Mộc bản triều Nguyễn của Việt Nam di sản tư liệu thế giới

Tác giả bài viết: PHẠM THỊ HUỆ

     Tài liệu mộc bản là những tấm gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra các sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến duới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo và để lưu truyền công danh, sự nghiệp của các vua chúa, triều đình nhà Nguyễn đã cho biên soạn và khắc in nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương… để ban cấp cho các nơi. Trong quá trình hoạt động đó, đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt đó là mộc bản triều Nguyễn.

x
x x

Lịch sử hình thành khối Mộc bản triều Nguyễn của Việt Nam

     Triều vua Gia Long, nhà Nguyễn cho soạn thảo bộ Hoàng Việt luật lệ và cho khắc in, ban hành năm Gia Long thứ 12 (1813).

     Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), triều Nguyễn cho lập Quốc sử quán để biên soạn quốc sử, thực lục các triều vua và sách chuyên khảo về giáo dục, địa chí… Tháng 8/1820, Quốc sử quán được xây dựng xong năm 1821 bắt đầu hoạt động, làm việc dựa trên các sách cổ và những tài liệu được hình thành trong hoạt động của triều đình và các bộ, nha, trấn, thành… như chiếu, dụ, chỉ của nhà vua đã dược đưa ra thi hành; các phiến, tấu, sớ, sách của các cơ quan và địa phương đã được vua phê duyệt và hầu bửu – bản chính của các văn bản trên được gọi là Châu bản. Theo lệ định, Châu bản được giao cho Nội các để sao chép lời Ngự phê vào hai phó bản; khi sao chép và hầu bửu xong, Nội các gửi một phó bản cho Quốc sử quán để làm tài liệu biên soạn các sách.

     Bản thảo sách sau khi biên soạn xong, được kiểm tra, bổ sung, chỉnh sửa qua nhiều khâu, cuối cùng được chép “tinh tả” rõ ràng theo nguyên bản, kèm theo biểu dâng sách tiến trình Hoàng đế “ngự lãm”. Sau khi nhà vua xem xong và phê duyệt, bản thảo được giao cho thợ khắc in lên những tấm gỗ (mộc bản) để in ra nhiều bản. Mộc bản sau khi in xong, được đưa vào bảo quản ở Tàng bản đường trong Quốc sử quán (ở Huế).

     Trong hơn một thế kỷ tồn tại, Quốc sử quán triều Nguyễn đã biên soạn nhiều bộ sách sử có giá trị như Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí… Đồng thời, Quốc sử quán cũng đã tạo ra một khối lượng lớn tài liệu Mộc bản, chủ yếu là ván khắc in những tác phẩm chính văn, chính sử của vương triều Nguyễn.

     Năm 1960, Mộc bản được chuyển từ Huế vào Đà Lạt gồm 5.967 bó, ước chừng 50.000 tấm. Đến năm 1974, Mộc bản bị hư hỏng, còn khoảng 45.000 tấm.

     Sau năm 1975, Mộc bản chỉ còn trên 30.000 tấm, được giao về Cục Lưu trữ Nhà nước, do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II quản lý. Trước năm 1989, Mộc bản được bảo quản tại tòa nhà của Dòng Chúa Cứu thế (Đà Lạt). Từ năm 1989, Mộc bản được chuyển về bảo quản ở Khu biệt điện Trần Lệ Xuân. Đến năm 1995, được sự quan tâm của Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước triển khai thực hiện Đề án “Cấp cứu Châu bản, Mộc bản”. Nhờ đó mà trên 30.000 tấm Mộc bản do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II quản lý được in dập ra giấy dó, phân loại sắp xếp theo bộ, theo quyển và số hóa bằng phương pháp scan, đưa vào đĩa CD-Rom và xây dựng phần mềm quản lý, phục vụ khai thác bản dập tài liệu Mộc bản. Từ tháng 10-2006, Mộc bản được bàn giao về Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV quản lý. Năm 2006, bản gốc tài liệu Mộc bản được đưa ra chỉnh lý khoa học, xây dựng phần mềm quản lý và phục vụ khai thác.

Giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn

     Tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV bao gồm ván khắc các tác phẩm chính văn, chính sử của vương triều Nguyễn; những ván khắc các sách kinh điển của Nho gia; và những ván khắc từ trước thời Nguyễn,…được chuyển từ Văn miếu Quốc tử giám (Hà Nội) về lưu trữ ở Quốc tử giám (Huế) vào thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị.

     Số lượng tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đang bảo quản trong Kho chuyên dụng của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV là 34.619 tấm, tương đương 55.320 mặt khắc Mộc bản(*).

     Thời gian chế tác Mộc bản triều Nguyễn:

     Đôi với tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, phần lớn Mộc bản được khắc vào thời kỳ triều Nguyễn (1802-1945).

     Nội dung của khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam trong thời kỳ phong kiến như: lịch sử; địa lý; chính trị – xã hội; quân sự; pháp chế; văn hóa – giáo dục; tôn giáo – tư tưởng – triết học; văn thơ; ngôn ngữ – văn tự. Tổng cộng có 152 đầu sách với 1.953 quyển.

     Gỗ dùng làm ván khắc tài liệu Mộc bản triều Nguyễn là gỗ Thị, gỗ Lê, gỗ Táo hay gỗ cây Nha đồng. Thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi.

 Mộc bản – dạng tài liệu lưu trữ đặc biệt, có giá trị nhiều mặt

     Mộc bản trước đây ít được giới nghiên cứu quan tâm tới. Tuy có một số bài viết có nói đến loại tài liệu này, nhưng chỉ để điểm danh khi nhắc đến văn khố Hoàng triều. Điều này xuất phát từ lý do cho rằng, Mộc bản đã được in thành sách rồi, nội dung Mộc bản cũng chính là nội dung các sách đã in. Điều quan ngại hơn là, chữ khắc trên Mộc bản là chữ Hán – Nôm khắc ngược, muốn biết được nội dung trên các tấm Mộc bản, bắt buộc phải in ra mới có thể đọc được.

     Trên thực tế, giữa Châu bản (các văn bản hành chính có bút phê của vua) – Mộc bản và các sách sử triều Nguyễn có mối liên hệ mật thiết với nhau. Châu bản là căn cứ để biên soạn các sách bản thảo các tác phẩm được khắc lên Mộc bản – từ Mộc bản in ra các sách.

     Do mối quan hệ “sinh thành” ấy, Châu bản – Mộc bản và sách sử triều Nguyễn có thể bổ sung cho nhau khi có sự mất mát xảy ra đối với mỗi loại.

     Tài liệu Châu bản và sách sử triều Nguyễn, từ lâu dã được giới nghiên cứu dánh giá cao, khi tìm hiểu lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX. Nhưg thật đáng tiếc, Châu bản trước đây 5 phần, nay chỉ còn giữ được khoảng 1 phần. Tình trạng các sách sử in thời Nguyễn cũng không khá hơn. Một số bị mất mát, hư hỏng, một số thất tán, hiện nằm các phòng lưu trữ hoặc thư viện nước ngoài. Số còn giữ được đã thiếu lại không đồng bộ. Nhiều sách được sao chép lại, đã không tránh khỏi tình trạng “tam sao thất bản”, khiến cho giới nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Trong tình hình đó, Mộc bản là tài liệu duy nhất bổ sung cho những nội dung Châu bản đã bị mất mát, hư hỏng.

     Được sự quan tâm của Chính phủ, Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam đã triển khai thực hiện chương trình “Cấp cứu tài liệu Châu bản và Mộc bản”. Nhờ đó mà hơn 30.000 tâm Mộc bản, phần lớn được khắc 2 mặt, do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II quản lý đã được in ra. Với trên 100.000 trang sách, tập trung chủ yếu vào 3 nhóm chính:

– Các chính sử Triều Nguyễn;

– Các tác phẩm văn chương chính thống của triều đình.

– Các sách kinh điển của nhà nho dùng để dạy và học.

     Đây là một kho tư liệu quý, cung cấp cho giới nghiên cứu nguồn tư liệu đáng tin cậy và phong phú, khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam cận đại.

