Một số kết quả thu thập, sưu tầm nguồn tư liệu Hán nôm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Tác giả bài viết: HOÀNG TRỌNG THỦY
Các tư liệu Hán Nôm là loại hình văn bản hình thành từ quá khứ, lưu giữ những thông tin về quá khứ, qua đó truyền đến đời sau những tư liệu, tình cảm, tư tưởng của cha ông ta từ nhiều thế hệ trước. Hiện nay, các tư liệu, văn bản Hán Nôm này rất quý hiếm và rất quan trọng, phục vụ cho việc tìm hiểu các vấn đề về xã hội, tư tưởng, lịch sử, dân tộc, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của Việt Nam, của địa phương qua các thời kỳ trước đây. Quảng Bình là vùng đất có bề dày lịch sử, nguồn tư liệu Hán Nôm chứa đựng những giá trị còn khá nhiều. Ngay từ thời các vua Hùng dựng nước, Quảng Bình đã hiện diện trong cơ cấu hành chính nhà nước Văn Lang với tên gọi “Bộ Việt Thường”. và từ năm 1069, khi Lý Thường Kiệt đưa 3 châu Bố Chính, Địa lý và Ma Linh về với Đại Việt, vùng đất Quảng Bình xưa được định hình và tiếp tục phát triển cho tới ngày nay.
Trong gần 10 thế kỷ từ khi trở về Quốc gia Đại Việt và hơn 400 năm gắn với danh xưng “Quảng Bình”, vùng đất Quảng Bình là nơi tiềm chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa vật chất và tinh thần rất độc đáo. Quảng Bình là nơi xuất hiện nhiều phong trào yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm rất kiên cường, bất khuất và anh dũng. Đây còn là khu vực giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các trung tâm văn hóa lớn của dân tộc như văn hóa Việt – Mường – Chămpa, Đông Sơn – Sa Huỳnh, Đàng Trong – Đàng ngoài, Thăng Long – Phú Xuân… Những yếu tố trên đã làm cho Quảng Bình có một sắc diện văn hóa riêng của mình.
Trong suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất và con người Quảng Bình từ bao đời nay vẫn luôn gắn liền với truyền thống hiếu học, là nơi quy tụ nhiều bậc hiền tài, danh nhân nổi tiếng trong lịch sử, nhiều làng quê văn vật như “Bát danh hương” _ “Sơn – Hà – Cảnh – Thổ – Văn – Võ – Cổ – Kim”. Thời phong kiến, ở các triều Trần, Lê, Mạc, Quảng Bình đã có 5 vị đỗ đại khoa (trong đó có 1 vị đỗ Trạng nguyên). Đến triều Nguyễn, số người đạt học vị từ tú tài đến cử nhân, tiến sĩ rất nhiều và vượt xa các thời kỳ trước. Trong 40 kỳ thi hội do triều Nguyễn đã tổ chức, Quảng Bình là một trong những tỉnh có số người đậu đại khoa nhiều nhất với 22 tiến sỹ, 19 phó bảng và 3 hoàng giáp. Ngoài ra, tỉnh còn có 270 người đậu cử nhân và hàng trăm người đậu tú tài trong các kỳ thi hương. Quảng Bình cũng là nơi đã đào tạo, huấn luyện, hun đúc, sản sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng trên các lĩnh vực quân sự, văn hóa – xã hội như: Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Tuân, Võ Xuân Cẩn, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Phạm Tuân, Lưu Trọng Lư, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp…
Nhiều danh nhân trong cả nước đến với vùng đất “địa linh nhân kiệt” này và đã có nhiều công lao to lớn đặc biệt quan trọng, tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành và phát triển vùng đất Quảng Bình như: Lý Thường Kiệt, Hoàng Hối Khanh, Hồ Cưỡng, Đào Duy Từ v.v… Họ là những hiền tài, làm rạng danh cho quê hương, đất nước và có những đóng góp to lớn cho lịch sử, văn hóa của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc và bao thế hệ cộng đồng cư dân Quảng Bình.
