một cái khăn màu đỏ máu vắt qua, nhìn rất ấn tượng. Cá biệt, có trường hợp người ta để một tượng thần cụt đầu quấn khăn đỏ. Việc vắt cái khăn đỏ qua viên đá có thể là cách người Việt thay đổi so với tục lệ người Khmer thường bôi máu súc vật lên viên đá trong miếu Néak Ta vào dịp lễ, để cầu xin thần phù hộ cho mưa thuận gió hòa. Hành vi bôi máu này hình như chưa thấy có giải thích của nhà nghiên cứu nào. Phải chăng là cách cho vị thần thụ hưởng đồ cúng (?).

     Đặc biệt và rất thú vị, có khi ta gặp việc thờ chung cả thần tài, thổ thần và Ông Tà trong một ngôi miếu nhỏ.

     Tâm thức thờ thần thổ địa có sẵn ở người Việt và người Hoa khi đến vùng đất mới đã đón chào vị thần bản địa Khmer Néak Ta, biến thành thần thổ địa Ông Tà của mình. Ông Tà là bằng chứng nổi bật về sự giao thoa tín ngưỡng Khmer – Việt – Hoa.

     2.2. Tín ngưỡng Quan Đế

     Người Hoa đem vào Nam Bộ nhiều vị thần linh, nhưng nổi bật nhất là Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) và Thiên Hậu.

     Quan Vũ hay Quan Công là một danh tướng, được người Trung Quốc thờ rất phổ biến với nhiều ý nghĩa. Với Nho giáo, ông được coi như Võ Thánh, tương xứng với Văn Thánh (Khổng Tử). Với Phật giáo, ông được coi như Hộ pháp, gắn liền truyền thuyết về việc hồn ông xuất hiện đòi đầu bị chém, được Trí Giả đại sư giác ngộ, khiến ông quy y, nguyện làm Hộ pháp. Với Đạo giáo, ông là Quan Đế trừ ma diệt ác.

     Từ chỗ có nhiều tư cách, ông trở thành vị thần bảo hộ người Hoa, chăm lo cuộc sống của họ, cuối cùng, trở thành vị thần hộ mạng, thần buôn bán và thần tài trong dân gian. Những phẩm chất của ông như trí, dũng khiến ông trở thành thần hộ mạng diệt trừ ma quỷ; như trung, tín, khiến ông là vị thần kinh doanh, buôn bán, đảm bảo và chứng nhận cho giao dịch.

     Miếu Quan Đế có mặt ở bất cứ đâu người Hoa đến định cư. Miếu thờ ông thường cũng kèm thêm thờ Châu Thương (tướng cận vệ của ông), Quan Bình (con nuôi trung thành của ông) cùng ngựa Xích Thố.

     Ngoài miếu thờ riêng, có thể thấy Quan Đế còn được thờ rất phổ biến trong nhà dân, các cửa hiệu, cửa hàng, các cơ sở kinh doanh buôn bán của người Hoa, trong các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo khác (chùa Hoa thờ Phật, điện Ngọc Hoàng, miếu Thiên Hậu) và tất nhiên, trong các hội quán của họ.

     Các hội quán, nơi người Hoa khi đặt chân đến vùng đất mới tập hợp nhau lại, tổ chức nhau thành một cộng đồng, tương trợ giúp đỡ nhau, thường có ban thờ Quan Đế và dần dần trở thành miếu thờ Quan Đế. Dân gian thường gọi miếu thờ Quan Đế bằng cái tên chùa Ông. Một số miếu thờ Quan Đế rất nổi tiếng: Chùa Ông (Nghĩa An Hội quán) ở tại số 676 đường Nguyễn Trãi, thuộc phường 11, quận 5, Tp. Hồ Chí Minh là một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng rất đông người thăm viếng. Đặc biệt, người ta đến đây để cầu tài. Không chỉ người Hoa mà rất đông người Việt đến lễ bái trước mỗi thương vụ làm ăn, cầu xin Quan Đế phù hộ cho thương vụ không đổ bể. Sau mỗi thương vụ, họ lại đến lễ tạ ơn. Cách ngôi chùa này không xa có một chùa Ông khác (được gọi là chùa Minh Hương) tọa lạc ở số 184 Hồng Bàng, phường 12, quận 5, Tp. Hồ Chí Minh, nhỏ bé, yên tĩnh hơn. Một ngôi miếu Quan Đế khác rất nổi tiếng là chùa Ông (Quảng Triệu Hội quán) ở Cần Thơ xây dựng từ cuối thế kỷ 19, tọa lạc ngay bên bến Ninh Kiều, trung tâm Thành phố Cần Thơ, đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ở Hà Tiên, Quan Đế miếu, một ngôi miếu cố có từ thời Mạc Thiên Tích, lại được gọi là chùa Năm Ông, vì ở đây người Hoa lập 5 ban thờ, thờ 5 vị, ngoài Quan Đế còn cả Trương Phi, Trương Tiên, Vương Linh Quan, Quan Bình. Tượng của 5 vị nói trên được tạo tác rất công phu, sống động.

