MÔ THỨC MỸ THUẬT của NỮ PHỤC TRUYỀN THỐNG – Di sản trí tuệ của các dân tộc Việt Nam
1. Văn tuệ và Tri tuệ
Hiện nay, ở Việt Nam và một số nước trên thế giới, một vài học giả bàn luận rất nhiều về minh triết phương Đông. Trong đó, người ta đưa ra hai phạm trù văn tuệ và tri tuệ. Văn tuệ là tri thức và nhận thức con người học được từ nhà trường và sách vở, còn tri tuệ là cảm nhận và nhận thức được tích hợp từ thực tiễn cuộc sống. Có thể nói trong văn hoá các dân tộc phương Đông trong đó có các dân tộc ở Việt Nam, cái tri tuệ này được coi như là một đặc trưng nổi bật. Nhiều nhà khoa học phương Đông và phương Tây đã vận dụng cái văn tuệ này, trong đó có tri thức và khoa học của phương Tây, để tìm hiểu và đánh giá kho tàng tri tuệ của các dân tộc Việt Nam. Chúng tôi đã chọn đối tượng nghiên cứu là mẫu hình thị hiếu và hình thức đặc trưng nữ phục truyền thống của một số dân tộc ở Việt Nam. Hay nói cụ thể hơn, chúng tôi đã chọn cặp phạm trù mĩ học và nghệ thuật học được đề xuất từ lâu ở châu Âu để tìm hiểu kho tàng tri tuệ các tộc người trên mĩ thuật nữ phục truyền thống và coi đây là một quan điểm nghiên cứu có cơ sở khoa học và thực tiễn.
2. Nữ phục truyền thống
Trang phục 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam rất phong phú và đa dạng đã trở thành những giá trị đặc trưng cho văn hoá các dân tộc và đã góp phần tạo nên sự đa dạng của nền văn hoá quốc gia đa dân tộc này. Trong đó, đẹp nhất vẫn là nữ phục truyền thống. Đó là một di sản văn hoá độc đáo cần được tôn vinh và giữ gìn.
Các dân tộc đều chú trọng tới kiểu dáng và màu sắc của nữ phục sao cho phù hợp với điều kiện thiên nhiên và tập quán sinh hoạt. Bộ nữ phục đẹp thường được thiết kế theo cảm quan thẩm mĩ nhất định, có ấn tượng thị giác hài hoà nhất. Ví dụ, nữ phục một số dân tộc làm nổi vẻ đẹp hình thể và giấu đi những khiếm khuyết cơ thể bằng những thiết kế tạo dáng (xem hình 1).

Đặc trưng kiểu dáng và màu sắc của nữ phục truyền thống của một số dân tộc ở Việt Nam biểu hiện rất đa dạng và phong phú. Tuỳ theo điều kiện môi trường sinh thái nhân văn nơi cư trú, mẫu hình thị hiếu và hình thức đặc trưng mà hệ biểu tượng màu sắc có những đặc trưng riêng.
Rõ ràng trong cảm quan thẩm mĩ và tri tuệ tạo hình của phương Đông, trong đó có các dân tộc ở Việt Nam, từ trong vô thức, người ta đã tạo ra những thước đo riêng mà đem so sánh với tỉ lệ vàng, có thể, tương ứng hoặc gần đúng. Qua đó, có thể vận dụng tỉ lệ và thước đo mà người châu Âu phát kiến để khám phá những bí ẩn về tri tuệ trong nghệ thuật phương Đông vẫn còn bỏ ngỏ, trong đó, có mĩ thuật nữ phục nói riêng và trang phục nói chung.
2.1. Lý luận và Chứng nghiệm
Với một đề tài nghiên cứu lí luận và chứng nghiệm thì việc phải xây dựng cho mình một hệ khái niệm và giả thuyết công cụ thao tác là một công việc có tính bắt buộc. Chứng nghiệm là kiểm chứng và khảo nghiệm với những công cụ có tính giả thuyết chúng tôi muốn tránh lối nghiên cứu kinh nghiệm và định kiến. Chứng nghiệm tỉ lệ vàng để tìm ra cách thức tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của kiểu dáng và chứng nghiệm vòng màu biểu tượng để phân tích đặc trưng của vòng màu biểu tượng của nữ phục một số dân tộc Việt Nam nhằm nhận diện và khẳng định những giá trị cơ bản của mẫu hình thị hiếu và hình thức đặc trưng trong mĩ thuật nữ phục truyền thống của một số dân tộc ở Việt Nam.
