Một số giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi ở Quảng Bình
Tác giả bài viết: NGUYỄN MẬU NAM
Ngày 7/12/2017 tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhân dịp này, Tạp chí Văn hóa Quảng Bình xin trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết “Một số giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi ở Quảng Bình” để bạn đọc tham khảo và cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
x
x x
Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể, là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, sản phẩm tinh thần độc đáo mang đậm tính nhân văn, tính giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước… của cư dân trên dải đất miền Trung nói chung và Quảng Bình nói riêng. Nghệ thuật trình diễn bài chòi phổ biến ở khu vực Trung Bộ, từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng.
Cho đến nay, chưa có tài liệu nghiên cứu nào khẳng định bài chòi ra đời vào lúc nào; cái nôi, nơi phát tích bài chòi ở đâu nhưng nhìn chung các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đều cho rằng bài chòi có lịch sử hình thành và phát triển vài thế kỷ trở lại đây, gắn với quá trình xây dựng, mở rộng cương vực lãnh thổ của các chúa Nguyễn về phương Nam. Theo nhà âm nhạc học người Pháp gốc Ba Lan G.L.Bouvier, người đến Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX để nghiên cứu về các thể loại âm nhạc dân gian thì “Bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm Nam tiến, tức sau năm 1470”. Không gian di sản bài chòi cũng được xác định gồm 9 tỉnh, được bắt đầu từ Quảng Bình đến Khánh Hòa. Không phải ngẫu nhiên mà có câu ca dao xưa ở miền Trung nói về bài chòi:
“Rủ nhau đi đánh bài chòi
Để con nó khóc cho lồi rốn ra”
Cách thức và không gian trình diễn nghệ thuật bài chòi ở mỗi địa phương cũng có sự khác nhau, mỗi địa phương có thể có lối chơi riêng, mang truyền thống và bản sắc riêng nhưng tựu trung vẫn thể hiện các yếu tố giải trí, cầu may, sự cố kết cộng đồng trong cuộc vui. Hội bài chòi dân gian được diễn ra vào dịp Tết đến, xuân về; là một hình thức vui chơi nhẹ nhàng, không nặng về ăn thua, bình đẳng, không có sự phân biệt (các con bài ngang nhau, mọi người ai cũng có thể chơi, từ cụ già đến thanh thiếu niên, trong làng hay ngoài làng) mà bởi tính chất giao lưu giải trí, mọi người đều muốn hòa mình vào không khí lễ hội ngày xuân.
Là địa phương đầu tiên trong không gian nghệ thuật bài chòi (từ Bắc Trung Bộ đến Nam Trung Bộ), bài chòi Quảng Bình mang đặc điểm như các địa phương khác trên dải đất miền Trung (về cách thức và không gian trình diễn, thời gian tổ chức) nhưng cũng có những sự khác biệt riêng (con bài Nhọn mỏ chỉ có ở Quảng Bình; độc diễn bài chòi dân gian, sân khấu ca kịch bài chòi chỉ có ở các tỉnh Nam Trung Bộ như Bình Định, Phú Yên).
Bài chòi ở Quảng Bình cũng được bắt nguồn từ đánh “bài tới”. Gọi là “bài chòi” vì khi chơi người chơi ngồi trên chòi cao, còn gọi là “tới” bởi vì khi kết thúc ván, người chơi hô “tới”. Hội bài chòi ở Quảng Bình thường được tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán, trong các lễ hội mùa xuân hàng năm nhưng chủ yếu vẫn là trong các ngày từ mồng một đến mồng ba Tết Nguyên đán.
Hội bài chòi được tổ chức ở trước sân đình, sân chợ, nơi có khoảng không gian rộng, bằng phẳng, thuận tiện cho việc dựng chòi và tổ chức để đông đảo nhân dân trong làng và khách qua lại tham gia. Chòi thường làm bằng gỗ hoặc bằng tre, cao chừng mét rưỡi, có thang để người chơi lên xuống, được dựng lên từ những ngày trước Tết Nguyên đán. Chòi được lợp bằng mái lá hoặc cỏ tranh, có sàn lót ván hoặc sạp tre để che mưa nắng, có rèm che bốn phía và được trang trí cờ hoa, câu đối, lồng đèn,… 11 chòi được bố trí theo hình vuông hoặc hình chữ nhật, xung quanh 10 chòi cho người chơi, giữa là một chòi cho chòi cái (người chỉ huy – anh hiệu) và bộ phận nhạc công (có phường nhạc kèn, trống, sáo, nhị…), người phục vụ (có thể che rạp).
