Một số đặc điểm của đạo hiếu trong Phật giáo

SOME FEATURES OF FILIAL PIETY IN BUDDHISM

Tác giả bài viết: ĐINH THỊ GIANG
(Trường Đại học Y Dược – ĐH Thái Nguyên)

TÓM TẮT

     Phật giáo là một tôn giáo có nội dung sâu sắc, uyên thâm, luận bàn về nhân sinh quan và trên cơ sở đó tìm hướng giải thoát cho con người đó là con đường hoàn thiện đạo đức cá nhân trong đó có đạo Hiếu. Đạo Hiếu trong Phật giáo là quan niệm của Phật giáo về công ơn, cách báo ơn của con người đối với cha mẹ, chúng sinh, Quốc vương và Tam bảo trên con đường đi đến giải thoát. Trên cơ sở phân tích, so sánh giữa nội dung đạo Hiếu trong Phật giáo với đạo Hiếu Nho giáo, nghiên cứu đã rút ra một số đặc điểm của đạo Hiếu trong Phật giáo như sau: Thứ nhất, đạo Hiếu trong Phật giáo được xây dựng trên cơ sở luật nhân quả và thuyết luân hồi nghiệp báo; Thứ hai, đạo Hiếu trong Phật giáo có tinh thần bình đẳng và độ sinh rộng lớn hơn so với đạo Hiếu Nho giáo và đạo Hiếu truyền thống; Thứ ba, đạo Hiếu trong Phật giáo cách thực hành đạo Hiếu linh hoạt, không giáo điều, máy móc; Thứ tư, đạo Hiếu trong Phật giáo là một phương tiện của đạo đức cho sự giải thoát, trong đó cha mẹ và con cái trợ duyên cho nhau trong việc tu tập hướng đến sự giác ngộ và giải thoát trên con đường thực hành chính pháp của đức Phật; Thứ năm, con đường thực hành đạo Hiếu trong Phật giáo mang tính chất duy tâm, không tưởng.

Từ khóa: Đạo Hiếu; Phật giáo; đạo Hiếu trong Phật giáo; đạo Hiếu Nho giáo; đạo Hiếu truyền thống Việt Nam.

SUMMARY

     Buddhism is a religion of deep as well as profound content, discussing about human life and, based on that, to liberate people by showing them the path of perfecting personal morality, including Filial Piety. Filial Piety in Buddhism is the Buddhist concept of gratitude and favourreturn to parents, human beings, the King and the Three Refuges on the way to liberation. On the basis of analysis and comparison of the content of Filial Piety in Buddhism with the Filial Piety in Confucianism, this study obtained several features of Filial Piety in Buddhism as follows: Firstly, Filial Piety in Buddhism was built on basis of Law of Cause and Effect and the theory of Karma Retribution; Secondly, Filial Piety in Buddhism shows spirit of equality and forgiveness more than Filial Piety in Confucianism and traditional Filial Piety; Thirdly, Filial Piety in Buddhism is a flexible way of practicing Filial Piety, is not dogmatic or mechanical; Fourthly, Filial Piety in Buddhism is a means of morality for liberation, in which parents and children support each other in their practice towards enlightenment and liberation on the path of practicing the Dharma of Buddha; Fifthly, the path of practicing Filial Piety in Buddhism is idealistic and utopian.

Keywords: Filial Piety; Buddhism; Filial Piety in Buddhism; Filial Piety in Confucianism; Vietnamese traditional Filial Piety.

x
x x

1. Đặt vấn đề

     Phật giáo là một tôn giáo có nội dung sâu sắc và uyên thâm, luận bàn về nhân sinh quan và trên cơ sở đó tìm hướng giải thoát cho con người; đó là con đường hoàn thiện đạo đức cá nhân, trong đó có đạo Hiếu. Nội dung đạo Hiếu trong Phật giáo được nhiều học giả nghiên cứu công phu như cuốn Phật pháp của các tác giả Minh Châu, Hạnh Hiếu trong Đạo Phật của hòa thượng Thích Nhật Quang, Lý hoặc luận của Mâu Tử, trong bộ Tổng tập Văn học Phật giáo của Lê Mạnh Thát; Tư tưởng Hiếu đạo trong Phật giáo do Thích Nhuận Đạt dịch… Những công trình này đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phân tích những nội dung cơ bản của đạo Hiếu trong Phật giáo, đồng thời nhấn mạnh những yếu tố tích cực và ý nghĩa của đạo Hiếu trong Phật giáo. Mục đích cuối cùng của đạo Hiếu trong Phật giáo không chỉ dừng ở nhận thức mà còn hướng con người hành động theo “bát chính đạo”, nhằm giải thoát cho con người khỏi khổ đau trần thế, mang lại ổn định cho gia đình và xã hội. Đạo Hiếu trong Phật giáo bàn đến mọi mặt về đạo làm người một cách rất sâu sắc và bao quát, từ việc biết ơn và báo ơn cha mẹ trong gia đình và rộng hơn nữa là biết ơn và báo ơn Tổ quốc, đồng bào, nhân loại.

