Mối tương quan giữa các lễ hội ven biển Quảng Ninh với các lễ hội vùng duyên hải Bắc Bộ

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO

TÓM TẮT

     Lễ hội không thuần túy là một hình thức sinh hoạt nhằm để vui chơi, giải trí cho hàng vạn người mà còn là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh với những ước vọng hết sức nhân văn của người xưa. Nằm trong dòng chảy của lễ hội truyền thống ven biển Bắc Bộ nhưng lễ hội truyền thống ven biển Quảng Ninh vẫn có những điểm khác biệt so với các tỉnh khác về tín ngưỡng, qui mô, thời gian, lễ thức, nghệ thuật trình diễn…

Từ khóa: Lễ hội, sự tương đồng, sự khác biệt.

ABSTRACT

     Festival is not only activity for funs and entertainment but also a spiritual activity with many humanity wishes of ancestors. Stayed in the flow of Northern maritime festivals, Quảng Ninh’s festivals have some different characteristics in beliefs, size, organisation time, rituals, performing arts etc.

Key words: Festival, similarity, difference.

x
x x

     Lễ hội được xem là “thời điểm mạnh” trong sinh hoạt cộng đồng, lúc đó “cái thiêng” đóng vai trò gắn kết các thành viên trong cộng đồng. Tín ngưỡng – lễ hội là hai mặt gắn liền trong đời sống văn hóa dân gian. Có lễ hội hầu như phải có tín ngưỡng, mà trong đó tín ngưỡng là yếu tố cốt lõi. Theo cách hiểu như trên chúng tôi tìm ra những vấn đề tương đồng và khác biệt của các lễ hội truyền thống ven biển Quảng Ninh với các lễ hội liên quan đến biển trong vùng duyên hải Bắc Bộ.

     Các lễ hội ở Quảng Ninh có những giá trị văn hóa phi vật thể quý báu tồn tại trong đời sống văn hóa tinh thần. Các lễ hội truyền thống ở đây mang đặc trưng của ba vùng: vùng núi, vùng biển và vùng đồng bằng. Các vùng ven biển ở Quảng Ninh hiện nay vào các dịp lễ hội thường tổ chức đua thuyền như: Trà Cổ, Quan Lạn, Yên Hưng, Cửa Ông,… Các lễ hội đua thuyền chủ yếu tái hiện lại lịch sử oai hùng của nhà Trần chứ không có lễ hội đua thuyền mang tính chất “nghề nghiệp”. Trong các lễ hội ven biển có đan xen các yếu tố gốc nông nghiệp nhưng những yếu tố văn hóa biển đặc sắc của riêng Quảng Ninh vẫn được gìn giữ và phát triển.

1. Sự tương đồng và khác biệt trong tín ngưỡng

     Chúng tôi xin tạm khái quát những tín ngưỡng chính của các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ như sau:

     Thái Bình: Ở Thái Bình Đức thánh Không Lộ được phụng thờ khá nhiều, đặc biệt trong lễ hội chùa Keo. Ngoài ra còn có thờ các nhân vật lịch sử như Phạm Ngũ Lão (Hội đền Hét và tục thi vật cầu), Nguyễn Hãng (là vị tướng phò Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn, hóa thân thành cây ngô đồng trôi dạt về vùng biển Quang Lang, được thờ ở đó), … Ngoài ra còn thờ các vị thần: Đông Hải Đại Vương, Nam Hải Đại Vương, Tây Hải Đại Vương, bà chúa Muối,…

     Hải Phòng: Chủ yếu thờ các vị thần Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng (được thờ tự tại 141 đình đền trong địa bàn Hải Phòng), Nam Hải Đại Vương, Điểm Tước Đại Vương, Lão Đảo Thần Vương. Trong Lễ hội cầu mưa ở Đền Bì, huyện Tiên Lãng còn thờ thần Kinh Sơn, Trí Minh, Bát Hải Đại Vương. Nhiều nơi còn thờ Tứ vị Thánh nương.

     Các vị thần lịch sử được người dân thờ, như: Ngô Vương Quyền (lễ hội tưởng niệm Ngô Vương Quyền được tổ chức rộng rãi tại tổng Lương Xâm nay là làng Xâm Bồ, phường Nam Hải, quận Hải An cho đến các làng gần sông Bạch Đằng), Lê Chân, Hưng Đạo Đại Vương, Phạm Tử Nghi, Nguyễn Văn Giáp,…

     Ngoài ra còn thờ “Lục vị tiên công” được coi là sáu cụ tổ đầu tiên đại diện cho các dòng họ có công khai phá Đồ Sơn.