Nguồn tư liệu lịch sử, hành chính và tư pháp

     Bản khắc in sách Đại Nam thực lục, hiện còn giữ được với hơn 12.000 tờ in (hơn 24.000 trang sách) đã giới thiệu một cách hệ thống lịch sử nhà Nguyễn. Đây là bộ biên niên sử ghi lại khá đầy đủ lịch sử trên 300 năm, từ khi Nguyễn Hoàng xưng Chúa ở Đàng Trong (1558) đến năm thứ 3 đời vua Đồng Khánh (1888). Bên cạnh đó, cũng cần nhắc đến bản in của các tác phẩm liệt truyện, ghi lại các truyện về các Hậu phi, Hoàng tử, các công thần, liệt nữ… Những cao tăng và những nhân vật chống lại triều đình… về hành chính và tư pháp, ngoài bản khắc in bộ Hoàng Việt luật lệ hay còn gọi là Luật Gia Long, phải kể đến bản khắc in của bộ đại bách khoa về hành chính triều Nguyễn là Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ. Sách gồm 300 quyển (kể cả phần tục biên). Với khoảng 11.000 tờ (hơn 20.000 trang), sách cho thấy các chiếu, chỉ, tấu, sớ, phiến, dụ của triều đình nhà Nguyễn về các việc đã đem ra thi hành, thuộc các Bộ, Nha, trấn thành, từ năm Gia Long thứ nhất (1802) đến đầu đời vua Thành Thái (1889) được đưa ra một cách có hệ thống. Để làm giàu thêm nguồn sử liệu này, cũng cần nói đến bản khắc in các bộ sưu tập những chỉ, dụ, mệnh lệnh riêng biệt của mỗi vị vua, được gọi là Chính yếu, như Minh Mạng chính yếu, Khải Định chính yếucùng các tập Ngự chế văn ghi chép các biểu, dụ… gửi Lục bộ, chư Nha và địa phương của các vua triều Nguyễn.

     Nguồn sử liệu này tuy không còn đầy đủ, nhưng chắc chắn nó có thể bổ khuyết một phần cho số Châu bản đã mất.

Nguồn tư liệu văn học cung đình

     Trong số Mộc bản hiện còn giữ được, các bản khắc in của những tác phẩm được mệnh danh là sách Thánh chế và Ngự chế cũng chiếm một khối lượng đáng kể. Với trên 24.000 trang in của gần 20 tác phẩm của Hoàng đế triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) như Thánh chế thi, Ngự chế lịch đại Đế vương thi tập, Ngự chế tiễu bình Nam kỳ tặc khấu thi tập,… Những tác phẩm loại này, đương thời đã được khắc in để ban cấp rất hạn chế cho các nơi. Đây là những tác phẩm văn chương chính thống của triều đình, là nguồn tư liệu quý, giúp chúng ta hiểu thêm về tâm tư, tình cảm của các nhà vua và lớp thượng quan triều Nguyễn trước những biến động của đất nước, và trước cuộc sống của nhân dân thời đó…

Nguồn tư liệu về giáo dục

     Những bản khắc in của các sách thuộc về giáo dục phần lớn là sách Trung Quốc được khắc in lại. Ngoài các bản in Tứ thư ngũ kinh, Giáo nữ di quy, Tòng chính di quy,… vẫn thường được các nhà nghiên cứu nhắc đến, khi nghiên cứun vấn đề giáo dục khoa cử, hay ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam thế kỷ XIX.

     Tóm lại, Mộc bản là một loại hình tài liệu lưu trữ đặc biệt đối với Việt Nam, và hiếm có trên thế giới. Mộc bản nếu được kết hợp với các phông tài liệu lưu trữ thời Nguyễn như Châu bản, Địa bộ, sách ngự lãm, chúng ta sẽ có một nguồn sử liệu khá đầy đủ, phong phú và bổ ích để đánh giá một cách xác thực, chi tiết và toàn diện về xã hội phong kiến triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Quá trình chuẩn bị hồ sơ bảo vệ với UNESCO

     Trung tâm LTQG IV chuyển Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước bản khai hồ sơ vào ngày 11-4-2007, để trình UNESCO lần thứ nhất. Đầu năm 2008, đoàn cán bộ Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sang úc để bảo vệ hồ sơ này với UNESCO, nhưng tài liệu Mộc bản triều Nguyễn không được công nhận là Di sản tư liệu Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, vì hồ sơ chưa đạt yêu cầu.

