Một số nét VĂN HOÁ VIỆT qua THÀNH NGỮ trong TIỂU THUYẾT “MẢNH ĐẤT LẮM NGƯỜI NHIỀU MA” của Nguyễn Khắc Trường
NGUYỄN THỊ TRÀ MY 1
NGUYỄN THỊ DUYÊN
(1. Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên)
1. Mở đầu
Thành ngữ (ThN) tiếng Việt là một loại đơn vị từ vựng không những được con người sử dụng phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày mà cả trong tác phẩm văn chương. Nhiều nhà văn, nhà thơ (trong đó có tác giả Nguyễn Khắc Trường) đã vận dụng rất linh hoạt và nhuần nhuyễn ThN giúp cho các tác phẩm văn học thêm biểu cảm, gợi tả, hàm súc và đậm đà bản sắc dân tộc. Nguyễn Khắc Trường thuộc thế hệ lớp nhà văn sau thời kì đổi mới. Ông có những đóng góp nhất định cho nền văn học đương đại nước nhà với tiểu thuyết nổi tiếng “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Đến với tác phẩm này, ấn tượng đầu tiên gieo vào lòng mỗi người chính là lớp ngôn từ rất phong phú, sinh động. Bên cạnh lối kể chuyện hấp dẫn, tác giả còn chứng tỏ khả năng sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo đặc biệt là việc vận dụng ThN. Hệ thống ThN không chỉ được sử dụng với mật độ dày đặc trong trang văn của Nguyễn Khắc Trường mà còn rất giàu tính hình tượng, linh hoạt và tạo được những hiệu quả thẩm mĩ bất ngờ, làm nổi bật được một số nét văn hoá của người Việt.
2. Kết quả khảo sát thành ngữ trong tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”
Chúng tôi tiến hành khảo sát và thu được 438 ThN trong tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma” sau đó tiến hành phân loại các ThN này dựa vào các tiêu chí nguồn gốc, chức năng (định danh), phương thức tạo nghĩa và phương thức sử dụng. Kết quả cụ thể như sau:
2.1. Theo tiêu chí nguồn gốc
Dựa vào nguồn gốc, vốn từ tiếng Việt được chia thành từ thuần Việt và từ vay mượn (gồm lớp từ gốc Hán và lớp từ gốc Ấn – Âu). Qua bảng khảo sát trên, chúng ta thấy trong tác phẩm không xuất hiện ThN gốc Ấn – Âu, ThN thuần Việt chiếm số lượng nhiều nhất với 349/438 ThN, tương đương với 79,7%, nhiều hơn gấp 3,9 lần ThN Hán Việt. Ví dụ: Ăn lông ở lỗ, bôi gio trát trấu, gậy ông đập lưng ông,… Trong tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, Nguyễn Khắc Trường sử dụng ThN thuần Việt với mật độ dầy đặc có lẽ bởi nội dung của tác phẩm viết về nông thôn, về cuộc sống của người nông dân. Trong khi đó, ThN Hán Việt có đặc điểm thiên về tính chất trang trọng, uyên bác thích hợp với những hoàn cảnh giao tiếp nghi thức, đồng thời nó có nghĩa rất trừu tượng, khó hiểu cho nên được sử dụng với số lượng ít hơn. ThN Hán Việt chỉ chiếm 20,3%, với số lượng 89/438 ThN. Ví dụ: Tha phương cầu thực, hồn xiêu phách lạc, lấy độc trị độc…
2.2. Theo tiêu chí chức năng (định danh)
Dựa vào vai trò định danh và từ loại của từ trung tâm trong ThN, ThN được chia thành ba nhóm: ThN có chức năng như cụm danh từ, ThN có chức năng như cụm động từ và ThN có chức năng như cụm tính từ. Nhìn vào bảng số liệu trên, chúng ta thấy ThN là một cụm danh từ có số lượng lớn nhất với 152/438 ThN, chiếm 34,7%. Ví dụ: Con dao hai lưỡi, cá mè một lứa, hai bàn tay trắng, trăm thứ bà Giằn… ThN là một cụm động từ có 140/438 ThN, chiếm 32%. Ví dụ: Vơ đũa cả nắm, thọc gậy bánh xe, ăn vụng quen mồm, vắt cổ chày ra nước,… ThN là một cụm tính từ có 146/438 ThN, chiếm 33,3%. Ví dụ: Tỉnh như tiền, quá mù ra mưa, Có lớn mà chưa có khôn… Đặc điểm của ThN là những câu nói mô tả những hiện tượng tự nhiên và xã hội, là những khái niệm, những đơn vị sẵn có, được cô đúc chặt chẽ và có nghĩa bóng bẩy. Vì thế các ThN là cụm danh từ được tác giả sử dụng nhiều hơn nhóm ThN có chức năng như cụm tính từ và cụm động từ. Nhờ các ThN có chức năng như các cụm danh từ này mà các sự vật, sự việc, hiện tượng được phản ánh trong tác phẩm trở nên cụ thể và sinh động hơn.
