Một góc nhìn về Hà Nội xưa qua tác phẩm Hà Nội Địa Dư của Dương Bá Cung
Tác giả bài viết: Thạc sĩ NGUYỄN THỊ NGỌC LAN
(Hội đồng Lý luận, phê bình văn học – nghệ thuật Trung ương)
TÓM TẮT
Hà Nội, thủ đô văn hiến, thành phố hoà bình, văn minh, thanh lịch. Nói đến Hà Nội là nói đến trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế, ngoại giao của cả nước. Trải qua bao thăng trầm trong tiến trình lịch sử, địa dư Hà Nội có nhiều đổi thay. Để hiểu hơn về địa danh Hà Nội qua các thời kỳ, chúng ta nghiên cứu về giá trị của văn bản “Hà Nội địa dư” do Dương Bá Cung biên soạn.
Từ khóa: thủ đô văn hiến, văn minh, thanh lịch.
ABSTRACT
Ha Noi is the Capital of culture, a city for peace, a courteous and refined city famed for its civilization. Ha Noi is the political, cultural, economic and diplomatic center of the country.Wherever the Vietnamese are, they always direct the trust and pride towards Ha Noi. To have a better understanding of Ha Noi through different periods, the book “ Ha Noi geographic” compiled by Duong Ba Cung will be served as a valuable referrence for all kinds of researchers.
Keywords: capital of culture, civilization, be courteous and refined.
x
x x
Tác phẩm Hà Nội địa dư do Dương Bá Cung soạn năm 1851 tập hợp tri thức về địa lý, lịch sử của tỉnh Hà Nội thời Tự Đức. Dương Bá Cung là một tác gia Hán Nôm nổi tiếng cuối thế kỷ XIX. Ông có nhiều trước tác về các phương diện gia phả, thế phả, địa chí, như: Hà Nội địa dư, Dương tộc thế phả, Dương gia trữ trục, Cấn Đình thi văn tập… trong đó, Hà Nội địa dư là văn bản Hán Nôm đặc sắc về tỉnh Hà Nội. Giới nghiên cứu Hà Nội học đã và đang quan tâm đến Hà Nội địa dư của Dương Bá Cung. Chính vì vậy, nghiên cứu về Dương Bá Cung và “Hà Nội địa dư” cùng các giá trị của tác phẩm là một hành trình có ý nghĩa khi tìm về di sản văn hoá dân tộc.
Với độ dày 106 trang, hơn 13 nghìn 300 lượt chữ ghi chép khá chi tiết về tỉnh Hà Nội, sách Hà Nội địa dư, bản lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A1154. VHv.2659 là bản chép tay. Bản chép tay này phản ánh một cách trung thành bản của tác giả soạn năm 1851.
Đầu thế kỷ XIX, lịch sử nước ta diễn ra những biến động thăng trầm: nhà Lê sụp đổ, triều đình Tây Sơn suy yếu, và cuối cùng là sự kiện nhà Nguyễn trả thù Tây Sơn một cách tàn nhẫn (năm 1802), kinh thành Thăng Long không còn được coi là Quốc đô nữa.
Sau hơn 800 năm kể từ khi Lý Thái Tổ ban Thiên đô chiếu (1010), vị trí Quốc đô của Thăng Long đã “nhường” lại cho Thuận Hóa. Thăng Long dưới thời Tây Sơn và đầu nhà Nguyễn được mang thêm tên là trấn Bắc Thành, rồi sau đó được đổi là Hà Nội (1831).
Tuy nhiên, Thăng Long vẫn là thủ phủ gồm 11 trấn nhưng gọi là Bắc Thành, riêng phủ Phụng Thiên đổi ra Hoài Đức. Năm 1804, vua Gia Long ra lệnh phá thành cũ xây trên đó một tòa thành mới, nay còn có thể nhận diện: tường Bắc tương ứng với phố Phan Đình Phùng, tường Tây tương ứng Hùng Vương, tường Nam tương ứng Trần Phú, tường Đông tương ứng Phùng Hưng hiện nay. Như vậy, thành mới này chiều Bắc-Nam mở rộng hơn thành nhà Lê, còn mặt phía Đông thì thu hẹp hơn thành cũ mặt phía Tây có thể vẫn trùng với thành cũ, tương ứng với Hoàng thành đời Lê.