     Theo yêu cầu của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm LTQG IV lại tiếp tục nghiên cứu, bổ sung. Lần này việc nghiên cứu tỉ mỉ, cẩn trọng hơn lần trước. Chúng tôi phải lập ra 5 phụ lục, fìle ảnh và đĩa CD minh họa cho phần thuyết minh của hồ sơ. Ngày 9-5-2008, TTLTQG IV hoàn tất việc bổ sung hồ sơ (gồm 51 trang) gửi Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước để trình UNESCO lần thứ hai. Lần này hồ sơ vẫn chưa đạt yêu cầu.

     Sau đó, TTLTQG IV lại tiếp tục nghiên cứu bổ túc hồ sơ, đến ngày 29-5-2008 Trung tâm gửi Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước bộ hồ sơ bổ sung hoàn tất (gồm 65 trang A4) để trình UNESCO lần thứ ba.

     Sau rất nhiều lần bổ sung hồ sơ, ngày 31-7-2009, Mộc bản triều Nguyễn chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới.

     Tại Việt Nam, ngoài tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, hiện nay có rất nhiều Di sản tầm quốc gia, quốc tế, vì vậy rất cần sự hỗ trợ của Hội đồng Lưu trữ quốc tế và UNESCO nhằm bảo quản và phát huy tốt hơn nữa giá trị của các di sản nói chung và tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới nói riêng:

     1. Đối với những sưu tập tài liệu quý hiếm chưa được công nhận là Di sản tư liệu thế giới: Đề nghị được quan tâm, tạo điều kiện để thu thập, đánh giá, lựa chọn, xây dựng hồ sơ đáp ứng các tiêu chí của Chương trình Ký ức thế giới, để đệ trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới, hoặc Di sản tư liệu Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

     2. Đối với những sưu tập tài liệu quý hiếm đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới hoặc Di sản tư liệu khu vực: Đề nghị được hỗ trợ về việc đào tạo con người và kinh phí để tăng cường bảo quản an toàn và phát huy giá trị các di sản này.

     – Về công tác bảo quản: cần mở lớp đào tạo kỹ thuật bảo quản, nâng cấp trang thiết bị,
kho tàng,…

     – Về công tác phát huy giá trị: hỗ trợ cử chuyên gia tập huấn kỹ năng trưng bày, giới thiệu tài liệu; đào tạo cán bộ làm công tác công bố tài liệu như quay và dựng phim chuyên đề, dịch và biên soạn sách, và thực hiện một số công trình khác nhằm quảng bá, công bố giới thiệu Di sản Mộc bản triều Nguyễn và các Di sản khác.

     Tạo điều kiện cho các nước có Di sản tư liệu tiếp tục trao đổi kinh nghiệm về việc lập hồ sơ trình UNESCO, kinh nghiệm bảo quản và phát huy giá trị Di sản tư liệu.

(* Khi Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV lập hồ sơ trình UNESCO đăng ký Mộc bản triều Nguyễn vào “Chương trình Ký ức thế giới” thì số lượng Mộc bản triều Nguyễn là 34.618 tâm, tương đương 55.318 mặt khắc. Sau khi Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV sưu tầm được 1 tấm Mộc bản triều Nguyễn khắc 2 mặt, trong bộ sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quvển 66 (mặt khắc 21-22). Do vậy,  số lượng Mộc bản triều Nguyễn trong kho chuyên dụng của Trung tâm IV hiện nay là: 34.619 tấm (tương đương 55.320 mặt khắc Mộc bản). 

Nguồn: Tạp chí Xưa Nay, số 474, tháng 8, năm 2016

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
 

Download file (PDF): Mộc bản triều Nguyễn của Việt Nam di sản tư liệu thế giới
(Tác giả: Phạm Thị Huệ)