Một số nét khái quát về kho tàng Văn học Dân gian M’nông

SOME GENERAL FEATURES
OF M’NONG FOLK LITERATURE TREASURE

Tác giả: TRIỆU VĂN THỊNH
(Trường Đại học Tây Nguyên)

TÓM TẮT

     Dân tộc M’nông là chủ nhân của kho tàng văn học dân gian rất phong phú và đa dạng. Ngoài thể loại sử thi được cho là có số lượng đồ sộ và chất lượng độc đáo thì hầu hết các thể loại thuộc loại hình văn học dân gian đều có ở dân tộc M’nông như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, ca dao – dân ca, thành ngữ…

    Mỗi một thể loại văn học dân gian M’nông nhiều khi chỉ là tên gọi để có thể có sự phân biệt tương đối, còn trong thực tế ít nhiều chúng đều có mối liên hệ với nhau và rất khó để tách bạch thành một thể loại cụ thể. Tất cả đã tạo nên một chỉnh thể văn hóa đa sắc màu của dân tộc M’nông, nó có tác dụng thắt chặt, củng cố mối quan hệ cộng đồng, làm cho người M’nông càng thêm yêu văn hóa, quê hương, xứ sở của mình hơn.

Từ khóa: M’nông; sử thi; văn học dân gian; văn vần; văn xuôi tự sự.

SUMMARY

     M’nong ethnic group possesses a rich and diversified folk literature treasure. Apart from the epic with a huge quantity and unique quality, almost all genres of folk literature present in the M’nong ethnic group including myths, legends, fairy tales, allegories, folk songs, traditional music, idioms, proverbs, etc. Each genre of M’nong folk literature genre is sometimes a name to refer to a relative distinction. In fact, they are more or less interrelated and it is difficult to separate them into a specific genre. All of them have created a multi-color cultural identity of the M’nong people. This is to tighten and strengthen community relations and to make M’nong people love their culture and homeland better and better.

Keywords: M’nong; epic; folk literature; verse; narrative prose.

x
x x

1. Mở đầu

     Dân tộc M’nông là chủ nhân của kho tàng văn học dân gian rất phong phú và đa dạng, nó là truyền thống văn hóa của dân tộc M’nông. Văn học dân gian M’nông mang tính nguyên hợp cao, bao gồm nhiều thể loại, từ thần thoại, truyện cổ, luật tục, sử thi, lời nói vần (không phải là thể loại mà là hình thức diễn đạt có cả trong sử thi, gia phả, luật tục…) đến các hình thức hát dân ca, các hình thức diễn xướng âm nhạc và vũ đạo; những quy tắc ứng xử trong cộng đồng đến các nghi lễ và lễ hội… Tất cả đã tạo nên một kho tàng văn hóa hết sức sống động, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với toàn thể cộng đồng và được người M’nông lưu truyền, cất giữ hàng ngàn đời nay. Kho tàng ấy đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc M’nông.

2. Nội dung

     Văn học dân gian của người M’nông, cũng giống như văn học dân gian của nhiều dân tộc khác, rất khó xác định thể loại một cách rạch ròi. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, nhiều tác phẩm không thể xếp vào một ô thể loại nhất định; thật khó xác định nó là thần thoại, truyền thuyết hay cổ tích, là ca dao – dân ca hay là thành ngữ, tục ngữ… Một tác phẩm nhưng lại mang trong nó đặc điểm của nhiều thể loại khác nhau. Do vậy mà ở đây, chúng tôi không phân chia văn học dân gian M’nông thành những thể loại cụ thể mà tạm thời chia nó thành hai loại: những tác phẩm thuộc loại hình văn xuôi tự sự và những tác phẩm thuộc loại hình văn vần (tất nhiên sự phân loại này cũng chỉ mang tính tương đối). Đối với các nhà nghiên cứu đi trước, ngay cả khi họ chia văn học dân gian M’nông thành những thể loại cụ thể giống như khi nghiên cứu văn học dân gian của người Kinh (người Việt) thì chúng ta vẫn thấy ở họ sự lưỡng lự, thiếu minh định. Đỗ Hồng Kỳ trong sách Văn học dân gian ÊĐê, Mơ Nông đã viết: “tìm hiểu truyện cổ M’nông mà tách bạch ra từng loại hình như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, v.v… là một việc làm khiên cưỡng” (Đỗ Hồng Kỳ, 2008, tr. 20). Trong luận án tiến sĩ Ngữ văn, Nguyễn Việt Hùng (2011, tr. 46-47) viết: “Một trong những đặc điểm nổi bật của truyện cổ tích M’nông là sự giao thoa, hoà trộn với những thể loại truyện dân gian khác. Hiện tượng này mang tính phổ biến ở các tộc người ít có tính biến động về đời sống xã hội – lịch sử, dẫn đến tình trạng chưa xuất hiện những yếu tố cần thiết cho sự ra đời của một số thể loại văn học dân gian”. Dưới đây chúng tôi khảo sát một cách khái quát hai loại thể theo cách phân chia tạm thời của chúng tôi.