Các nhà nghiên cứu nhận định, Quảng Bình là một trong những mảnh đất của miền Trung Việt Nam đã hun đúc, sản sinh ra những chí sĩ yêu nước, những danh nhân, những dòng họ khoa bảng và họ đã để lại nơi đây nguồn tư liệu Hán Nôm rất có giá trị, từ những pho tư liệu khoa học – hành chính đến những văn bản được ghi chép trên giấy tồn tại trong dân gian. Đặc biệt nhất phải kể đến các mảng văn khắc được thể hiện trên các công trình kiến trúc; các sắc phong, chỉ, chế biểu, bằng cấp từ thời Hậu Lê – Lê Trung Hưng trải qua nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn đến trước năm 1945; gia phả các danh gia vọng tộc; các văn bản về hương ước, khế ước, câu đối, hoành phi… Tất cả những tư liệu quý giá đó thể hiện rõ nét nhất về cội nguồn danh xưng Quảng Bình, về quê hương đất nước, về phong tục tập quán và đời sống văn hóa của con người Quảng Bình. Do đó, khi nghiên cứu các tư liệu Hán Nôm giúp cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và những người quan tâm tìm hiểu các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân ở vùng đất này.
Trải qua thời gian cùng với sự bào mòn của các yếu tố ngoại cảnh và cả sự thờ ơ của con người thì những tư liệu Hán Nôm quý giá trên địa bản tỉnh rất dễ bị mất mát và hủy hoại dần theo thời gian. Bởi vậy, bên cạnh xây dựng một nền văn hóa mới phải có sự quan tâm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của tỉnh Quảng Bình nói riêng và cả dân tộc nói chung mà ông cha đã dày công gây dựng. Đằng sau những câu chữ Hán Nôm là cả tiếng lòng của tổ tiên ngàn xưa vọng lại, nhắc nhở con cháu về gốc gác nguồn cội, là nền tảng vững chắc để hướng đến tương lai. Vì vậy, việc giữ gìn và phát huy vốn di sản Hán Nôm là một trách nhiệm và nghĩa vụ cao cả của mọi người.
Để góp phần bảo tồn, nghiên cứu các giá trị di sản văn hóa Hán Nôm của tỉnh ta trong thời gian qua, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình đã phối hợp với Câu lạc bộ Hán Nôm tỉnh thực hiện đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm và dịch một số tư liệu Hán Nôm quan trọng có liên quan đến tỉnh Quảng Bình”.
Thực hiện đề tài, đoàn khảo sát chúng tôi đã tìm đến các địa phương có khả năng có các nguồn tư liệu Hán Nôm như: “Bát danh hương” – “Sơn – Hà – Cảnh – Thổ – Văn – Võ – Cổ – Kim” và một số nơi nổi tiếng làng khoa bảng, cũng như tại các cơ quan lưu trữ các văn bản Hán Nôm như: Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, Thư viện tỉnh, phòng Văn hóa các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh, và đã sao chụp được 1892 trang tư liệu Hán Nôm bao gồm 48 thể loại, đại đa số là viết tay của ông bà ta xa xưa cách ngày nay khoảng 70 năm đến 500 năm.
Thông qua việc sưu tầm, tổng hợp, phân tích, chúng tôi thấy rằng, nguồn tư liệu Hán Nôm đó được chia thành hai loại hình: Tư liệu Hán Nôm trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước phong kiến và tư liệu Hán Nôm trong đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của nhân dân.
– Về loại hình tư liệu Hán Nôm trong tổ chức bộ máy hành chính nhà nước phong kiến, chúng tôi sưu tầm được 133 đạo sắc phong, chế biểu, chỉ có niên hiệu từ thời Hậu Lê – Lê Trung Hưng đến các thời Tây Sơn, thời Nguyễn. Trong số đó có cả hai thể loại sắc phong chức cho các quan chức, tướng lĩnh đương thời và thể loại sắc phong thần cho những công thần, danh tướng của các triều đại khi đã qua đời được nhân dân ở các địa phương trọng vọng và những vị thiên thần vốn dĩ được truyền đời thờ tự từ xưa theo truyền thống, phong tục thờ cúng của người dân Việt. Những con chữ trong các đạo sắc phong của các nhà vua tấn phong cho các vị thần, cho các quan chức văn võ làm việc nước có công lao to lớn thể hiện sự trân trọng đối với các đấng siêu nhiên linh ứng được nhân dân tin tưởng, cậy nhờ và đối với những thần dân có công giúp nước yên dân đều được viết bằng lối chữ chân (còn gọi là Khải thư) biểu hiện tính cẩn trọng, lòng ưu ái của các nhà vua đối với các vị thiên thần và những nhân thần đã từng tích cực phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân qua các triều đại xưa. Tương tự sắc phong, các đạo chế biểu, chỉ của các nhà vua là những văn từ trang nhã, tôn quý, biểu hiện cho sự trọng thị đối với các bậc bề tôi trung thành, cương trực, có năng lực làm việc đạt hiệu quả cao, hết mình vì dân vì nước và cả vì nhà vua. Ngoài ra còn có các Khâm phụng lục, thăng chức của Bộ Binh thừa sắc chỉ, mệnh vua để cấp bằng cho võ tướng cùng các Tuân phụng lục của các quan chức địa phương tuân theo lệnh cấp trên (cấp bộ, cấp tỉnh) để thực hiện những công vụ quan trọng, cấp thiết.
