Một số đặc điểm NGÔN NGỮ trong GIAO TIẾP CÔNG VỤ (Qua văn bản quản lí Nhà Nước) – Phần 1
TẠ THỊ THANH TÂM
(TS, Học viện Hành chính Quốc gia TP Hồ Chí Minh)
1.
Do nhiều lí do khác nhau, nhiều lĩnh vực giao tiếp trong tiếng Việt hiện đại bao gồm cả các nghi thức giao tiếp chung, giao tiếp chuyên biệt, giao tiếp trang trọng, giao tiếp thân mật, v.v. cả trên bình diện lí thuyết lẫn thực hành chưa được minh định và phân giới một cách minh bạch. Giao tiếp công vụ vừa có một số đặc điểm chung giống như các loại hình giao tiếp khác, vừa có những đặc điểm có tính chất đặc thù. Trước đây, một số công trình phong cách học của Cù Đình Tú (2001), Đinh Trọng Lạc (2001),… bước đầu đã chỉ ra được một số đặc điểm ngôn ngữ của nó; Nguyễn Văn Khang và một số người khác (2002) xem xét từ góc độ giao tiếp hành chính, cũng đã xác lập được một số đặc điểm trong và ngoài ngôn ngữ; Tạ Thị Thanh Tâm đã có một số bài viết về các loại hình giao tiếp, lịch sự trong giao tiếp (2006, 2009), giao tiếp gắn với quyền lực (2012), một số giải pháp về chính tả trong văn bản hành chính (VBHC) (2014),… Tuy nhiên, giao tiếp công vụ là một đề tài khá rộng không chỉ bó hẹp trong phạm vi ngôn ngữ, vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu cả trên bình diện khái quát cũng như những vấn đề cụ thể.
1.1. Có thể lưỡng phân thành hai loại hình giao tiếp: công vụ và phi công vụ. Đương nhiên, cùng một đối tượng, xuất phát từ những tiêu chí khác nhau, mục đích khác nhau có thể có những cách phân loại khác nhau. Ở đây, giao tiếp công vụ được hiểu là giao tiếp trong công sở, bao gồm cả hình thức diễn ngôn nói và diễn ngôn viết và như vậy có sự đối lập giữa công sở và ngoài công sở. Thực ra, đây cũng chỉ là một cách hình dung, nếu mở rộng phạm vi giao tiếp, coi chúng như những loại hình giao tiếp bình đẳng với nhau thì giao tiếp công vụ chỉ là một trong những tiểu loại hình giao tiếp.
1.2. Đi tìm đặc điểm của ngôn ngữ giao tiếp công vụ, không thể không chú ý đến các đặc điểm của hoạt động này bên cạnh đặc điểm của thể chế chính trị, đặc điểm của văn hoá dân tộc và quá trình hình thành của nền hành chính. Chẳng hạn như, một số nhược điểm của nền hành chính hiện nay có thể là kết quả của nền công vụ còn non trẻ; việc xưng hô thân tình, việc xuất hiện các lệnh miệng, thư tay hành chính… về mặt sâu xa, có thể bắt nguồn từ dấu vết của văn hoá gia đình, làng xã.
1.3. Đặc điểm ngôn ngữ của giao tiếp công vụ không phải là một tập hợp khép kín, thực ra chúng còn bị chi phối bởi các nhân tố ngữ dụng. Thoạt nhìn, dễ nhận diện như là các yếu tố ngoại vi, nhưng thực ra chúng lại có sức chi phối rất mạnh mẽ, thậm chí có ý nghĩa quyết định đến nhiều phương diện của giao tiếp công vụ. Và đặc điểm ngôn ngữ bao gồm nhiều cấp độ, từ ngữ âm, chữ viết, từ vựng đến tổ chức văn bản, ở mỗi một cấp độ như vậy lại bao gồm rất nhiều đặc điểm phức tạp. Bài viết này chỉ khảo sát giao tiếp công vụ thông qua các văn bản quản lí nhà nước (VBQLNN) – một loại phương tiện có tính đặc thù và tiêu biểu trong môi trường công vụ – cần sớm được hình thành các chuẩn tắc và ở các cấp độ ngôn ngữ chúng tôi chỉ tập trung phân tích một số yếu tố có tính chất nổi trội.
2.
VBQLNN là loại văn bản do các cơ quan có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục được pháp luật quy định nhằm truyền đạt các thông tin và các quyết định trong hoạt động quản lí giữa các cơ quan nhà nước với nhau, hoặc giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức và công dân. Quyết định trong hoạt động quản lí ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các chủ trương, các chính sách, các biện pháp lớn và cũng có thể là những quyết định cụ thể trong những trường hợp cụ thể và được ràng buộc bởi trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi trong một thể chế nhất định.
Theo một số quy định trước kia, để chỉ tất cả các loại văn bản trên, người ta hay gọi chung là VBHC. Tuy nhiên, nội hàm và ngoại diên của thuật ngữ này không bao quát hết được sự phong phú và đa dạng của các loại VBQLNN hữu quan. Đó là chưa kể theo cách nhận diện hiện nay, VBHC chỉ là một trong những hệ thống văn bản con thuộc một hệ thống lớn hơn: hệ thống văn bản quản lí nói chung, VBQLNN nói riêng.
Về lí thuyết, VBQLNN là loại văn bản mà theo cách nhìn của Roman Jakobson chủ yếu thực hiện chức năng nhận thức và tác động, theo trào lưu của phân tích diễn ngôn hiện đại thì chúng chủ yếu thực hiện chức năng giao dịch, còn theo quan điểm của ngữ pháp chức năng hệ thống, chúng có ngữ vực là luật pháp và hành chính, với trường diễn ngôn khá rộng bao gồm các hoạt động công vụ, thức diễn ngôn chủ yếu là văn bản viết và quan hệ diễn ngôn là quan hệ giữa các tham thể mang tính trung tính và khách quan.