Vận dụng thuyết hài hoà để xây dựng giả thuyết chứng nghiệm kiểu dáng nữ phục một số dân tộc như là một nghiên cứu trường hợp nhằm góp phần phát hiện ra rằng mĩ thuật nữ phục của các dân tộc không phải là sự thiết kế tuỳ tiện và ngẫu hứng. Rõ ràng trong cảm quan thẩm mĩ và tri tuệ tạo hình của phương Đông, trong đó có các dân tộc ở Việt Nam, hình như từ trong vô thức, người ta đã tạo ra những thước đo riêng mà đem so sánh với tỉ lệ vàng, có thể, tương ứng hoặc gần đúng. Vận dụng tỉ lệ và thước đo mà người châu Âu phát kiến để khám phá những bí ẩn về tri tuệ trong nghệ thuật phương Đông vẫn còn bỏ ngỏ, trong đó, có mĩ thuật nữ phục nói riêng và trang phục nói chung:
Mĩ thuật nữ phục của các dân tộc không phải là sự thiết kế tuỳ tiện và ngẫu hứng mà từ trong vô thức, người ta đã tạo ra những thước đo riêng mà đem so sánh với tỉ lệ vàng, có thể, tương ứng hoặc gần đúng để tìm ra cách thức tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của kiểu dáng.
Vận dụng tỉ lệ vàng với tư cách là một công cụ có tính giả thuyết, trước hết, có thể chứng nghiệm hình dáng tổng thể của nữ phục và các thành phần, các chi tiết tạo nên hình dáng đấy. Tỉ lệ vàng trên hình thể con người mà eo lưng là tiêu điểm thẩm mĩ, có thể được coi là thước đo chuẩn để đánh giá sự sáng tạo và thiết kế kiểu dáng nữ phục truyền thống các dân tộc, qua đó, đánh giá, phân tích và xác định những đặc trưng về kiểu dáng. Vận dụng khái niệm biểu tượng màu sắc và vòng màu biểu tượng như là hệ công cụ giả thuyết chúng ta có thể nhận diện sự phối hợp màu sắc, việc sử dụng chất liệu, đường nét hoa văn trang trí, trang sức, phụ trang nhằm tạo nên hệ biểu tượng của nữ phục, qua đó, nhận diện những đặc trưng màu sắc của nữ phục truyền thống.
2.2. Đặc trưng của nữ phục
Đặc trưng kiểu dáng của nữ phục thể hiện ở lối thiết kế kết hợp hài hoà vẻ đẹp hình thể con người với đặc tính dân tộc và môi trường tự nhiên. Mặt khác, nữ phục truyền thống các dân tộc không chỉ thể hiện nét đẹp độc đáo ở việc thiết kế tổng thể mà còn thể hiện màu sắc biểu tượng. Nhìn chung, các dân tộc đều chú trọng đến việc sử dụng biểu tượng màu sắc cho trang phục hơn là quan tâm tới tỉ lệ hình thể người mặc trang phục. Do đó, đặc trưng màu sắc biểu tượng là một giá trị thẩm mĩ và văn hoá độc đáo của mĩ thuật nữ phục truyền thống các dân tộc Việt Nam (xem hình 2).

Những đặc trưng màu sắc của nữ phục các dân tộc đã minh chứng cho quan điểm về màu sắc trang phục gắn với vùng địa lí sinh thái. Màu xanh, màu chàm là màu đặc trưng nổi bật trên tổng thể màu sắc trang phục các dân tộc miền núi và màu nâu là màu đặc trưng trang phục người Việt ở Bắc Bộ, kể cả nam phục lẫn nữ phục. Có thể, đây là một quan điểm phổ quát về tính khu vực của vòng màu biểu tượng trang phục. Tuy nhiên, tính thống nhất của màu sắc chủ đạo của một vùng văn hoá lớn càng làm nổi bật tính đa dạng của màu sắc đặc trưng của trang phục, đặc biệt, tính đa dạng về màu sắc của nữ phục (xem hình 3; 4).
