Môi trường DẠY HỌC trong XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

NGUYỄN KHẮC HÙNG
(Tiến sĩ)

TÓM TẮT

     Giáo dục là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia trên thế giới vì nó là nhân tố quan trọng kích thích sự phát triển kinh tế – xã hội của các nước. Sự quan tâm đến giáo dục thể hiện thông qua việc tập trung đầu tư cho nhân – vật – tài lực chuyên ngành tạo nên con người cần thiết cho xã hội. Điều này được thể hiện bằng nhiều phương pháp và trong giới hạn bài viết, tác giả nhấn mạnh giải thích và minh họa cho hai phương pháp:

     1. Thiết lập môi trường học tập mới E-learning – môi trường học tập kết hợp công nghệ thông tin.

     2. Xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giảng viên, đặc biệt chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh.

ABSTRACT

     Education is one of the most top-priority of every country over the world because it is the essential element to enhance the economic and social development of the country. The concern on education is expresses through the concentrated investment upon specialized human resources, material resources and financial resources which will create necessary persons for the society. This is displayed in several ways. In this article, the author focuses on the explanations and illustrations on two methods:

     1. Creating a new environment of learning – E-learning – the learning environment in connection with Information Technology.

     2. Building facilities, training lecturers, especially focusing on the evaluation of the learners’ process of study.

x
x x

     Hệ thống giáo dục phải được đặt trong hệ thống lớn hơn là các quá trình kinh tế – xã hội trong điều kiện lịch sử cụ thể của một quốc gia và thế giới. Hoạt động dạy học là hoạt động cơ bản để năng lực nhân cách con người hình thành và phát triển ở mức cao hơn. Một trong những mục tiêu quan trọng của dạy học là phát triển yếu tố nội sinh của con người, định hướng sáng tạo và tạo ra các điều kiện cho chủ thể hoạt động. Như vậy yếu tố thông tin trong dạy học khi này trở thành điều kiện để chủ thể nhận thức, lựa chọn, tiếp nhận, chuyển hóa và phát triển. Trong xã hội hiện đại, trong nền kinh tế tri thức, hay còn gọi là xã hội thông tin thì tác động của thông tin đến giáo dục rất mạnh mẽ, điều đó có nghĩa là hoạt động dạy học không thể tách rời xã hội thông tin đang ngày phát triển như vũ bão.

     Thông tin được sử dụng như một nguồn kinh tế, năng lực của các tổ chức trong xã hội hiện đại trước hết ở việc sử dụng thông tin để làm tăng trưởng các nguồn lực. Chẳng hạn, các giá trị của hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong các trường đại học trước hết là kết tinh ở giá trị thông tin, khả năng ứng dụng. Khả năng đổi  mới và cạnh tranh của các trường đại học trước hết là khả năng xử lý thông tin mới, có tác dụng thúc đẩy quan điểm hành động vốn đã cứng nhắc trong các trường đại học. Trong thời đại hiện nay, vai trò của các trường đại học có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hướng thông tin cho xã hội, cho mọi người. các thông tin phổ biến khoa học trên các tạp chí không những dẫn đường cho các lĩnh vực khoa học phát triển mà quan trọng hơn là các giá trị to lớn nó đem lại cho các hệ thống quản lý triển khai ứng dụng trong thực tiễn.

       Hai là, thông tin ngày càng được đa số quần chúng sử dụng rộng rãi. Lối sống hiện đại không thể thiếu được các phương tiện thông tin, đặc biệt là sử dụng các phương tiện thông tin. Vai trò của thông tin với cuộc sống cá nhân đã và đang làm cho quyền hạn và trách nhiệm của công dân được tăng cường, thực sự đem lại sự dân chủ cho con người và nó đang trở thành công cụ đắc lực cho tổ chức và cá nhân tiếp cận với các cơ sở văn hóa và giáo dục.

        Ba là, việc phát triển một ngành thông tin ở ngay trong nền kinh tế. Khi thông tin trở thành nguồn lực thì sự phát triển của chính nó trong nền knih tế là điều tất yếu. Các quốc gia đều nhận ra điều này nhưng để triển khai thành nguồn lực thì điều đó còn phụ thuộc vào ý chí quyết tâm và tiềm lực kinh tế để đầu tư ban đầu. Chẳng hạn trong các trường đại học, việc nhận thức ra vai trò là cực kỳ quan trọng cảu công nghệ thông tin giảng dạy và nghiên cứu khoa học cũng như trong điều hành hệ thống quản lý là điều ai cũng biết, nhưng để hiện thực hóa các quan điểm trên bằng hành động là điều không phải dể dàng và nhanh chóng. Các kết quả nghiên cứu gần đây (ở các nước phát triển) đều quan tâm đến sự thay đổi nhận thức từ các nhà quản lý, lãnh đạo, đồng thời là việc tạo lập một phong cách làm việc theo tư tưởng công nghệ là yếu tố phải giải quyết trước tiên.

