Mấy nét đặc sắc của tín ngưỡng dân gian Nam Bộ (Phần 2)
Tác giả bài viết: ĐẶNG THẾ ĐẠI
(Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
3. So với các vùng miền khác, tín ngưỡng dân gian Nam Bộ mang đậm hơn dấu ấn của các tín ngưỡng cổ Đông Nam Á (tục thờ đất, thờ đá, thờ mẹ – nữ thần, đồng cốt, ma thuật…)
3.1. Tín ngưỡng Bà Chúa Xứ
Lễ hội Bà Chúa Xứ trên núi Sam là lễ hội lớn nhất Nam Bộ, đặc biệt những người buôn bán có lệ hàng năm đến đây xin lộc, vay tiền, trả nợ Bà.
Các dân tộc cùng sống trên mảnh đất Nam Bộ thờ người mẹ xứ sở chung – Bà Chúa Xứ là nét khá độc đáo của tín ngưỡng Nam Bộ. Nếu đất Bắc có vị tổ tiên chung là các vua Hùng, nhưng không có vị thần xứ sở chung, thì vào đến Miền Trung, người Việt gặp vị nữ thần xứ sở của người Chăm, Poh Yang Inư Nagar hay Po Ino Nogor, người Việt tiếp thu và gọi là bà Thiên Y A Na hay bà Thánh Mẫu Chúa Ngọc.
Vào đến Nam Bộ, một vị nữ thần mới, không ai biết lai lịch, tên tuổi, nhưng quan trọng là tìm được tượng ở mảnh đất này, người Việt coi là vị thần bản địa, hiển lộ qua đồng cốt cho biết mình là Bà Chúa Xứ sở, và dân chúng lập tức tôn thờ. Khái niệm về mẹ xứ sở người Việt tiếp nhận từ người Chăm và gán nó vào một bức tượng Bàlamôn giáo vô tình tìm được trên núi Sam, đã tạo nên một hình tượng mẹ xứ sở mới hoàn toàn là Bà Chúa Xứ. Tâm thức Việt diễn biến qua thời gian và không gian, trải qua những miền đất lạ, từ đất Chăm đến đồng bằng Nam Bộ, đã chuẩn bị sẵn cho một vị thần mới xuất hiện, là bà mẹ xứ sở của miền đất mới định cư. Và thế là một hiện tượng tôn giáo độc đáo ra đời, nó tích hợp trong đó đủ mọi đặc sắc của tín ngưỡng Đông Nam Á cổ: thờ nữ thần, thờ đất, đồng cốt, phù thủy….
Hiện tượng thờ Bà Chúa Xứ đất Nam Bộ có dấu ấn của tín ngưỡng Đông Nam Á cổ xưa (thờ mẹ – nữ thần, đồng cốt), có dấu ấn của Bàlamôn giáo, với bức tượng cổ được tìm thấy trên núi (có thể thuộc lớp văn hóa Phù Nam), có dấu ấn của tín ngưỡng Chăm, với quan niệm về một bà mẹ xứ sở gieo vào tâm thức lưu dân Việt, là dấu ấn của lịch sử di dân về phương Nam của người Việt, và sau cùng, có dấu ấn của tín ngưỡng thương mại hóa – lĩnh vực Nam Bộ cũng đi trước cả nước, với tục xin lộc, vay tiền.
3.2. Nét đặc sắc của tín ngưỡng Thành hoàng Nam Bộ
Thành hoàng vốn được thờ cúng phổ biến nơi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, theo chân người lưu dân vào Nam Bộ. Chính ở đây, tín ngưỡng này thể hiện giản đơn nhưng rõ rệt chức năng quan trọng của nó trong đời sống cư dân Việt.
Càng tiến vào đất lạ, người Việt càng có nhu cầu cố kết cộng đồng, và hơn nữa, gắn bó cái cộng đồng mới của mình với cộng đồng dân tộc đất nước.
