Một số suy nghĩ về CƠ SỞ LÀM TIÊU CHÍ cho SỰ PHÂN KỲ HÁN VĂN VIỆT NAM

PHẠM VĂN KHOÁI

1.

     Thực tế sử dụng chữ Hán từ khi nước nhà độc lập (thế kỷ X), cho đến những năm đầu thế kỷ XX, kéo dài gần chục thế kỷ. Trong thời gian đó, chữ Hán được dùng như một ngôn ngữ viết với những đặc điểm chuyên biệt của mình về chức năng và cấu trúc. Sản phẩm cụ thể cho quá trình sử dụng hình thái ngôn ngữ viết này là thực thể Hán văn Việt Nam. Có một câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: cái thực thể ngôn ngữ viết này có những đặc điểm gì về mặt chức năng và cấu trúc ? Có thể phân kỳ quá trình tồn tại của nó để qua đó thấy sự diễn biến của nó được không ? Phân kỳ thì phải dựa vào cơ sở nào ? xuất phát từ những tiêu chí nào ?… Đó là những câu hỏi không dễ dàng có lời giải đáp ngay lập tức, mà chỉ có thể có được khi tiến hành nghiên cứu thực thể ngôn ngữ viết này trong môi trường song ngữ Việt – Hán. ở bài viết này, chúng tôi bước đầu nêu ra một vài suy nghĩ của mình về những cơ sở làm tiêu chí cho sự phân kỳ đó từ góc độ ngôn ngữ.

2.

     Ý tưởng về phân kỳ quá trình sử dụng chữ Hán ở Việt Nam thời độc lập đã được nhiều người đề cập đến. ở đây, chúng tôi xin nêu ra hai đại diện tiêu biểu: Dương Quảng Hàm (Dương Quảng Hàm –Việt Nam văn học sử yếu,tái bản năm 1993) và John De Francis (John De Francis – Colonialism and Language Policy in Vietnam, 1977).

     Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu đã chia việc học chữ Nho ở Việt Nam ra hai thời kỳ lớn:

a) Việc học chữ Nho trong các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý sơ (từ đầu thế kỷ X đến giữa thế kỷ XI).

b) Việc học chữ Nho ở các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn (từ giữa thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIX).

     Trên cơ sở phân kỳ học chữ Hán như thế, ông tiến hành phân kỳ Hán văn Việt Nam ra: thời kỳ Lý, Trần (thế kỷ XI – XIV); thời kỳ Lê, Mạc (thế kỷ XV và XVI); thời kỳ Nam Bắc phân tranh (thế kỷ XVII, XVIII); thời kỳ cận kim (Nguyễn triều – thế kỷ thứ XIX).

     Tuy phân kỳ Hán văn Việt Nam của Dương Quảng Hàm thiên về mục tiêu trình bày và lý giải lịch sử văn học Việt Nam, song, qua cách phân kỳ của ông, ta thấy ông dựa chủ yếu vào vấn đề giáo dục sử dụng chữ Hán và vị trí của Nho học, để qua đó trình bày lịch sử văn học viết bằng chữ Hán.

     John De Francis trong công trình Chủ nghĩa thực dân và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam (Colonialism and Language Policy in Vietnam, 1977) lại đề cập đến thực tế sử dụng chữ Hán ở Việt Nam từ góc độ ngôn ngữ học xã hội, để qua đó tìm ra vị thế, quy chế của hình thái ngôn ngữ viết này trong mối liên hệ với chữ Nôm, chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, để tìm hiểu chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam trong quá khứ. Trên cơ sở đó, ông đã theo tuyến thời gian, để vạch ra những đặc điểm về chức năng của Hán văn trong các giai đoạn 939-1651, 1651-1861, 1861 – 1945 (John De Francis, 1977).

     Theo chúng tôi, Hán văn Việt Nam trên thực tế là một thực thể ngôn ngữ viết vay mượn hành chức trong môi trường song ngữ Việt – Hán, nó có những đặc trưng của mình về chức năng và cấu trúc. Do vậy, muốn tìm hiểu nó phải dựa trên các cơ sở có tính chất tiêu chí sau:

a) Đặt nó vào môi trường song ngữ Việt – Hán.

b) Phải xem nó trong mối liên hệ với những thực tế vận động và biến đổi của các hình thái ngôn ngữ viết ở Trung Quốc thời trung thế kỷ – trước hết là văn ngôn, và sau đó, trong những chừng mực nhất định, phải chú ý đến cả bạch thoại trung đại nữa.

