Môn lịch sử trong chương trình giáo dục trung học Pháp-Việt

MATIÈRE D’HISTOIRE DANS L’ENSEIGNEMENT SECONDAIRE
FRANCO-VIETNAMIEN

Tác giả bài viết: Tiến sĩ  NGUYỄN ĐỨC CƯƠNG[1]
([1]. Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế)

TÓM TẮT

      Trong chương trình giáo dục Pháp-Việt từ bậc tiểu học đến trung học, môn Lịch sử là môn học bắt buộc. Chương trình được thiết kế tương đối khoa học theo hệ thống tuyến tính với sự phát triển của lịch sử theo không gian và thời gian, từ nguồn gốc đến hiện đại, từ lịch sử địa phương, khu vực, liên bang Đông Dương đến lịch sử nước Pháp, châu lục (châu Âu, châu Á, châu Mĩ, châu Phi), trong đó đề cao vai trò của nước Pháp và châu Âu nhằm thực hiện mục đích của giáo dục là đào tạo tầng lớp trí thức phục vụ cho chế độ thuộc địa. Tuy nội dụng thể hiện tính chất thực dân-thuộc địa rõ nét, song về mặt khách quan đã tạo ra điều kiện để người Việt Nam tiếp thu có chọn lọc những tri thức mới về lịch sử và văn hóa của dân tộc và thế giới, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa nâng cao dân trí và dân khí trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do.

Từ khóa: Môn Lịch sử, chương trình giáo dục Pháp Việt, trung học.

RÉSUMÉ

     Dans le programme d’enseignement franco-vietnamien du primaire au secondaire, l’histoire était une matière obligatoire. Le programme était conçu assez scientifiquement dans un système linéaire au développement de l’histoire dans l’espace et le temps, de l’origine au moderne, de l’histoire locale, régionale, indochinoise à l’histoire de la France, des continents (Europe, Asie, Amériques, Afrique), donc le rôle de la France et de l’Europe était mis en relief pour réaliser l’objectif de l’éducation: former les intellectuels au service du régime colonial. Bien que le contenu d’enseignement ait exprimé fortement le caractère colonial, il a objectivement créé de bonnes conditions permettant aux Vietnamiens d’absorber de manière sélective de nouvelles connaissances sur l’histoire et la culture de la nation et du monde entier, ce qui a contribué à enrichir la culture du peuple vietnamien et avoir une grande signification d’élever le niveau intellectuel ainsi que la force d’âme du peuple dans la lutte pour la libération nationale, l’indépendance et la liberté.

Mots clés: Matière d’histoire, programme éducatif franco-vietnamien, enseignement secondaire.

1. Đặt vấn đề

     Giáo dục Pháp-Việt được giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm trên nhiều phương diện từ mục đích, bản chất, đến chương trình và hệ quả. Trong mối quan tâm ấy, môn Lịch sử trong chương trình Giáo dục phổ thông Pháp-Việt cũng được nhiều người lưu tâm, tuy có sự đồng nhất về cách nhìn nhận nhưng vẫn còn có những ý kiến trái chiều và chưa đánh giá đầy đủ. Bài viết này tập trung trình bày vị trí của môn Lịch sử, nội dung của môn học trong trong chương trình Giáo dục phổ thông trung học Pháp-Việt, từ đó khẳng định bản chất của môn Lịch sử trong giáo dục Pháp-Việt bậc phổ thông.