     Trên thực tế hơn hai thập kỉ qua, ở các nước đang phát triển, sự phát triển các ngành thông tin đều phát triển nhanh hơn rẩt nhiều so với các lĩnh vực khác . Cuộc cách mạng thông tin đối với toàn thế giới sẽ mang lại những giá trị mới, và việc làm mới, nghề nghiệp mới… Trong xã hội hiện đại, con người có thể làm đảo lộn môi trường của mình là nhờ có công nghệ, ngược lại công nghệ cũng làm biến đổi con người trong hành động, trong suy nghĩ và trong cách tiếp xúc với thế giới xung quanh. Do đó đòi hỏi con người phải thích nghi với xã hội một cách nhanh chóng. Để chuyển hóa thành xã hội thông tin, công nghệ thông tin có các bước đột phá như sau: Sử dụng các vi mạch, chíp điện tử có tốc độ xử lý tính toán cao trong các cấu trúc song song; kĩ thuật số hóa (Numeristation); công nghệ LASER (Ligh Amplìication by Stimulated Emission of Radiation); cáp sợi quang; công nghệ nén số hình ảnh; công nghẹ chuyển tải không đòng bộ; mạng thông tin số hóa đa dịch vụ băng rộng; truyền thông đa phương tiện trong thế giới thông tin tương tác; các hệ thống thông tin di động; các siêu lộ cao tốc thông tin (Superhighway).

     Một trong những nét đặc trưng của xã hội thông tin là sự chú trọng dành cho giáo dục. Trọng tâm cần thiết là tạo nên một xã hội có học thức ( Learning Society). Công nghệ đã cách mạng hóa khả năng giáo dục theo các phương thức mới, hiệu suất và hiệu quả cao hơn trước đây. Sự phát triển mạnh mẻ của công nghệ thông tin, đã làm chuyển biến cơ bản về đổi mới phương pháp dạy học. Đồng thời đã xuất hiện khái niệm môi trường học tập mới, đó là môi trường học tập e-learning (Electronics Learning) đây là thuật ngữ để chỉ mô hình học tập mới với sự trỡ giúp của máy tính, nhưng về sau ý nghĩa của nó cao hơn bởi tính tích cực nhận thức có hiệu quả (effetive). Mô hình học tập e-learning đã tạo cơ hội học tập cho mọi người học suốt đời, tạo ra bình đẳng về giáo dục cho mọi người. Học tập thông qua máy tính và mạng internet có ưu điểm là tạo môi trường tương tác để học sinh làm quen với điều kiện mới , tác phong mới và thói quen học tập mới. Từ môi trường học tập mới này sẽ tạo ra phong cách văn hóa mới trong xã hội hiện đại với những yêu cầu rất khoa học, thực tiễn và hiệu quả, có thể gọi là “văn hóa thời @” . Ưu điểm lớn nhất của học tập với mạng máy tính và Internet là tạo môi trường tương tác để học sinh làm quen với điều kiện làm việc mới, sự dụng Website làm công cụ hỗ trợ hoạt động dạy của giáo viên, hoạt động học của học sinh, để kiểm tra kiến thức học sinh, để quản lý, để phổ biến kiến thức cho mọi người…Nhìn chung, sự phát triển với tốc độ nhanh của khoa học công nghệ tác động mạnh đến thông tin, làm thay đổi căn bản phương pháp giảng dạy theo S.T Chong (1997) xã hội thông tin làm cho thông tin có giá trị không dài, khối lượng thông tin tăng nhanh, nội dung thông tin ngày càng chuyên môn hóa và phức tạp.

         Mô hình e-learning là giáo dục trực tuyến với sự giúp đỡ của máy tính và mạng máy tính (Internet và Intranet) và của các phương tiện truyền thông tin, các chuẩn truyền thông khác ngoài máy tính. E-learning có rất nhiều lợi thế như: khả năng lưu trữ dữ liệu, khả năng liên kết và tìm dữ liệu trong môi trường mở, khả năng dạy và học ở mọi lúc, mọi nơi, khả năng truyền thông đa phương tiện, khả năng kiểm tra kết quả trực tuyến. Sức mạnh của e-learning là rất lớn, có tác dụng nâng cao hiệu suất và chất lượng giáo dục, đồng thời làm thay đổi căn bản cách thức quản lý giáo dục ở phạm vi vĩ mô và vi mô.