      Nếu xuất phát từ hai cơ sở đó để tìm hiểu thực thể Hán văn Việt Nam (hay đúng hơn để tìm hiểu thực tế sử dụng chữ Hán ở Việt Nam từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX), thì việc phân kỳ Hán văn Việt Nam cũng phải dựa trên những cơ sở làm tiêu chí đó. Phân kỳ hay nêu ra những mốc nào đó trong quá trình sử dụng chữ Hán ở Việt Nam, phải làm cho ta thấy được sự vận động, tiến hóa về chức năng và cấu trúc của hình thái ngôn ngữ viết vay mượn này.

3.

     Đặt Hán văn vào môi trường song ngữ Việt – Hán có nghĩa là xem xét các chức năng xã hội mà chữ Hán đảm nhận. Trong môi trường song ngữ Việt – Hán, Hán văn có các chức năng xã hội sau:

     – Là ngôn ngữ viết của các hoạt động nghi thức, ngoại giao, tổ chức Nhà nước… Tựu trung, đó là ngôn ngữ có chức năng hành chính. Chính địa vị này của chữ Hán ở thời trung đại đã tạo nên sức mạnh có tính chính thống quốc gia – văn tự của nó.

     – Là ngôn ngữ của giáo dục. Chỉ có ai nắm được chữ Hán mới có hy vọng nắm được các nội dung giáo dục theo quy định của đương thời, mới hy vọng đạt được những học vị và danh hiệu cũng như đẳng cấp trong bộ máy quản lý xã hội và có uy tín xã hội.

     Nói đến chức năng trong giáo dục của chữ Hán tức là nói đến hệ thống học hành, thi cử. Dường như trong lịch sử giáo dục bằng chữ Hán ở Việt Nam, lúc đầu học chữ Hán có tính tự phát, và sau đó, Nhà nước tổ chức thi cử. Các chính sách về thi cử là nhân tố chi phối rất lớn đến học hành chữ Hán, do vậy, tạo nên sự thay đổi rất lớn đến thực tế sử dụng chữ Hán. Đọc Hán văn Việt Nam, ta thấy dường như thi cử là nhân tố chi phối rất lớn đến phong cách viết của cả thời kỳ, thời đại.

     – Chức năng là ngôn ngữ của học thuật cao cấp. Điều này thể hiện ở chỗ chữ Hán sẽ là ngôn ngữ mà người Việt Nam diễn đạt những suy tư của mình về các vấn đề học thuật mà thời đại và hoàn cảnh đã mang lại cho họ trong đó bao gồm các trước tác lịch sử, địa lý, y học và các lĩnh vực khác.

     – Chức năng là ngôn ngữ của hoạt động văn chương, sáng tác, tựu trung đó là ngôn ngữ của sáng tác văn học. Với chức năng này, ngôn ngữ viết chữ Hán có những đặc trưng phong cách riêng…

     Song trên đây chỉ là sự điểm lại một cách sơ lược những chức năng xã hội của chữ Hán trong môi trường song ngữ Việt – Hán. Càng đi sâu vào, càng thấy sự phức tạp và tế nhị hơn nhiều… Sự phân tích trên đây chỉ có tác dụng cho phép chúng ta nhận ra những điểm chủ yếu mà thôi.

4.

     Còn vấn đề mối liên hệ thực tế sử dụng chữ Hán ở Việt Nam với các hình thái ngôn ngữ viết ở Trung Quốc các thế kỷ trung đại cũng vô cùng phức tạp. Tuy vậy, các vấn đề về hình thái ngôn ngữ viết của tiếng Hán và lịch sử tiếng Hán thì đã được giới Hán ngữ học Trung Quốc và quốc tế đề cập đến nhiều. Chúng tôi chỉ lưu ý rằng giai đoạn mà chữ Hán được sử dụng ở Việt Nam thời độc lập tự chủ, về căn bản là giai đoạn mà ở Trung Quốc lúc đó cũng song tồn hai hình thái ngôn ngữ viết văn ngôn  bạch thoại. Bản thân văn ngôn ở Trung Quốc, thời trung thế kỷ và cận đại, không phải là một ngôn ngữ viết đóng kín mà nó cũng tự vận động để thu vào mình rất nhiều yếu tố của bạch thoại.