2. Môn Lịch sử trong chương trình giáo dục Pháp-Việt

     Mục đích của nền giáo dục Pháp-Việt ở Việt Nam là đào tạo những nhân viên thừa hành trong bộ máy thống trị thuộc địa trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội…để thực hiện mục đích cai trị và khai thác.Mặt khác, còn nhằm truyền bá tư tưởng Pháp, giáo dục lòng biết ơn sự khai hóa và trung thành với nước Pháp. Chính sách mị dân cũng thể hiện trong mục đích của giáo dục, làm cho người Việt Nam tin rằng giáo dục của Pháp ở Việt Nam là văn minh và tiến bộ, mục đích này thể hiện rõ từ các quan chức Pháp cụ thể thống sứ An Nam Paul Bertđã khẳng định “Trường học là công cụ hữu hiệu nhất, chắc chắn nhất nằm trong tay kẻ đi chinh phục”. Hai mục tiêu đầu là căn bản, mục tiêu thứ ba là nhằm để đáp ứng với yêu cầu của nhân dân Việt Nam về một nền giáo dục tiến bộ trong bối cảnh hội nhập của nhân dân Việt Nam với thế giới ngày càng tăng, điều này đã đặt ra từ trong trào lưu cải cách cuối thế kỉ XIX và bước đầu thực hành trong trào lưu Duy Tân đầu thế kỉ XX; đây cũng là điều kiện để đảm bảo cho sự ảnh hưởng lâu dài của Pháp tại Việt Nam: “Làm cho học sinh có được những khái niệm đầy đủ về cuộc sống và cuộc đấu tranh trong quá khứ và hiện tại, tạo cho học sinh có mối liên hệ chặt chẽ với đất nước, và khi đã nhận thức được như thế, nền giáo dục này sẽ đưa lại những kết quả xứng đáng hơn, vững chắc hơn” (Bertrand, 1938, tr. 13).

     Chính xuất phát từ những mục tiêu trên đây, chương trình giáo dục của Pháp ở Việt Nam được xây dựng một cách toàn diện, không chỉ có Khoa học tự nhiên còn có cả Khoa học xã hội, kĩ thuật, ngoại ngữ. Nội dung giáo dục bản địa được đề cập như chữ Hán, chữ Quốc ngữ, đạo đức, luân lí, quốc văn, địa dư,… trong đó, Lịch sử được xác định là một trong những môn học bắt buộc, là môn thi tốt nghiệp với hai hình thức thi viết (tự luận) và vấn đáp. Đây cũng là hình thức thi nổi bật của giáo dục thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, giai đoạn đầu Lịch sử Việt Nam cấm không được dạy, chỉ dạy lịch sử Pháp.

     Ở bậc Tiểu học, môn Lịch sử là 1/20 môn học; ở bậc Cao đẳng tiểu học là 1/11 môn học, trong đó, Lịch sử An Nam: 2 giờ (nam), 1 giờ (nữ)/ tuần đối với 2 lớp đệ nhất và đệ nhị niên; các lớp đệ tam và đệ tứ niên chỉ học 1 giờ Lịch sử (Chương trình năm 1938); ở bậc trung học (tú tài), thời lượng môn Lịch sử hàng tuần là 1,5 giờ/25 giờ/tuần đối với năm thứ nhất và năm thứ hai; năm thứ ba: 1 giờ/24 giờ/tuần (Chương trình năm 1936) (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, 2016, tr. 1038-1039).

     Trải qua nhiều lần điều chỉnh, cải cách giáo dục, nội dung lịch sử có điều chỉnh nhưng về cơ bản không thay đổi là mấy. Trong chương trình học của bậc Tiểu học PhápViệt, môn Lịch sử được dạy học từ lớp Dự bị (8 tuổi), học sinh đầu tiên được làm quen với môn Lịch sử qua các truyện ngắn, giai thoại, tiểu sử trích từ lịch sử địa phương, các sự kiện lịch sử hoặc địa danh lịch sử trong vùng, khu vực, đến việc tiếp cận các khái niệm ở các lớp sơ đẳng, trung học, học sinh còn được học về lịch sử các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và các thời kỳ lịch sử của lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc cùng các nhân vật lịch sử… Ngay cả trong chương trình giáo dục Hán học (1906-1919), lịch sử Việt Nam sơ lược và lịch sử nước Pháp sơ lược, người học cũng được tiếp cận.

     Tuy nhiên, so với lịch sử Việt Nam được học, thì lịch sử nước Pháp được học nhiều hơn do mục đích giáo dục nêu trên chi phối. Ngoài ra học sinh còn được học lịch sử khu vực, thế giới từ cổ đại đến hiện đại.

     Nội dung trên đây được thể hiện qua các chương trình của hai bậc học sau đây:

     1. Cấp Cao đẳng Tiểu học (tương đương Trung học cơ sở ngày nay)

     Lịch sử Việt Nam, Pháp và thế giới được dạy trong 4 năm.

     1.1. Năm thứ nhất

     Lịch sử: sử ký hiện đại, sử ký giáo huấn, những khuôn mặt lớn trong lịch sử nước Pháp (Jeanne d’Arc)

     Sử kí Việt Nam từ nguồn gốc đến khi sáng lập Triều Nguyễn.