         Môi trường dạy học điện tử là môi trường mới, rất khác môi trường không gian thực tế đang diễn ra. Quản lý môi  trường này cũng đòi hỏi phải có tri thức toàn diện, có niềm tin và năng lực kiểm soát. Mặc dầu phạm vi không gian rất rộng và thông tin từ nhiều hướng nhưng tính chất định hướng giáo dục phải là một yêu cầu quan trọng của nhiệm vụ phát triển môi trường dạy học tích cực. Nếu thiếu vai trò định hướng của giáo dục thì tác động tiêu cực của môi trường này sẽ là rất lớn và rất khó khắc phụ hậu quả.

     Thời gian và không gian học tập trong môi trường điện tử là một vấn đề hoàn toàn mới và có tác động làm thay đổi quan niệm của khoa học giáo dục hiện nay. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển môi trường học tập điện tử ban đầu không phải xuất phát từ yêu cầu của nghiên cứu khoa học giáo dục mà trước hết là từ thực tiễn. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đã trải qua thực tiễn này là một hướng đi đúng và tiết kiệm của khoa học giáo dục, tuy nhiên cần có các quyết định kiên quyết hơn của các nhà quản lý giáo dục trong quá trình triển khai.

     Mục tiêu dạy học hiện đại đã được tiếp cận khác trước, nếu căn cứ mục tiêu phát triển năbg lực tự học, tự nguyện của người học thì ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ lớn hơn rất nhiều. Tác dụng dễ nhận ra nhất của công nghệ thông tin là giúp người học mở rộng lý thuyết, bổ sung tư liệu, phát triển kĩ năng…Giờ dạy rất sinh động và tạo ra hào hứng cho người học. Điều phải quan tâm trước hết là giáo án điện tử chỉ thích hợp cho những người có trình độ tự giác cao, có động cơ học đúng đắn và có cách học tập khoa học, giáo án điện tử cũng chỉ thích hợp với các nội dung có tính quy trình và kĩ năng rõ rệt.

     Tuy nhiên, các điều kiện để phát triển môi trường điện tử gồm các bước cơ bản sau đây mà không phải lúc nào cũng nhanh chóng được thực hiện: thay đổi nhận thức của các cấp quản lý từ đổi mới tư duy, quan điểm, nhận thức và hành động. xây dựng kế hoạch hành động và các điều kiện đảm bảo. Người dạy, người học và môi trường học tập phải được tiếp cận từ tư tưởng hiện đại, theo quan điểm công nghệ. Bài toán khó với các nước nghèo có hệ thống giáo dục còn lạc hậu là ở chổ phải đi trước đón đầu các kết quả mới từ các nước phát triển và học cả những sai lầm ở đó.

     Như đã trình bày ở trên, không có một môi trường trống rỗng, các trang bị vật chất tối thiểu như: máy tính, các chỉ dẫn, các bài giảng mẫu, tài liệu điện tử, nguồn thông tin…là yếu tố điều kiện để phát triển môi trường điện tử. Đồng thời, cần thiết phải xây dựng tiêu chuẩn văn hóa điện tử, văn hóa tin học, văn hóa công nghệ cao…yếu tố con người càng phải được coi trọng trong xã hội công nghệ thông tin. Đây là nguyên tắc cơ bản để giáo dục các chủ nhân của hoạt động.

     Những khó khăn từ thực tiễn hiện các trường đại học hiện nay là: xuất phát điểm của phần lớn sinh viên là nhiều môi trường lớp học truyền thống, rất ít sinh viên trước đó được học tập trong môi trường học tập công nghệ thông tin, do đó khi triển khai áp dụng gặp nhiều khó khăn. Đề án đưa công nghệ thông tin, vào trường học có tên là ACOT (Apple Classrooms of Tomorrow – Tài liệu do Nguyễn Quang Vinh dịch, 2004) cho rằng có 5 giai đoạn mà một giao viên cần phải trải qua khi áp dụng thông nghệ thông tin, đó là: tiếp cận, chấp nhận, thích nghi, phù hợp hóa, sáng tạo. Một khó khăn nảy sinh là sinh viên có thêm “phương pháp lừa dối mới”, biểu hiện là coppy phần mềm bất hợp pháp, cách xâm nhập vào máy tính, vào phần mềm của người khác, phá hủy thay đổi sản phẩm của người khác, coppy từ Internet, các thông tin để làm báo cáo của mình. ..do đó đòi hỏi giáo viên phải có cách kiểm tra đặc thù. Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm là ngay cả đại học danh tiếng như Harvard (Mỹ) cũng rất coi trọng môi trường giao tiếp trực tiếp trong học tập của các sinh viên bởi yếu tố hoạt động nhóm với sự chia sẻ kinh nghiệm.      Sự tác động của môi trường trực tiếp có tác dụng tích cực mà ở các phương diện tương tác cá nhân, môi trường điện tử không thay thế được.

