Một số đặc trưng của THÀNH NGỮ liên quan đến HÌNH TƯỢNG THỰC VẬT trong TIẾNG ANH và TIẾNG VIỆT nhìn từ GÓC ĐỘ VĂN HOÁ
HỒ THỊ KIỀU OANH
(Tiến sĩ, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng)
1. Đặt vấn đề
Thành ngữ là một hiện tượng ngôn ngữ đặc biệt phản ánh đặc trưng văn hoá, lịch sử của một đất nước và luôn là một đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Trong số những đề tài nghiên cứu về thành ngữ, hầu như chưa có một nghiên cứu phân tích sâu sắc đặc trưng ngôn ngữ của thành ngữ liên quan đến hình tượng thực vật (TNTV) trong tiếng Anh và tiếng Việt trong mối tương quan với đặc trưng văn hoá dân tộc. Do vậy, nghiên cứu này được tiến hành nhằm góp phần giúp người Việt nâng cao kiến thức về thành ngữ tiếng Việt, tiếng Anh nói chung và TNTV nói riêng để có thể giao tiếp hiệu quả hơn.
2. Ngữ nghĩa và cấu trúc của thành ngữ liên quan đến hình tượng thực vật trong tiếng Anh và tiếng Việt
TNTV trong tiếng Anh và tiếng Việt có thể tồn tại dưới dạng cụm từ và câu để thể hiện những trường nghĩa sau: dáng vẻ bề ngoài, tính cách, trạng thái tâm lí, hành vi/hành động và địa vị xã hội của con người (Bảng tổng hợp).
2.1. Dáng vẻ bề ngoài của con người
Từ Bảng tổng hợp chúng ta có thể thấy trong trường nghĩa dáng vẻ bề ngoài, cụm danh từ trong tiếng Việt chiếm tần số cao nhất (Nv = 8): má đào mày liễu, mặt hoa da phấn, mày liễu mặt hoa,… ; trong khi đó, không có cụm danh từ nào được tìm thấy trong tiếng Anh (Na = 0).
(2.1) Sân khấu đầy lá xanh um, mới chặt. Thế rồi một cô gái Mèo mặt hoa da phấn, quần áo lộng lẫy che chiếc dù trắng như tuyết tươi cười bước ra. [8]
Sự khác biệt này có thể do Việt Nam ở khu vực nhiệt đới gió mùa thích hợp cho việc trồng lúa nước. Văn hoá Việt Nam là văn hoá nông nghiệp [4, tr. 37], [3, tr. 41]. Người Việt thường có khuynh hướng định canh, định cư và không muốn di dời chỗ ở. Do vậy người Việt chuộng trạng thái tĩnh. Điều này được phản ánh qua thiên hướng dùng cụm danh từ trong giao tiếp lời nói nói chung và trong TNTV trong tiếng Việt nói riêng.
Bảng tổng hợp: Đặc điểm cấu trúc và ngữ nghĩa của TNTV trong tiếng Anh và tiếng Việt
Về mặt hình tượng, khoai tây (potatoes): loại củ có nguồn gốc phổ biến ở các nước phương Tây do phù hợp với hoàn cảnh địa lí lạnh và khô được phản ánh rộng rãi qua TNTV trong tiếng Anh: (Like) a sack of potatoes.
Cụm tính từ phổ biến hàng thứ 2 trong tiếng Anh (Na = 6): (as) red as a poppy, as frail as a flower, green around the gills,… và tiếng Việt (Nv = 8): đen như củ tam thất, (mặt) vàng như nghệ, (mặt) xanh như tàu lá, đỏ như gấc chín, mỏng như lá lúa,… xuất hiện với tần số gần như tương đương nhau. Sự tương đồng này do chức năng chính của tính từ là nêu lên tính chất trong đó có vẻ bề ngoài của con người.