     1.2. Năm thứ hai

     Sử kí: từ nhà Nguyễn đến chế độ bảo hộ của Pháp.

     Sử kí nước Pháp: xứ Gaule, thời Trung cổ, thế kỉ XVII.

     Những quốc gia khác ở Châu Á.

     1.3. Năm thứ ba

     Sử kí nước Pháp từ thế kỉ XVII đến Đế chế thứ nhất.

     1.4. Năm thứ tư

     Lịch sử nước Pháp hiện đại đến 1914-Sử ký đại cương.

     Châu Âu hiện đại.

     Sử kí hiện đại vùng Viễn Đông (Nhật Bản, Trung Quốc) (Thảo, 2019, tr. 231-233).

     2. Cấp Tú tài bản xứ

     2.1. Năm thứ nhất

     Lịch sử văn minh đại cương từ khởi thủy đến Cách mạng:

     + Khái lược văn minh phương Đông cổ đại (Ai Cập, Assyrie, Hébreuse, Ba Tư).

     + Những nền văn minh Đại Trung Hải (Hy Lạp, La Mã).

     + Thời Trung cổ phương Tây (những xã hội trung cổ phương Tây, nền văn minh trung cổ, những phát kiến hàng hải của thế kỉ XV và XVI).

     + Thời Phục hưng ở Pháp và Châu Âu.

     + Thời kỳ Cải cách.

     + Chế độ phong kiến ở Pháp và Anh.

     + Uy tín của nước Pháp ở Châu Âu.

     2.2. Năm thứ hai

     * Văn minh châu Âu

+ Những cuộc cách mạng cho đến Napoléon đệ nhất.

+ Sự phát triển về chính trị ở Châu Âu và Pháp thế kỉ XIX.

+ Văn học nghệ thuật thế kỉ 19.

+ Những tiến bộ khoa học.

+ Sự bành trướng của người da trắng.

+ Ảnh hưởng và danh vọng của nước Pháp (những cuộc can thiệp hào nhóang của nước Pháp, sự ưu việt trí tuệ của Pháp, sự dũng cảm của Pháp trong cuộc Đại chiến thế giới thứ nhất).

     * Viễn Đông

     Ấn Độ cổ đại, Trung Quốc, Nhật Bản.

     Châu Á thế kỉ XIX

     2.3. Năm thứ ba

     Môn Lịch sử dành cho Ban Văn học, Triết học.

     * Những thời kỳ lớn về lịch sử Đông Dương

+ Tiền sử: Các dân tộc nguyên thủy. Những cuộc thiên di lớn: Chăm, Khơme, Annam, Thái.

+ Trạng thái và văn minh cổ đại: Sự phát triển và suy tàn của Vương quốc Chăm và Khơme cổ đại. Nước Giao Chỉ dưới sự đô hộ của Trung Quốc (từ năm 111 trước CN đến năm 939 sau CN). Sơ lược về cuộc đấu tranh chống xâm lược Trung Quốc của người Annam. Văn minh Trung Quốc ở An Nam.

     Những quốc gia hiện đại ở Đông Dương. Sự hình thành nước Annam hiện đại. Sự phục hưng của Đông Dương dưới ảnh hưởng của nước Pháp, sự khôi phục nước Lào và Cao Miên. Sự phát triển của Vương quốc Annam. Sự hình thành Liên bang Đông Dương.

     * Những thời kỳ lớn về nghệ thuật Đông Dương trong một vài tác phẩm tiêu biểu:

+ Chăm: Tháp Mỹ Sơn

+ Khơme: Phát triển của nền điêu khắc: Prakhan, Takeo, Angkor Vat…

+ Nghệ thuật Hán-Việt: Văn Miếu, chùa, lăng tẩm Huế, nghệ thuật trang trí…

     * Thể chế hiện tại ở Đông Dương

     Sơ lược về tổ chức chính trị và hành chính ở Đông Dương và các xứ khác trong Liên bang (Báu, 2006, tr. 281-283).

3. Một số nhận xét

     – Trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục của chính quyền thuộc địa, môn Lịch sử có vai trò cực kì quan trọng. Đây là cơ sở và là phương tiện để phục vụ cho những mục tiêu chính trị và xã hội của chế độ thuộc địa. Xây dựng nội dung của chương trình tìm cách bóp méo lịch sử, ca ngợi chế độ thực dân Châu Âu, ca ngợi công lao của Pháp đối với Châu Âu và đặc biệt đối với Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng, nhằm hình thành tâm lí phục Pháp đối với người Việt Nam để tạo ra tầng lớp trung thành với nước Pháp. Điều này góp phần khẳng định tính chất thuộc địa của nền giáo dục Pháp-Việt.