     Nam Định: Bao phủ không gian lễ hội Nam Định là tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ Đức thánh Trần. Dân gian có câu “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”.

     Bên cạnh đó tín ngưỡng thờ Đức thánh Triệu (là một vị tướng giỏi, đã từng đánh đuổi giặc Lương giành độc lập cho dân tộc vào thế kỉ VI). Việc Triệu Quang Phục tuẫn tiết tại khu vực cửa biển Đại Nha trở nên linh dị đối với cư dân miền sông, biển. Về sau tại địa điểm Đại Nha, nhân dân đã lập đền thờ. Đến nay có rất nhiều làng, xã khác ở các huyện: Ý Yên, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu đến rước chân nhang, linh vị đức Triệu Quang Phục về thờ, lâu dần trở thành chính vị của đền, được các triều đại cấp sắc phong, suy tôn là Thành hoàng làng. Cho đến nay các lễ hội diễn ra tại di tích thờ Triệu Quang Phục đều được diễn ra vào ngày mất của ông (14 tháng 8 Âm lịch), phong phú cả về nội dung, hình thức, nghi lễ thể hiện, mà tiêu biểu là tục rước nước. Những lễ hội liên quan tới Triệu Quang Phục đã chứng tỏ mối quan hệ nguồn gốc, truyền thống gắn bó, liên kết chặt chẽ, giao lưu văn hóa và sinh hoạt tâm linh giữa cư dân các làng xã ven sông, ven biển tỉnh Nam Định. Một số lễ hội khác ở Nam Định cũng thờ các tướng lĩnh, như: Đặng Dung (lễ hội đền Ngọc Chấn – xã Yên Trị, huyện Ý Yên), Trần Nhật Duật, Trần Hưng Đạo,…

     Trong các lễ hội ven biển ở Nam Định còn thờ các vị thánh thiền sư như Thiền sư Dương Không Lộ (lễ hội chùa Keo làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường), Đức thánh Tổ, pháp hiệu Minh Không (lễ hội chùa Cổ Lễ),…

     Về tín ngưỡng thờ cá Ông (cá Voi):

     Tín ngưỡng thờ cá Ông xuất hiện khi người Việt ở Bắc Bộ tiếp cận với biển và tiếp cận với bộ tộc thuộc ngữ hệ Malayo-indonesien (mà một số nhà nghiên cứu còn cho rằng bộ tộc này vốn một thời sống dọc ven biển Việt Nam từ vùng biển Quảng Ninh vào tận các dẻo đất cuối phía Nam). Điều này minh chứng bằng dấu vết thờ cá voi ở hàng trăm đền thờ dọc ven biển Bắc Bộ, ít nhất là từ Bần Yên Nhân xuống tận Hải Phòng như cố Giáo sư Trần Quốc Vượng xác nhận.

     Tuy nhiên vùng biển Quảng Ninh xưa kia cũng có thờ cá Voi và có nét khác với tín ngưỡng thờ cá Voi ở các nơi khác. Những nơi cá voi vào bờ hoặc nơi cá voi chết ở vùng biển Quảng Ninh thường được ngư dân thờ trong những miếu nhỏ. Điều này khác biệt so với một số nơi ở ven biển miền Trung và miền Nam là thường thờ cá Voi trong các lăng, đồng thời lăng cũng là nơi chôn cất hoặc lưu giữ xương cá voi.

     Nhưng thần cá Voi ở vùng duyên hải có tên gọi là Đông Hải Đại Vương và đến thời Lý – Trần được nhân hóa và hội thân với Đoàn Thượng (Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng) trong các lễ hội ở Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.