     Tuy nhiên, lợi thế về việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy và học là cơ bản, biểu hiện rõ nhất là chủ thể có sự hứng thú cao; giúp giáo viên biểu hiện các khái niệm bằng hình ảnh động, do đó người học nhận biết dễ dàng hơn là hình ảnh tĩnh trên sách. Khả năng kích thích cao hơn, khơi gợi kinh nghiệm của cá nhân mạnh hơn, việc học nhóm được tiến hành thuận lợi và nhìn chung là sinh viên ham học hơn, các vấn đề kỷ luật ít xuất hiện…Tại hội nghị Paris về giáo dục đại học (1998) đã nêu tóm tắt yêu cầu đối với nhà giáo mới ở đại học: phải làm chủ được môi trường công nghệ thông tin và truyền thông mới, đồng thời phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản về vai trò của họ” .(Theo tài liệu: Giáo dục đại học ở thế kỷ XXI – tầm nhìn và hành động Paris, 1998, bản tiếng Anh).

     Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào giáo dục để có kết quả tốt có thể theo phương pháp lan tỏa. Chọn những sinh viên có năng lực và tạo môi trường tích cực cho họ triển khai tiếp ở nhóm học tập, làm cho học sinh được chia sẻ kiến thức và làm tăng sự tự tin của họ. hoặc sử dụng phương pháp xoay vòng, bắt đầu từ 2 đến 3 học sinh được dạy về ứng dụng phần mềm, sau đó dạy một nhóm khác, nhóm này sau khi nắm được vấn đề lại đi dạy nhóm khác. Đối với giảng viên, khuyến khích những người đi đầu, quảng bá, giới thiệu rộng rãi bằng cách đánh giá chất lượng và hiệu quả bài dạy, tạo bước đột phá để những người tâm huyết được khẳng định vị trí vai trò của họ trong cuộc cách mạng về giáo dục đại học.

     Mô hình giáo dục theo định hướng chuyên ngành ở Hà Lan rất coi trọng việc kiến tạo môi trường dạy học tích cực. Chẳng hạn một buổi học của sinh viên trường đại học chuyên ngành ở Hà Lan được diễn ra như sau: sinh viên đến trường xem thông báo về yêu cầu của giáo sư (đã niêm yết) về chương trình học trong tuần và trong ngày, các nhóm sinh viên làm việc trong thư viện hoăc thảo luận trong giảng đường (có sẵn các cổng Internet), bài tập được hoàn thiện và gửi cho giáo sư qua e-mail, theo giờ quy định, nhóm (hoặc cá nhân) báo cáo kết quả, giáo sư kết luận và ra yêu cầu mới. Quỹ thời gian trong ngày dành chủ yếu cho sinh viên tự làm việc, cách học hợp tác là chủ yếu. Ngoài ra, sinh viên đi nghe các chuyên đề do các giáo sư thuyết trình tại các phòng học lớn. Trong một ngày, sinh viên học tập (học và làm việc cả ngày ở trường), rất ít các phòng học im lặng (do cách dạy thầy đọc- trò chép) như mô hình dạy học ở một số giảng đường Việt Nam. Các giáo sư có phòng chuyên môn dùng để nghiên cứu, thảo luận và thống nhất, trao đổi về cách dạy của các giảng viên trong nhóm/ bộ môn. Về không gian, cả trường được kiến tạo thống nhất thành một khối thống nhất liên hoàn giữa các phòng học, cổng trường có gắn màn hình điển tử thông báo các thời khóa biểu, lịch học tại các điểm cụ thể.

     Trong tài liệu lý luận dạy và học đại học các tác giả Đặng Vũ Hoạt- Hà Thị Đức (1996) đã đề cập đến vấn đề: quá trình dạy học ở đại học với tư cách là một hệ thống tồn tại và phát triển trong môi trường kinh tế-xã hội và môi trường khoa học- công nghệ. Một mặt, nó đòi hỏi các trường đại học phải đào tạo những cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài cho đời sống xã hội đòi hỏi trong điều kiện cách mạng khoa học và công nghệ đang phát triển ở mức độ cao, mặt khác chúng tạo điều kiện góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy học ở đại học.