     Độc lập, tự chủ nhưng điều ấy không có nghĩa là sử dụng chữ Hán ở Việt Nam đoạn tuyệt hoàn toàn với những biến đổi về phong cách viết ở Trung Quốc mà sự giao lưu vẫn tiếp tục. Hán văn Việt Nam, một mặt, vừa là bảo tàng lưu giữ lại những dạng thức cổ vốn được học từ các kinh điển Nho giáo và các văn bản sử. Mặt khác, nó luôn chịu ảnh hưởng của những thay đổi về phong cách của văn ngôn ở Trung Quốc trong những chừng mực nhất định. Điều này thể hiện qua các nhận xét của các bậc đại Nho uyên thâm Hán học như Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút của ông. Những đặc điểm đó tạo nên những đặc điểm về cấu trúc, phong cách ngôn ngữ của Hán văn Việt Nam. Bởi vậy, xét về ngôn ngữ, chữ Hán ở Việt Nam 10 thế kỷ của thời tự chủ (từ thế kỷ X đến thế kỷ XX), trong môi trường song ngữ Việt – Hán và trong mối quan hệ với các hình thái ngôn ngữ viết của chữ Hán trong thời trung thế kỷ ở Trung Quốc, nếu xét về chức năng và cấu trúc, về đại thể có thể được chia thành:

     – Hán văn từ X – XIV (Hán văn của các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ).

     – Hán văn từ thế kỷ XV – nửa đầu XIX (Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn sơ).

     – Hán văn nửa cuối XIX – những năm đầu thế kỷ XX.

5.

     Hán văn từ thế kỷ X – XIV (thường được gọi là thời kỳ Lý – Trần). Đặc điểm của giai đoạn này là: Chữ Hán là ngôn ngữ viết quan phương, nghi thức. Với thời gian, nhân tố chữ Hán ngày càng được xác lập trong phạm vi giáo dục, thi cử…

     Thi cử ở thời kỳ Lý – Trần được xác lập một cách dần dần. Việc chọn nhân tài lúc đầu chưa được dựa nhiều vào thi cử. Thi cử chưa được tiến hành liên tục. Đôi khi, lại có cả khoa thi Tam giáo. Việc thi cử thực sự có hệ thống là vào những khoa thi cuối thời Trần, nhất là khoa thi năm Bính Tý (1396). Khoa này được coi là khoa thi căn bản mà các khoa thi sau đó đều dựa vào đó. Về khoa thi này, Đại Việt sử ký toàn thư viết: “… Xuống chiếu quy định cách thức thi chọn nhân tài, dùng thể văn bốn kỳ, bãi bỏ phép viết ám tả cổ văn. Kỳ thứ nhất, thi một bài kinh nghĩa có các phần: phá đề, tiếp ngữ, tiểu giảng, nguyên đề, đại giảng, kết luận, từ 500 chữ trở lên. Kỳ thứ hai, thi một bài thơ Đường luật, một bài phú cổ thể, hay thể Ly tao, thể Văn tuyển, cũng từ 500 chữ trở lên. Kỳ thứ ba, thi một bài chiếu theo thể Hán, một bài chế, một bài biểu thể tứ lục đời Đường. Kỳ thứ tư, một bài văn sách, ra đề thi theo kinh sử hay thời sự mỗi bài phải 1000 chữ trở lên. Cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội, người đỗ thì vua cho thi một bài văn sách để xếp bậc” (Ngô Sĩ Liên, 1993, tr.189).