Mỗi chòi cao được trang bị một chiếc mõ tre dùng để báo hiệu. Trước mỗi chòi có treo tên chòi, theo quy ước thập can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Sở dĩ người xưa không chọn hàng chi để ghi tên chòi bởi chỉ có 10 chòi nhưng lại có 12 con vật (12 con giáp) tượng trưng cho tuổi tác nên đầu xuân nhiều người không muốn ngồi phải cái chòi không hợp tuổi với mình, hơn nữa có những con vật không được hoan nghênh trong dịp Tết đầu năm (chòi trâu, chòi rắn, chòi khỉ…).
Bài chòi sử dụng nguyên bộ “bài tới” gồm 30 con, chia làm ba pho là pho Văn, pho Vạn, pho Sách; mỗi pho có 9 con bài và một con bài Yêu (ba con bài Yêu: Ông Ầm, Thái Tử, Bạch Tuyết).
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Quảng Bình và qua khảo sát của ngành Văn hóa và Thể thao, đến nay có khoảng 15 cuốn địa chí của các địa phương (địa chí Đồng Hới, Văn La, Đức Ninh, Hạ Trạch…) viết về bài chòi của các tác giả Nguyễn Tú, Đỗ Duy Văn; và bài chòi chỉ có ở các địa phương từ phía Nam sông Gianh (Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy) trong khi các địa phương phía Bắc tỉnh Quảng Bình (Quảng Trạch, Ba Đồn, Tuyên Hóa, Minh Hóa) chưa tìm thấy hội bài chòi dân gian này.
Là hình thức sinh hoạt văn hóa góp phần gắn kết cộng đồng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, hội bài chòi được các địa phương tổ chức thường xuyên vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là do chiến tranh nên đã có một thời gian dài bài chòi thiếu sự quan tâm và hội bài chòi ngày càng bị mai một dần.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong những năm qua công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể nói chung và bài chòi nói riêng đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng phấn khởi, hội bài chòi ở các địa phương theo đó cũng từng bước được khôi phục. Qua kiểm kê bước đầu, một số địa phương thường xuyên tổ chức chơi bài chòi vào dịp Tết như: Thanh Thủy, thị trấn Kiến Giang, Mai Thủy; Tân Ninh, Võ Ninh; Đức Ninh, Lộc Ninh, Bảo Ninh, Quang Phú, Hải Thành, Phú Hải, Đồng Sơn; Hưng Trạch. Ở các địa phương này, bài chòi được duy trì và tổ chức tương đối liên tục, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp Tết và lễ hội ở địa phương. Những năm gần đây, nhất là từ khi tỉnh Quảng Bình và các tỉnh Trung Bộ xây dựng hồ sơ di sản để trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì bài chòi càng được các địa phương quan tâm bảo tồn, tổ chức nhiều hơn. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố Đồng Hới, ngoài việc tổ chức Hội bài chòi vào dịp đầu xuân, từ năm 2017, UBND thành phố Đồng Hới đã đưa hội bài chòi trở thành một trong những hoạt động của “Tuần Văn hóa – Du lịch” hàng năm. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực không chỉ để bảo tồn mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá những nét đẹp, giá trị văn hóa Hội bài chòi của thành phố đến du khách muôn phương khi đến với thành phố Đồng Hới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, có thể nói hiện bài chòi dân gian chỉ được lưu truyền trong nhân dân bằng hình thức truyền miệng, nguồn gốc lịch sử của bài chòi đang là vấn đề đặt ra cần phải được nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện…
Cùng với quá trình đô thị hóa và sự biến đổi của đời sống đương đại, bài chòi đang ngày càng bị mai một, nhiều địa phương trước đây có bài chòi hiện không duy trì được như Lộc Thủy, Phú Thủy, An Thủy,… Những thế hệ nghệ nhân hát bài chòi cổ, được coi là “di sản sống”, “báu vật sống” ngày càng ít do tuổi cao, sức yếu, trong khi thế hệ trẻ lại bị lôi cuốn vào các trò chơi công nghệ cao (Internet, smartphone,…); số người làm anh hiệu có khả năng giỏi ứng biến, linh hoạt ngày càng ít đi. Bên cạnh đó, không gian văn hóa của các làng xã – nơi tổ chức Hội bài chòi đang ngày càng biến đổi, thu hẹp đã ảnh hưởng đến việc khôi phục, phát triển Hội bài chòi ở Quảng Bình. Sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, nhất là công tác sưu tầm, kiểm kê, chính sách hỗ trợ động viên các nghệ nhân cũng chưa được đặt ra; việc tổ chức ở các địa phương chỉ mang tính tự phát chưa có sự chỉ đạo, quản lý, khôi phục và phát triển hình thức sinh hoạt này. Đây là vấn đề đặt ra cho tất cả các địa phương có di sản bài chòi cũng như ở Quảng Bình.
