Một số đặc điểm NGÔN NGỮ trong GIAO TIẾP CÔNG VỤ (Qua văn bản quản lí Nhà Nước) – Phần 2

TẠ THỊ THANH TÂM
(TS, Học viện Hành chính Quốc gia TP Hồ Chí Minh)

4.

Từ tất cả những điều được minh định bên trên, đến đây chúng tôi tiếp tục bàn về một số đặc điểm ngôn ngữ.

4.1. Ngữ âm, chữ viết, chính tả

     Như đã nói, VBQLNN chủ yếu tồn tại dưới hình thức VB viết, tuy nhiên cũng có không ít trường hợp VB được chuyển tải dưới hình thức đọc hoặc nói. Trong những trường hợp này, vấn đề chuẩn ngữ âm không được đặt ra mà quan trọng hơn là chuẩn chữ viết. Nói cách khác, diễn ngôn nói có thể chấp nhận các biến thể ngữ âm địa phương, tức các giọng phương ngữ, nhưng diễn ngôn viết phải tuân thủ chuẩn chính tả một cách nghiêm ngặt.

     VD: Trong việc triển khai các VBQLNN, với một số cách nói / đọc theo phương ngữ có thể không phân biệt thanh hỏi, thanh ngã, cách thể hiện của âm đệm không được rõ ràng, không có sự phân biệt giữa l- / n-, –n / –ng, –t / -c…, nhưng khi thể hiện bằng chữ viết thì các thế đối lập trên đây phải được bảo đảm một cách tuyệt đối.

     Cách viết hoa các tên riêng bao gồm tên người, tên đất tiếng Việt cũng như vay mượn đều phải thể hiện tính minh xác và nhất quán. Như chúng ta đều biết, trong VBQLNN cũng hay xuất hiện nhiều tắt tố. Hiện nay, việc xử lí hệ thống này chưa thể nói được là khoa học. Dễ thấy, VBQLNN do nhiều cơ quan ban hành hay xuất hiện nhiều dạng thức chính tả rất khác biệt nhau, thậm chí ngay trong cùng một văn bản, do một cơ quan ban hành cũng xảy ra tình trạng ấy. Điều này không chỉ riêng trong VBQLNN, nhưng hiển nhiên, yêu cầu về chuẩn chính tả đối với loại văn bản này nghiêm ngặt và cấp bách hơn rất nhiều.

     Bức tranh về tình trạng viết hoa khá tự do các địa danh hành chính có yếu tố số là một trong những minh chứng thuyết phục cho nhận định trên [xem thêm 11].

      4.2. Từ vựng

     VBQLNN thường xuất hiện nhiều thuật ngữ, nhưng nếu như trong văn bản khoa học, thuật ngữ có thể là thuần Việt, có thể là vay mượn, thậm chí tuỳ theo ngữ vực, thuật ngữ vay mượn có phần lấn át, thì trong loại văn bản đang khảo sát, không có tình trạng này. Hệ thống thuật ngữ chủ yếu được xây dựng trên cơ sở tiếng Việt, nhiều nhất là các từ ngữ gốc Hán. Do đặc điểm của lớp từ ngữ này có cấu tạo chặt chẽ, có nghĩa khái quát, lại trang trọng về mặt phong cách, cho nên rất phù hợp với cấu trúc và chức năng của thuật ngữ quản lí. Trong xu thế hội nhập, VBQLNN cũng vay mượn một số thuật ngữ, nhưng chủ yếu là thông qua con đường phỏng dịch ngữ nghĩa, như quan hệ công chúng (Public Relation), hành chính công (Public Administration), chính sách công (Public policy),…

     Ngoại trừ thuật ngữ, từ vựng trong bất kì hệ thống văn bản nào cũng đều có nhiều nghĩa. Tuy nhiên, trong VBQLNN cũng như văn bản khoa học, trong tương tác với ngữ cảnh thường chỉ một trong số các nghĩa của từ ngữ phi thuật ngữ được hiển lộ. Đối với các khái niệm quan trọng, có thể đó là các từ khoá của một VBQLNN, thường người ta phải xác định nội hàm, ngoại diên của chúng một cách rõ ràng thông qua các hình thức định nghĩa.