     Việc thờ phụng các nhân thần:

     Vùng biển Bắc Bộ có một vai trò quân sự trọng yếu. Vì vậy, dưới các triều đại phong kiến xưa thường cử những tướng lĩnh tài ba canh giữ vùng biển này. Do đó hầu hết các lễ hội ven biển ở duyên hải Bắc Bộ đều thờ các nhân vật lịch sử có thật và sau này đã được thần thánh hóa thành các vị thần linh thiêng, như: Phạm Ngũ Lão (Hội đền Hét và thi vật cầu), Nguyễn Hãng (hội miếu Ba thôn), Ngô Quyền (lễ hội tưởng niệm Ngô Quyền), Đặng Dung (lễ hội đền Ngọc Chấn), Trần Hưng Đạo, Triệu Quang Phục (lễ hội thờ Đức thánh Triệu) ….

     Mặc dù không phải là quê hương của dòng họ nhà Trần nhưng các vùng ven biển Quảng Ninh lại thờ khá nhiều các tướng lĩnh nhà Trần có công đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đó là Trần Khánh Dư, một tướng lĩnh tài ba được vua Trần phong tước Nhân Huệ Vương, chức Phiêu Kỵ đại tướng quân (lễ hội Quan Lạn, hay còn gọi là lễ hội Vân Đồn). Hay Trần Quốc Tảng, người con thứ ba của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và các tướng lĩnh nhà Trần được thờ tại đền Cửa Ông. Vì có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông ở thế kỉ XIII (1285, 1288) nên ông được phong tước Đông Hải Đại Vương.

     Việc thờ cúng các vị tiền hiền có công khai hoang, lập ấp là tín ngưỡng tốt đẹp của hầu hết các vùng trên cả nước, nhưng hiện thực hóa thành tín ngưỡng để đời đời sau ghi nhớ và con cháu khắp mọi miền hướng về mỗi khi tổ chức lễ hội thì không nơi đâu làm được như lễ hội Tiên Công ở đảo Hà Nam, Yên Hưng, Quảng Ninh.

     Tín ngưỡng thờ Tiên Công này được hình thành vào những năm đầu thế kỷ XV, bởi công cuộc quai đê, lấn biển, khai đất, lập làng của những người dân đến từ vùng châu thổ sông Hồng. Những người có công đầu tiên chiêu tập dân đến vùng cửa sông Bạch Đằng này quai đê lấn biển, lập làng, ở đảo Hà Nam là 24 vị (17 vị quê ở phường Kim Hoa, phủ Hoài Đức, thành Thăng Long; 2 vị quê ở Trà Lý (thuộc tỉnh Nam Định); 3 vị quê ở xã Quang Lan (thuộc Nam Định ngày nay); 2 vị quê ở Phủ Lý. Để tưởng nhớ công lao của những người đã có công đầu quai khai phá vùng đảo Hà Nam, dân đảo đã tôn vinh họ là Tiên Công và phụng thờ tại một đền, hai đình và một miếu. Hàng năm mở hội để cúng tế.

     Tín ngưỡng thờ Mẫu:

     Cư dân ven biển duyên hải Bắc Bộ hết sức tin tưởng vào sự linh ứng, phò trợ của các Mẫu, một số nơi gọi là “Bà”. Trải qua bao thăng trầm của thời gian nhưng trong các di tích ven biển vẫn còn nhiều ngôi miếu cổ xưa thờ Bà, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn có vị trí vô cùng quan trọng trong tâm thức của người dân.

     Ở Thái Bình trong lễ rước nước Quang Lang người ta còn thờ bà chúa Muối, một lớp văn hóa thủa sơ khai của tín ngưỡng thờ Mẫu. Còn ở khắp các lễ hội ven biển Bắc Bộ thì thờ Tứ vị Thánh nương.

     Đây là một tục thờ khá đặc biệt, có liên quan đến những bước chân di cư của người Việt, người Hoa và nó góp phần làm nên diện mạo riêng của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Quảng Ninh.