2.3. Theo tiêu chí phương thức tạo nghĩa
Theo tác giả Hoàng Văn Hành: “Thành ngữ có hai lượng nghĩa đôi và hai nghĩa này gần như song song tồn tại: nghĩa đen là nghĩa cơ sở, là gốc; nghĩa bóng hay nghĩa phái sinh là nghĩa được sử dụng trong hành chức, là nghĩa hình thành qua quá trình biểu trưng hoá” [4;31] và chúng được thể hiện dưới 2 hình thức: hình thức so sánh (ẩn dụ hoá) và hình thức ẩn dụ (so sánh ngầm). Dựa vào tiêu chí này chúng tôi phân loại 438 ThN và thu được 75 ThN so sánh, tương đương với 17,1%, ThN ẩn dụ hoá chiếm 82,9%, với 363 ThN, nhiều hơn ThN so sánh 4,8 lần.
Ví dụ:
Nát như tương, Méo như bị, Mềm như bún… (Thành ngữ so sánh)
Chết đi sống lại, Mượn gió bẻ măng, Bút sa gà chết… (Thành ngữ ẩn dụ hoá)
Sở dĩ ThN ẩn dụ hoá được sử dụng với số lượng lớn bởi chúng có tính bóng bẩy, tính hình tượng do được chuyển nghĩa với hai lớp nghĩa đen và nghĩa bóng. Điều này đã góp phần tạo nên hiệu quả nghệ thuật cao, thể hiện chính xác dụng ý nghệ thuật của tác giả. Mặt khác, các ThN so sánh và ThN ẩn dụ hoá còn được tác giả sử dụng với các dạng thức khá phong phú như:
– Thành ngữ so sánh: Khảo sát tác phẩm, chúng tôi nhận thấy ThN so sánh được tác giả vận dụng ở hai kiểu:
– Thành ngữ ẩn dụ hoá: Ở dạng này, ThN được chia làm hai tiểu loại là:
+ Thành ngữ ẩn dụ hoá đối xứng: Ví dụ: “dây mơ rễ má”: dây >< rễ; mơ >< má [11; 77].
+ Thành ngữ ẩn dụ hoá phi đối xứng: Ví dụ: chó nằm gầm chạn [11; 265], “nước chảy bèo trôi” [11; 267].
2.4. Phương thức sử dụng
Dựa vào phương thức sử dụng, ThN được chia thành hai tiểu dạng là các ThN được sử dụng nguyên dạng và các ThN được cải biên. Cụ thể là:
– Thành ngữ được sử dụng nguyên dạng
Nhóm ThN được sử dụng nguyên dạng xuất hiện với số lượng lớn với 406 ThN, chiếm
92,7%. Ở dạng này, nhiều ThN nguyên dạng được tác giả sử dụng lặp đi lặp lại trong tác phẩm ở nhiều ngữ cảnh khác nhau nhưng không hề gây cảm giác nhàm chán cho người đọc mà ngược lại nó còn góp phần quan trọng trong việc thể hiện và khắc sâu được dụng ý nghệ thuật. Chẳng hạn, thành ngữ ném đá giấu tay được sử dụng 5 lần, thành ngữ hàng xóm láng giềng được sử dụng 3 lần, thành ngữ tai qua nạn khỏi được sử dụng 4 lần… Đặc biệt thú vị khi có những trang viết, tác giả sử dụng ThN với mật độ dày đặc từ 5 – 11 thành ngữ. Ví dụ ở trang 106 đã xuất hiện hàng loạt ThN như: Thay đen đổi trắng, buôn quạ bán diều, buôn rết bán rắn, lửa ít khói nhiều, gieo oán trả oán, hữu nữ vô nam, hữu sinh vô dưỡng [11; 106].