Để thống trị Bắc Kỳ, năm 1805 nhà Nguyễn cho xây lại thành Thăng Long nhỏ hẹp hơn rất nhiều so với Hoàng thành các thời trước.
Thời Nguyễn, triều vua Minh Mạng đã cải cách bộ máy hành chính, bỏ các trấn, chia cả nước làm 29 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội gồm phủ Hoài Đức, huyện Từ Liêm có trấn Sơn Tây và 3 phủ Ứng Hòa, Thường Tín, Lý Nhân của trấn Sơn Nam. Thăng Long hạ xuống thành tỉnh lỵ Hà Nội. Hà Nội là một địa danh có từ 1831 sau công cuộc cải cách hành chính.
Theo đó, tỉnh Hà Nội – tỉnh của “vùng đất ở trong sông” được mở rộng bao gồm các phủ: Hoài Đức, Ứng Hòa, Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín và 15 huyện gồm: Thanh Trì, Thượng Phúc, Phú Xuyên, Thanh Oai, Chương Đức, Sơn Minh, Hoài An, Từ Liêm, Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xương, Thanh Liêm, Bình Lục. Sông Nhị Hà ôm ấp cả một vùng đất của trấn Sơn Nam khi xưa. Tên gọi “Hà Nội” lúc đó có nhiều nét khác với tên gọi “Hà Nội” ở các giai đoạn sau 1888 và càng khác với tên gọi “Hà Nội” bây giờ.
Tới thời điểm này, thành bị bạt bớt đi, các công trình văn hoá cũng có những biến đổi: Quốc Tử Giám cùng nhiều công trình cung điện bị dỡ mang vật liệu vào xây dựng ở Huế. Văn Miếu thành nơi thuộc tỉnh Hà Nội quản lý. Trường thi Hương trên phố Tràng Thi trở thành chốn đàn ca hát xướng. Phường Hòe Nhai và sau đó là phố Hàng Giấy là nơi vui chơi giải trí đàn ca. Riêng khu vực kinh thành Thăng Long cũ chỉ gồm hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Đây là hai tên mới của huyện Quảng Đức khi xưa. Thọ Xương có 194 phường, thôn; Vĩnh Thuận có 56 phường, thôn. Đến thời Minh Mạng gộp lại còn 116 và 27. Một số cửa ô được xây dựng lại trong đó có ô Quan Chưởng.
So với trước, sự phát triển kinh tế của Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX không được đều. Các phường, thôn phía Tây và Nam có xu hướng nông thôn hoá chuyên về nghề nông có kết hợp thủ công. Bộ mặt đô thị Hà Nội dồn về khu phía Đông và Đông Nam. Ở đây phố phường ngang dọc như bàn cờ, nhà cửa kề nhau. Khu Phủ Chúa Trịnh bị vua Chiêu Thống cho phá năm 1787 và vùng quanh Hồ Gươm nhanh chóng thành khu dân cư, buôn bán và thủ công.
Thăng Long với tư cách một kinh đô thực sự bị loại bỏ trong suốt thời gian 143 năm dưới triều Nguyễn và thời Pháp thuộc. Tuy mất vị trí kinh đô, nhưng kinh tế Hà Nội vẫn phát triển. Người ngoại quốc tới buôn bán đông hơn trước, nhất là Hoa kiều.
Qua những sự thay đổi về mặt địa lý hành chính của thành phố Hà Nội đã kể ở trên, trong Hà Nội địa dư chúng tôi mong muốn phản ánh phần nào sự phát triển của tỉnh Hà Nội xưa, làm cơ sở tri thức về địa lí hành chính của tỉnh Hà Nội.