     Ví dụ: Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. (điều 2, Luật viên chức, 2010). Hay: Công tác phí là khoản chi phí để trả cho người đi công tác trong nước bao gồm: tiền phương tiện đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở nơi đến công tác, cước hành lí, tài liệu mang theo để làm việc (nếu có). (khoản 2, điều 1, Thông tư số 97/2010/TT-BTC Quy định chế độ công tác phí…).

     Xuất phát từ nguyên tắc thống nhất, đơn nghĩa, nếu không có những yêu cầu cụ thể như quy định về nghề nghiệp, nhìn chung hệ thống từ vựng của VBQLNN không xuất hiện lớp từ có phạm vi sử dụng hạn chế như phương ngữ, biệt ngữ, tiếng lóng và cả các từ láy miêu tả. Cũng xuất phát từ các yêu cầu này, VBQLNN chấp nhận sự lặp lại, đôi khi với tần suất rất cao. Ví dụ: Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ. (Khoản 2, điều 8, Luật Giao thông đường bộ 2008).

     Hiển nhiên, trong môi trường không phải là VBQLNN, việc lặp lại dày đặc từ ngữ trái phép như trên là quá dư thừa, nhưng trong văn bản đang xét lại hết sức cần thiết và bình thường.

     Hơn nữa, tuy không phải là một yêu cầu có tính chất bắt buộc, hệ thống từ ngữ trong VBQLNN luôn thay đổi để phù hợp với khả năng biểu đạt của thời đại. Hãy so sánh cách dẫn giải khái niệm bình đẳng trong ba hiến pháp được trích sau đây:

     a. – “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, tôn giáo” (điều 1).

– “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (điều 9).

– “Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền…” (điều 18) (Hiến pháp 1946).

     b. Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, không phân biệt dân tộc, nòi giống, nam nữ, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tình trạng tài sản, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ hai mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử, trừ những người mất trí và những người bị Toà án hoặc pháp luật tước quyền bầu cử và ứng cử. (điều 23).

     Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.

     Cùng việc làm như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới. Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương.

     Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ, nhà giữ trẻ và vườn trẻ. (điều 24) (Hiến pháp 1959).

 c. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. (điều 52).

     Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật. (điều 54).

     Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình.

     Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

     Lao động nữ và nam việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau. Lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản. Phụ nữ là viên chức Nhà nước và người làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định của pháp luật. (điều 63) Hiến pháp 1992, sửa đổi 2001).

     So sánh cách dùng hệ từ ngữ cùng biểu đạt một trường diễn ngôn xuất hiện trong ba văn bản Hiến pháp ở những thời đoạn khác nhau, rõ ràng là cách định danh và giải thích nội hàm và ngoại diên của chúng phù hợp với ngôn ngữ thời đại và càng ngày càng được chính xác hoá, cụ thể hoá. Quả nhiên, yêu cầu này suy cho cùng cũng xuất phát từ yêu cầu rõ ràng, đơn nghĩa của ngôn ngữ VBQLNN nói chung.

     Hiện nay, bên cạnh việc sử dụng các từ ngữ xưng hô có tính chất gia đình trong diễn ngôn nói, còn có một tình trạng là, xét về mặt chức năng, có một số văn bản thuộc hệ thống điều hành nhà nước, nhưng vấn đề xưng hô trong quy thức trình bày lại được sử dụng như VB của tổ chức đảng, đoàn thể.

     Ví dụ:

     Đề nghị đồng chí quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các công việc nêu trên để góp phần thực hiện tốt Luật Bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. (Công văn đề nghị).

     Vấn đề ở đây không thuần tuý là ngôn từ, mà thực chất nó thể hiện việc sử dụng quyền lực không đúng với từng hệ thống.