     2.1. Các tác phẩm thuộc loại hình văn xuôi tự sự

     Như trên đã nói, dân tộc M’nông có một kho tàng văn học dân gian rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Hiện nay ở vùng người M’nông sinh sống vẫn đang lưu truyền một hệ thống các câu chuyện kể dân gian nói về các vị thần, về nguồn gốc và lịch sử tộc người, về các nhân vật huyền sử; những câu chuyện đề cập đến những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống xã hội v.v. Những truyện này phản ánh nhận thức quá khứ xa xăm của con người về vũ trụ và nhân sinh, những dấu vết hoạt động của con người trong xã hội nguyên thuỷ (Bế Viết Đẳng và cộng sự, 1982, tr. 144).

     Văn học dân gian M’nông đã được nhiều người quan tâm sưu tầm, nghiên cứu và đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng, tiêu biểu như Truyện cổ M’nông do Y Thi, Trương Bi sưu tầm và biên soạn, Sở Văn hoá – Thông tin Dak Lăk ấn hành năm 1985, gồm 15 câu chuyện. Tiếp đó là cuốn Truyện cổ M’nông (tập 2) do Tấn Vịnh, Điểu Kâu sưu tầm và biên soạn, Sở Văn hoá – Thông tin Dak Lăk ấn hành năm 1995, gồm 13 câu chuyện. Hai tập truyện này được sưu tầm ở nhóm M’nông Nong và M’nông Prâng ở tỉnh Dak Nông. Đó là những câu chuyện kể về số phận của các loại nhân vật: người mồ côi, người lao động tài giỏi, người thông minh, người ngốc ngếch… (Trương Thông Tuần, 2010, tr. 16).

     Năm 2006, các tác giả Lê Khắc Cường, Phan Văn Dốp, Nguyễn Văn Huệ… cho xuất bản cuốn sách Truyện cổ M’Nông (NXB Văn hoá dân tộc) gồm 27 câu chuyện sưu tầm tại các bon làng thuộc huyện Lăk, tỉnh Dak Lăk và huyện Dak Mil, tỉnh Dak Nông. Cuốn sách tập hợp những tác phẩm lý giải về các hiện tượng trong tự nhiên như sự hình thành trời đất, tại sao biển lại mặn, sự ra đời của cây lúa…; lý giải về các mối quan hệ trong xã hội như nguồn gốc các dòng họ của người M’nông, ý nghĩa giáo dục của tập tục kết hôn… Năm 2007, Tấn Vịnh và Điểu Kâu cho xuất bản tập truyện Chuyện kể về các loài vật gồm 45 truyện mô tả khá thú vị về những loài chim, loài thú. Bên cạnh đó là những truyện kể dân gian được đăng rải rác trên các tạp chí của địa phương như Thần N’tôch bị đánh (2001), Nàng Ji Jêt Lơ Nghe (2003), Sự tích cây nêu thần (2005), Vì sao con voi sợ kiến (2006), Vì sao con kiến ăn mỡ (2007) v.v… Năm 2010, Trương Thông Tuần có cuốn sách Truyện cổ M’Nông do NXB Trẻ ấn hành. Sách gồm 36 câu chuyện. Nội dung các câu chuyện kể về những sự việc xảy ra trong đời sống gia đình, trong bon làng và về các loài vật.