2. Giải quyết vấn đề

     Đạo Hiếu trong Phật giáo là quan niệm của Phật giáo về công ơn, cách báo ơn của con người đối với cha mẹ, chúng sinh, Quốc vương và Tam bảo trên con đường đi đến giải thoát. Mục đích cuối cùng của tư tưởng đạo Hiếu trong Phật giáo là giúp mọi người giải thoát, nên nội dung đạo Hiếu trong Phật giáo vừa mang nghĩa rộng vừa mang nghĩa hẹp, thể hiện không chỉ dừng trong phạm vi gia đình mà được mở rộng phạm vi tri ân, báo ân quốc gia xã hội và tất cả chúng sinh. Phẩm báo ân trong kinh Tâm địa quán nói rằng, ngoài ân cha mẹ, con người còn phải ân Tổ quốc, ân Tam Bảo và ân chúng sinh. Từ quan niệm trên, có thể rút ra một số đặc điểm về đạo Hiếu trong Phật giáo:

     Thứ nhất, đạo Hiếu trong Phật giáo được xây dựng trên cơ sở luật nhân quả và thuyết luân hồi nghiệp báo. Luật nhân quả hay luân hồi nghiệp báo của Phật giáo chỉ rõ: Con người là nguyên nhân của bản thân mình chứ không phải của Đấng sáng thế. Mầm sống mới được tạo bởi sự kết hợp tinh cha, huyết mẹ và năng lượng của nghiệp đã được tích lũy từ đời sống trước. Con người tạo nghiệp nhưng con người cũng có thể đổi nghiệp, có thể tạo nhân cho quả nghiệp trong tương lai. Quan niệm đạo Hiếu trong Phật giáo mang tính nhân bản sâu sắc với niềm tin vào sức mạnh con người. Đây là một tư tưởng tiến bộ trong bối cảnh phần lớn các tôn giáo trên thế giới như Thiên chúa giáo đều cho rằng có một thế lực siêu nhiên vô hình đã sáng tạo ra thế giới và chi phối sự vận hành của thế giới.

     Tuy nhiên, luật nhân quả, thuyết nghiệp báo luân hồi một mặt khuyến khích con người tăng cường hành động thiện lành, hạn chế hành động xấu để đổi hướng nghiệp lực, mặt khác thuyết này cũng đẩy con người tới chỗ tin rằng có số phận. Điều này vô hình chung là lời bào chữa cho tội lỗi của giai cấp thống trị, trút hết mọi trách nhiệm cho cá nhân con người.