Qua các thể loại sắc phong, chỉ, chế biểu thì ta có thể thấy, sau khi các sắc phong, chỉ, chế biểu của nhà vua ban cho thần dân, Bộ nào có liên quan công vụ phải ra Khâm phụng lục cấp Bằng thăng thưởng cho đương sự chấp chiếu (chịu trách nhiệm thi hành). Đồng thời, kèm theo Tuân phụng lục cho các cấp dưới tuân theo lệnh của Bộ, của tỉnh để thực hiện nghiêm túc. Qua đó cho ta thấy được hệ thống công vụ thời phong kiến khá chặt chẽ từ triều đình (sắc phong, chỉ, chế biểu của nhà vua, Khâm phụng lục của các Bộ) đến tuân phụng lục (của các bộ, tỉnh) tư về cho địa phương (cấp dưới trực tiếp) thực hiện có hiệu quả.
– Về loại hình tư liệu Hán Nôm trong đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của nhân dân thì thể loại gia phả có đến 819 trang trong 16 tập gia phả sao chụp ở khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, tỏ rõ người dân trong tỉnh Quảng Bình đã rất tâm huyết với dòng họ, cội nguồn, gốc gác, cố quyết giữ gìn bằng được các di chỉ ghi nhớ tên tuổi, ngày kỵ giỗ của tổ tiên, ông bà để phụng thờ trang trọng nhằm tỏ lòng hiếu kính đối với tiền nhân theo đúng đạo lý của con người Việt Nam.
Đối với người nông dân thì “nhất là mồ mả, nhì là thổ điền” cho nên số khế ước mới sưu tập được đại đa số là khế mua bán ruộng đất, liên tục từ triều vua Cảnh Hưng thời Lê mạt, trải qua hai triều vua Quang Trung và vua Cảnh Thịnh của triều đại Tây Sơn và 11 triều vua nhà Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phước, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại. Qua đó cho ta thấy những người nông dân ta quý ruộng đất của tổ tiên ông bà để lại đến mức độ nào.
Ngoài ra, các thể loại câu đối, hoành phi, đại tự sưu tập được cũng rất phong phú: Có câu đối dài trên 10 chữ, có câu đối chỉ có 3 chữ. Song tất cả đều mang ý nghĩa ca ngợi, nhắc nhở con người chỉ làm việc thiện, việc có ích cho xã hội, cho đời, cho mình, cho quê hương đất nước. Đồng thời răn bảo ngầm để mọi người đều biết là không nên làm việc ác, việc vô bổ, việc làm hại người khác lẫn hại cho bản thân mình.
Có thể nói, trên cơ sở các tư liệu Hán Nôm như bia ký, gia phả, sắc phong… chúng ta biết được ở Quảng Bình có nhiều làng (xã) được hình thành sau năm 1069, khi ba châu Bố Chính, Địa Lý (Quảng Bình) và Ma Linh (bắc Quảng Trị) sáp nhập vào Đại Việt và trở thành đơn vị hành chính của Đại Việt. Những cư dân Quảng Bình đầu tiên theo lời chiêu mộ của Lý Nhân Tông đã đến đây để khai phá vùng đất mới lập nên các làng xã. Và đặc biệt dưới triều đại nhà Trần đã cho di dân vào định cư ở đây tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô khai phá, lập ấp, dựng làng hình thành nên các làng xã mới trên đất Quảng Bình. Và cùng với việc hình thành các làng (xã), thì các ngôi đình làng, chùa làng, đền miếu, nhà thờ các dòng họ… mang đậm bản sắc văn hóa Việt cũng đã được xây dựng để dân làng dùng làm nơi hội họp, bàn việc làm ăn và sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh.