Người Việt khai hoang đến đâu, lập ấp đến đâu, và một trong những việc đầu tiên là lập đình thờ Thành hoàng. Nhà văn Sơn Nam, người mang tâm hồn Nam Bộ sâu sắc, đã phát biểu: “Xây dựng đình làng là nhu cầu tinh thần, có đình thì mới tạo được thế đứng, gắn bó với cộng đồng dân tộc và càn khôn vũ trụ, bằng không thì chỉ là lục bình trôi sông, viên gạch rời rạc, một dạng lưu dân tập thể”11. Trong các lễ tế Thành hoàng Nam Bộ, nhiều nơi có nghi lễ mời vua về phối hưởng. Nhà nghiên cứu Diệp Đình Hoa, cho rằng hành vi mời vua về phối hưởng trong lễ tế Thành hoàng ở Nam Bộ dưới thời trực trị của Pháp phản ánh “ý thức về một vùng đất vốn đã có chủ, thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa sâu đậm về tính triết lý của chủ nghĩa yêu nước ăn sâu trong tiềm thức”12.
Thành hoàng vào đến Nam Bộ càng nổi bật hơn bản chất của ông thần này là thần bảo hộ cộng đồng, khi rất nhiều làng chỉ thờ ông với danh xưng chung chung Thành hoàng Bản cảnh, không rõ tên tuổi, không rõ công lao, không thần tích. Điện thờ chỉ có một chữ “Thần”.
Như vậy, Thành hoàng ở Nam Bộ đúng nghĩa là vị Thành hoàng khái quát nhất, lược bỏ những cái cụ thể, hào nhoáng, những chi tiết bên ngoài, của các vị Tướng quân, Đại vương, Công chúa, Phu nhân… cùng những truyện tích đi kèm nơi các vị Thành hoàng đất Bắc, để chỉ còn cái đặc trưng nhất, là vị thần đại biểu cho cộng đồng làng, cố kết dân làng và gắn bó cộng đồng làng với quốc gia, dân tộc.
3.3. Tín ngưỡng Ngũ Hành Nương Nương
Người dân Nam Bộ hay gọi Ngũ Hành Nương Nương là bà Ngũ Hành, là thói quen gọi tắt, gồm năm bà Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Miếu bà Ngũ Hành được lập ở rất nhiều nơi, rải rác trong các thôn xóm. Ngay trong khuông viên đất gia đình, nhiều người cũng lập miếu thờ Ngũ Hành. Không chỉ được thờ riêng, miếu (hay ban) thờ bà Ngũ Hành còn đặt ở hầu khắp các đình, chùa, điện, đền khác. Điều đó chứng tỏ người dân Nam Bộ rất sùng tín vào bà Ngũ Hành. Giản đơn thì trong miếu chỉ có bài vị, cầu kỳ hơn thì có tượng 5 bà với trang phục 5 màu khác biệt.
Theo dân gian, lễ vía Ngũ Hành Nương Nương vào ngày 19 tháng Ba âm lịch, được tổ chức khá lớn. Tại các miếu bà Ngũ Hành và ở các ngôi đình làng vào ngày vía bà rất vui, náo nhiệt với các sinh hoạt văn nghệ, các đám bóng rỗi hát tế, múa dâng hoa.… Lễ cúng dịp vía bà Ngũ Hành ở các ngôi đình có khi to không kém lễ cúng Thành hoàng: “Mang danh nghĩa “đình” là dành thờ Thành hoàng (vị nhân thần bảo hộ cho làng, xã), nhưng trong đình thì ngoài bệ thờ Thành hoàng, luôn luôn có thêm bàn thờ, trang thờ Ngũ Hành Nương Nương, Quan Thánh, Thổ Địa, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Linh Sơn Thánh Mẫu, v.v… Ở những ngôi đình cổ, như đình Minh Hương Gia Thạnh (ở quận 5, xây năm 1797), đình Phong Phú (ở quận 9, xây năm 1937), đình Phú Nhuận (150 năm tuổi), đình An Phú (ở quận 12, khoảng 250 năm tuổi), v.v…, thì hằng năm, bá tánh cúng vía bà cũng lớn không thua gì lễ vía Thành hoàng địa phương”13.