     Thứ hai, vì đạo Hiếu trong Phật giáo được xây dựng trên cơ sở thuyết luân hồi và nghiệp báo nên có tinh thần bình đẳng và độ sinh rộng lớn hơn so với đạo Hiếu Nho giáo và đạo Hiếu truyền thống. Nếu như đạo Hiếu Nho giáo và đạo Hiếu truyền thống chỉ nói đến thực hành đạo Hiếu đối với cha mẹ hiện tại, đối với nhân dân nói chung, thì Phật giáo cho rằng cần phải báo hiếu cha mẹ trong ba đời, chúng sinh trong sáu đường. Bởi vì, trong lý nhân duyên của Phật giáo cho rằng vòng luân hồi là vô thủy vô chung, vô cùng vô tận. Hết thảy chúng sinh từ vô lượng kiếp có thể đã là quyến thuộc của nhau, có những mối lương duyên từ tiền kiếp đã gắn bó họ với nhau vì chúng sinh luôn luân hồi sinh tử bất tận và tùy theo nghiệp thiện hay nghiệp ác của kiếp trước mà chúng sinh được sinh vào một trong sáu đường (Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, Atula, Người, Trời). Nếu được sinh vào cõi người hay cõi trời, thì chúng sinh trong ba đường lành cũng có thể là cha mẹ của chúng ta. Nếu như bị trầm luân trong ba đường ác thì chúng sinh trong ba đường ác cũng có thể là cha mẹ của chúng ta. Hoặc cha mẹ trong đường lành ở quá khứ, do nghiệp ác lôi kéo nay phải đọa vào đường ác chịu khổ, hoặc là cha mẹ trong đường ác ở quá khứ, quả báo chấm dứt nay sinh vào cõi người đều là cha mẹ của ta. Do đó, tất cả chúng sinh đều có thể là cha mẹ quyến thuộc trong nhiều đời nhiều kiếp của mình: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị trong cõi luân hồi sinh tử” [1]. Khi nhìn thấy đống xương khô, đức Phật vái lạy đống xương khô và dạy rằng: “Đống xương khô ấy, hoặc là ông bà, hay là cha mẹ, thân trước của ta, ngàn muôn kiếp trước, đời đã cách xa, bởi thế ta nay, chí thành kính lễ” [2, tr. 223]. Do vậy, ngoài báo ân cha mẹ hiện tại, con người cũng cần báo ân “chúng sinh” trong sáu đường. Một trong những cách thực hành đạo Hiếu trong Phật giáo là không sát sinh vì nếu sát sinh thì vô tình sát sinh chính cha mẹ đời trước của mình. Tư tưởng này của đạo Hiếu trong Phật giáo có hạn chế là không phù hợp với thực tế nhu cầu cuộc sống của con người, nhưng cũng có giá trị, coi tất cả chúng sinh đều bình đẳng về sinh tồn, yêu thương và bồi dưỡng tấm lòng từ bi cho tất cả mọi người.

     Phật giáo ra đời trong phong trào phản đối chế độ phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt và sự thống trị của Bàlamôn giáo. Đức Phật Thích Ca đã làm một cuộc cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng khi tuyên bố “không có đẳng cấp trong máu cùng đỏ và trong nước mắt cùng mặn”. Ông gom thế giới hữu tình trong hai chữ “chúng sinh” khi nói: Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành, mọi chúng sinh đều có khả năng thành Phật không phân biệt đẳng cấp. Với tinh thần bình đẳng, đạo Hiếu trong Phật giáo coi tất cả chúng sinh đều được yêu thương và tinh thần này một mặt thể hiện niềm tin, tình thương vô hạn đối với con người, mặt khác cũng là một kiểu phản kháng thực tại chế độ phân biệt đẳng cấp khắc nghiệt.

     Thứ ba, nét đặc thù của đạo Hiếu trong Phật giáo so với đạo Hiếu Nho giáo là cách thực hành đạo Hiếu linh hoạt, không giáo điều, máy móc. Theo Nho giáo, người xuất gia là những người bất hiếu với cha mẹ vì họ không lập gia đình, không sinh con trai để nối dõi dòng tộc và không giữ gìn thân thể cha mẹ ban cho: “Thân thể, tóc da là do cha mẹ ban cho, nhọc nhằn nuôi nấng, nên người con hiếu phải biết chăm sóc giữ gìn, không được hủy hoại hay để tổn thương. Nay Sa-môn cắt tóc, phải chăng trái với lời của Thánh nhân, không hợp với đạo của người con hiếu?” [3, tr. 182]. Tội bất hiếu của Nho giáo có ba điều trong đó không có con nối dõi là tội nặng nhất [4, tr. 9]. Nhưng đối với Phật giáo, phàm làm con, bất luận là người xuất gia hay tại gia, đều có thể đền đáp trọn vẹn công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Dựa trên quan điểm đạo Hiếu trong Phật giáo, Mâu Tử khẳng định “Ở nhà có thể dùng thờ cha mẹ, làm chủ nước có thể dùng để trị dân, sống một mình có thể dùng để sửa thân” [3, tr. 179]. Qua đây có thể thấy rõ, cách thực hành đạo Hiếu trong Phật giáo linh hoạt, không hà khắc, giáo điều như đạo Hiếu trong Nho giáo.