Chính vì có đặc điểm trên, Hà Nội địa dư của Dương Bá Cung đã trở thành một bộ sách quan trọng có giá trị lịch sử khi nghiên cứu về Hà Nội, do đó ngay từ thế kỷ trước bộ sách đã từng được nhiều tác gia lấy làm tư liệu tham khảo để biên soạn những bộ sách nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội. Điều này có được bởi Dương Bá Cung là nhà khảo cứu, nhà biên tập Hán Nôm có danh tiếng.
Nhìn một cách tổng quát, Hà Nội địa dư có kết cấu như mọi bộ địa dư địa phương nói riêng, địa dư nói chung. Ở đây chép theo phương pháp từ tổng quan đến chi tiết tức là hình thế chung của tỉnh Hà nội đến vị trí của từng địa danh lịch sử và danh thắng của tỉnh Hà Nội. Chúng ta sẽ thấy kết cấu của sách được trình bày theo từng phần riêng biệt nhưng ở mỗi phần lại có rất nhiều thông tin xung quanh liên quan đến phần nội dung chính được đề cập. Ví như nói về tỉnh Hà Nội, trước tiên Dương Bá Cung đề cập tới hình thế chung, phong tục tập quán người dân sau mới nói đến khu vực tỉnh hạt và nội thành.
Đặc biệt, qua cách trình bày của Dương Bá Cung, người đọc có thể thấy rõ về một Thăng Long với vai trò là kinh đô của nhiều triều đại qua từng câu miêu tả. Bên cạnh đó, độc giả cũng cảm thấy rõ một tỉnh Hà Nội thời Nguyễn với vai trò quan trọng trong phát triển đất nước từ kinh tế đến văn hóa.
Tác gia Dương Bá Cung đã viết tác phẩm Hà Nội địa dư bằng lối biền văn. Những câu, những dòng hầu hết có tính đối xứng với nhau và thường để chỉ hai mặt toàn diện của một vấn đề nào đó.
Có thể thấy rằng tác phẩm Hà Nội địa dư của tác gia Dương Bá Cung không chỉ là một văn bản ghi chép về địa dư của vùng đất Hà Nội mà còn là một pho tư liệu về lịch sử địa danh, lịch sử văn hóa của tỉnh Hà Nội từ các triều đại phong kiến trong lịch sử cho tới triều Nguyễn. Đây chính là một bộ sách quan trọng cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của Hà Nội và các địa danh.
Tác phẩm Hà Nội địa dư được tác gia Dương Bá Cung viết với một tâm trạng hoài niệm quá khứ, tiếc cho kinh thành Thăng Long xưa nay đã mất đi vị thế của một vùng kinh kỳ và chỉ còn ở vị trí của một tỉnh. Hầu hết các di tích danh lam thắng cảnh và địa danh của vùng kinh sư xưa kia đã không còn được như trước, có những địa điểm đã không còn. Ví dụ như nói về điện chiêu sự đàn Nam Giao, ông đã viết rất kỹ về lịch sử nhưng lại chú thích đến hiện tại:
“Ở phía nam thành (nay là thôn Thịnh Yên, huyện Thọ Xương). Năm Đại Định thứ 13 triều Lý Anh Tông đắp gò đất hình tròn làm đàn ở cổng phía nam thành Đại La. Đến năm Quang Thuận triều Lê mới dựng tòa chính điện 3 gian, hai tòa giả vũ đông tây, mỗi tòa 7 gian. Các triều tiếp theo vẫn giữ như vậy. Năm Cảnh Trị thứ 4, điện được trùng tu dựng cột đá 4 góc, cột, xà, đầu đốc đều sơn son thiếp vàng, văn thần Hồ Sĩ Dương có soạn bài ký ghi chép lại sự việc. Tới đầu triều Gia Long đã phá dỡ đàn này lấy gạch đá để cung cấp cho việc xây thành, nhưng tòa chính điện và bia đá vẫn còn. Phía bên phải điện là đàn Phong Vũ, thờ thần vị của Phong bá, Vũ Sư và Lôi Thần, có tòa nhà ba gian, nay đã đổ nát, dân thôn sở tại lấp thành miếu để thờ phụng”.