Tục thờ này có lẽ do người Hoa có trước, rồi ảnh hưởng sang người Việt. Nhưng việc thờ Ngũ Hành phổ biến ở Nam Bộ cùng tâm lý sùng tín Ngũ Hành như vậy là một nét khác biệt của vùng đất này so với Bắc Bộ. Và cho đến nay, tôi chưa thấy có một lời giải thích thỏa đáng về hiện tượng này. Đành rằng tâm thức tín ngưỡng vào mẹ – nữ thần là rất mạnh, song có bao nhiêu nữ thần, tại sao người ta lại tin vào bà Ngũ Hành.
3.4. Tín ngưỡng Bà Đen
Bà Đen được thờ nhiều nơi, nhưng nơi thờ chính của Bà ở núi Bà Đen Tây Ninh. Lễ vía Bà là một lễ hội lớn, quan trọng nhất trong năm, tiến hành trong 3 ngày, từ mùng 4-6 tháng 5 âm lịch.
Núi Bà Đen, còn gọi núi Một, núi Điện Bà, là ngọn núi nổi lên giữa đồng bằng Đông Nam Bộ và cũng là núi cao nhất Nam Bộ (gần 1.000 mét), thuộc tỉnh Tây Ninh. Gia Định Thành Thông Chí (Quyển 2 Sơn xuyên chí, mục Trấn Biên Hòa, hệ núi Thần Quy) nhắc đến núi Bà Đinh, đây chính là tên cũ của núi Bà Đen.
Sự tích Bà Đen không thống nhất. Theo Nông Huyền Sơn, có đến 3 truyền thuyết về Bà Đen:
“Truyền thuyết thứ nhất cho rằng, ngày xưa, chủ vùng núi này là người phụ nữ Phù Nam có tên là Rê Đeng. Do người đời sau đọc trại thành Đen.
Truyền thuyết thứ hai cho rằng, Bà Đen tên thật là Lý Thị Thiên Hương, con gái một vị quan trấn nhậm Trảng Bàng thuộc triều Nguyễn tên là Lý Thiên. Mẹ là bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc ở Bình Ðịnh vào Trảng Bàng lập nghiệp.
Trong làng có chàng trai Lê Sĩ Triệt, mồ côi cha mẹ, được một nhà sư nuôi dạy từ nhỏ, văn hay võ giỏi.
Lần nọ, Thiên Hương lên núi cúng chùa bị một đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn thì chàng Lê Sĩ Triệt xông ra đánh đuổi, cứu được nàng. Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ nàng Thiên Hương hứa gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Chưa kịp đám cưới thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân đánh Tây Sơn.
Khi Lê Sỹ Triệt tòng quân, ở nhà Lý Thị Thiên Hương bị kẻ xấu vây bắt, toan hãm hiếp. Giữ lòng trung trinh, nàng Hương nhảy xuống khe núi tử tiết. Sau khi chết, nàng Lý Thị Thiên Hương hiển thánh báo mộng cho vị sư trụ trì trên núi biết. Trong mộng, nàng Hương xuất hiện trong hình dáng một người phụ nữ đen đúa? Vị sư bèn đi tìm thi thể nàng đem về mai táng. Vì vậy, vị sư gọi nàng là nàng Đen. Người đời sau gọi là Bà Đen để tỏ lòng tôn kính.
Truyền thuyết thứ ba có ghi trong quyển “Sự tích Thánh Mẫu Phật Bà Tây Ninh” rằng: Thuở mới khai hoang vùng đất, một viên quan trấn thủ vùng chân núi Một có 2 người con. Người con trai tên là Thạch Biên. Người con gái là Thạch Nương, có tên thường gọi là Đênh.
Khi nàng Đênh 13 tuổi, có một nhà sư tên là Trung Vân Danh, đạo hiệu Trừng Thanh tìm đến lưng chừng núi Một dựng chùa, thờ Phật và hoằng pháp độ sanh.