Để di sản bài chòi ở Quảng Bình – một bộ phận hợp thành của di sản nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày càng được bảo tồn và phát huy giá trị trong cuộc sống hôm nay, theo chúng tôi cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiến hành điều tra, sưu tầm nghiên cứu, tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể bài chòi.
Để thực hiện tốt giải pháp này, ngành Văn hóa và Thể thao cần phải xây dựng kế hoạch điều tra, sưu tầm, tổng kiểm kê toàn bộ di sản văn hóa phi vật thể bài chòi trên địa bàn tỉnh một cách khoa học, bao gồm cả việc thống kê nghệ nhân dân gian, trên cơ sở đó hệ thống hóa tư liệu bằng kỹ thuật hiện có để lưu trữ, để nhận diện, xác định giá trị, sức sống của di sản nghệ thuật bài chòi dân gian, từ đó đề xuất hướng bảo tồn và phát huy giá trị.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng, chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của di sản văn hóa phi vật thể bài chòi. Đây là việc làm cần tiến hành thường xuyên, lâu dài nhằm đưa di sản bài chòi về với cộng đồng, về với chủ thể sáng tạo. Tập hợp và xây dựng chương trình truyền thống đa dạng đưa vào nội dung, chương trình các hoạt động lễ hội ở các địa phương như thành phố Đồng Hới đang làm nhằm tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến, quảng bá nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của cả cộng đồng và toàn xã hội đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian trong thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác truyền dạy, tạo điều kiện để cộng đồng giao lưu và định kỳ tổ chức liên hoan, hội thi, hội diễn bài chòi, nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường sự hiểu biết, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị bài chòi.
Thứ tư, tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước đi đôi với xã hội hóa để huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, những người tâm huyết với di sản bài chòi dân gian có những hành động thiết thực góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian gắn với phát triển du lịch văn hóa bền vững.
Thứ năm, xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, rà soát, tôn vinh và đề nghị Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý (nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú) nhằm góp phần động viên, khích lệ những người có tài năng, có công bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian ở địa phương; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện bảo tồn, truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ.
Di sản văn hóa phi vật thể bài chòi là sản phẩm tinh thần độc đáo, là tài sản quý báu của không chỉ nhân dân các tỉnh Trung Bộ mà còn của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam. Việc UNESCO đưa “Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ Việt Nam” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là một minh chứng về sự tôn vinh, ghi nhận di sản bài chòi; đồng thời cũng là hành động thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi các tỉnh Trung Bộ nói chung và Quảng Bình nói riêng. Tin tưởng và hy vọng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng, từ Trung ương đến địa phương, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian ở Quảng Bình ngày càng đạt được kết quả tốt hơn.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Quảng Bình – số 12, năm 2017
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Một số giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật bài chòi ở Quảng Bình (Tác giả: Nguyễn Mậu Nam) |