Mối tình “HẠNG CÁ KÈO”
Trưa hôm đó, chú Tư xích lô ít khách nên về sớm để nghỉ ngơi. Chú gọi tôi bảo: “Tối nay tao bao bà con hàng xóm đi xem hát bội ở gánh Bầu Thắng. Tao cho mày 5 đồng bạc để mày bỏ túi, muốn ăn gì ăn tùy mày. Nhưng chiều nay khoảng 4 giờ mày chạy xuống rạp đó dành chỗ trước “hạng cá kèo” cho bà con, 7 giờ tối họ mới đến”.
Tôi chiều ý chú Tư vì thấy chú hay thương tôi. Thỉnh thoảng buổi chiều chú lấy xích lô chở tôi đi dạo phố. Chú giải thích chỗ này chỗ nọ như người “hướng dẫn du lịch”. Rồi cao hứng, chú ghé vô rạp Bầu Thắng ở mũi tàu gần khu bùng binh Bến Thành – nơi diễn ra tuồng tích cải lương kiêm Hồ Quảng. Chú gởi cái xe xích lô của chú cho một chú sửa xe đầu đường rồi nắm tay tôi xin vào rạp để “coi cọp”- tức là xem vào màn chót khi người gác cửa cho “thả dàn”, mở toang cửa cho bà con ghiền coi cải lương được vào tự do. Đặc biệt, chú hay chở tôi đi dạo qua mấy cái rạp hát – từ rạp Vĩnh Lợi đường Lê Lợi ở trung tâm Sài Gòn đến mấy cái rạp quanh khu Bàn Cờ để coi pet-ma-năng – tức là thường trực – vô lúc nào cũng được, ngồi bao lâu cũng được, chán thì ra.
Bây giờ trở lại cái rạp Bầu Thắng, sau lần xem thả dàn ở rạp đó, nét mặt chú có vẻ khác thường mà tôi không hiểu tại sao? Hay là chú cảm động vì cảnh biệt ly khi hạ màn chăng? Tôi không hiểu!. Nhưng chiều nay tôi mới nhận rõ ra một điều. Chú bảo tôi- “Tao giao cho mày 1 nhiệm vụ. Trong lúc tuồng chưa bắt đầu, mày luồng vào sau hậu trường mày tìm hiểu cho tao cô đào Chín Sen là ai? Tao nói thật với mày! Nếu cổ mà chịu tao, tao bán cái xe xích lô để đi theo xách guốc hầu hạ cổ, để cổ ca cho tao nghe suốt đời”. Nói xong, chú lấy ra tờ giấy học trò đã xếp làm bốn. “Mày dạy tao viết mấy chữ!” – “Chữ gì chú!” – “Anh yêu em!” – “Bậy bạ vậy chú!”- “Bậy cái gì! Nghe lời tao đi! Mày bí mật nhe! Dân Sài Gòn mà không trọng chữ “tín” là chết nghe con!. Chữ “anh”, chữ “em” tao biết viết- còn chữ “yêu” thì viết làm sao!” – “Chú viết chữ “i-cà-rét”- như thế này! Rồi viết chữ ê, chữ u!”- “Dễ ẹt!”- “Vậy sao chú còn hỏi”- “Tao hỏi để tao kiểm tra cho “chắc ăn!”. Chứ mấy chữ này tao học hết ở quê rồi mày! Bộ mày nói tao dốt hả?”.
Tôi im lặng, còn chú hì hục viết! Xong, chú bèn lấy ra dưới nệm một cái hộp thiếc còn mới bỏ “bức thư tình” vào, đậy nắp đưa cho tôi. “Cái hộp thiếc này là hộp thuốc “con mèo” quý lắm đó mày. Một ông đi xích lô hút thuốc xong còn một điếu ổng cho tao và cho luôn cái hộp! Tao cất đến giờ phút này!”.