Mộ đạo, nàng Đênh đã xin theo nhà sư Trừng Thanh học đạo. Thấy nàng Đênh xinh đẹp, quan trấn thủ Trảng Bàng cho người mai mối xin cưới cho con trai. Khi hai gia đình chuẩn bị lễ vật cho lễ cưới thì bất ngờ nàng mất tích. Gia đình hai bên cho người tìm kiếm khắp nơi thì phát hiện một khúc chân nghi là của nàng Đênh. Mọi người đồn đoán rằng nàng Đênh đã bị cọp vồ. Gia đình mai táng khúc chân và lập mộ cho nàng dưới chân núi.
Từ đó, người ta gọi ngọn núi Một là núi Bà Đênh, đọc trại dần thành Bà Đen (?).
Khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy đến núi Bà Đen lẩn tránh. Thiếu lương thực, từ chúa đến lính đều đói lả. Nghe dân cư đồn về sự linh thiêng của Bà Đen, trong cơn tuyệt vọng, chúa Nguyễn Ánh đã cầu khẩn xin phò trợ. Đêm đó, Bà Đênh xuất hiện trong mộng của chúa Nguyễn Ánh. Bà cho biết Nguyễn Ánh đang nằm ngủ dưới gốc một loại cây cho trái có thể cứu đói binh sĩ.
Khi thức giấc chúa Nguyễn Ánh trông thấy trên cành cây mình đang nằm ngủ có nhiều quả nhỏ chi chít. Hái xuống ăn thử thì có vị rất ngon. Ông truyền cho binh sĩ hái loại quả ấy ăn lót dạ. Ông đã đặt tên cho loại quả ấy là “tùng quân”.
Năm 1790, Nguyễn Ánh đưa binh lính quay lại núi đúc tượng, cất lại điện thờ. Sau đó phong sắc Linh Sơn Điện và phong bà là Linh Sơn Thánh Mẫu14.
Như vậy, sự tích Bà Đen lặp lại mô-tip thờ người phụ nữ bất hạnh, chưa chồng, chết trẻ, vốn phổ biến ở thần tích người Việt, và những cái tên Đen, Đinh, Thạch Biên, Thạch Nương cho thấy có thể có dấu ấn tục cổ thờ đá.
Tín ngưỡng Bà Đen (Linh Sơn Thánh Mẫu), theo nhiều tác giả, phản ánh sự dung hợp Việt, Chăm, Khmer, Hoa. Chẳng hạn, Huỳnh Thiệu Phong cho rằng “Cụ thể hơn, trong văn hóa Chăm, vị nữ thần xứ sở của họ chính là Po Inư Nagar còn được biết đến với tục danh là bà Đen (Muk Juk). Chính hình tượng này đã kết hợp với vị nữ thần Neang Khmau của người Khmer đã tạo nên hình tượng Linh Sơn Thánh Mẫu ngày nay”15.
Trước đấy, Lê Hương từng cho biết người Khmer thờ vị thần gốc Bàlamôn giáo “bà Néang Khmau, gọi là bà Đen, vốn là nữ thần Kali là vị nữ thần trông coi một vùng và được sùng bái như Ông Tà. Người Việt quen gọi là bà Chao. Hai vị thần này hay giúp người bằng cách báo mộng hoặc cho xâm. Ống xâm của Ông Tà chỉ có 26 thẻ mà thôi”16.
Như vậy, việc có đến 3 truyền thuyết khác nhau về Bà Đen không quan trọng. Cũng như trường hợp Bà Chúa Xứ, Bà Đen được thờ phụng vì bản thân cư dân Việt đã có sẵn tâm thức thờ một vị thần như vậy, tiếp nhận từ những dân tộc mà họ chung sống trên con đường tiến về Nam (Chăm) hay trên vùng đất lập nghiệp (Khmer).