– Thành ngữ được cải biên
So với nhóm ThN được dùng nguyên dạng, nhóm ThN cải biên được tác giả sử dụng với số lượng ít hơn: 33 ThN, chiếm 7,3%. Trong tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, thành ngữ được cải biên gồm ba dạng: hoán đổi trật tự âm tiết; thêm, lược bớt âm tiết; thay thế yếu tố cũ bằng yếu tố mới.
Dạng 1: Hoán đổi trật tự âm tiết
Ở dạng này, các âm tiết trong ThN gốc được thay đổi vị trí cho nhau đem lại cho người đọc cảm giác lạ tai. Sự cải biên này không làm ThN mất đi nghĩa ban đầu, mà ngược lại, nó còn trở nên sinh động, biểu cảm và góp phần nhấn mạnh nội dung cần thông báo cũng như thái độ của tác giả. Ví dụ: Tình làng nghĩa xóm → Tình nghĩa làng xóm, “Gan to trí lớn” → “Trí lớn gan to”.
Dạng 2: Thêm hoặc lược bớt âm tiết
Ở dạng này, tác giả chủ yếu sử dụng cách chen thêm âm tiết vào ThN gốc. Ví dụ: Ầm ầm/Rầm rầm như vỡ chợ, Trắng bạch như sáp, Ở hiền mà chẳng gặp lành, An cư mới lạc nghiệp, Chứng nào lại tật ấy, Nói năng như chém chả, Mưa dột như sảo, Có bé xé ra to, Nợ hợp tác xã như chúa Chổm, Run lên như phải gió
Dạng 3: Dạng thay đổi yếu tố cũ bằng yếu tố mới
Bên cạnh hai dạng cải biên trên, trong tác phẩm tác giả còn sử dụng thủ pháp thay thế một số từ cũ bằng một từ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa trong thành ngữ gốc tạo nên sự sinh động mới mẻ. Trong tác phẩm, chúng tôi khảo sát và thu được 10 ThN ở dạng này, chiếm 30,3%.
Ví dụ:
Chậm như sên bò → Rù rì như sên bò
Chân nam đá chân chiêu → Chân nam đá chân xiêu
Sống khôn chết thiêng → Sống khôn thác thiêng
Len lét như rắn mồng năm → Lẩn biến như rắn mồng năm
Qua cầu rút ván → Chặt chân rút ván
Như vậy, Nguyễn Khắc Trường đã thể hiện sự vận dụng khéo léo và sáng tạo độc đáo để tạo nên các biến thể thành ngữ sinh động, giàu hình ảnh và đầy tính tính biểu cảm nhằm mang lại sự mới mẻ đầy thú vị cho các trang viết của mình. Đây chính là cách vừa tránh lặp lại một cách đơn điệu vừa tạo nên sự sinh động, linh hoạt cho áng văn nghệ thuật.