     Trong kho tàng truyện dân gian của người M’nông còn có những câu chuyện kể về sự hình thành của đất trời và vạn vật như Yang thì tạo ra sông núi; Krak, Ntung, Bung thì tạo ra các giống cây trồng vật nuôi, Thần Rừng thì tạo ra các dòng sông, dòng suối… mà trong đó tiêu biểu hơn cả vẫn là Krak Lưn. Ở đó là cả thế giới thần linh rất phong phú và sinh động, mà mỗi hình tượng thần là biểu trưng cho những chiến công chinh phục tự nhiên, tạo lập địa bàn cư trú của con người thời cổ xưa.

     Krak Lưn đóng vai trò là thần sáng tạo, thần khai sáng làm ra muôn vật. Các truyện kể dân gian tạo thành dòng chảy liên tục trong việc giải thích sự hình thành của thế giới và vạn vật, trong đó biểu tượng đá được người M’nông nhắc đến nhiều với ý niệm: Con người và muôn vật sinh ra từ đá:

Từ thời xa xưa

Có con bướm soi mình trên đá

Có con bướm quan hệ với đá

Con chuồn chuồn quan hệ với nước

Hòn đá đẻ ra một trăm con người

Dòng thác sinh ra một nghìn con người

Nước biển sinh ra trứng và nở ra Tiăng

(Đỗ Hồng Kỳ, 1996, tr. 31)

     Truyện Chàng đá lăn kể rằng: Có chàng trai sinh ra trong tảng đá lớn, nhờ chim ưng mổ vỡ đá trước người, chàng mới trở thành chàng trai đẹp đẽ… Qua câu chuyện này, chúng ta thấy được “bóng dáng xa xưa” nhất của tổ tiên loài người, như X. A. Tôcarev đã viết: những tô tem xưa nhất là những tô tem của các bào tộc chúng thường là loài chim (X. A. Tôcarev, 1994, tr. 77).

     Những biểu tượng thần thoại đã được tiếp nối trong thể loại sử thi, thể hiện quan niệm của người M’nông về vũ trụ, về nguồn gốc của sự sống và con người. Sự thống nhất trong cách sử dụng những biểu tượng thần thoại đã thể hiện sức sống mạnh mẽ của vốn văn học dân gian, tính kế thừa trong sáng tác của người M’nông (Nguyễn Việt Hùng, 2011, tr. 43).

     Bên cạnh những câu chuyện kể về các vị thần đã sáng tạo ra vũ trụ, con người và vạn vật, kho tàng truyện dân gian của dân tộc M’nông còn có những tác phẩm nói về lịch sử tộc người, về phong tục tập quán, về mối quan hệ giữa dân tộc M’nông với các dân tộc khác, về những nhân vật huyền sử trong quá khứ mà người M’nông bao giờ cũng trân trọng và ngưỡng vọng mỗi khi nhắc đến họ. Đó là truyện Nạn hồng thuỷ nói về mối quan hệ giữa người M’nông và người Mạ; truyện Truyền thuyết Trôm yau giải thích tại sao người M’nông lại được chia thành nhiều nhóm khác nhau; truyện Vì sao người chết không sống lại giải thích cho việc vì sao con người hiện nay phải chết vĩnh viễn; truyện Kiêng ăn thịt khỉ, truyện Sự tích về các dòng họ và truyện Sự tích dòng họ Buôn Kroong đề cập đến tập quán kiêng cữ của người M’nông như kiêng ăn thịt nai, kiêng ăn thịt khỉ, kiêng ăn thịt trăn, kiêng ăn củ păn lăm… Người M’nông vẫn quan niệm rằng những con vật như khỉ, nai, trăn… luôn ở bên cạnh để giúp họ chiến thắng được thiên tai, địch hoạ đồng thời mang lại may mắn, hạnh phúc cho con người. Trong hệ thống những truyện kể về lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, về các phong tục tập quán của người M’nông, chúng tôi nhận thấy truyện Dam Bri (Chàng Rừng) là tiêu biểu và đáng chú ý hơn cả. Truyện đã ca ngợi lòng dũng cảm và những chiến công vang dội của chàng Dam Bri trong sự nghiệp đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ cuộc sống yên bình cho bon làng. Hình ảnh chàng Dam Bri luôn luôn là biểu tượng rực sáng của người M’nông, nó lung linh, hùng tráng và lãng mạn với những vẻ đẹp độc đáo và hấp dẫn giống như dòng thác Dak Buc So ngày đêm tuôn chảy và gầm thét giữa đại ngàn Cao Nguyên hùng vĩ. Tác phẩm Dam Bri mang âm hưởng trữ tình và đậm chất anh hùng ca, nó có vẻ đẹp độc đáo và sức hấp dẫn kỳ lạ, xứng đáng là một trong những viên ngọc sáng nhất trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam (Đỗ Hồng Kỳ, 2008, tr. 32).