3.5. Tín ngưỡng chủ đất – Chủ Ngu Ma Nương
Chủ Ngu (hay Chúa Ngung) Ma Vương (hay Ma Nương) được xem là vị thần chủ đất cũ, người lưu dân đến canh tác trên đất của thần, phải thờ cúng để mong không bị quấy phá, đây cũng là một nét nổi trội rõ rệt dĩ nhiên không gặp ở đất Bắc. Tục này có khả năng là người Việt có từ khi đến ở trên đất của người Chăm, rồi mang theo vào Nam Bộ, và Chủ/Chúa Ngung/Ngu Ma Nương theo Lê Văn Hảo chẳng qua là một tên gọi khác của bà Thiên y A Na (Bà Trời, Bà Chúa Xứ sở người Chăm Poh Yang Inư Nagar hay Po Ino Nogor)17. Sơn Nam cũng cho là Chúa Ngung Ma Nương khởi đầu ở Trung Bộ và được lưu dân đem vào Nam Bộ 18. Đáng chú ý, trong lễ cúng đất người ta nhờ thầy pháp buộc Chủ Ngu phải chấp nhận, thậm chí có ký kết thỏa thuận hẳn hoi, cho mượn đất, hay mua đất, với hứa hẹn sẽ được người ta cúng tế cụ thể. Ví dụ, Tạ Chí Đại Trường có dẫn một khảo sát của M. Landes: “Trường hợp một làng ở tỉnh Chợ Lớn (một phần Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An ngày nay) tổ chức (1789) cúng lớn đến 7 ngày đêm, mất hết 700 quan cho 16 pháp sư hành lễ, trả tiền (giấy vàng mã) thuê đất là 1.500 quan cùng lời hứa hẹn 3 năm cúng một heo làm định kỳ”19. Có khi người ta mời ông bà đồng cốt đến để gọi hồn Chủ Ngu lên, đàm phán để Chủ Ngu phải cho người ta thuê đất từng năm hay thuê đất suốt đời tùy theo thỏa thuận.
3.6. Đồng cốt, phù thủy, luyện bùa ngải, ma thuật ở Nam Bộ phát triển nhiều hơn ở Bắc
Đây cũng là một nét nổi trội của tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Đặc biệt các tín ngưỡng này có tiếp thu lẫn nhau giữa người Việt với Khmer, Chăm. Ở người Khmer, việc lên đồng xưa kia rất phổ biến. Số người hành nghề lên đồng (gọi là Rup) cùng các thầy pháp (Krou) rất nhiều. Hễ có việc gì khó giải quyết, bệnh tật cho gia súc và người, là lập tức mời Krou lại chữa chạy, thường dùng pháp thuật, ma thuật. Nếu Krou yêu cầu phải hỏi thần linh, thường là Néak Ta, tổ tiên (Arak), thì người ta mời Rup về làm lễ, xin thần linh, tổ tiên nhập vào trả lời.
Thày pháp Krou cũng có người xấu người tốt. Có ông gỡ bùa hại người thì lại có ông cho bùa, bán bùa hại người, bùa lừa người đoạt tiền, bùa yêu lấy được vợ trẻ đẹp, hay khiến chồng thương…. Nhưng người ta tin rằng pháp sư dùng bùa phép, sai âm binh làm điều xấu thì sẽ bị trừng phạt. Các pháp sư trong phum sóc Acha là những vị pháp sư tốt chăm lo cho đời sống dân làng.
Vùng Thất Sơn tỉnh An Giang, vùng núi Tà-Lơn bên Campuchia dường như là thánh địa cho những người ẩn tu, có thể luyện bùa ngải, thư yểm cùng các bài thuốc chữa bệnh. Có một loại người Miên bị quỷ ám (Thmup) phải sống cô độc trong núi, đầm lầy, theo niềm tin dân gian, có thể tiếp xúc với ma quỷ, biết các bài thần chú, biết làm “thư” – vật yểm chui vào người bị “thư” gây bệnh tật đau đớn. Có người thuê Thmup “thư” kẻ mình thù oán, người bị “thư” nếu biết thì có thể thuê Thmup khác cao tay hơn, hoặc thuê thày pháp Krou trục “thư” đi. Thmup cũng có khả năng ếm trù từ xa ai đó: làm hình nộm nhỏ bằng bột gạo hay sáp, ghi tên tuổi người muốn hại, rồi làm lễ, đọc thần chú, quát mắng hình nộp, đâm kim vào hình nộm; cũng có khi làm hình nộm lớn bằng rơm, cắm tên vào ngực, vào đầu, đánh bằng roi, trôn xuống đất. Người ta tin rằng, người bị ếm trù sẽ đau đớn ở bộ phận thân thể tương ứng. Các pháp sư có thể luyện gồng là một loại bùa khiến đạn bắn không trúng, được những người tham gia cuộc tấn công phá ngục Sài Gòn năm 1916 nhằm cứu thủ lĩnh Phan Xích Long đeo gồng nhưng vẫn bị bắn chết, bị thương và bị bắt.