     Trong môi trường giáo dục đại học, những yếu tố cụ thể sau đây phải được đề cập đồng thời:

      + Cơ sở vật chất, cảnh quan của nhà trường cùng với những điều kiện ăn ở, trang thiết bị dạy và học. Đây là yếu tố bên ngoài của cả người dạy và người học. nó có tác động mạnh đến cảm xúc, hình thành ấn tượng và niềm tự hào đối với con người. Khi sống trong môi trường văn minh, sạch đẹp cũng tạo nên ý thức tích cực cho con người. Ngược lại, trong môi trường hạn chế nhiều mặt sẽ có tác động tiêu cực trở lại, “ở bầu thì tròn,ở ống thì dài”. Đối với sinh viên, trong điều kiện học tập tốt sẽ tạo niềm tin, tạo ra hưng phấn tích cực với họ, đồng thời cũng làm hạn chế những thói quen xấu của họ.

      + Các hoạt động ngoài giờ lên lớp như văn hóa, văn nghệ, thể thao là mặt tích cực của hoạt động xã hội của sinh viên, thể hiện tính tích cực chủ động của sinh viên trong việc cải tạo môi trường. Trong hoạt động này, tính chủ động của sinh viên thể hiện ở mọi khâu tổ chức, than gia kể cả nội dung và phương thức biểu hiện. Môi trường xã hội hiện nay rất phức tạp và các yếu tố xấu tác động mạnh đến sinh viên, do đó đẩy mạnh các hoạt động trên đây sẽ góp phàn làm giảm bớt các tệ nạn xã hội đang có xu hướng xâm lấn vào các trường.

       + Sự gương mẫu của cán bộ, giảng viên trong các quan hệ với sinh viên. Giảng viên là hình ảnh sống động về nghề nghiệp tương lai của sinh viên sư phạm, họ là yếu tố bên ngoài đối với sinh viên nhưng lại giữ vai trò chủ đạo từ các tác động bên ngoài. Kinh nghiệm giáo dục của nhân dân đã chỉ ra quy luật quan trọng rằng: thế hệ chúng ta sống và cư xử với nhau như thế nào thì thế hệ đi sau sẽ học tập để sống và cư xử theo đó. Môi trường sư phạm, trước hết phải là môi trường mô phạm, đạt tới các chuẩn mực ngày càng cao của xã hội.

       + Vấn đề đánh giá sinh viên.  Hiệu quả của phương pháp dạy và học cũng như khả năng thích ứng của sinh viên với phương pháp sư phạm chủ yếu được thể hiện ở đây. Nó ảnh hưởng rõ rệt đến niềm tin của sinh viên đối với giảng viên cũng như đối với xã hội. Hiện tại, muốn  xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, trước hết tập trung vào quản lý khâu thi và kiểm tra trong công tác đào tạo. Người học là đối tượng chịu sự tác động quản lý ở khâu này, đồng thời cũng ở khâu này, thể hiện rõ nhất phẩm chất và năng lực của người sinh viên sư phạm. Mục tiêu chiến lực của nhiệm vụ kiểm tra đánh giá là hướng đến hình thành năng lực tự kiểm tra, tự đánh giá của người học.

       + Phong cách giao tiếp sư phạm của sinh viên. Đây vừa là yếu tố tạo nên môi trường giáo dục vừa phản ánh ảnh hưởng của các yếu tố khác của môi trường sư phạm đến nhân cách sinh viên. Phạm vi giao tiếp, đối tượng giao tiếp, nội dung, phương thức giao tiếp, thời gian giao tiếp của sinh viên sư phạm là biểu hiện sinh động nhất về phong cách giao tiếp của họ. Đặc trưng nổi bật của sinh viên sư phạm trong quá trình giao tiếp là tính định hướng giáo dục, sự chuẩn mực trong ngôn ngữ và biểu cảm đối với đối tượng giao tiếp. đây cũng ảnh hưởng nghề nghiệp tất yếu của họ với những người xung quanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ giáo dục và đào tạo (2006), Giáo dục kỹ năng sống ở Việt Nam, UNESCO Hà Nội.

2. Phạm Minh Hạc (2002), Giáo dục Việt Nam trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI, Nxb Chính trị Quốc gia.

3. Phạm Hồng Quang ( 2008) Môi trường Giáo dục – NXB Giáo dục.

4. Thái Duy Tuyên (2007), Triết học giáo dục Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm.

5. Hội khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam- (2010) Kỉ yếu Hội thảo khoa học.