     Thứ tư, đạo Hiếu trong Phật giáo là một phương tiện của đạo đức cho sự giải thoát, trong đó cha mẹ và con cái trợ duyên cho nhau trong việc tu tập hướng đến sự giác ngộ và giải thoát trên con đường thực hành chính pháp của đức Phật. Nghĩa là đạo Hiếu trong Phật giáo trang bị cho cha mẹ và con cái đầy đủ giới, định, tuệ để cùng hướng đến giải thoát. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa đạo Hiếu trong Phật giáo và đạo Hiếu trong Nho giáo. Qua đó có thể thấy rõ: “Tinh thần giáo dục của đức Phật không chỉ một chiều, mà đó là sự đối lưu của ít nhất 2 trị số con người trong quan mối quan hệ vừa đạo đức và giáo dục. Nếu các bậc cha mẹ sinh con cái không vì sự thỏa mãn các khoái lạc giác quan, mà thể hiện tinh thần trách nhiệm và giáo dục cao độ cho con cái trưởng thành về thể chất, thể trí và sống vững vàng trong xã hội thì đổi lại người con cũng phải có trách nhiệm đạo đức đối với hai đấng sinh thành ra mình, nuôi nấng mình trưởng thành và trở nên hữu dụng cho bản thân và xã hội. Các bậc cha mẹ phải có lòng thương tưởng đến con cái theo năm cách: (1) ngăn chặn con cái làm việc ác, (2) khuyên dạy con cái làm việc thiện, (3) tạo dựng nghề nghiệp cho con cái, (4) tạo dựng gia thất cho con cái, (5) truyền trao gia tài cho con cái đúng thời. Sự hiếu thảo của người con như vậy được trình bày qua 5 trách nhiệm đạo đức sau đây: Có năm trường hợp người con phải phụng dưỡng cha mẹ, đó là, (1) tôi sẽ nuôi dưỡng cha mẹ, (2) tôi sẽ làm tròn bổn phận đối với cha mẹ, (3) tôi sẽ giữ gìn danh dự gia đình và truyền thống, (4) tôi sẽ bảo vệ tài sản thừa tự, (5) tôi sẽ lo chu toàn tang lễ của cha mẹ đúng pháp” [5, tr. 96-98]. Điều này có giá trị rất lớn trong xã hội hiện nay khi nhiều bậc cha mẹ sinh con ra nhưng bỏ rơi máu mủ của mình và ngược lại, nhiều người con không thấy công lao của cha mẹ, bỏ rơi đấng sinh thành ra chính mình.

     Như vậy, người con hiếu thảo theo quan điểm Phật giáo không phải là người con “cha mẹ đặt đâu ngồi đó” như trong Nho giáo. Đối với người làm con trong Nho giáo, ngoài không được làm trái ý cha mẹ, còn phải biết che dấu những lỗi lầm của cha mẹ mình. Quy tắc này cũng có ý nghĩa khiến cha mẹ được vui lòng; tuy nhiên, hạn chế của quy tắc ấy là dẫn người con đến chỗ ngu hiếu. Bởi vậy, khi Diệp Công (tướng công cai trị huyện Diệp nước Sở) kể về tấm gương của một người ngay thẳng ở xóm mình khi cha bắt trộm dê mà con đi tố cáo, Khổng Tử đã trả lời rằng: “cha che lỗi cho con, con che lỗi cho cha, tình ngay thẳng ngụ trong đó rồi”. Điều này có nghĩa là, khi tình riêng và phép nước xuất hiện mâu thuẫn, thì phận làm con cần phải đặt tình riêng lên trước, coi tình nhà cao hơn phép nước.