     Nhìn chung, phần lớn những truyện kể thuộc kiểu dạng này thường có cốt truyện đơn giản, ít tình tiết và khi sáng tạo, các nghệ nhân dân gian luôn đặt nhân vật vào những địa bàn cụ thể. Do vậy, những tác phẩm này mang trong nó cả những yếu tố hiện thực và cả những yếu tố hoang đường.

     Trong kho tàng truyện dân gian của dân tộc M’nông còn có hệ thống những câu chuyện đề cập đến những xung đột, mâu thuẫn trong đời sống xã hội, trong sinh hoạt và trong lao động sản xuất. Những tác phẩm thuộc loại này được Đỗ Hồng Kỳ và Nguyễn Việt Hùng xếp vào loại truyện cổ tích. Nhưng như trên chúng tôi đã nói, việc phân chia thể loại văn học dân gian nhiều khi là rất khó và điều đó càng khó khăn hơn khi ta phân loại văn học dân gian của dân tộc M’nông (bởi nó có sự giao thoa của nhiều thể loại trong cùng một tác phẩm).

     Trong truyện dân gian M’nông còn có một loại truyện được gọi là Nao R’lach hay Nao N’khich. Đây là loại truyện chứa đựng phần lớn sự tưởng tượng, truyện kể ngắn gọn và có tác dụng tạo không khí vui tươi, giải trí. Đằng sau sự vui tươi, giải trí ấy là lời răn dạy về đạo đức, triết lý về nhân sinh và kinh nghiệm sống được rút ra từ thực tế. Những câu chuyện này tập trung nói về thế giới động vật. Hai con vật được nói đến nhiều nhất là thỏ và cọp. Trong truyện, con thỏ luôn luôn tỏ ra tinh khôn, ranh mãnh và có phần độc ác. Vốn nhỏ bé và nhút nhát thế mà thỏ nhiều phen làm cho cọp phải gườm mặt, phải chết vì mắc mưu (truyện Cọp sợ thỏ, Vì sao da cọp nhiều màu, Thỏ hại cọp). Sự tinh ranh, láu lỉnh của con thỏ được thể hiện rõ nhất trong truyện Thỏ và bà già. Người đàn bà già tưởng là đã nhanh hơn thỏ, khi bà ta vội vàng nói với Mtao rằng bà sẽ đổi thỏ cho Mtao để lấy gạo, thì trước đó thỏ đã “vào cửa sau” nói với Mtao rằng thỏ bán bà già cho Mtao để lấy “một con dê đực và hai chục qủa trứng”…

     Nội dung truyện dân gian M’nông rất phong phú và đa dạng, phản ánh đầy đủ mọi mặt trong đời sống xã hội. Truyện dân gian đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với dân tộc M’nông qua nhiều đời nay, chứa đựng những giá trị văn hoá đặc sắc của cộng đồng mà những giá trị đó đã được đúc kết xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển của dân tộc. Việc tìm hiểu kho tàng truyện dân gian của dân tộc M’nông sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về đời sống vật chất và tinh thần, cùng với đó là những ước mơ, khát vọng của người M’nông.