Đúng như Trần Văn Giàu nói về nông dân Nam Bộ xưa: “Học hành không có gì nhiều nhưng tín ngưỡng ma thuật thiên cổ thì dữ lắm, tín ngưỡng thiên cổ ấy vào Nam lại được tô đậm thêm, được thêm chân thêm râu bởi bởi tín ngưỡng thổ dân Chàm, Miên”20.
Thực ra những tín ngưỡng này vốn ở Bắc cũng không ít, nhưng do ảnh hưởng Nho giáo nên nó có phần chìm đi. Người Việt vào Nam Bộ, gặp tín ngưỡng này ở người Khmer, niềm tin vốn có vào những tín ngưỡng này có điều kiện bung ra phát triển mạnh hơn. Nó trở thành lớp nền trên đó nhiều tôn giáo mới nảy sinh (Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Trần Long Hải, Cao Đài, Hòa Hảo,…).
Kết luận
1. Nam Bộ so với Bắc rõ ràng có những nét đặc sắc riêng về văn hóa và tôn giáo.
Khi tiến vào Nam, người Việt bắt đầu tách xa hơn khỏi thế giới Nho giáo ảnh hưởng hơn ngàn năm. Từ chỗ thế giới với người Việt là Trung Hoa và Trung Hoa là cánh cửa ra thế giới bên ngoài; Trung Hoa cũng là chuẩn mực để họ nhìn thế giới, đến chỗ họ được tiếp xúc với một thế giới hoàn toàn khác, phi Hoa, bắt đầu là Chăm, rồi tiếp đấy là Khmer, với văn hóa Bàlamôn giáo và Phật giáo nguyên thủy. Từ cuối thế kỷ 17, phương Nam kinh tế phát đạt, thuyền buôn cùng các nhà truyền giáo từ Ấn, Hoa, Mã Lai, Nhật Bản, Phương Tây đến Sài Gòn đã biến Nam Bộ trở thành cánh cửa ra thế giới, đi trước cả nước trong tiếp xúc và mở mang văn hóa.
Như vậy, “công cuộc khai phá Nam Bộ xét về mặt văn hóa đã mở cho cả dân tộc con đường trở về với Đông Nam Á cội nguồn, đồng thời cũng là con đường đến với thế giới – điều này vô cùng quan trọng vì nhiều thế kỷ trước đấy, thế giới với người Việt Nam chỉ là Trung Hoa”21.
Cho nên, người Nam Bộ năng động. Năng động cả trong tôn giáo và tín ngưỡng. Nếu ở Bắc Bộ, Nho giáo cùng các thể chế văn hóa lâu đời cản trở đổi mới, thì Nam Bộ đi đầu trong tất cả các cách tân kinh tế, văn hóa và tôn giáo. Chẳng những Nam Bộ đi trước trong sản xuất hàng hóa, thương mại quốc tế, cách ăn mặc theo lối Tây, sử dụng quốc ngữ, nghề in ấn, làm báo, viết văn, tân nhạc, cải lương…, mà trong lĩnh vực tôn giáo tín ngưỡng Nam Bộ cũng khai phá. Các cuộc cách tân tôn giáo ngay từ giữa thế kỷ 18 của Đoàn Minh Hương, công cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20, các phong trào tôn giáo mới Cao Đài và Hòa Hảo,… cho thấy một Nam Bộ cởi mở, dám chấp nhận cái mới, dám thay đổi, luôn đi trước cả nước.