Qua lời văn chúng ta cảm thấy một sự tiếc nuối khá rõ ràng. Không chỉ vậy, ngay tại di tích chùa Sùng Khánh Báo Thiên cũng có đoạn:
“Hồi Lê mạt, quân Tây Sơn phá hủy quả chuông này để đúc tiền, dỡ gạch đá để xây dựng chỗ khác, trên viên gạch nào cũng có in niên hiệu của vua Lý. Chùa ngày nay là do viên nguyên Đốc học họ Đặng dựa trên cơ sở chùa cũ mà tu sửa lại. Những tảng đá sanh còn lại , trên hình hoa sen là của bề mặt bên ngoài tháp. Có hình bát giác của bệ tháp. Cột của nó cao 5 – 6 thước, bề ngang 8 tấc. Hình hai con chim phượng ở bên trái tháp và hình đầu người trên đầu tháp đều là di vật của chùa cũ”. Ông đã nhấn mạnh việc chùa cũ đã mất đi, nếu đơn thuần là việc ghi chép như một sử gia thì chắc đã không có nhiều thông tin cụ thể chi tiết về từng nét kiến trúc của ngôi chùa đến như vậy.
Bên cạnh tâm trạng tiếc nuối về một Thăng Long xưa, Dương Bá Cung – một người Hà Nội – còn có những lời văn tự hào về một Thăng Long – Hà nội với bao danh lam thắng cảnh, lịch sử hào hùng và văn hóa đậm đà. Thể hiện điều này, hầu hết các địa danh của Thăng Long xưa, Hà Nội nay đều được nhắc đến trong Hà Nội địa dư những năm đầu thế kỷ của tác gia Dương Bá Cung.
Như vậy, tác phẩm Hà Nội địa dư cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tác phẩm đã cho chúng ta một cái nhìn khá toàn diện về thành Thăng Long xưa cũng như tỉnh Hà Nội thời Nguyễn. Với lối hành văn biền ngẫu, sự trích dẫn đầy đủ chi tiết về các địa danh, quá trình hình thành cũng như thay đổi, phát triển hoặc lụi tàn của từng vị trí, độc giả có thể thấy một tỉnh Hà Nội vô cùng sống động với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử đáng tự hào.
Phương pháp trình bày của Dương Bá Cung là theo từng mục một, mỗi mục trình bày đầy đủ một vấn đề và toàn diện trên nhiều khía cạnh như sự kiện lịch sử, kiến trúc, cấu trúc của địa danh rồi sau đó là sự phát triển, thay đổi. Khi tìm hiểu về mỗi một mục nào đó, gần như độc giả đã có một đáp án khá toàn diện và chi tiết. Đây cũng chính là một đặc điểm đáng quan tâm của không chỉ những người muốn tìm hiểu về Hà Nội mà còn là của những người am hiểu về tỉnh Hà Nội thời Nguyễn.
Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chúng ta đã và đang xây dựng Hà Nội thành một thủ đô văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên quan tâm tìm hiểu một Hà Nội xưa, để gìn giữ được các di sản văn hoá dân tộc và xây dựng một Hà Nội xứng tầm một thủ đô ngàn năm văn hiến.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mai Thông, Đặng Xuân Khanh, Thăng Long cổ tích, Khảo tịnh hội đồ, VHv.2471.
2. Thư viện Nghiên cứu Hán – Nôm, Hà Đông xã, trang, trại bạ, A.2800.
3. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 Hà Nội, Danh mục làng xã Hà Nội cuối thế kỉ XIX.
4. Viện Nghiên cứu Hán – Nôm, Hà Nội địa bạ, III.628.
5. Viện Nghiên cứu Hán – Nôm, Hà Đông toàn tỉnh, Tổng xã, thôn danh sách, VHv.1365.
Nguồn: Tạp chí Khoa học Đại học Sài Gòn, Số 22 – Tháng 8/2014
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Một góc nhìn về Hà Nội xưa qua tác phẩm Hà Nội Địa Dư của Dương Bá Cung (Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Ngọc Lan) |