(2.2) “No! I’m also twenty-two. A good age! Add our years together and it’s still a long way from old age. But it’s not! I suppose my face is all red”. “As red as a poppy.” [18]
(2.3) “Còn Du thì mặt đỏ như gấc chín.” [8]
Về mặt hình tượng, gấc: một loại quả được tìm thấy phổ biến ở đất nước Việt Nam (ở khu vực Đông Nam Á) thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa xuất hiện khá rộng rãi trong thành ngữ liên quan đến hình tượng thực vật trong tiếng Việt.
Trong trường nghĩa hình dáng bên ngoài này, cụm giới từ (Na = 1), cụm trạng từ (Na = 1) và câu (Nv = 2) ít được tìm thấy trong TNTV trong tiếng Anh và tiếng Việt.
(2.4) He’s like a sack of potatoes. [13]
(2.5) Not as green as one cabbage-looking. [13]
(2.6) Gái dậy thì như hoa quỳ mới nở. [14]
Điều đáng chú ý là không một cụm động từ nào trong tiếng Anh và tiếng Việt (Na = Nv = 0) được tìm thấy trong trường nghĩa này.
2.2. Tính cách
Bảng tổng hợp cũng cho thấy trong trường nghĩa chỉ tính cách, cụm danh từ (Na = 11): heart of oak, snake in the grass, bad apple, a babe in the woods,… và cụm tính từ (Na = 11): as cool as a cucumber, as hot as pepper, as hot as mustard,… rất phổ biến trong TNTV ở tiếng Anh.
(2.7) A: Isn’t that Vera Lam coming out of the Karaoke bar? B: Yes, it is.
A: I cannot believe it! She used to be a shrinking violet. She was so shi she couldn’t have talked to people, she would never have gone to a karaoke bar. [6]
(2.8) “The note of timidity offended me like a buffer; my temper rose as hot as mustard. I must request you do not ask me”, said I. [16]
Trong khi đó, cụm danh từ không xuất hiện trong TNTV trong tiếng Việt (Nv = 0) và cụm tính từ nếu xuất hiện thì không đáng kể (Nv = 4): hiền như củ khoai, ngọt như mía lùi, đểnh đoảng như canh cần nấu suông…
(2.9) Hiền hiền như củ khoai, bao giờ cũng đinh ninh lời má dặn “phải cố gắng cho bằng anh bằng em nghe con”. [8]
Sự khác biệt này có thể được lí giải dựa vào sự khác biệt về đặc thù văn hoá của hai cộng đồng. Người phương Tây nói chung và người nói tiếng Anh bản ngữ nói riêng ở trong khu vực lạnh và khô thích hợp với việc chăn nuôi súc vật sống bầy đàn như cừu, dê, ngựa sống chủ yếu nhờ vào đồng cỏ và thường xuyên dời chỗ ở để kiếm cỏ nuôi đàn thú. Vì lẽ đó, họ không muốn đặt quan hệ lâu dài với những người xung quanh họ và không sống quy tụ thành cộng đồng. Do vậy, họ sống trong nền văn hoá mang tính cá nhân (individualism culture) và ít quan tâm đến đời sống riêng tư của người khác. Họ chuộng cách sống theo lí trí hơn tình cảm và điều này được phản ánh qua cách nói và cách giao tiếp cứng nhắc hay tĩnh tại thiên về việc sử dụng cụm danh từ và cụm tính từ nhiều hơn trong tiếng Anh.
Ngoài ra, về mặt hình tượng; từ ví dụ (2.8) và (2.9) chúng ta thấy có sự khác biệt trong lối ví von về tính cách con người qua hình ảnh thực vật: chẳng hạn, ở ví dụ (2.8), tính cách nóng nảy của con người trong tiếng Anh được ví như loại tương mù-tạt (loại tương làm từ hạt cây mù tạt có vị hăng và cay cay được trồng phổ biến ở phương Tây). Trong khi đó, tính cách hiền lành của con người được ví như củ khoai (loại củ thực vật được trồng phổ biến ở nông thôn Việt Nam và có thể dùng làm thực phẩm chính hoặc phụ trợ trong bữa ăn của người Việt).