Hình 3: Nữ phục HMông Hoa

Do điều kiện môi trường sinh thái nhân văn nơi cư trú của con người không giống nhau, cho nên, mẫu hình thị hiếu và hình thức đặc trưng mà cụ thể là tỉ lệ thiết kế kiểu dáng và hệ biểu tượng cũng không giống nhau. Thậm chí, cùng một dân tộc nhưng cư trú ở nhiều địa phương khác nhau thì nữ phục cũng có những nét đặc trưng khác nhau về cách thức tạo kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, hoa văn trang trí. Đó là nguyên nhân tạo nên bản sắc dân tộc và tạo nên sự đa dạng của nữ phục các dân tộc. Thực tế khảo sát và chứng nghiệm cho thấy những dân tộc cùng nhóm ngôn ngữ nhưng sinh sống ở ba vùng địa sinh thái nhân văn khác nhau thì nữ phục đều khắc ghi khá đậm nét hình thức đặc trưng (những đặc trưng về kiểu dáng và về màu sắc biểu tượng). Những nét đặc trưng ấy của nữ phục còn thể hiện những ảnh hưởng của các tín ngưỡng và tôn giáo. Có thể nói, những đặc trưng về kiểu dáng và đặc trưng màu sắc đã làm nổi bật tính đa dạng hơn là tính thống nhất ở nữ phục truyền thống các dân tộc. Đó là đặc tính ngôn ngữ của mĩ thuật nữ phục nói riêng và trang phục nói chung: luôn luôn mới lạ và đa dạng. Rộng hơn nữa đó cũng chính là đặc trưng của văn hoá: thống nhất mà đa dạng. Do đó, người ta có thể nhận diện văn hoá truyền thống của một dân tộc qua nữ phục truyền thống của dân tộc đó (xem hình 5).

Quan hệ giữa giá trị thẩm mĩ và giá trị văn hoá là mối quan hệ biện chứng giữa kiểu dáng và màu sắc, giữa cái bên trong và cái bên ngoài và quan hệ giữa thân thể và tinh thần, giữa xác và hồn của một bộ nữ phục hoàn mĩ. Thiếu một vế nào thì bộ nữ phục cũng sẽ trở nên phiến diện và vô hồn. Có thể nói, tỉ lệ vàng và hệ biểu tượng là biểu hiện sinh động của mối quan hệ giữa mẫu hình thị hiếu và hình thức đặc trưng hay nói cách khác chúng tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của nữ phục truyền thống các dân tộc. Tuy nhiên, tỉ lệ vàng của hình thể con người mới chỉ là một cái ngưỡng để người ta điều chỉnh thiết kế sao cho có thể tạo ra những nữ phục đẹp về kiểu dáng. Trong trường hợp việc điều chỉnh này không tạo ra được kiểu dáng hài hoà như mong muốn thì người ta chú trọng đến đặc trưng màu sắc biểu tượng và chỉ đến khi nào nữ phục có thêm ý nghĩa biểu tượng sâu sắc thì bộ nữ phục đó mới thật sự có cái đẹp tuyệt vời của nó, cái đẹp có hồn.
2.3. Thị hiếu và Hình thức của nữ phục
Quy luật kế thừa truyền thống trước xu thế đa dạng hoá và quy luật kết hợp truyền thống với hiện đại trên nền tảng kế thừa các giá trị văn hoá và giá trị thẩm mĩ sẽ tạo nên hai thành tố cơ bản của cấu trúc nội tại thị hiếu và hình thức của nữ phục. Chúng thể hiện một cách cụ thể và sinh động qua mẫu hình thị hiếu và hình thức đặc trưng kết tinh thành mô thức thẩm mĩ của nữ phục truyền thống. Kế thừa truyền thống để cách tân, dựa trên thẩm mĩ truyền thống dân tộc để định hình thẩm mĩ cá nhân… Kế thừa các giá trị này là một quy luật có tầm quan trọng đặc biệt trong sáng tạo mĩ thuật nữ phục. Nó biểu hiện một cách cụ thể mối liên kết của tính dân tộc và tính hiện đại như là những nguyên tắc và định hướng cho việc kế thừa mẫu hình thị hiếu truyền thống. Lựa chọn và kế thừa những nét đặc sắc và tinh hoa; kế thừa cốt cách và tinh thần, kế thừa kết hợp với đổi mới, đó chính là quy luật của quá trình sáng tạo ra cái đẹp đặc trưng nữ phục của các dân tộc
Những điều kiện của thời đại đang biến đổi nhanh chóng đã và đang tác động tới những chức năng cơ bản của trang phục trong xã hội Việt Nam hiện đại: chức năng sử dụng, chức năng xã hội, chức năng biểu đạt giới tính và chức năng thẩm mĩ. Trong nữ phục truyền thống như ta đã xem xét mối quan hệ của bốn chức năng này khá hài hoà: hình thức nữ phục vừa phụ thuộc vào chức năng vừa phụ thuộc vào cảm xúc. Tuy nhiên, trong những phẩm chất chung đó nữ phục của mỗi dân tộc luôn biểu hiện những phẩm chất riêng độc đáo của nó.