     2.2. Các tác phẩm thuộc loại hình văn vần

     Ngoài thể loại sử thi – ot ndrong (sử thi ot ndrong là tác phẩm tự sự được thể hiện dưới hình thức văn vần, chúng tôi sẽ giới thiệu riêng ở một dịp khác) được sáng tạo bằng văn vần thì trong kho tàng văn học dân gian của dân tộc M’nông còn có hệ thống các câu vần rất phong phú và đa dạng mà người M’nông gọi là Nao Mprĭng (lời nói vần). Lời nói vần của người M’nông tương đương với thành ngữ, tục ngữ, ca dao… của người Việt. Nội dung của Nao Mprĭng đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống: thời tiết, kinh nghiệm sản xuất, mối quan hệ cộng đồng, tình yêu nam nữ, hôn nhân, nguồn gốc các dòng họ và về các mối quan hệ trong gia đình, dòng tộc…

     Nao Mprĭng là hình thức phônclo ngôn từ được thể hiện thiên về lối nói có vần điệu. Những câu này khi đọc lên thường có âm điệu xuôi tai, làm cho người nghe dễ nhớ và nhớ được lâu, nó là sự trộn lẫn giữa ngôn ngữ thơ ca và ngôn ngữ thông thường. Dưới đây chúng tôi đi vào một số vấn đề cơ bản của loại hình văn vần dân gian M’nông để thấy được tính chất phong phú, đa dạng của nó.

     Lời nói vần được cấu trúc theo những câu văn vần nên nó tương đối dễ nhớ và dễ thuộc, nó thường đề cập đến những vấn đề gần gũi, mật thiết trong sinh hoạt hằng ngày nên dễ tiếp cận và dễ vận dụng vào cuộc sống. Về mặt hình thức, về cơ bản đây là lối nói có vần điệu, ngoài vần lưng và vần đầu được cấu trúc tương đối “nghiêm ngặt” còn lại được sử dụng rất linh hoạt, tự do, có những trường hợp 5, 6 câu liên tiếp không hiệp vần với nhau. Về ngôn ngữ biểu đạt, như Đỗ Hồng Kỳ đã nhận xét, “ngôn ngữ sử dụng trong nao mprĭng không mấy trau chuốt, bóng bẩy, mà phần lớn là thô mộc. Tính hàm súc của ngôn ngữ thi ca ở đây còn rất hạn chế” (Đỗ Hồng Kỳ, 2008, tr. 171).

     Nội dung của Nao Mprĭng đề cập đến nhiều vấn đề trong cuộc sống, thông qua loại hình văn vần của người M’nông chúng ta có thể hiểu được một cách đầy đủ và sâu sắc hơn về đời sống văn hoá của dân tộc M’nông. Ẩn chứa trong lời nói vần là tất cả những tri thức, sự hiểu biết của dân tộc M’nông về nguồn gốc, lịch sử tộc người, về kinh nghiệm trong lao động sản xuất cũng như những quy tắc ứng xử trong cuộc sống; về tình cảm gia đình, về tình yêu đôi lứa và về các mối quan hệ trong cộng đồng…

     Nao Mprĭng là những tổ hợp từ ngữ được cấu trúc theo lối nói có vần điệu với mục đích là dễ nhớ, dễ thuộc, dễ vận dụng và mang lại giá trị biểu cảm cao. Nghệ nhân dân gian sử dụng nhiều lối hiệp vần để kết cấu nên Nao Mprĭng, qua khảo sát, chúng tôi thấy lối hiệp vần lưng và vần đầu là được sử dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, không phải tất cả Nao Mprĭng của người M’nông đều được kết cấu một cách kỳ công, có chọn lựa, bên cạnh những câu có vần, có điệu và mang tính biểu cảm cao, còn là những câu không có vần điệu gì, không mang giá trị biểu cảm nào đáng kể; nó gần như chưa có được sự gọt dũa, gia công là mấy và nhiều khi không thể phân biệt được với ngôn ngữ của đời sống thường ngày.