Ngoài ra, Bảng tổng hợp cũng cho thấy cụm giới từ (ví dụ 2.10): like a bump on a log, in clover…, cụm trạng từ: out on a limb và câu: Bù nhìn giữ dưa, Gà đói chê thóc lép,… ít phổ biến hơn trong những TNTV trong tiếng Anh và cả tiếng Việt.
(2.10) He is the laziest person I have ever met. He cannot even make a cup of tea for himself. That is because his family’s rich. He has lived in clover all his life. [6]
Ở ví dụ (2.10), tính cách thượng lưu: ngồi mát ăn bát vàng của một người vốn dĩ sinh ra trong một gia đình giàu có ở phương Tây đã được diễn đạt bằng cụm giới từ in clover. Trong đó, từ clover: cỏ ba lá là một loại thực vật thân nhỏ có ba lá trên mỗi cành và có hoa màu hồng, tím và trắng được trồng ở các xứ lạnh và khô ở phương Tây để làm thức ăn cho thú sống bầy, đàn [12, tr. 168]. Trong khi đó, khi chỉ về tính cách vô tài và cao ngạo trong văn hoá Việt, người Việt lại thường dùng thành ngữ Bù nhìn giữ dưa, gà đói chê thóc lép bởi lẽ những hình tượng thực vật như dưa, thóc rất gần gũi với đời sống nông thôn Việt Nam được ưa chuộng hơn trong sử dụng.
2.3. Trạng thái tâm lí
Bảng tổng hợp trên cho thấy ở trường nghĩa trạng thái tâm lí; cụm động từ be off one’s onion, be on nettles, be on thorns,… được sử dụng phổ biến trong tiếng Anh (Na = 4) hơn trong tiếng Việt (Nv = 0). Điều này có thể được lí giải dựa trên cơ sở đặc trưng văn hoá của cộng đồng người Việt ở phương Đông và cộng đồng người nói tiếng Anh bản ngữ ở phương Tây. Đối với văn hoá du mục ở phương Tây (Nomadic culture), do con người phải thường xuyên chuyển chỗ ở để tìm kiếm đồng cỏ chăn nuôi súc vật, người phương Tây chuộng tình trạng động hơn và do vậy có thiên hướng dùng cụm động từ để diễn đạt tình trạng tâm lí của họ. Ngược lại, do lối sống định canh, định cư của văn hoá lúa nước ở Việt Nam, người Việt ít khi di dời chỗ ở và chuộng trạng thái tĩnh hơn [3, tr.41] và vì thế không có thiên hướng dùng cụm động từ trong ngôn ngữ giao tiếp kể cả trong TNTV. (2.11) Pinocchino was on nettles. He was on the point of making a final offer, but he didn’t have the courage. [17]
Về mặt hình tượng, từ nettle (cây tầm ma) trong tiếng Anh là một loại thực vật hoang dại tìm thấy ở xứ lạnh và khô như phương Tây, có nhiều lông trên lá và làm đỏ tấy da người khi chạm phải [12, tr. 603], đã được sử dụng để diễn đạt trạng thái tâm lí lo lắng rối rắm như ngồi phải gai của Pinocchino ở ví dụ (2.11).
Ngoài ra, cụm tính từ: as cool as cucumber, as crazy as a peach-orchard boar, nutty as a fruitcake, as welcome as the flowers,… trong tiếng Anh (Na = 2), cụm tính từ trong tiếng Việt (Nv= 4): buồn như hoa bí buổi chiều, rầu như dưa, rối như canh hẹ,… cũng xuất hiện với tần số gần như nhau trong TNTV bởi lẽ diễn đạt trạng thái tâm lí con người nghĩa là diễn đạt tính chất tâm lí con người qua hình thức tính từ. Tuy vậy, có sự khác biệt về hình tượng sử dụng trong những thành ngữ này trong tiếng Anh và tiếng Việt.