3. Một số nét văn hoá Việt qua việc sử dụng thành ngữ trong tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”
3.1. Nền nếp sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng dân gian
Văn hoá Việt Nam thuộc loại hình văn hoá gốc nông nghiệp. Vì vậy, mọi mặt của đời sống vật chất và tinh thần của con người đều mang dấu ấn nông nghiệp rõ rệt. Do nghề nông là nghề sống chủ yếu cho nên từ xưa tới nay, người Việt luôn có truyền thống cần cù trong lao động với nếp sống tự cung tự cấp. Trong tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”, bằng cách vận dụng khéo léo lời ăn tiếng nói của nhân dân (đặc biệt là thành ngữ), Nguyễn Khắc Trường đã khắc hoạ thành công nhiều góc cạnh trong đời sống nông thôn, nổi bật là cuộc sống sinh hoạt của người dân xóm Giếng Chùa. Những câu thành ngữ mà tác giả sử dụng trong tác phẩm mang “đậm chất nông thôn” gắn với cuộc sống của những người nông dân quanh năm lam lũ, vất vả để làm ra hạt thóc, hạt gạo: Bới đất lặt cỏ, chân lấm tay bùn, cày sâu cuốc bẫm, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, bát cơm manh áo, đồng tiền bát gạo,…
Là nhà văn có cuộc sống gắn bó với nông thôn, xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khó nên Nguyễn Khắc Trường đã sớm có điều kiện tiếp thu vốn thành ngữ – lời ăn tiếng nói nôm na, bình dị nhưng không kém phần tạo hình và biểu cảm của nhân dân lao động. Nhờ khả năng quan sát tinh tế, Nguyễn Khắc Trường đã đi sâu vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và miêu tả đời sống sinh hoạt của người nông dân một cách rất tự nhiên, chân thực và tỉ mỉ. Chẳng hạn, ông viết: “Người ta gọi Tám lé là vì mắt hắn hiếng (…). Suốt ngày được sửa gáy vít đầu thiên hạ, mà Tám vẫn không đủ vắt mũi đút miệng… lại một vợ bốn con quanh năm hết dật tạm lại vay nóng” [11;16]. Các thành ngữ “sửa gáy vít đầu, vắt mũi đút miệng, một vợ bốn con” đã phác hoạ chân thực và sinh động được cuộc sống vất vả, khó khăn, tìm đủ mọi cách mà vẫn không đủ ăn, đủ mặc của vợ chồng Tám lé.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thành ngữ còn giúp tác giả khắc hoạ sinh động và chính xác một số nét văn hoá tín ngưỡng dân gian trong đời sống của người nông dân vùng bán sơn địa. Đám tang của bà Son là một ví dụ điển hình cho tín ngưỡng ma chay. Đám tang này đã được tác giả miêu tả ngắn gọn bằng câu văn sau: “Theo phong tục vùng này, người chết bất đắc kì tử ở ngoài nhà thì không được đưa vào khỏi giọt gianh để tránh trùng hoạ” [11; 321]. Thành ngữ “bất đắc kì tử” ý nói tới những người chết không rõ nguyên nhân, theo tục lệ của người Việt xưa, những người chết trong trường hợp này sẽ được người nhà làm tang đưa tiễn một cách nhanh chóng để tránh hoạ trùng tang.
Tín ngưỡng sùng bái giới tự nhiên – thờ động vật (to tem) cũng là một nét văn hoá tín ngưỡng dân gian được tác giả Nguyễn Khắc Trường khéo léo đưa vào tác phẩm. Người Việt có câu: “Nhất điểu, nhị xà, tam ngư, tứ tượng”. Họ cho rằng, nếu tôn sùng và thờ một loài động vật đại diện cho sức mạnh của gia đình và dòng họ mình thì sẽ được may mắn, được phù hộ và có được cuộc sống yên ổn, hạnh phúc. Trong tác phẩm, dòng họ Trịnh Bá của xóm Giếng Chùa đã chọn thờ “ông Ba mươi” như vị thần đại diện cho sức mạnh và uy quyền của dòng tộc: “Tô– tem của họ Trịnh Bá là một ông Ba mươi nhe nanh múa vuốt trong những bức tranh vẽ rất tỉ mỉ đặt chính giữa bàn thờ” [11; 66]. Chỉ bằng việc sử dụng thành ngữ “nhe nanh múa vuốt”, tác giả đã lột tả một cách chính xác vẻ uy nghi, dũng mãnh của vị bạo chúa sơn lâm qua đó gợi người đọc liên tưởng đến sức mạnh và thế lực của dòng họ Trịnh Bá ở vùng đất này.
Ngoài ra, trong tác phẩm, tác giả còn việc tái hiện một số nét văn hoá dân gian tiêu biểu khác của người Việt. Chẳng hạn, tín ngưỡng sùng bái con người và lực lượng siêu nhiên được tác giả thể hiện phần nào trong bài khấn dưới đây của ông Hàm khi đọc trước mộ cụ Cố Đại:
“Lạy thần Thành Hoàng
Lạy ông Tiên Chi
Lạy ngài quan âm chốn nát bàn
Lạy bà Bồ tát nơi âm phủ
Dòng họ Vũ nhà này chua cay ác độc, mấy đời nay từng thay đen đổi trắng, từng buôn quạ bán diều, buôn rết bán rắn, gây nhiều tai oán với họ Trịnh nhà con. Chúng chiếm ruộng nương gia sản, chiếm tình chiếm nghĩa, xui khiến họ Trịnh sớm hôm lục đục, lửa ít khói nhiều, bức bối toàn gia! Nay đến lúc gặp ơn đền ơn, gieo oán trả oán, ô hô hô!” [11; 106].