     Theo các tác giả sách Văn hóa dân gian làng ven biển thì tục thờ Tứ vị Thánh nương là một tục thờ tiêu biểu của nhân dân vùng Nghệ An, Thanh Hóa. Ở Nghệ An có hơn 30 làng thờ vị thần này, ở Thanh Hóa có 81 nơi thờ Tứ vị Thánh nương. Huyền thoại về họ đều xuất phát từ Trung Hoa. Truyền thuyết về Tứ vị Thánh nương ở Bắc Bộ và đặc biệt trên đảo Quan Lạn kể rằng: Tống Hậu và các công chúa của nhà Tống vì chạy giặc Nguyên Mông mà bị đắm thuyền ngoài biển Đông. Sau đó trôi về vùng biển nước ta và hiển linh thành Nam Hải phúc thần. Tín ngưỡng thờ Tứ vị Thánh nương có thể bắt đầu từ tín ngưỡng thờ thần biển (như Tạ Chí Đại Trường nhận định) hay từ tín ngưỡng thờ cá – lớp đầu tiên của ngư dân bản địa như tác giả Ngô Đức Thịnh đưa ra giả thuyết, sau đó được linh thiêng hóa thành nữ thần biển, để rồi trở thành hệ thống nhân thần mà các triều đại quân chủ Việt Nam phong các tước: Tứ vị Thánh nương, hoặc Đại Càn Quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương. Có lẽ toàn tỉnh Quảng Ninh, trên đảo Quan Lạn tín ngưỡng thờ Tứ vị Thánh nương vẫn còn được duy trì và giữ vai trò quan trọng đối với người đi biển, đồng thời cũng là di tích gắn với tín ngưỡng phồn thực. Đó là miếu Bà. Đây cũng là điểm rất khác biệt so với các vùng biển khác trong khu vực. Những người đàn ông nơi đây trước khi ra khơi thường đẽo một khúc gỗ tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam làm lễ vật dâng cúng, để xin Bà phù hộ cho đánh bắt được nhiều tôm, cá,… Các cụ già thường kể lại rằng, trong lễ hội xưa đàn bà không bao giờ được vào trong miếu, chỉ có đàn ông không mặc gì, cầm một cành lá cây che phần dưới vào làm lễ. Mặc dù miếu nhỏ bé, sơ sài nhưng rất linh thiêng. Nhiều lần ngư dân định tu sửa nhưng xin ý kiến, Bà đều không đồng ý. Vì vậy miếu Bà trông khá lụp xụp trên hòn đảo này.

     Từ tư liệu điền dã của chúng tôi cho thấy, trước đây Tứ vị Thánh nương ở Quảng Ninh nói riêng và duyên hải Bắc Bộ nói chung chắc chắn đã được thờ phụng hết sức thành kính. Nhưng do điều kiện sinh sống, sự biến đổi của thời cuộc mà tín ngưỡng Tứ vị Thánh nương đã đơn giản hơn, hay nói cách khác là đã được giản lược so với nhiều nơi khác.

     Thờ các vị thần:

     Hầu hết các làng ven biển duyên hải Bắc Bộ đều thờ thần Không Lộ, Bạch Điểm Tước, Đại Càn quốc gia tứ vị thượng đẳng thần, Nam Hải tôn thần, Nam Hải trung đẳng thần, Hải tế hiển liệt chi thần, Hải khẩu hùng nghị chi thần, Đông Hải đại vương thượng đẳng thần, Đông Hải long vương đại vương, Thủy Chung quảng tế chi thần, Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần,…

     Tuy nhiên trên đảo Hà Nam ở Yên Hưng, Quảng Ninh vẫn còn thờ thần Nông là vị thần từng được thờ chính trên đảo, được coi như là Tổ. Ngày nay việc thờ cúng có phần mờ nhạt.

     Tục thờ thần biển, thần sông ở Yên Hưng có nhiều nét khác biệt so với tục thờ thần biển ở Trung Bộ. Ngoài các vị thần biển mà nhiều nơi thờ như Thủy cung Thánh mẫu, thần Biển Cửa Càn Hải, thần Nam Hải, Đại hải chi thần, Thủy thần Hà Bá, ở Yên Hưng còn có nét rất riêng là tục thờ Long Mã trong các lễ mừng thọ; tục thờ những người chết đuối hiển linh. Nơi thờ thần Biển thường ở các đình làng, ở các đền miếu nơi bến sông hoặc ở đầu sông cửa biển, đặc biệt ở các cống kéo thuyền qua đê của các làng. Các vị thần này đều liên quan đến biển: Long mã, thần biển Cửa Hải, Đại Hải thần, Đức thánh niệm, Quan Quận, Phạm Tử Nghi, Thánh mẫu, Nhị vị Tiên công, Đức chúa bản thổ, Nam Hải tôn thần, Bà Chúa Cua, Bà Minh Hà, Cụ Lê Đình Vỹ, Thủy cung Thánh mẫu, …

     Việc thờ thủy thần ở vùng biển Quảng Ninh cũng rất được coi trọng: Các vùng ven biển thường thờ các vị thần như: Đại Càn quốc gia tứ vị thượng đẳng thần, Nam Hải tôn thần, Đông Hải long vương đại vương là các vị thần Nam Hải, tuy thần hiệu mỗi nơi kê khai khác nhưng danh hiệu chung là “Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần”. Danh hiệu này được ghi trong sắc phong xã Quan Lạn và một trong số thần tích ở nhiều xã ven biển.