Đúng là cô đào Chín Sen trên sân khấu trẻ đẹp thật! Đàn bà mê hát bội còn mê nữa huống hồ chi là chú. Hễ cổ cất giọng sáu câu vọng cổ là bà con vỗ tay rôm rốp. Còn chú Tư thì chống cằm tư lự. Té ra ổng mê mẩn rồi! – “Mày nhớ nhe mày! Tao cho 5 đồng thì mày tỏ ra xứng đáng!”. Đúng bon 4 giờ, tôi đã bắt đầu từ cổng xe lửa số 1 đi ngược về chợ Thái Bình, rồi co giò chạy bộ dọc theo đường Phạm Ngũ Lão để đến nơi. Tôi đem theo một cái túi vải đựng mấy tờ giấy báo nhật trình, mấy lon sữa bò và mấy cái quạt giấy, quạt mo để tối coi hát cả xóm xua muỗi đốt. Đến nơi, cánh cửa sắt còn khép chặt. Bên trong là những hàng băng ghế gỗ tạp xếp theo bậc thang cao thấp để làm hạng cá kèo. Còn các dãy ghế nệm phía trước là loại ghế hạng nhất, hạng nhì, hạng ba có đánh số bán theo giá ở quầy. Còn với hạng cá kèo – người gác hay mở cửa sớm để bà con mạnh ai nấy chen vào dành chỗ, giống như “thí cô hồn”.
Tôi đến cửa sớm nhất nên đứng sát vào chỗ ổ khóa. Cho cái đầu vào giữa 2 thanh sắt ca nghêu ngao, tôi thích cảm giác âm thanh rung vào 2 thanh sắt, truyền vào khắp người tôi rung động cả chân tay. Mặc dù âm thanh này không “nổi“ như khi tôi cho đầu vào cái lu “luyện giọng” hàng tiếng đồng hồ. Tôi cho hai cánh tay ôm chặt cánh cửa cho chắc ăn. (Đố đứa nào chen vào được vị trí số một này). Không bao lâu sau, một bọn con nít từ xóm Cầu Ông Lãnh, ngã tư Quốc tế, xóm Mã Lạng cũng đến xếp hàng. Chúng cũng như tôi, lãnh nhiệm vụ đi dành chỗ trước. Rồi số người đến sau càng lúc càng đông nhưng toàn người lớn, đàn bà, đàn ông. “Ôi! Bà con ơi! Đừng xô đẩy! Đè nhẹp ruột thằng nhỏ rồi!” Thằng nhỏ đó là tôi, vì lúc đó tôi gồng mình và rên lên. Bỗng cái đầu tôi lọt qua 2 song sắt. Có ai đó la lên: “Chết cái đầu thằng nhỏ rồi!” Ngay lập tức một chàng thanh niên ra tay nghĩa hiệp, nắm 2 thanh sắt kéo giãn ra. Không được, anh ta bèn nắm cái đầu tôi! “Nhỏ! Mày để yên nhé! Tao đẩy nhẹ cho nó chui ra, đừng nhúc nhích coi chừng sứt 2 cái lỗ tai. Can đảm nhe mày! Đừng la!”- “Sắp ra rồi! Rồi! Ra rồi!” – Bà con hoan hô. Anh thanh niên nghiêm nét mặt trông như anh hùng hảo hớn. Rồi anh bỏ đi ra. “Này! Chú em đi đâu vậy! Không xếp hàng sao?!“- Chàng “hiệp sĩ” im lặng làm ngơ để lại sự trầm trồ.
Từ bên trong rạp, có người ra mở cửa, cảnh ồn ào nổi lên. Tôi vội chạy vào trước như một nhà chuyên nghiệp, xếp hàng dành chỗ. Tôi trải nhanh mấy tờ “nhật trình” dài trên hàng ghế có tầm nhìn thuận lợi và ngay ở giữa để không bị vướng mấy cái cột đình. Rồi tôi dằn mấy cái lon sữa bò lên trên. Như vậy là xong! Bà con cứ tà tà đến sau là có chỗ xem. Chỉ đến khi, tuồng hát sắp hết màng một thì mới có người đi thâu tiền chỗ, chỉ có người lớn mới trả tiền. Còn bọn con nít thì không. Chả bao nhiêu tiền cả. Không bao lâu sau, thằng út – con ông tư hớt tóc gốc cây me đến, tôi giao chỗ cho nó quản lý. Lúc này, tôi rảnh rồi đây! Bèn thong dong đi ra đi trước ngắm nghía chỗ mấy anh kép đang thụt bida và bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của mình. “Thưa chú! Cô Chín Sen ở đâu?”- tôi hỏi một người đứng gần.“Ở cái chòi sau cái “nhà cầu” kia!”. Tôi bèn đi tới đó. Bên trong chòi, một bà già đầu trọc đang nhai trầu, cái mồm móm mép. “Ê! bộ răng của tao đâu! nhanh lên! sắp tới giờ rồi!”. Một đứa nhỏ gái từ trong đi ra cầm hàm răng giả đưa cho bà. Bà khạc bã trầu rồi xúc miệng. Xong, nhét bộ răng vào! Còn đứa bé chui xuống gầm giường lấy ra cái hộp son phấn để bà trang điểm. Rồi lấy cái đầu tóc giả ụp vào cái đầu trọc. Bà xoay mặt vào trong để phết chất bột trắng lên mặt, tôi chỉ nhìn thấy cái lưng. Chừng một lúc sau người ấy nhìn ra. Ôi! Một cô gái đẹp lộng lẫy. “Chị Chín Sen ơi! Còn 15 phút nữa nhe chị. Hôm nay chị lên sân khấu sớm à nhe”.