Trong đoạn văn này, thành ngữ tuy không trực tiếp miêu tả về tín ngưỡng những nó lại gián tiếp cho chúng ta thấy đạo đức của một bộ phận trong xã hội đã bị suy đồi. Họ dựa vào thần thánh, lợi dụng niềm tin tín ngưỡng để mưu cầu lợi ích và những toan tính đầy xấu xa.
3.2. Văn hoá giao tiếp, ứng xử
Người Việt rất coi trọng cách đối nhân xử thế thông qua lời ăn tiếng nói bởi đó là biểu hiện của văn hoá và tư cách con người: “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Trong giao tiếp, người Việt luôn luôn có xu hướng giữ hoà khí, ưa tế nhị, tránh sự cãi cọ hay to tiếng và luôn có sự cân nhắc, đắn đo trước khi nói. Chúng ta dễ dàng nhận thấy nét văn hoá giao tiếp này trong cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường. Nhà văn sử dụng nhiều câu thành ngữ lột tả được “đúng chất” văn hoá giao tiếp của người Việt. Chẳng hạn, trong câu văn: “Ông Long ngồi im từ nãy đến giờ, lúc này mới khẽ khàng lên tiếng, đúng bản chất của người dĩ hoà vi quý” [11; 290]. Thành ngữ “dĩ hoà vi quý” được tác giả sử dụng trong ngữ cảnh trên mang đậm tính triết lí sâu sắc trong văn hoá ứng xử, thể hiện sự coi trọng hoà thuận, êm ấm, không muốn đối đầu với ai của nhân vật ông Long.
Trong giao tiếp, với lối sống trọng tình cảm, người Việt Nam còn có thói quen ưa tìm hiểu, quan sát, đánh giá cộng đồng nên thường có xu hướng lựa chọn đối tượng giao tiếp trong những hoàn cảnh thích hợp. Nét văn hoá đặc trưng đó của người Việt đã được tác giả Nguyễn Khắc Trường khắc hoạ qua câu thành ngữ “chọn mặt gửi vàng”: “…Vẫn tám triệu của xã không bớt một xu nhá! Thật xứng đáng là chọn mặt gửi vàng nhá!” [11; 262].
Ngoài ra, trong tác phẩm chúng ta còn bắt gặp thói quen giao tiếp ưa rào đón, “vòng vo tam quốc” của người Việt. Trong giao tiếp, người Việt thường không bao giờ đi thẳng vào vấn đề mà luôn bắt đầu câu chuyện bằng chén trà, điếu thuốc, miếng trầu. Chẳng hạn như trong cuộc trò chuyện giữa Sửu và Thủ, tác giả đã vận dụng một câu thành ngữ đề cập đến lối giao tiếp này: “… Nhiều lúc tôi cứ tiếc thấy ta phá bỏ chuồng trại, ao hồ là nhanh nhảu đoảng, là thất sách. Còn những thứ ấy giống như miếng trầu là đầu câu chuyện! Đi thăm nom ai nó cũng dễ vào cửa” [11; 266].