     Tóm lại, tín ngưỡng dân gian của người Việt ở Quảng Ninh cơ bản giống như ở các tỉnh đồng bằng: thờ bách thần, thờ Mẫu, thờ Thành hoàng,… “Tín ngưỡng dân gian ở Quảng Ninh ghi đậm công sức của những người tiên phong mở đất, họ đã bằng ý chí và mồ hôi nước mắt để quai đê lấn biển, san đồi, bạt núi, khai đất, lập làng, để đời sau con cháu tiếp tục một cách thuận lợi và không quên tri ân với các vị tiền bối”.

2. Sự tương đồng và khác biệt trong lễ hội

     Các lễ hội ven biển Bắc Bộ là một sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, là trò diễn để vui chơi, giải trí,… có qui mô, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài vùng. Lễ hội ven biển ngoài các nghi thức, thì ngay từ khởi thủy, là trò diễn trước thần linh, với ước vọng hết sức nhân văn mà người xưa trao truyền lại là: cầu nước, cầu mưa, cầu an, cầu mùa, cầu cho quốc thái dân an, người yên vật thịnh. Và điều đó cũng cắt nghĩa vì sao người dân ven biển Quảng Ninh đã tự giác, tự nguyện gìn giữ lễ hội một cách nguyên vẹn cho đến ngày nay.

     Xem xét lễ hội truyền thống ven biển Quảng Ninh với các lễ hội ven biển Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định thì lễ hội truyền thống ở Quảng Ninh có một vài nét tương đồng, nhưng cũng có nhiều nét khác biệt:

     Sự “gặp gỡ” của lễ hội ven biển (chủ yếu là lễ hội đua thuyền).

     Thông thường, mỗi làng khi tổ chức lễ hội chỉ trình báo với một hay hai thần (hoặc thánh) chính, như hội chùa Keo Thái Bình, hội đền Hét và thi vật cầu, hội miếu Ba thôn,… nhưng trong các lễ hội ven biển Quảng Ninh cũng là trình thần, hầu thần, nhưng không phải một hay hai thần mà là đa thần (lễ hội Tiên Công – 17 vị Tiên Công, lễ hội Quan Lạn – 6 vị),…

     Cũng qua tính chất diễn xướng tâm linh, thì ngoài ý nghĩa diễn hầu thần với lớp nghĩa đầu tiên là cầu nước, cầu mùa, lễ hội ven biển Quảng Ninh còn có ý nghĩa là một trò diễn vì các bậc tiền nhân của họ, những người khai phá và xây dựng nên hòn đảo (lễ hội Tiên Công với trò đấu vật, đắp đê tượng trương). Vì thế lễ hội Tiên Công còn là dịp ôn lại truyền thống, noi gương ý chí của ông cha buổi đầu gây dựng cơ đồ với biết bao gian khổ, khó khăn. Bên cạnh đó hội đua thuyền Bạch Đằng và hội đua thuyền Quan Lạn là tưởng nhớ đến người anh hùng Trần Khánh Dư và chiến thắng Bạch Đằng năm xưa. Trong lễ hội Miếu Ba Thôn (Thái Bình) với tục rước nước và gieo ống đánh cá, lễ hội Cầu ngư (Hải Phòng) với lễ rước nước (lấy nước ở vùng giao hòa giữa biển và sông), lễ hội cầu mưa ở Đền Bì, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) thờ thần Kinh Sơn,… phản ánh phần nào phong tục cầu nước của cư dân nông nghiệp Đông Nam Á nói chung.