     4.3. Cú pháp

     Việc hay dùng biện pháp danh hoá, một biện pháp mà ngữ pháp chức năng gọi là ẩn dụ ngữ pháp, có thể nói là một đặc điểm nổi bật của VBQLNN. Sự xuất hiện của chúng, làm cho sự diễn đạt vừa chặt chẽ, vừa có tính trang trọng, nhưng về mặt sâu xa ít nhiều cũng bị chi phối bởi môi trường quyền lực, nhất là khi gắn với loại câu mệnh lệnh.

     Ví dụ: Việc tuyển dụng viên chức quy định tại Nghị định này thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển và được thực hiện theo hình thức hợp đồng. (Nghị định).

     Một đặc điểm dễ thấy khác về mặt cú pháp là câu khuyết chủ ngữ được dùng khá phổ biến. Điều này nói lên rằng, trong các quan hệ đối xứng và phi đối xứng, do môi trường hành chính ràng buộc, tất cả các bên tham thoại đều muốn trung tính hoá phương tiện ngôn ngữ. Tuy nhiên, nghiêm ngặt hơn, ngoại trừ những nghi thức chúc mừng, cảm ơn ở cuối các văn bản công văn giao dịch, còn nhìn chung loại câu này chủ yếu xuất hiện trong các văn bản chỉ đạo của cấp trên đối với cấp dưới. Thậm chí, tần suất của chúng rất cao trong các văn bản mà cấu trúc của nó được phân chia thành những điều khoản. Thoạt nhìn, vấn đề chỉ thuộc về đặc trưng tiết kiệm của ngôn ngữ, nhưng thực ra cũng là do sự chi phối của quyền lực. Nói cụ thể, cơ quan nào chỉ đạo cơ quan nào, tương quan vị thế hành chính của họ ra sao mới có thể được sử dụng kiểu mô hình này.

     Ví dụ: Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Giám đốc các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã triển khai và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, định kì 06 tháng, 01 năm báo cáo kết quả về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. (Chỉ thị).

     Xét về mặt mục đích phát ngôn, cũng như xét về mặt hành động ngôn từ, câu cầu khiến trong chỉ đạo của cấp trên đối với cấp dưới được thể hiện trực tiếp trên bề mặt câu chữ của VBQLNN, một đặc điểm rất ít xuất hiện trong môi trường phi hành chính.

     Ví dụ: Các Khoa, Phòng, Ban, các cán bộ, giáo viên và sinh viên có trách nhiệm thực hiện đúng quy chế thực tập và hoàn thành tốt các phần việc được phân công. (Công văn chỉ đạo).

     Trong khi đó ở chiều hướng ngược lại, tức cấp dưới đối với cấp trên vẫn là câu cầu khiến, nhưng lại được mềm hoá bởi các cấu trúc mở rộng bên ngoài lõi của câu. Đặc biệt với sự xuất hiện của đồng chủ ngữ theo trật tự: chủ ngữ hành chính + chủ ngữ nhân xưng, ví dụ: UBND Quận Tân Bình chúng tôi, Khoa Tài chính Ngân hàng chúng tôi, Công tiviệt Tiến chúng tôi… Có thể người soạn thảo ý thức về vị thế hành chính thấp hơn, nên họ thường xuyên sử dụng biện pháp này. Thực ra, đây là vấn đề phức tạp và tế nhị liên quan đến vấn đề xưng hô trong VBQLNN. Do đại từ nhân xưng tiếng Việt phần lớn là danh từ thân tộc, nên chúng không có được tính trung hoà, khách quan như đại từ nhân xưng trong ngôn ngữ châu Âu. Việc sử dụng chúng tôi (trong thế đối lập với chúng ta) ở các ngữ đoạn đồng chủ thể bên trên góp phần làm trung tính hoá mối quan hệ phi cân xứng này. Theo chúng tôi, có lẽ lí tưởng nhất là nên định danh theo phương thức hoán dụ, trong trường hợp này là dùng tên cơ quan thay cho chủ thể.