     Tổ chức thi cử thời Lý – Trần, nói chung, chưa được coi là liên tục. Lối học chữ Hán thời Lý – Trần chưa hẳn đã là lối khoa cử từ chương, mà chủ yếu là chọn những người biết chữ ra làm việc. Chính lối học như thế, cho nên, di sản chữ Hán thời Lý – Trần nay còn lại không nhiều, nhưng tuyệt nhiên không phải là những văn bản từ chương trống rỗng… mà lại phác thực, có ý vị của Hán văn thời Lưỡng Hán… như Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ, Phan Huy Chú… đã từng nhận xét. “Sĩ quân tử thời Trần phẩm hạnh và thanh giới cao khiết có tư cách của người trí thức quân tử như thời Tây Hán, không phải kẻ tầm thường sánh được. Bởi vì, nhà Trần đãi kẻ sĩ một cách khoan dung, không hẹp hòi, hòa vị mà có lễ phép, cho nên, văn sĩ thời ấy ai cũng biết tự lập, anh hào tuấn vĩ vượt ra ngoài biên tục, làm quang vinh sử sách, không thẹn với trời đất, há phải thời sau kịp được đâu“ (Lê Quý Đôn). “Ta thường xét về văn hiến nước ta, văn thời Lý thì già dặn, súc tích như văn thời Hán. Xem như bài Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, bài hịch của Lý Thái Tông kể tội Vương An Thạch và bài di chiếu của Nhân Tông thì biết. Đến văn thời Trần thì càng rườm rà, hơi kém đời Lý nhưng còn có phép tắc, nhã nhặn và trau chuốt; nghị luận phô bày đều có sở trường cả, so với những văn các danh gia thời Hán, Đường không đến nỗi kém lắm. Hoặc giả có đôi ba bài để lẫn vào trong tập văn Hán – Đường, cũng không khác gì, chưa dễ mấy người đã phân biệt được“ (Vũ trung tùy bút, tr.136).

     Dẫn ra một vài ý kiến của các trí thức trong học thuật truyền thống trên đây, chúng tôi muốn nói đến cái học học phong và văn phong chữ Hán thời Lý – Trần hay của Hán văn Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV. Do không bị cái học từ chương chế ngự, nên văn chương của họ chuộng về phác thực và đó cũng là đặc điểm căn bản của Hán văn Lý – Trần nếu ta so sánh với các giai đoạn khác.

     Xét về mặt phong cách – thể loại, Hán văn Lý – Trần dường như có một thực tế mà ai cũng cần lưu ý: gần như toàn bộ Hán văn thời Lý còn lại đến giờ là, các văn bản tổ chức Nhà nước và ngữ lục Thiền tông. Phạm trù thơ Nho học hầu như vắng bóng. Tình hình này thay đổi vào thời Trần và phần bán hạ thế kỷ XIV, dường như tinh thần học thuật và các vấn đề xã hội đã chuyển sang một vòng xoáy khác, quỹ đạo khác, khi Nho sĩ đã chiếm được những vị trí xác định. Các Nho thần như Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh đã tấu trình Trần Minh Tông thay đổi thể chế sinh hoạt văn hóa, song không phải vua Trần Minh Tông đã chấp nhận ngay: “Nước ta đã có phép tắc nhất định, vả lại Nam Bắc phong tục khác nhau. Nếu theo lời của các ngươi chỉ cốt cho thành tựu mưu chước thì chỉ sinh họa mà thôi”. Vua Dụ Tông cũng nói “Triều đình dựng nước trị có pháp độ riêng, không theo chế độ nhà Tống vì Nam Bắc đều làm chủ nước mình, không cần phải bắt chước nhau” (Việt Nam Phật giáo sử luận. tr.475).

     Sự thay đổi trong cấu trúc văn hóa, giáo dục trên đây ở những thập niên cuối thế kỷ XIV đã đặt cơ sở cho sự thay đổi về cấu trúc và chức năng của việc sử dụng chữ Hán các thế kỷ sau đó. Do Nho học được chú trọng, người đi học dần dần chỉ chú trọng vào học các văn bản Nho. Mô phỏng về tư tưởng thì sẽ dẫn đến mô phỏng về ngôn ngữ, bởi vì, các văn bản về Nho chủ yếu là các văn bản dựa trên ngôn ngữ của tiếng Hán cổ thời Tiên Tần.