Tôi trở về! nét mặt như sượng sùng!. Lúc này! Có tiếng gõ cộp cộp trên sân khấu! Rồi tiếng trống nổi lên! tiếng người hô to: “Xin bà con giữ im lặng tuồng Lục Vân Tiên xin bắt đầu”. Chú Tư cởi trần, quạt xành xạch. Mặc kệ chú, bà con ai cũng vui cười, không ai chê trách vì hôm nay chú bao hết. Màng mở ra! Đào kép đi ra mường mượp như giới thiệu “mặt hàng”- múa may chân tay xong trở vô. Một lúc sau cô đào Chín Sen xuất hiện. Bà con nhổm dậy!. Tôi ngồi im không nhúc nhích. Trên sân khấu, cô đào Chín Sen sắp cất giọng. Bà con nín thở. Bỗng cô đào Chín Sen cất giọng. Ôi! Cái giọng oanh vàng! Bà con im phăng phắc. Tiếng nhạc rượt theo tiếng cây đàn ghi ta phiếm lõm nhấn nghe rung rinh cõi lòng. Đôi mắt chú Tư nhướng lên sân khấu nhìn cô đào. Cô Chín Sen vừa xuống chữ “xề”, bà con vỗ tay rôm rả như pháo Tết rồi im bặt!. Cặp mắt anh Tư, đôi tai anh Tư như phiêu lãng vào động thiên thai cho đến khi sáu câu vọng cổ chấm dứt!.
Tuồng vãng, chú Tư bảo tôi ngồi lên xe cho ổng chở về. Ổng hỏi! “Mày tìm hiểu cô Chín xong chưa?”- “Xong rồi!” – “Mày thấy sao?”- “Bà già ăn trầu, sún răng, đầu trọc”. Chú Tư bèn thắng xe lại. “Mày xuống xe đi bộ!. Tao giao nhiệm vụ mà mày không hoàn thành”. Tôi cãi lại “Chú cũng không hoàn thành nhiệm vụ của chú!”- “Nhiệm vụ gì?” – “Không chở dì Sáu bán chè đến Cầu Nhị Đường!. Chú bỏ bê”- “Tao có liên quan gì đến bả?”- “Bả thương chú!”- “Thương cái gì!” – “Bả ăn trầu, nhổ tùm lum. Thương sao nổi!”- “Còn đỡ hơn bà Chín Sen”. Nói xong, tôi ném cái hộp thiếc đựng bức thư tình vào cái nệm rồi bỏ đi!. Từ đó về sau tôi không chơi với chú Tư nữa. Sau khi tôi xin mẹ tôi 5 đồng. Tôi lén bỏ dưới nệm xe của chú để trả cái “đồng tiền mua chuộc”. Sau này nghe tin chú chết dọc đường đâu đó. Người ta cho vào nhà xác – chôn theo mối tình mơ mộng. Còn cô đào Chín Sen cũng đã chết lâu rồi trước đó vì bệnh ho lao. Bây giờ nhắc lại, nước mắt tôi chảy ràng rụa vì cái kỉ niệm “Hạng cá kèo” đó!.
Nguyễn Mạnh Hùng
Truyện đã đăng trên Sài Gòn Giải Phóng – Số 12077 (24/01/2011)
Xin độc giả đón xem “Bến xe ly biệt”!