     Nhìn một cách khái quát, VBQLNN thường xuất hiện nhiều loại câu phức được cấu trúc hoá theo nhiều tầng bậc, không kể phần thể thức, đôi khi văn bản có thể do một câu đảm nhiệm. Cấu trúc của câu, độ dài / ngắn của câu trong VBQLNN còn lệ thuộc vào sự phân đoạn nội dung của văn bản. Chẳng hạn, để xác định chức năng hoặc nhiệm vụ trong những điều khoản cụ thể, với sự xuất hiện của ngữ đoạn danh từ, thường là những câu ngắn, trong khi những văn bản quy định bao chứa các quy tắc xử sự chung, thường được phân đoạn thành nhiều tầng bậc phức tạp. Câu trong VBQLNN dài hay ngắn còn lệ thuộc vào thể loại, chẳng hạn như khuôn mẫu quyết định, mặc dù được phân đoạn nhiều lần, nhưng thực chất chỉ do một câu đảm nhiệm. Trong khi đó, ở văn bản báo cáo, nhiều khi xuất hiện cấu trúc câu dài, thậm chí rất dài.

     Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến loại câu điều kiện, tức các loại câu chứa đựng các tình huống luật pháp giả định, một bộ phận quan yếu trong mỗi quy phạm pháp luật. Về mặt ngôn từ, loại câu này được diễn đạt dưới dạng mô hình “nếu x thì y” (được đánh dấu). Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường hợp, vẫn là kết cấu của câu điều kiện, nhưng về mặt hình thức lại không tuân thủ nghiêm ngặt kết cấu vừa đề cập (không được đánh dấu).

     4.4. Tổ chức văn bản

     Ngoại trừ những VBQLNN đơn giản như quyết định hành chính cá biệt và các văn bản hành chính thông thường (công văn, tờ trình,…), còn nhìn chung, những văn bản có độ dài lớn như hiến pháp, luật, nghị định, thông tư…, thường được phân xuất thành những văn bản con, thực chất đó là những tiểu hệ thống mà ứng với từng yếu tố như vậy là những tiểu chủ đề. Nói cụ thể, cấu trúc của những loại văn bản này thường được chia thành nhiều chương, trong lòng mỗi chương lại bao gồm nhiều điều, khoản cụ thể theo những khuôn mẫu nhất định. Có lẽ, bên cạnh một số biểu thức diễn đạt được lặp đi lặp lại nhiều lần trong VBQLNN, việc tổ chức văn bản theo những mô hình theo quy định chung cũng làm nên đặc điểm khuôn mẫu của nó. Chẳng hạn, thể loại quyết định thường bao gồm hai phần: (i) phần đầu là những căn cứ ra quyết định, thường gồm ba loại căn cứ pháp lí, căn cứ thẩm quyền và lí do ban hành; (ii) phần hai là nội dung chính của quyết định, được thể hiện thành các điều khoản như quy định nội dung điều chỉnh của quyết định, quy định hệ quả pháp lí kéo theo liên quan đến nội dung điều chỉnh và cuối cùng là điều khoản thi hành gồm các đối tượng liên quan chịu trách nhiệm thực hiện nội dung quyết định và thời gian, không gian có hiệu lực của quyết định.

5. Kết luận

     VBQLNN xét về mặt quan hệ thứ bậc, nhất là quan hệ bất đối xứng, rất gần gũi với các văn bản chính trị về mặt quyền lực. Tuy nhiên, tính quyền lực trong các VBQLNN được thể hiện rõ ràng với nhiều mức độ khác nhau gắn liền với từng thể chế chính trị nhất định, do vậy tính phi cá thể nổi lên như một đặc điểm phân biệt. Trong khi đó, ở nhóm văn bản chính trị, tính quyền lực thường gắn liền với các đảng phái, tổ chức chính trị và ở đây, tuy cá nhân của nhà chính khách là đại diện phát ngôn của một tổ chức đảng phái nhất định, nhưng dấu ấn của họ trong các văn bản là không thể phủ nhận. Chính những điều này chi phối đến đặc điểm ngôn ngữ của cả hai loại hình văn bản.