Tóm lại, nguồn tư liệu Hán Nôm ở Quảng Bình ngoài việc được lưu giữ, bảo tồn tại các đình làng, thì hiện nay còn có khá nhiều ở các di tích lịch sử – văn hóa khác như chùa làng, nhà thờ các gia tộc, đền, miếu và trong các gia đình có truyền thống nho học như: Đình làng Cao Lao (xã Hạ Trạch, Bố Trạch), Thọ Linh (xã Quảng Sơn, Ba Đồn), Phù Trịch (xã Quảng Lộc, Ba Đồn), Hòa Ninh (xã Quảng Hòa, Ba Đồn), Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch), Tượng Sơn (phường Quảng Long, TX Ba Đồn), Lũ Phong (xã Quảng Phong, TX Ba Đồn), La Hà (xã Quảng Văn, TX Ba Đồn), Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch),… tại các chùa làng như chùa An Xá (xã Lộc Thủy, Lệ Thủy), Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc (xã Quảng Lộc, TX Ba Đồn), Miếu Nam Lĩnh (xã Quảng Phú, Quảng Trạch),… và tại các nhà thờ họ Mai (xã Quảng Sơn, TX Ba Đồn), họ Lê (xã Văn Hóa, Tuyên Hóa), họ Lê Chiêu (xã Hạ Trạch, Bố Trạch), họ Nguyễn Duy (xã Hải Trạch, Bố Trạch), họ Trương (xã Phú Thủy, Lệ Thủy), họ Hoàng (xã Lương Ninh, Quảng Ninh),… gồm có sắc phong, hoành phi, câu đối, gia phả, địa bạ,… Đây là nguồn tư liệu được gìn giữ, lưu truyền qua bao thế hệ, gắn liền với lịch sử dân tộc, gắn liền với đời sống của nhân dân các làng, xã từ ngày xưa cho đến tận bây giờ.
Qua việc khai thác, thu thập các tư liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã tìm thấy những văn chỉ Hán Nôm quý báu mà lâu nay các nhà nghiên cứu, nhà khoa học chưa biết hoặc tưởng như không có trên đất Quảng Bình: Các loại hình tư liệu Hán Nôm được ghi chép từ thời Quang Trung và Cảnh Thịnh của triều đại Tây Sơn như: các khế ước mua bán ruộng vườn của họ Trương (Phú Hòa, Phú Thủy, Lệ Thủy), hay sắc phong của vua Quang Trung phong cho Thành hoàng làng làng Minh Lệ (Quảng Minh, TX Ba Đồn). Điều đáng quý là các niên hiệu ghi nhận trên các văn chỉ Hán Nôm ở Quảng Bình đã không bị gián đoạn mà nó liên tục từ niên hiệu vua Cảnh Hưng thời Lê Mạt tiếp đến niên hiệu các vua Quang Trung, vua Cảnh Thịnh thời Tây Sơn, liên tục đến niên hiệu các vua triều Nguyễn như: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phước, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại. Qua đó thấy rõ ông bà ta thật kiên cường, quý trọng quá khứ, khôn khéo giữ được các văn bản có niên hiệu Tây Sơn một cách bí mật không bị triều Nguyễn phát hiện.
Kho tàng tư liệu Hán Nôm hiện có trên địa bàn tỉnh Quảng Bình rất đa dạng và phong phú, từ những pho tư liệu khoa học – hành chính đến những văn bản được ghi chép trên giấy tồn tại trong dân gian. Tất cả những tư liệu quý giá đó thể hiện rõ nét nhất về cội nguồn danh xưng Quảng Bình, về quê hương đất nước, về phong tục tập quán và đời sống văn hóa và phần nào đã phản ánh rõ nét tư duy khoa học, văn học nghệ thuật, tổ chức làng xã cũng như sinh hoạt xã hội của các bậc tiền nhân. Những tư liệu Hán Nôm được viết hoặc khắc theo 4 kiểu chữ cơ bản là chữ triện, chữ chân, chữ lệ và chữ thảo trên các chất liệu đá, đồng, vải, gỗ, giấy,… Đây chính là nguồn di sản văn hóa thành văn vô cùng quý báu mà những bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta hôm nay.
(Xem tiếp trang 31)
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Quảng Bình – số 7, 2018
Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)
Download file (PDF): Một số kết quả thu thập, sưu tầm nguồn tư liệu Hán nôm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (Tác giả: Hoàng Trọng Thủy) |