Trong tiếng Việt, người nói tiếng Việt bản ngữ thường liên đới những hình tượng gắn bó với văn hoá nông nghiệp lúa nước qua TNTV: dưa chuột, hoa bí, canh hẹ,… nhưng người Anh bản ngữ gốc văn hoá du mục thì hiếm khi hoặc không như thế.
(2.12) So I broke that sucker out that late April – everybody thought I was as crazy as a peach-orchard boar and plated the whole thing to maize. [11, tr. 97]
(2.13) Khắc Mẫn bấy giờ ruột gan rối như canh hẹ. [8, tr. 638]
Ở tần số thấp hơn, cụm trạng từ (Na = 1) cũng xuất hiện trong những TNTV trong tiếng Anh:
out of your tree nhưng không được tìm thấy trong những thành ngữ loại này trong tiếng Việt.
2.4. Hành vi/hành động
Từ Bảng tổng hợp; chúng ta có thể thấy rằng trong trường nghĩa hành vi/hành động, cụm động từ xuất hiện với tần số khá cao trong TNTV trong tiếng Anh (Na = 10): bark up the wrong tree, beat about the bush, belt the grape, can’t see forest for the trees, couch potato, cut the mustard, drop like a hot potato, grasp the nettle, heard it through the grapevine, kick something into the long grass, polish the apple,… và tiếng Việt (Nv = 15): bòn gio đãi trấu, bôi gio trát trấu, cắn rơm cắn cỏ, chê rau muống sống lại ôm dưa già, đâm bị thóc chọc bị gạo, đơm đó ngọn tre, khen nhà giàu ăn thóc, mượn gió bẻ măng, thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào,… Thế nhưng điều đáng chú ý là cụm động từ được sử dụng phổ biến hơn trong loại thành ngữ này ở tiếng Việt. Điều này có thể do sự khác biệt về đặc trưng giữa hai nền văn hoá phương Tây và văn hoá Việt Nam ở phương Đông. Thực vậy, Việt Nam thuộc nền văn hoá cộng đồng (Collectivism culture) [4, tr. 156]; do vậy, lời ăn tiếng nói của người Việt thường linh động và uyển chuyển để duy trì mối quan hệ liên nhân với những thành viên khác trong cộng đồng. Điều này thể hiện ở khuynh hướng chuộng dùng cụm động từ trong TNTV tiếng Việt hơn tiếng Anh.
(2.14) This was especialli true of newmen. You all know that these are always those who try to polish the apple … This is definiteli unfair to the conscientious hard-working individual who is not good at apple-polishing. [10, tr. 18]
(2.15) Các biện pháp bòn gio đãi trấu khác để tìm ngoại tệ đều không đem lại kết quả đáng kể như bọn Thiệu từng hi vọng. [8, tr. 82]
Việc sử dụng hình tượng ở hai ví dụ trên cho ta thấy có sự khác biệt đáng kể. Thực vậy, hình tượng táo (apple) trong thành ngữ: polish the apple dùng để chỉ hành động nịnh hót trong tiếng Anh bởi lẽ táo là loại quả tròn có ruột đặc và xanh và có da bóng màu vàng hoặc đỏ khi chín được thu hoạch từ cây táo – loại cây được trồng phổ biến và thích hợp với khí hậu lạnh và khô ở phương Tây [12, tr. 37]. Trong khi đó, hình tượng gio và trấu trong thành ngữ có vần điệu và đối xứng bòn gio đãi trấu làm chúng ta liên tưởng đến văn hoá lúa nước của xã hội Việt Nam.
Cụm trạng từ ít xuất hiện trong thành ngữ thuộc loại này trong tiếng Việt (Nv = 1) và thậm chí không được tìm thấy trong thành ngữ tiếng Anh tương ứng.
(2.16) A: How is Tom? Have you heard anything from the hospital?
B: He will have to stay in hospital for another 2 weeks but he was out of the wood.