     Căn cứ vào các nhân tố trong và ngoài ngôn ngữ, VBQLNN lại rất gần với văn bản khoa học. Trước hết, là ở một số đặc điểm chi phối như tính đơn nghĩa, tính khách quan và cả tính khuôn mẫu, tất nhiên là mức độ và yêu cầu có khác. Còn về mặt diễn đạt, từ cấp độ ngữ âm, chính tả… đến tổ chức văn bản, giữa VBQLNN và văn bản khoa học cũng có những đặc điểm giao nhau.

     Do nhiều lí do khác nhau, văn bản chính trị và văn bản khoa học tiếng Việt hiện đại, xét riêng về mặt biểu đạt, đã có thể hoà nhập chung với khu vực. Trong khi đó, với giao tiếp công vụ nói chung, giao tiếp công vụ thông qua các văn bản nói riêng như đã miêu tả và biện giải, còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục cải tiến, nhất là phải xác lập cho được chuẩn giao tiếp công vụ so với các loại hình giao tiếp khác, mà cần thiết phải phân biệt rạch ròi; giao tiếp công vụ và giao tiếp phi công vụ. Yêu cầu này phải được đặt ra đối với tất cả mọi người, mọi cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội, chứ không chỉ riêng đối với những người làm công tác văn hoá, giáo dục.

THƯ MỤC THAM KHẢO

A. Tiếng Việt

1. Himes H. Dell, Khảo tả dân tộc học lời nói, trong Ngôn ngữ Văn hoá và xã hội, một cách tiếp cận liên ngành (tài liệu dịch), NXB Thế giới, 2006, 1968.

2. Halliday M. A. K., Dẫn luận ngữ pháp chức năng (Hoàng Văn Vân dịch), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2002.

3. Nguyễn Văn Khang (chủ biên), Tiếng Việt trong giao tiếp hành chính, NXB Khoa học Xã hội, 2002.

4. Jakobson Roman (1963), Ngôn ngữ và thi ca (Cao Xuân Hạo dịch), xem thêm: Jakovson, Thi học và ngữ học, Trần Duy Châu biên khảo, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2008.

5. Tạ Thị Thanh Tâm, Vai giao tiếp và phép lịch sự trong tiếng Việt, Ngôn ngữ, số 1, 2005a.

6. Tạ Thị Thanh Tâm, Về một số kiểu nói lịch sự trong tiếng Việt, Ngôn ngữ & Đời sống, số 11, 2005b.

7. Tạ Thị Thanh Tâm, Nghi thức giao tiếp và một vài cách tiếp cận, Ngôn ngữ, số 2 và 3, 2006.

8. Tạ Thị Thanh Tâm, Giao tiếp tiếng Việt: từ truyền thống đến hiện đại, Khoa học Xã hội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, số 8, 2009.

9. Tạ Thị Thanh Tâm, Lịch sự trong giao tiếp tiếng Việt, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2009.

10. Tạ Thị Thanh Tâm, Quyền lực thể hiện trong văn bản quản lí, Từ điển học và Bách khoa thư, số 04 (18), 2012.

11. Tạ Thị Thanh Tâm, Bàn về cách viết địa danh hành chính có yếu tố, Ngôn ngữ và Đời sống, số 01 (219), 2014.

12. Nguyễn Văn Thâm, Soạn thảo và xử lí văn bản quản lí nhà nước, (tái bản lần thứ 3, có sửa chữa, bổ sung), NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2003.

B. Tiếng nước ngoài

13. Van Dijk T., Discourse and power, Palgrave Macmillan, 2008.

14. Bühler Karl, Sprachtheorie, đọc qua Habermas J. (1984), The theory of communication action, vol.1, Beacon Press, Boston, 1934.

15. Fairclough Norman, Language and power, Longman London, 2001.

Xem lại: Một số đặc điểm NGÔN NGỮ trong GIAO TIẾP CÔNG VỤ (Qua văn bản quản lí Nhà Nước) – Phần 1