Có thể nói, bài học thành công của áo dài phụ nữ Việt thế kỉ XX là sự kết hợp giữa tính truyền thống và tính hiện đại; giữa văn hoá cộng đồng và văn hoá cá nhân, giữa cơ tầng Đông Nam Á và yếu tố phương Tây, giữa những phẩm chất chung và phẩm chất riêng đó; cũng chính là bài học kinh nghiệm quý giá chung định hướng cơ bản đối với việc kế thừa mẫu hình thị hiếu và hình thức đặc trưng nữ phục các dân tộc Việt Nam. Từ đó, ta có thể suy nghĩ tới việc kế thừa những đặc trưng và giá trị của mĩ thuật nữ phục truyền thống của mỗi một tộc người theo một mô thức thẩm mĩ nhất định. Ví dụ, mô thức của mĩ thuật nữ phục Việt truyền thống, về kiểu dáng đơn giản, không thêu và trang trí cầu kì nhưng lại nổi bật ở nét dịu dàng, duyên dáng, thướt tha; về đặc trưng màu sắc của nữ phục Việt truyền thống nổi bật ở biểu tượng màu sắc của chiếc áo tứ thân và năm thân với những màu giản dị, không pha trộn cầu kì là nâu, trắng, đen, đỏ, xanh,… Những áo dài cách tân thành công đều chú ý đến việc kế thừa mô thức này.
Chẳng hạn, quan niệm âm dương trong áo dài cưới truyền thống của phụ nữ Việt: Xuất phát từ nhận thức âm dương là gốc của mọi vật nên trên cơ thể người Việt cũng là sự quân bình âm dương. Cũng từ tư tưởng coi con người và vũ trụ nằm trong một tổng thể thống nhất (thiên địa vạn vật nhất thể), người xưa áp dụng các mô hình nhận thức về vũ trụ vào việc lí giải cấu tạo và hoạt động của con người. Trên nguyên tắc, cũng như mọi vật trong vũ trụ hoặc các thành phần của bộ phận trên cơ thể, mỗi cá nhân trong xã hội đều có những đặc trưng và dựa vào cấu tạo sinh học nam và nữ mà có được sự quân bình âm dương giới tính như sau: cơ thể nữ – từ eo trở lên là phần dương, từ eo trở xuống là phần âm và ngược lại là cơ thể nam. Đó là cơ sở để nhận diện triết lí âm dương trên chiếc áo dài cưới truyền thống. Ngoài ra nếu xét trong bản thân từng bộ phận cơ thể riêng biệt cũng sẽ có sự quân bình âm dương (trong âm có dương, trong dương có âm, ví dụ như: phần trên của cơ thể nữ là dương, trong đó: đỉnh ngực là phần dương, chân ngực là phần âm,…).
Dựa vào triết lí đó, áo dài cưới đẹp dựa trên sự hài hoà âm dương của thân thể người con gái Việt. Tính từ trên vai xuống đến eo “eo thon thắt đáy”, áo dài phô hết phần dương tính (theo cách mặc phương Tây) của thân thể phía trên của người đẹp Việt: cổ áo dài may khít, ôm khít lưng, căng tròn ngực, ôm lấy cổ cao, vai ôm tròn, eo ôm khít và xẻ tà áo hai bên đủ cao, để hở lườn nhưng đủ kín để gợi cảm. Tuy nhiên, áo dài vẫn giữ được “lề truyền thống” của văn hoá mặc áo dài xưa, khi thu lại chỉ còn hai vạt kín đáo. Áo cánh bên trong áo tứ thân có thể thấp thoáng cổ yếm ở trong, nhưng áo dài tân thời thì che kín, không để hở cổ, cổ áo cao và cứng được phụ nữ ưa chuộng nhất. Ở khía cạnh tạo nên nét đẹp của chiếc áo dài, triết lí âm dương cũng là thành tố quan trọng của nhận thức tư duy tổng hợp và biện chứng với ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thứ nhất, đôi tà áo dài Việt Nam là sự thể hiện rõ nét đặc điểm tính cách của người phụ nữ Việt Nam: đoan trang, tế nhị. Từ cái ngoại hình bên ngoài của một phụ nữ mặc áo dài có thể thấy được cái dịu dàng, cái ý tứ và đạo đức bên trong của họ.