     Các đền miếu thờ Quan Đế do người Hoa lập ra đều được người Việt đến cúng lễ. Nhưng không chỉ thế, ban thờ ông còn hiện diện ở rất nhiều nhà người Việt. Ông cũng trở thành vị thần hộ mạng, thần tài của người Việt, y hệt như ở người Hoa. Những phẩm chất của ông, đặc biệt là các đức tính trung, tín, nghĩa rất phù hợp với tâm lý người Nam Bộ – những người ra đi mở đất, can trường, trọng nghĩa, khinh tài.

     Vì lẽ một phần vì thế, đạo Cao Đài do người Việt lập ra, nhưng trên điện thần có Quan Công như vị thần đại diện của nam giới và Nho giáo, tương xứng với Quan Âm, như một thần đại diện cho nữ giới và Phật giáo. Chắc chắn, hai vị thần này có ảnh hưởng lớn trong người Việt và người Hoa, và Cao Đài, một tôn giáo sinh sau đẻ muộn, đã sử dụng hình ảnh của họ để tranh thủ tín đồ.

     2.3. Tín ngưỡng Thiên Hậu

     Thiên Hậu là vị thần được người Hoa được thờ phố biến nhiều chỉ sau Quan Đế ở Nam Bộ. Bà được phối thờ ở các chùa miếu người Hoa và cũng được thờ ở miếu riêng, miếu bà Thiên Hậu, dân gian quen gọi là Chùa Bà.

     Thiên Hậu Thánh Mẫu được thờ phổ biến ở người Hoa miền ven biển Nam Trung Quốc còn được gọi là “Ma Tổ”, Mã Châu, “Thiên Thượng Thánh Mẫu”. Bà là thần bảo trợ nghề đi biển – “Nam Hải thần nữ”, lễ cúng vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hằng năm. Người Hoa ở Tp. Hồ Chí Minh thường cho rằng sau khi cúng bà sẽ có cơn mưa đầu mùa cho Nam Bộ. Về sự tích vị thần này, theo Vương Hồng Sển, bà có tên là Lâm Mặc, còn được gọi là bà Mi Châu, sinh ngày 23 tháng 3 Giáp Thân (1044), đời vua Tống Nhân Tông, sớm gặp thiên thơ tu thành đắc đạo.

     Một lần, cha bà là Lâm Tích Khánh cùng hai anh trai của bà đi thuyền chở muối đến Giang Tây để bán, giữa đường bị bão lớn. Lúc đó bà đang ở nhà ngồi dệt vải bên cạnh mẹ, liền xuất thần đi cứu cha và hai anh. Mẹ bà bỗng thấy bà nhắm mắt, hai tay dang ra nắm chặt, răng cắn chặt liền hoảng hốt lay gọi. Bà tỉnh lại, kể cho mẹ hay lúc đó bà đang dùng răng cắn áo của cha, mỗi tay nắm một người anh, để họ khỏi bị sóng cuốn đi. Vì bị mẹ lay gọi dữ dội, bà đành mở miệng trả lời nên không giữ được cha, chỉ cứu được hai anh. Quả thật, mấy hôm sau hai anh bà trở về, kể lại chuyện gặp bão và cha bị cuốn trôi. Từ đó, ai đi biển gặp bão tố cũng gọi bà xin cứu giúp. Bà được nhà Tống sắc phong là “Thiên Hậu Thánh Mẫu” vào năm 11107.