Tiến về Nam, người Việt không chỉ mở ra cho mình cánh cửa văn hóa khác, mà còn là sự trở về văn hóa cội nguồn của mình, văn hóa cổ Đông Nam Á, mà họ từng ít nhiều để nó chìm lắng xuống dưới, trong quá trình dài chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, đặc biệt là Nho giáo. Những tín ngưỡng cổ Đông Nam Á thờ đất, thờ đá, thờ núi, thờ mẹ – nữ thần, đồng cốt, ma thuật… nơi vùng đất Bắc dù ít nhiều có bị lấn át, khuất lấp nhưng vẫn được bảo tồn, thì khi vào Nam gặp môi trường thuận lợi chúng trở nên mạnh mẽ hơn, dưới những hình thức mới mẻ hơn, phong phú hơn, giản dị hơn.
2. Trên con đường con đường di cư, người Việt tiếp thu dọc đường và mang theo vào Nam Bộ cả những hành trang tâm linh, nhờ đó đem lại sự độc đáo với sự tích hợp văn hóa đa dân tộc cho tín ngưỡng dân gian Nam Bộ. Những tín ngưỡng Ông Tà, Bà Chúa Xứ, Bà Đen là những hiện tượng đặc sắc và tiêu biểu cho quá trình ấy. Sự du nhập của lớp người Hoa thời Minh – Thanh đưa lại cho Nam Bộ thêm một lớp tín ngưỡng Hoa Nam với Thiên Hậu, Quan Đế, bà Ngũ Hành, Ông Bổn… giúp cho diện mạo tín ngưỡng của mảnh đất phương Nam thêm phong phú, màu sắc và hấp dẫn – vui tươi (có thể nói như vậy) – đáp ứng cái nhu cầu tâm linh đa dạng, cởi mở của một vùng đất đa văn hóa – đa tộc người.
3. Mặc dù có những khác biệt và những nét đặc sắc, tín ngưỡng người Việt ở Nam Bộ vẫn mang đậm cái chất Việt Nam. Bất kể bạn là người Bắc lần đầu vào Nam, tiếp xúc với tín ngưỡng Nam Bộ, bạn không hề thấy sợ hãi, khó tiếp nhận. Tín ngưỡng Nam Bộ không bài trừ tâm thức tôn giáo người Việt Nam mà còn góp phần làm nó phong phú. Thậm chí, nhiều trường hợp, như tín ngưỡng Thành hoàng, Bà Chúa Xứ, Bà Đen trong phần trên đã phân tích, còn làm nổi bật hơn tâm thức vốn có của người Việt./.
Chú thích:
1. Li Tana (2013), Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nguyễn Nghị dịch, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh: 244.
2. Li Tana, Sđd: 248.
3. Viện Sử học (2007), Lê Quý Đôn – Phủ biên tạp lục, bản dịch của Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh; Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội: 79.
4. Mạc Đường (chủ biên, 1991), Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 30.
5. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Sài Gòn: 36.
6. Lê Hương, Sđd: 74.
7. Vương Hồng Sển (1960), Sài Gòn năm xưa, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai tái bản: 182-185.
8 Nguyễn Ngọc Thơ (2014), “Đặc trưng tín ngưỡng thờ Thiên Hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long”, Phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 15, số x4: 88-107.
9 Nguyễn Ngọc Thơ, bài đã dẫn: 88-107.
10 Như Phú, Cuồng tín tại chùa Bà, báo Người Lao động, 21-02-2016.
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cuong-tin-tai-chua-ba20160221224207936.htm
11. Sơn Nam (1992), Đình miễu và lễ hội dân gian, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh: 17.
12. Diệp Đình Hoa (1998), “Trống đồng cổ và tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng”, Văn hóa dân gian, số 4 (64).
13. Phạm Nga, Tục Thờ Ngũ Hành Nương Nương. Theo bài báo này thì vào ngày vía bà Ngũ Hành, dân pê-đê nam thường đến miếu lễ và múa bóng rỗi. http://hatvan.vn/forum/threads/tuc-tho-ngu-hanh-nuong-nuong.149.