     Ở vùng duyên hải Bắc Bộ trong các lễ hội có tục đua thuyền như lễ hội Bạch Đằng (Quảng Ninh), lễ hội đền Cửa Ông (Quảng Ninh), lễ hội Quan Lạn (Quảng Ninh), lễ hội Trà Cổ (Quảng Ninh), lễ hội Cầu ngư (Hải Phòng), lễ hội cầu mưa ở Đền Bì, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), lễ hội làng Ngọc Chấn (Nam Định), lễ hội chùa Keo (Thái Bình), chùa Cổ Lễ (Nam Định),…Nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng, “đua thuyền là lễ hội nước phổ biến của cư dân nông nghiệp khu vực Đông Nam Á, mang nhiều ý nghĩa gắn với việc thờ thần nước, tục cầu nước và tín ngưỡng phồn thực”. Tuy nhiên, vùng duyên hải Bắc Bộ trong đó có Quảng Ninh có tục đua thuyền không mang ý nghĩa như trên mà tái hiện lại các sự kiện lịch sử của dân tộc như hội đua thuyền “Giang chiến” tưởng nhớ tướng quân Đặng Dung đã cùng đồng đội, nghĩa sĩ làng Ngọc Chấn chặn đánh quân Minh (Nam Định); lễ hội Bạch Đằng (Quảng Ninh) tái hiện lại chiến thắng Bạch Đằng, lễ hội Quan Lạn (lễ hội Vân Đồn) diễn tả lại 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông của tướng Trần Khánh Dư,…

     Điều hết sức đặc biệt trong các hội bơi chải ở duyên hải Bắc Bộ là có cả 3 hình thức: bơi chải cạn, bơi chải đứng ở lễ hội chùa Keo (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định), bơi chải ngồi ở hội chùa Cổ Lễ (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, Nam Định). Có thể nói đây là điều khác biệt nhất của vùng duyên hải Bắc Bộ so với các vùng văn hóa ven biển khác.

     Trong các lễ hội vùng duyên hải Bắc Bộ có rất nhiều diễn xướng thể hiện tính dẻo dai, khéo léo, tinh thần thượng võ, thể thao của cư dân ven biển như: thi vật cầu (hội Đền Hét), lễ hội vật cầu Kim Sơn (Hải Phòng) nhằm rèn luyện thể lực cho quân sĩ; trình diễn nghề “gieo ống đánh cá” trong lễ hội Miếu Ba Thôn của làng Quang Lang thực sự là một nghệ thuật nghề nghiệp đỉnh cao trên sông nước, thể hiện tài trí của ngư dân; hội chèo bơi – đi kheo ở làng Quần Mục (Thái Bình), trò đi kheo ở vùng biển Hải Hậu, Nghĩa Hưng đều thể hiện sự khéo léo, ôn lại cách đánh cá của cha ông xưa; hội trận thi đánh cá trong lễ hội làng Diêm Điền, xã Bình Hòa, huyện Giao Thủy (Nam Định) thể hiện niềm say mê nghề đi biển và ước vọng của người dân về một mùa bội thu.

     Khác với Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, trong các lễ hội ven biển Quảng Ninh, lại trình diễn những phong tục, trò chơi không nơi nào có được, như: lễ động thổ, đấu vật tượng trưng cho quá trình quai đê lấn biển của các vị tiên công (trong lễ hội Tiên Công); trò chơi “bịt mắt chém cá chình”, hội thi ông Voi và nuôi ông Voi, múa cây bông (lễ hội Trà Cổ); tục múa long đao (lễ hội Quan Lạn) thể hiện sự khéo léo, oai hùng của quân sĩ nhà Trần,…

     Trong lễ hội Tiên Công có phong tục rước kiệu người sống (các cụ Thượng thọ trên đảo Hà Nam) lên miếu Tiên Công để tỏ lòng thành kính và cũng là niềm vinh dự của dòng tộc khi có người thượng thọ. Đây là một phong tục đẹp mà hiếm nơi nào có được. Đó còn thực sự là một lễ hội gia đình, họ tộc. Người ta quan niệm gia tộc nào có người thượng thọ nghĩa là gia tộc đó ăn ở phúc đức, làm nhiều việc thiện, lao động sản xuất giỏi, bất kể ai dù chi trên hay chi dưới, người đạt đến tuổi thượng thọ đều được gia tộc kính trọng. Đây cũng là một nét đẹp văn hóa cần được lưu truyền và dạy dỗ cho thế hệ con cháu trong gia đình, dòng tộc. Được tham dự, chứng kiến những lễ hội như vậy sẽ là phương tiện giáo dục hữu hiệu nhất đối với các thế hệ trẻ ngày nay về giá trị gia đình người Việt.