     – Tuy vậy, lần đầu tiên trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam, môn Lịch sử được thiết kế tương đối có tính hệ thống và toàn diện cả về lịch sử Thế giới, lịch sử nước Pháp và lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc cho đến hiện đại, quan tâm đến vấn đề lịch sử văn minh của thế giới, khu vực và Việt Nam. Chương trình lịch sử được thiết kế có tính khoa học theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lý (địa phương, đất nước, khu vực, thế giới) và theo tuyến tínhthời gian(từ thời nguyên thuỷ đến cổ đại, trung đại, cận đại…).Do đó, học sinh Việt Nam bước đầu có điều kiện tiếp cận những kiến thức lịch sử thế giới, nước Pháp và Việt Nam theo tư duy hệ thống với những sự kiện điển hình và nhân vật điển hình.Qua học lịch sử Việt Nam, có thể hình thành ở học sinh lòng tự hào dân tộc, truyền thống đấu tranh bất khuất khi được học về văn minh Việt Nam, về đấu tranh chống ngoại xâm thời phong kiến, về các nhân vật lịch sử là anh hùng dân tộc như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Trần Quốc Tuấn, Lê Lai, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Quang Trung…

     – Mặc dù người Pháp nỗ lực hướng nền giáo dục phục vụ công cuộc cai trị của nước Pháp hơn là “khai hóa văn minh” cho Việt Nam, nhưng qua chương trình giáo dục PhápViệt nói chung, môn Lịch sử nói riêng, người Việt Nam đã được tiếp cậnnhững kiến thức lịch sử mới về Việt Nam, các nước trong khu vực (Lào, Campuhia, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc), về lịch sử nước Pháp, Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Châu Mĩ…cả ở chính quốc và thuộc địa. Gạn lọc những yếu tố thực dân trong các vấn đề lịch sử, người Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc những kiến thức mới của văn minh phương Tây và làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc, trong đó có tư tưởng dân chủ tư sản cách mạng Pháp, một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam đầu thế kỉ XX. Qua học tập lịch sử, thanh niên tân học có điều kiện để hiểu được yêu cầu và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam khi có tư tưởng cách mạng tiến tiến soi đường.

     Cùng với môn Quốc văn, Đạo đức, Luân lí và Địa lí [2]…, môn Lịch sử đã góp phần nâng cao dân trí và dân khí cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giành độc lập tự do.

__________
[2]. Trong Quốc văn giáo khoa thư đề cập rất nhiều nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Trần Quốc Tuấn, Lê Lai, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Quang Trung…Nhiều tác phẩm Văn học và Sử học thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bản sắc văn hóa Việt Nam được giảng dạy với các tác giả tiêu biểu như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du…, nhiều tác phẩm lịch sử được giới thiệu như Đại Việt sử kí, Đại Việt sử kí tục biên, Đại Việt sử kí toàn thư…cùng các bộ sử và địa chí của Triều Nguyễn như Việt sử Thông giám Cương mục, Đại Nam nhất thống chí…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Bertrand. (1938), Instructions génerales concernant l’en seignement des langues Extrêmes- Orientales. Hà Nội.

     2. Báu, P.T. (2006), Giáo dục Việt Nam thời cận đại. Hà Nội: Nxb Giáo dục.

     3. Báu, P.T. (2015). Nền giáo dục Pháp-Việt (1961-1965). Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.

     4. Thảo, T.V, (2019). Nhà trường Pháp ở Đông Dương. Hà Nội: Nxb Tri Thức.

     5. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. (2016), Giáo dục Việt Nam thời kỳ thuộc địa qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1858-1945). Hà Nội: Nxb Thông tin và Truyền thông.

Nguồn: Hội thảo Quốc tế Giáo dục Pháp-Việt cuối thế kỉ XIX đến giữa thế kỉ XX, Huế 2021
Conférence internationale L’Education Franco-Vietnamienne Fin Du XIXè – Début Du XXè Siècle

Ban Tu Thư (thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Môn lịch sử trong chương trình giáo dục trung học Pháp-Việt (Tác giả: TS Nguyễn Đức Cương)