Về hình khối của kiểu dáng áo dài nữ (âm), phần thân trên từ vai xuống đến eo gồm: hai vai, hai tay, khuôn ngực, lưng được áo dài ôm sát để lộ rõ đường nét cơ thể (thuộc dương); phần thân dưới từ eo xuống đến bàn chân là mông, đùi và chân được che kín bởi hai ống quần rộng ẩn sau hai tà áo (thuộc âm). Chiều dài vạt áo có thể tuỳ theo sở thích hay chiều cao của người mặc mà có thể lên lai áo cho ngắn trên đầu gối (thuộc âm) hay xuống lai áo cho dài thêm đến bàn chân (thuộc dương). Khi đứng hoặc ngồi yên thì tà áo dài trong trạng thái tĩnh (âm), nhưng khi bước đi cùng với chuyển động của cơ thể và tác động của môi trường như không khí, gió,… hai tà áo lay động tung bay mềm mại cùng với hai ống quần rộng trong trạng thái động (dương).
Đường nét cắt may áo dài hầu hết đều là đường may thẳng ở tay, đường thẳng tà, vạt áo, các đường nhấn ben thẳng ở ngực, eo tạo cảm giác nổi khối cơ thể (thuộc dương). Nhưng rất mềm mại trở thành đường cong theo dáng vóc phụ nữ (thuộc âm). Do khổ vải hẹp, áo dài xưa được ghép bởi bốn mảnh – ngày nay với khổ vải rộng, áo dài được ghép bởi hai mảnh là số chẵn, nhưng cấu trúc bên trong đều có một vạt phụ nằm phía dưới đường nút gọi là hò nên áo dài thực sự có ba mảnh (trong âm có dương và trong dương có âm). Loại nút bấm để cài áo, bao giờ nút lồi cũng được kết ở hò trên (thuộc dương) và nút lõm được kết ở hò dưới (thuộc âm). Cũng do phải đảm bảo tính thẩm mĩ ở phần thân áo trước phía trên, hàng nút rất nhỏ và được dấu kín bên trong hò áo nên khi cài nút để mặc vào rất lâu, chậm (thuộc âm) – nhưng khi cởi ra thì rất nhanh (thuộc dương).
Tính âm dương của cặp “trái – phải” cũng thể hiện ở phần tay áo raglan bên trái được may kín (thuộc âm), trong khi ở phần bên phải là đường mở áo để dễ mặc (thuộc dương). Áo dài với thể loại văn hoá mặc gốc nông nghiệp thì những đặc trưng âm tính vẫn là chủ đạo, cho nên văn hoá gốc nông nghiệp là loại văn hoá trọng tĩnh (trọng âm). Do sống ở xứ nóng (dương) cho nên văn hoá Việt Nam có truyền thống thiên về âm tính, con người ưa kín đáo, không phô trương (dương sinh âm). Vì vậy mà trước đây màu sắc áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam dù mặc trong ngày hội cũng chỉ dùng các màu tối (âm tính) nên thường nhuộm các màu nâu, gụ, thâm,… là chủ yếu. Tuy nhiên, đến ngày lễ hội vui tươi, nhộn nhịp (dương tính), do đó đòi hỏi trang phục phải có màu sắc tương ứng vì thế đã giải quyết mâu thuẫn này bằng cách lồng những lớp áo bên trong nhiều màu tươi (thuộc dương) như: vàng mỡ gà, hồng cánh sen, xanh hồ thuỷ (áo tứ thân),… phủ bên ngoài là màu tối (thuộc âm), tạo nên bộ trang phục có dương có âm.