     Về nghệ thuật trình diễn trong các lê hội duyên hải Bắc Bộ, theo chúng tôi có lẽ đây là vùng văn hóa đặc sắc, phong phú nhất. Nếu ở Thái Bình, Nam Định trong những ngày mở lễ “sáng rối, tối chèo” vang cả một vùng thì ở Hải Phòng, Quảng Ninh lại là Hát Đúm.

     Hát Đúm trong lễ hội ở Hải Phòng là hát trên cạn nhưng Hát Đúm ở Quảng Ninh có cả hát trên cạn và dưới thuyền. Hát Đúm là một loại hình diễn xướng của tộc Kinh có trong lễ hội truyền thống ở địa phương (lễ hội Tiên Công). Hát Đúm còn gọi là hát ghẹo, là lối hát đối đáp giữa nam và nữ, có thể một nam và một nữ, song thường là tốp nam với tốp nữ. Hát Đúm thường diễn ra trên đất liền trong các dịp lễ, tết, hội, song đôi khi cũng diễn ra trên sông, trên biển giữa các thuyền bên nam và bên nữ trong các buổi lao động hay những lúc nghỉ ngơi hoặc trong các đám cưới của dân vùng sông nước (làng chài Cửa Vạn, thành phố Hạ Long hiện nay). Hát Đúm thường được hát trong các lễ hội truyền thống ở vùng đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh.

     Từ những vấn đề đã trình bày ở trên, chúng tôi xin được rút ra mấy nhận xét sơ bộ về đời sống tín ngưỡng – lễ hội của cư dân ven biển Quảng Ninh:

     Môi trường sản xuất ngư nghiệp và nông nghiệp, hay sự kết hợp chặt chẽ giữa ngư nghiệp và nông nghiệp của cư dân ven biển Quảng Ninh đã sản sinh và bảo lưu lâu bền nhiều hình thức tín ngưỡng và lễ hội khá phong phú và đa dạng, liên quan đến nghề chài lưới, sản xuất nông nghiệp, các nghi lễ vòng đời người…, trong phạm vi gia đình, tộc họ, cộng đồng làng xã, mà trong đó nổi bật là tín ngưỡng và lễ hội Tiên Công, tín ngưỡng thờ Mẫu (lễ hội Trà Cổ, lễ hội Bạch Đằng, lễ hội Quan Lạn,…).

     Trong các hiện tượng văn hóa tín ngưỡng và lễ hội đó, có thể thấy, trong mỗi hiện tượng đều có tích hợp nhiều lớp văn hóa: Lớp văn hóa cư dân nông nghiệp từ đất liền đan xen với lớp văn hóa biển; lớp văn hóa Việt đan xen lẫn với văn hóa Hoa; lớp văn hóa Việt vốn được hình thành từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy, muốn nghiên cứu, giải mã một hiện tượng văn hóa của một vùng đất, người nghiên cứu phải phân tích, so sánh để bóc tách các lớp văn hóa trong hiện tượng văn hóa đó, bởi nó vốn đa giá trị và đa biểu tượng.

     Các hiện tượng tín ngưỡng và lễ hội tiêu biểu đã nêu ở trên, từ lâu đã tích hợp với các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian của vùng, miền, địa phương và mang đậm tính chất biển, như hát chèo, múa rối, hát Đúm, múa bông, múa long đao quét đường,… Nhờ sự tích hợp này mà ta có thể thấy, mỗi hiện tượng tín ngưỡng và lễ hội đã trình bày là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1- Địa chí Quảng Ninh, tập III, (2003), Nxb. Thế giới, Hà Nội.

     2- Ngô Đức Thịnh chủ biên (2000), Văn hóa dân gian làng ven biển, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

     3- Thạch Phương, Lê Trung Vũ (1995), 60 lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

     4- Trần Quốc Vượng (1996), Theo dòng lịch sử, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

Nguồn: Di sản văn hóa phi vật thể, Số 3 (48) – 2014

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
 

Download file (PDF): Mối tương quan giữa các lễ hội ven biển Quảng Ninh với các lễ hội vùng duyên hải Bắc Bộ (Tác giả: Nguyễn Thị Phương Thảo)