Bên cạnh đó, chúng ta còn cảm nhận được cách ứng xử trọng Tình, coi trọng cộng đồng của người Việt qua những câu thành ngữ giàu tính triết lí nhân sinh mà gần gũi với cuộc sống của người nông dân như: “Cả hai người đại diện cho hai dòng họ ghê gớm (..). Cùng vì tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, xí xoá mọi hiềm khích nhỏ nhen” [11; 237]. Các thành ngữ “tình làng nghĩa xóm”, “tối lửa tắt đèn” đã thể hiện nét đẹp trong truyền thống văn hoá của người Việt Nam: yêu thương, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Một điều đặc biệt trong nét văn hoá giao tiếp và cách ứng xử của người Việt là nghệ thuật sử dụng ngôn từ đầy tính nhạc điệu, đăng đối. Điều này không chỉ thể hiện qua cách ưa dùng lối nói ví von, hình ảnh trong giao tiếp hàng ngày mà cả khi xung đột, mâu thuẫn, người Việt cũng có lối “chửi” rất bài bản, có vần điệu và cấu trúc chặt chẽ. Trong cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường, người đọc có thể dễ dàng bắt gặp cách sử dụng ngôn từ này qua một loạt những câu thành ngữ có cấu trúc cân đối, hài hoà được tác giả thể hiện qua lời chửi của nhân vật bà Dần: “Cha tiên nhân tam tứ đại đồng đường nhà nó! Đồ quạ tha ma bắt, đồ ăn gian nói dối, dám đổi trắng thay đen, dám vu oan giá hoạ chồng bà! Bà truyền bảo ba hồn chín vía cho mày được biết: Quân điêu toa đi ngang về tắt, quen thói giăng hoa chim chuột, không chết treo chết chém thì cũng chết sông chết ngòi, chết đường chết xá, mưa sa gió dập đời mày! Ba vạn chín nghìn con âm binh quen đặt điều dựng chuyện cũng không cứu nổi cái tội mỏng môi hay hớt của m…à…y?” [11; 282].
3.3. Tính cách con người thời đại
Trong tiểu thuyết này, tác giả Nguyễn Khắc Trường đã xây dựng rất thành công nhiều nhân vật có nét tính cách điển hình: mưu mô, thủ đoạn, xảo quyệt, cơ hội, lươn lẹo như nhân vật Thủ, Hàm, Phúc, Sửu. Tất cả đều là những nhân mẫu mới ở nông thôn trong thời đại lúc bấy giờ. Bề ngoài, họ có vẻ mềm mỏng, nhã nhặn nhưng thực chất lại rất thâm độc, sẵn sàng làm tất cả để củng cố vị trí và quyền lực của mình. Trong công việc, họ tỏ ra rất khôn khéo, tính toán kĩ lưỡng, nhưng mỗi hành động, mỗi lời nói ấy lại chứa đựng biết bao mưu mô giảo hoạt. Tính cách tiêu cực của nhóm người này đã được tác giả đặc tả qua việc sử dụng hàng loạt các thành ngữ đắc địa như: ném đá giấu tay, giậu đổ bìm leo, ngậm miệng ăn tiền, đâm bị thóc chọc bị gạo…
Chẳng hạn, chỉ bằng việc sử dụng một vài thành ngữ trong đoạn Thủ hiến kế cho bà Son tìm cách cứu chồng: “Bây giờ ta đang ở thế yếu, nên không thể dùng đòn rắn, đòn cứng để chọi lại, mà phải dùng đòn mềm, lạt mềm buộc chặt! Phải dùng tình cảm để thuyết phục. Mà dùng cách này thì em đã tính hết nhẽ rồi, chỉ có bá mới xong!” [11; 197], đoạn Thủ và Cao “bài binh bố trận” để lật ngược tình thế buộc ông Phúc phải bãi nại không kiện ông Hàm: “Thủ bắt đầu vừa nói vừa phân tích sự bức thiết phải thực hiện bằng được kế hoạch này. Nếu không sẽ là chuyện giậu đổ bìm leo, không chỉ uy tín của dòng họ Trịnh Bá bị chìm, mà các ghế hiện nay của những người có liên quan đến dòng họ này cũng sẽ bị chặt chân rút ván!” [11; 206] hay đoạn đối thoại giữa Hàm và Thủ: “- Lấy độc trị độc, mỡ nó rán nó! Lại dùng ngay cách lão Phúc đã bắt các chú chôn đi chôn lại lão Quềnh.” [11; 74]. “- Có gì mà chú đã tái mào lên như thế! Nó muốn cưa đứt đục suốt thì sẽ được người ta đục thẳng vào cây nóc nhà nó! Đây là dịp tốt để lấy âm trị dương…” [11; 75].