6. Hán văn thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XIX

     Hán văn thế kỷ XV đến nửa đầu thế kỷ XIX tuy là chữ Hán của năm triều đại: Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn, song xét về phương diện chức năng và cấu trúc có thể xếp vào một thời kỳ. Lý do ở chỗ xếp này là ở chỗ: trong môi trường song ngữ Việt – Hán, chữ Hán vẫn là ngôn ngữ chính thống, vẫn là ngôn ngữ chủ đạo trong hành chính, giáo dục và trước thuật và trong sáng tác văn học (đương nhiên ở một số lĩnh vực và ở từng thời điểm cụ thể, nhất là lĩnh vực sáng tác văn học, nhân tố chữ Nôm đã dần dẫn điểm). Thi cử của nhiều triều đại đã trở thành con đường tiến thân duy nhất của nhiều sĩ tử. Điều này dẫn đến nét chung trong việc học chữ Hán và sử dụng chữ Hán. Xếp cả một giai đoạn dài đó vào một thời kỳ, chúng tôi còn xét nó trong mối quan hệ với tình hình văn ngôn ở Trung Quốc.

     Như ai cũng thấy rõ, phong cách viết văn ngôn ở thời Đường – Tống đã có ảnh hưởng lớn lao đến quá trình tồn tại của văn ngôn Trung Quốc trong một chục thế kỷ sau đó. Nho học và văn ngôn có ý vị cổ văn Đường – Tống trở thành học phong, văn phong thời đại. Cái làm nên giá trị của cổ văn Đường -Tống chính là ở chỗ các nhà cổ văn Đường – Tống chủ trương “bắt chước Thánh nhân về tư tưởng chứ không bắt chước Thánh nhân về ngôn ngữ”. Chính lối viết ít nhiều dựa trên cơ sở ngôn ngữ nói đương thời, nên cổ văn Đường Tống có sức sống và trở thành khuôn mẫu cho các đời sau. Nhưng rồi với thời gian, cái ngôn ngữ khuôn mẫu ấy trở nên lạc hậu và khô cứng. Suốt thời Minh – Thanh, trong xã hội có những người đề xuất ý tưởng cải biến ngôn ngữ viết tạo nên các phong cách văn ngôn Đồng Thành và Văn tuyển, song những cải biến ngôn ngữ này không trở thành phong trào xã hội sâu rộng. ở Trung Quốc, trong khoảng thời gian dài từ thời Đường Tống ngay đến tận cuối thế kỷ XIX, người ta vẫn viết theo một lối ngôn ngữ viết trên cơ sở cổ văn của thời Đường – Tống. Có thể coi câu nói sau đây là tiêu biểu cho tinh thần đó:

Học phi Khổng, Mạnh, quân tà thuyết
Ngữ cận Hàn, âu, thủy quốc văn.

     Tất nhiên, ở cuối đời Thanh, Tăng Quốc Phiên có ý muốn dùng lối văn của trường phái văn ngôn Đồng Thành làm ngôn ngữ viết trên văn đàn, nhưng điều đó đã không đi đến kết quả. Điều đó có nghĩa là, sau các biến đổi ngôn ngữ viết ở thời Đường, Tống, văn ngôn Trung Quốc không có những cuộc biến đổi có ý nghĩa lịch sử như thế nữa. Văn ngôn thời Minh – Thanh do thế càng trở nên khô cứng. Chữ Hán ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ XV – XIX cũng chịu ảnh hưởng của tình hình trên. Từ thế kỷ XV trở đi, Nho học đã trở thành độc tôn và tình hình ấy cũng ảnh hưởng đến ngôn ngữ viết chữ Hán. Các sách vở đem ra dạy học trò ngày càng được nhất thể hóa, chính quy hóa theo quy định của Nhà nước (điều này đặc biệt rõ nét vào thời nhà Nguyễn), thành ra, mô phỏng trở thành tệ lậu vào cuối thời Lê Trung hưng.

     Về mặt thể loại – phong cách viết, chữ Hán giai đoạn này ngoài những gì đã đạt được ở thời Lý – Trần, nó lại tiếp tục đảm nhận những vị trí mới trong vấn đề xây dựng những cái căn bản và cơ sở của nước nhà (viết sử, địa chí, là ngôn ngữ khoa học, trước thuật…). Những biểu hiện trên đây trong việc dùng chữ Hán đã tăng thêm chức năng mới của chữ Hán.

     Tuy tồn tại trong thời gian dài có nhiều triều đại song do tư tưởng của các triều đại này đều lấy Khổng – Mạnh làm căn bản, sách dạy cho học trò là kinh điển Nho gia và văn ngôn Trung Quốc, giai đoạn đó không có những biến đổi lớn, Hán văn trong giai đoạn này về căn bản là giống nhau về chức năng và cấu trúc, nên có thể xếp chúng cùng một nhóm nếu xét về mặt ngôn ngữ.