Theo một cách hình dung phổ biến, VBQLNN được phân chia thành 2 hệ thống lớn gồm: (a) VB quy phạm pháp luật và (b) VB phi quy phạm pháp luật.
(a) là những VB chứa đựng quy tắc xử sự chung do nhà nước quy định và thừa nhận, được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp cần thiết, loại này bao gồm (i) VB luật như Hiến pháp, luật, các bộ luật do Quốc hội ban hành và (ii) VB dưới luật lại bao gồm hai tiểu hệ thống: VB dưới luật mang tính chất luật, nghĩa là loại VB này về tính hiệu lực thì có giá trị pháp lí thấp hơn luật, nhưng về mặt tính chất vẫn trực tiếp đặt ra các quy phạm pháp luật như pháp lệnh của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nghị quyết của Quốc hội, uỷ ban Thường vụ Quốc hội…; VB dưới luật lập quy (hay còn gọi là VB pháp quy), loại VB này có chức năng cụ thể hoá, chi tiết hoá và hướng dẫn thực hiện VB luật và VB dưới luật mang tính chất luật vừa nhắc bên trên, bao gồm nghị định của chính phủ, quyết định của Thủ tướng chính phủ, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ…, nghị quyết của HĐND các cấp, quyết định, chỉ thị của UBND các cấp…
(b) là các VB không chứa đựng các quy tắc xử sự chung, loại này bao gồm (i) VB hành chính cá biệt như quyết định, chỉ thị, nghị quyết… và (ii) VBHC thông thường như công văn, báo cáo, giấy mời…
Như vậy, VBQLNN là một tập hợp bao gồm nhiều thể loại rất phức tạp. Ngay cả hệ thống VBHC thông thường có chức năng giao dịch giữa các cơ quan, đơn vị đã bao gồm nhiều thể loại như công văn, thông báo, tờ trình, biên bản… Ở mỗi một thể loại như vậy lại có thể tiếp tục phân xuất thành những loại nhỏ hơn như công văn chỉ đạo, công văn đôn đốc nhắc nhở, công văn hướng dẫn, công văn giải thích, công văn hỏi ý kiến, công văn trả lời, công văn đề nghị, công văn mời họp… Nhưng xét về mặt ngôn ngữ, tất cả các loại hình VB đều phải đạt được những chuẩn mực chung.
3.
Như đã nói, từ miêu tả đến xây dựng các đặc điểm ngôn ngữ của giao tiếp công vụ nói chung, giao tiếp công vụ thông qua các VBQLNN nói riêng, chúng ta không thể không chú ý đến các nhân tố chi phối.
3.1. Tính pháp lí
Tính pháp lí chỉ ra rằng, VBQLNN phải bảo đảm được tính hợp pháp, hợp hiến, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan ban hành cũng như hiệu lực, phạm vi áp dụng của chúng, tất cả đều phải rõ ràng. Nói cách khác, một trong những yêu cầu cơ bản đối với VBQLNN, dù thuộc phạm vi quy phạm hay phi quy phạm đều phải bảo đảm các yêu cầu về mặt quyền lực theo luật định (tính ± bắt buộc).
3.2. Tính khách quan
Tính khách quan không chỉ là đặc điểm chi phối của riêng VBQLNN. Tuy nhiên, đây là yêu cầu có tính chất cốt tử của loại VB này bởi mục đích và chức năng quản lí của nó. Một VBQLNN ra đời trước hết là do yêu cầu khách quan của hoạt động công vụ, kế đến việc áp dụng cũng phải tuân thủ theo những nguyên tắc khách quan. Tính khách quan của VBQLNN đòi hỏi các chuẩn mực luật pháp cả về phương diện nội dung cũng như hình thức phải được đáp ứng đầy đủ.
3.3. Tính đơn nghĩa
Tính đơn nghĩa là hệ quả của tính pháp lí và tính khách quan. Bởi ở đây phải thể hiện được tính mục đích của quản lí cũng như tính phi biểu cảm, phi cá thể. Chỉ trên cơ sở đơn nghĩa, tức một cách hiểu duy nhất trong mọi ngữ cảnh, thì VBQLNN mới bảo đảm được nguyên tắc pháp lí, trung tính và khách quan.
3.4. Tính khuôn mẫu
Theo ngôn ngữ học tri nhận, mọi giao tiếp ngôn từ đều phải dựa vào các lược đồ tồn tại trong bộ não của con người. VBQLNN về mặt sâu xa cũng không tách rời khỏi nguyên lí này. Tuy nhiên, tính khuôn mẫu của VBQLNN chủ yếu là về mặt hình thức và thiên về cấu trúc nổi. Chúng bị chi phối bởi nguyên tắc thống nhất chung, lại được sử dụng nhiều lần và áp dụng cho tất cả mọi chủ thể liên quan.
Có thể nhận xét, hai đặc điểm đầu thuộc về nội dung, hình thành trên cơ sở đặc trưng quyền lực, tuy xuất phát từ những yếu tố phụ trợ, nhưng chúng lại là những nhân tố chi phối, một mặt có tính chất khu biệt với các loại hình giao tiếp khác, mặt khác làm nên sự ràng buộc có giá trị ứng xử chung. Hai đặc điểm sau lại là có tính chất nội tại, nghiêng hẳn về mặt hình thức và ngôn ngữ.
Còn tiếp:
Mời xem: Một số đặc điểm NGÔN NGỮ trong GIAO TIẾP CÔNG VỤ (Qua văn bản quản lí Nhà Nước) – Phần 2