[6, tr. 153]
Có thể thấy thành ngữ out of the wood: vượt qua cơn nguy kịch trong ví dụ trên phản ánh đặc trưng văn hoá du mục gắn liền với đồng cỏ và rừng hoang (wood) ở phương Tây.
2.5. Địa vị xã hội
Bảng tổng hợp cho thấy trong trường nghĩa địa vị xã hội, cụm danh từ được dùng phổ biến trong TNTV trong tiếng Việt (Nv = 11) hơn trong tiếng Anh (Na = 6).
(2.17) Để yên cho cháu nó tìm cây cao bóng cả nó nương nhờ. May ra xe vào nơi nào phải duyên phải số hơn nó cũng sống cho ra con người. [7, tr. 64]
(2.18) There is a certain pain to being a second banana, but you have to have an ability to sublimate your ego. [15]
Từ hai ví dụ (2.17) và (2.18), chúng ta có thể thấy có sự khác biệt về cách sử dụng hình tượng trong TNTV ở tiếng Việt và tiếng Anh. Trong tiếng Việt, những hình tượng cây cao, bóng cả trong thành ngữ có nhịp điệu và đối xứng như cây cao bóng cả ở ví dụ (2.17) phản ánh tính tôn ti thứ bậc về địa vị, vị thế xã hội trong văn hoá Việt Nam [4, tr. 101]. Trong khi đó, hình tượng chuối (banana) – loại trái cây có vỏ dày, có thể ăn được và có màu vàng khi chín thích nghi tốt hơn ở khí hậu bán nhiệt đới khá lạnh và khô ở phương Tây [12, tr. 64] – được dùng trong TNTV tiếng Anh như: second banana ở ví dụ (2.18).
Khác với cụm danh từ, cụm động từ trong trường nghĩa địa vị xã hội xuất hiện nhiều ở tiếng Anh (Na = 5): not grow on trees… so với thành ngữ tiếng Việt (Nv = 1): chăn trâu cắt cỏ. Điều này do người phương Tây thuộc nền văn hoá du mục hay di chuyển chỗ ở để tìm đồng cỏ nuôi súc vật. Do vậy, họ chuộng khuynh hướng động và điều này dẫn đến việc sử dụng động từ phổ biến hơn danh từ trong TNTV ở tiếng Anh. Ngược lại, người Việt thuộc nền văn hoá nông nghiệp và lối sống định canh, định cư theo thời vụ khiến họ chuộng trạng thái tĩnh thể hiện qua việc dùng cụm danh từ nhiều hơn cụm động từ [4, tr. 165].
(2.19) Jim was pleased when he became top banana. [9, tr. 621]
(2.20) Hãy chọn lấy tấm chồng xứng đáng, chớ có vớ phải kẻ chăn trâu cắt cỏ mà khổ cả đời nghe con! [8, tr. 93]
Chúng ta cũng thấy sự khác biệt về hình tượng được sử dụng trong TNTV trong tiếng Anh và tiếng Việt. Ở ví dụ (2.19), hình tượng chuối (banana) trong thành ngữ: become top banana (trở thành lãnh đạo của một cơ quan) thích hợp với xứ sở phương Tây. Trong khi đó, hình tượng trâu, cỏ trong thành ngữ có vần điệu chăn trâu cắt cỏ (chỉ việc làm nông vất vả trong xã hội Việt Nam) phản ánh nền văn hoá lúa nước của Việt Nam.
Trong khi đó, cụm tính từ (Nv = 2): no cơm tấm (ấm ổ rơm) và câu (thân phận) bèo dạt mây trôi (Nv = 1) ít được sử dụng trong trường nghĩa này của TNTV ở tiếng Việt và thậm chí không xuất hiện trong loại thành ngữ này ở tiếng Anh.
Về mặt hình tượng, trong TNTV ở tiếng Việt các hình tượng gắn bó với nền văn hoá Việt gốc nông nghiệp lúa nước như cơm tấm, ổ rơm, bèo (hình tượng gắn liền với đồng ruộng) được tìm thấy phổ biến.