     Tác giả Nguyễn Ngọc Thơ dựa trên các tư liệu Trung Quốc cho biết chi tiết hơn: Tín ngưỡng Ma Tổ – Thiên Hậu hình thành tại đảo Mi Châu, Phổ Điền, Phúc Kiến vào thời Tống ở Trung Quốc. Bà tên thật là Lâm Mặc Nương, là một nữ vu sư nổi tiếng con gái một ngư dân. Bà thường dùng năng lực phi phàm của mình để cứu giúp dân, dạy dân dùng rong biển cứu đói, cầu mưa, treo chiếu làm buồm, hàng phục hai thần: Thuận Phong Nhĩ và Lý Thiên Nhãn, giải trừ thủy tai – quái phong.… Năm 1086, nhà Nam Tống chính thức cổ xúy cho tín ngưỡng này. Đời Thanh Khang Hy năm 1682, bà được gia phong Thiên Hậu Thánh mẫu8.

     Người Hoa trên đường di cư sang Việt Nam bằng đường biển, thờ bà Thiên Hậu trên thuyền như là vị thần cứu hộ phò nguy, vượt qua sóng gió bão táp. Dừng chân lập nghiệp ở Nam Bộ, họ lập miếu thờ bà để tạ ơn và mong bà tiếp tục phù hộ họ ổn định cuộc sống trên vùng đất mới. Bà trở thành vị thần che chở bảo hộ cho người Hoa lập nghiệp xa quê hương.

     Miếu thờ Thiên Hậu, còn gọi chùa Thiên Hậu, hay chùa Bà có ở rất nhiều nơi, bất cứ nơi nào có người Hoa cư trú đông, nhưng tập trung từ Nam Trung Bộ vào đến Cà Mau. Riêng ở khu vực Chợ Lớn, Tp. Hồ Chí Minh có đến 3 miếu cổ thờ bà, một ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự xưa), một ở đường Nguyễn Trãi (quận 5) và miếu thứ ba ở cầu Ông Lãnh (đường Nguyễn Thái Học, quận 1).

     Lễ vía bà thường có rước tượng, múa lân, hát Tiều/Triều, hát Quảng hay biểu diễn côn khúc. Đặc biệt, miếu Tuệ Thành ở Tp. Hồ Chí Minh còn có lễ khai ấn, phát ấn (?). Lễ hội ở miếu Bà tại Bình Dương của người Hoa gốc Phúc Kiến có múa con Hẩu. “Đây là nét văn hóa độc đáo duy chỉ có ở Bình Dương, trong khi đó ở Hoa Nam người ta không còn múa hẩu nữa. Đầu con hẩu là một chiếc mặt nạ tròn rất hung tợn, được vẽ nhiều màu sắc, quanh đầu râu ria xồm xàm, thân phủ một tấm vải màu vàng rực, đuôi thường làm bằng đuôi trâu hoặc bò. Múa hẩu khác với múa lân, hay múa rồng, không được trèo leo hay nhún nhảy vui nhộn, mà phải nghiêm trang, đầu rướn lên cao, xoay mặt qua lại, lúc thì co lượn, trườn dài, lăn tròn xuống đất. Khi tổ chức rước Thiên Hậu du xuân, múa hẩu đi trước để dọn đường”9.

     Người Việt ở Nam Bộ cũng rất sùng tín bà. Bà không chỉ là thần biển cứu nạn mà còn là thần hộ mệnh, thần buôn bán. Người Hoa và người Việt có tục đến miếu bà Thiên Hậu “xin lộc“, “xin vàng“ hay “vay tiền” bà vào ngày rằm tháng Giêng (tết Nguyên tiêu ở người Hoa, tết Thượng nguyên ở người Việt) và “trả tiền vay” vào các tháng cuối năm.

      Ví dụ, tại miếu Thiên Hậu, phường Phú Cường, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, mỗi mùa lễ hội, Nhà chùa phải làm hàng triệu bao lì xì đựng “vàng miếng” (hàng mã) để phát lộc. Nếu ai muốn vay tiền thật, thì sẽ có bao lì xì chứa tiền 20 ngàn, 50 ngàn thật. Người vay phải công đức 100 ngàn để vay được số tiền ấy10.

     Còn tiếp: Kính mời Quý độc giả đón xem

Mấy nét đặc sắc của tín ngưỡng dân gian Nam Bộ (Phần 2)
3. So với các vùng miền khác, tín ngưỡng dân gian Nam Bộ mang đậm hơn dấu ấn của các tín ngưỡng cổ Đông Nam Á (tục thờ đất, thờ đá, thờ mẹ – nữ thần, đồng cốt, ma thuật…) 

Nguồn: Nghiên cứu Tôn giáo, số 10 (166) – 2017, 94-114

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)