2.4. Truyền thống và Hiện đại
Áo dài tân thời hiện nay là một sản phẩm sáng tạo tập thể, nó được kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống dân tộc với hiện đại theo hướng phô trương cái đẹp cơ thể trực tiếp kiểu phương Tây (dương tính hoá), bao gồm: thứ nhất là, đa dạng màu sắc; thứ hai, là may ôm gọn làm nổi rõ phần thân trên của người mặc; thứ ba, xẻ tà áo hai bên cao hơn, hở lườn, nâng ngực bằng áo nịt ngực (soutien tiếng Pháp, bra tiếng Anh) được du nhập từ phương Tây và không còn mặc áo cánh, yếm như trước nữa.
Áo dài tân thời kế tục và phát triển chiều cao độ phong cách tế nhị, kín đáo cổ truyền (âm tính hoá). So với áo tứ thân thì áo dài có phần kín đáo hơn: áo tứ thân cổ truyền buông hở hai vạt trước thì áo dài mới ghép hai thân trước thành một vạt dài che kín phía trước. Áo tứ thân cổ truyền chỉ khép hai vạt trước lại, để hở áo cánh, hở ngực yếm, hở cổ thì áo dài hiện nay được ưa chuộng nhất là kiểu có cổ cứng và cao.
Từ những đặc điểm nổi bật trên, chiếc áo dài Việt Nam hiện nay có kiểu dáng kết hợp với bản sắc dân tộc và hiện đại giúp người phụ nữ khi mặc áo dài trở nên kín đáo, đoan trang nhưng không kém phần quyến rũ. Chính sự khêu gợi một cách tế nhị, kín đáo, hở một cách “vòng vo”, tính cách dương ở trong âm đặc biệt này của quá trình điều chỉnh và phát triển kiểu dáng đã đáp ứng được yêu cầu của mọi thời đại.
Mô thức của nữ phục Mường thể hiện ở nét thanh lịch và kín đáo với đặc trưng màu sắc phổ biến là màu xanh và trắng. Mô thức của nữ phục Hmông truyền thống thể hiện ở lối thiết kế làm rõ nét tỉ lệ hình thể theo dạng cắt cúp tạo chiều cao ảo bằng những chiếc mũ, khăn,… làm nổi bật nét bí ẩn ở độ đậm của sắc màu. Mô thức của nữ phục Thái và Tày thể hiện ở nét gợi giới tính và sự cân đối của tỉ lệ giữa váy và áo; tạo ra ảo giác chiều cao. Mô thức của nữ phục Chăm là gam màu tươi sáng và rực rỡ, mà đặc biệt nổi bật là màu trắng vàng và đỏ. Mô thức của nữ phục Ê-đê ghi đậm những dấu ấn của văn hoá cội nguồn xa xưa: váy quấn, áo chui đầu và hệ màu tiềm thức với 4 màu chủ đạo: đỏ, đen, trắng, xanh. Mô thức của nữ phục Khơ-me nổi bật ở màu sắc tôn giáo, tươi sáng và rực rỡ mà đặc biệt nổi bật là 3 màu đen, đỏ và vàng… và đặc trưng kiểu dáng với tà rộng, vạt áo buông gợi nhớ lại kiểu áo cổ xưa quấn khoác, áo chui đầu.
Các giá trị văn hoá và giá trị thẩm mĩ sẽ tạo nên hai thành tố cơ bản của cấu trúc nội tại thị hiếu và hình thức của nữ phục. Chúng thể hiện một cách cụ thể và sinh động qua mẫu hình thị hiếu và hình thức đặc trưng và kết tinh thành mô thức mĩ thuật của nữ phục truyền thống. Mô thức mĩ thuật này sẽ trao truyền, chi phối và định hướng quá trình kế thừa và khai thác những đặc trưng và giá trị mĩ thuật nữ phục truyền thống, một cách vừa hữu thức vừa vô thức bằng những thước đo và quy thức riêng (xem hình 5).
THƯ MỤC THAM KHẢO
- Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, NXB Văn hoá Thông tin, 2002, tái bản từ bản in của NXB Quan hải tùng thư, Hà Nội, 1938.
- Ngô Đức Thịnh, Trang phục cổ truyền các Dân tộc Việt Nam, NXB Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, 2000.
CUNG DƯƠNG HẰNG 1
__________
1. TS, Trường Đại học Mĩ thuật TP Hồ Chí Minh.