14. Nông Huyền Sơn, Huyền tích Linh Sơn Thánh Mẫu núi bà Đen. http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Huyen-tich-Linh-SonThanh-Mau-nui-Ba-den-381839
15. Huỳnh Thiệu Phong, Về tục thờ bà Đen ở Nam Bộ (Qua nghiên cứu khu du lịch Núi bà Đen, Tây Ninh). https://nghiencuulichsu.com/2017/03/08/ve-tuc-tho-ba-den-o-nam-bo/
16. Lê Hương, Sđd: 36.
17. Lê Văn Hảo (2012), “Mấy ý kiến về cuốn sách Tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt ở Xứ Quảng” của Nguyễn Xuân Hương (Nxb. Đà Nẵng, 2011), Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng, số 25 (2012): 52.
18 Sơn Nam (2009), Biển cỏ miền Tây và hình bóng cũ, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh: 328.
19 Tạ Chí Đại Trường (1989), Thần, Người và Đất Việt, Nxb. Văn nghệ, California:
281.
20 Trần Văn Giàu (1975), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội: 206.
21 Đặng Thế Đại (2008), “Tính đặc sắc Nam Bộ và truyền thống văn hóa Việt Nam qua một dòng tôn giáo”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 4(58).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Thế Đại (2008), “Tính đặc sắc Nam Bộ và truyền thống văn hóa Việt Nam qua một dòng tôn giáo”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 4(58).
2. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, bản dịch của Viện Sử học, do Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, và Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Văn hóa – Thông tin tái bản, Hà Nội. 2007.
3. Mạc Đường (chủ biên, 1991), Vấn đề dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Trần Văn Giàu (1975), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám, tập II, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Lê Văn Hảo (2012), “Mấy ý kiến về cuốn sách Tín ngưỡng thờ nữ thần của người Việt ở Xứ Quảng” của Nguyễn Xuân Hương (Nxb. Đà Nẵng, 2011), Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng, số 25.
6. Diệp Đình Hoa (1998), “Trống đồng cổ và tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng”, Văn hóa dân gian, số 4 (64).
7. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Sài Gòn.
8. Li Tana (2013), Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nguyễn Nghị dịch, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
9. Phạm Nga, Tục Thờ Ngũ Hành Nương Nương, (http://hatvan.vn/forum/threads/tuc-tho-ngu-hanh-nuong-nuong.149).
10. Huỳnh Thiệu Phong, Về tục thờ bà Đen ở Nam Bộ (Qua nghiên cứu khu du lịch Núi bà Đen, Tây Ninh). (https://nghiencuulichsu.com/2017/03/08/ve-tuc-tho-baden-o-nam-bo/).
11. Như Phú, Cuồng tín tại chùa Bà, báo Người Lao động, 21-02-2016. (http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/cuong-tin-tai-chua-ba20160221224207936.htm).
12. Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quang Vinh (1992), Văn hóa dân gian người Việt ở Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
13. Vương Hồng Sển (1960), Sài Gòn năm xưa, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai tái bản, 2005.
14. Nông Huyền Sơn, Huyền tích Linh Sơn Thánh Mẫu núi bà Đen.
(http://antg.cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Huyen-tich-Linh-SonThanh-Mau-nui-Ba-den-381839).
15. Sơn Nam (1992), Đình miễu và lễ hội dân gian, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.
16. Nguyễn Ngọc Thơ (2014), “Đặc trưng tín ngưỡng thờ Thiên Hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long”, Phát triển Khoa học và Công nghệ, tập 15, số x4.
17. Tạ Chí Đại Trường (1989), Thần, Người và Đất Việt, Nxb. Văn Nghệ, California.
Nguồn: Nghiên cứu Tôn giáo, số 10 (166) – 2017, 94-114
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Mấy nét đặc sắc của tín ngưỡng dân gian Nam Bộ (Tác giả: Đặng Thế Đại) |