Bên cạnh việc tái hiện những giá trị đạo đức bị băng hoại ở một bộ phận người Việt do tác động của xã hội đương thời, Nguyễn Khắc Trường cũng khẳng định và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt truyền thống với tấm lòng thuỷ chung, gắn bó và sự nhẫn nhịn, hi sinh hết mình cho gia đình. Tiêu biểu trong tác phẩm là Bà Son – một người phụ nữ “Mặt hoa da phấn, thắt đáy lưng ong. Đi một bước là có người theo, người ghẹo một bước…” [11; 86]. Bà từng có tình yêu mãnh liệt với anh giáo Phúc nhưng vì định kiến, vì gia đình bà phải cam chịu lấy Hàm- người mình không yêu và cam chịu cảnh nô lệ suốt đời mà không dám than vãn để giữ hoà khí gia đình: “bà đã làm hết bổn phận của một người vợ, tận tâm tận lực. Khi buồn khi giận, bà nén chặt vào tim… không một lời thở than oán trách”. Với tình yêu thương con cái hết mực, cho nên khi gia đình bà xảy ra mâu thuẫn lớn với dòng họ Vũ Đình bà đã cầu xin chồng bà bằng những lời lẽ chân thành để các con được sống hạnh phúc: “Thôi thì dù sao tôi cũng phải lo cái phận tôi. Lo cho mấy đứa con tôi. Cá chuối đắm đuối vì con. Tôi cắn rơm cắn cỏ xin ông một lần này cũng vì mấy đứa con tôi” [11; 223]. Các thành ngữ “tận tâm tận lực, cá chuối đắm đuối vì con, cắn rơm cắn cỏ” vừa góp phần thể hiện sự chăm chút, vun vén hết lòng, sự nhẫn nhịn của bà Son cho hạnh phúc gia đình vừa thể hiện niềm cảm thương, trân trọng và xót thương của tác giả với nhân vật này.
4. Kết luận
Thành ngữ là lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng lao động nhưng không dễ để trở thành ngôn ngữ nghệ thuật. Muốn đi vào tác phẩm nghệ thuật, những lời ăn tiếng nói ấy phải qua sự sàng lọc, lựa chọn kĩ càng của nhà văn. Dưới góc nhìn văn hoá, thông qua việc khảo sát, phân loại và phân tích giá trị của 438 ThN xuất hiện trong “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường, bài viết đã phần nào làm sáng tỏ một số nét văn hoá đặc trưng của người Việt. Đó là nét văn hoá trong nền nếp sinh hoạt cộng đồng, tín ngưỡng dân gian; trong giao tiếp, ứng xử và trong tính cách con người thời đại bấy giờ. Văn học là tấm gương phản ánh cuộc sống còn ngôn ngữ lại là chất liệu để nhà văn xây dựng lên tác phẩm. Vì vậy mỗi độc giả đều có thể tìm thấy những dấu ấn văn hoá đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng ở những thời điểm lịch sử qua từng trang sách, hay qua chính chất liệu mà nhà văn đã sử dụng.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Đỗ Hữu Châu, Giáo trình từ vựng học tiếng Việt, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2007.
2. Lê Thị Bích Diệp, Cách sử dụng thành ngữ trong tác phẩm của Hồ Anh Thái và Dương Thuỵ, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Vinh, 2012.
3. Nguyễn Thiện Giáp, Từ vựng học tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2009.
4. Hoàng Văn Hành, Thành ngữ học tiếng việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2008.
5. Trần Thị Hiền, Cách sử dụng thành ngữ trong truyện ngắn của Nam Cao và Nguyên Hồng giai đoạn 1930- 1945, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Vinh, 2012.
6. Nguyễn Lực – Lương Văn Đang, Thành ngữ Tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.
7. Vũ Dương Ninh (chủ biên), Lịch sử văn minh thế giới, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2010.
8. Hoàng Trọng Phiến – Mai Ngọc Chừ – Vũ Đức Nghiệu, Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005.
9. Mai Thị Kiều Phượng, Các bình diện của từ và ngữ cố định trong tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2011.
10. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2009.
11. Nguyễn Khắc Trường, Mảnh đất lắm người nhiều ma, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1999.
12. Nguyễn Như Ý, Đại từ điển tiếng Việt, NXB Thông tin, Hà Nội, 1999.