     Trong Nao Mprĭng, thủ pháp nghệ thuật thường được các nghệ nhân sử dụng nhiều nhất đó là thủ pháp ẩn dụ và hoán dụ. Thủ pháp ẩn dụ được dùng phổ biến nhất là phép so sánh. Theo đó, các nghệ nhân thường mượn sự vật, hiện tượng này để so sánh với sự vật, hiện tượng khác, ví dụ như: Con gái con trai như trâu tơ với bụi cỏ hay Anh bỏ em như chiếc đơm rách anh bỏ em như cơm bị thiu… Thủ pháp hoán dụ là lối nói đầy ẩn nghĩa, thường là những câu rất khó hiểu, phần lớn là ý nằm ngoài lời, ví dụ như:

Kup săk ma ching

Rling păn tăp

Rlang păn ken

Nghĩa là:

Đầu đội bằng chiêng

Như Rling ấp trứng

Như Rlang úm con

     Ý của câu này có nghĩa là người sống hiền lành, không gây hiềm khích với ai.

     Cách sử dụng thủ pháp hoán dụ của người M’nông nhiều khi tạo ra những câu vần khó hiểu, nhiều khi không thể dựa vào ý nghĩa của từ vựng mà hiểu được. Ngay cả với người M’nông bản địa nhưng nếu không phải là người am hiểu, thông thạo về lĩnh vực này cũng chưa chắc có thể hiểu được.

     Nhìn chung, Lời nói vần có một vị trí rất quan trọng trong đời sống của người M’nông cả trong truyền thống và hiện đại. Ngày nay, nó vẫn còn có vai trò rất quan trọng trong đời sống của cộng đồng và vẫn đang được người dân M’nông lưu giữ và vận dụng vào trong cuộc sống thường ngày của họ. Tuy nhiên, gần đây, tác động mạnh mẽ của điều kiện kinh tế – xã hội đã làm thay đổi không gian và môi trường diễn xướng của nó, làm cho Nao Mpring mất dần đi vị trí và vai trò của nó đối với đời sống của cộng đồng.

3. Kết luận

     Kho tàng văn học dân gian là tấm gương phản chiếu thế giới quan, nhân sinh quan của dân tộc M’nông. Qua văn học dân gian, chúng ta còn biết được tư tưởng, tình cảm và những ước mơ của họ về một cuộc sống sung túc, giàu có, đông vui, với những kỳ lễ hội quanh năm suốt tháng… Tuy nhiên, hiện nay, môi trường, không gian diễn xướng gần như đã không còn để cho những sinh hoạt văn hóa dân gian được diễn ra một cách tự nhiên trong cuộc sống của cộng đồng. Điều này đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ phải tìm ra những giải pháp căn cơ để các sinh hoạt văn hóa dân gian M’nông cũng như của các dân tộc khác có thể tồn tại và phát triển được trong bối cảnh xã hội hiện đại. Điều này sẽ được chúng tôi trao đổi kỹ ở những bài viết tiếp theo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bế Viết Đẳng, Chu Thái Sơn, Vũ Thị Hồng & Vũ Đình Lợi (1982). Đại cương các dân tộc ÊĐ MNông ở Đak Lak. NXB Khoa học xã hội.

Đinh Gia Khánh và các cộng sự (1998). Văn học dân gian Việt Nam. NXB Giáo dục.

Nguyễn Việt Hùng (2011). Công thức truyền thống trong sử thi – Ot Ndrong. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Luận án tiến sĩ Văn học.

Đỗ Hồng Kỳ (1996). Sử thi thần thoại M’nông. NXB Khoa học xã hội.

Đỗ Hồng Kỳ (2008). Văn học dân gian ÊĐê Mơ Nông. NXB Khoa học xã hội.

V.I.A. Prôp (1996). Đặc trưng của Phônclo. NXB Giáo dục.

Lê Chí Quế (2001). Văn hoá dân gian : Khảo sát và nghiên cứu. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

X.A. Tôcarev (1994). Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng. NXB Chính trị Quốc gia.

Trương Thông Tuần (2010). Truyện cổ M’nông. NXB Trẻ.

Ngô Đức Thịnh (chủ biên) (1995). Văn hóa dân gian M’nông. Sở Văn hóa – Thông tin Đắk Lắk.

Nguồn: Tạp chí khoa học – Trường Đại học Vinh, Tập 48 – Số 3B/2019, tr. 84-90

  Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)

Download file (PDF): Một số nét khái quát về kho tàng Văn học Dân gian M’nông
(Tác giả: Triệu Văn Thịnh)