3. Kết luận
Về mặt cú pháp và ngữ nghĩa: Những TNTV trong tiếng Anh và tiếng Việt có thể tồn tại ở nhiều dạng cấu trúc cú pháp khác nhau như: cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ, cụm giới từ, cụm trạng từ và câu. Ngoài ra, những trường nghĩa thường gặp đối với những thành ngữ loại này là: dáng vẻ bề ngoài, tính cách, trạng thái tâm lí, hành vi/hành động, địa vị xã hội. Để diễn tả hành vi/hành động, cụm động từ xuất hiện khá phổ biến trong cả tiếng Anh và tiếng Việt. Tương tự, để diễn đạt tính cách, cụm tính từ có khuynh hướng được chuộng sử dụng.
Trong đa số trường hợp, cụm danh từ được dùng phổ biến hơn trong TNTV ở tiếng Việt do tính chất trọng tĩnh trong văn hoá Việt xuất phát từ thiên hướng định canh, định cư của người Việt. Điều đặc biệt từ Bảng tổng hợp là câu được tìm thấy phổ biến hơn trong TNTV ở tiếng Việt. Đáng chú ý hơn nữa là thành ngữ nói chung và TNTV trong tiếng Việt nói riêng có vần điệu và có cấu trúc đối xứng hài hoà [4, tr. 161] để phù hợp với đặc điểm văn hoá dân gian của người Việt và nhằm dễ nhớ cũng như tiện sử dụng.
Về mặt hình tượng do sự khác biệt về đặc trưng văn hoá, những hình tượng gắn bó mật thiết với văn hoá nông nghiệp lúa nước ở Việt Nam như: rơm, thóc, bèo, trâu, cỏ, gio, trấu và với văn hoá Việt tôn ti thứ bậc như: cây cao, bóng cả,… xuất hiện phổ biến trong TNTV tiếng Việt [4, tr. 314 – 315]; trong khi đó những hình tượng điển hình ở văn hoá du mục phương Tây như: potato, mustard, clover, nettle, grass, bush, grape, grapevine, apple,… lại được dùng rộng rãi trong thành TNTV ở tiếng Anh.
THƯ MỤC THAM KHẢO
A. Tiếng Việt
1. http://cadao.org/idex
2. Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ Việt Nam, NXB TP Hồ Chí Minh, 1989.
3. Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB TP Hồ Chí Minh, 1997.
4. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, 1999.
B. Tiếng nước ngoài
5. Lu, S., A Dictionary of Contemporary Chinese, The Commercial Press, Beijing, 1996.
6. Peter, W. J., English Idioms, Oxford University Press, Oxford, 1997.
NGUỒN TƯ LIỆU
A. Tiếng Việt
7. Hoàng Văn Hoành, Kể chuyện thành ngữ – tục ngữ, NXB Văn hoá Sài Gòn.
8. Nguyễn Lực, Thành ngữ tiếng Việt, NXB Thanh niên, Hà Nội, 2001.
B. Tiếng nước ngoài
9. Ammer, C., The American Heritage Dictionary of Idioms, Newyork, 1997.
10. Barrier, M., The Animated Man: A Life of Walt Disney, University of California Press, 2008.
11. Harris, F., Following the Harvest, University of Oklahoma Press, 2004.
12. Hornby, A. S., Oxford Advanced Learner’s Dictionary, Oxford University Press, Oxford, 1992.
13. http://en.wikipedia. org/wiki/simile (April 25, 2010).
14. http://2ndnature.online.eikaiwa.com/Idioms/Idioms – plant.htm.
15. http://news.bbc.co.uk/2/hi/uk – news/Manchester/8629533.stm (June 28, 2010).
16. Stevenson, R. L., The Wrecker, Cassell and Company, London, 1893.
17. Susan, J., Valley of the Dolls, Canada, 1966.
18. Turgenev, I. S. & Shapiro, L., Spring Torrents, The Penguin Group, 1972.