     Thứ năm, con đường thực hành đạo Hiếu trong Phật giáo mang tính chất duy tâm, không tưởng; bởi vì đạo Hiếu trong Phật giáo chủ yếu giúp bố mẹ được giải thoát mà ít hướng cha mẹ đến phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội. Người con giúp cha mẹ như thế nào? Phật giáo cho rằng, đối với cha mẹ đã biết Phật pháp thì phận làm con chỉ cần noi gương cha mẹ mà tu tập cho tinh tấn. Đối với cha mẹ chưa biết Phật pháp, người con hiếu thảo ngoài việc hoàn thiện nhân cách đạo đức, tìm con đường giác ngộ, giải thoát cho chính mình, còn phải biết khéo léo hướng dẫn cha mẹ quy y Tam bảo, giữ Ngũ giới, nghe Phật pháp, khuyên cha mẹ làm lành lánh ác, giữ giới, ăn chay, niệm Phật, loại trừ các nghiệp ác, để cha mẹ có thể tự mình an lạc và giải thoát. “Nếu cha mẹ ương ngạnh, si mê tà kiến, không tin Tam Bảo, hung hiểm bạo ngược, tàn ác bất nhân, gây nhiều nghiệp dữ, người con có hiếu phải biết khuyên can cha mẹ, khiến sinh tín tâm, quay về chính đạo, gần gũi bạn lành, mở lòng bồ-đề, tu thiền niệm Phật, làm cho cha mẹ thường được an ổn” [6, tr. 141].

     Điều này gắn liền với hạn chế trong tư tưởng giải thoát của Phật giáo, vì nếu tất thảy giải thoát, không còn tái sinh, không còn tồn tại, không còn loài người nữa. Như vậy, đạo Hiếu trong Phật giáo không gắn với cơ sở kinh tế – xã hội, không thấy được đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy phát triển xã hội, giúp con người sống thiện với nhau.

     Mặt khác, để thực hành đạo Hiếu, Phật giáo khuyên con người phải sống tu dưỡng đạo đức, phải từ bi, hỷ, xả. Tinh thần từ bi với hết thảy chúng sinh khiến con người không dám đấu tranh để giải phóng cho mình. Việc đề cao sự nhẫn nhục chịu đựng là một khía cạnh hạn chế của đạo Hiếu trong Phật giáo. Về điểm này, Phật giáo là một tôn giáo duy tâm và cũng giống với các tôn giáo khác, nhiều khi nó bị lợi dụng, trở thành thế lực tinh thần ngăn cản những nỗ lực thực tiễn nhằm thay đổi cuộc sống bằng chính bàn tay và khối óc của con người.

     Đạo Hiếu trong Phật giáo thể hiện trọn vẹn cả hai phương diện hiếu dưỡng vật chất và hiếu dưỡng tinh thần đối với cha mẹ. Tuy nhiên, báo hiếu cha mẹ theo Phật giáo không chỉ đơn thuần báo hiếu cha mẹ đời sống vật chất, tiền bạc, sự cung phụng và vâng lời, mà còn hướng đến đời sống đạo đức và trí tuệ của cha mẹ, giúp cha mẹ an lạc và hạnh phúc trong chính pháp của Đức Phật. Việc hiếu dưỡng cha mẹ về đời sống tinh thần là mục tiêu giáo dục của Phật giáo, cũng là điểm vượt trội của Phật giáo so với đạo Hiếu truyền thống Việt Nam cũng như đạo Hiếu trong các tôn giáo và học thuyết khác từ trước đến nay.

3. Kết luận

     Tóm lại, những đặc điểm nêu trên cho thấy, đạo Hiếu trong Phật giáo có những mặt tích cực song cũng không thoát khỏi những hạn chế nhất định của một tôn giáo. Những giá trị của đạo Hiếu giúp Phật giáo dần dần đã trở thành một tôn giáo thế giới, có sức hấp dẫn với một phần không nhỏ của nhân loại. Tuy nhiên, trước sự bùng nổ của các tôn giáo khác cùng với sức ép của sự phát triển xã hội đã buộc nó phải đổi mới để thích nghi và phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Kinh “Tương ưng”, http://www.budsas.org.

[2]. Kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân, Nxb Tôn giáo, 2011.

[3]. Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Tập 1, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.

[4]. Cao Vọng Chi, Đạo hiếu trong Nho gia, Nxb Chính trị Quốc gia, 2014.

[5]. Thích Nhật Từ, “Đạo hiếu của Phật giáo qua kinh Thiện sinh”, Tạp chí nghiên cứu Phật học, T. 5, tr. 7-12, 2009.

[6]. Kinh Mục Liên sám pháp, Nxb Hồng Đức, 2016.

Nguồn: Tạp chí Khoa học & Công nghệ Đại học Thái Nguyên,
205(12): 97 – 101, 09/2019

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Một số đặc điểm của đạo hiếu trong Phật giáo (Tác giả: Đinh Thị Giang)