     Tất nhiên Hán văn giai đoạn này cũng chịu ảnh hưởng của lối văn bạch thoại (các nhà Nho lại trực tiếp đọc bạch thoại). Trong nhiều văn bản có tính chất tiểu thuyết như Hoàng Lê Nhất thống chí… lại được viết với một ngôn ngữ ít nhiều không giống với văn ngôn truyền thống mà lại gần với ngôn ngữ bạch thoại. Không có môi trường ngôn ngữ nói, các văn bản này, xét về mặt ngôn ngữ, không thể được coi là ngôn ngữ bạch thoại thật sự. Đúng hơn nên coi đó là lối văn hỗn nhập.

7. Hán văn nửa cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX

     Đặc điểm trong giai đoạn này trong sự phổ biến và sử dụng chữ Hán là ở chỗ: chữ Hán dần dần giải thể về chức năng và cấu trúc. Trước hết là ở Nam Kỳ và sau đó là ở Bắc Kỳ. Giải thể về chức năng và cấu trúc từng bước dẫn đến sự chấm dứt sử dụng chữ Hán như một ngôn ngữ viết đã diễn ra vào năm 1919 với khoa Điện thí ở Huế.

     Giải thể về chức năng và cấu trúc, song đó không phải là sự giải thể tức thời mà đã diễn ra từng bước. Trong thời gian này, bản thân Hán văn cũng có những biến đổi bởi lẽ điều kiện xã hội Việt Nam và Đông á lúc này bước vào giai đoạn thời Âu – á. Văn ngôn ở Trung Quốc cũng bước vào giai đoạn mới, với những phong cách viết mới chẳng hạn như phong cách viết của Lương Khải Siêu (1873 – 1929) – lối viết Tân văn thể. Có thể coi chữ Hán giai đoạn này như là cái cầu chuyển, là bước trung gian cho sự phát triển của tiếng Việt trong phạm vi là ngôn ngữ viết hành chính và giáo dục. Hán văn Việt Nam giai đoạn này, trong tay các chiến sĩ yêu nước còn là vũ khí tập hợp động viên đồng bào, chứa chan nhiệt huyết yêu nước và được viết với một phong cách hoàn toàn mới. Trên thực tế, đó là một giai đoạn của Hán văn Việt Nam có nhiều đặc điểm chuyên biệt về cấu trúc, chức năng.

8.

     Trên đây là một vài suy nghĩ của chúng tôi về những cơ sở làm tiêu chí cho sự phân kỳ lịch sử của Hán văn Việt Nam từ góc độ ngôn ngữ. Hán văn Việt Nam của 10 thế kỷ nước nhà tự chủ là một ngôn ngữ viết, vậy cần phải xem nó như là một thực thể ngôn ngữ với những đặc trưng chức năng và cấu trúc vốn có của mình. Phân kỳ nó trên cơ sở đặt nó vào môi trường song ngữ Việt – Hán và trong mối liên hệ với thực tế văn ngôn ở Trung Quốc sẽ góp phần làm sáng tỏ thực thể Hán văn Việt Nam.

CÁC TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. John De Francis:Colonicalism and Language Policy in VietnamMouton Publishers The Haguae – Paris – New York – 1977.

2. Dương Quảng Hàm:Việt Nam văn học sử yếu. Nxb. Tổng hợp Đồng Tháp, 1993.

3. Phạm Đình Hổ:Vũ trung tùy bút.Nxb. Trẻ. Hội nghiên cứu giảng dạy văn học T.P. Hồ Chí Minh. 1989.

4. Nguyễn Lang:Việt Nam Phật giáo sử luận.Tập 1, Nxb. Văn học. H. 1992.

5. Ngô Sĩ Liên:Đại Việt sử ký toàn thư(bản dịch). Nxb. KHXH. H. 1993.

6. M.V. Xophonov:Kitaixki jazưk i Kitaixkoie obsextvo.Nauka. M. 1979.

Nguồn: http://www.hannom.org.vn/

Thánh Địa Việt Nam Học
(https://thanhdiavietnamhoc.com)